Cô sinh ra trong một gia đình truyền thống theo nghề y, đời tổ tông xa quá không nói, gần là từ ông bà nội đã là bác sĩ.
Ông nội Ứng lúc còn trẻ nhận lời bạn bè đến nhà hát kịch xem kịch, kết quả là năm đó vở nhạc kịch tên gì cũng quên mất, cả một vở kịch chỉ lo ngắm mỗi bà nội Ứng đang ngồi ở hàng trên.
Năm đó thành phố S có hai bệnh viện, một chính là bệnh viện trực thuộc đại học S hiện nay, một là bệnh viện trung tâm thành phố S, cả hai đều cực kỳ nổi tiếng.
Ngay cả địa điểm của hai bệnh viện này, một ở phía Đông, một ở phía Tây, cũng lặng lẽ giao đấu với nhau.
Ông nội Ứng sau khi trúng tiếng sét ái tình với bà nội, mặc kệ người ta nhìn thế nào, mỗi ngày đều cố gắng đi đón bà nội tan sở.
Ông là người cầm dao mổ, mỗi ngày tắm ánh tịch dương xuất hiện dưới gốc cây hòe già trước cổng bệnh viện trung tâm, tay cầm một cành hoa, ngây ngô chờ bà, không bao lâu đã khiến trái tim bà nội mềm nhũn ra.
Bà nội năm đó là đại mỹ nhân nổi tiếng ở S, đừng nói là người thân quen có thể bước vào cửa nhà bà, mà ngay cả những người yêu mến bà, chủ động theo đuổi cũng nhiều vô kể.
Nhưng điều khiến bà nội quyết định gả cho ông nội là người có phần quê mùa, nghiêm túc, chính là do xảy ra một chuyện.
Bà nội là bác sĩ khoa phụ sản của bệnh viện trung tâm.
Một hôm cấp cứu đưa tới một cô bé toàn thân đầy vết thương, gần như đã chết nửa mạng.
Cũng không biết những vết thương này là do ai ngược đãi tạo ra, chỉ biết cô bé mồ côi này từ nhỏ đã bị câm, không thể nói được, tuổi lại nhỏ. Chính những tủi thân ấm ức đó cần người để kể lể giãi bày, nhưng lại không thể nói được.
Bà nội vốn mềm lòng, ghét nhất là những chuyện thế này.
Sau khi ở bên cạnh cô bé vài ngày, bà muốn nhận nuôi cô bé, điều đó đã làm dậy nên ngọn sóng không nhỏ vào thời đó. Cho dù người nhà bà nội không thể chấp nhận, nhưng khi mọi người đều phản đối, ông nội đã lặng lẽ thay bà chăm sóc cô bé đó, dùng hành động để gánh vác quyết định của bà.
Tuy không lâu sau, mẹ cô bé vì lương tâm mà quay trở lại đưa cô bé đi, nhưng cách làm của ông nội thực sự đã làm rung động trái tim bà nội.
Không lâu sau, bà nội liền gả cho ông, kết hôn bao năm, chỉ để lại một đứa con trai độc nhất là bố của Ứng Như Ước.
Như Ước lúc còn nhỏ, từng làm bài tập trước cổng bệnh viện trung tâm nay đã trở thành địa chỉ cũ.
Quy mô bệnh viện lúc đó chưa lớn, chỉ chia thành hai phần là các khoa và khu phòng bệnh, một khu vườn nhỏ cũng không có.
Nơi duy nhất có thể để bệnh nhân nghỉ ngơi chỉ có dưới gốc hòe trước cổng, ở đó bày một bộ bàn ghế bằng đá, là nơi Như Ước lúc nhỏ thích ngồi nhất.
Lúc đó dì Hoa còn chưa tới Ứng gia, bố mẹ tuy bận nhưng vẫn có ông bà nội có thể chăm sóc được.
Trường tiểu học của Như Ước rất gần bệnh viện trung tâm, mỗi ngày tan học xong, Như Ước đều đến bệnh viện đợi bà nội tan sở.
Cô đã ngồi dưới gốc hòe già vừa làm bài tập vừa đợi, mỗi lần viết đến khi ánh đèn vàng vọt sáng lên, là bà nội có thể ra về.
Lúc đó vẫn chưa có nhiều xe hơi, bà nội đạp xe đưa cô về nhà.
Trên quãng đường về dài đằng đẵng đó, Như Ước lúc nào cũng đòi bà nội kể lại chuyện với ông nội năm nào, có khi còn muốn nghe về bố mẹ nữa.
Lâu dần, những chuyện cô biết gần như còn nhiều hơn cả những chuyện mà người trong cuộc có thể ghi nhớ được.
Về sau…
Về sau bà nội mắc bệnh ung thư qua đời, Như Ước lúc đó chỉ mới mười tuổi.
Ở độ tuổi vẫn chưa biết gì là sinh tử, cô đã mất đi bà nội yêu quý nhất.
Cô còn nhớ buổi chiều đó, cô ngủ trưa dậy, nhìn thấy bà nội thẫn thờ nhìn cây hòe ngoài cửa sổ rất lâu.
Bà nội lúc đó tinh thần đã có phần thiếu minh mẫn, Như Ước muốn bà thay đổi sự chú ý mới hỏi: “Bà nội ơi, bà nói xem Như ước sau khi lớn lên cũng muốn làm bác sĩ thì có được không ạ?”
Bà nội định thần, xoa đầu cô, mỉm cười: “Hai ông cháu con đúng là xuất sắc như nhau.”
Nói dứt, không biết bà nhớ ra điều gì, giọng nói nghe xa xăm: “Năm đó ông nội con tán thành một cô gái chưa lập gia đình như bà nhận nuôi bé gái đó, bà từng hỏi ông nội rằng, người ta đều không thể hiểu bà, có phải ông vì muốn bà vui lòng mới phụ họa hay không?”
Như Ước chớp mắt nhìn bà, vẻ mặt tò mò muốn tìm hiểu.
Bà nội cúi đầu nhìn cô cười: “Ông nói không phải, chỉ là ông có hơn người khác một trái tim của người theo ngành y, trái tim đó có thể hiểu bà, có thể cổ vũ bà, có thể đối xử tốt với bà.”
Như Ước lúc đó nghe nửa hiểu nửa không, ngây ngô gật đầu.
Có lẽ cũng thấy lời mình nói đối với Như Ước là quá thâm sâu, bà nội khẽ giơ tay véo mũi cô một cái: “Sau này Như Ước của bà tìm bạn trai, nhất định phải tìm một người biết làm con vui, đừng tìm một người đàn ông kiểu cứng nhắc mà không biết lãng mạn.”
Như Ước vẫn nửa hiểu nửa không gật đầu, nghe như thánh chỉ.
Sau hôm đó không bao lâu, bà nội đã dứt áo ra đi.
Trước khi đi trừ những việc cần dặn dò, chỉ dặn mọi người: “Đừng để ông ấy một mình.”
Ông ấy, chính là ông nội.
Từ hôm đó, lời Như Ước từng nói với bà nội là muốn làm bác sĩ, giống như một lời hứa phải thực hiện bằng được.
Cô lúc nào cũng chuẩn bị chiến đấu, chưa bao giờ dám buông lỏng.
Nên cô đã về, trong thế giới dần dần cô đơn, trở về.
Ôn Cảnh Nhiên biết một số việc của Ứng gia, tính kỹ thì từ khi anh gọi ông nội là thầy đến nay đã mười năm rồi.
Anh nhìn Ứng Như Ước từ một thiếu nữ mỏng manh 16 tuổi trưởng thành đến nay, những gì liên quan đến cô, dù là mặt nào, đều nhớ rất rõ và khắc cốt ghi tâm.
Cũng không biết rốt cuộc là năm nào, anh bỗng nhiên yêu mến cô gái này.
Anh đưa tay che mắt, nhờ tư thế này che đi ánh nắng từ cửa sổ chiếu vào.
Anh chăm chú ngắm Như Ước ngồi không xa, nhưng dù không nhìn vẻ mặt cô lúc này, anh cũng có thể tưởng tượng ra dáng vẻ bình thản như không có chuyện gì xảy ra của cô.
Khuya hôm qua kết thúc ca mổ, xong xuôi rồi Ôn Cảnh Nhiên nghỉ ngơi một lát ở ngay phòng trực ban.
Phòng trực ban chỉ có một mình anh.
Anh mệt mỏi nằm xuống, nhìn sắc đêm yên tĩnh ngoài cửa sổ, mãi vẫn không buồn ngủ.
Trong đầu lúc nào cũng thoáng hiện ánh mắt của cô khi anh nhìn qua cửa xe ở con phố ăn vặt hai hôm trước.
Anh mua xong đồ ăn khuya, đi qua chiếc xe đó, lúc nhìn vào trong xe qua lớp dán cửa kính màu tối, tuy mờ nhạt không rõ nhưng trong lòng lại có một cảm giác rất kỳ lạ, mãnh liệt tới nỗi anh không kìm được mà ngừng bước.
Hồi ức về cô ở thành phố này quá nhiều, anh lúc nào cũng có thể nhớ đến cô.
Chỉ có hôm trước, anh đứng trước chiếc xe đó, trong lòng cảm nhận rất rõ cô đang ngồi trong xe.
Thế nên anh gọi điện, nhìn thấy Chấn Chân Chân không biết từ đâu chui ra, như một con chim nhỏ xòe cánh bay đến, kéo cửa xe ra gọi tên cô.
Cách một con đường, anh nhìn ánh mắt sợ hãi như một chú hươu nhỏ của cô, vừa buồn cười vừa mềm lòng.
Cú điện thoại ấy không đợi cô nghe máy, anh đã tiện tay bấm tắt.
Anh lớn hơn cô bốn tuổi, xét vai vế đã có thể tính là vai chú, nên nhường nhịn cô.
Anh nghĩ thế, dần dần thấy buồn ngủ.
Nhưng dù ngủ, cơn buồn ngủ cũng cạn, nhắm mắt ba tiếng đồng hồ như mơ như tỉnh, đến khi tiếng chuông báo thức reo vang, anh không hề do dự liền dậy thay đồ.
Đi qua con phố cũ, tiện tay mua thêm sữa đậu mà cô thích.
Đi qua siêu thị, lại không kìm được dừng xe, mua mấy túi thức ăn vặt mà cô thích.
Đến khi tới Ngự Sơn, anh dừng xe bên ngoài vườn, quay về lấy thêm tấm chăn.
Ôn Cảnh Nhiên biết, anh không thể lừa dối bản thân được nữa.
Anh thích Ứng Như Ước.
Niềm yêu mến không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng lại kéo dài vô hạn.
***
Phụ lục nho nhỏ:
Như Ước cũng từng có lúc thất ý, đó là lần thi thử thứ hai cuối cùng trước khi tốt nghiệp.
Vì ông nội bệnh nặng, tâm tư cô không dồn hết vào việc học nên cả học kỳ năm lớp 12 cũng không thể tìm ra lần nào có thành tích tệ hơn lần này.
Khi trường phát kết quả, Như Ước đến bệnh viện thăm ông nội cũng không vui vẻ gì lắm.
Ông nội chỉ có mỗi Như Ước là cháu gái, bình thường dù nghiêm khắc với cô thế nào thì trong lòng cũng cực kỳ yêu thương cô thế ấy.
Đoán chừng trong trường có chuyện không vui, cũng không chủ động hỏi, nhân lúc cô đi rửa trái cây mới gọi Ôn Cảnh Nhiên tới hỏi thăm.
Không ngờ, không đợi ông nội và Ôn Cảnh Nhiên gặp nhau, thì đã thấy Như Ước cầm trái cây, mặt đỏ tới mức gần bằng quả táo trong tay.
Ông đang định hỏi thì thấy sau lưng Như Ước là Ôn Cảnh Nhiên, rõ ràng tâm trạng cực tốt, cười tủm tỉm, ánh mắt sáng rỡ.
Ông nội có phần hoang mang.
Ông nhớ hôm nay có người nhà bệnh nhân đến gây sự, người học sinh trầm tĩnh của ông xử lý rất tốt, tuy đã hóa giải được chuyện này nhưng tâm trạng hôm nay rất không ổn.
Sao chỉ mới chốc lát, hai người một trước một sau đã… trông có vẻ không có gì xảy ra?