Ai Bảo Chỉ Hoàng Tử Mới Là "Chân Mệnh Thiên Tử"

Chương 17: Đối đầu



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đương lúc Dận Chân và Tâm Di chuyện trò cao hứng thì ngoài cửa sổ vọng vào tiếng trẻ con nô đùa. Dận Chân không khỏi cau mày.

Long Đa Khoa lập tức đứng dậy mở cửa ra ngoài xem xét, lúc sau, quay lại nói: “Là Hoằng Thời, Hoằng Lịch, Hoằng Trú.”

“Vương gia, Tâm Di muốn gặp bọn trẻ.”

Dận Chân gật đầu. Long Đa Khoa lại đi ra cửa, không bao lâu, ba đứa trẻ bước vào, quỳ xuống hành lễ, giọng trẻ con non nớt đồng thanh cất lên:

“Thỉnh an a mã! Thỉnh an Tâm Di cách cách!”

Dận Chân nghiêm khắc nói: ”Đứng dậy đi! Sao không ở thư phòng học mà chạy ra vườn đùa giỡn thế hả?”

Hoằng Thời lớn tuổi nhất, vội đáp: “Hồi a mã, vừa mới học xong ạ!”

Tâm Di thấy Dận Chân mặt mày lạnh tanh, bèn nói: “Thật không hổ là ‘lãnh diện vương gia’, đến con ruột mình cũng tiếc nụ cười.”

“Nhà có giàu cũng không quá ba đời, bọn chúng đứa nào đứa nấy chơi bời lêu lổng, nếu quản thúc không nghiêm, mai sau e chỉ biết xách lồng chim, đấu dế.” Kỳ thực gia giáo họ Ái Tân Giác La đều hết sức nghiêm, chỉ có điều nhà Dận Chân, so với các nhà khác, còn cao hơn một bậc.

“Quản giáo là điều nên làm, nhưng trẻ con vốn hiếu động ham chơi, không nhất thiết phải hà khắc đến mức này. Chẳng biết họ Ái Tân Giác La các người ai đặt ra cái lệ: chỉ bế cháu không bế con, con gặp cha mà như chuột thấy mèo ấy.” Tâm Di thật tình thông cảm với đám trẻ này.

“Tổ huấn là thế, tiểu vương cũng được dạy dỗ như vậy.” Dận Chân nói.

Tâm Di cảm than: “Thật đáng thương! Ở giữa là Hoằng Lịch phải không, lại đây, lại chỗ cô.”

Hoằng Lịch không dám nhúc nhích, ngẩng đầu nhìn Dận Chân dò hỏi.

“Cách cách gọi kìa.” Dận Chân nghiêm giọng.

Thấy a mã đồng ý Hoằng Lịch mới dám bước đến bên Tâm Di.

“Quái lạ, tại sao đứa bé này lại trở thành hoàng đế nhỉ! Ai, âu cũng là số phận đã định rồi!” Tâm Di nhìn Hoằng Lịch từ đầu đến chân, khẽ vuốt bím tóc đứa nhỏ, nói với Dận Chân: “Tâm Di thường nghe hoàng thượng khen Hoằng Lịch thông minh lanh lợi, xuất chúng nổi trội hơn hẳn các hoàng tôn khác, hôm nay được gặp, quả là thế thật.”

“Cách cách quá khen, trong ba đứa này e chỉ có Hoằng Lịch là còn coi được.” Dận Chân khiêm nhường.

“Còn coi được thôi á? Có đứa con trai thế này đủ để ngài mừng thầm rồi!” Tâm Di liếc Dận Chân một cái, trong lòng bổ sung thêm, “Con hơn cha!”

Dận Chân như “tóm” được điều gì, hỏi ngay: “Nghe khẩu khí cách cách, thằng bé này rất có tương lai…”

Tâm Di chỉ cười không đáp, quay đầu hỏi Hoằng Lịch: “Đói rồi phải không?”

Hoằng Lịch khẽ gật đầu.

“Ngồi xuống đây!” Tâm Di kéo ghế cho Hoằng Lịch ngồi.

“Cảm ơn Tâm Di cách cách, Hoằng Lịch không dám phá luật.” Tuy mới có 8 – 9 tuổi nhưng từ nhỏ quản thúc nghiêm ngặt khiến Hoằng Lịch chín chắn hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi khác.

“Lại là luật lệ! Có ai biết đám hoàng tử, hoàng tôn các người phải sống mệt, sống khổ như thế này! Không nên để trẻ con chịu đói, vương gia, nể mặt Tâm Di phá lệ một lần, cho ba đứa trẻ này được ăn đôi chút!” Tâm Di chịu không thấu mấy thứ lễ tiết lôi thôi phiền hà, cô xưa nay vốn thích tự do thoải mái, không ưa gò bó như vậy chút nào.

“Cách cách đã nói thế thì tiểu vương đành phá lệ một lần.” Dận Chân khá là nể mặt Tâm Di.

Sau khi dùng cơm xong, Dận Chân tiễn Tâm Di ra tận cửa, cầm lấy chiếc hộp gấm trong tay Long Đa Khoa, nói: “Tâm Di, cách cách đến vương phủ khác dự yến, bọn họ đều có hậu lễ dâng tặng, tiểu vương chỉ có chút quà mọn, mong cách cách nhận cho. Đây là tấm áo khoác tử điêu (1), mùa đông phương bắc đến sớm, tiểu vương sợ cách cách chưa kịp chuẩn bị nên thay cách cách dự bị sẵn, mong cách cách đừng chê.”

“Đây mà là ‘lễ mọn’? Đa tạ vương gia, Tâm Di xin nhận!” Tâm Di trước nay vốn chẳng chê quà, ra hiệu cho Tiểu Mai Tử đón lấy hộp gấm rồi nói tiếp: “Nhận quà mà không đáp lại e thất lễ, vương gia đã tặng món quà quý thế này thì Tâm Di cũng xin tặng lại vương gia một câu. Vương gia, những thứ vốn là của ngài, người khác cướp không được; không phải là của ngài, dù có đoạt cũng chẳng đến tay. Vương gia xin tự bảo trọng, cáo từ.”

Dận Chân đứng trước cửa vương phủ, trầm ngâm nhìn theo bóng Tâm Di…

Rời khỏi Ung vương phủ, bọn họ lại bắt đầu lòng vòng phố xá. Tiểu Cát Tử khơi mào: “Cách cách, lần nào đi làm khách cách cách cũng đều có quà đem về.”

“Món quà này của Ung vương gia rất thực dụng.” Tâm Di bỗng nhớ đến một chuyện, “Ê, các ngươi nhớ kỹ, lần sau đi trên đường tuyệt đối không được gọi ta ‘cách cách’, tránh gây phiền phức.”

“Vậy thì phải gọi cách cách thế nào?” Tiểu Lam Tử hỏi.

Nhị Hổ nhanh nhạy nhất đám: “Gọi là ‘tiểu thư’! Như thế sẽ không thu hút sự chú ý.”

“Quyết định vậy đi!” Tâm Di gật đầu tỏ ý hài lòng.

Tiểu Trúc Tử lại hỏi: “Tiểu thư, bây giờ chúng ta về cung ư?”

“Ta biết các ngươi vẫn chưa dạo chán, nhưng trước tiên phải tìm tửu lâu cho ta ăn chút gì đã! Mỗi lần dự yến ta đều ôm bụng đói về. Dùng cơm cùng bọn họ, lễ này tiết nọ nhiều muốn phát khùng, đã thế quay qua quay lại nói còn nhiều hơn ăn, kiểu đó mà no mới lạ.” Sức ăn của Tâm Di xem ra cũng thật đáng nể.

Tiểu Cát Tử cười nói: “Thảo nào đầu bếp Di Uyển cứ hỏi, sao lần nào đi dự yến về cách cách cũng sai làm nhiều đồ ăn thế, ăn được hết thật?”

“Chứ không vào bụng lũ phàm ăn các ngươi!” Tâm Di điểm mặt bọn Tiểu Trúc Tử.

Tiểu Trúc Tử lè lưỡi, chỉ phía trước mặt đánh trống lảng: ”Tiểu thư, đám đông kia không biết xúm xít lại làm gì, chúng ta cũng đi xem xem.”

“Hóng chuyện đúng là việc ngươi khoái nhất. Đi, cùng qua đó xem.”

Bọn họ chen vào giữa đám đông.

Ở trung tâm đám đông,giữa khoảng trống hạn hẹp là một phụ nữ đang khóc thút thít, tay bồng một đứa trẻ. Bên cạnh còn có một người bán dưa, dưới đất lăn lóc ba quả dưa khá to. Người bán dưa đang lớn tiếng nói gì đó, nước bọt văng tứ tán, thấy người đi đường xúm lại hóng chuyện ngày càng đông, ông ta nói càng hăng: “Ông bà cô bác nói xem, người đàn bà này đã trộm dưa của tôi còn không nhận, tôi có nên làm ra lẽ chuyện này.”

Một người qua đường nói với giọng miệt thị: “A, trộm dưa? Chuyện này cũng làm?”

Người phụ nữ thấy người đó tin lời tay bán dưa bèn kêu oan: “Mọi người đừng nghe ông ta nói xằng, ban nãy tôi chỉ mua một quả dưa, đi chưa được vài bước đã bị ông ta túm lại, nhất quyết đổ cho tôi ăn trộm ba quả dưa.”

“Rõ ràng cô trộm của tôi ba quả dưa, dưa vẫn nằm đây đó thôi, còn không chịu nhận. Tôi thấy cô là đàn bà con gái mới không giải lên quan, chỉ cần trả đủ tiền dưa là được.” Người bán dưa nói có vẻ rất thấu tình đạt lý.

Người phụ nữ nổi giận đùng đùng phản bác: “Rõ ràng chỉ mua của ông có một quả dưa, sao lại vu cáo tôi ăn trộm những ba quả, ông có nói lý không thế?”

“Hei! Cô đã trộm dưa còn nói tôi không biết phải trái, đi, chúng ta lên quan làm cho ra nhẽ.” Tay bán dưa quyết ép đến cùng.

Đám đông vây quanh bắt đầu giảng hòa, người này nói: “Cái chị này, trả ông ta tiền ba quả dưa là xong, lên quan còn thiệt nữa.”, người kia nói:

“Phải đấy, người ta bán dưa nuôi vợ nuôi con cũng chẳng dễ dàng.”, lại có người nói: “Đúng đúng, trả tiền cho người ta có phải xong không.”

Người phụ nữ rơm rớm nước mắt chỉ chực trào ra, đứa bé chị ta ôm trong lòng sợ hãi khóc lóc ầm ĩ.

“Tôi không ăn trộm, tôi thật sự không ăn trộm dưa!” Phụ nữ là người trung hậu thật thà, ngoài hai câu này ra, không tìm được lời nào khác để biện bạch cho bản thân.

Tâm Di nhìn lướt qua là biết chân tướng sự việc, hạ thấp giọng rủa đám đông: “Lũ đần, hiển nhiên thế này mà không nhìn ra ai đúng ai sai, chỉ giỏi gây rối.”

Tiểu Trúc Tử nghe thấy, hỏi nhỏ Tâm Di: “Ý tiểu thư… tay bán dưa đó là kẻ vu khống?”

“Sao lại nói thế?” Đại Hổ không hiểu.

“Ngươi có thể ôm một lúc ba quả dưa không? Ý ta là ‘cùng một lúc’ ấy.” Tâm Di hỏi Đại Hổ.

Đại Hổ nghĩ một hồi, đáp: “Có vẻ khó.”

“Nếu bảo ngươi bế thêm một đứa bé?” Tâm Di hỏi tiếp.

“Hoàn toàn không thể.” Đại Hổ lập tức trả lời.

“Ngươi đàn ông trai tráng còn không làm được, huống hồ là người phụ nữ kia.” Tâm Di chỉ ra điểm mấu chốt.

Đến đây mọi người đều hiểu cả.

“Tiểu thư, chi bằng chúng ta đứng ra bênh vực phụ nữ đó.” Nhị Hổ nôn nóng muốn thử.

Tâm Di đang định gật đầu, chợt nhìn thấy Na Lan Đức Duật rẽ đám đông bước ra, bèn nói: “Chẳng đến lượt ngươi làm anh hùng đâu, coi, thần tượng của các ngươi ra mặt rồi kìa.”

“Đúng rồi! Là Na Lan Đức Duật.” Tiểu Lam Tử cũng nhìn thấy.

Na Lan Đức Duật bước ra giữa khoảng trống, nói với tay bán dưa: “Vị huynh đài này, chị ta đã trộm dưa của huynh thì cứ giải lên nha môn, tôi đi cùng huynh.”

Tay bán dưa vui mừng khôn xiết: “Ra là Na Lan công tử, có công tử làm chứng thì còn gì bằng.”

Na Lan Đức Duật chỉ vào ba quả dưa nằm dưới đất: “Ba quả dưa này là vật chứng, huynh ôm cho chắc, đừng đánh rơi.”

“Vâng vâng!” Tay bán dưa vừa nói vừa khom lưng nhặt lấy hai quả dưa, mỗi tay ôm một quả, quả thứ ba không sao cầm lên được.

“Vị nào đến giúp tôi một tay?” Tên bán dưa nhờ vả đám đông vây quanh.

Na Lan Đức Duật cúi người bê quả dưa còn lại lên, đặt vào lòng tay bán dưa.

Tên ngốc đó ôm chặt lấy ba quả dưa, nói: “Na Lan công tử, chúng ta đi thôi.”

Na Lan Đức Duật hỏi vặn lại: “Đi đâu cơ?”

“Lên nha môn chứ đâu?” Gã bán dưa còn đang tự hỏi vì sao Na Lan Đức Duật lại nhanh quên đến thế.

Na Lan Đức Duật chỉ vào đứa bé trong tay người phụ nữ: “Nếu huynh đài có thể bế cả đứa bé này thì tôi đi cùng huynh ngay.”

“Na Lan công tử, công tử đừng đừa chứ, sao bế thêm được.” Gã bán dưa…muốn khóc thét.

Na Lan Đức Duật im lặng nhìn tên bán dưa, ánh mắt đầy vẻ chế giễu.

Có người chợt tỉnh ra: “Ừ nhỉ, đơn giản thế mà mình nghĩ không ra.”

Na Lan Đức Duật hỏi những người vây quanh: ”Các vị phụ lão hương thân, ai trong các vị có thể vừa bế một đứa bé vừa ôm ba quả dưa? Vị này? Vị này?”

Mọi người đều lắc đầu.

“Không ai làm được chứ gì, vậy thì người phụ nữ này sao có thể vừa bế đứa bé lại ăn trộm ba quả dưa chứ?” Na Lan Đức Duật liếc nhìn tên bán dưa.

Tay này hổ thẹn không nói nên lời.

Người phụ nữ cảm kích vô cùng, cám ơn Na Lan Đức Duật hết lần này đến lần khác: “Đa tạ Na Lan công tử! Đa tạ Na Lan công tử!”

Trong đám đông có thiếu nữ kích động đến mức hét lớn: “Na Lan Đức Duật, chàng thật là thông minh! Thiếp yêu chàng!”

Na Lan Đức Duật chẳng thèm ngó thiếu nữ “dũng cảm” đó lấy một cái, rẽ đám đông đi thẳng. Đám đông cũng dần dần giải tán.

Tiểu Trúc Tử không bỏ lỡ cơ hội khoe với Tâm Di như sợ người khác không biết Na Lan thần tượng thông minh đến cỡ nào: “Tiểu thư, lần này tiểu thư không nghĩ anh ta đầu óc ngu si, tứ chi phát triển nữa chứ!”

“Chút khôn vặt đấy mà.” Tâm Di nói, giọng không tán thành thấy rõ: “Nhìn cái bộ dạng khinh người của hắn kìa, làm như mỗi mình hắn thông minh ấy!”

“Anh ta thông minh thật mà!” Tiểu Lam Tử nói với giọng sùng bái.

“Rồi rồi rồi, hắn thông minh, đã được chưa!” Tâm Di chẳng hơi đâu tranh luận với bọn Tiểu Trúc Tử cho mệt, “Cứ nhắc đến hắn là mắt các người sáng rực. Các ngươi đứng đó mà ngưỡng mộ, ta đây còn phải kiếm chỗ tế cái dạ dày đã.”

Đoàn người đến trước cửa một tửu lâu lớn.

Tửu lâu nhộn nhịp khách khứa, tiếng trò chuyện cười nói, tiếng gọi thức ăn, thêm trà thêm nước vang lên không ngớt, tiểu nhị chạy tới chạy lui giữa các bàn ăn, bận như chong chóng. Vừa tiễn vài người khách ra về, chợt nhìn thấy bọn Tâm Di đứng trước cửa, tiểu nhị vội vàng mời chào:

“Khách quan, các vị đến dùng cơm phải không, mời vào, mời vào!”

Tiểu Trúc Tử đưa mắt nhìn một vòng đại sảnh ồn như chợ vỡ, nói: “Ồn thế này sao ăn, có nhã tọa (2) không?”

“Có có, trên lầu có nhã tọa, vô cùng yên tĩnh! Xin mời các vị!” Tiểu nhị trả lời hết sức khách khí.

Tâm Di vừa lên lầu liền thấy Na Lan Đức Duật ngồi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ, đương một mình hưởng thụ.

“Ta muốn chỗ cạnh cửa sổ!” Tâm Di nói với tiểu nhị.

Tiểu nhị vô cùng khó xử: “Tiểu thư, bàn cạnh cửa sổ đều có khách ngồi rồi!”

“Kêu hắn nhường!” Tâm Di chỉ Na Lan Đức Duật.

Bọn Tâm Di mới đặt chân lên lầu là Na Lan Đức Duật đã chú ý đến rồi. Anh nhìn ra Đại Hổ, Nhị Hổ có chút võ công, lại thấy Tiểu Trúc Tử và Tiểu Lam Tử ăn mặc kiểu người hầu, bụng nghĩ chắc là thiên kim tiểu thư nhà nào ở hoài trong phòng phát cuồng, trốn ra ngoài giải khuây, thành ra cũng chẳng để ý.

Nghe thấy Tâm Di đòi mình nhường chỗ, Na Lan tuấn tú không khỏi nghiêng đầu quan sát Tâm Di một vòng, tuy dung mạo không nổi trội nhưng từ phục sức có thể đoán ra cô gái này thuộc gia đình quyền quý, bèn “hừ” một tiếng: “Dựa vào cái gì mà tôi phải nhường?”

“Chẳng dựa vào cái gì, bổn tiểu thư muốn ngồi bàn này!” Tâm Di cố tình kiếm chuyện.

“Loại tiểu thư kiêu kỳ như cô tôi gặp nhiều rồi, nếu cô đủ xinh, không biết chừng tôi còn nhường, tiếc thay cô không phải mỹ nữ… Muốn lên mặt ra vẻ, về nhà mà ‘diễn’!” Na Lan Đức Duật lạnh lùng đáp trả.

Câu nói này ngay lập tức làm tổn thương lòng tự tôn của Tâm Di, vốn dĩ chỉ định chọc phá đôi chút chứ thực tâm không trọng chỗ ngồi… kỳ này Tâm Di quả máu nóng bốc lên đỉnh đầu: “Thế nào thì ngươi mới chịu nhường? Na Lan Đức Duật!”

“Cô biết tôi?”

“Xếp đầu ‘Kinh thành tam đại thần tượng’, ai mà không biết!”

“Nếu đã biết chắc cô cũng rõ thuộc hạ nhà cô không phải đối thủ của tôi, tốt nhất là dập tắt ý định dùng vũ lực giải quyết vấn đề.” Na Lan Đức Duật quả nhiên thẳng thắn.

“Thứ này thì sao?” Tâm Di thừa biết vác tiền ra cũng vô dụng nhưng vẫn đặt một tờ ngân phiếu lên bàn.

“Một nghìn lượng mua chỗ tôi ngồi? Chậc… Hào phóng ghê! Tôi nên lập tức đứng dậy nhường chỗ cho cô nhỉ?” Na Lan Đức Duật châm chọc.

“Là ngươi ta mới trả nghìn lượng, người khác còn lâu mới có giá này.”

Na Lan Đức Duật càng xem thường: “Ha… Thật là vinh hạnh! Cô nghĩ tiền có thể mua được mọi thứ? Ngoài tiền ra cô còn gì hả? Chẳng có gì hết!

Về nhà cũng nên dùng tới cái đầu mà nghĩ xem,đừng tưởng cả thiên hạ ai cũng như cô,coi tiền là quý!”

“Có khí phách! Ngươi bảo ta dùng đầu óc, được, chúng ta thi xem ai thông minh hơn ai! Ta phải dạy cho ngươi biết ngươi không phải là người thông minh nhất kinh thành!” Tâm Di bị… gãi đúng chỗ ngứa.

Na Lan Đức Duật hoàn toàn không coi Tâm Di ra gì: “Thi nối câu đối hay thi làm thơ?”

“Không thi thứ đó!”

“Thi thứ này cơ hội thắng của cô còn cao hơn một chút!”

“Mấy thứ đó chẳng cho thấy ai là người thông minh!” Kỳ thực Tâm Di không biết làm thơ, cô phải chọn món gì sở trường đấu với Na Lan Đức Duật.

“Cho cô chọn, nếu thắng, chiếc bàn này nhường cô.” Na Lan Đức Duật hết sức tự tin.

“Được, mỗi người nêu ba câu đố, ai không trả lời được coi như thua!”

Na Lan Đức Duật bắt đầu hứng lên rồi: “Nhất ngôn cửu đỉnh! Nếu cô trả lời đúng hết cũng coi như cô thắng, cô là con gái, nhường cô hỏi trước.”

“Hứ, trọng nam khinh nữ quá lắm, hôm nay nhất định bắt ngươi chịu thua!” Tâm Di suy tính.

Tâm Di “lục” lại một lượt kho câu đố trí tuệ mà cô từng làm trước kia, lập tức đưa ra câu hỏi.

“Nghe kỹ nhé, trong làn có rất nhiều táo, đem số táo này chia cho ba người. Người thứ nhất lấy một nửa số táo có trong làn cộng thêm nửa quả táo; người thứ hai lấy một nửa số táo còn lại trong làn, thêm nửa quả; người thứ ba cũng vậy, lấy một nửa số táo mà người thứ hai để lại và thêm nửa quả; đến lúc này thì số táo có trong làn vừa hay chia hết mà phần táo mỗi người nhận được đều là nguyên quả. Đoán xem trong làn có tất cả bao nhiêu quả táo?” Tâm Di nói liền một hơi.

—————

Chú thích:

(1) Tử điêu:

images

(2) Nhã tọa: chỗ ngồi “cao cấp” trong quán ăn, quán trà… có thể là một bàn riêng có rèm hoặc bình phong cách ly, cũng có thể chỉ là một trong nhiều chỗ ngồi trên lầu, trông có vẻ tiện nghi và thoải mái hơn chỗ ngồi bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.