Ôn Cảnh Nhiên gấp dù lại, ngồi vào trong xe, quay lại thấy Ứng Như Ước đang thẫn thờ nhìn điện thoại của anh, chủ động khai báo: “Lần trước thấy em mở khóa màn hình rồi đổi.”
Ngón tay anh đặt trên táp-lô phía sau vô lăng, hơi nhúc nhích, mưa trên cửa kính phía trước lập tức bị cần gạt nước gạt đi, tầm nhìn thoáng đãng hẳn.
Ứng Như Ước ngây ngô lúc này mới chớp mắt, “ồ” một tiếng xem như đáp lời.
Không dám hỏi “lần trước” là lần nào, càng không dám hỏi sao anh lại hào hứng đổi pass giống của cô làm gì.
Trong lòng như có một nơi nào đó đã để quên que diêm đã được đốt cháy, lửa cháy càng to, đến mức tai cô cũng nóng hực lên.
Điện thoại nắm trong tay bỗng thấy nóng rực, Như Ước khóa màn hình lại, cầm một góc của điện thoại rồi đặt vào trong hộp đựng đồ.
Ôn Cảnh Nhiên liếc sang nhìn cô, ôm vô lăng đảo một vòng sang trái, chầm chậm lùi ra khỏi ô đậu xe.
Ôn Cảnh Nhiên đang một tay ôm vô lăng, tay kia điều chỉnh ghế ngồi.
Ánh mắt nhìn thẳng, nhưng vẫn chú ý hai bên đường xem có xe hoặc người đi bộ nào băng ngang hay không.
Loa đang chậm rãi phát một bài ca xưa cũ, tiếng nhạc cổ xưa, giọng nam hát bằng tiếng Quảng vừa trầm trầm vừa nho nhã, cùng tiếng mưa tí tách ngoài kia, bỗng dưng có một bầu không khí an lành, tĩnh lặng.
Cuối cùng chiếc xe hòa vào dòng xe cộ trên đường.
Sắc trời nặng trĩu do mưa, buổi tối đến sớm hơn bình thường.
Vốn dĩ vẫn là lúc chiều tà, màu vàng trải dài nơi hoàng hôn cuối áng mây kia, lúc này màn trời như bị nhuộm một lớp vải đen, mây mù tầng tầng lớp lớp, nhìn từ xa thành phố như bị bao vây trong màn mưa mù, nhòa nhạt không nhìn rõ.
Ở ngã tư, dòng xe chậm rãi dừng lại, trước lớp cửa kính bị mưa bao phủ là đèn đuôi xe màu đỏ nhấp nháy, từng đốm một liên kết thành một khối.
Trong xe yên tĩnh tới mức hơi nặng nề.
Ôn Cảnh Nhiên gác cùi chỏ lên bệ cửa kính, trong tiếng gió thổi, hỏi cô: “Không phải nói là an ủi anh sao?”
Đầu óc trống rỗng của Ứng Như Ước ngẩn ngơ vài giây rồi mới nhớ ra chuyện anh nhắc là trong phòng phẫu thuật, sau khi kết thúc ca mổ nặng nề kia, Tiểu Khâu bảo cô thay mặt quần chúng say mê bác sĩ Ôn, đi an ủi Ôn Cảnh Nhiên đang có tâm trạng nặng nề…
Cô thuận miệng nhận lời, không ngờ bị Ôn Cảnh Nhiên đã đi rồi quay lại nghe thấy hết.
Lúc đó anh tỏ ra vô cùng trấn tĩnh, không ngờ đã ghi nhớ trong lòng, chờ đợi hỏi cô.
Tiểu Khâu tưởng anh vì chuyện đám thanh niên tối qua mà tâm trạng không vui…” Ứng Như Ước len lén ngước lên, thấy sắc mặt anh bình thản thì bổ sung: “Vốn có suy nghĩ quan tâm đến đồng nghiệp nên bảo em đi an ủi.”
Ôn Cảnh Nhiên một tay cầm vô lăng, lái xe tránh hướng đầu gió, lúc ngẩng lên thì lướt nhìn cô một cái, ném ra một câu: “Em cũng nghĩ như vậy?”
Ứng Như Ước nghẹn.
Cô thì muốn giả ngốc lắm.
Tối qua anh hỏi cô là anh thuộc dạng nào, Ứng Như Ước đã đánh trống rút lui.
Trên thực tế thì đúng là cô làm vậy thật.
Đứng đờ trước xe anh khoảng chừng một phút, rốt cuộc vẫn không dám chọc giận anh, nên đã cúp đuôi chạy mất.
Đến khi cô lên lầu, mở màn cửa sổ nhìn ra ngoài, xe anh vẫn đậu ở đó, hai luồng đèn xe sáng rực rọi thẳng phía trước, ngỡ như ban ngày.
Ứng Như Ước cúi đầu nhìn ngón tay, lúng túng lẩm bẩm: “Em vẫn nghĩ là, chúng ta cần nói chuyện rõ ràng.”
Ôn Cảnh Nhiên liếc nhìn gương chiếu hậu, bị mưa tạt ước hai ngày, dù đã hơ nóng lại nhưng cách một lớp cửa kính, tầm nhìn cũng không được rõ ràng cho lắm.
Anh giảm tốc độ, nói ngắn gọn: “Được, vậy thì tìm một ngày để nói cho rõ.”
Mưa quá lớn, ông nội đang ngủ trưa bị giật mình thức giấc, cứ ngồi trước cửa sổ trong phòng ngủ mà ngẩn ngơ.
Dì Hoa lên thay hai lần trà, thấy ông vẫn ngồi bất động thì mang đến tấm chăn mỏng, đắp lên chỗ đầu gối cho ông.
Người đã có tuổi, luôn có những tật nhỏ thế này thế kia.
Xương khớp của ông nội không ổn lắm, cứ đến ngày mưa là đau buốt tận xương.
Có lúc nghĩ thôi cũng thấy đáng thương.
Ông nội trước khi nghỉ hưu tuy rất bận rộn, nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát hơn bây giờ nhiều.
Tên tuổi của Ứng Tống Tranh rất có trọng lượng ở thành phố S, ai cũng tôn kính gọi ông là “Ứng lão tiên sinh”.
Nhưng anh hùng rồi cũng đến tuổi xế chiều, ông nội từ sau khi nghỉ hưu, cuộc sống trở nên nhàn rỗi, chỉ là trông có vẻ cô đơn.
Bà nội mất sớm, lúc Như Ước còn nhỏ, bà đã tạm biệt cõi trần. Ngay cả người con trai duy nhất cũng vì lao lực mà mất sớm, chỉ còn lại một đứa cháu gái.
Ứng gia rộng lớn, nhưng lại neo người tới mức chẳng thấy ấm áp.
Dì Hoa thở dài, đổ phần nước đã nguội lạnh đi, đổi phần trà nóng khác.
Trong tiếng nước chảy, bà nghe ông nội thở dài khe khẽ, như đang hỏi bà mà cũng như đang tự lẩm bẩm: “Mưa to thế này, Như Ước tan sở rồi làm sao không bị mắc mưa?”
Dì Hoa ngước lên nhìn ông, cười nói: “Ông nội cứ yên tâm, Cảnh Nhiên cũng ở bệnh viện mà, mưa to thế này nếu thuận tiện thì chắc chắn sẽ đưa Như Ước về.”
Ông nội trầm tư một lúc, khi lên tiếng, giọng đã già nua thêm nhiều: “Cô ngồi đây nói chuyện với tôi đi.”
Dì Hoa khựng lại, xách bình nước đặt dưới chân, “à” một tiếng rồi ngồi xuống sofa.
“Cô cảm thấy…” Ông nội ngập ngừng, nhíu mày: “Cô cảm thấy thằng bé Cảnh Nhiên như thế nào?”
Câu mào đâu có phần quen thuộc.
Dì Hoa ngớ người, nhưng suy nghĩ một chút đã biết ông nội đang nghĩ gì, bà ngẫm nghĩ rồi đáp: “Thằng bé Cảnh Nhiên ở cạnh ông nội cũng đến chục năm rồi, tính cách thế nào ông rõ hơn ai hết. Nhưng tôi biết, điều ông muốn hỏi không phải chuyện đó.”
Ông nội bật cười, dưới ánh sáng mờ nhạt ban ngày, nụ cười kia có vài phần thấu hiểu, xóa tan mọi phiền não ban nãy: “Cô hiểu rõ nhỉ.”
“Ông nội chắc chắn nhìn thấu suốt hơn bà lão tôi đây, Cảnh Nhiên chín chắn vững vàng, bình thường tác phong cũng nhún nhường, là một thằng bé ngoan, biết lý lẽ biết tự trọng. Như Ước từ nhỏ đã tự lập, nhưng dù sao cũng là con gái, lợi hại thế nào cũng sẽ mong muốn có một bờ vai vững chắc để dựa vào.” Dì Hoa nói rất kỹ, từng câu từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được.
“Thằng bé Cảnh Nhiên này dù ai gả cho nó thì sau này cũng sẽ được hưởng phúc.” Dì Hoa cúi nhìn đầu gối, cười khẽ: “Hai đứa này tôi thấy được lắm, ông nội cũng thấy Cảnh Nhiên bình thường rất quan tâm đến Như Ước, không chừng có khả năng thật. Chỉ là Như Ước thì…”
Dì Hoa ngập ngừng, không nói tiếp.
Ông nội gật gù, rõ ràng cũng nghĩ đến khúc mắc trong lòng Như Ước.
Ông chăm sóc NHư Ước từ nhỏ, đích thân chỉ dạy, tính cách cô ra sao thì không ai hiểu rõ hơn ông.
“Trước đây đúng là tôi chưa từng nghĩ sẽ để Cảnh Nhiên và Như Ước ở bên nhau.” Ông bưng ly trà lên nhấm nháp: “Ở cái tuổi một chân bước vào quan tài rồi, nếu không lo nghĩ cho con cháu thì sau này không còn cơ hội nữa. Ứng gia chỉ còn mỗi Như Ước, mẹ của nó từ nhỏ đã không mấy bận tâm đến nó, tôi đi rồi thì nó chẳng khác gì chỉ còn một mình. Tôi nghĩ như thế nên cả buổi chiều cũng không vui vẻ nổi.”
Buổi trưa tỉnh giấc, ông nội nằm mơ thấy Tiểu Như Ước từ dưới gốc hòe già trước bệnh viện cũ chạy lên bậc thềm, non nớt gọi ông: “Ông nội ơi.”
Nhỏ như thế, ra đời rồi giống như một đứa trẻ mồ côi, không ai chăm sóc.
Lúc nhỏ chưa được mấy tuổi đã bắt đầu ngủ một mình trong phòng. Lúc sợ hãi sẽ tự chui vào chăn khóc rấm rứt, lúc nào cũng khóc tới độ hôm sau thức dậy hai mắt sưng húp, nhưng cũng vẫn cười ngọt ngào gọi ông nội.
Khi đến tuổi học tiểu học, một mình dời ghế sang, trèo lên để với tới bệ bếp, một mình chiên trứng làm bữa trưa.
Cuối tuần hiếm hoi lắm mới rảnh rỗi để dẫn cô bé đi dạo công viên, nhìn thấy cá chép trong hồ đã vui đến mức như được ăn kẹo mạch nha, cứ đi men theo những hòn đá giữa hồ cho du khách qua lại, đi hết lần này đến lần khác.
Mỗi khi gặp thời tiết mưa bão, cô chỉ có thể tự mình mang giày đi mưa, che cây dù nhỏ để đi về nhà.
Khi ông hỏi có cảm thấy tủi thân không, rõ ràng mắt đã hoe đỏ nhưng vẫn gồng mình nói không tủi thân, ông nội bà nội và bố mẹ đều là bác sĩ cứu tử phù thương, cô hy sinh chút thời gian, trên thế gian này sẽ có thêm một người được sống khỏe mạnh.
Ông ngồi bên cửa sổ, cả buổi chiều chỉ ngồi hồi tưởng.
Con sông thời gian dài đằng đẵng, đã có rất nhiều ký ức trở nên nhòa nhạt, vụn vặt.
Nhưng mỗi khi nhớ lại từng cảnh, đều là xót xa vì mắc nợ cô.
Dì Hoa khẽ thở dài, vỗ vỗ đầu gối ông nội, muốn nói lời an ủi nhưng cuối cùng chỉ mấp máy môi, một chữ cũng không thốt ra nổi.
Bà đến Ứng gia cũng xem như là sớm, Như Ước lúc nhỏ như thế nào, bà cũng biết rõ.
Suốt đoạn đường nhìn cô trưởng thành, tình cảm gần như là dành cho đứa con mình sinh ra và nuôi nấng. Lúc này nghe giọng nói run rẩy của ông nội, mũi lập tức cay cay, lắc đầu, đứng lên định xuống lầu chuẩn bị bữa tối.
Ra đến cửa như sực nhớ ra, dì Hoa lại dặn: “Những gì trong lòng ông nội nghĩ, đừng thẳng thừng nói cho Như Ước biết nhé.”