Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 9



Ruth Parish nhìn lên chiếc bảng điện tử báo giờ khởi hành của các chuyến bay được trên tường trước mặt bà. Bà thở phào nhẹ nhõm khi thấy chuyến bay 107 của hãng United tới sân bay JFK cuối cùng cũng đã khởi hành vào lúc 1:40 chiều. Chậm hơn lịch trình 40 phút.

Ruth và chồng mình là Sam đã sáng lập nên công ty Art Locations gần mười năm trước, và khi ông ta bỏ rơi bà để chạy theo một phụ nữ trẻ đẹp, bà được tiếp quản công ty này. Ruth vùi đầu vào công việc với những chuyến máy bay, tàu hỏa và tàu chở hàng chẳng bao giờ đúng lịch trình. Vận chuyển những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại và không vĩ đại từ nơi này đến nơi khác giúp bà có thể kết hợp khiếu tổ chức với niềm đam mê cái đẹp của mình, dù nhiều khi bà chỉ được nhìn thoáng qua những tác phẩm nghệ thuật mà bà chuyên chở. Ruth đi lại khắp nơi trên thế giới để nhận tiền hoa hồng của những chính phủ đang muốn tổ chức các cuộc triển lãm quốc gia, đồng thời bà cũng làm ăn với các chủ phòng tranh, các nhà buôn và các nhà sưu tầm cá nhân, những người thường chẳng quan tâm tới chuyện gì ngoài việc chuyển những bức tranh quý từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác. Theo năm tháng, nhiều khách hàng đã trở thành những người bạn thân của bà. Nhưng Bryce Fenston thì không. Từ lâu Ruth đã rút ra kết luận rằng những cụm từ như “cảm ơn” và “xin mời” không có trong vốn từ vựng của ông ta, và rõ ràng bà cũng không có tên trong danh sách những người được nhận thiệp mừng giáng sinh của nhân vật này. Yêu cầu gần đây nhất của Fenston là chuyển một bức tranh của Van Gogh từ Lâu đài Wentworth thẳng tới văn phòng của ông ta tại New York, không được chậm trễ một phút nào.

Việc kiếm một giấy phép xuất khẩu cho một kiệt tác như vậy không phải là khó, bởi vì hiếm có bảo tàng hay viện nghiên cứu nào có đủ 60 triệu đôla để ngăn chặn việc đó. Đặc biệt là sau khi Phòng tranh Quốc gia của Scotland đã không kiếm đủ 7,5 triệu bảng Anh để ngăn chặn việc đưa bức tranh Người đàn bà lúc bình minh ra khỏi nước này. Bức tranh ấy hiện nay đã thuộc về một nhà sưu tầm cá nhân ở Mỹ.

Khi một người có tên là Andrews, quản gia của Lâu đài Wentworth, gọi điện vào hôm trước để báo rằng bức tranh đã được chuẩn bị sẵn sàng, Ruth đã thu xếp để đưa một chiếc xe tải chống cướp có độ an toàn cao tới Lâu đài đó vào lúc 8 giờ sáng. Bà đi đi lại lại trong khi suốt ruột chờ đợi chiếc xe. Nó quay trở lại và đỗ trước văn phòng của bà lúc sau 10 giờ sáng.

Sau khi bức tranh đã được đưa xuống, Ruth giám sát kỹ lưỡng việc đóng gói để chuyển nó tới New York, một công việc mà bà thường giao cho các nhân viên quản lý của mình. Bà đứng cạnh người thợ đóng hàng già dặn nhất của mình trong khi ông ta cẩn thận bọc bức tranh một cách chuyên nghiệp bằng giấy không thấm nước và chống a xít rồi đặt nó vào một chiếc thùng lót xốp mà ông ta đã thức cả đêm để đóng cho kịp. Các đinh vít được vít chặt khắp quanh chiếc thùng, và chỉ những ai có dụng cụ chuyên dụng mới có thể mở được. Những đèn báo đặc biệt được gắn lên thùng; các đèn báo này sẽ hiện màu đỏ nếu có ai đó tìm cách mở chiếc thùng ra trong chuyến đi. Người thợ đóng hàng viết dòng chữ HÀNG DỄ VỠ lên hai bên hông thùng và con số 47 lên cả bốn góc thùng. Người nhân viên hải quan nhướng mày khi kiểm tra giấy tờ vận chuyển, nhưng vì đã có giấy phép xuất khẩu kèm theo, anh ta lại hạ mày xuống.

Ruth lái xe tới chỗ chiếc máy bay 747 đang nằm chờ và tiếp tục công việc giám sát cho đến chiếc thùng đã biến vào trong khoang hành lý khổng lồ.

Bà chờ cho đến khi chiếc cánh cửa nặng nề đã nằm an toàn vào chỗ của nó rồi mới lái xe quay trở lại văn phòng của mình. Bà kiểm tra đồng hồ và mỉm cười. Chiếc máy bay cất cánh vào lúc 1:40 chiều.

Ruth bắt đầu nghĩ đến bức tranh sắp được đưa từ bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam tới vào tối hôm đó để kịp tham dự cuộc triển lãm Những người phụ nữ của Rembrandt do Học viện Hoàng gia tổ chức. Nhưng bà phải gọi điện tới Fenston Finance để báo cho họ biết rằng bức tranh của Van Gogh đang trên đường tới đích trước đã.

Bà quay số của Anna tại New York và chờ tín hiệu trả lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.