Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Chương 60: Dao động



Bầu không khí học tập ở lớp B không được đậm đặc cho lắm, đúng như Sử Vũ nói, giờ lên lớp có một nửa học sinh gục đầu. Thò tay vào ngăn bàn nào chơi PSP, nào chơi game trên điện thoại, nào nhắn tin wechat, còn có đứa nhét điện thoại nằm ngang dựng đứng trong hộp bút để đọc truyện, hay lợi dụng mái tóc dài để che tai nghe không dây xem video.

Quan hệ giữa học sinh và giáo viên là minh chứng rõ nhất của câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, một bên luôn có cách để kiểm tra, một bên luôn có cách để chơi.

Mấy học sinh chuyển từ lớp A xuống không quen cho lắm, hoặc có thể tâm trạng vốn tồi tệ, người nào người nấy mặt ủ mày chau.

Thịnh Vọng trở thành ngoại lệ duy nhất.

Lúc trước Sử Vũ nói với Thịnh Vọng về những điều này có thêm thắt yếu tố hư cấu chém gió, nhưng hắn đã quên Thịnh Vọng từng chuyển nhà rất nhiều, từng đến rất nhiều lớp.

Mỗi lớp có một bầu không khí riêng, nghịch hơn lớp B Thịnh Vọng cũng từng vào rồi —- hồi xưa thi cấp ba, những học sinh mũi nhọn đủ tư cách tham gia kì thi tuyển thẳng được chọn ra, gộp thành một lớp ôn cấp tốc trước khi thi, đấy mới gọi là ngông.

Đóng cửa phòng học kéo kín rèm, tụ lại một bàn nào đánh bài, nào chơi cờ, đủ các trò. Hồi xưa Thịnh Vọng lôi cái khung bóng rổ bị gãy đóng lên tường cuối lớp, mấy thằng con trai ngứa tay cái khỉ gì cũng ném được, còn dám thi đấu nữa chứ. Thịnh Vọng ném bóng rổ cực kỳ chuẩn chủ yếu nhờ hai tháng đó.

Thậm chí còn cầm xúc xắc đến lớp, lấy cốc nước để đựng, thua thì mời cả lớp đi ăn khuya, nói là cả lớp thôi chứ thực ra có mỗi 18 đứa. Thịnh Vọng đen, từng mời rất nhiều lần.

Khi đó căng tin trường cung cấp riêng bữa khuya cho giáo viên trực ban, theo lý thì học sinh không được mua, sợ tắt đèn rồi vẫn chưa ngủ. Nhưng bọn cậu luôn luôn thành công. Hai đứa vòng đi báo cáo, giáo viên trực ban cầm sổ trừ điểm chạy tới bắt, bọn cậu chia làm ba đường, cứ thế cắt đuôi trong cuộc vây bắt, xách đồ ăn chạy về kí túc xá nâng chén ăn mừng, sau đó thứ hai vui vẻ gặp nhau tại “Đại hội phê bình trước cờ”.

Những việc Sử Vũ chưa từng thấy thì Thịnh Vọng từng làm hết rồi. Từ miệng rộng nói đúng lắm, cậu có gương mặt lừa tình, thoạt nhìn ngoan ngoãn thật thà thôi.

Dạo ấy cậu cứ nghĩ mình thích lớp ấy nhất, vì được xõa hết mình, vì sôi nổi vui vẻ, vì đỡ phải về căn nhà buồn tẻ không một bóng người.

Về sau cuộc thi tuyển thẳng kết thúc, lớp học lâm thời ấy giải tán, cậu mới phát hiện thì ra cái cậu gọi là niềm vui cũng chỉ đến thế —-

Ngày nghỉ thứ hai, quãng thời gian nô đùa bung xõa bắt đầu trở nên lu mờ, một tháng sau, cậu không gọi xuôi miệng tên bạn học nữa rồi, chỉ nhớ biệt danh thôi. Sau đó nữa, những con người trong quãng thời gian ấy dần dần biến thành “họ”.

Bởi vì nghĩ lại, toàn là chuyện vụn vặt, cũng chẳng tốt đẹp sâu sắc, thực sự không có gì đáng nói.

Tiết học buổi chiều ở lớp B bị Toán Lý chiếm hết. Giáo viên đứng trên ra sức chữa bài tập, bên dưới chỉ có lẻ tẻ vài người cầm bút, Thịnh Vọng là một trong số đó.

Nhưng cậu cũng không chép bài. 

Lớp phó học tập tranh thủ thời gian nghỉ trưa phát bổ sung cho mấy bạn mới như cậu bài tập ngữ văn và tiếng anh giáo viên giao. Cậu chia một lỗ tai nghe giảng, còn ngòi bút thì thong dong làm đề tiếng anh.

Lúc lật giấy, cậu giẫm nhẹ lên thanh ngang dưới bàn rung rung cái ghế, cảm thấy tầng trên tầng dưới chẳng khác mấy.

Tốc độ nói của giáo viên hơi chậm, mạch suy nghĩ phân tích hẹp quá, không đào sâu độ khó bằng mấy thầy cô như lão Hà, phần mở rộng liên hệ hơi ít, đề luyện tập rất nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại. Nhưng những việc này cậu tự điều tiết cân bằng được, ngoài ra thì không còn khuyết điểm nào khác.

Đã bảo chẳng có gì khó rồi mà, thấy chưa, thích ứng rồi đây này.

Cậu thầm nhủ trong lòng.

Ngoài cửa sổ mưa gió dầm dề suốt một quãng thời gian dài đằng đẵng, giọt nước tới tấp vỗ vào mặt kính tạo thành tiếng động nhịp nhàng ngay ngắn mà đơn điệu, nghe như chiếc đồng hồ treo cuối lớp, mải miết lặp đi lặp lại một âm thanh, thời gian tĩnh lặng trôi qua trong tiếng động ấy.

Sắc trời tối đen lờ mờ, chẳng biết còn sớm hay đã muộn, giọng nói của giáo viên khiến người ta díp mắt.

Thịnh Vọng ngước mắt lên trong lúc làm đề, bỗng mất định hướng thời gian. Cậu rút một tờ đề Văn ra, bỏ thời gian nửa tiết làm đến câu đọc hiểu cuối cùng, chữ viết bắt đầu đứt quãng.

Cậu vạch vài nét mới nhận ra ống mực đã thấy đáy tự bao giờ, chỉ còn một lớp dầu vàng —- làm Văn bao giờ cũng tốn mực kinh khủng.

Cậu xoáy đầu bút mở ra theo thói quen, khẽ dựa ghế về đằng sau, chẳng quay đầu lại mà gõ gõ bàn sau, rồi chìa tay chờ.

Thời gian xuất hiện khoảng trống vài giây, chẳng có ai đặt đồ vào bàn tay chìa ra của cậu. Cậu không đợi được ruột bút mới, chỉ chờ được câu hỏi khó hiểu của Sử Vũ: “Làm gì thế? Mượn thước hay mượn bút à?”

Thịnh Vọng sửng sốt trong giây lát, bỗng lúng túng thôi rồi.

Giây phút ấy tiếng mưa rơi như ồn ào thêm, làm lòng người phiền muộn. Cậu quay người lại trong tiếng ồn ào, định trả lời câu hỏi của Sử Vũ rằng: “Có thừa ngòi bút không? Cho tôi mượn một cái, mai tôi trả.”

Nhưng cậu không hé miệng, không muốn nói thành lời.

Sử Vũ vẫn đang mù mờ, Thịnh Vọng nhoẻn cười nói: “Không có gì, tôi làm đề mụ đầu thôi.”

“À….” Sử Vũ ngơ ngác trả lời.

Chẳng đợi nói thêm gì nữa, Thịnh Vọng đã quay đầu lên.

Cậu nhìn cái bút nước tách làm đôi, bỗng chẳng còn hứng làm đề tiếp nữa. Cậu ngồi trong tiếng mưa rơi hồi lâu, rốt cuộc thừa nhận mình có hơi nhớ thật rồi.

Chưa được mấy phút mà cậu đã bắt đầu nhớ anh bạn tầng trên rồi.

Thời gian còn lại trôi qua thế nào, Thịnh Vọng không nhớ nữa. Cậu chỉ nhớ khi tiếng chuông tan học vang lên, cậu giật mình móc chiếc ô chưa bao giờ dùng trong cặp, vội vàng chạy đến cửa hàng tiện lợi Hân Hoan.

Ông chủ Triệu rất kinh ngạc, cằn nhằn mắng: “Ơ kìa, mưa to thế chạy đến đây làm gì? Cháu nhìn ống quần cháu đi, ướt sũng bùn đất rồi kìa. Về nhà giặt khổ thì đừng có khóc.”

“Không sao ạ, có cô giặt hộ rồi.” Thịnh Vọng chui thẳng vào trong cùng.

Ông chủ Triệu thắc mắc ngoái đầu nhìn, thấy cậu cằm ba hộp ngòi bút, đen đỏ xanh đủ cả, ngoài ra còn lấy dao rọc giấy, thước kẻ, băng dính, bút chì ngòi vuông…

“Đủ rồi đủ rồi đủ rồi, cháu làm gì thế? Đi buôn à?” Ông chủ Triệu vội vàng rời khỏi quầy thu ngân, đi đi lại lại theo Thịnh Vọng qua kệ đựng đồ, như đang lo thằng nhóc này tiêu tiền của bố mẹ phung phí. 

Ánh mắt Thịnh Vọng vẫn  quanh quẩn trên kệ hàng: “Không phải đi buôn, toàn đồ cháu cần dùng mà.”

Ông chủ Triệu không hiểu nổi: “Ngòi bút thì được, bác hiểu mấy đứa dùng nhanh hết. Nhưng đâu phải cháu không có thước kẻ dao rọc bút chì? Trước kia cháu không đi học chắc?”

Thịnh Vọng nghiêm túc giải thích: “Cháu có, nhưng hay ném lung tung, quanh đi quẩn lại đã chả thấy đâu, toàn phải đi mượn thôi.”

Ông chủ Triệu chép miệng, bảo: “Mấy thằng nhóc con đứa nào cũng thế, vứt lung tung chẳng gọn gàng tí nào.”

Ông vừa dứt lời, thấy Thịnh Vọng cầm ba tập giấy nhớ, không kìm được mắng tiếp: “Lấy một tập đủ rồi, cháu cầm nhiều thế làm gì?”

“Dán ạ, nhắc cháu đừng ném đồ đạc lung tung.” Thịnh Vọng nói: “Đỡ phải suốt ngày đi mượn người khác.”

Cậu cầm thêm mấy thứ nữa, chẳng mấy mà đã ôm đầy trong ngực, bấy giờ mới khẽ giọng nói: “Không muốn mượn người khác nữa.”

Ông chủ Triệu cảm giác mình cách Thịnh Vọng cả một Thái Bình Dương. Ông không thể hiểu nổi tụi học sinh thời nay nghĩ gì nữa, chỉ biết sắp muộn giờ học rồi.

Chưa kể dáng vẻ Thịnh Vọng đứng trước kệ hàng nhìn rất mông lung, dường như chính cậu cũng không biết mình muốn mua thêm gì nữa. Ông chủ Triệu vỗ lưng cậu đẩy ra quầy thu ngân, nói: “Đừng nhặt nữa, để mấy cái lặp lại xuống, khi nào dùng hết rồi đến lấy tiếp. Lấy mấy cái này thôi, bác tính tiền cho.”

Ông tìm cái túi đựng hết đồ vào, ngẫm nghĩ rồi bọc thêm lớp nữa cho đỡ dính nước mưa. Lúc đưa túi cho Thịnh Vọng, ông chủ Triệu không nhịn được nói: “Thực ra còn một tiết nữa thôi là đến giờ cơm tối rồi mà, cháu hoàn toàn có thể đợi đến lúc ấy hẵng mua, dù gì chẳng đến Ngoài rặng ngô đồng ăn cơm. Mấy thứ này đâu cần gấp lắm.”

Thịnh Vọng nói: “Đúng lúc hết ngòi bút, giờ không mua ngay thì tiết sau không làm gì được nữa.”

Ông chủ Triệu gật đầu, tin thật.

Nhưng bản thân Thịnh Vọng hiểu rõ, tất cả chỉ là cái cớ. Chẳng qua cậu không muốn để đến tận giờ cơm tối mới mua thôi, vì chắc chắn Giang Thiêm sẽ đứng bên cạnh, mà cậu không muốn Giang Thiêm chứng kiến dáng vẻ mua mấy thứ này của mình.

Luống cuống tay chân.

Ngu ngốc cực kỳ.

Thịnh Vọng xách túi chạy vội về tòa nhà Minh Lí, có lẽ bị tiếng chuông sắp vang lên thúc giục, có lẽ dầm mưa lâu nên bị lú, chân cậu nhanh hơn não, tới khi kịp phản ứng thì cậu đã đứng ở tầng trên cùng rồi.

Lão Ngô cầm bình giữ nhiệt bước tới lớp A, nửa đường gọi cậu học trò đi ngang qua lại: “Giang Thiêm đấy à, cầm bài thi về phát trước này.”

Giang Thiêm nhận lấy bài thi bước về phía phòng học, lúc đi ngang qua cầu thang hắn bắt gặp Thịnh Vọng đang ngẩn người.

Trong tay cậu cầm chiếc ô nhỏ giọt tí tách, thấm ướt nền nhà thành vũng nước. Tay còn lại cầm một cái túi, bên trên in tên cửa hàng tiện lợi Hân Hoan và logo trường, chắc vừa đi mua đồ, chạy vội về lớp.

Giang Thiêm nhìn cái biết ngay, cậu chạy nhầm tầng rồi, nét mặt ngơ ngác và bối rối, chẳng hiểu sao vương cả nét thảm hại.

Giang Thiêm đưa mắt nhìn rồi nhăn mày thật nhanh, sau đó quay lại bước tới nói với Thịnh Vọng: “Đến tìm chị Tinh à?”

Thịnh Vọng lắc đầu, đôi mắt đen nháy của cậu nhìn chằm chằm Giang Thiêm. Một lúc lâu sau, như hoàn hồn mà lắc đầu lần nữa: “Không phải, em….”

Cậu dừng lại một lát, cuối cùng bật cười vừa bất đắc dĩ vừa tự giễu: “Đi nhầm.”

Giang Thiêm nhìn nụ cười kéo căng bên khóe môi cậu, không trả lời.

Rõ ràng là Thịnh Vọng cố tình thi hỏng, tự quay lưng cất bước rời xa, nhưng hắn nhìn nụ cười gượng gạo ấy mà lòng vẫn khó chịu, vẫn nhíu đau.

“Xấu hổ chết mất, anh giả vờ chưa từng thấy em nhé, em xuống đây.” Dứt lời, Thịnh Vọng quay người chạy xuống dưới tầng. Lúc tới chiếu nghỉ, cậu ngước mắt nhìn lên Giang Thiêm.

Nhưng lão Ngô đã bước tới đây, thắc mắc: “Sao em chưa vào lớp?”

Khi giọng nói dứt lời, Thịnh Vọng biến mất khỏi cầu thang.

*

Lúc quay về chỗ ngồi, Sử Vũ giật bắn vì túi đồ to bự: “Cậu làm gì vậy? Định cư trú trong phòng học luôn à?”

Thịnh Vọng nhét từng thứ vào ngăn bàn, không quay đầu lại mà đáp: “Thật ra tôi muốn thế lắm.”

“Vì sao? Cậu bị đập đầu vào đâu à?”

“Không có gì hết.” Thịnh Vọng bóc một ngòi bút mới, thay cái ngòi đã cạn từ tiết trước: “Trời mưa phiền, tôi lười thôi.”

Trời mưa phiền quá, cảm xúc cậu vất vả lắm mới đè nén được, chưa thấy hiệu quả đâu đã thất bại trong gang tấc rồi.

Chỉ vì gặp phải Giang Thiêm trên tầng.

Lát nữa còn đi ăn cơm, rồi tối về ký túc xá ngủ nghỉ… Móa, cậu phải vượt qua kiểu gì bây giờ?

Chẳng biết có phải ông trời nghe thấy lời phàn nàn của cậu hay không mà cuối cùng bữa cơm tối ở Ngoài rặng ngô đồng bỗng toang kèo. Bởi vì bố Giang Thiêm – Quý Hoàn Vũ đến nhà cụ Đinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.