1Q84 (Tập 1)

Chương 1: Aomame



Đừng bị vẻ bề ngoài đánh lừa

Radio trong xe taxi đang phát chương trình âm nhạc cổ điển trên sóng FM. Đó là bản Sinfonietta của Leoš Janáček. Ngồi nghe bản nhạc ấy trong taxi đang bị dòng xe cộ chật ních bao vây thì có vẻ không được thích hợp lắm. Bác tài hình như cũng không nhiệt tình thưởng thức âm nhạc. Bác tài tuổi trung niên lặng lẽ quan sát hàng xe dài dằng dặc phía trước, tựa hồ một ngư phủ lão luyện đứng nơi mũi thuyền đang cố tìm kiếm điểm hợp lưu của con nước triều mang theo điểm dữ. Aomame ngả hẳn người ra lưng ghế, khép hờ hai mắt nghe nhạc.

Trên đời này liệu có bao nhiêu người chỉ cần nghe một đoạn đầu đã có thể nói ngay đó là bản Sinfonietta của Leoš Janáček? E rằng con số ấy hẳn phải nằm giữa “ít vô cùng” và “gần như không có”. Nhưng chẳng hiểu vì sao Aomame lại làm được.

Janáček sáng tác bản giao hưởng dành cho dàn nhạc nhỏ này vào năm 1926, khúc dạo đầu vốn là đoạn kèn đồng cổ động cho một kỳ đại hội thể thao nào đó. Aomame mường tượng ra hình ảnh nước Cộng hòa Tiệp Khắc vào năm 1926: Thế chiến thứ nhất kết thúc, người dân cuối cùng cũng được giải phóng khỏi ách thống trị dài lâu của vương triều Habsburg. Mọi người tận tình hưởng thụ khoảng thời gian hòa bình ngắn ngủi ở Trung Âu khi ấy, tụ tập ngoài quán thỏa sức uống bia Pilsner và sản xuất ra những khẩu súng máy nhẹ bỗng và đẹp đẽ. Hai năm trước, Franz Kafka đã qua đời mà chẳng ai biết. Không bao lâu sau, Hitler từ xó xỉnh nào đó đột ngột xuất hiện, thôn tính cả đất nước nhỏ bé xinh đẹp này, nhưng vào thời điểm ấy không một ai biết được điều tồi tệ sắp xảy ra. Có lẽ, mệnh đề quan trọng nhất mà lịch sử cho nhân loại thấy chính là: “Vào thời điểm ấy, không ai có thể biết được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì.” Trong khi nghe nhạc, Aomame mường tượng đến ngọn gió nhẹ nhàng ấm áp thổi qua bình nguyên Bohemia và không ngừng nghĩ đến những trắc trở của lịch sử.

Năm 1926, Thiên hoàng Taisho băng hà, niên hiệu được đổi thành Showa. Ở Nhật Bản, một thời đại tối tăm, tồi tệ cũng sắp sửa mở màn. Khúc nhạc xen kẽ ngắn ngủi của chủ nghĩa hiện đại và nền dân chủ cuối cùng cũng kết thúc, nhường chỗ cho chủ nghĩa phát xít.

Cũng như thể thao, lịch sử là một trong những sở thích của Aomame. Nàng hầu như không đọc tiểu thuyết, nhưng sách về lịch sử thì nàng đã đọc nhiều vô kể. Điều khiến nàng cảm thấy hứng thú với lịch sử là, tất cả sự việc về cơ bản đều kết nối với những ngày tháng và địa điểm xác định. Đối với nàng, việc ghi nhớ ngày tháng lịch sử không phải chuyện khó khăn gì. Dù không thuộc lòng những con số đó, song chỉ cần nắm được mối quan hệ trước sau của các sự kiện lịch sử, ngày tháng sẽ tự động hiện lên trong trí óc. Thời học cấp hai và cấp ba, điểm thi môn lịch sử của Aomame lúc nào cũng cao nhất lớp. Mỗi lần thấy người khác gặp khó khăn khi ghi nhớ các mốc lịch sử, Aomame đều lấy làm khó hiểu. Sao chuyện đơn giản như vậy mà cũng không làm được nhỉ?

Aomame là họ thật của nàng. Ông nội nàng là người tỉnh Fukushima, ở cái nơi chẳng biết nên gọi là thị trấn nhỏ hay ngôi làng nhỏ vùng núi ấy, nghe nói đúng là có mấy nhà mang họ Aomame thật. Nhưng nàng chưa đến đó bao giờ. Từ trước khi nàng sinh ra, cha nàng đã cắt đứt quan hệ với ông bà. Bên ngoại nhà nàng cũng vậy. Vì thế, Aomame chưa một lần gặp ông bà nội cũng như ông bà ngoại. Nàng hầu như không đi du lịch, nhưng thi thoảng cũng có cơ hội đi đây đi đó, vì đã thành thói quen, lần nào nàng cũng lật tìm trong cuốn danh bạ điện thoại để ở khách sạn, xem có nhà nào họ Aomame hay không. Nhưng cho đến giờ nàng vẫn chưa phát hiện ra người nào họ Aomame ở bất cứ thành phố hay thị trấn nào nàng từng ghé chân. Mỗi lần như vậy, nàng đều có cảm giác như mình là một kẻ phiêu du cô độc, trôi dạt giữa đại dương mênh mông.

Lúc nào nàng cũng cảm thấy việc xưng tên thật phiền phức. Mỗi lần nàng nói tên mình, người đối diện đều nhìn nàng chằm chằm bằng ánh mắt kỳ quái hoặc hết sức ngờ vực. Cô Aomame[1]. Đúng vậy. Đậu xanh. Thời còn làm ở công ty, lúc nào cũng phải kè kè mang theo danh thiếp thì lại càng phiền phức hơn. Lúc nàng đưa danh thiếp, người ta nhận lấy rồi chăm chú nhìn trong giây lát, cứ như bất ngờ nhận được một mẩu cáo phó. Khi nàng xưng tên qua điện thoại, có người ở bên kia đầu dây còn bật cười hinh hích. Nhưng khi đi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước hoặc đợi khám ở phòng chờ bệnh viện, lúc tên nàng được gọi đến, mọi người đều sẽ ngẩng đầu lên, muốn nhìn thử xem cái người mang họ Aomame này rốt cuộc mặt mũi ra sao.

[1] Aomame trong tiếng Nhật viết là Thanh Đậu, nghĩa là Đậu Xanh (Mọi chú thích là của người dịch).

Thi thoảng lại có người gọi lầm tên nàng thành “Cô Edamame” (Đậu nành). Cũng có khi nàng bị gọi là “Cô Soramame” (Đậu tằm). Mỗi lần như thế, Aomame đều mất công đính chính: “Không, không phải là Edamame (hoặc Soramame), mà là Aomame. Tuy là rất giống nhau, nhưng không phải vậy đâu.” Đối phương nghe vậy lại cười gượng gạo rồi xin lỗi, nói: “Ôi chà chà, cái họ này hiếm gặp thật đấy.” Trong ba mươi năm cuộc đời mình, không hiểu nàng đã nghe bao nhiêu lần những câu nói kiểu như vậy. Không biết đã bao nhiêu lần nàng bị người ta trêu đùa vì cái họ này của mình. Nếu sinh ra không mang họ này, đời mình có lẽ đã khác nhiều. Nếu mang những cái họ phổ biến đâu đâu cũng thấy, như là Sato, Tanaka hay Suzuki gì gì đó… có lẽ cuộc đời mình sẽ dễ thở hơn, có thể nhìn ngắm thế giới này bằng ánh mắt bao dung hơn. Có lẽ.

Aomame nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng nhạc, để âm thanh tuyệt hảo của dàn hợp tấu khí nhạc thấm vào tâm tưởng. Đột nhiên nàng ý thức được một chuyện: Nếu xét về radio trên xe taxi thì chất lượng âm thanh này dường như quá tốt. Âm lượng bật nhỏ, nhỏ lắm, nhưng âm thanh sâu, nghe rõ được cả các âm bồi. Nàng mở mắt, nhồm người về phía trước, nhìn dàn âm thanh lập thể gắn trên bảng điều khiển. Cả dàn máy đều một màu đen tuyền, đang tự hào ánh lên những tia sáng diễm lệ. Tuy không thấy rõ tên hãng sản xuất, nhưng chỉ nhìn vẻ bề ngoài cũng biết là hàng chất lượng cao. Cùng với rất nhiều nút vặn, những con số màu xanh tao nhã hiện lên trên màn hình điều khiển. Đây đại khái là hàng thuộc dòng hi-end, taxi thông thường không thể nào lắp đặt loại thiết bị âm thanh cao cấp như vậy.

Aomame nhìn lại một lượt bên trong xe. Từ lúc bước lên xe nàng chỉ mải tính chuyện trong đầu nên không để ý lắm, chiếc xe này nhìn thế nào cũng không giống xe taxi thông thường. Nội thất trang trí rất cầu kỳ, chỗ ngồi cũng hết sức dễ chịu thoải mái. Hơn nữa, trong xe rất yên tĩnh. Tính năng cách âm hoàn hảo, tạp âm bên ngoài gần như không lọt vào được, tưởng chừng như ngồi trong phòng thu cách âm vậy. Có lẽ đây là xe taxi tư. Trong đám tài xế xe tư ấy, cũng có người không tiếc tiền trang bị cho xe. Nàng khẽ đảo mắt, tìm kiếm giấy phép hành nghề taxi, nhưng không thấy. Nhưng đây cũng không giống loại xe dù hoạt động phi pháp. Trên xe có lắp đặt đồng hồ tính tiền nghiêm chỉnh, hiển thị rõ ràng chuẩn xác số tiền xe, giờ đang là hai nghìn một trăm năm mươi yên. Nhưng cái giấy phép hành nghề taxi có ghi tên tài xế thì lại chẳng thấy đâu.

“Xe tốt quá. Yên tĩnh lắm,” Aomame cất tiếng bắt chuyện từ chỗ ngồi sau lưng tài xế. “Xe gì vậy nhỉ?”

“Xe Crown, dòng Royal Saloon của Toyota,” bác tài trả lời ngắn gọn.

“Tiếng nhạc nghe rõ lắm.”

“Loại xe này rất yên tĩnh. Cũng vì vậy mà tôi chọn đấy. Nói về cách âm thì kỹ thuật của hãng Toyota có lẽ đứng hàng nhất nhì thế giới.”

Aomame gật gật đầu, lại dựa hẳn người ra phía sau. Kiểu nói chuyện của bác tài khiến người ta cảm thấy hơi nghi hoặc. Bác ta thường để lại một vài điểm quan trọng, không nói ra hết. Ví dụ (chỉ là ví dụ thôi), nói về cách âm thì đúng là không thể chê xe Toyota được, nhưng những chỗ khác thì không hẳn là không có vấn đề. Mỗi lần bác ta nói dứt câu, vẫn còn lại ở sau đó một khối im lặng đầy hàm ý. Trong không gian chật chội của xe, khối im lặng ấy tựa như một đám mây tưởng tượng nhỏ bé, làm Aomame cảm thấy bứt rứt không yên.

“Đúng là yên tĩnh thật,” nàng cất tiếng, như thể muốn xua đám mây nhỏ ấy đi. “Dàn hifi hình như cũng thuộc loại cao cấp?”

“Lúc mua tôi đã phải rất quyết đoán đấy,” bác tài nói, giọng điệu nghe như một sĩ quan tham mưu đã giải ngũ đang kể lại những chiến dịch trong quá khứ, “nhưng cô thấy đấy, làm nghề như chúng tôi, cả ngày ngồi trong xe, tôi cũng muốn nghe loại nào có chất lượng âm thanh càng cao càng tốt, hơn nữa…”

Aomame đợi bác tài nói nốt. Nhưng bác ta không nói. Nàng lại nhắm mắt nghe tiếng nhạc. Leoš Janáček là người như thế nào? Aomame không hề biết. Nhưng bất kể ra sao, Janáček chắc chắn không thể ngờ được rằng khúc nhạc ông sáng tác lại được người nào đó lắng nghe bên trong một chiếc Toyota Crown Royal Saloon yên tĩnh trên đường cao tốc Thủ đô đang tắc nghẽn nghiêm trọng ở Tokyo vào năm 1984.

Nhưng, sao mình có thể vừa nghe đã nhận ra đây là bản Sinfonietta của Leoš Janáček? Aomame lấy làm lạ. Vả lại, sao mình biết bản nhạc này được viết vào năm 1926? Nàng không phải người yêu thích nhạc cổ điển, mà cũng không hề có ký ức đặc biết nào về Janáček. Vậy mà, vừa nghe thấy đoạn mở đầu của bản nhạc, chỉ trong chớp mắt các thông tin liên quan đến nó liền hiện lên trong trí óc nàng như thể một phản xạ có điều kiện, như một bầy chim bay ùa vào phòng qua ô cửa sổ đang rộng mở. Thứ âm nhạc ấy còn gây ra cho Aomame một cảm giác kỳ diệu, như thể bị “Vặn xoắn” vậy. Không đau đớn, cũng không hề khó chịu, chỉ cảm thấy tất cả các mô trong cơ thể mình dường như đang bị vắt khô đi về mặt cơ học. Aomame không sao hiểu nổi. Lẽ nào bản Sinfonietta lại mang cho mình thứ cảm giác không thể lý giải này sao?

“Janáček,” Aomame buột miệng thốt ra trong vô thức. Lời vừa ra khỏi miệng, nàng đã hối hận: Mình không nên nói thì hơn.

“Cô nói gì thế?”

“Janáček. Người viết bản nhạc này.”

“Tôi không biết cái tên này.”

“Là một nhà soạn nhạc người Tiệp,” Aomame đáp.

“Vậy hả?” bác tài nói, vẻ khâm phục.

“Xe này là taxi cá nhân phải không ạ?”Aomame hỏi nhằm chuyển sang chủ đề khác.

“Đúng vậy,” bác tài nói, sau đó ngừng một chút. “Một mình tôi làm thôi. Đây đã là đời xe thứ hai rồi.”

“Chỗ ngồi dễ chịu lắm.”

“Cám ơn cô. Nhưng mà, cô này,” bác tài hơi nghiêng đầu qua nói. “Cô có vội không?”

“Tôi hẹn với người ta ở Shibuya, vậy nên mới phiền bác chạy theo đường cao tốc Thủ đô.”

“Cô hẹn người ta mấy giờ?”

“Bốn giờ rưỡi,” Aomame đáp.

“Giờ là bốn giờ kém mười lăm rồi. Thế này thì có lẽ không đến kịp đâu.”

“Tắc đường nghiêm trọng thế sao?”

“Trông tình hình này thì đằng trước chắc là có tai nạn nghiêm trọng rồi. Không phải tắc đường bình thường đâu. Từ đầu tới giờ hầu như chẳng nhúc nhích được tẹo nào.”

Sao bác tài này không thử nghe tin tức giao thông trên radio nhỉ? Aomame cảm thấy thật kỳ lạ. Đường cao tốc Thủ đô rơi vào trạng thái tê liệt, hoàn toàn không thể nhúc nhích. Theo lẽ thường, vào những lúc thế này, tài xế taxi nên chuyển đài để nghe tin tức giao thông mới phải chứ.

“Bác không nghe tin tức giao thông cũng biết được à?” nàng hỏi.

“Không tin được cái đài giao thông ấy đâu,” bác tài nói, giọng phảng phất vẻ xa xăm, “Cái thứ ấy quá nửa là dối trá, Công ty Quản lý Đường bộ chỉ phát những tin tức có lợi cho bọn họ thôi. Ở đây, lúc này, có chuyện gì đang thực sự diễn ra, chúng ta chỉ có thể dựa vào cặp mắt của mình để quan sát, dựa vào bộ óc của mình để phán đoán.”

“Theo phán đoán của bác thì tình trạng tắc đường này sẽ không thể sớm kết thúc được ư?”

“Không nhanh được đâu,” bác tài lặng lẽ gật đầu. “Tôi dám đảm bảo. Mỗi lần tắc nghẹt thế này, đường cao tốc Thủ đô chính là địa ngục. Cuộc hẹn của cô quan trọng lắm không?”

Aomame nghĩ ngợi giây lát. “Vâng. Quan trọng lắm. Tôi phải đi gặp mặt khách hàng.”

“Vậy thì gay đấy. Xin lỗi… chắc là cô không đến kịp được rồi.” Bác tài nói xong, khẽ xoay cổ mấy cái như muốn làm mềm các cơ thịt đang căng cứng. Các nếp nhăn sau gáy nhúc nhích tựa như một loài sinh vật thời thượng cổ. Aomame nhìn động tác ấy trong vô thức, chợt nhớ đến vật thể sắc bén nhọn hoắt ở đáy chiếc túi đeo chéo qua vai, lòng bàn tay rịn ra những giọt mồ hôi lấm tấm.

“Vậy tôi phải làm sao bây giờ?”

“Hết cách rồi. Đây là đường cao tốc Thủ đô, trước khi đến lối ra tiếp theo thì chúng ta chẳng thể làm được gì. Cô không thể xuống xe giữa đường, chạy đến ga tàu điện gần nhất mà đi tàu điện như ở trên phố được.”

“Lối ra tiếp theo ở đâu thế?”

“Ikejiri. Không khéo phải đến chiều tối mới tới được đó ấy chứ.”

Đến tận chiều tối? Aomame tưởng tượng tình cảnh mình bị nhốt trong chiếc taxi này đến tận chiều tối. Bản nhạc của Janáček vẫn tiếp tục. Những âm bịt dây vang lên như thể muốn vỗ về tâm trạng đang căng thẳng. Cảm giác bị vặn xoắn nãy giờ đã dịu đi rất nhiều. Cảm giác đó là gì?

Aomame lên taxi ở gần Kinuta, từ Yohga đi lên tuyến số ba của đường cao tốc Thủ đô. Ban đầu dòng xe cộ còn rất thông thoáng, nhưng lúc sắp đến Sangenjaya thì đột nhiên tắc đường, chẳng bao lâu sau đã không thể nhúc nhích nữa. Xe ở làn đường đi ra ngoại ô vẫn thông suốt không chút trở ngại, chỉ có làn đường đi vào trung tâm này ứ trệ một cách bi kịch. Thông thường, sau ba giờ chiều làn giao thông hướng vào trung tâm của tuyến đường số ba này không hay bị tắc nghẽn, thế nên Aomame mới bảo tài xế chạy theo lối cao tốc Thủ đô.

“Thời gian chờ trên đường cao tốc Thủ đô thì không bị tính thêm phí đâu,” bác tài nói vào gương chiếu hậu, “Vậy nên không cần lo chuyện tiền xe. Nhưng nếu lỡ mất cuộc hẹn thì có vẻ không được ổn lắm đúng không?”

“Đương nhiên là không ổn rồi. Nhưng bác vừa nói là không có cách gì đấy thôi?”

Bác tài liếc nhìn mặt Aomame trong gương chiếu hậu. Bác ta đeo kính râm sáng màu. Vì ánh sáng không đủ, nên Aomame không thể nhìn rõ được vẻ mặt bác ta.

“Chuyện này không phải là không có cách. Chỉ ngại hơi trái luật một chút, có thể nói là một biện pháp khẩn cấp… từ đây cũng có thể ngồi xe điện ở Shibuya được.”

“Biện pháp khẩn cấp?”

“Cách này không tiện nói ra trước mặt người khác cho lắm.”

Aomame không nói lời nào, nheo nheo mắt đợi bác tài nói tiếp.

“Cô nhìn kìa, phía trước chẳng phải có một khoảng trống để dừng xe khẩn cấp đấy sao?” Bác tài chỉ về phía trước nói, “Ở chỗ đó đó, đoạn có dựng tấm biển quảng cáo lớn của Esso ấy.”

Aomame tập trung nhìn về phía đó thì thấy bên trái con đường hai làn xe chạy, có một khoảng không gian trống dành cho các xe gặp sự cố tạm thời đứng đỗ. Đường cao tốc Thủ đô không có vai đường, vậy nên có khá nhiều chỗ để dừng xe khẩn cấp màu vàng dùng để liên lạc với văn phòng quản lý đường cao tốc. Lúc này, không có xe nào dừng ở khoảng trống đó cả. Sát bên cạnh làn xe chạy theo chiều ngược lại, trên nóc tòa nhà ven lề đường, là tấm biển quảng cáo lớn của hãng dầu Esso, một chú hổ đang toét miệng cười, tay cầm vòi bơm xăng.

“Thực ra, chỗ ấy có cầu thang dẫn xuống bên dưới. Lúc gặp phải hỏa hoạn hay động đất mạnh, tài xế có thể bỏ xe theo đường đó mà leo xuống chạy tháo mạng. Bình thường thì chỉ thấy các công nhân duy tu đường xá mới leo lên leo xuống qua lối ấy. Lên tàu điện thì chẳng mấy mà lên được Shibuya.”

“Tôi quả thực không biết trên đường cao tốc Thủ đô lại có cầu thang thoát hiểm đấy,” Aomame nói.

“Người bình thường hầu như không ai biết.”

“Nhưng giờ không phải là tình huống khẩn cấp, nếu tự tiện leo xuống cầu thang ấy liệu có vấn đề gì không?”

Bác tài im lặng giây lát rồi nói: “Ừm, tôi cũng không rõ quy định chi tiết của Công ty Quản lý Đường bộ như thế nào nữa. Nhưng làm vậy cũng không gây bất tiện gì cho người khác, đại khái chắc là vẫn có thể chấp nhận được. Huống chi, ở chỗ đó lại không có ai canh chừng. Mặc dù Công ty Quản lý Đường bộ rất đông nhân viên, nhưng người thực sự làm việc thì lại ít đến tội nghiệp. Đó chính là đặc điểm nổi tiếng nhất của bọn họ mà.”

“Cái cầu thang ấy ra sao?”

“Nó rất giống với thang thoát hiểm hỏa hoạn. À, chính là loại thang vẫn hay thấy ở đằng sau các tòa nhà cao tầng kiểu cũ ấy. Không nguy hiểm lắm đâu. Đại khái cao khoảng ba tầng nhà, nhưng không cao, chỉ cần cô muốn thì trèo qua cũng không khó khăn gì.”

“Bác đã đi lối ấy bao giờ chưa?”

Không có câu trả lời. Bác tài chỉ nở nụ cười điềm đạm trong gương chiếu hậu. Một nụ cười mỉm cười ẩn chứa vô vàn ngụ ý.

“Tóm lại là cô tự quyết định thôi.” Bác tài lấy đầu ngón tay gõ nhẹ lên vô lăng theo điệu nhạc, nói: “Cô cứ ngồi rỗi ở đây mà thưởng thức thứ âm nhạc tuyệt vời này, đối với tôi cũng chẳng can hệ gì. Đằng nào thì dù cố gắng mấy chúng ta cũng không thể thoát thân khỏi đây được rồi. Đã đến nước này thì chỉ còn cách nghe theo ông trời vậy. Tôi chỉ muốn nói là, nếu có chuyện gấp, thì cũng không phải là không có biện pháp khẩn cấp.”

Aomame hơi nhíu mày, liếc nhìn đồng hồ đeo tay, rồi ngẩng đầu lên nhìn đám xe hơi xung quanh. Bên phải là một chiếc Mitsubishi Pajero màu đen phủ một lớp bụi mỏng màu trắng nhờ nhờ. Gã thanh niên ngồi bên ghế lái phụ mở cửa sổ xe, hút thuốc vẻ buồn chán. Gã để tóc dài, da ngăm ngăm, trên người khoác chiếc áo gió màu đỏ sẫm. Trong khoang chứa đồ chất mấy tấm ván lướt sóng mòn vẹt. Phía trước nữa là một chiếc Saab 900 màu xám. Cửa sổ kính màu đóng im ỉm, không thể nhìn rõ người ngồi bên trong. Thân xe bóng loáng, thậm chí còn soi gương được nếu lại gần.

Phía trước chiếc taxi Aomame đang ngồi là một chiếc Suzuki Alto màu đỏ đeo biển số quận Nerima có một vết lõm trên thanh ba đờ sốc phía sau. Một người mẹ trẻ tì sát người vào vô lăng, đứa bé buồn chán đứng trên ghế, vặn vẹo hết bên này đến bên kia. Bà mẹ dường như đang bực bội nhắc nhở đứa bé, nhìn qua cửa xe Aomame vẫn có thể thấy môi cô ta mấp máy. Quang cảnh này cứ y nguyên vậy đã được mười phút. Trong mười phút này, chiếc xe e rằng không nhúc nhích được quá mười mét.

Aomame suy đi tính lại, trong đầu sắp xếp lại các yếu tố theo thứ tự ưu tiên. Nàng không mất nhiều thời gian để có được kết luận. Ban nhạc của Janáček cũng vừa khéo đến khúc cuối cùng.

Nàng lấy cặp kính râm nhỏ hiệu Ray-Ban trong túi ra, đeo lên mắt, đoạn trong ví ra ba tờ một nghìn yên, đưa cho bác tài.

“Tôi xuống xe ở đây thôi. Không thể đến muộn được,” nàng nói.

Bác tài gật đầu, nhận tiền. “Cô có cần hóa đơn không?”

“Không cần. Bác cũng không cần trả lại tiền thừa đâu.”

“Cám ơn cô quá,” bác tài nói, “Hình như gió lớn lắm đấy, cô đi cẩn thận kẻo trượt chân.”

“Tôi sẽ cẩn thận,” Aomame đáp.

“Còn nữa,” bác tài nhìn vào gương chiếu hậu nói, “Có một chuyện mong cô nhớ kỹ: Sự vật chẳng bao giờ giống vẻ bề ngoài của nó đâu.”

Sự vật chẳng bao giờ giống vẻ bề ngoài của nó. Aomame lặp lại một lần trong óc, hơi nhướn mày lên. “Thế là ý gì?”

Bác tài đắn đo câu chữ, đoạn nói: “Ý là, giờ cô sắp đi làm một việc không tầm thường, chẳng phải vậy sao? Giữa ban ngày ban mặt, trèo xuống theo lối thang thoát hiểm trên đường cao tốc Thủ đô, người bình thường không làm những chuyện như vậy. Riêng phụ nữ lại càng không.”

“Có lẽ vậy,” Aomame nói.

“Thế thì, sau khi làm chuyện đó, nói thế nào nhỉ, có lẽ những quang cảnh thường ngày cô nhìn thấy sẽ hơi khác lúc bình thường một chút. Tôi cũng từng có kinh nghiệm như vậy rồi. Nhưng mà, đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa. Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi.”

Aomame nghĩ ngợi giây lát về những điều bác tài vừa nói. Trong lúc nàng mải suy nghĩ, bản nhạc của Janáček cũng vừa kết thúc. Khán giả lập tức vỗ tay không ngớt. Có lẽ đài phát lại một buổi thu âm chương trình hòa nhạc ở đâu đó. Trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt kéo dài, thoảng còn nghe thấy cả tiếng reo hò nữa. Trước mắt Aomame hiện ra hình ảnh người nhạc trưởng đang mỉm cười cúi mình mấy lượt trước các khán giả đang đứng vỗ tay. Ông hếch mặt lên, giơ cao tay, bắt tay nghệ sĩ violon một, rồi xoay lưng về phía khán giả, lại giơ hai cánh tay lên cao khen ngợi toàn thể dàn nhạc, tiếp đó ông lại quay về phía khán giả, lại cúi mình thật sâu thêm một lần nữa. Nghe một lúc lâu, dần dần cô cảm giác đó không phải là tiếng vỗ tay nữa, mà giống như cô đang lắng nghe âm thanh dai dẳng không dứt của một trận bão cát trên sao Hỏa.

“Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi,” bác tài chầm chậm lặp lại, như thể đang gạch chân một đoạn quan trọng trong cuốn sách.

“Đương nhiên rồi,” Aomame đáp. Đúng như lời bác tài nói. Một vật thể, trong một thời gian, chỉ có thể tồn tại ở một địa điểm. Điều này đã được Einstein chứng minh. Hiện thực bao giờ cũng vô cùng vắng lặng, vô cùng cô độc.

Aomame chỉ vào dàn hifi trên xe. “Chất lượng âm thanh tốt lắm.”

Bác tài gật đầu. “Cái ông viết bản nhạc này tên là gì ấy nhỉ?”

“Janáček.”

“Janáček,” bác tài nhắc lại, tựa hồ như đang học thuộc một đoạn ám hiệu quan trọng, sau đó gạt cái lẫy mở cửa sau: “Chúc thuận buồm xuôi gió. Hy vọng cô đến kịp giờ hẹn.”

Aomame xách chiếc túi đeo vai bằng da to tướng, bước xuống xe. Tiếng vỗ tay trong radio vẫn vang lên không ngớt. Nàng cẩn thận đi men theo rìa đường cao tốc về phía khoảng trống dừng xe khẩn cấp cách đấy chừng mười mét. Mỗi khi làn đường ngược chiều có xe tải trọng lớn chạy qua, mặt đường lại khe khẽ rung lên dưới đôi giày cao gót của nàng. Nói đúng ra thì giống những con sóng, tựa như trên mặt boong một chiếc hàng không mẫu hạm đang lênh đênh giữa biển khơi cuộn trào sóng dữ.

Cô bé con ngồi bên trên chiếc Suzuki Alto thò gương mặt nhỏ nhắn ra khỏi cửa sổ bên ghế phụ, miệng há hốc. Nó nhìn Aomame, sau đó ngoảnh đầu lại hỏi mẹ: “Mẹ, mẹ ơi, cô kia đang làm gì thế? Cô ấy đi đâu thế? Con cũng muốn ra ngoài. Mẹ ơi, mẹ, con muốn ra ngoài kia cơ. Mẹ ơi, mẹ ơi!” Cô bé nằng nặc đòi. Nhưng bà mẹ chỉ lẳng lặng lắc đầu, liếc nhìn Aomame với ánh mắt trách móc. Đó là âm thanh duy nhất phát ra ở xung quanh, cũng là phản ứng duy nhất đập vào mắt. Những người lái xe khác đều chỉ hút thuốc, nhíu mày cau chặt, dõi theo mắt nhìn theo nàng đang không hề do dự bước đi giữa hàng xe dài dằng dặc và vách chắn, như thể đang nhìn một vật thể gì đó chói mắt. Dường như họ không nôn nóng phán đoán. Dẫu xe không thể nhúc nhích, nhưng người ta cũng không thường thấy có người đi bộ trên đường cao tốc Thủ đô. Muốn tri giác và chấp nhận nó như một hiện thực, ít nhiều cũng cần có thời gian. Và hơn nữa, người đi bộ ấy còn là một cô gái trẻ mặc mini jupe, chân đi giày cao gót.

Aomame thu cằm nhìn thẳng về phía trước, lưng ưỡn thẳng, dựa vào làn da để cảm nhận những ánh mắt xung quanh đang nhìn mình, bước chân đi kiên định, mạnh mẽ. Đôi giày cao gót hiệu Charles Jourdan màu hạt dẻ gõ xuống mặt đường tạo nên những âm thanh khô khốc, gió thổi hất vạt áo khoác ngoài của nàng lên. Đã vào tháng Tư, nhưng gió vẫn lạnh buốt như thế, ẩn chứa bên trong một dự cảm hung bạo. Nàng khoác chiếc áo gió màu be bên ngoài bộ vest dạ mỏng màu xanh hiệu Junko Shimada, vai đeo túi da đen. Mái tóc xõa ngang vai được cắt tỉa rất gọn gàng, chăm sóc kỹ lưỡng. Aomame không đeo món đồ trang sức nào. Nàng cao một mét sáu tám, không một chút thịt thừa, mọi cơ bắp đều trải qua những rèn luyện công phu, thế nhưng, cách một lần áo gió thì người khác không thể nào hay biết được điều này.

Nếu tỉ mỉ quan sát gương mặt nàng từ chính diện, người ta sẽ phát hiện ra kích cỡ hai tai nàng có sự khác biệt rất lớn. Tai trái to hơn hẳn tai phải, và hình dạng cũng hơi méo mó. Nhưng không ai để ý đến điều này, vì đôi tai luôn ẩn trong mái tóc. Cái miệng lúc nào cũng mím chặt thành một đường thẳng, ám chỉ một tính cách không dễ gần. Chiếc mũi nhỏ nhắn, xương gò má hơi nhô lên, vầng trán rộng, đôi lông mày dài và thẳng, mỗi nét lại góp thêm một phiếu cho khuynh hướng ấy. Nhưng gương mặt trái xoan cũng khá cân đối. Tuy rằng sở thích mỗi người mỗi khác, nhưng về cơ bản có thể nói nàng là một phụ nữ đẹp. Vấn đề là nét mặt Aomame hầu như không có biểu cảm gì. Cặp môi mím chặt ấy, trừ trường hợp bất đắc dĩ, còn thì tuyệt đối không hé một nụ cười. Đôi mắt lạnh lùng và chăm chú như một giám sát viên xuất xắc trên boong tàu. Vì vậy, gương mặt nàng hoàn toàn không để lại cho người khác một ấn tượng gì rõ rệt. Trong rất nhiều trường hợp, vẻ tự nhiên và sự lịch lãm trong những cử động của nét mặt còn thu hút sự chú ý và quan tâm của người khác nhiều hơn sự xấu đẹp của gương mặt trong trạng thái bất động.

Hầu hết mọi người đều không nắm bắt được tướng mạo của Aomame. Chỉ cần rời ánh mắt đi chỗ khác là không thể miêu tả được gương mặt nàng trông như thế nào nữa. Nói cho đúng, gương mặt của Aomame chắc chắn là gương mặt có cá tính, nhưng không hiểu sao những đặc trưng của từng chi tiết lại không hề để lại ấn tượng gì trong óc người khác. Theo nghĩa đó, nàng giống như một loài côn trùng ngụy trang. Thay đổi màu sắc và hình dạng để hòa lẫn vào môi trường xung quanh, cố gắng không làm người khác chú ý, không để người khác có thể dễ dàng nhớ đến mình, đây chính là điều mà Aomame mong muốn. Từ bé, nàng đã tự bảo vệ mình theo cách ấy.

Nhưng nếu vì lý do nào đó mà phải nhăn mặt, thì gương mặt lạnh lùng của Aomame sẽ thay đổi hoàn toàn. Cơ mặt sẽ co rúm lại theo các hướng khác nhau, khiến cho sự méo mó của hai bên má bị cường điệu đến cùng cực, những nếp nhăn hằn sâu ở nhiều chỗ, đồng tử vội vã thu lại, mũi và miệng biến dạng một cách thô bạo, cái cằm vẹo đi, môi vểnh lên, để lộ những chiếc răng to trắng. Như thể tấm mặt nạ bị đứt dây buộc đột nhiên tuột ra khỏi gương mặt, trong chớp mắt nàng biến thành một con người hoàn toàn khác. Bất cứ ai nhìn thấy cũng đều không khỏi hồn xiêu phách lạc trước sự biến đổi đến ớn lạnh ấy. Đó là một cú nhảy bất ngờ từ sự hoàn toàn không thể nắm bắt xuống vực sâu của sợ hãi. Vì vậy, nàng luôn thận trọng, tuyệt đối không chau mày trước người lạ. Nàng chỉ thay đổi gương mặt khi ở một mình, hoặc lúc đe dọa gã đàn ông mà nàng không ưa.

Đến được khoảng trống dùng để đỗ xe khẩn cấp, nàng dừng bước nhìn bốn phía tìm cầu thang thoát hiểm. Nàng tìm thấy tức thì. Đúng như bác tài đã nói, lối vào cầu thang có hàng rào sắt cao quá hông một chút, cửa khóa chặt. Mặc mini jupe bó sát người mà leo qua hàng rào sắt này thì hơi phiền phức, nhưng chỉ cần không để ý đến ánh mắt của người khác thì không có gì là khó. Nàng không hề do dự tuột đôi giày cao gót ra, nhét vào túi đeo vai. Đi chân trần thì cái quần tất này coi như vứt đi, nhưng những thứ như thế này mua ở cửa hàng nào chẳng được.

Mọi người lặng lẽ dõi theo nàng cởi giày cao gót, rồi cởi áo khoác ngoài. Từ trong cửa sổ để mở cửa chiếc Toyota Celica màu đen dừng ngay phía trước vẳng ra tiếng hát cao vút của Michael Jachson, bài Billie Jean, như để làm nhạc nền cho cảnh tượng đó. Nàng thấy mình như đang đứng trên sân khấu múa thoát y. Cũng được. Cứ ngắm cho thỏa thích đi. Chắc các vị đang phát ngán với cảnh tắc đường này phải không? Nhưng, xin thưa, tôi chỉ tới đến đây thôi. Hôm nay chỉ có giày cao gót và áo khoác. Xin lỗi nhé.

Aomame xốc lại túi lên vai cho khỏi rơi. Chiếc Toyota Crown Royal Saloon nàng vừa ngồi vẫn ở đằng xa, dưới ánh nắng chiếu rực rỡ, tấm kính chắn gió phản chiếu những tia sáng chói mắt như một tấm gương. Không thấy rõ mặt bác tài, nhưng chắc chắn bác ta đang nhìn về phía này.

Đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa. Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi.

Aomame hít sâu một hơi, rồi lại thở hắt ra thật dài. Sau đó, nàng dỏng tai theo tiết tấu của Billie Jean, và leo qua hàng rào sắt. Chiếc mini jupe bị vén lên tận hông. Mặc xác, nàng thầm nhủ. Muốn nhìn thì nhìn đi. Dù nhìn thấy cái bên trong váy, cũng đừng mơ nhìn thấu được con người tôi. Huống hồ, đôi chân thon dài đẹp đẽ ấy chính là chỗ khiến Aomame cảm thấy tự hào nhất trên thân thể mình.

Sang đến bên kia hàng rào sắt, Aomame sửa lại vạt váy, phủi bụi trên tay, mặc lại áo khoác, đeo lại túi xách, đẩy gọng kính râm lên một chút. Cầu thang thoát hiểm đã ở ngay phía trước, một cầu thang sắt sơn màu ghi. Loại cầu thang đơn giản, thiết thực, chỉ quan tâm đến khía cạnh công năng. Nó không được làm ra để dành cho các cô gái đi chân trần với độc chiếc quần tất và mặc mini jupe bó sát người lên xuống. Junko Shimada cũng chẳng thiết kế bộ Âu phục này để leo lên leo xuống cầu thang thoát hiểm trên tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô. Những chiếc xe tải cỡ lớn đi bên làn xe ngược chiều khiến cầu thang rung lên bần bật. Gió thổi vù vù qua khe giữa những thanh sắt. Có điều, đằng nào thì cầu thang cũng ở đó rồi, việc còn lại chỉ là leo xuống mặt đất mà thôi.

Aomame ngoảnh đầu lại phía sau một lần cuối, điệu bộ như một người vừa kết thúc phần diễn thuyết của mình nhưng vẫn lưu lại trên bục phát biểu chờ nghe khán giả đặt câu hỏi, đưa ánh mắt từ bên trái sang bên phải, rồi lại từ bên phải sang bên trái nhìn những hàng xe chật cứng trên đường. Từ nãy đến giờ, hàng xe dài ấy vẫn chưa nhích được thêm chút nào. Người ta bị vây khốn ở đó, không biết làm gì, chỉ biết giương mắt lên quan sát từng động tác nhỏ nhặt nhất của nàng. Bọn họ đều băn khoăn tự hỏi, rốt cuộc người phụ nữ này đang định làm gì vậy? Những ánh mắt hàm chứa cả sự tò mò lẫn vẻ không hứng thú, cả sự ngưỡng mộ lẫn vẻ coi khinh cùng đuổi dồn lên Aomame đang leo sang phía bên kia hàng rào sắt. Tình cảm của họ giống như một cán cân không ổn định, không nghiêng hẳn về bên nào, mà cứ đung đưa qua lại. Một sự im lặng nặng nề buông xuống, bao trùm xung quanh. Không ai giơ tay đặt câu hỏi (đương nhiên, dù có ai hỏi, Aomame cũng chẳng định trả lời). Mọi người chỉ lặng lẽ chờ đợi một cơ duyên mãi mãi không bao giờ ghé tới. Aomame hơi cúi đầu, cắn môi dưới, đánh giá bọn họ một lượt từ phía sau cặp kính râm màu xanh sẫm.

Tôi là ai, đang định đi đâu, làm gì, chắc chắn các người không thể nào tưởng tượng nổi. Aomame thầm nói với họ, đôi môi không hề mấp máy. Các người bị giam cầm ở đây, chẳng đi đâu nổi. Không thể tiến lên, cũng không thể rút lui. Nhưng tôi thì khác. Tôi có việc cần làm cho xong. Có sứ mệnh cần phải hoàn thành. Thế nên, tôi xin đi trước.

Cuối cùng, Aomame rất muốn hướng về tất cả đám người ở đây mà nhăn mặt một cái, nhưng khó khăn lắm nàng cũng tự kiềm chế được. Nàng không còn thời gian để làm những chuyện vô vị ấy nữa. Gương mặt một khi đã biến đổi, sẽ mất nhiều thời gian mới khôi phục lại được vẻ ban đầu.

Aomame quay lưng lại với đám khán giả câm lặng, sau đó bắt đầu thận trọng leo xuống cầu thang thoát hiểm, lòng bàn chân cảm nhận được hơi lạnh thấu xương của sắt thép. Cơn gió lạnh đầu tháng Tư làm mái tóc nàng đung đưa, thi thoảng lại để lộ ra vành tai trái dị dạng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.