Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 83



Tôi có một người bạn mới. Tên anh là Yudhi, phát âm là "You-Day". Anh là người Indonesia, gốc gác ở Java. Tôi biết anh vì anh cho tôi thuê căn nhà; anh làm việc cho người phụ nữ Anh sở hữu nơi này, trông nom nhà cửa của bà khi bà ở Luân Đôn vào mùa hè. Yudhi hai mươi bảy tuổi, tầm vóc rắn chắc và nói chuyện như kiểu một tay lướt sóng miền nam California. Anh cứ gọi tôi là "cậu" và "công tử" luôn. Anh có nụ cười có thể làm dừng tội ác, và một chuyện đời dài, phức tạp đối với một người trẻ tuổi như vậy.

Anh sinh ra ở Jakarta; mẹ anh làm nội trợ, bố anh là một người Indonesia hâm mộ Elvis và sở hữu một cơ sở nhỏ kinh doanh máy điều hòa và tủ lạnh. Gia đình là người Cơ đốc giáo - một trường hợp kỳ lạ ở nơi này của thế giới, và Yudhi kể những chuyện ly kỳ, anh đã bị bọn trẻ Hồi giáo hàng xóm trêu chọc ra sao về sự thiếu sót đó như, "Mày ăn thịt heo!" và "Mày yêu chúa Jesus!" Yudhi không bực vì bị chòng ghẹo; bản tính Yudhi không thấy phiền nhiều. Tuy vậy, mẹ anh không thích anh la cà với bọn trẻ con Hồi giáo, chủ yếu là vì chúng cứ đi chân trần, mà Yudhi cũng thích giống vậy, nhưng bà nghĩ thế không vệ sinh, nên bà cho cậu một lựa chọn - cậu có thể hoặc mang giày và được chơi ở ngoài, hoặc đi chân không và ở trong nhà. Yudhi không thích mang giày, nên suốt một quãng thời gian thơ ấu và tuổi dậy thì cậu ở trong phòng ngủ của mình, và đó là khi cậu học chơi guitar. Chân trần.

Anh chàng có tai thưởng thức âm nhạc có lẽ không như bất kỳ ai tôi từng biết. Anh đẹp đẽ bên cây guitar, chưa bao giờ đi học nhưng hiểu giai điệu và hòa âm như chúng là mấy chị em nhỏ cùng anh lớn lên. Những phối hợp nhạc Đông-Tây của anh gồm những bài hát ru Indonesia cổ điển với nền tảng cho nhạc reggae 1 và phong cách nhạc funk của Stevie Wonder những ngày đầu - khó mà giải thích, nhưng đáng ra anh ấy phải nổi tiếng. Tôi chưa từng thấy ai nghe nhạc của Yudhi mà không nghĩ là anh nên nổi tiếng.

Đây là điều anh luôn muốn làm nhất trong tất cả - sống ở Mỹ và làm việc trong ngành trình diễn. Giấc mộng được cả thế giới cùng chia sẻ. Nên khi Yudhi còn là một thiếu niên Java, không hiểu sao anh đã thuyết phục được người ta để có được một công việc (trong khi anh vẫn chưa nói được từ tiếng Anh nào) trên tàu Carnival Cruise Lines, nhờ đó ném mình ra khỏi môi trường Java quê nhà chật hẹp và bước vào một thế giới xanh bao la. Công việc Yudhi kiếm được trên tàu là một trong những việc cực nhọc dành cho những người nhập cư cần cù - sống dưới boong tàu, làm việc mười hai giờ mỗi ngày, một ngày được nghỉ mỗi tháng, lau chùi. Những đồng nghiệp của anh là người Philippin và Indonesia. Những người Philippin và Indonesia ngủ và ăn trong những khu vực riêng biệt trên tàu, không bao giờ lẫn lộn (người Hồi giáo chống lại người Cơ đốc giáo, bạn biết đấy), nhưng Yudhi, theo cách đặc trưng, kết bạn với tất cả mọi người và trở thành kiểu phái viên giữa hai nhóm người lao động châu Á. Anh thấy có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt giữa những cô hầu, người canh gác, người rửa chén này, tất cả họ đều làm việc những giờ bất tận để gửi chừng một trăm đôla mỗi tháng về cho gia đình ở nhà.

Lần đầu tiên chiếc tàu giong về Cảng New York, Yudhi thức suốt đêm, ngồi trên boong tàu, nhìn bóng dáng thành phố hiện lên bên kia đường chân trời, tim đập rộn ràng háo hức. Mấy giờ sau, anh xuống tàu ở New York và vẫy một chiếc taxi vàng, cứ như trong phim. Khi ông lái taxi là người châu Phi mới nhập cư hỏi anh muốn đi đâu, Yudhi nói, "Đâu cũng được, ông à - cứ chở tôi vòng vòng. Tôi muốn thấy tất cả." Vài tháng sau con tàu đến thành phố New York lần nữa, và lần này Yudhi lên bờ luôn. Hợp đồng của anh với tàu du lịch đã xong và giờ anh muốn sống ở Mỹ.

Trong tất cả mọi nơi, cuối cùng anh đến ngoại ô New Jersey sống một thời gian với người đàn ông Indonesia anh gặp trên tàu. Anh có công việc ở cửa hiệu bánh sandwich trong một phố buôn bán lớn - thêm một lần nữa, mười đến mười hai giờ mỗi ngày theo kiểu hợp đồng lao động dành cho người nhập cư, lần này làm với người Mexico, không phải Philippin. Trong những tháng đầu tiên đó anh học tiếng Tây Ban Nha khá hơn tiếng Anh. Trong những phút giây rảnh rỗi hiếm hoi của mình, Yudhi thường đi xe buýt đến Mahattan chỉ để lang thang các phố, vẫn say đắm thành phố đến không nói nên lời như thế - một thành phố mà hôm nay anh tả lại là "nơi tràn đầy tình yêu nhất trên toàn thế giới". Thế nào đó (lại nữa - vẫn nụ cười đó) ở thành phố New York anh quen biết một nhóm nhạc sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới và bắt đầu chơi guitar với họ, ứng tác suốt đêm với những đứa trẻ tài năng từ Jamaica, châu Phi, Pháp, Nhật... Và trong một hợp đồng biểu diễn thuê như thế, anh đã gặp Ann - một cô gái tóc vàng xinh đẹp chơi bass từ Connecticut. Họ phải lòng nhau. Họ cưới nhau. Họ tìm được một căn hộ ở Brooklyn và họ có những người bạn tài giỏi cùng nhau thực hiện các chuyến đi dài ngày xuống Florida Keys. Cuộc đời hạnh phúc không thể tin nổi. Tiếng Anh của anh tiến nhanh không chê vào đâu được. Anh đã tính sẽ vào đại học.

Vào ngày 11 tháng Chín, đứng trên mái nhà mình ở Brooklyn, Yudhi nhìn ngọn tháp đôi sụp đổ. Như tất cả mọi người anh ngây dại vì đau buồn trước chuyện vừa xảy ra - làm sao ai đó có thể giáng một hành động tàn bạo kinh khủng như vậy lên một thành phố mang trong nó nhiều tình yêu hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới? Tôi không biết Yudhi đã quan tâm đến mức nào khi Quốc hội Mỹ sau đó thông qua Đạo luật Yêu nước để đối phó mối đe dọa khủng bố - một bộ luật bao gồm các luật nhập cư mới hà khắc, rất nhiều trong số đó đã nhắm vào các quốc gia Hồi giáo như Indonesia. Một trong những điều khoản ấy yêu cầu tất cả công dân Indonesia sống ở Mỹ phải đăng ký với Bộ An ninh Nội địa. Những cú điện thoại bắt đầu reo khi Yudhi và những người bạn nhập cư Indonesia trẻ tuổi của mình cố hình dung xem phải làm gì - nhiều người trong số họ đã ở quá hạn thị thực và việc đăng ký sẽ khiến họ bị trục xuất. Tuy nhiên họ lại sợ không đăng ký, vì vậy họ ứng xử như những tội phạm. Có lẽ những tên khủng bố trào lưu chính thống Hồi giáo đang nhởn nhơ ở Mỹ coi thường luật đăng ký này, nên Yudhi quyết định là anh muốn đăng ký. Anh đã kết hôn với một người Mỹ, anh muốn cập nhật tình trạng nhập cư của mình và trở thành một công dân hợp pháp. Anh không muốn sống trốn tránh.

Anh và Ann hỏi ý kiến tất cả các loại luật sư, nhưng không ai biết phải khuyên họ ra sao. Trước ngày 11 tháng 9 thì có thể là chẳng có vấn đề gì - Yudhi, giờ đã kết hôn, có thể chỉ cần đến văn phòng nhập cư, cập nhật tình trạng thị thực và bắt đầu quá trình lấy quốc tịch. Nhưng hiện giờ ư? Ai mà biết được? "Các luật vẫn chưa được thử nghiệm," các luật sư về nhập cư nói, "Người ta sẽ thử các luật ở trường hợp anh." Nên Yudhi và vợ gặp gỡ với một viên chức nhập cư tử tế và chia sẻ câu chuyện của mình. Người ta bảo hai người họ là Yudhi phải trở lại muộn hơn vào chiều hôm đó, để có một "cuộc phỏng vấn lần hai". Lúc đó lẽ ra họ phải đề phòng; người ta chỉ thị chỉ mình Yudhi trở lại mà không có vợ, không có luật sư, và không mang gì theo trong túi. Hy vọng điều tốt đẹp nhất, anh đã tay không một mình trở lại cuộc phỏng vấn - và đó là khi người ta bắt anh.

Họ đưa anh đến một trại tạm giam ở Elizabeth, New Jersey, nơi anh đã phải ở lại nhiều tuần giữa một đám đông rất lớn người nhập cư, tất cả đều vừa bị bắt theo Đạo luật Nội An, nhiều người trong họ đã sống và làm việc ở Mỹ nhiều năm, hầu hết không nói được tiếng Anh. Một số không thể liên lạc với gia đình mình khi bị bắt. Họ vô hình trong trại tạm giam; không ai còn biết sự tồn tại của họ nữa. Ann mất nhiều ngày gần như mất trí để biết người ta đưa chồng mình đi đâu. Điều Yudhi nhớ nhất về trại tạm giam là người ta nhìn thấy hơn chục người đàn ông Nigeria gầy gò, đen như than và kinh hoảng bên trong một thùng vận chuyển bằng thép trên một tàu hàng; họ đã trốn trong container dưới đáy con tàu đó suốt gần một tháng trước lúc bị phát hiện trong khi cố gắng đến được Mỹ - hay bất kỳ đâu. Họ không hình dung được giờ mình đang ở đâu. Mắt họ mở lớn. Yudhi nói, trông như họ vẫn còn bị lóa vì ánh đèn pha.

Sau một thời gian giam giữ, chính phủ Mỹ đã gửi anh bạn Yudhi Cơ đốc giáo của tôi - giờ là một tình nghi khủng bố Hồi giáo, dường như thở, trở về Indonesia. Đó là năm ngoái. Tôi không biết có bao giờ anh lại được phép ở đâu đó gần Mỹ nữa không. Anh và vợ vẫn đang cố hình dung xem giờ đây phải làm sao với cuộc sống của mình; giấc mơ của họ không phải là cùng nhau sống hết phần đời còn lại ở Indonesia.

Không thể chịu nổi những khu nhà ổ chuột Jakarta sau khi sống ở thế giới thứ nhất, Yudhi đến Bali để xem anh có thể kiếm sống ở đây không, dù anh khó được xã hội này chấp nhận vì anh không phải là người Bali - anh từ Java. Và người Bali không thích người Java chút xíu nào, xem họ như chỉ toàn là trộm cắp và ăn xin. Vậy là Yudhi vấp phải nhiều định kiến ở đây - ở chính quê hương Indonesia của mình - hơn là anh đã từng chịu hồi còn ở New York. Anh không biết phải làm gì tiếp. Có vẽ vợ anh, Ann, sẽ đến sum họp với anh ở đây. Nhưng trái lại - có lẽ không. Có gì ở đây cho cô ấy chứ? Cuộc hôn nhân còn ở những ngày đầu của họ, giờ được tiến hành hoàn toàn qua email, đang lung lay. Anh quá lạc lõng ở đây, mất phương hướng. Anh giống một người Mỹ hơn là gì khác; Yudhi và tôi dùng cùng một tiếng lóng, chúng tôi trò chuyện về những quán ăn ruột của mình ở New York và chúng tôi cùng thích những bộ phim. Anh đến nhà tôi vào buổi tối và tôi mời anh bia, anh đàn cho tôi nghe những bản nhạc đáng kinh ngạc nhất. Tôi ước gì anh nổi tiếng. Nếu có chút công bằng nào, giờ anh phải rất nổi tiếng rồi.

Anh nói, "Công tử à - tại sao cuộc đời hoàn toàn điên khùng như thế?"

--- ------ ------ ------ -------

1 Thể loại nhạc có tiết tấu mạnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.