Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 21



Hôm nay là ngày lễ Phục Sinh. Zorba đã diện bảnh bao. Lão đi một đôi tất len dàyj màu tía sẫm mà lão bảo là do một trong những mụ bồ ở Macedonia đan cho. Lão bồn chồn chạy lên chạy xuống một gò cát nhỏ gần bãi biển của chúng tôi. Khum khum bàn tay bên trên hàng lông mày rậm, để che cho khỏi chói mắt, lão theo dõi con đường làng.

- Cái mụ này đến muộn mất rồi, đồ hải cẩu già, cái mụ này đến muộn mất rồi, đồ đĩ điếm, sao mà mụ chậm trễ thế, cái lá cờ cũ kỹ tả tơi.

Một con bướm vừa ra khỏi kén bay lên và định đậu lên bộ ria Zorba, nhưng nó làm lão nhột và lão khịt mũi; con bướm thản nhiên bay đi và biến vào trong nắng lóa.

Hôm ấy, chúng tôi chờ mađam Hortense đến để mừng lễ Phục Sinh. Chúng tôi đã quay một con cừu tơ, trải một tấm khăn lên cát và tô màu mấy quả trứng. Nửa đùa nửa thật, chúng tôi đã quyết định chuẩn bị một đại tiệc chiêu đãi mụ. Trên bãi biển quạnh hiu này, nàng tiên cá lùn mập, xức nước hoa và hơi rữa ấy bao giờ cũng hấp dẫn chúng tôi một cách kỳ lạ. Khi mụ không có mặt, chúng tôi thấy thiếu một cái gì , một mùi thơm như "ô- đờ-Côlônhơ", một dáng đi lạch bạch như vịt bầu, một giọng hơi khàn khàn và một đôi mắt xanh nhờ nhờ.

Cho nên chúng tôi đã bẻ những cành mua và nguyệt quế kết thành một cổng chào cho mụ đi qua. Và ngay trên cổng chào ấy, chúng tôi đã cắm bốn lá cờ Anh, Pháp, Ý, Nga và ở chính giữa, trên cao, là một vạt vải trắng dài có xọc xanh. Vì không phải là thủy sư đô đốc, chúng tôi không có đại bác, nhưng chúng tôi đã mượn hai cây súng trường và quyết định đứng trên gò chờ khi nào thấy mụ hải cẩu của chúng tôi lạch bạch, te tái trên đường là nổ một loạt súng chào. Chúng tôi muốn làm sống lại trên bờ biển cô liêu này một cái gì thuộc quá khứ huy hoàng của mụ, sao cho mụ đàn bà bất hạnh đáng thương ấy cũng có thể được hưởng trong thoáng chốc cái ảo tưởng rằng mình lại là một cô gái môi hồng, ngực nở nang rắn chắc, chân đi tất lụa và giày ban bóng lộn. Sự Phục Sinh của Chúa phỏng có ích gì nếu đó không phải là dấu hiệu để thắp sáng lại niềm vui và thanh xuân trong chúng ta? Nếu nó không đủ phép màu làm cho một cocotre ( [61] ) về già cảm thấy mình lại đang thì mười tám đôi mươi?

- Mụ đến muộn thế, đồ hải cẩu già, mụ đến muộn thế, đồ đĩ điếm; mụ đến muộn thế, cái lá cờ cũ kỹ tả tơi. Zorba làu bàu luôn miệng, tay xốc lại đôi tất màu hoa cà cứ tụt xuống hoài.

- Lại ngồi đây, Zorba! Lại ngồi trong bóng râm này, hút điếu thuốc đã. Bà ta đến ngay bây giờ đấy mà!

Lão ném một cái nhìn cuối cùng về phía đường làng rồi đến ngồi dưới bóng cây minh quyết. Đã gần trưa, trời nóng gắt. Đằng xa, vẳng tiếng chuông vui vẻ, náo nức của hội lễ Phục Sinh. Thỉnh thoảng gió mang tới tiếng đàn "lia" đảo Crete ( [62] ). Cả làng rộn rã sức sống như một tổ ong lúc xuân về.

Zorba lắc đầu:

- Thế là hết. Mỗi dịp lễ Phục Sinh, tôi thường cảm thấy hồn tôi lại bay lên đồng thời với Chúa Jésu, nhưng tất cả chấm dứt rồi! Lão nói. Bây giờ, chỉ có thân thể tôi tái sinh - bởi vì vẫn có kẻ bao ta đánh chén, rồi một người thứ hai, thứ ba nữa, và họ cứ mời: "ăn thêm một miếng và thêm một chút xíu này nữa thôi...". Ờ thì ta cứ nhồi đẫy tễ thêm hàng mớ thức ăn ngon lành mà không phải tất cả đều biến thành phân. Có một cái gì vẫn lưu tồn, một cái gì sót lại và biến thành tâm trạng vui vẻ, thành múa hát, thậm chí thành ẩu đả - cái ấy, tôi gọi là Phục Sinh.

Lão đứng dậy, nhìn về phía chân trời và cau mày.

- Có một thằng nhỏ đang chạy về phía này, lão nói và vội vã ra đón đứa bé.

Thằng bé kiễng chân lên, nói thầm điều gì vào tai Zorba làm lão giật mình lùi lại, giận dữ.

- Ốm à? Lão quát lên, ốm à? Cút ngay kẻo tao nện cho một trận bây giờ!

Rồi lão quay sang tôi:

- Sếp à, tôi chạy vào làng xem mụ hải cẩu già làm sao . . . Một phút thôi . . . Cho tôi xin hai quả trứng đỏ để tôi đập với mụ. Tôi sẽ quay về ngay.

Lão bỏ hai quả trứng vào túi, xốc đôi tất màu hoa cà lên và chạy đi.

Tôi xuống khỏi gò và nằm trên lớp sỏi mát. Gió hây hây, mặt biển hơi gợn; hai con hải âu rập rờn trên những ngọn sóng nhỏ, cổ xù lông, sung sướng tận hưởng nhịp chuyển động của sóng nước.

Tôi có thể hình dung niềm khoái cảm của chúng khi dấn bụng vào làn nước mát rượi. Nhìn đôi hải âu, tôi thầm nghĩ: "Đó là con đường nên chọn; tìm ra nhịp điệu tuyệt đối và hòa theo với niềm tin tưởng tuyệt đối.".

Một giờ sau, Zorba trở lại, tay vuốt ria với vẻ thỏa mãn.

- Tội nghiệp, mụ bị cảm lạnh, lão nói. Không có gì đáng ngại. Mấy ngày vừa qua - thực tế là cả Tuần Lễ Thánh mụ đã đi lễ nửa đêm, mặc dù mụ là dân Châu u. Mụ đi lễ là vì tôi, mụ bảo thế. Thành thử mụ cảm lạnh. Bởi thế tôi đã giác cho mụ, lấy dầu ở trong đèn xoa bóp cho mụ và cho mụ uống một ly rum. Ngày mai, mụ sẽ lại khỏe mạnh như thường. Ha ha! Cái con ngựa già ấy, kể ra mụ cũng ngộ theo cách của mụ; sếp phải nghe thấy mụ ỏn ẻn như con bồ câu mái khi tôi xoa bóp cho mụ - mụ bảo mụ nhột quá!

Chúng tôi ngồi vào ăn và Zorba rót rượu.

- Chúc sức khỏe mụ! Cầu sao ma quỷ hẵng khoan một thời gian dài nữa, đừng bắt mụ đi vội!

Chúng tôi lặng lẽ ăn uống một lúc. Gió mang đến chúng tôi những âm thanh say đắm của đàn lia từ xa, nghe như tiếng ong bay. Chúa Jesus đang tái sinh trên sân thượng các nhà trong làng. Con cừu và bánh Phục Sinh đang biến thành những bản tình ca.

Khi đã ăn uống no say, Zorba khum tay đưa lên cái tai voi lông lá làm ống nghe.

- Đàn lia... lão lẩm bẩm. Trong làng đang khiêu vũ.

Lão đứng phắt dậy. Rượu đã bốc lên đầu lão.

- Chúng ta làm gì ở đây, trơ trọi như đôi chim cu củ? Ta đi nhảy đi! Sếp không thương hại con cừu chúng ta vừa ăn sao? Lẽ nào sếp lại để nó tiêu tan hết chẳng còn gì? Nào! Hãy biến nó thành tiếng hát và điệu nhảy! Zorba đang hồi sinh đây!

- Đợi một tí, Zorba, đồ ngốc, bác điên rồi à!

- Thật tình, tôi bất cần, sếp ạ! Nhưng tôi thương hại con cừu, tôi thương hại những quả trứng đỏ, những cái bánh gatô Phục Sinh và kem pho-mát! Nếu tôi chỉ hốc có mấy mẩu bánh mì với chút ô-liu thì tôi sẽ nói: "Ờ, ta đi ngủ thôi; tôi chẳng cần đi hội". Ô-liu và bánh mì thì chả là cái gì, phải không? Trông chờ gì được ở chúng? Nhưng xin thưa với sếp, phí phạm những thức ăn thế này là có tội đấy! Nào, ta đi mừng lễ Phục Sinh thôi, sếp!

- Hôm nay, tôi không thấy hứng. Bác đi đi - bác có thể nhảy cả phần của tôi.

Zorba nắm cánh tay tôi, kéo lên.

- Chúa đã tái sinh, ông bạn! Ôi! Giá tôi còn trẻ như sếp? Tôi sẽ lao bạt tử vào mọi cuộc! Nhào vô công việc, rượu, ái tình - nhào vô tất thảy, không sợ cả Thượng đế lẫn ma quỷ. Tuổi trẻ là thế đó!

- Đấy là con cừu đang nói, Zorba à! Nó trở lại tính man dại bên trong bác, nó biến thành sói rồi!

- Con cừu đã biến thành Zorba, có thế thôi, và Zorba đang nói chuyện với sếp đấy! Hãy nghe đã, rồi sau sếp có rủa tôi cũng được! Tôi là một gã Sinbad nhà Hàng Hải... Tôi không muốn nói là tôi đã bôn ba khắp thế giới, hoàn toàn không phải thế! Nhưng tôi đã cướp của giết người, đã nói dối lừa lọc, đã ngủ với hàng tá đàn bà và làm trái mọi điều răn của Chúa. Có bao nhiêu điều răn nhỉ? Mười à? Tại sao không có hai mươi, năm mươi, một trăm điều để tôi có thể vi phạm suốt lượt? Phải, nếu có một Đức Chúa Trời, tôi sẽ không sợ phải trình diện Ngài khi đến lượt mình. Tôi không biết nên nói thế nào để sếp hiểu. Tôi cho rằng mọi điều đó đều không quan trọng, sếp thấy không? Chả lẽ Thượng đế lại bận tâm phán xử loài sâu đất và tính đến mọi việc chúng làm? Và nổi giận, lôi đình thịnh nộ và phiền muộn đến dại khờ vì nỗi con sâu đất đực này lầm lạc với con sâu đất cái bên hàng xóm, hoặc ăn một miếng thịt vào ngày thứ Sáu thiêng liêng? Hừ! Xin đủ các ông, tất cả các vị cha cố chuyên nốc xúp ừng ực! Hừ!

- Được thôi, Zorba, tôi nói để chọc tức lão, có thể Thượng đế không hỏi bác ăn những gì, nhưng chắc chắn Ngài sẽ hỏi bác đã làm những gì.

- Còn tôi thì cam đoan là cả điều đó Ngài cũng không hỏi đâu! Sếp sẽ hỏi: "Làm sao bác biết vậy, hở Zorba, đồ dốt đặc cán mai?". Tôi biết chứ! Biết chắc là đằng khác! Nếu tôi có hai đứa con trai, một đứa điềm đạm, cẩn thận, ôn hòa và hiếu thảo, còn đứa kia xỏ lá ba que, tham lam, bất tuân pháp luật và chuyên ve gái, hẳn tôi sẽ yêu thằng con thứ hai hơn. Có lẽ vì nó giống tôi hơn chăng? Nhưng ai có thể nói tôi không giống Thượng đế bằng cha Stephanos ngày đêm chỉ quỳ lụy và ki cóp từng đồng? Thượng đế hưởng lạc, giết chóc, làm điều bất công, yêu đương nhăng nhít, thích những điều quá quắt, chẳng khác gì tôi. Ngài thích lúc nào ăn lúc ấy, ưng ả nào là bắt liền. Trông thấy một người đàn bà kiều diễm đi qua, trong mát như nước suối, tim ta thót lên. Đột nhiên đất nứt ra và nàng biến mất. Nàng đi đâu? Ai bắt nàng?

Nếu là một phụ nữ đoan chính, người ta bảo: "Ma quỷ bắt nàng đi!" Nhưng, sếp ạ, trước tôi đã nói và bây giờ tôi lại nói lại: Thượng đế và ma quỷ chỉ là một!

Zorba nhặt chiếc can lên, kéo lệch cái mũ sang bên, ngược ngạo, nhìn tôi thương hại và môi mấp máy như định bổ sung thêm gì vào những điều vừa nói. Nhưng lão không nói gì và cất cao đầu đi về phía làng.

Trong ánh hoàng hôn, tôi thấy cái bóng hộ pháp của lão vung vẩy chiếc can. Cả bãi biển sinh động lên khi Zorba đi qua. Tôi lắng nghe một lúc thấy tiếng chân lão mỗi lúc một nhỏ dần. Tôi bỗng cảm thấy mình hoàn toàn cô đơn và lập tức chồm dậy. Tại sao? Đi đâu bây giờ? Tôi cũng chẳng biết. Tôi chưa có quyết định gì.

Đi lên! Thẳng tiến! Lý trí tôi ra lệnh.

Tôi quả quyết bước nhanh về phía làng, chốc chốc dừng lại để hưởng chút thơi thở đằm thắm mùa xuân. Đất thơm lừng mùi hoa cúc và khi đến gần những khu vườn, tôi ngập chìm hoài trong những làn sóng hương thơm dồn dập của hoa chanh, hoa cam, hoa nguyệt quế. Ở mé tây, sao hôm bắt đầu nhấp nháy vui vẻ trên bầu trời.

"Biển, đàn bà, rượu và làm việc cật lực!" Tôi vừa bước vừa bất giác lẩm nhẩm những lời của Zorba. "Biển, đàn bà, rượu và làm việc cật lực! Nhào vô công việc, rượu và ái tình, và không bao giờ sợ Thượng đế cũng như ma quỷ, tuổi trẻ là thế đó!" Tôi cứ tự nhủ vậy, nhắc đi nhắc lại không ngừng như để tăng thêm can đảm và tôi tiếp tục dấn bước.

Bỗng nhiên, tôi đứng sững lại. Như thể đã đến đích.

Đây là đâu nhỉ? Tôi nhìn quanh: trước mặt là khu vườn nhà nàng góa. Đằng sau hàng rào sậy và lê gai, tôi nghe thấy một giọng nữ êm ái đang âm a hát. Tôi lại gần và rẽ đám sậy ngó vào. Dưới bóng cây cam, một người đàn bà vận đồ đen, ngực ngồn ngộn, vừa ngắt những cành hoa vừa hát. Trong ánh hoàng hôn, tôi thấy hai bầu vú trắng ngần lộ ra đến nửa.

Hình ảnh đó làm tôi nghẹn thở. Nàng là một con dã thú, tôi nghĩ thầm, và nàng biết thế. Đối với nàng, đàn ông là những sinh vật yếu đuối phù phiếm, ngớ ngẩn, đáng thương biết bao ? Giống như một số côn trùng cái béo tốt và phàm ăn - bọ ngựa, châu chấu, nhện - nàng cũng ăn sống nuốt tươi những con đực khi trời rạng sáng.

Phải chăng sương phụ biết tôi đang nhìn mình?

Nàng chợt ngừng hát và quay lại. Bốn mắt giao nhau. Tôi cảm thấy đầu gối bủn rủn như trông thấy một con hổ cái đằng sau hàng giậu.

- Ai đấy? Nàng hỏi, giọng nghẹn lại. Nàng kéo chiếc khăn quàng xuống che ngực. Mặt nàng sa sầm.

Tôi đã toan bỏ đi nhưng lời của Zorba bỗng dâng đầy trái tim tôi. Tôi thu hết nghị lực. "Biển, đàn bà, rượu..."

- Tôi, tôi đáp, tôi đây. Cho tôi vào với.

Vừa thốt ra những tiếng đó, một nỗi kinh hoàng bỗng bóp chặt tim tôi và tôi lại định bỏ chạy. Nhưng tôi tự kiềm chế, mặc dù rất xấu hổ.

- Tôi là ai?

Nàng chậm rãi bước lên một bước thận trọng, cúi mình về phía tôi. Nàng nheo mắt để nhìn cho rõ, tiến thêm bước nữa, đầu nhô về phía trước, cảnh giác. Bỗng nhiên, mặt nàng sáng lên. Nàng thè đầu lưỡi ra liếm môi.

- Ông chủ! Nàng nói, giọng dịu dàng hơn.

Nàng lại tiến lên, cúi mình như lấy đà để chồm tới vồ mồi.

- Có phải ông chủ không? Nàng hỏi, giọng khàn đi.

- Phải.

- Ông vào đi.

*

Rạng sáng. Zorba đã về và đang ngồi trên bãi cát trước lều hút thuốc, mắt nhìn ra biển. Có vẻ lão đang đợi tôi.

Vừa thấy tôi xuất hiện, lão liền ngẩng đầu lên nhìn tôi trân trân. Hai cánh mũi lão phập phồng như mũi chó săn. Lão vươn cổ, hít một hơi dài... lão đánh hơi tôi.

Thoắt cái, mặt lão sáng lên như mừng rỡ; lão đã ngửi thấy hơi nàng góa.

Lão chậm rãi đứng dậy, mỉm cười hết mình và dang rộng hai cánh tay đón tôi.

- Tôi xin ban phước cho sếp! Lão nói.

Tôi lên giường, nhắm mắt lại. Tôi nghe tiếng biển thở trầm tĩnh, nhịp nhàng và tôi cảm thấy mình rập rờn trên sóng nhẹ như một con hải âu. Cứ chao chao êm ái như vậy, tôi chìm vào giấc ngủ, vào cõi mộng: tôi trông thấy một người đàn bà da đen lom khom trên mặt đất và có cảm tưởng như nàng là một ngôi đền cổ đồ sộ bằng granite. Tôi cứ đi quanh nàng hoài, loay hoay tìm lối vào.

Tôi hầu như chỉ to bằng ngón chân út của nàng. Đột nhiên, khi đi vòng gót chân nàng, tôi nhìn thấy một lối vào tối om như cửa hang. Một giọng vang vang ra lệnh

- Vào đi!

Và tôi bước vào.

Tôi thức giấc vào quãng giữa trưa. Nắng rọi vào qua cửa sổ, chăn mền tắm trong ánh sáng; những tia nắng xói vào chiếc gương treo trên vách mạnh mẽ đến nỗi tưởng như sắp đập nó tan tành thành muôn nghìn mảnh.

Giấc mơ về nàng da đen khổng lồ trở lại trong trí tôi. Tôi nghe thấy tiếng biển rì rầm, tôi lại nhắm nghiền mắt và tôi thấy sung sướng vô ngần. Thân thể tôi nhẹ lâng, thỏa mãn như con thú sau khi bắt được và ăn xong mồi, đang nằm dài phơi nắng, khoan khoái liếm mép.

Tâm trí tôi - cũng là một thân thể theo cách của nó - đang nghỉ ngơi, mãn nguyện. Dường như nó đã tìm được một giải đáp giản dị tuyệt vời cho những vấn đề sống còn, phức tạp đang giày vò nó.

Tất cả niềm vui của đêm hôm trước ào trở lại từ thẳm cùng tâm thức tôi, lan tỏa thành những dòng nước mát, tưới tràn trề chất đất tạo nên tôi. Trong khi tôi nằm, mắt nhắm nghiền, tôi như nghe thấy con người mình phá bung vỏ bọc và mỗi lúc một lớn. Đêm hôm ấy, lần đầu tiên, tôi cảm thấy linh hồn cũng là xác thịt, có lẽ linh hoạt hơn, trong suốt hơn, có lẽ tự do phóng khoáng hơn, nhưng vẫn là xác thịt. Và xác thịt là linh hồn có lẽ hơi khoa trương, phần nào kiệt lực vì những hành trình dài và trĩu xuống do gánh nặng thừa kế. Tôi cảm thấy một cái bóng trên người mình và mở mắt ra. Zorba đang đứng ở cửa, sung sướng nhìn tôi.

- Đừng dậy, đừng dậy, ông bạn... lão dịu đàng nói, ân cần như một người mẹ. Hôm nay cũng là ngày lễ. Ngủ tiếp đi.

- Tôi ngủ thế đủ rồi, tôi vừa nói vừa ngồi dậy.

- Tôi sẽ đánh cho sếp một quả trứng, Zorba mỉm cười nói. Để bồi dưỡng mà!

Tôi không trả lời mà chạy luôn ra biển, nhảy tùm xuống rồi nằm phơi mình dưới nắng. Nhưng tôi vẫn còn cảm thấy một mùi thơm dịu, dai dẳng trong mũi, trên môi và trên đầu ngón tay. Mùi nước hoa cam và dầu thơm nguyệt quế mà phụ nữ đảo Crete thường xức tóc.

Đêm qua, nàng đã hái cả một ôm hoa cam định tối nay đem dâng Chúa Cứu Thế, khi dân làng nhảy múa dưới những cây bạch dương ở công viên và lúc nhà thờ vắng bóng người. Cái giá để thánh tượng bên trên giường nàng chất đầy hoa chanh và qua những cánh hoa, thấp thoáng gương mặt sầu não của Đức Mẹ Đồng Trinh với cặp mắt to hình hạnh đào.

Zorba mang tách trứng xuống bãi biển cho tôi cùng với quả cam và một chiếc bánh Phục Sinh. Lão lặng lẽ và vui sướng phục vụ tôi, như một người mẹ hầu con trai từ chiến trận trở về. Lão âu yếm nhìn tôi rồi đi khỏi.

- Tôi đi chôn mấy cây cột, lão nói.

Tôi bình thản ăn dưới ánh mặt trời và cảm thấy một niềm hạnh phúc vật thể sâu xa như thể tôi đang bồng bềnh trên lớp sóng biển xanh mát. Tôi không cho phép tâm trí chiếm đoạt niềm vui xác thịt này, ấn nó vào khuôn và biến nó thành tư tưởng. Tôi để cho toàn thân tận hưởng niềm hoan lạc từ đầu đền chân, như một con thú. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, trong trạng thái xuất thần, tôi vẫn nhìn quanh tôi, nhìn sâu vào trong tôi, nhìn cái phép thần kỳ của cuộc sống này: điều gì đang xảy ra vậy?

Tôi tự hỏi. Làm sao mà thế giới lại thích ứng với tay, chân và bụng chúng ta một cách hoàn hảo đến thế? Và một lần nữa, tôi lại nhắm mắt và im lặng.

Đột nhiên, tôi đứng dậy vào trong lều, lấy tập bản thảo Đức Phật và mở ra. Tôi đã hoàn thành tác phẩm.

Cuối cùng, Đức Phật nằm dưới gốc cây đang ra hoa. Ngài đã giơ tay ra lệnh cho năm yếu tố tạo thành mình - địa, thủy, hỏa, phong, không - tan biến.

Tôi không còn cần hình ảnh đó của nỗi đau khổ hành hạ tôi nữa, tôi đã vượt lên nó. Tôi đã hoàn tất công việc với Đức Phật - tôi cũng giơ tay ra lệnh cho Đức Phật trong tôi giải tán.

Vội vội vàng vàng, với sự hỗ trợ của ngôn từ và khả năng trừ tà lớn lao của nó, tôi đã hủy hoại thân thể, tâm tư và tinh thần ngài. Tôi tàn nhẫn viết nguệch ngoạc những chữ cuối cùng trên giấy, thốt lên tiếng kêu tối hậu và ghi tên tôi bằng bút chì đỏ. Thế là xong.

Tôi lấy một sợi dây buộc kỹ tập bản thảo. Tôi cảm thấy một nỗi thích thú kỳ lạ như thể tôi đang trói chân trói tay một kẻ thù đáng sợ, hoặc có lẽ như cảm giác của những người mông muội khi buộc chặt xác những người thân yêu để ngăn họ khỏi chui lên khỏi mộ và biến thành ma.

Thình lình, một con bé chân đất chạy tới tôi. Nó mặc một cái áo dài màu vàng, tay nắm chặt một quả trứng đỏ. Nó dừng lại nhìn tôi, kinh hãi.

- Thế nào, tôi hỏi và mỉm cười động viên nó, cháu muốn gì?

Nó khịt khịt rồi đáp bằng một giọng nhỏ nhẻ, hổn hển.

- Cái bà í bảo cháu đi mời ông đến. Bà í nằm bẹp trên giường. Có phải người ta kêu ông là Zorba không?

- Được ta sẽ đến.

Tôi giúi một quả trứng đỏ nữa vào bàn tay nhỏ xíu bên kia của nó và nó chạy biến.

Tôi đứng dậy và lên đường. Tiếng ồn ào trong làng tăng thêm: những âm thanh ngọt ngào của đàn lia, tiếng hò la, tiếng súng, những ca khúc vui nhộn. Khi tôi đến công viên, thanh niên nam nữ đã tụ tập dưới vòm lá xanh tươi của những cây bạch dương và sắp sửa nhảy múa.

Ngồi trên những chiếc ghế dài quanh đó, các ông già, tựa cằm trên gậy chống, ngắm mình. Các bà già đứng đằng sau. Fanurio, tay chơi đàn lia cừ khôi, một đóa hồng tháng Tư giắt mang tai, đang oai vệ ngự giữa đám những người khiêu vũ. Tay trái gã cầm cây đàn lia dựng thẳng đứng trên đầu gối, tay phải đang thử chiếc vĩ có gắn chùm lục lạc loảng xoảng.

- Chúa Cứu Thế đã tái sinh! Tôi hô lớn khi đi qua.

- Đúng thế, Chúa đã tái sinh! Tất cả râm ran, vui vẻ đáp lại. Tôi ngoái lại liếc nhanh. Những thanh niên lực lưỡng, bụng thon, mặc quần phồng, đầu chít khăn có diềm tua rủ xuống trán và thái dương như những lọn tóc quăn. Và những thiếu nữ, cổ đeo những đồng tiền vàng, đầu trùm khăn thêu trắng, mắt cụp xuống, run rẩy chờ đợi.

- Ông không thèm ở lại với chúng em sao? Một vài giọng cất lên hỏi.

Nhưng tôi đã đi qua.

*

Mađam Hortense đang nằm trong chiếc giường lớn của mụ, thứ đồ đạc duy nhất mà bao giờ mụ cũng xoay xở giữ lại bằng được. Hai má mụ sốt hầm hập và mụ ho khù khụ.

Vừa trông thấy tôi, mụ liền thở dài não ruột.

- Thế còn Zorba? Zorba đâu?

- Bác ấy không được khỏe. Từ hôm bà lâm bệnh, bác ấy cũng ốm luôn. Bác ấy cứ giữ riết tấm ảnh bà trong tay, vừa ngắm vừa thở dài.

- Kể nữa đi , kể thêm cho tôi nghe . . . ngư nữ già tội nghiệp thì thào, sung sướng nhắm mắt lại.

- Bác ấy cử tôi đến hỏi xem bà có cần gì không? Tối nay, bác ấy sẽ thân hành đến, bác ấy bảo vậy, mặc dầu chính bác ấy cũng chưa đỡ mấy. Bác ấy không chịu nổi cảnh xa cách bà lâu hơn nữa.

- Xin ông nói tiếp, nói tiếp đi.

- Bác ấy đã nhận được một bức điện tín từ Athens. Quần áo cưới đã xong, cả vòng hoa nữa. Mọi thứ đã đưa xuống tàu, chẳng bao lâu sẽ tới đây... cùng với những cây nến trắng và những dải băng hồng.

- Kể tiếp đi, kể tiếp đi...

*

Giấc ngủ đã thắng, hơi thở mụ thay đổi; mụ bắt đầu nói mê. Căn phòng sực mùi nước thơm Cologne, hạnh đào và mồ hôi. Qua cửa sổ mở, phả vào hăng hắc mùi cứt gà, cứt thỏ ngoài sân.

Tôi đứng dậy và chuồn ra khỏi phòng. Đến cửa, tôi đụng phải Mimiko. Gã mặc quần cộc mới, đi ủng và giắt một nhánh húng quế ở mang tai.

- Mimiko, tôi bảo gã, chú chịu khó chạy đến làng Kalo mời bác sĩ đến!

Tôi chưa nói xong Mimiko đã tháo ủng - gã không muốn làm hỏng đôi ủng trên đường đi, nên kẹp nó vào nách.

- Hãy tìm ông bác sĩ, chuyển lời chào của tôi và bảo ông nhảy lên con ngựa già của ông phóng đến đây ngay, thế nào cũng đến nhé. Nói là bà Hortense ốm nặng. Tội nghiệp, bà ấy bị cảm lạnh, bà ấy sốt và đang hấp hối. Nói với ông ta thế, đừng có quên. Thôi, đi đi!

- Xin đi ngay tắp lự!

Gã nhổ vào hai bàn tay, hồ hởi vỗ vào nhau, nhưng vẫn đứng yên. Gã nhìn tôi, mắt lấp lánh vui tươi.

- Đi đi chứ, tôi đã bảo mà?

Gã vẫn không nhúc nhích. Gã nháy mắt với tôi và mỉm cười ranh mãnh.

- Thưa ông, gã nói, tôi đã mang đến chỗ ông một chai nước cam làm quà.

Gã dừng lại một giây, chờ tôi hỏi xem ai nhờ gã mang tới, song tôi lờ đi.

- Ông không muốn biết ai gửi cho ông à? Gã cười khục khục. Chị ta bảo là để ông xức tóc cho thơm.

- Đi đi! Nhanh lên! Và ngậm miệng lại!

Gã cười to, một lần nữa lại nhổ vào tay.

- Xin đi ngay tắp lự! Gã lại kêu. Chúa đã tái sinh. Và gã biến mất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.