Tôi ở cùng phòng với một phụ nữ trạc ngũ tuần. Mẹ trước khi về đã nói với bà ấy, “Nhờ chị để ý tới cháu”, vì thế tôi đã cúi đầu để cảm ơn. Người phụ nữ đó trông có vẻ trầm lặng với cặp mắt buồn man mác, xa xôi như khung cảnh nơi đây vậy. Còn tôi, tôi lo lắng không biết cuộc sống sẽ ban cho tôi điều gì phía trước.
Buổi chiều, tôi cùng với bác ấy đi dạo, chúng tôi ngồi trên phiến ghế dài dưới những tán anh đào lặng ngắm những tia nắng nhảy múa trên những tán lá. Vì tôi bị cận từ bé nên không thể nhìn cho rõ, nhưng tôi cảm nhận được vẻ đẹp màu xanh của lá trong nắng. Và cảm nhận được sự thoi thóp của những chiếc lá sắp phải lìa cành cuốn theo làn gió.
Ở bệnh viện, tôi sẽ dậy lúc 9 giờ sáng và ăn tối lúc 4 rưỡi chiều, có vẻ như hơi sớm. Cảm giác về cuộc sống cũng thay đổi, một ngày ở đây trôi qua thật bình lặng và chậm chạp.
Tôi phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra như điện cơ đồ (cái này đau lắm), điện tâm đồ, X quang và kiểm tra thính giác. Mỗi lần phải chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, tôi phải đi qua những hành lang tối, rất dễ bị lạc, những lần bước qua không gian tối đặc đó, tôi cảm tưởng như chính cuộc đời mình vậy, đen tối và chưa có lối thóat.
Bác sĩ của tôi, Yamamoto Hiroko (giáo sư trường Fujita Hokeneisei Daigaku ở Shinkeinaika) nói là, cuối cùng tôi cũng phải tiêm thuốc, như thế sẽ khá hơn. Để theo dõi tác dụng của thuốc trước và sau khi tiêm, các bác sĩ sẽ ghi hình tôi các cử động của tôi như đi lại, lên xuống lầu, bấm nút bằng một máy quay 16mm.
Tôi tự hỏi, sẽ như thế nào khi tôi lớn lên, hoặc tôi có thể làm gì?
Có 3 yêu cầu mà tôi phải đối mặt:
1.Một việc không đòi hỏi nhiều về chân tay.
2.Một việc đơn thuần bằng trí óc.
3.Một việc nhẹ nhàng và tươm tất.
Sẽ thật là khó, tôi tự hỏi không biết có công việc nào có đủ 3 điều trên không.
Một hôm, ở ngoài sân, có một số y tá gọi tôi lại chơi cùng.
“Đứng bằng mũi chân! Nhắm mắt lại! Có làm được không?”
Nhưng có gì đó xảy ra ở xương chậu của tôi …
Sau đó, họ còn hỏi “Vui chứ?”
….
Tôi không thể làm được như thế.
Tôi đã muốn nói “Tôi đâu phải con chuột, dừng lại đi!”
….
Chủ nhật, ngày tôi mong chờ nhất cuối cùng cũng đến. Mẹ và em gái tôi tới thăm. Chúng tôi cùng lên mái nhà để phơi quần áo. Bầu trời trong xanh trông thật đẹp, nâng đỡ những đám mây trắng hững hờ lặng lẽ trôi thật duyên dáng. Những cơn gió nhè nhẹ thật đáng yêu như sưởi ấm cõi lòng, như đưa tôi cảm giác được trở lại làm người. Các bác sĩ đã rút một ít chất lỏng ở tủy sống, đến giờ đầu tôi vẫn còn đau, đau không chịu nổi, nghĩ về những mũi tiêm, tôi càng hãi hùng.
Cả nhà của chú Michan (em trai mẹ)cũng tới thăm tôi. Nhìn mắt ông ngoại đỏ hoe, tôi đã cố muốn nói vài điều với ông nhưng không thể, và nước mắt tôi bắt đầu rơi …
“Cháu nom ông có lạ không? Ông cháu phải làm việc vất vả và tối nào cũng phải ngủ muộn đấy” – Ông nói.
Mắt ông long lanh như mắt thỏ vậy, như thể ông đang khóc, tự dưng tôi cảm thấy thật đen tối và tồi tệ.
“Aya, cố lên cháu. Lần tới, ông sẽ mang đồ ăn ngon cho cháu, cháu có thích gì không?”
“Cháu muốn một cuốn sách, cuốn Chào nỗi buồn của Sagan. Cháu rất muốn đọc nó, ông ạ! ”
Hôm nay tôi đã tới phòng Vật lý trị liệu được đặt ngầm dưới đất.
Tôi đã làm bài kiểm tra dưới sự giám sát của bác sĩ Kawabashi và Imaeda.
Lúc đó, tôi đã nói vài điều thật ngớ ngẩn, tôi không thể tin là mình có thể nói với họ rằng tôi thích tiếng Nhật và tiếng Anh, và rằng tôi kì vọng vào những môn đó rất nhiều, và điểm số của tôi luôn cao nhất lớp như thế nào. Đây có thể là lần cuối tôi kiêu hãnh về điểm số của mình … nó làm tôi trông thật khốn khổ, đáng thương như kẻ cướp nhà băng hay gì đó đại loại vậy.
Dù thế nào thì bạn cũng sẽ chẳng bao giờ có thể biết được mình thông minh cỡ nào chỉ quả điểm số hay những bài kiểm tra. Bác sĩ Kawabashi nói rằng, khi còn là sinh viên, chú ấy là một kẻ luôn phá quấy và sinh sự, ai cũng ghét …
Thậm chí, nếu chỉ thế thôi thì cũng tốt hơn tôi bây giờ rất nhiều rồi, ít nhất thì chú ấy cũng có thứ quý giá nhất đời người: sức khỏe. Mỗi khi nhìn lại cơ thể mình, nghĩ rằng mình còn quá trẻ, tôi lại cảm thấy tủi thân và thế là nước mắt lại rơi. Tôi sẽ chẳng nói về điều gì nhiều nữa. Sau khi viết được những gì mình muốn viết, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Lý do tại sao tôi lại học chăm chỉ là vì đó là thứ duy nhất mà tôi giỏi giang. Nếu ai đó lấy sự học ra khỏi tôi, tất cả còn lại cũng chỉ là một cơ thể vô dụng. Tôi không muốn điều đó.
Có thể là khó nghe, có thể là rất buồn, nhưng thực sự là tôi chẳng quan tâm là mình có ngu ngốc hay không, tôi chỉ muốn một thân thể khỏe mạnh.
Mình vừa đọc truyện này vừa nghe Planetarium của Ai Otruka, cảm giác rất tuyệt. Mặc dù câu chuyện của Aya rất buồn, nhưng khi đọc những trang nhật kí này và nghe bài hát kia, mình không buồn mà chỉ cảm thấy khâm phục sự kiên cường chống chọi với bệnh tật và khát khao sống mãnh liệt của Aya. Rất thích câu nói của người mẹ: “Đừng nghĩ rằng con thiếu may mắn. Con sẽ thấy hạnh phúc hơn khi biết rằng trên đời này còn có những người đau khổ, bất hạnh hơn con.”