1976

Chương 6



Chúng tôi ngồi vào một cái bàn thấp bé, thím bới cho mỗi người một bát cơm lớn. Cơm của thím nấu có hơi nhão, tôi không quen ăn cơm như này, tôi chỉ thích ăn cơm khô, từng hạt rõ ràng, hơi cứng một chút thì càng tốt. Nhưng tôi không lên tiếng phàn nàn. Ăn cơm nhà người khác thì không được phép lắm lời.

Đồ ăn được bưng lên chỉ có một đĩa củ cải trắng. Trong lòng tôi rất muốn nói “Không còn đồ ăn khác sao?” Lúc ở Liên Vân Cảng mỗi bữa ăn đều có mấy món, có đầy đủ thịt và rau… Hơn nữa từ trước đến nay tôi không thích ăn củ cải trắng. Nhưng bây giờ chỉ có một món này, muốn không ăn cũng không được. Tôi nếm thử một miếng, mặt chát! Sao lại mặn như thế chứ?

Tôi liền nuốt một miệng cơm lớn, nhịn không được nói: “Thím ơi, củ cải trắng mặn quá!”

“Sao?” Trong miệng thím vẫn còn nhai cơm, hàm hồ nói: “Mặn lắm sao?”

“Vâng.” Bà nội nói khi nhai cơm mà nói chuyện là không lễ phép, cho dù từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng nhập gia tùy tục, vẫn là không nên nói gì cả.

Vương Câu Đắc Nhi liếc tôi một cái, hình như cậu ta không cảm thấy mặn chút nào. Thím cũng không trả lời tôi, ngược lại có vẻ không vui. Tôi đột nhiên nhớ tới có lần ăn cơm ở nhà Vương Câu Đắc Nhi, nhà cậu ta cũng ăn mặn như thế. Tôi về nhà mách với mẹ rằng: “Không hiểu sao nhà họ lại làm đồ ăn mặn như vậy!”

Mẹ nói: “Bởi vì nhà họ không giàu có nên phải thêm nhiều muối một chút, vậy thì ít tốn đồ ăn. Như thế sẽ không xảy ra tình trạng cả nhà ăn không đủ.”

Lúc ấy tôi cảm thấy nhà Vương Câu Đắc Nhi thật đáng thương, cũng hiểu được nhà chúng tôi có của cải đầy đủ quả thật không dễ dàng gì. Nhưng mãi cho đến vừa rồi, bao nhiêu thương cảm của tôi đều bay biến hết. Tôi không nói thêm một lời mà vùi đầu ăn. Củ cải trắng rất khó ăn, nhưng không còn cách nào khác, bởi vì đói nên tôi ăn rất nhiều. Ăn cơm xong tôi lập tức uống một bình nước lớn.

Xuất phát từ thói quen, tôi lại đi đánh răng. Nhà vệ sinh trong sân không phải là rất bẩn, nhưng so với cái ở nhà lúc trước đơn sơ hơn nhiều, tôi vẫn chưa thể thích ứng. Không sao cả, từ từ sẽ quen thôi.

Trời dần buông xuống, chú và thím đã làm xong công việc bề bộn trong tay, chú hỏi chúng tôi: “Mộ Đông, Canh Vân, hai đứa có muốn đi xem phim không?”

Chúng tôi lập tức hưng phấn. Khi còn bé, tôi đã từng cùng ông nội và bà nội đến rạp chiếu phim xem một lần, tôi chỉ mơ hồ nhớ ở cửa vào có một ông già bán vé đứng diễu võ dương oai, trong tay cầm rất nhiều tiền xanh xanh đỏ đỏ, ông ta giống như rất có quyền uy, làm cho khi ấy tôi có một ước mơ là lớn lên sẽ làm người bán vé ở rạp chiếu phim. Nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện, nên phim là cái gì tôi hoàn toàn không biết, rất nhanh đã nằm trong tay bà nội ngủ mất.

Vương Câu Đắc Nhi thì chưa từng được xem phim, đây là lần đầu tiên cậu xem. Lúc này chúng tôi vô cùng hưng phấn chạy ra cửa.

Cả chú và thím đều ra cửa, mỗi người cầm một cái ghế xếp nhỏ, thím ở phía sau đóng cửa lại. “Đi bên này.” Chú chỉ sang một hướng, chúng tôi liền hoan hô chạy qua, lại nhìn thấy thím đi về hướng ngược lại.

“Thím ơi.” Vương Câu Đắc Nhi kêu một tiếng: “Thím đi đâu vậy?”

“À, thím đi xem hí.” Thím cười nói: “Hai đứa có muốn xem hí không?”

Vương Câu Đắc Nhi nói: “Bọn cháu muốn xem phim.”

Ba người chúng tôi đi xuyên qua con hẻm nhỏ, phút chốc đã thấy một quảng trường lớn hiện lên trước mắt. Trong đó đã tụ tập rất nhiều người, đèn điện bên cạnh phát ra ánh sáng rất chói mắt, dường như chỉ có vòm trời màu đen phía trên là có được một chút ánh sáng nhẹ nhàng.

Phía trước quảng trường có một cái màn hình lớn, trước màn hình đã đầy người ngồi ghế xếp nhỏ. Có một đứa nhóc vui vẻ cưỡi trên vai cha nó, bộ dáng rất oai phong. Phim đã bắt đầu chiếu rồi nhưng người vẫn còn ồn ào như trước, có một bà lão đội khăn trùm la om sòm, dáng vẻ tươi cười của bà và hàm răng vàng rất giống với thím. Không phải tất cả bà cụ trên đời đều giống bà nội.

Hình như phim đang chiếu về một cuộc chiến tranh, nhưng có lẽ không phải là kháng Nhật, tôi nhận ra được giặc Nhật. Tôi nhìn vẻ mặt đang nghiêm túc và chăm chú xem phim của chú, hỏi: “Chú ơi, đây là chiến tranh gì thế?”

“Chiến tranh Triều Tiên.” (Nguyễn văn: Kháng Mỹ viện Triều: người TQ ủng hộ Triều Tiên chống Mỹ vào những năm 1950.)

“Gì cơ?”

“Chiến tranh Triều Tiên!”

“Chiến tranh Triều Tiên là cái gì?” Vương Câu Đắc Nhi hỏi.

“…” Chú xem rất chuyên chú nên không trả lời, chúng tôi chỉ biết đưa mắt nhìn nhau.

“Nữu Nhi đâu?” Vương Câu Đắc Nhi hỏi tôi.

Tôi liếc cậu ấy một cái: “Sao tớ biết được.”

Chất lượng phim không tính là quá tốt, trên màn hình còn có một ít bông tuyết, hơn nữa màn hình trắng đen không ngừng lắc lư, nhìn một hồi vô cùng mỏi mắt. Tôi xem không hiểu gì cả, cảm thấy nhàm chán nên lại hỏi chú: “Chú ơi xem hí ở đâu vậy?”

“Ra khỏi quảng trường, trở lại nhà chúng ta rồi đi theo hướng của thím con lúc nãy ấy, đi thẳng một đoạn sẽ tới.” Cuối cùng chú cũng chịu trả lời vấn đề của tôi.

Thế là tôi rón rén đứng lên chen khỏi đám người, ra khỏi quảng trường rồi dựa vào trí nhớ mà trở về nhà. Lúc đầu tôi còn tự tin tràn trề, cảm thấy trí nhớ của mình vô cùng rõ ràng, nhưng đi một lúc lại gặp một con chó lớn màu vàng vừa chạy vừa ngửi ngửi cái mũi. Nhìn thấy tôi, nó cảnh giác ngẩng đầu nhe răng định xông tới. Tôi có chút sợ hãi, nhanh chóng nhặt một hòn đá trên mặt đất, sau đó chạy nhanh mấy bước, chạy đến một con hẻm nhỏ vắng người rồi núp vào.

Hình như con chó đó không có hứng thú gì với tôi nên không đuổi theo, vẫy đuôi đi mất. Tôi thở ra một hơi, muốn trở lại con đường lúc nãy. Có lẽ vừa rồi chạy gấp quá nên quên mất phương hướng, tôi bắt đầu cảm thấy không ổn.

Tôi càng đi càng mơ hồ, bầu trời đã tối đen rồi, tôi căn bản không thể phân biệt được nhà cửa ở đây có gì khác nhau. Những ngôi nhà trệt đều cùng một dạng, tôi coi ngôi nhà ba tầng kia là cột mốc, nhưng vẫn không thấy ngôi nhà đó đâu.

Cuối cùng tôi nhìn thấy một ông lão lớn tuổi chậm rãi đi tới, liền chạy qua hỏi đường: “Ông ơi, ông có biết xung quanh đây có nhà nào họ Lâm không?”

“Hả hả?” Ông lão ngoáy lỗ tai, giống như bị lãng tai rồi.

“Ông ơi, ông có biết xung quanh đây có nhà nào họ Lâm không?”

“Ờ ờ.” Ông lão giờ mới mở miệng, khẩu âm địa phương nặng trịch: “Lâm gia ở kia, để ta dẫn cháu đi!”

Tôi chợp được một tia hy vọng, theo ông lão đi thẳng về phía trước. Đi được một đoạn thì dừng lại trước một ngôi nhà lạ hoắc, ông lão chỉ ngón tay vào: “Ở đây này.”

Tôi nhìn thoáng bên trong một cái, trong sân rất bẩn, có đôi mắt của một cô nhóc đang khiếp đảm nhìn chằm chằm vào áo trắng trên người tôi. Tôi cảm ơn ông lão, trong lòng trào lên nỗi lạc lõng. Bây giờ phải làm sao? Sớm biết chưa quen đường quen lối ở đây thì tôi đã không đi một mình rồi. Bây giờ thì hay lắm, không biết làm sao về được nhà, còn chú thím ở nhà có lo lắng hay không? Họ trở về không thấy tôi thì phải làm sao?

Tôi bước vào sân hỏi cô nhóc: “Chào cậu, cậu biết gần đây có ngôi nhà ba tầng nào không?” Cô nhóc không nói chuyện, chỉ ngây ngốc lắc đầu.

Tôi thở dài, đứng bên đường chờ người đi qua.

Lúc này bỗng có một thiếu niên cao cao đi tới, bước chân anh ta rất nhanh rất nhẹ, nhìn anh làm tôi nhớ đến câu chuyện về Thần Hành Thái Bảo Đới Tung mà cha đã từng kể. Trong tay anh cầm mấy bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, vội vàng lướt qua trước mặt tôi. Nhưng cái làm tôi cảm thấy kinh dị nhất là, anh ta đang mặc áo dài! Áo ngoài màu xanh nhạt, dưới chân còn lộ ra áo lót màu trắng bên trong. Trước giờ tôi chỉ thấy ông nội mặc áo dài, trong ấn tượng của tôi chỉ có những ông lão lớn tuổi mới ăn mặc như thế, không nghĩ đến có một thiếu niên chỉ lớn hơn tôi một chút cũng có thể mặc áo dài tự nhiên thoải mái như vậy.

Tôi sững người ngay tại chỗ, quên cả việc hỏi đường. Mãi đến khi anh ta sắp biến mất sau con hẻm nhỏ đen kịt, tôi mới kịp hoàn hồn đuổi theo, vội vàng hô một câu: “Xin chờ một chút!”

Cậu thiếu niên thật sự quay đầu lại. Tôi nhìn mặt anh một cái liền liên tục lui về sau, kinh hô một tiếng: “Á—— ”

Mặt anh rất trắng, không phải là trắng nõn như bình thường, mà là trắng bệch đôi mắt hẹp dài xếch lên, hốc mắt hồng hồng, bờ môi đỏ tươi phối với áo dài dưới ánh trăng nhàn nhạt thế này thật sự quá dọa người. Nhưng chỉ trong chốc lát tôi đã kịp phản ứng: Thì ra là người hát hí khúc.

“Xin chào.” Anh ta bước lên một bước, âm thanh ngược lại rất nhỏ nhẹ, “Có chuyện gì thế?”

“Xin lỗi.” Tôi gãi đầu, “Vừa rồi không nhìn rõ, cứ tưởng là gặp quỷ.”

Anh nhẹ nhàng nở nụ cười, tiếng cười rất khẽ, cảm giác rất hư ảo. Anh lau mặt mình một cái, lộ ra màu da vốn có. “Anh vừa mới hát hí khúc xong, thay đồ rồi mà lại quên chưa tẩy trang.”

Hát hí khúc! Tôi như bắt được cọng rơm cứu mạng: “Em bị lạc đường, anh biết sân khấu kịch ở đâu không?”

“Biết, anh đang định tới đó này, đi theo anh.”

Thế là tôi vô cùng mừng rỡ theo sát anh ta. Một tay anh nhấc áo dài, một tay cầm đồ hóa trang, bước đi rất nhẹ nhàng không phát ra tiếng động nào. Nhìn động tác ưu nhã dứt khoát như thế, tôi nghĩ nếu bà nội gặp được anh nhất định sẽ rất yêu thích.

“Em lạc đường à, mới tới đây phải không?” Anh đi trước dẫn đường cho tôi.

“Em vừa đến lúc chiều.”

“Từ đâu tới?”

“Liên Vân Cảng, Giang Tô.”

“Thế ở nhà của ai?”

“Em ở cùng với chú và thím, còn có một người anh em.”

“Ai nha…” Anh ta mỉm cười nói: “Nhà em chắc là thế gia vọng tộc nhỉ, nếu em mà là con gái nhất định sẽ là tiểu thư khuê các.”

“…” Tôi nhớ đến lời dặn của ông nội nên không dám trả lời.

“Em bao nhiêu tuổi rồi? Được tám tuổi chưa?”

“Tính tuổi ta là bảy tuổi.”

“Vậy cũng không tính là thấp.” Anh ta quay đầu nhìn tôi cười cười, “Anh lớn hơn em năm tuổi.”

Thế là tôi ngọt ngào gọi một tiếng “Anh.”

Anh gật đầu, sóng vai tôi bước đi, bàn tay anh đặt nhẹ lên vai tôi. Tôi hỏi anh: “Anh hát vai gì?”

“Tiểu sinh, hôm nay anh diễn vở “Sài tang quan”, anh diễn thiếu niên Chu Du.” (Tiểu sinh: vai nam trẻ trong hí khúc.)

“Anh diễn xong còn đến sân khấu kịch làm gì?”

“Anh vừa mới về nhà, định đi nghỉ rồi ấy chứ.” Anh ta lắc lắc đồ hóa trang trong tay, “Lại quên trả mấy thứ này, kịch sau phải dùng tới nên anh vội đem trả lại. Mà em tên gì nhỉ?”

“Lâm Mộ Đông.”

“Mộ Đông? Hai chữ đó thế nào?”

“Mộ trong ngưỡng mộ, Đông trong phía đông.”

“À…” Chắc anh ta biết chữ, im lặng một chút mới nói: “Tên này không phải quá hay, trên trấn có rất nhiều người trùng tên với em.”

“Em cũng không thích.” Tôi biết rõ tên này có ý là ngưỡng mộ Chủ tịch, cũng biết phải nói mình rất thích tên này, nhưng không hiểu tại sao đứng trước mặt anh ấy tôi chỉ muốn nói thật, “Anh tên gì?”

“Anh họ Lý, tên là Lý Ngôn Tiếu.”

“Anh Ngôn Tiếu.”

“Không cần gọi thêm anh đâu, cứ kêu là Ngôn Tiếu hay Lý Ngôn Tiếu đều được.”

Tôi cúi đầu nhìn áo dài màu trắng ở bên trong, “Sao anh có thể bước đi nhẹ nhàng như vậy?”

“Nhẹ nhàng á?” Anh cũng cúi đầu nhìn, “Có lẽ hát hí nên luyện ra được.”

“Thế ai dạy anh hát?”

“Mẹ anh.”

“Mẹ anh cũng là người hát hí khúc sao?”

“Ừ, bà diễn vai hoa đán và thanh y.” (Hoa đán: diễn viên đóng vai con gái có tính cách hoạt bát hoặc phóng đãng đanh đá. Thanh y: vai đào trong hí khúc.)

Trước giờ tôi không thích xem hí, nhưng nghe Ngôn Tiếu nói nhiều như thế, đột nhiên lại nảy sinh hứng thú với bộ môn này. Giờ đây tôi tràn đầy mong chờ với sân khấu kịch mà mình cực khổ tìm kiếm kia.

“Đến rồi.” Lý Ngôn Tiếu đi ở phía trước, tôi vừa ra khỏi con phố thì hai mắt liền tỏa sáng, phía trước chính là sân khấu kịch, trong bóng tối tỏa ra ánh sáng màu rực rỡ. Dưới đài có rất nhiều phụ nữ trung niên trạc tuổi thím của tôi, không có ai là con nít giống tôi hết.

“Anh đi nhé.” Lý Ngôn Tiếu vẫy tay với tôi.

“Vâng, tạm biệt anh!”

Chúng tôi tạm biệt xong, tôi nhanh chân lách vào trong đám đông đang xem hí. Trên sân khấu có một đám người gồm cả nam lẫn nữ đang diễn, không giống trong tưởng tượng của tôi, khoác lụa hồng và áo trong màu lục, quần áo rất bình thường, tóc cắt ngắn, họ diễn rất hăng say. Tôi tìm thấy thím trong đám đông, thím không có nghiêm túc xem mà đang bừng bừng phấn khởi tán gẫu với bà dì bên cạnh.

Tôi cố chen vào, liền bị một đám người oán trách. Tôi nhỏ giọng kêu: “Thím!”

“Ai? ” Âm thanh của thím còn kéo dài hơn so với mấy người đang hát, “Mộ Đông, con đến đây làm gì, phim chiếu xong rồi à?”

“Vẫn chưa ạ.”

Thím giới thiệu tôi với người bên cạnh: “Đây là cháu tôi, Lâm Mộ Đông.”

Bà dì bên cạnh gật đầu với tôi: “Mộ Đông, đứa nhỏ trông rất đáng yêu! Nhưng không phải tôi nói gì bà, Thục Phượng này, sao bà lại cho một đứa nhỏ mặc đồ trắng làm gì chứ!”

“Đúng là rất dễ bẩn, nhưng không phải tôi mua cho nó, là cha mẹ nó chọn đấy! Con nít thì sao chứ, nó thích mặc thế nào thì tôi cho nó mặc thế đấy thôi chị Tôn ạ!” Thím ôm tôi trong lòng, còn tôi chỉ chăm chú xem hí. Tôi xem một hồi vẫn không hiểu gì cả nên mới hỏi thím: “Thím ơi, đây là kịch gì vậy?”

“Long Giang tụng.”

“Nói về cái gì ạ?”

“Ai biết nó nói về cái gì.” Hình như thím cũng không hiểu rõ, “Sinh sinh tử tử, ngươi sống ta chết…”

Tôi không thích xem hí khúc kiểu này, tôi chỉ muốn xem vai tiểu sinh, hoa đán và thanh y. Tôi muốn nhìn Lý Ngôn Tiếu của năm mười một tuổi sắm vai tiểu sinh diễn thiếu niên Chu Du. Do trước kia ông nội hay kể “Tam quốc chí” nên tôi biết rất rõ về cuộc đời của Chu Du, đến cuối ông ta vẫn chết vì đố kỵ với Gia Cát Lượng. Nhân vật như vậy mà có thể coi là chính diện ư? Sao một Lý Ngôn Tiếu luôn làm người ta có cảm giác dễ chịu lại đi diễn vai một người có lòng dạ hẹp hòi như thế chứ?”

Tôi ù ù cạc cạc xem một hồi, vở “Long Giang tụng” đã hát xong, ngay sau đó có một hoa đán và một võ tướng bước lên. Trong lòng tôi nổi lên hứng khởi, vực dậy tinh thần nghiêm túc ngồi xem. Hoa đán vừa đi vừa hát, võ tướng thì ngồi một bên. Tôi ẩn ẩn cảm thấy dưới lớp son phấn dày cộm của hoa đán là một khuôn mặt trẻ tuổi xinh đẹp.

Tôi không hiểu vì sao người hát hí phải hóa trang khó coi như vậy? Đuôi mắt vẽ xếch lên, trên mặt bôi phấn trắng bệch, hai bên sườn mặt lại vẽ thêm mấy đường màu đen. Tôi vẫn như trước không hiểu bọn họ đang hát cái gì, chỉ thấy hoa đán kia dùng giọng hát mềm mại uyển chuyển hát:

“Từ khi thiếp theo Đại Vương đông chinh tây chiến, chịu biết bao gian khổ nhọc nhằn, một năm lại tiếp một năm. Chỉ hận bọn bất nhân khiến sinh linh đồ thán, hại dân chúng sống trong khốn khổ lầm than.”

Trong lòng tôi bỗng chốc nổi lên bi thương.

Tôi vẫn nghe dù không hiểu gì, sau đó có mấy người đi xuống, lại có người khác đi lên tiếp tục diễn. Tôi biết rõ kịch đều là giả, diễn viên được luyện tập rất tốt, nhưng điều này không gây trở ngại đến việc tôi thích hí khúc.

Rất nhanh đã gần kết, đột nhiên hoa đán quỳ xuống, đau khổ khẩn cầu: “Đại Vương a, lần này xuất chiến, hy vọng chàng có thể đánh tan vòng vây, đánh bại quân Hán, phục hưng bản đồ nước Sở, cứu vớt bá tánh. Nếu có thiếp đồng hành chẳng phải sẽ ảnh hưởng đến Đại Vương giết địch hay sao? Thôi! Thiếp nguyện dùng bảo kiếm bên eo Đại Vương, tự vẫn trước chàng ”

Lòng tôi giật thót, sợ đến độ đổ mồ hôi.

Võ tướng tranh thủ thời gian lắp bắp nói: “Phi tử, nàng, nàng, không thể hành động nông nổi ahh ”

“Không, Đại Vương!”

“Phi tử chớ nông nỗi!”

Cứ tranh đi đoạt lại như vậy ba bốn lần, hoa đán rút ra bảo kiếm tự tử trên sân khấu! Nàng đưa lưng về phía tôi, tôi không thể nhìn thấy có đổ máu thật hay không. Yết hầu tôi nghẹn cứng, một chữ cũng không thốt lên nổi. Võ tướng lại nói thêm mấy câu gì nữa, nhưng đầu tôi đã ong ong không thể nghe vào. Thím vỗ đầu tôi một cái: “Này, thằng nhóc này, tưởng là thật sao?”

Tôi lại càng hoảng sợ, lập tức có một vài người sắm vai thị nữ bình tĩnh kéo hoa đán xuống, vở diễn kết thúc. Tôi thở dài một hơi, gãi gãi đầu, ấy thế mà vừa rồi lại bị dọa không nhẹ.

“Thím ơi, đây là kịch gì vậy?”

“Bá Vương Biệt Cơ.”

Tôi cố gắng đem cái tên này ghi tạc trong đầu. Diễn viên phía sau lại lên đài, tôi duỗi dài cổ muốn nhìn nàng hoa đán kia – không, bây giờ tôi đã biết – là Ngu Cơ, tôi muốn nhìn diện mạo thật của nàng. Nếu như tôi có một người chị lớn như vậy thì tốt quá, mỗi ngày đều có thể nghe chị ấy hát hí khúc. Tôi lại đắm chìm trong tưởng tượng.

Nhìn vào hậu đài, quả nhiên tôi thấy một bóng người màu hồng xinh đẹp lướt qua, là Ngu Cơ đang đi xuống. Ngay sau đó, tôi lại thấy một thiếu niên hơn mười tuổi đang đứng trong hậu đài, vóc dáng cao ráo, eo lưng thẳng tắp. Trên mặt anh không có trát phấn, nhưng vẫn đang mặc áo dài. Đó có phải là Lý Ngôn Tiếu hay không? Hình như là phải.

Ánh đèn sân khấu màu vàng chiếu lên mặt anh rất rõ ràng, tướng mạo rất đẹp, thanh tú anh tuấn. Anh chỉ yên lặng đứng đó, giống như đang đợi ai. Nhưng thứ hấp dẫn tôi nhất chính là ánh mắt cực kỳ lãnh đạm. Cái loại ánh mắt này không chỉ toát lên vẻ lạnh lùng, mà thậm chí còn nghiêm túc đến mức làm người sợ hãi.

Sao thế? Anh ấy đang nhìn cái gì?

Tôi cũng đưa mắt sang hướng nhìn của anh, nhưng bị sân khấu che khuất không thấy được gì. Chỉ chốc lát sau tôi thấy Ngu Cơ đi đến trước mặt Lý Ngôn Tiếu, áo choàng rộng thùng thình của nàng chắn trước người anh. Bọn họ biết nhau sao? Lòng tôi nổi lên nghi vấn, nhưng ngay lập tức lại thấy mình rất đần, họ cùng chung một đoàn kịch sao có thể không biết nhau?

Nàng Ngu Cơ còn chưa tẩy trang, tôi không biết tuổi của nàng là bao nhiêu. Ngộ nhỡ nàng là nam thì sao? Tôi biết một người tên là Mai Lan Phương, trên sân khấu thì dịu dàng như con gái, nhưng dưới lớp trang điểm lại là một người đàn ông. Việc này làm tôi không thể dễ dàng tiếp nhận.

Cứ suy nghĩ miên man như thế, lại một dàn diễn viên đi lên, đám người này không khác những người diễn “Long Giang tụng” lúc nãy là mấy. Nhưng họ không mặc đồ đồ diễn và trang điểm, trông chẳng xinh đẹp chút nào. Thím nói với tôi: “Về thôi, áp trục đã xong rồi.” (Áp trục: Màn chót của vở tuồng, vở kịch – Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

Vậy đây là vở kịch cuối cùng à? Tôi nói: “Vậy là chúng ta xem áp trục xong rồi về.”

“Đứa ngốc này.” Thím vỗ đầu tôi một cái, “Áp trục là cái lúc nãy, là Bá Vương Biệt Cơ.”

Quả nhiên những người ngồi xung quanh đều lục tục đi về, tôi lưu luyến nhìn thoáng qua sân khấu rồi đi theo thím. Nhìn từ xa, sân khấu kịch rất đẹp, bị màn đêm dịu dàng ôm lấy, ánh sáng ngũ sắc nhu hòa giống như tiên đài vậy. Tôi cố ý nhìn vào hậu đài chỉ còn một mảng yên tĩnh, cũng không thấy Lý Ngôn Tiếu và Ngu Cơ đâu nữa.

Đới Tung (戴宗), còn gọi là Đái Tôn hay Đái Tông, biệt hiệu Thần Hành Thái Bảo (神行太保) – là một nhân vật trong truyện Thủy Hử. Trong truyện, ông có phép thần hành, đeo một chiếc giáp mã vào chân có thể đi 200 dặm một ngày, đeo 2 chiếc giáp mã có thể đi 400 dặm, 1 ngày đeo 4 chiếc giáp mã có thể đi 800 dặm.

Mai Lan Phương (22/10/1894 – 8/8/1961) là nhà nghệ thuật và là nhân vật tiêu biểu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển kinh kịch, được coi là một trong những bậc thầy xuất sắc trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Điều đáng nói, Mai Lan Phương là nghệ sĩ nam chuyên đóng vai nữ trong kinh kịch.

Mai Lan Phương (Đẹp zai nhể:))) có mấy hình về già nhưng là Mị cố tình tìm hình thời trẻ đấy)

Chương sau →

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.