Từ hồ Bạch Long Tứ Thập Trại đến Ích Châu, đoàn xe và sĩ tốt của Hàn Mị đi mất năm ngày. Năm ngày này Hàn Mị hao tâm tổn sức khiêu khích Tư Đồ Nhã, còn ám vệ Cửu gấp rút luyện võ buổi đêm để không phải đối mặt với Tư Đồ Nhã, quyết không xuất hiện trong tầm nhìn của Tư Đồ Nhã.
Tư Đồ Nhã nhớ lại cái đêm ở hồ Bạch Long, vẻ chán ghét thoáng hiện lên rồi biến mất trên mặt ám vệ Cửu. Hình ảnh này như một chiếc que hàn đâm vào đầu y. Ngoài đau đớn thì cũng chỉ còn đau đớn. Nhưng y không muốn thừa nhận, y tình nguyện cho rằng ám vệ Cửu lạnh lùng với y chỉ là do Hàn Mị chen vào phá đám.
Đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, ba tiếng trống, dũng khí không còn. Vài lần đánh mất cơ hội trò chuyện với ám vệ Cửu, Tư Đồ Nhã chợt thấy Hàn Mị ngăn cản thật khéo, y chỉ muốn gần gũi với ám vệ Cửu kín như hũ nút — Không phải với hoàng thân quốc thích hay chân long Thiên tử. Cần gì phải thấy sang bắt quàng làm họ, chỉ cần y vui, tới hoàng cung giết người dễ như bỡn; chỉ cần y khoanh tay đứng nhìn, mặc Ô Y Vệ sát hại mẫu thân của Đường Thiết Dung giá họa cho Hàn Mị, khiến Đường Thiết Dung và Hàn Mị lưỡng bại câu thương, y thừa nước đục thả câu thanh toán Võ Đang, thì dã tâm dùng ám vệ Cửu khởi binh tạo phản của Hàn Mị cũng chỉ như giấc mộng Xuân Thu hão huyền.
Đêm đó, trong hậu quán (nhà khách tiếp đãi quan chức hoặc sứ giả nước ngoài) cách Ích Châu trăm dặm, Tư Đồ Nhã trằn trọc đấu tranh tư tưởng. Y muốn ám vệ Cửu, rất đơn giản, chẳng cần để ý tới Hàn Mị, bắt ám vệ Cửu về giáo. Có rất nhiều cách khiến người ta muốn chết mà không chết được, sẽ có một cách thích hợp với ám vệ Cửu. Không suy tính cho ám vệ Cửu, Cửu Như Thần Giáo sẽ thuận lợi hơn nhiều… Nhưng đây không phải điều y mong muốn.
Suy nghĩ cẩn thận điểm này, Tư Đồ Nhã bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về Hàn Mị. Phương thức đóng quân của Hàn Mị không giống bình thường, trừ tinh binh của Vương phủ thì binh lính dọc đường đuổi theo ngày càng ít, đó là bởi Hàn Mị rất giỏi giấu binh. Các sĩ tốt này thường tụ tập tại các thôn trại rất gần với dịch đạo (đường chuyển công văn thư tín thời xưa, dọc hai bên đường có xây dựng những trạm dịch), sinh hoạt giống hệt tá điền, nhưng tới thời chiến, bất kể là ngoại địch xâm nhập vào Ba Thục từ hướng nào, họ đều có thể nhanh chóng tập hợp, trợ giúp lẫn nhau. Cộng thêm thành lũy kiên cố và địa hình hiểm trở, đập nước vận chuyển quân lương vững chắc, đảm bảo lương thảo sung túc. Ý đồ khởi binh tạo phản của Hàn Mị cũng không phải chỉ là giấc mộng Xuân Thu hoang đường.
Tư Đồ Nhã khoác áo ra ngoài. Quán trọ yên ắng tĩnh lặng. Một chuỗi đèn lồng đung đưa theo gió lạnh, chập chờn soi sáng dịch đạo dưới lầu.
Bên kia dịch đạo là rừng khô tối đen như mực. Tiếng gió đưa tới bước chân đoàn người trong rừng sâu.
Tư Đồ Nhã mượn đèn lồng của một quan viên gác đêm, bước vào rừng khô tuyết phủ. Đèn lồng chiếu sáng lưỡi đao, ánh đao lướt qua mắt y, hai thanh đao chớp nháy quay vòng xung quanh ám vệ Cửu. Ám vệ Cửu tập trung luyện tập, dù những gì hắn luyện chỉ là các chiêu thức mãi võ giang hồ.
“Quá nhanh.” Tư Đồ Nhã gác đèn lồng, ngồi dựa vào thân cây, bắt chuyện, “Cũng quá chậm.”
“Chiêu thức cổ, muốn tốc chiến tốc thắng.” Tư Đồ Nhã nghiêm túc nói, “Ý tưởng rất tốt, nhưng vì sao ngươi phải dùng chiêu thức cũ kỹ vậy?”
“…” Ám vệ Cửu dùng mu bàn tay lau mồ hôi trên mặt, cúi đầu lắng nghe.
Tư Đồ Nhã khoa tay múa chân, “Đã gọi là chiêu thức — Ngươi ra chiêu này có thể khoét tim, ta ra chiêu đó có thể chặt đầu. Đa dạng đầy rẫy nhưng không quá rườm rà, xuất chiêu là để chiến thắng chứ không phải biểu diễn cho kẻ địch. Biện pháp của ngươi không đúng, nhanh nữa thì vẫn chậm.”
Ám vệ Cửu biết Tư Đồ Nhã từng thông thạo võ công, nhưng tới lúc này mới chợt phát hiện, chẳng những Tư Đồ Nhã tinh thông võ học, mà cách nhìn cũng độc đáo vô cùng.
Tư Đồ Nhã nói, “Nhanh, tức là trước chiến thắng, sau xuất chiêu. Chậm, tức là mưu toan xuất chiêu để chiến thắng.”
Ám vệ Cửu bất giác gật đầu, vẻ mặt càng thêm kính cẩn, nếu thật sự có thể chiến thắng rồi mới xuất chiêu thì ắt không thể thất bại, có điều, “… Làm sao để chiến thắng rồi mới xuất chiêu?”
Tư Đồ Nhã không đáp mà hỏi lại, “Ngươi xem đao của ngươi. Đó là đao gì?”
Ám vệ Cửu cúi xuống nhìn hai thanh đao cầm trên tay, nghiêm chỉnh đáp, “Đoản đao cong.”
Tư Đồ Nhã khinh thường, “Đao mổ gà!”
Ám vệ Cửu, “…”
Tư Đồ Nhã nói, “Ngươi học đao pháp giết trâu nhưng lại cầm đao mổ gà, còn muốn so chiêu với người khác sao?”
Ám vệ Cửu quan sát hai thanh đao, cảm giác nếu được gợi ý thêm một câu, hắn sẽ nhìn ra chỗ thiếu hụt, bởi vậy hết sức chăm chú chờ đợi Tư Đồ Nhã chỉ điểm.
Tư Đồ Nhã chỉ điểm, “Ta thích ngươi.”
Ám vệ Cửu vô thức gật đầu, chuẩn bị nghiền ngẫm hàm ý của câu này, nhưng hình như câu này là ông nói gà bà nói vịt. Hắn nhẩm lại ba từ châm ngôn nọ, dần dần vỡ lẽ, rồi lại càng mù tịt, “Thuộc hạ ngu muội… Tiểu chủ nhân đang ẩn ý quanh co?” Lời ra khỏi miệng lại cảm giác như mình không chịu tiến bộ, bèn nghiêm chỉnh đáp, “Đa tạ tiểu chủ nhân khen ngợi, thuộc hạ hổ thẹn không dám nhận.”
Tư Đồ Nhã trầm ngâm một lát, lắc lư cái đầu giở giọng mọt sách, “Chàng láu cá kia ơi, sao không nói chuyện với ta? Cớ chi mà bỏ mặc ta, làm ta thở cũng không nổi! — Đây mới là ẩn ý quanh co.” (*Câu này lái từ bài thơ Đổng Hề – Anh chàng láu cá – trong Kinh Thi, nguyên gốc: Bỉ giảo đồng hề, bất dữ ngã ngôn hề! Duy tử chi cố, sử ngã bất năng tức hề!)
Dưới ánh đèn lồng, ám vệ Cửu chăm chú ngắm nhìn Tư Đồ Nhã ngồi đó. Tư Đồ Nhã áo trắng như tuyết, dù cố tình chọc ghẹo thì vẫn thanh tao lịch sự một cách phong lưu, chỉ là chân không mang giày, quấn băng vải rướm máu, vô tri vô giác đặt trên tuyết lạnh như không ai hỏi đến, đành phải tự sinh tự diệt. Lòng hắn xót xa, im lặng cầm áo khoác phủ lên chân Tư Đồ Nhã.
Tư Đồ Nhã tưởng ám vệ Cửu lại định quỳ xuống nhận tội, thấy hắn làm vậy thì không khỏi đánh trống lảng, “Quên mất.”
Ám vệ Cửu cảm thấy Tư Đồ Nhã rất kỳ lạ, đôi lúc rất sợ đau, đôi lúc lại không biết đau.
Tư Đồ Nhã phỏng đoán ánh mắt hoài nghi của hắn, cười nói, “Có người quan tâm thì nó tự đau. Không ai quan tâm nó khắc tự hết.”
“Cổ trùng…” Ám vệ Cửu ngập ngừng thật lâu, cuối cùng không nhịn được, quyết tâm hỏi thẳng, “Tiểu chủ nhân có trúng cổ không?”
Nụ cười của Tư Đồ Nhã vụt tắt, quan sát ám vệ Cửu. Ám vệ Cửu lại cúi đầu không nhìn y. Y dịu dàng hỏi, “Nghe ai nói?”
Ám vệ Cửu đáp, “Cổ ngọc.”
Tư Đồ Nhã giả vờ ngốc nghếch, “Ngọc gì mà lại biết nói?”
Ám vệ Cửu ngẩn ra, giải thích, “Thục Vương nói cho thuộc hạ, ngọc bội kia là cổ ngọc. Người nuôi cổ hoặc trúng cổ mới cần dùng.”
Tư Đồ Nhã đắn đo, “Thì ra là vậy.” Y tặng ngọc là cố tình để lại bí mật cho ám vệ Cửu đoán, đề phòng sau này ám vệ Cửu nhận ra thân phận của y, đoán được cổ thuật này, có lẽ sẽ mềm lòng, cho rằng tất cả những gì y làm là do cổ trùng tác quái, để y vẫn còn đường xoay sở. Không ngờ Hàn Mị nhận ra loại ngọc này, lại nhanh chóng nói cho ám vệ Cửu. Càng không ngờ ám vệ Cửu căm ghét cổ trùng tới mức trông thấy y là trốn tránh, lánh mặt.
Ám vệ Cửu không thấy y trả lời, ngước lên nhìn thẳng vào mắt y.
Tư Đồ Nhã sực tỉnh, “Ta chỉ biết ngọc này là báu vật truyền thụ qua các đời của Điểm Giáng Phái, vì nó thường xuyên đổi màu như dự đoán lành dữ, được các chưởng môn đời trước coi như thánh vật, thật sự không ngờ nó liên quan tới cổ thuật.”
“…” Ám vệ Cửu bán tín bán nghi.
“Nói trước có phải hơn không.” Tư Đồ Nhã cười nói, “Nếu biết nó dơ bẩn như thế, ta sẽ không tặng nó làm tín vật cho ngươi. Ném đi.”
Ám vệ Cửu chăm chú nhìn thẳng vào Tư Đồ Nhã, thấy y trước sau vẫn bình tĩnh thản nhiên thì mới nhẹ lòng — Có lẽ tiểu chủ nhân thật sự không trúng cổ, thân thể lạnh hơn người bình thường là do thể chất suy nhược mà thôi. “Tín vật.” Nghĩ vậy, hắn cẩn thận xin chỉ thị, “Thuộc hạ muốn giữ lại.”
“Được, chờ ta tích cóp đủ bạc sẽ tặng ngươi thứ tốt hơn.” Tư Đồ Nhã thất bại thảm hại, xoa đầu ám vệ Cửu, ám vệ Cửu không né không tránh. Y lại sờ sờ lồng ngực ướt đẫm mồ hôi của ám vệ Cửu, ám vệ Cửu vẫn không né không tránh. Y rút tay về, ám vệ Cửu lại đột nhiên tiến tới, dường như định hôn y.
Tư Đồ Nhã nín thở chờ đợi. Ám vệ Cửu ghé sát lại, nhẹ nhàng mà vụng về chạm lên khóe môi y, “Tiểu chủ nhân, thẹn thùng bối rối, thuộc hạ không làm được.” Dừng một chút, dường như hạ quyết tâm rất lớn, hắn nói tiếp, “Tiểu chủ nhân thích Đường Thiết Dung, thuộc hạ có thể dịch dung.”
Tư Đồ Nhã thê thảm hết biết, nhưng cả người lại như được những lời chất phác này ủ ấm, y dứt khoát ôm lấy ám vệ Cửu, lật mình đè hắn xuống tuyết. Đèn lồng đặt cạnh ám vệ Cửu bất ngờ đổ nghiêng, ánh lửa chập chờn bén vào lồng giấy, chiếu sáng bóng hình của hai người.
“Tiểu chủ nhân có tâm sự, xin hãy để thuộc hạ xử lý. Tin tưởng thuộc hạ, đừng lừa dối…” Ám vệ Cửu chưa dứt lời đã bị Tư Đồ Nhã chặn miệng. Hắn bối rối nhìn Tư Đồ Nhã. Gần trong gang tấc, lại thành khó nhìn rõ.
Tư Đồ Nhã cắn môi ám vệ Cửu, chuyện tới nước này, không phải y không muốn lừa thì có thể không lừa. Ngay từ đầu người này đã không phải của y, cũng không thể tiếp nhận bản chất thật của y, y chỉ có thể lừa hắn mãi mãi.
Nụ hôn kết thúc, cuối cùng ám vệ Cửu mới nhìn rõ vẻ mặt của Tư Đồ Nhã, đèn lồng cũng cháy thành tro.
Trong lúc đó. Tại rừng sâu núi thẳm cách hai người năm trăm dặm, Tư Đồ Phong tỉnh lại vì lạnh. Xương vai y bị thương, bị Tư Đồ Nhã điểm huyệt Ngọc Chẩm, lại ngủ mê man ba ngày ba đêm. Vừa mở mắt đã thấy đói cồn cào, vội vàng hô tên nô bộc trong phủ, lớn tiếng quát, “Tiểu gia muốn ăn cơm!” Xung quanh lập tức vang lên tiếng vọng “Tiểu gia muốn ăn cơm”.
Y miễn cưỡng nhổm dậy, nhảy xuống khỏi thuyền gỗ, ngồi xổm trên đá vụn cúi đầu uống mấy ngụm nước lạnh thấu xương, lúc này mới phát giác vách đá hai bên dốc đứng như gọt, bầu trời như một đường thẳng kẹp ở giữa, song song với dòng suối thằng tuột dưới chân y. Y chùi miệng, quay lại nhìn theo khe suối, dòng suối này như một thanh kiếm dài, thẳng tắp chạy vào thế núi đen ngòm. Lại nhìn thuyền gỗ mắc vào đá ngầm, trên thuyền khắc đầu trâu hình thù kỳ quặc, không giống phong cách thời nay. Ma xui quỷ khiến, y nhớ lại giao nhân dưới hồ Bạch Long nọ, hô lên với hang núi, “Này, ngươi có ở đây không?”… Lại là một loạt tiếng vọng.
Tư Đồ Phong đi vài chục bước vào trong hang núi. Chẳng biết sao trong hang tối tăm thò tay không thấy ngón, y lại không có ống giữ lửa, sờ soạng dưới làn nước, chẳng biết dài bao nhiêu nên bỏ cuộc. Đối với y mà nói, việc cấp bách là rời khỏi con suối này, kiếm gì bỏ bụng. Bên suối có một đống đá, y thi triển khinh công Kiếm Môn nhảy lên đá nhìn quanh, hai bên trái phải là hai vách núi, trước sau thu hẹp bằng kích thước một con chim nhạn, chui vào chỉ có đường chết.
Muốn ra ngoài, chỉ còn cách trèo lên vách núi cao vạn nhận này. Tư Đồ Phong nóng nảy ngước lên tìm kiếm nơi đặt chân, thử trèo một cái, nhưng lên được hơn mười trượng thì kiệt sức, bụng sôi ùng ục. Y lại uống mấy ngụm nước lạnh, vất vả lắm mới tìm được đường sống trong cõi chết, chẳng lẽ giờ lại chết đói ở đây?
Từ nhỏ đến lớn y muốn gì được nấy, y đòi cái gì, nô bộc trong phủ răm rắp chiều chuộng y, đã bao giờ khổ sở thế này, lại chẳng biết phải giận ai, đầu óc choáng váng mắng nhiếc một trận, hoàn hồn mới nhận ra là mắng Tư Đồ Nhã. Ngẫm lại, đúng là nên mắng Tư Đồ Nhã, rõ ràng là Nhị ca của y mà lá mặt lá trái bằng mặt không bằng lòng, lại còn nhát chết chỉ biết lấy lòng Đại ca, chẳng thèm quan tâm đến y chút nào, thân là huynh trưởng thì phải ra dáng một chút, thế mà tranh cướp ám vệ với y rõ hăng say, hại y liên tục xui xẻo. Nhưng thực ra trên đời này vốn đâu có ai để ý đến y, võ công của y có tốt thì người ngoài cũng chỉ kính y, sợ y, đối xử với y cẩn thận. Y tự nhận đã kinh qua nhân tình ấm lạnh, thật sự nghĩ mãi vẫn không hiểu, Tư Đồ Nhã trừ khua môi múa mép thì có gì hay mà ám vệ Cửu cứ khăng khăng một mực trung thành?
Y xé áo ngoài, rửa sạch vết thương, lại vốc nước lạnh định uống lót dạ. Chợt thấy hành động uống nước chống đói này hình như khá quen thuộc. Rõ ràng có ký ức, nhưng lại chẳng nhớ đã trải qua lúc nào. Tư Đồ gia y cơm áo vô lo, chắc chắn không bao giờ phải tới nước này. Vậy thì là ai?
Tư Đồ Phong suy nghĩ miên man, thấp thoáng cảm giác như đang hòa mình trong phố xá sầm uất.
Phụ thân bế y, yêu thương hỏi, “Nhã nhi năm nay mấy tuổi?”
Y giận dỗi nói, “Cha, con ba tuổi.”
Phụ thân áy náy đáp, “Dù cha không nhớ con mấy tuổi, nhưng vẫn nhớ hình ảnh con lúc mới sinh ra. Hôm đó cũng là tết Nguyên Tiêu, ta và mẹ con đi dạo hội đèn lồng, chắc là con cũng thích ngắm cảnh cùng cha mẹ nên mới khẩn cấp muốn ra đời…”
Y không phải Tư Đồ Nhã, y chỉ đánh Tư Đồ Nhã bị thương rồi mặc áo khoác của Tư Đồ Nhã đi xem đèn lồng rực rỡ với phụ thân. Giờ khắc này y ấm ức vô cùng, phụ thân còn chẳng phân biệt được y là ai, dường như không có đứa con trai là y vậy. Y thầm hạ quyết tâm sẽ phải lợi hại hơn Đại ca Nhị ca, chỉ cần y lợi hại, bắt thật nhiều kẻ xấu như phụ thân thì phụ thân và mẫu thân sẽ thích y, sẽ nhớ rõ y là ai.
Đám đông xung quanh tan ra như khói. Một đôi mắt thình lình đập vào mắt y. Đôi mắt ấy cực kỳ sáng, lại tràn ngập lo lắng và nghi hoặc, như đang cố gắng nhìn rõ từng người trong dòng người hối hả ngược xuôi. Y tò mò quay sang, thì ra là một đứa nhỏ xanh xao vàng vọt. Đứa nhỏ này ngồi bên miệng giếng, ngước mắt mong ngóng nhìn đám người lui tới thưởng thức hoa đăng, nhưng không một ai dừng chân lại. Cuối cùng đứa nhỏ im lặng cúi đầu, dùng đôi bàn tay bẩn thỉu đầy máu vốc nước uống, rửa mặt, sửa sang quần áo, xốc lại tinh thần, tiếp tục ngước lên chờ đợi.
Tư Đồ Phong khẽ giật mình, vẻ mặt đứa nhỏ này như đang nói với y, phải sống. Chỉ cần không buông tay, thì hiểm sơn ác thủy cũng sẽ biến thành đại lộ thênh thang — Tuy nghĩ vậy, nhưng đột nhiên y lại không thở nổi, gắng sức bò dậy mới phát hiện mình đang nằm sấp trên bãi đá, cả khuôn mặt chìm xuống nước. Thì ra là mơ màng ngủ quên. Ngẩng đầu nhìn ánh sáng ban ngày, chẳng rõ tại sao cứ dần tối lại.
Y cố nén mệt mỏi bao trùm, điều phối nội tức dùng ‘Tuyết Nhiễm Thúy Vân’, leo lên gò đá bên cạnh nham thạch. Vách đá đóng băng cực kỳ nhẵn nhụi, y tính toán, ít nhất hai mươi trượng không có chỗ đặt chân, làm sao leo lên? Đúng lúc đó, phía sau y truyền lại một tiếng kêu, con chim ưng màu xám tro lao ra từ hang động cao chót vót phía đối diện khiến y giật nảy.
Chim ưng lướt gió đều phải đập cánh. Trong khoảnh khắc đó, Tư Đồ Phong tập trung ước lượng, hai vách đá cách nhau chừng ba mươi trượng, y xoay người nhảy lên cao, nhanh chóng đạp lên chim ưng, dốc toàn lực phóng về phía hang động nọ, dùng cánh tay không bị thương vận sức, bắt lấy mép đá phía dưới hang động, phát hiện hang động này dài rộng bằng nửa người, vách động khắc đầy chữ nghĩa kỳ quái như chữ Triện, bên trong thấp thoáng lại có ánh lửa.