Âm Vang

Chương 2: Cuộc gọi đến



1.

Không ai trả lời, chỉ có tiếng chuông vẫn đổ.

Trình Hi mở màn hình điện thoại soi một vòng, xung quanh không một bóng người. Cô do dự, đi xuống sofa rồi bật công tắc đèn ở cạnh cửa lên.

Nhưng ngay khi đèn sáng, tiếng chuông lập tức biến mất, phòng chiếu phim yên tĩnh trở lại.

Dù cô có to gan tới đâu thì lúc này cũng khá sợ, sau nửa phút, cô xoay người mở cửa phòng chiếu.

Bên ngoài sáng sủa.

Trình Hi gọi lao công tới, hai người lụi cụi tìm di động, từ kẽ hở sofa cho đến dưới gầm ghế, không bỏ qua một góc nào.

“Chị à, lần sau dọn dẹp nhớ để ý cho kỹ, đôi khi khách nhét điện thoại trong túi quần rồi rơi ra, kẹt trong khe hở, mất rồi quay lại tìm, mà rạp phim chúng ta không có máy quay, tới lúc đó nhận bừa của ai thì biết đâu mà lần, chị biết chưa?”

Chị lao công cảm thấy Trình Hi đang bóng gió, tuy ngoài miệng đáp nhưng trong lòng khó chịu, một lúc sau đứng lên thở dài: “Không thấy di động đâu hết!”

“Đã tìm trong kẽ ghế chưa? Cả dưới đất nữa, đã kiểm tra chưa?”

“Kiểm tra rồi quản lý Trình à.”

“Thử tìm dưới này xem, không chừng điện thoại rơi xuống đất rồi bị đá vào góc.” Ghế sofa khác ghế bình thường, dưới đáy che kín một nửa, quả thực rất dễ có đồ khuất tầm mắt.

Nói rồi, cô duỗi tay thò vào, có thể cảm thấy lớp bụi dày đặc trên mặt đất, đốt ngón tay tiến từng tấc từng tấc một, rồi bất thình lình chạm vào thứ gì đó, cô giật mình, rụt tay về như điện giật.

“Tìm thấy rồi à?” Chị lao công rướn người nhìn.

“Không phải điện thoại, có gì đó mềm mềm…” Trình Hi giơ tay ấn ấn, nhưng chưa kịp cảm nhận đã rụt về.

Cuối cùng cô cũng hiểu được nỗi sợ hãi khi chạm vào những thứ trong hộp bí mật của các khách mời láu cá trên các chương trình tạp kỹ. Cô phủi tay, đứng dậy nói: “Chị gọi cậu con trai nào đó đến đây đi.”

2.

Lý Tư Tề quỳ dưới đất, mấy lần cố gắng cúi xuống nhưng rồi lại phải dừng giữa chừng, cậu ta nói: “Mọi người có biết chuyện, hồi trước trong rạp phim Thành Nam cũng có một phòng chiếu có động tĩnh lạ, kết quả? Có người treo cổ trên màn hình! Lúc phát hiện ra thì đã là một cái xác…”

Các nhân viên nữ tò mò tới xem bị cậu ta dọa, hoảng sợ la hét ôm chầm lấy nhau. Lại nữa, Trình Hi đá vào giày Lý Tư Tề: “Nói nhảm ít thôi, lấy thứ bên trong ra đi.”

“Lấy ra làm gì?” Cậu ta thở dài, “Rất có thể là chuột chết.”

Vừa dứt lời, tiếng hét còn đinh tai hơn ban nãy.

Trình Hi bực bội, đập mấy cái vào lưng ghế sofa, cao giọng quát: “Các anh chị cảm thấy chuyện hôm nay vui lắm đúng không, chỉ là chuyện nhỏ phải không? Thế có nghĩ nếu đang chiếu phim lại có tiếng chuông reo liên tục, còn không tìm ra điện thoại, không tắt được, trải nghiệm xem phim kiểu gì thế hả? Lần sau còn ai đến rạp chiếu phim như vậy nữa không?!”

Mọi người nhìn nhau, không ai dám phản bác.

“Vừa hay mọi người đang ở đây, tôi có lời muốn nói. Mọi người đều biết tình hình hiện tại của chúng ta rồi đúng không? Phòng vé và tỷ lệ người xem đứng thứ nhất từ dưới lên, vị trí xa khu thương mại, tiện ích xung quanh không tốt, hội trường nhỏ không có imax, còn nói gì đến phong cách trang trí, ảm đạm u ám, chính mọi người đã nói thế còn gì. Bây giờ đến một chi tiết cũng không chịu để tâm là sao hả?”

Cô dừng lại hít một hơi, để khoảng thời gian đó cho mọi người tiêu hóa, và khoảng dừng như thế cũng luôn đem lại cảm giác phủ đầu.

Sau đó cô mới dặn: “Được rồi, Lý Tư Tề, mau lấy đồ ra đi, lát nữa chị lao công nhớ dọn dẹp nơi này cho kỹ, những người khác làm gì thì đi làm đi.”

Hiệu quả của việc sắm vai ác vô cùng cao, nhân viên túm tụm lại lập tức tản đi, nhưng mọi người chưa rời phòng chiếu thì Lý Tư Tề cũng đã lấy đồ ra.

Cậu ta nghi ngờ nắm một góc lên, mọi người vốn dĩ đã phân tâm lại lần nữa tập trung trở lại, không khí ngưng đọng như tờ.

Là một chiếc áo ngực, màu đen, dính đầy bụi và xơ vải.

Trình Hi ngồi xuống ghế sofa hay nghỉ trưa, bỗng cảm thấy buồn nôn, nghiêm mặt thốt ra hai chữ: “Vứt đi.”

Lý Tư Tề cắn răng vứt vào túi rác của chị lao công, làm ra vẻ pha trò: “Mấy cái người này đến xem phim mà làm trò gì thế không biết? Hả? Quá đáng thật đấy.”

“…” Trình Hi mệt mỏi vì vụ việc không đâu vào đâu lần này, bảo lao công tiếp tục tìm điện thoại, còn mình quay về văn phòng. Khi ra tới cửa cô lại do dự, cuối cùng vẫn hỏi, “Bình thường các cậu không dẫn ai đến phòng VIP chứ?”

Lý Tư Tề ngớ ra, một lúc sau mới hiểu ý: “Cái gì chứ, ai thèm dẫn người đến nơi âm u thế này làm gì? Cái chỗ cụt hứng này thì tôi…”

Suýt nữa cậu ta đã nói bậy bạ, cũng may phanh kịp, chậm rãi bổ sung: “Cũng chỉ có chị mới dám nghỉ trưa ở đây đấy.”

“Được rồi, tôi chỉ hỏi thế thôi, nếu cậu rảnh thì ở lại tìm đi.”

Trình Hi cũng đoán là khách bỏ lại, truy tìm cảm giác kích thích – chuyện kiểu vậy không hề lạ.

3.

Phòng VIP nhân đó được tổng vệ sinh một lượt, từ dưới ghế sofa tìm ra được mắt kính 3D, vé xem phim, có rất nhiều thứ vụn vặt nhưng lại không có điện thoại di động.

Mọi người cảm thấy Trình Hi nhầm lẫn, có lẽ do ngủ quá sâu nên bị lẫn giữa mơ với thực. Hoặc có khi là nghe lộn, áp lực công việc quá lớn, lo lắng hiệu suất phòng vé nên thần kinh trở nên căng thẳng.

“Có khi là chuyện siêu nhiên đấy.” Lý Tư Tề bổ sung.

Không khí trong văn phòng hạ xuống, rồi lại lập tức mồm năm miệng bảy.

“Này Lý Tư Tề, có phải vì thích mấy thứ huyền bí nên anh mới tới đây công tác không, anh cũng đâu thiếu tiền.”

Ngô Du hứng thú hỏi, cô ấy là nhân viên nhỏ tuổi nhất ở rạp chiếu phim, chỉ mới qua tuổi thành niên, bình thường phụ trách khu vực bán vé và bán đồ.

“Chiếu phim lãng mạn lắm đấy, em chưa xem phim Cinema Paradiso* à?” Lý Tư Tề vắt chéo chân, làm ra vẻ ngầu, “Chiếu phim ở số 76 đường Đàn Viên là việc vừa huyền bí vừa lãng mạn.”

(*Cinema Paradiso (tựa gốc: Nuovo Cinema Paradiso, tiếng Việt: Rạp Chiếu Bóng Thiên Đường), là một bộ phim của Ý với nội dung xoay quanh công việc điện ảnh, bộ phim được vinh danh ở lễ trao giải Oscar năm 1989 ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.)

Trình Hi đang đứng trước cửa văn phòng, nghe câu này thì đảo mắt. Sau buổi trưa, ngày nào cô cũng phải ở rạp chiếu phim cho tới nửa đêm, chỉ có hai tiếng nghỉ trưa hồi sức, kết quả bây giờ ồn ào như vậy, nghỉ ngơi kiểu gì nữa đây?

Hơn nữa lại còn đặt điều về cô. Nghe nhầm? Sự việc siêu nhiên? Nực cười! Trình Hi dám khẳng định mười mươi lúc ấy trong phòng có điện thoại, cô nghe rất rõ, hơn nữa còn cảm thấy tiếng chuông đổ rất quen tai, không phải Nokia thì cũng là Motorola.

4.

Có lẽ do tiềm thức có chuẩn bị nên cô ngủ rất nông, nửa tỉnh nửa mê nghe được tiếng động gì là lập tức mở mắt.

Lại là tiếng chuông điện thoại ấy, cũng thời điểm như hôm trước.

Lần này Trình Hi không hấp tấp bật đèn ngay. Cô ngồi trong bóng tối nín thở, dỏng tai nghe ngóng… Hình như vọng đến từ phía màn hình lớn.

Cô chần chừ lại gần, men theo tiếng chuông rồi dừng lại trước màn hình.

Không có gì xuất hiện trong phạm vi tầm nhìn.

Câu chuyện Lý Tư Tề kể bỗng hiện lên trong đầu. Có người treo cổ chết trong rạp chiếu phim Thành Nam, cô cũng từng nghe về chuyện này, nhưng chỉ coi là tin đồn.

Người xem bình thường có thể không để ý màn hình của rạp không kê sát tường mà được cố định trên một khung kim loại khổng lồ, phía sau có khoảng trống nhất định, bước vào không khó.

Trình Hi nuốt nước bọt, lấy hết can đảm nghiêng người nhìn vào bên trong, cuối cùng phát hiện ra có một chiếc điện thoại di động nằm trên nền đất đầy bụi, màn hình nhỏ màu xanh lá cây bật sáng, phía trên có một chiếc ăng-ten, trông giống như bộ đàm phân phối cho rạp chiếu phim.

Cô thả lỏng hai vai, thở phào một hơi.

Đã bảo là có điện thoại mà! Có lẽ người xem đã lên đây rồi đánh rơi, trời xui đất khiến bị đá vào kẽ hở này.

Tiếng chuông đổ liên hồi, Trình Hi vội nhặt lên, nhưng cầm một lúc cũng không tìm được nút bấm, táy máy hai lần mới phát hiện nắp điện thoại có thể mở ra, để lộ bàn phím.

Cô nhấn vào chiếc nút màu xanh lá cây: “A lô?”

Không có hồi âm. Cô cau mày đợi thêm vài giây, đang định dập máy thì bên kia lên tiếng: “A lô.”

Âm thanh có vẻ không ổn định, nhưng nhanh chóng trở lại bình tĩnh: “Cô nhặt được điện thoại của tôi.”

“Đúng thế, anh làm mất mấy hôm rồi đúng không?”

“Vâng, mấy ngày nay có gọi mà không ai bắt máy, may có cô nhặt được, vô cùng cám ơn… Cô là khách đến tham quan à?”

Trình Hi ngẩn người, ở rạp chiếu phim đã nhiều năm, đây là lần đầu tiên nghe người ta nói “đi xem phim” thành “đi tham quan”. Nhưng làm trong ngành dịch vụ đã lâu, nguyên tắc là không được phép nghi ngờ khách hàng, cô bèn lễ phép trả lời: “Không phải, tôi là nhân viên chỗ này. Thế này đi, anh xem bao giờ tiện thì ghé rạp chiếu phim lấy nhé, anh có thể để lại thông tin liên hệ để làm chứng, tôi sẽ gửi điện thoại ở trước quầy.”

Đối phương không lên tiếng, trong hơi thở lộ vẻ ngạc nhiên, dừng lại vài giây: “Rạp chiếu phim?”

“Ừ.” Cô nhẹ nhàng đáp, nghĩ bụng, quả là quý nhân bận rộn chóng quên, chắc vị thượng đế này không nhớ mình làm rơi điện thoại ở đâu.

“Cô nói là… rạp chiếu phim?” Đầu dây lặp lại lần nữa.

“Đúng thế, số 76 đường Đàn Viên.”

“…” Đối phương có vẻ không tin, nghe giọng như đang cười khổ, “Tôi đang ở ngay văn phòng tại tầng bốn, là căn phòng cuối hành lang, rạp chiếu phim ở đâu cơ?”

Trình Hi sửng sốt, không nói nổi nên lời. Cuối hành lang tầng bốn, phòng VIP không một bóng người, cô giật mình, một ngọn lửa vô cớ bùng lên.

Đâu ra gã điên giả thần giả quỷ thế này!

Không muốn tốn thời gian nữa, Trình Hi vừa đi ra ngoài vừa nói: “Tóm lại tôi để điện thoại của anh ở trước quầy tầng hai, anh có rảnh thì ghé lấy về đi, kiểu điện thoại này của anh chắc cũng chẳng ai cầm đâu.”

“…”

“Anh nghe không? A lô?”

“Anh…” Cô đứng ở cửa, nghe thấy có tạp âm xen lẫn, dường như đối phương nói điện thoại rất quan trọng, nhưng nhìn lại màn hình thì điện thoại đã tắt máy rồi.

Bệnh gì vậy!

5.

Trình Hi tức tối xuống lầu, đặt điện thoại lên quầy, bật máy bộ đàm lên thông báo: “Điện thoại trong phòng VIP đã được tìm thấy, một chiếc Motorola … GC87C.”

Cô cẩn thận so sánh số kiểu máy trên điện thoại, đọc từng chữ một.

“Có điện thoại thật à, tìm được ở đâu vậy?”

“Thời này rồi mà vẫn có người dùng Motorola hả?”

“Để tôi tra xem, điện thoại này là đồ cổ đấy, baidu nói nó được tung ra vào năm 1998.”

“Năm 1998?! Còn dùng được không?”

Trong bộ đàm nội bộ nhao nhao nói chuyện, trong đó có một câu thu hút sự chú ý của cô. Tung ra vào năm 1998? Trình Hi cầm điện thoại lên nhìn, hỏi: “Thứ này có giá trị không?”

“Giá trị thì không, hàng second-hand cũng chỉ chừng 100 nhân dân tệ, nhưng người có thể mua được chiếc điện thoại này hồi đó ắt cũng phải ghê gớm lắm đấy.”

“Không đắt tiền là được rồi, khách không để lại thông tin liên lạc, nếu có người đến lấy thì cứ hỏi đã xem ở phòng nào phim gì.” Cô dặn.

Ngô Du gật đầu, đặt điện thoại vào ngăn kéo quầy thu ngân, lẩm bẩm: “Không biết khách đã bao nhiêu tuổi mà còn dùng điện thoại kiểu này nhỉ?”

“Nghe giọng thì không lớn hơn em đâu.” Trình Hi trả lời cô bé, “Tiếc là còn trẻ mà đầu óc đã có vấn đề.”

 ***

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.