Bác sĩ nói: Tôi không biết cô ta làm nghề gì, sau khi cô ta biết kết quả
xét nghiệm, cô ta bảo gọi điện thoại cho chồng, bảo anh ta cũng đến đây, sau đó thì chẳng thấy bóng dáng đâu nữa. Nhất định phải tìm cho bằng
được, vì chuyện này không chỉ là chuyện của mình cô ta, còn đứa bé trong bụng nữa, cô ta không được đi, phải tiêm vắc – xin phòng tránh lây
nhiễm HIV từ mẹ sang con. Khi sinh cũng phải hết sức chú ý, nếu không
rất dễ bị lây nhiễm từ cơ thể người mẹ, sữa mẹ cũng không được phép bú,
hơn nữa, bây giờ thai nhi còn nhỏ, bỏ đi vẫn kịp. Anh bạn, nhanh chạy đi tìm cô ấy về đây.
Tôi vội vàng toan chạy đi, thì bị ông bác sĩ
này gọi giật lại, hỏi: Anh bạn, cậu cũng phải kiểm tra, cậu có quan hệ
thế nào với cô ấy?
Tôi đáp: Là bạn, nhưng có lẽ tôi cũng cần kiểm tra một chút.
Bác sĩ nói: Qua đây, cậu cũng kiểm tra đi, đáng ra phải kiểm tra theo nhóm
rồi cho kết quả lần lượt, nhưng hôm nay tôi chỉ kiểm tra và đưa kết quả
cho một mình cậu. Rất nhanh thôi, cậu chờ một lát là được.
Tôi vô thức trả lời: Vâng.
Ngay sau đó, tôi bảo bác sĩ: Tôi đã nói rồi mà, để tôi đuổi theo cô ấy trước đã, nếu không thì cô ấy đã chạy xa mất rồi.
Tôi cứ chạy đi chạy lại tại thành phố ven sông này đến mức tốn mất hơn mấy
chục thùng dầu, đã đi gần như tất cả các nhà nghỉ, khách sạn và tiệm mát xa, hỏi han từng nhà hàng và quán net, nhưng tôi không còn tìm thấy Na
Na nữa. May mắn mà cũng có thể là bất hạnh, bản thân tôi không bị lây
nhiễm. Sau khi kiếm tìm khắp nơi mà chẳng mang lại kết quả gì, tôi trở
về nơi mình đã xuất phát. Hai năm sau, vào đúng thời điểm tôi chuẩn bị
xuất phát, tôi nhận được một cuộc điện thoại, tôi tin chắc chắn rằng Na
Na có số điện thoại của tôi, nhất định là nhân lúc tôi đi tắm cô ấy đã
lén gọi vào máy mình. Vào một đêm trong chuyến đi, tôi đã từng đánh mất
điện thoại, nhưng ngay sáng sớm hôm đó tôi đã đến trước cửa bưu điện làm lại sim. Người gọi cho tôi là một cô gái, cô ấy nói, có một món quà
muốn gửi cho tôi.
Tôi bảo: Chuyển phát nhanh cho tôi.
Cô ấy nói: Sợ mất, không thể gửi chuyển phát nhanh được.
Tôi bảo: Vậy thì gửi bưu điện.
Cô ta lại bảo: Sẽ vượt quá trọng lượng.
Tôi hỏi: Vậy làm thế nào?
Cô ta bảo: Tôi là bạn của Na na, cô ấy đã nhờ tôi, có một thứ muốn gửi cho anh.
Tôi sợ tín hiệu bị mất giữa chừng, lập tức chạy ra bên ngoài, nói gấp gáp:
Na Na đang ở đâu? Na Na thế nào rồi? Khi đó cô ấy đang mang thai, sau đó thì sao?
Phía đầu dây vọng lại: Cho tôi địa chỉ của anh. Na Na từng nói cứ yên tâm, chỉ cần đưa anh, mọi thứ sẽ ổn.
Tôi dẫn đứa trẻ thuộc về cả thế giới này lên đường. Đứng trên cây cầu Hữu
Nghị ở phía cuối con đường quốc lộ quê mình, trong làn sương mỏng bàng
bạc, đợi chờ từ sáng sớm, tôi lơ đãng nhìn dòng xe cộ lướt qua trước
mắt. Bộ đánh lửa của 1988 đã bị hỏng, tôi những muốn xin một ít lửa từ
tay tài xế nào đó trên đường, nhưng tôi không hề muốn bắt chuyện với một kẻ lạ mặt nào vào giây phút này, nên đành phải châm hết điếu thuốc này
tiếp nối điếu thuốc khác, có như vậy ánh lửa mới không sợ tàn. Và rất tự nhiên, tôi ra đứng cạnh xe.
Sau mấy tiếng đồng hồ, tàn lửa cuối
cùng cũng tắt ngấm, tôi cúi người chui vào trong xe, đụng phải vào khuôn mặt của đứa bé, tôi nói: Chú tìm thuốc. Mở hộp tay vịn, tay tôi đụng
vào một thứ đồ chơi nằm sâu tận trong đáy, lôi ra mới biết đó là chiếc
bút ghi âm, lục tìm trong trí nhớ, mới nghĩ ra đó là chiếc bút Na Na vứt lại trong xe tôi từ lâu. Nó vẫn nằm y nguyên ở đây hơn hai năm rồi, tôi nhấn vào nút play, một đốm sáng nhỏ nhấp nháy, Na Na khẽ hát một khúc
hát ru, tôi không biết có phải bầu không khí đang trở nên loãng dần hay
không, mà âm thanh vang vọng ngày càng xa, hay vì những nơi không khí
loãng đều không có nhà cửa và vắng tiếng ồn ào huyên náo, sao tôi thấy
thứ âm thanh dịu nhẹ này cứ phiêu diêu bồng bềnh giữa khe núi, tôi nhặt
lấy chiếc bút, áp vào bên tai cô bé, nói: Mẹ con đó. Nó thích thú dùng
hai bàn tay nắm chặt lấy, đột nhiên tiếng hát ngưng bặt, vọng lại bước
chân hối hả và tiếng khua lách cách khu bàn trang điểm, sau đó một giọng nữ lanh lảnh cất lên: Na Na, ra tiếp khách. Cùng lúc Na Na quay đầu đáp một tiếng vâng, đoạn ghi âm cũng kết thúc. Tôi vội vàng rút lại chiếc
bút, quan sát thái độ của con bé, nó dường như nhận ra được điều gì,
buông rơi hai tay rồi tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn tôi.
Tôi tua lại đoạn ghi âm đến câu hát cuối cùng trước khi bị ngắt, sau đó nhấn nút
thu, lắc mạnh bên ngoài cửa, tôi thầm mong tiếng gió thét mưa gào tại
nơi sơn cốc này đủ sức rửa trôi đoạn hội thoại ngắn ngủi đó, sau hơn
mười giây loay hoay, tôi thu tay vào, vừa đặt tay lên nút dừng, con bé
hướng về phía chiếc bút kêu lên một tiếng “a”, ngay sau đó chiếc bút lập tức hết pin. Đây là câu đầu tiên con bé cất tiếng, tôi vẫn luôn lo lắng con bé sẽ không nói được, vậy mà câu nói đầu tiên nó không kêu bố, cũng không gọi mẹ, chỉ ném ra một câu hỏi tu từ cứ vương vất mãi cho thế
giới này.
Trời bắt đầu xẩm tối, tôi nổ máy, quay đầu xe, đi thẳng về phía hướng Đông, nếu nó không hỏng hóc gì, thì tôi sẽ còn cách bờ
biển khoảng năm ngàn ki lô mét nữa. Có thể ở nơi này tôi sẽ gặp gỡ một
cô gái, với những khoảnh khắc đẹp đẽ. Biết đâu đó sẽ là một nơi để tôi
bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng ít nhất tôi cũng đã từng đợi chờ, tôi biết
em sẽ không bao giờ quay lại, nhưng tôi không hề nghi ngờ tấm chân tình
của em giờ phút ấy, cũng giống như mỗi lời nói dối của tôi cũng đều là
thật lòng. Nhưng lần này, dù sao tôi cũng đã rất dũng cảm, những người
bạn của tôi chắc sẽ tán đồng hành động này của tôi, bởi họ cũng sẽ là
những người như thế, có lẽ em sẽ khóc vì tôi nhưng chắc hẳn trong lòng
cũng thầm tự nhủ: Anh thật ngốc nghếch.
Trời đã tối đen như mực,
tôi dừng 1988, đứa nhóc đã ngủ say rồi, hôm nay cô bé lại không khóc.
Tôi lấy ra một chiếc túi nhỏ từ ghế sau, bên trong là tro cốt của người
đã tạo ra 1988, trong lòng tôi lúc này, còn có cả anh Đinh Đinh, số 10
và Lưu Nhân Nhân, tôi sẽ để cơn gió cuốn trôi họ bay về những nơi xa
xăm. Ngay lập tức tôi hiểu ra đón gió phương Đông là một việc ngớ ngẩn
đến nhường nào, tro cốt của họ bị gió thổi ngược bám dính lên người tôi. Tôi phủi phủi quần áo, nghĩ thầm như thế cũng đâu có sao, dù sao tôi đã được họ bao phủ. Họ đã đi trước và tôi sẽ thay họ nhặt nhạnh những quân bài tú lơ khơ ra từ túi quần họ trong những lúc chạy quá vội vàng, tôi
luôn chạy trong luồng khí mà họ đã rạch sẵn, có điều tôi cũng chưa từng
cảm thấy luồng gió thổi giảm bớt chút nào, chỉ là họ thay tôi thăm dò
từng bước tường cao chót vót mà tôi chắc sẽ phải vượt qua, rơi vào mỗi
khe rãnh mà tôi chắc sẽ bị ngã xuống, sau đó nói với tôi: Con đường này
là đúng đắn, hãy cứ tiến lên phía trước, nhưng cậu đã dùng hết một cơ
hội trợ giúp, tạm biệt bạn thân.
Tản mạn về 1988
Nếu như
bạn đã từng đọc nhiều tác phẩm của Hàn Hàn, bạn sẽ hiểu phong cách phê
phán trong tác phẩm của anh ấy. Cuốn 1988 này cũng không ngoại lệ, bao
trùm lên toàn bộ tác phẩm là một bầu không khí thê lương, ảm đạm, đó
cũng là một thái độ của tác giả đối với hiện thực xã hội. Tác giả cho
rằng trong xã-hội-hiện-thực ấy có rất nhiều người “không trong sạch”,
hoặc có tâm hồn “không trong sạch”, giống như Na Na. Nhưng trong cuộc
sống hiện thực này tìm một Na Na không hề giấu giếm, che đậy sự không
trong sạch của mình thật khó. Na Na không giữ đứa trẻ lại bên mình bởi
bản thân cô đã bị xã hội này làm cho nhơ bẩn. Và đứa bé - thứ trong sạch nhất, đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất đọng lại khi đọc hết toàn bộ
tác phẩm - chính là một sự ủy thác, niềm hy vọng của tác giả đối với xã
hội này.
Nước nóng không khiến con ếch bị chết, bởi chúng có thể
nhảy ra ngoài, nhưng bạn có thể nhảy đi đâu chứ? “Con ếch” đó cuối cùng
vẫn bị “lửa to” nấu chín. Vậy vung nồi là gì? Dường như đó là một biên
giới quốc gia mà bạn không thể dễ dàng vượt qua, hoặc có thể nó giống
như những giai cấp trong xã hội, bạn cũng khó có thể tiến thân vào tầng
lớp bên trên….
Khi nước sôi, ếch cam tâm chịu chết hay vẫn cố giãy giụa một cách vô ích?
Có con cam tâm chịu chết, nhưng cũng có con trước khi chết phải giãy giụa
hết mình, mới đầu dậy lên mùi thịt thơm nồng, nhưng rồi dần dần sẽ trở
thành một mùi tanh hôi đáng sợ…