Anh Hùng Bắc Cương

Chương 11: Kho Tàng Tần-hán



Kho tàng Tần-Hán - -

Sau đại hội, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Bảo-Hoà, Thanh-Mai cùng các trưởng lão Lạc-long giáo dẫn giáo chúng về tổng đàn. Bây giờ Thiệu-Thái mới biết tổng đàn Lạc-long giáo đặt ở bãi Ngọc-thụy.

Đường Lộc-hà, Hội-phụ về Thăng-long không xa. Khoảng hơn giờ tới nơi. Thời bấy giờ đường Lộc-hà đi Ngọc-thụy phải vòng qua Hồ-Tây, vượt sông Hồng. Khi còn cách bờ sông Hồng hơn hai dặm, viên chưởng quản đạo Thăng-long đến trước Thiệu-Thái chắp tay:

- Khải tấu giáo chủ, bến sông bị thủy quân phong tỏa. Viên đô đốc chỉ huy nói, y có nhiệm vụ giữ bến đò. Mọi việc qua đò đều cấm chỉ. Phải có lệnh của quan tổng trấn Thăng-long, y mới dám cho đi. Xin giáo chủ định liệu.

Thiệu-Thái tiến tới phía bờ sông Hồng. Viên đô đốc không phải ai xa lạ, mà chính thị Đoàn Thông. Thanh-Mai chắp tay hướng Đoàn Thông:

- Sư huynh! Sư huynh trấn ở đây ư?

- Sư muội! Lâu quá không gặp sư muội. Càng ngày sư muội càng xinh đẹp hơn trước. Võ công sư muội đến trình độ ta không ngờ tới.

Tự-An có tất cả chín đệ tử. Đoàn Thông là một trong chín người đó. Y hiện giữ chức đô đốc hạm đội Động-đình. Trước đây, giữa phái Đông-a với Lý triều có nhiều xung đột, vì vậy tiến trình của y đầy chông gai. Bây giờ y thấy sư phụ hòa với triều đình. Hơn nữa Thanh-Mai sắp làm Vương-phi của thượng cấp đầu lĩnh y. Y mừng vô hạn.

Thanh-Mai nhìn dưới sông: Thủy quân dàn ra nghiêm chỉnh, bao vây bãi Ngọc-thụy. Xa xa, bên kia bờ vẫn còn kéo cờ Hồng-thiết giáo. Giáo chúng gươm đao sáng ngời đi đi, lại lại tuần phòng.

Đoàn Thông thấy Mỹ-Linh, y vội hành lễ. Mỹ-Linh hỏi:

- Đô đốc được lệnh bao vây từ bao giờ?

- Khải tấu Công-chúa, thần được lệnh đem thủy đội tuần tiễu từ mười hôm. Lệnh ban ra rằng, khi giáo chúng lên đường dự đại hội, lập tức phong toả mặt sông Hồng, sông Đuống. Phía bộ, tướng Nguyễn Duệ vây Thượng-cát, Ngọc-lâm. Còn Vũ vệ thường thị Hà Việt đem thị vệ bất thần chiếm lầu Động-đình.

Thiệu-Thái kinh hoảng:

- Thế hai bên có giao tranh không? Bao nhiêu người chết, bị thương?

- Thưa Thế-tử không. Thần nhận chỉ dụ phong toả, tránh giao tranh. Mới hồi nãy được lệnh rằng khi Công-chúa cùng Thế-tử về đến, trình Công-chúa một mật lệnh.

Nói rồi Đoàn Thông kính cẩn trao cho Mỹ-Linh một bao thơ. Mỹ-Linh mở ra xem. Trong có mười tờ giấy ghi chép lệnh của Khai-Quốc vương. Mỹ-Linh đọc xong, trao cho Thanh-Mai, Thiệu-Thái cùng thi hành.

Thiệu-Thái nói với mọi người:

- Cậu hai ra lệnh cho tôi giải quyết truyện Lạc-long giáo, rồi phải chầu mạ mạ ngay. Thôi chúng ta qua sông.

Mỹ-Linh nói với các trưởng lão:

- Trước đây, nhất cử nhất động của Hồng-thiết giáo, Khu-mật viện đều biết hết. Cho nên đã trù liệu kế sách đánh úp tổng đàn. Nếu như trong đại hội, Hồng-thiết giáo làm loạn, tổng đàn bị ba mặt giáp công. Phía trụ sở các đạo ở quận huyện cũng bao vây tương tự. Bây giờ Hồng-thiết giáo thành Lạc-long giáo, mọi truyện tốt đẹp. Các trưởng lão đừng lo.

Nàng bảo Đoàn Thông:

- Phiền đô đốc cho chiến thuyền chở giáo chúng sang Ngọc-thụy.

Phạm Trạch vui vẻ:

- Nhờ ân đức của giáo chủ, biến đổi hết. Nếu giáo chủ không lên ngôi, e giữa bản giáo với quan quân có cuộc hỗn chiến. Mà phần thất bại tất về anh em giáo chúng.

Đoàn Thông tiếp lời Phạm Trạch:

- Phạm tưởng lão chỉ biết một mà không biết hai. Sáng nay, tư thất tất cả các trưởng lão, quản giáo cấp huyện, cũng bị bao vây. Trong Thanh-hóa, quân sĩ chiếm chùa Sơn-tĩnh. Lực lượng thiếu niên Hồng-hương được tập trung chứng kiến quan quân khám xét Hồng-hương mật cốc. Triều đình giải cứu được hơn trăm thiếu nữ bị giam làm cây thuốc.

Thuyền tới bờ Ngọc-thụy. Đám giáo chúng thấy các trưởng lão đi bằng chiến thuyền. Họ mở to mắt, đầy vẻ kinh ngạc. Một giáo chúng nói:

- Thưa các vị trưởng lão. Sáng nay, giáo chủ cùng các vị ra đi một lát, quan quân chiếm lầu Động-đình. Bốn phía bị bao vây. Bọn thuộc hạ chuẩn bị nghinh chiến. Nhưng quan quân không tấn công.

Lê Đức vẫy tay:

- Các người đâu về đó. Quan quân không làm khó dễ mình nữa đâu.

Về đến tổng đàn. Lê Đức kính cẩn mời Thiệu-Thái ngồi vào ngôi giáo chủ. Bảo-Hòa, Thanh-Mai ngồi hai bên tả hữu. Kế đến các trưởng lão.

Thiệu-Thái thở dài:

- Trong cuộc chiến vừa qua các trưởng lão Lê Ba, Nguyễn Chí, Phạm Hổ, Hoàng Liên qua đời. Xin hãy thu nhặt hài cốt đưa về nguyên quán chôn cất. Trưởng lão thứ mười Hoàng Liên đã có trưởng lão Ngô Bách-Vân thay thế. Nay cứ để nguyên. Còn ngôi vị trưởng lão Lê Ba, sẽ do Đào Nhất-Bách kế tiếp. Đào Nhị-Bách thay trưởng lão Nguyễn Chí. Đào Tam-Bách thay trưởng lão Phạm Hổ. Trưởng lão Vũ Nhất-Trụ tuy theo Bố-Đại hoà thượng vân du thắng cảnh, ngôi vị trưởng lão vẫn giữ nguyên.

Chàng ngừng một lát, tiếp:

- Thuận-Thiên hoàng-đế ban chỉ đại xá thiên hạ. Chắc giờ này quan quân không còn bao vây các cơ sở của chúng ta. Gia đình các vị hẳn cũng được thảnh thơi.

Từ trước đến nay, Lê Đức giữ nhiệm vụ thiết kế, tổ chức của Hồng-thiết giáo. Y lên tiếng:

Trình giáo chủ. Khi Nhật-Hồ lão nhân tổ chức đại hội hồ Động-đình thành lập bản giáo có một trăm hào kiệt theo. Người phong cho bẩy vị làm Tả, Hữu hộ pháp, ngũ Sứ. Tả, Hữu hộ pháp cùng ngũ Sứ mỗi vị phụ trách tổ chức giáo tại một vùng. Bẩy vùng là Quế-lâm, Nam-hải, Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la. Bảy mươi hào kiệt được phong trưởng lão của bẩy vùng. Mỗi vùng mười vị. Còn lại hai mươi ba vị thuộc hộ đồng giáo vụ trung ương. Sau dần dần tuẫn giáo, người mới cử anh em chúng tôi vào thay thế. Cho đến nay chỉ còn mười người. Vì vậy bản giáo có cơ sở khắp Quế-lâm, Nam-hải, Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la càng mạnh hơn. Theo chủ trương của triều đình, không nên gây hấn với các nước lân bang. Như vậy những tổ chức ấy giữ nguyên hay giải tán?

Thiệu-Thái đưa mắt nhìn Thanh-Mai, Bảo-Hòa hỏi ý kiến. Bảo-Hòa suy nghĩ một lúc, rồi đứng dậy nói:

- Lạc-Long giáo của chúng ta không phải tổ chức chính sự, triều đình. Đạo Phật từ Tây-trúc vào Lĩnh-Nam, Trung-nguyên được. Lạc-Long giáo cũng có thể truyền đi khắp nơi. Lạc-Long giáo thờ các vua Phục-Hy, Thần-Nông, Kinh-Dương, Lạc-Long cùng các anh hùng của tộc Việt. Tôn chỉ chính lấy hiếu, nghĩa, làm căn bản. Lạc-long giáo cần phải truyền bá rộng rãi. Có điều mỗi nơi, tùy hoàn cảnh địa phương, có thay đổi chút ít.

Nàng ngừng lại một lúc, tiếp:

- Huống hồ khi xưa Quốc-tổ, Quốc-mẫu sinh trăm con, trao cho mỗi con khai hoang, qui dân lập quốc một vùng. Trải qua mấy nghìn năm, nay phân ra làm sáu nước cùng vùng Lưỡng-quảng. Tuy tiếng nói khác nhau, nhưng phong tục tương đồng. Tất cả đều thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Các nước thuộc tộc Việt hiện chưa xâu xé nhau, nhưng người Tống lúc nào cũng tìm đủ cách xúi dục chúng ta tương tàn, hầu lực yếu đi, họ mang quân sang chiếm. Giữa sáu nước, chỉ Lạc-long giáo có thể làm điểm qui tụ tinh thần đoàn kết cùng hoà giải xung đột. Vậy không những ta phải giữ nguyên, mà cần phát triển thêm ra.

Thiệu-Thái hỏi:

- Bản nhân muốn biết danh tính của Tã, Hữu hộ pháp, cùng ngũ Sứ. Hành trạng của các vị ấy ra sao?

Lê Đức đáp:

- Tả hộ pháp là Đào Tường-Phúc. Hữu hộ giáo là Chu Bội-Sơn. Đào tả hộ pháp xuất thân phái Cửu-chân. Chu hữu hộ pháp xuất thân phái Khúc-giang. Cả hai vị võ công không thua gì Nhật-Hồ lão nhân. Còn ngũ sứ gồm Nguyễn San, Bun Thành, Nguyễn Thúy-Minh, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản. Cả bẩy vị đều là sư đệ của Nhật-Hồ lão nhân, nên luyện thành Hồng-thiết tâm kinh. Đào làm giáo chủ vùng Quảng-Tây, Đàm-châu, Quế-châu. Chu làm giáo chủ vùng Ngô-Việt, Quảng-Đông. Còn lại Sử trấn Lão-qua, Bun trấn Xiêm, Khiếu trấn Chân. Nguyễn San trấn Chiêm đã qua đời. Nguyễn Thúy-Minh trấn Đại-lý, hiện mất tin tức.

Đặng Trường hỏi:

- Thưa giáo chủ. Hiện bản giáo có mấy vấn đề cần giải quyết. Vấn đề thứ nhất, tối quan trọng. Mai này có cuộc thí võ của triều đình, chọn người làm tướng. Vấn đề thứ nhì, cứ như lời Triệu Thành, năm tới đây Tống mở võ đài ở Biện-kinh. Không biết bản giáo đối với việc này ra sao? Vấn đề thứ ba cũng không kém quan trọng. Hiện nay anh hùng thiên hạ đang hăm hở tìm kho tàng Tần-Hán cùng Âu-Việt. Bản giáo có tham dự không?

Thiệu-Thái tuy được vua Bà Bắc-biên huấn luyện thuật lãnh đạo từ nhỏ. Nhưng chàng bị đặt vào ngôi giáo chủ trong tình trạng ngoài sự dự liệu. Bây giờ phải giải quyết ba vấn đề trọng đại, chưa dám đưa ra đường lối hành động. Chàng hỏi ngược lại:

- Xin các vị cho biết ý kiến.

Chàng nhấn mạnh:

- Đầu tiên bàn việc tuyển võ của Đại-Việt đã. Trước đây trưởng lão Hoàng Văn cho bốn đệ tử dự tuyển. Trưởng lão Hoàng Liên bốn. Trưởng lão Đỗ Xích-Thập hai. Như vậy chúng ta có tới mười người ứng thí. Không biết bản lĩnh anh em đó thế nào? Hơn năm trước, trong âm mưu trường kỳ mai phục, Triệu Thành lệnh khiến chân tay của y như Nguyên-Hạnh, Hoàng Văn, Hoàng Liên, Đỗ Xích-Thập cho đệ tử dự thi võ của triều đình. Nếu trúng tuyển, các đệ tử ấy đương nhiên trở thành tướng cầm quân. Khi Tống đem binh qua, những tướng ấy sẽ làm nội ứng. Việc họ bàn với nhau ở Cổ-loa, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh nghe được. Bây giờ Thiệu-Thái hỏi đến. Bọn Hoàng Văn, Xích-Thập vừa kinh ngạc, vừa thẹn thùng.

Mỹ-Linh biết thế, nàng đỡ cho chúng:

- Trước kia, các đệ tử thuộc Hồng-thiết giáo, một loại tà ma ngoại đạo. Còn bây giờ, họ đương nhiên thành đệ tử Lạc-long giáo, một tôn giáo chính đạo nhất Đại-Việt. Tôi mong đệ tử của các vị sẽ đạt được kết quả. Dù không trúng cách, tôi cũng đề bạt họ vào những chức vụ xứng đáng.

Thiệu-Thái tiếp lời Mỹ-Linh:

- Mai đã là ngày thi tuyển rồi. Vậy đêm nay Mỹ-Linh chỉ điểm cho bốn đệ tử của cố trưởng lão Hoàng Liên. Bảo-Hòa phụ trách hai đệ tử của Đỗ trưởng lão. Còn bốn đệ tử của Hoàng Văn trưởng lão, xin...mợ hai giúp dùm. À quên, tối nay mợ hai bận. Thôi được bản nhân sẽ làm việc đó.

Thiệu-Thái vốn chậm chạp, khi truyền lệnh cho Mỹ-Linh, Bảo-Hoà chàng dám. Nay phải truyền lệnh cho Thanh-Mai, chàng không biết nói gọi nàng như thế nào cho đúng. Trong đầu óc chàng loé lên tia sáng: Thanh-Mai sắp thành vương phi Khai-Quốc vương, chàng phải gọi nàng bằng mợ. Vì vậy chàng tuôn ra tiếng mợ hai.

Thanh-Mai biết rằng, tối hôm nay Thuận-Thiên hoàng-đế cùng ba vị Hoàng-hậu đãi yến Thiên-trường ngũ kiệt ở điện Long-thụy. Trong thiếp nói rõ ngoài Thiên-trường ngũ kiệt, Thuận-Thiên cửu hùng ra, không có ai khác. Thanh-Mai hiểu rằng Hoàng-đế muốn đưa lời chính thức cầu hôn cho Khai-Quốc vương. Tuy biết vậy, nghe Thiệu-Thái gọi bằng mợ, nàng vẫn ngượng.

Thanh-Mai đánh trống lảng:

- Bây giờ tới vấn đề võ đài Biện-kinh.

Đào Nhất-Bách truyền giáo ở biên giới lâu ngày. Y hiểu biết tình hình bên Tống. Y phát biểu:

- Thưa giáo chủ cùng quý trưởng lão. Trước khi bàn về võ đài Biện-kinh. Chúng ta cần phân tích tình hình bên Tống trước đã. Sau đó nghiên cứu tình hình các nước khác. Cuối cùng, chúng ta tùy theo triều đình Đại-Việt, rồi mới có thể quyết định. Thuộc hạ thấy việc này thỉnh ý Khai-Quốc vương, hầu thống nhất hành động. Vậy chỉ còn vấn đề kho tàng mà thôi. Vấn đề kho tàng, từ trước đến giờ trưởng lão Lê Đức vẫn phụ trách. Xin tưởng lão trình bầy cùng giáo chủ.

Lê Đức đứng dậy. Y lấy ra cuốn trục bằng lụa, vẽ bản đỗ Trung-quốc, Đại-Việt, Đại-lý treo lên. Y chỉ lên trục lụa nói:

- Thưa giáo chủ, trước kia nhà Chu diệt vua Trụ, lên ngôi vua. Vua Võ vương thu được kho tàng rất lớn. Nhà Chu làm vua trải tám trăm năm, hơn nghìn chư hầu tiến cống. Kho tàng thêm giầu có, súc tích. Tần diệt Chu, cùng các chư hầu, kho tàng càng chồng chất lên. Vua Cao tổ nhà Hán đánh vào Hàm-dương, cướp lấy kho tàng đó của con trai Thủy-Hoàng, đem về Trường-an. Từ đấy kho tàng mang tên kho tàng Thủy-Hoàng. Cao tổ sai Tiêu Hà xây điện Vị-ương, dưới nền cất chôn kho tàng Thủy-Hoàng.

Thiệu-Thái hỏi:

- Tôi nghe nhà Tây-Hán làm vua trên hai trăm năm, thôn tính hàng chục nước nhỏ, cướp tài vật của người ta đem về. Lại nữa, các chư hầu tiến cống. Tích sản ấy đâu có nhỏ? Vậy ngoài kho tàng Tần Thủy-Hoàng, ắt còn kho tàng Tây-Hán. Kho tàng ấy sau đi đâu?

Từ lúc được Thiệu-Thái cứu trị Chu-sa độc chưởng, tuy bề ngoài Lê Đức tôn phục vị tân giáo chủ trẻ tuổi. Nhưng trong lòng, y vẫn coi chàng như trẻ con. Bây giờ thấy chàng đặt câu hỏi, tỏ ra mẫn tiệp vô cùng. Trên gương mặt y hiện ra nét kính phục. Y có biết đâu, truyện kho tàng Trung-quốc thời Tần-Hán, chàng đã được Khai-Quốc vương thuật cho nghe nhiều lần. Tuy chàng ít chú ý. Nhưng cũng biết lờ mờ, không đến nỗi mù tịt.

Lê Đức cung kính tiếp:

- Giáo chủ thực minh mẫn. Tây-Hán trải hai trăm năm, được các chư hầu tiến cống, cũng như ăn cướp của các nước nhỏ. Họ cất giữ thành một kho tàng nữa. Kho tàng này mang tên Tây-Hán. Sau hơn hai trăm năm cai trị, kho tàng ấy nhiều vô kể. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Y biết mình không đức, khó tranh giữ giang sơn lâu dài. Y đem châu báu của nhà Tây-Hán cùng đào kho tàng ở nền điện Vị-ương lên, rồi đem chôn cất một nơi bí mật. Thành ra kho tàng này mang tên kho tàng Tần-Hán.

Mỹ-Linh đã biết rất tường tận vụ này. Tuy vậy nàng muốn thử xem Lê Đức có thực tình với Lạc-long giáo không, nàng hỏi:

- Giai đoạn ấy tôi cũng nghe qua. Lúc Phan Sùng tức Xích-Mi giúp Cảnh-Thủy hoàng đế đánh Vương Mãng. Y tiến vào Trường-an. Thấy kho tàng Tần-Hán lớn quá. Y nảy ra tham tâm, sai thủ hạ đem chôn ở vùng hồ Động-đình. Sau khi chôn, y cho giết hết bọn quân lính để bảo mật. Cuối cùng dường như kho tàng Tần-Hán lọt vào tay vua Trưng?

Lê Đức gật đầu:

- Lời công chúa tuyên phán rất đúng. Vua Quang-Vũ nhà Hán được anh hùng giúp sức trung hưng đại nghiệp. Nghiêm-Sơn, Đặng Vũ đem quân tiến đánh Trường-sa. Xích Mi bại. Trước khi xuất trận lần cuối, y gọi một tỳ nữ, mà bình sinh y rất sủng ái đến trao cho bản đồ nơi cất kho tàng cùng Ngọc-tỷ truyền quốc. Y đâu ngờ tỳ nữ đó chính là liệt nữ Lĩnh-Nam Trần Thiếu-Lan. Lúc Trưng Nhị, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Trần Năng đem quân đánh Trường-sa. Trần Thiếu-Lan trao bản đồ nơi cất kho tàng Tần-Hán cho Trưng Nhị. Các anh hùng thời ấy mở bản đồ ra. Thì ôi thôi bên trong chỉ đầy chữ số với một ít địa danh, chứ không có bản đồ. Công chúa có biết về sau ra sao không?

Mỹ-Linh mỉm cười:

- Tên Xích-My rất khôn ngoan. Y khắc bản đồ nơi cất kho tàng vào tấm đồng, rồi cắt ra thành mười sáu thẻ. Y lại đúc hai con gấu bằng đồng đen rỗng bụng. Trong bụng mỗi con, y bỏ vào tám thẻ đồng, rồi trao cho hai con trai, mỗi người một con gấu, để sau này hai anh em phải hợp nhau lại mới có thể tìm ra nơi cất báu vật. Như vậy vẫn chưa cho rằng đủ. Y sợ sau này lỡ hai con gấu đó lạc vào tay người khác thì sao? Cho nên trên bản đồ y ghi chú địa danh bằng chữ số. Như một y ghi vào chỗ Tương-giang, hai y ghi vào chỗ Trường-sa. Song tuy trao gấu cho hai con, mà y chưa trao cho mật số đó.

Nàng ngừng lại nhìn Lê-Đức, rồi tiếp:

- Lúc biết mình sắp gặp nguy. Y chép tất cả những chữ số, tương quan với địa danh trao cho liệt nữ Thiếu-Lan. Bà Thiếu-Lan trao cho Trưng-Nhị. Nhưng trong khi đó hai con gấu cất tám thẻ đồng bản đồ lọt vào tay Thiên-ưng lục tướng. Trưng Nhị, Thiên-ưng lục tướng họp với nhau, tìm ra nơi cất kho tàng chính là một căn nhà hầm dưới đáy hồ Động-đình. Đường hầm vào đáy hồ nằm trên một cù lao. Tôi chỉ biết đến đây. Lê trưởng lão chắc biết nhiều hơn.

Hồi còn thơ, Mỹ-Linh đã nghe phụ vương nói nhiều về kho tàng Tần-Hán, song nàng không mấy chú ý. Lúc về phủ Khai-Quốc vương, hàng ngày nàng được dọc những phúc trình của các nơi gửi về Khu-mật viện, nên nàng biết rất rõ chi tiết.

Đại để thiên hạ có hai kho tàng lớn. Một mang tên Âu-Việt, một mang tên Tần-Hán. Khi nghe Lê Đức trình bày về kho tàng Tần-Hán, nàng thuận miệng nói ra hết những gì mình biết về nguồn gốc kho tàng Tần-Hán đã thuật ở trên.

Còn kho tàng Âu-Việt, có liên hệ rất nhiều đến lịch sử Đại-Việt. Truyền sử nói rằng Quốc-tổ, Quốc-mẫu cho trăm hoàng tử đi qui dân lập ấp. Mỗi năm các hoàng tử về chầu một lần. Tục lệ định rằng, các hoàng tử phải mang những gì trân quý nhất dâng phụ hoàng. Quốc-tổ truyền cất bảo vật vào kho tàng. Trải suốt hơn hai nghìn năm triều đại Hồng-Bàng, các lạc hầu, lạc tướng dâng lên vua không biết bao nhiêu vàng ngọc châu báu mà kể. Kho tàng mang tên Văn-lang.

Đến đời vua Hùng thứ tám mươi tám, vì vua hôn ám, rượu chè quá độ. Anh hùng các nơi tôn một lạc hầu tên Thục-Phán lên làm thủ lĩnh, diệt vua Hùng, thành lập triều đại Âu-lạc. Trong trận chiến cuồi cùng. Phò mã Sơn-Tinh tuy võ công vô địch, nhưng chỉ giữ kinh đô được hai tháng. Biết rằng kinh đô trước sau cũng thất thủ. Phò mã Sơn-Tinh cho chở kho tàng Văn-lang đem lên vùng Tản-Viên cất dấu. Tương truyền kho tàng ấy phải chở đến mười xe ngựa mới hết.

Khi đoàn xe chở kho tàng sắp tới núi Tản-Viên, Sơn-Tinh gặp đạo quân phục kích của Vạn-tín hầu Lý Thân. Lý Thân với Sơn-Tinh đấu với nhau trong suốt ba ngày bất phân thắng bại. Sau Lý Thân thấy không thể thắng nổi Phục-ngưu thần chưởng. Ông nhân Phục-ngưu thần chưởng, chế ra chưởng pháp âm nhu khắc chế với dương cương. Vì vậy Sơn-Tinh bị bại, bỏ chạy lên núi Tản-Viên. Lý Thân cướp được kho tàng Văn-lang.

Lý Thân đem kho tàng chôn ở một nơi rất bí mật. Sau đó con cháu Lý Thân lập ra phái Long-biên. Người chưởng môn phái Long-biên luôn giữ bí mật về nơi chôn cất kho tàng Văn-lang.

Vua An-Dương cai trị Âu-lạc tuy không lâu, nhưng các lạc hầu, lạc tướng dâng hiến không thiếu gì vàng bạc, châu báu. Ngài cất ở thành Cổ-loa. Trong thời Âu-lạc, bên Trung-quốc trải qua thời kỳ thất quốc tranh hùng. Nhà Tần diệt sáu nước, thống nhất Trung-nguyên. Mỗi khi một nước bị diệt, con cháu vua chúa, đại thần sợ bị giết. Họ mang theo bảo vật, trốn xuống Âu-lạc xin kiều ngụ. Những bảo vật đó, họ dâng cho vua An-Dương. Hoặc bán đi làm kế sinh nhai. Các lạc hầu, lạc tướng mua, dâng cho vua. Vua An-Dương có kho tàng Âu-lạc vĩ đại, chôn dấu vào cùng nơi với kho tàng Văn-lang, gọi chung bằng danh tự kho tàng Âu-lạc.

Triệu Đà chiếm Âu-lạc, kho tàng ấy thuộc về y. Họ Triệu đem kho tàng Âu-lạc cất về Phiên-ngung. Họ Triệu cai trị nước Nam-Việt một thời gian dài, lại thu được không biết bao nhiêu của quý, thành kho tàng Nam-Việt. Họ Triệu cất kho tàng Nam-Việt vào cùng nơi kho tàng Âu-lạc, gọi bằng tên kho tàng Âu-Việt. Khi Lữ Gia giết Cù-Thị, Thiếu-Quý. Vua Hán sai bọn Lỗ Bác-Đức đem quân chiếm Nam-Việt. Kho Âu-Việt ấy lọt vào tay Trường-sa vương nhà Hán. Hồi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, Thiên-sơn thất hùng nổi lên tranh thiên hạ. Công-tôn Thiệu đem quân đánh Trường-sa. Thiệu đem chở về cất ở thành Bạch-đế.

Thời Lĩnh-Nam, Trưng Nhi, Phật Nguyệt, Trần Năng, Hồ Đề đem quân trợ Hán đánh Thục, chiếm Xuyên-khẩu. Đại tư mã Hán Đặng Vũ hứa rằng ai vào Bạch-đế đầu tiên, sẽ thưởng cho kho tàng Âu-Việt trong tay Công-tôn Thiệu. Trận đánh sau đó, Thiên-ưng lục tướng lọt vào Bạch-đế đầu tiên, bắt sống Công-tôn Thiệu. Đặng Vũ giữ lời hứa tặng kho tàng ấy cho Lục-tướng. Hồ Đề sai em là Hồ Hác chở về Tản-viên chôn cất. Nơi chôn cất chỉ có Hồ Đề, Hồ Hác, Trưng Nhị, Nguyễn Phương-Dung biết.

Sau khi vua Trưng tuẫn quốc, Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng Vương-phi Phương-Dung trấn thủ Long-biên. Lúc biết thế nước suy vi, không giữ nổi thành nữa, vương cùng Vương-phi bàn nhau giao con cùng bộ Lĩnh-Nam vũ kinh cho vợ chồng sư đệ Sún-Rỗ. Vương phi ghé tai Sún Rỗ nói cho biết nơi chôn cất kho tàng Âu-Việt.

Sún-Rỗ, Sa-Giang khắc bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng-binh yếu chỉ vào hầm đá dưới đền thờ Nhâm Diệm, Tích Quang. Cả hai đã di chúc cho con cháu mình, cùng con của Bắc-bình vương là Đào Tử-Khâm, Đào Tường-Qui. Trong giòng dõi họ Đào đều giữ bí mật về hầm đá. Nhưng đến đời thứ mười tám, người trưởng tộc chết bất đắc kỳ tử, thành ra bí mật hầm đá trở thành tuyệt tích.

Suốt nghìn năm qua, võ lâm Lĩnh-Nam cho rằng bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng-binh yếu chỉ cùng kho tàng Âu-Việt chỉ là huyền thoại. Cho đến hôm Mỹ-Linh, Bảo-Hoà, Thanh-Mai lọt vào hầm đá. Mỹ-Linh học thuộc hết các bia. Nhưng nàng tuyệt không thấy ghi chép nơi chôn cất kho tàng Âu-Việt kia.

Tại đại hội võ lâm ở Lộc-hà. Sư thái Tịnh-Tuệ truyền chức chưởng môn cho Mỹ-Linh, trao tay nàng một cuốn sách dày. Bà thuật cho nàng biết rằng sách chép ba phần khác nhau. Phần thứ nhất tiểu sử các vị chưởng môn tiền nhiệm. Phần thứ nhì ghi chú tất cả bí quyết võ công. Phần thứ ba chép về bí mật kho tàng thời Tần-Hán, Âu-Việt. Cả ba phần đều chép bằng thuật ngữ đặc biệt, gồm tới ba trăm tiếng. Bà đọc vào tai nàng bài quyết, giải thích những thuật ngữ đó.

Đúng ra Mỹ-Linh nói rõ thêm những điều nàng biết về hai kho tàng trên. Nhưng nàng tự nghĩ:

- Mấy ông trưởng lão Hồng-thiết này xảo quyệt vô cùng. Mình không nên nói hết, để xem họ trình bầy có đúng như bí mật mình có không?

Nàng hỏi:

- Đấy, những điều tôi nghe Vương mẫu thuật về kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt giống như truyện cổ tích. Không ngờ lại là sự thực. Hồng-thiết giáo đã nhiều năm sưu tầm, hẳn trưởng lão tìm ra được nơi cất hai kho tàng đó.

Lê Đức thấy Mỹ-Linh ngây thơ, y tưởng thực. Y tiếp:

- Vua Trưng thành đại nghiệp, ngài sai công chúa Yên-Lãng Trần Năng lên đào kho tàng Tần-Hán mang về Giao-chỉ. Khi đoàn chuyên chở đến Khúc-giang thì gặp đoàn cao thủ của Mã thái hậu đánh cướp. Công chúa Yên-Lãng vội sai chôn vào một hang núi, rồi lấp cửa hang lại. Nay kho tàng ấy ở trong vùng Quảng-Đông. Vì vậy thuộc hạ tổ chức giáo chúng ở đây rất chặt. Anh em đã bới từng hốc đá, từng gốc cây, cuối cùng đã tìm ra manh mối, chỉ còn chờ lệnh giáo chủ, sẽ cho khai quật.

Mỹ-Linh thấy Lê Đức có đôi chút thực thà. Nàng hỏi:

- Dường như truyện kho tàng Tần-Hán chôn tại Khúc-giang ai cũng biết. Tại sao mấy nghìn năm nay, người ta phải chờ đúng ngày rằm, giờ Tý, tháng mười một, năm Đinh-Mão mới đổ xô nhau tìm kiếm? Có gì lạ không?

Lê Đức trả lời bằng cái lắc đầu:

- Thuộc hạ phụ trách vụ này trên năm mươi năm qua, nghĩ đến nát óc mà không ra. Chỉ biết truyền thuyết nói: Cứ sáu mươi năm, tức một hoa giáp, nhằm ngày rằm, giờ Tý, tháng mười một, năm Đinh-Mão, cửa hang chôn cất mới mở ra một lần mà thôi. Nếu năm nay, không ai tìm ra, phải sáu mươi năm nữa mới trở lại tìm được.

Y ngừng lại một lúc, rồi đưa mắt nhìn Bảo-Hòa, Mỹ-Linh:

- Kho tàng Âu-Việt hiện chôn trên núi Tản-viên. Nhưng núi Tản lớn như thế, biết đâu mà tìm. Từ xưa đến giờ, phái Tản-viên, Mê-linh cùng giữ bí mật nơi chôn cất. Nếu hai phái hợp lại với nhau thì tìm ra. Song hai chưởng môn chưa bao giờ đồng ý về việc: Đào lên, ai sẽ được hưởng. Vì vậy kho tàng vẫn nằm trong lòng núi. Nay công chúa Bình-Dương lĩnh chưởng môn phái Mê-linh. Quận chúa Bảo-Hòa lĩnh chưởng môn phái Tản-viên vốn cùng huyết tộc. Xin hai vị mau hợp nhau, đào lên.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Kho tàng Âu-Việt không phải của phái Mê-linh hay Tản-viên, mà thuộc về con dân tộc Việt. Tôi nghĩ chỉ đại hội võ lâm mới có quyền quyết định mà thôi.

Thiệu-Thái đưa mắt hỏi Thanh-Mai:

- Quảng-Đông vốn thuộc đất cũ của tộc Việt. Chúng ta cần tìm kho tàng Tần-Hán đào lên đem về bán đi, hầu kiến thiết Đại-Việt. Xin mợ cho biết chúng ta phải làm gì?

Thanh-Mai suy nghĩ một lúc rồi tiếp:

- Việc này triều đình Đại-Việt không thể dính vào. Chúng ta lấy cớ đi hành hương đền thờ công chúa Thánh-Thiên, Gia-Hưng ở Quảng-Đông, rồi nhân đó tìm kho tàng, mới không bị lộ. Tôi nghĩ giáo chủ nên đích thân cầm đầu. Tôi với Bảo-Hòa lĩnh chức tả, hữu hộ pháp đương nhiên phải tháp tùng. Ta mời thêm người của Khu-mật viện, của năm đại môn phái phái Mê-linh, Đông-a, Sài-sơn, Tiêu-sơn, làm như toàn thể võ lâm Lĩnh-Nam đi hành hương. Còn bản giáo ai đi, ai ở xin giáo chủ định liệu.

Thiệu-Thái gật đầu:

- Vậy thế này. Bản giáo mới cải tổ toàn diện. Các vị trưởng lão cao niên nên đi thăm, tổ chức lại cơ sở ở các trấn, các huyện, ban bố đường lối mới đến giáo chúng. Trưởng lão Đặng Trường đi vùng Thiên-trường, Trường-yên, Thăng-long. Trưởng lão Hoàng Văn phụ trách giáo chúng bên Xiêm-la, Lão-qua, Chân-lạp, Chiêm-thành. Trưởng lão Xích-Thập đi vùng Bắc Thăng-long tới biên giới Trung-quốc. Trưởng lão Ngô Bách-Vân đến vùng Thanh-hoá, Nghệ-an. Trưởng lão Đào Nhị-Bách phụ trách vùng Đại-lý. Trưởng-lão Đào Tam-Bách phụ trách vùng Quảng-Tây. Còn trưởng lão Lê Đức, Đào Nhất-Bách tháp tùng bản nhân.

Một giáo chúng vào kính cẩn hành lễ với Mỹ-Linh:

- Khải tấu Công-chúa. Có chỉ dụ của Khai-Thiên vương gửi cho Công-chúa.

Y trình ra phong thư. Mỹ-Linh sửa y phục ngay ngắn, cung kính xé bao thư ra đọc. Liếc qua, nàng bỏ thư vào túi, nói với Thiệu-Thái:

- Phụ vương gọi em về khẩn cấp có truyện riêng. Trong thư người nói chỉ mình em về, không muốn cho bất cứ ai theo.

Mỹ-Linh lên ngựa hướng thành Thăng-long. Ngựa phi như gió, lát sau, nàng đã về tới vương phủ. Viên thị vệ canh cổng thấy nàng, cúi rạp người xuống hành lễ. Gặp thị nữ hầu hạ nàng hồi nhỏ, nét mặt tỏ ra lo âu. Nàng hỏi:

- Phụ vương hiện ở đâu?

- Tâu Công-chúa, Vương-gia ở thư phòng. Công chúa về mau, nhà có sự.

- Cái gì đã xẩy ra?

- Vương-phi bỏ đi mất từ sáng đến giờ.

Nghe tin dữ, Mỹ-Linh gia tăng cước lực. Bước vào thư phòng, thấy nét mặt phụ vương đăm chiêu ủ rũ. Nàng cúi đầu hành đại lễ. Khai-Thiên vương chỉ ghế:

- Con ngồi đó!

Mỹ-Linh ngồi xuống. Không khí trong phòng thực lạnh lẽo. Một lúc sau Vương mới ngửng lên nhìn con:

- Vương mẫu con bị Hồng-thiết giáo đánh Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng đau đớn, rồi mê đi. Ta tưởng chết, đem chôn. Nào ngờ chúng giam Vương-mẫu con lại mưu đồ hại ta. Hôm rồi con với Thiệu-Thái cứu Vương-mẫu đem về. Đúng lý ra ta cật vấn để hiểu rõ ngọn ngành. Nhưng chú hai bảo rằng Vương-mẫu trải qua mấy năm bị giam cầm, tinh thần thất thường. Người yêu cầu ta không nên nhắc tới việc này. Vì vậy ta không hỏi đến. Mặc dầu trong lòng ta đầy nghi vấn.

Vương móc trong bọc ra tờ giấy:

- Hôm đại hội, ta mới biết vợ Trần Tự-An, Lê Long-Mang và Vương-phi Đông-Chinh vương bị Hồng-thiết giáo bắt giam dưới hầm dùng làm cây thuốc. Vì vậy Chu Vân-Nga, Cao Huyền-Nga, Vũ Thiếu-Nhung chưa muốn tự tử, chẳng qua họ chờ dịp trả thù. Chu Vân-Nga, Cao Huyền-Nga, Vũ Thiếu-Nhung nhân lúc chúng đấu nội lực, lên đài nói lời dâm đãng để hại chúng, dù biết rằng sẽ bị chúng giết. Ngay khi đó ta đoán Vương-mẫu con cũng như Vũ Thiếu-Nhung ắt cùng một hoàn cảnh. Có đúng thế không?

Mỹ-Linh khẽ gật đầu. Khai-Thiên vương lầm lì:

- Vân-Nga, Huyền-Nga tìm cách trả thù, rồi chết để tạ lòng chồng, chứng tỏ họ bị cưỡng ép, nhưng không tự tử để bảo toàn danh tiết. Nay tìm cái chết hầu tự xử tội mình. Như vậy mới phải đạo lý. Vũ Thiếu-Nhung tự tử để đền tội.

Vương thở dài:

- Sau đại hội trở về, ta cật vấn Vương-mẫu. Người chỉ khóc. Đêm qua người bỏ đi mất, để lại cho ta mấy lời tạ từ rất tối nghĩa. Con đọc để biết.

Mỹ-Linh cầm tờ giấy đọc:

Vương gia.

Thiếp được vương gia cực kỳ sủng ái, có với nhau bốn mặt con. Chẳng may số kiếp thiếp chẳng ra gì, mới xẩy ra vụ Hoàng Văn đánh thiếp một Chu-sa độc chưởng, rồi đem giam xuống hầm.

Nghĩ mình ô uế, không còn muốn sống nữa. Tuy nhiên tình mẫu tử khó dứt. Thiếp theo Mỹ-Linh về nhìn các con lần cuối rồi ra đi. Dù phụ hoàng đã ban chỉ ân xá, thiếp quyết tìm bọn Hồng-thiết trả thù. Trả được rồi thiếp sẽ tự xử. Trả không được, thiếp bị chúng giết, coi như thiếp đền tội.

Khóc hết nước mắt, mong Vương-gia bảo trọng.

Triệu Liên-Hương.

Khai-Thiên vương tiếp tờ giấy hỏi:

- Con phải kể hết sự thực cho ta nghe về việc này.

Mỹ-Linh biết không đừng được. Nàng thuật lại diễn tiến những gì thấy ở nhà Hoàng Văn, dưới hầm Cổ-loa, cùng tại Ngọc-thụy một lượt. Vương nghe xong đập tay xuống bàn:

- Dù ta có là Bồ-tát cũng không thể tha thứ cho tên Hoàng Văn. Vương mẫu con càng đáng trách. Khi bị chúng làm nhục, phải tự tử ngay, để bảo toàn danh tiết, chứ có đâu sống với chúng như thú vật? Ta thực không ngờ trong bẩy Vương-phi, ta sủng ái Vương-mẫu con đặc biệt. Thế mà lâm sự Vương-mẫu con lại không có chút danh tiết nào.

Mỹ-Linh quỳ xuống:

- Phụ vương! Bất cứ ai trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng cũng bị đau đớn đến chết đi sống lại. Sau bốn mươi chín ngày, kiệt lực ngất đi, rồi được cứu tỉnh, lương tri mất hết. Vì vậy không phải riêng Vương-mẫu, mà tất cả những người khác đều mơ mơ màng màng, đâu còn biết gì đến luân lý, đạo đức nữa mà tự tử? Xin phụ vương xét lại.

Vương gật đầu:

- Ta không tin như thế. Thôi được! Con thử nghĩ xem Vương-mẫu con đi đâu?

- Cứ như thư này, người đi tìm Hoàng Văn, giết y để trả thù. Với võ công của Vương-mẫu, con e không thể đến gần y, chứ đừng nói giết hắn. Xin phụ vương cho con đi tìm người ngay, để tránh nguy hiểm.

Khai-Thiên vương hỏi:

- Thiệu-Thái đâu rồi? Ta không ngờ ta đẻ ra con. Mà con cùng Thiệu-Thái, Bảo-Hòa kết đảng với chú hai, dành ngôi trừ quân của ta. Con thử nghĩ xem, mai này phụ hoàng băng hà. Chú hai đương nhiên làm Vua. Ta là anh, mà phải cúi đầu quỳ lạy xưng thần, thực nhục biết bao?

Mỹ-Linh biết trong lòng phụ-vương đang cực kỳ phẫn hận. Nàng muốn phân trần rằng chú hai đâu có tranh dành ngôi Vua? Chẳng qua hoàn cảnh đưa đến mà thôi. Nhưng nàng biết mình càng phân trần, e phụ vương càng nổi lôi đình. Vì vậy nàng cúi đầu im lặng.

Vương vỗ hai tay vào nhau:

- Kể từ nay, ta cấm chỉ con gần thằng Thiệu-Thái. Nếu trái lời, ta chém đầu cả hai đứa. Thôi, con hãy đi tìm Vương-mẫu cho mau. Dù thấy, dù không, chiều nay cũng phải về đây. Thôi con ra!

Mỹ-Linh cúi lạy, rồi ra ngoài. Lòng nàng se lại. Nào truyện Vương-mẫu, nào truyện duyên tình. Gặp hai em Kim-Thành, Trường-Ninh đang chơi với Nhật-Tôn. Nhật-Tôn thấy Mỹ-Linh , nó chạy lại ôm lấy nàng, rồi oà lên khóc:

- Chị Mỹ-Linh! Mẹ đâu rồi? Mẹ lại chết nữa rồi phải không?

Mỹ-Linh bế bổng em lên. Nàng xoa đầu nó:

- Không, mẹ không chết đâu. Lát mẹ sẽ về với em.

Nhật-Tôn nín ngay. Nhưng nó vẫn ôm lấy cổ Mỹ-Linh:

- Chị Mỹ-Linh! Chị đừng bỏ em nghe. Em sợ lắm. Em muốn ở cạnh chị.

Mỹ-Linh thấy Nhật-Tôn có linh tính, cảm biết trước một sự việc không lành. Nàng vẫy Kim-Thành, Trường-Ninh vào khuê phòng, đóng cửa lại, rồi hỏi:

- Chị thực đoảng. Là con lớn nhất trong nhà, mà không thường trực ở vương phủ. Tình hình mấy hôm nay ra sao?

Kim-Thành kể:

- Sau đêm chị đánh bại Hoàng Văn, rồi Vương mẫu sống lại, các bà Phi đổi hẳn thái độ với chúng em. Mọi khi Đinh-phi gây sự với bọn em không ngừng, bây giờ bà ấy ngọt với em như mía lùi. Mai-phi, Vương-phi mọi khi hay gây sự với Đinh-phi, bây giờ trầm ngâm cả ngày không nói.

- Còn chị em Hồng-Phúc?

- Bọn chúng sợ chúng em như sợ cọp. Nhưng chỉ được mấy ngày. Hôm qua nó đổi hẳn thái độ, hỗn láo với chúng em. Nó theo sát Vương-mẫu như bóng với hình. Tối đến, nó vào phòng Vương-mẫu, đóng cửa lại, rồi hai người nói với nhau truyện gì không rõ. Đến gần nửa đêm nó mới ra.

Trường-Ninh tiếp:

- Sau đó bọn em xin vào thăm Vương-mẫu, người khóc, bảo rằng không được khỏe. Sáng nay, khám phá ra vụ Vương-mẫu bỏ đi, để thư lại cho phụ vương.

Kim-Thành hỏi Mỹ-Linh:

- Chị thử nghĩ xem, có thể nào Hồng-Phúc liên quan đến vụ ra đi của Vương-mẫu không?

- Chị ngờ rằng có!

Mỹ-Linh chú ý thấy ngoài cửa sổ có người núp nghe trộm. Vì y quy tức, nên hơi thở như tơ. Tuy vậy nàng cũng nhận ra. Thình lình nàng lên tiếng:

- Chị em chúng tôi đang nói truyện riêng. Người là ai, mà lại núp nghe trộm?

Nói rồi nàng cầm cái nghiên mực trước mặt liệng ra cửa sổ. Nàng vận dương kình. Cái nghiên mực kêu rít lên, hướng vào một người mặc theo lối nông dân, đầu trùm khăn kín, chỉ để hở đôi mắt sáng như sao.

Người này thấy bị lộ hình tích, vùng bỏ chạy. Nhưng cái nghiên đã bay tới lưng y. Y vọt người lên cao tránh khỏi. Cái nghiên trúng vào con lân bằng đá trong vườn hoa. Bốp một tiếng, đầu con lân vỡ tan ra cùng với cái nghiên.

Mỹ-Linh vọt người theo. Nàng dùng một thức cầm long công của phái Tiêu-sơn chụp vai người kia. Người kia trầm người xuống tránh khỏi. Tay y vung chưởng phản công. Chưởng phong của y cực kỳ trầm trọng. Mỹ-Linh gạt tay đỡ. Nàng nhận ra chiêu Thiên-vương chưởng của phái Sài-sơn tên gọi Lôi đả Ân-tặc. Bộp một tiếng, nàng cảm thấy cánh tay tê rần, vội nhảy lùi một bước. Trong khi người kia cũng lùi lại, đứng nhìn nàng.

Qua một chiêu, Mỹ-Linh nhận thấy võ công đối phương rất cao thâm. Có lẽ ngang với Đại-Việt ngũ long, hơn bọn trưởng lão của Hồng-thiết giáo nhiều. Nàng nghĩ rất nhanh:

- Với võ công người này, thực tìm lai lịch cũng không khó.

Nàng tỏ vẻ khách khí:

- Tôn giá là ai? Giá lâm vương-phủ có việc gì? Cứ như thân thủ cùng bản lĩnh tôn giá thực hiếm có trên đời. Xin tôn giá bỏ khăn che mặt ra được không?

Người ấy không nói, không rằng, vẫy tay cho Trường-Ninh, Kim-Thành lùi lại, rồi thủ thế như muốn phát chiêu. Mỹ-Linh mỉm cười:

- Tôn giá muốn khảo nghiệm võ công ta ư? Được! Xin mời.

Người ấy không nhân nhượng phát chưởng tấn công Mỹ-Linh. Mỹ-Linh lùi một bước, vận Vô-ngã tướng Thiền-công, phát chiêu Tiêu-sơn tượng đầu chưởng. Bình một tiếng lớn. Mỹ-Linh bật lui liền hai bước. Người kia cũng lùi lại, phát ra tiếng kêu:

- Ái chà!

Qua một chiêu, Mỹ-Linh thấy nội lực của người ấy rất ảo diệu. Một phần hơi giống Đông-a, một phần hơi giống Tiêu-sơn, lại có một phần giống Cửu-chân. Nàng vẫy tay:

- Thôi, một chiêu, biết nhau như vậy cũng đủ rồi. Mời tôn giá vào chơi, chúng ta cùng đàm đạo.

Thời bấy giờ Nho-giáo tương đối đã có chỗ đứng trong xã hội, luân lý, luật pháp rất khắt khe với phụ nữ. Mỹ-Linh được phong Công-chúa, đúng ra nàng phải ở khuê phòng. Hàng ngày chỉ được tiếp xúc với cung nữ, hoặc thái giám. Vì theo Khai-Quốc vương, nàng ra ngoài, thuộc trường hợp hãn hữu. Bây giờ một thích khách lạ, mà nàng dám lên tiếng mời vào nhà chơi, thực vượt ra khỏi ý nghĩ của Kim-Thành, Trường-Ninh.

Người bịt mặt tần ngần một tý, rồi theo Mỹ-Linh vào trong nhà khách. Mỹ-Linh sai cung nữ pha trà, nàng khoan thai hỏi:

- Xin tôn giá cho biết cao danh quý tính.

Biết không đừng được, người ấy lột mũ, bỏ khăn ra. Mỹ-Linh bật lên tiếng à, người ấy là Trần Thông-Mai, anh của Thanh-Mai, Tự-Mai.

- Thì ra Trần đại-công tử. Chắc công tử biết tôi với chị Thanh-Mai cùng Tự-Mai kết huynh đệ rồi phải không? Chúng ta như con cùng nhà. Công tử giá lâm có điều chi dạy bảo? Tại sao phải núp ngoài cửa sổ?

Thông-Mai không mặc quần áo Như-Lai như hôm đại hội. Chàng mặc thường phục của nông dân. Chàng ngồi ngay ngắn lại, rồi nói:

- Hôm đại hội võ lâm, công chúa mới thấy tôi lần đầu. Nhưng tôi đã thấy công chúa nhiều lần. Tôi gặp công chúa ngay từ hôm giỗ Lệ-Hải bà vương. Từ đấy, tôi theo sát Công-chúa, cùng Thanh-Mai, Bảo-Hoà. Tất cả mọi việc Công-chúa với Thanh-Mai làm, tôi đều biết hết.

- Thế công-tử có đến Vạn-thảo sơn trang không?

- Có. Vì Công-chúa cùng Thanh-Mai đi đâu cũng bị bọn gian tế của Tống theo dõi. Khu-mật viện tuy có nhiều người, biết mọi hoạt động của bọn Triệu Thành, nhưng không ngờ đến việc chính bọn Triệu Thành lại bị bọn Tống của Lưu hậu rình rập. Chúng theo Công-chúa, đến Khu-mật viện cũng không hay. Trong khi chúng bị tôi theo dõi... Hôm nay, tôi đến đây để nói với Công-chúa một việc.

- Xin công tử dạy cho.

Thông-Mai tỏ vẻ bẽn lẽn:

- Truyện của tôi với Bảo-Hòa.

Mỹ-Linh sống gần Bảo-Hòa hơn năm qua. Nàng đã biết mối tình của bà chị họ với »tiểu hoà thượng» này. Nghe Thông-Mai nói, Mỹ-Linh mỉm cười rất tươi:

- Tiểu sư phụ. Người không làm hòa thượng nữa ư?

Bị Mỹ-Linh trêu, Thông-Mai trở nên dụt dè:

- Công-chúa hiểu cho. Phật giáo có muôn vàn pháp môn. Khi tôi xin thọ giới, đã khấn rằng: Do mẫu thân bị nghiệp quả biết bao kiếp trước. Vì vậy tôi tu cho đến khi gặp lại người. Dù đưới tuyền đài. Nay tôi gặp lại thân mẫu, nên xin trở về trần.

Kim-Thành đã nghe nói nhiều về duyên tình của nhà sư bí mật với Bảo-Hòa. Sau đại hội Lộc-hà, nhà sư bí mật hiển lộ thành Trần Thông-Mai. Nàng xen vào hỏi:

- Trần công tử này! Thế tình cảm giữa công tử với chị Bảo-Hòa nảy ra từ lúc nào? Hoa tình nở trong lòng ai trước?

- Về phía Bảo-Hòa tôi không rõ. Hồi đầu, tôi lên Bắc-biên theo dõi hành tung Lê Ba. Vì tôi nghi chính y hãm hại mẫu thân tôi. Trong khi đó, tôi bắt gặp nào Xích-Thập, nào Hoàng Văn mật nghị với bọn Tống. Trong bóng tối, tôi biết Bảo-Hòa, Thiệu-Cực cũng theo dõi họ.

Chàng ngừng lại thở dài:

- Bảo-Hòa gặp tôi, trêu ghẹo tôi đủ thứ, tôi không giận mà còn cảm thấy thích thú. Cho đến khi.... Cho đến khi Bảo-Hòa nói : Về thưa với mạ mạ hỏi tôi làm chồng. Trong lòng tôi trấn động.

Kim-Thành cười hớn hở:

- Hoa tình nở từ đó phải không?

- Đúng thế.

Kim-Thành hỏi tiếp:

- Lúc công tử cứu chị Bảo-Hòa ở Thanh-hóa. Công-tử ôm chị ấy trong tay. Thế mà chân tay không run ư?

- Run chứ. Người tôi như tê liệt vậy. Cũng từ ngày đó, Bảo-Hòa đi đâu, tôi theo sát như bóng với hình.

Mỹ-Linh không muốn em khai thác truyện thầm kín của Thông-Mai, nàng hỏi sang truyện khác:

- Duyên cớ nào, công-tử lại học trọn bộ Thiên-vương chưởng?

Thông-Mai được Mỹ-Linh cứu thoát khỏi vòng vây Kim-Thành. Chàng mừng quá:

-- Tôi theo dõi Lê Ba. Lê Ba lấy trộm Thiên-vương mật dụ chép lại dấu một chỗ. Nhưng y chỉ có bài quyết, mật ngữ, mà không có phần chép chiêu số, nên luyện không thành. Tôi trộm tập sách của y. Cho đến hôm vào hầm đá, tôi sao toàn bộ võ kinh thời Lĩnh-Nam. Tính tò mò, tôi luyện thử, cũng không thành công. Giữa lúc đó, một người xuất hiện. Người ấy nói rằng nếu tôi muốn luyện hết võ công Sài-sơn người ấy truyền cho. Nhưng tôi phải nhận lời giết một tên ác bá.

Kim-Thành gật đầu:

- Y chính là Lê Ba phải không?

- Đúng vậy. Người ấy cho tôi biết Thiên-vương mật dụ mà Lê Ba có trong tay, rồi bị tôi ăn trộm lại là sách giả. Vì vậy tôi luyện mà không kết quả. Sách thực, thì các chưởng môn truyền khẩu cho nhau mà thôi. Tôi được người truyền mật dụ thực cho, luyện thành võ công Sài-sơn.

- Người đó là ai vậy?

- Là sư huynh của Lê Ba.

Kim-Thành hỏi tiếp:

- Hôm trước nghe Thuận-Tông, Thiện-Lãm kể, dường như công tử giết cả nhà tên Đặng Đức-Kềnh. Vì ngay tại phạm trường có cái nón tu lờ của công tử. Ai cũng bảo công-tử tàn nhẫn quá đáng.

Thông-Mai cau mặt:

- Đúng! Chính tôi đã ra tay. Tên đầu bò liếm, mắt cá chuối này phát thệ không bao giờ phạm tội với bà Phượng-Ánh. Thế rồi tôi đi, nó lại đánh bà. Hỏi sao tôi không tính toán cho sạch sổ? Nói quả thực tôi ra tay có hơi tàn bạo. Song theo Khổng-tử: Sát nhất nhân vạn nhân cụ. Có vậy, bọn đầu trâu mặt ngựa theo con điếm già Anh-Tần mới ngán tôi.

Mỹ-Linh biết Thông-Mai đến đây vì truyện Bảo-Hòa:

- Chuyện công tử với Bảo-Hòa, công tử tính sao?

Thông-Mai thở dài:

- Chính vì vậy, tôi mới phải nhờ Công-chúa giúp cho một tay.

Mỹ-Linh vốn cực kỳ thông minh. Nàng nhìn ra cái khó khăn của Thông-Mai:

- Công tử với chị Bảo-Hòa đã hẹn ước với nhau rồi chăng?

Thông-Mai nhanh nhẹn gật đầu. Kim-Thành mỉm cười:

- Hơi khó đấy. Cô tôi đã hứa gả Bảo-Hòa cho Hưng Long. Việc này có ông nội tôi chủ trương. Tuy vậy công-tử có mấy cái lọng che cho, còn sợ gì. Cứ làm tới đi.

- Quận chúa bảo lọng đó gồm những ai?

- Thứ nhất thím hai Thanh-Mai. Nhất định thím phải giúp công tử. Ông nội với chú hai cưc kỳ sủng ái thím Thanh-Mai. Như vậy nhiều hy vọng lắm. Lại nữa theo dân gian, đổi hột, lấy hạt thím Thanh-Mai làm Vương-phi phủ Khai-Thiên, đổi lấy Bảo-Hòa làm dâu Đông-a. Đẹp lắm chứ. Công tử vốn thông minh chắc biết điều đó rồi. Việc công tử tới đây, mục đích nhờ bà Mỹ-Linh nhà tôi nói với Thái-cô. Thái-cô ngỏ lời một tiếng, chú Thừa-Quý với cô tôi hẳn răm rắp nghe theo. Có đúng thế không?

Thông-Mai giật mình, không ngờ Kim-Thành thông minh đâu kém Mỹ-Linh, đoán được ý chàng. Chàng lái sang truyện khác:

- Công-chúa có biết, hiện Vương-mẫu ở đâu? Tình trạng ra sao không?

Nghe nói đến mẹ. Mỹ-Linh run lên:

- Tôi cầu xin công tử cho biết thêm tin tức Vương-mẫu. Tôi nguyện không quên ơn.

- Công-chúa cần phải phân biệt hai loại gian tế của Tống. Một loại do Triệu Thành sai sang, hoặc thu dụng. Một loại do Lưu hậu quản trị. Bọn do Triệu Thành, Khai-Quốc vương đã biết hết. Còn bọn do Lưu hậu trực tiếp điều khiển, dường như Khu-mật viện chưa biết gì!

Mỹ-Linh rùng mình:

- Lời công tử khiến tôi như người mù được mở mắt. Bọn Nguyên-Hạnh, Đỗ Xích-Thập, Hoàng Liên, Nùng Dân-Phú, Chế Ma Thanh, Phủ Văn do Triệu Thành điều động, đều đã bị phá tan. Còn bọn do Lưu hậu là ???

- Đàm Can cùng đám con cái y. Trong triều còn Dực-Thánh vương, Hoàng Văn cùng một số chúa khê động Bắc-biên nữa. Trong khi đó Khu-mật viện lại cho rằng bọn này cũng của Triệu Thành.

- Như vậy Triệu Thành bị Lưu hậu nghi ngờ ư?

- Đúng thế!

Kim-Thành rất chú tâm đến việc Vương-mẫu ra đi, nàng hỏi:

- Theo như công tử nói, Vương-mẫu của tôi bị hại, không do Hồng-thiết giáo, mà do bọn Tống gây ra?

Thông-Mai gật đầu:

- Đúng như Quận-chúa đoán. Tôi nghĩ Khu-mật viện chỉ biết những kế hoạch do bọn Triệu Thành phá mình, chứ không biết rõ chủ trương của Lưu hậu.

Kim-Thành cực kỳ tôn kính Khai-Quốc vương, nàng hỏi lại:

- Chẳng lẽ chú hai tôi cũng không biết ư?

- Tôi nói Khu-mật viện không biết, chứ không nói Khai-Quốc vương không biết. Có lẽ Vương sợ trong Khu-mật viện có bọn gian tế của Đàm Can hoặc Dực-Thánh vương, vì vậy Vương giữ lại một bí mật.

Mỹ-Linh đã tìm ra được một chút ánh sáng:

- Tôi thử đoán xem có đúng không nghe. Lưu hậu ngồi ở Biện-kinh, vì vậy bà ta không biết rõ tình hình Đại-Việt. Bà nghĩ rằng chỉ cần đưa một người nào đó vô tài, bất đức lên làm Vua nước ta, hầu mặt Nam được yên, cũng đủ thỏa mãn rồi. Vì vậy bà ta móc nối với Dực-Thánh vương, hứa hẹn sẽ giúp ông khi ông phản nghịch cướp ngôi vua. Khi em cướp ngôi vua của anh, tất trong hoàng tộc chia hai phe chém giết nhau giống như hồi vua Lê Ngọa-triều. Cuối cùng một phe thắng lên làm vua, sĩ dân không phục, tinh lực hoàng tộc kiệt quệ. Bấy giờ bà ta đem quân sang đánh. Bọn Đàm Can, Hoàng Văn làm nội ứng bên trong, ắt thành công.

- Gần đúng như công chúa nghĩ. Công chúa chỉ biết có một nửa kế hoạch của Lưu hậu. Một nửa nữa như sau: Bà ta lợi dụng Hoàng Văn, Đặng Trường khống chế hầu hết các Vương-phi, phu-nhân Thượng thư, tướng sĩ. Đợi khi khởi sự sẽ xui chồng nhập cuộc. Một nửa theo phe này, một nửa theo phe kia chém giết lẫn nhau. Phe nào cũng tưởng mình chém giết tận mạng đối thủ, coi như lập công với Lưu hậu. Nào ngờ cả hai cùng bị lừa.

Mỹ-Linh kinh hoàng:

- Lưu hậu thâm độc hơn Triệu Thành nhiều. Còn Triệu Thành, y đã từng ra ngoài, hiểu rõ tình hình hơn. Y biết rằng khống chế vua Đại-Việt cũng chưa đủ. Dù vua có tồi tệ, nhưng võ lâm đoàn kết như hồi Lê Hoàn, cũng thừa sức chống xâm lăng. Vì vậy y trực tiếp chia rẽ võ lâm bằng cách hứa giúp Hồng-Sơn đại phu hưng diệt, kế tuyệt. Trong khi đó y dùng bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo khống chế phu nhân chưởng môn phái Đông-a, Sài-sơn, cùng cài người vào phái Tản-viên, Mê-linh, Tiêu-sơn.

- Xét cho kỹ, kế hoạch của Triệu Thành dễ thành công. Khi y thành công cai trị Đại-Việt không khó,. Vì các võ phái sau một hồi chém giết nhau, bấy giờ cao thủ chết hết. Bậc con cháu sẽ thù nghịch nhau, chém giết nhau đến kiếp nào mới thôi. Cũng may các tôn sư đã khám phá ra, hoá giải được.

Trường-Ninh thở dài:

- Như thế Đàm Can, Hoàng Văn, Đặng Trường cũng như Dực-Thánh vương chỉ bị khám phá một nửa. Nay họ bỏ Hồng-thiết giáo, theo Lạc-long giáo. Ai cũng tưởng họ hối cải. Nhưng sự thực họ vẫn âm thầm làm việc cho Lưu-hậu. Vương-mẫu tôi ra đi, hẳn có liên hệ đến bọn này?

Thông-Mai gật đầu:

- Đúng thế. Vương-phi bị Hồng-thiết giáo làm nhục, chỉ có Khai-Quốc vương với Thuận-Thiên cửu hùng biết. Điều ta cần phải soi sáng, như sau: Thế sao Đinh phi cùng quận chúa Hồng-Phúc cũng biết.

Trường-Ninh lắc đầu:

- Tôi không tin. Việc Vương-mẫu bị làm nhục, vừa rồi công tử nói tôi mới hay, sao Đinh-phi cùng Hồng-Phúc biết được?

Thông-Mai bât lên tiếng cười lớn:

- Thế mới lạ. Tối qua Hồng-Phúc vào phòng Vương-phi nói toẹt ra hết. Hồng-Phúc khuyên Vương-phi nên tự tử, hoặc ra đi, để bảo toàn cho vương gia cùng con cái. Quận chúa nên biết rằng nếu việc Vương phi bị làm nhục lộ ra, Vương-gia ắt bị đuổi khỏi hoàng thành về dân dã. Vì vậy Vương-phi mới ra đi.

Mỹ-Linh vốn cực kỳ thông minh, nàng bật lên tiếng à rồi nói:

- Vậy có thể chính Đinh-phi hay Hồng-Phúc bị Hoàng Văn khống chế. Hoàng Văn biết rằng trước đây y không chế Vương-mẫu, việc đã bại lộ, dùng Vương-mẫu không được nữa. Y phải tìm cách diệt Vương-mẫu, hầu Đinh phi chiếm ngôi Vương-phi. Y tiết lộ hết mọi việc cho Đinh-phi cùng Hồng-Phúc, mượn tay hai người hại Vương-mẫu. Hồng-Phúc nói rõ mọi sự, đưa đến Vương-mẫu tự tử. Như thế Hoàng Văn vẫn có người trong phủ Khai-Thiên làm gian tế cho y.

Thông-Mai trả lời bằng cái gật đầu:

- Phụ thân tôi đoán trước tất cả mọi kế hoạch của chúng, nên sai các đệ tử theo dõi rất kỹ bọn thủ hạ Đàm Can, Hoàng Văn, Đặng Trường cũng như Dực-Thánh vương. Tôi được lệnh theo dõi trong phủ Khai-Thiên. Không may bị Công-chúa khám phá ra tung tích.

Mỹ-Linh cảm động:

- Côi-sơn đại hiệp thực đáng bậc trí tuệ nhất thiên hạ. Người biết hết, vung tay trợ giúp. Này Trần đại công tử. Công tử có coi chúng tôi như Thanh-Mai không?

- Dĩ nhiên tôi coi Công-chúa cùng hai Quận-chúa như Thanh-Mai.

- Vậy công-tử cho chúng tôi gọi bằng đại ca, bằng anh như Thanh-Mai mới có thâm tình.

Thông-Mai cười rất tươi:

- Chà, tôi lại được ba cô em gái vừa thông minh, vừa đẹp như tiên nga, còn gì bằng nữa? Bây giờ chúng ta đi tìm Vương-mẫu.

Kim-Thành hỏi:

- Anh Thông-Mai này. Anh biết mẹ em đi đâu không?

- Bà không đi đâu cả, mà về tổng đàn phái Mê-linh. Mỹ-Linh hiện làm chưởng môn, có thể dùng uy quyền, bắt phái này đưa bà ra.

Có tiếng cung nữ nói vọng vào:

- Hoàng thượng chỉ dụ mời công chúa vào điện Long-thụy hầu yến.

Mỹ-Linh nhìn Thông-Mai mỉm cười:

- Ông nội em thiết yến mời Thiên-trường ngũ kiệt với sự hiện diện của Thuận-Thiên cửu hùng. Anh có biết mục đích không?

Thông-Mai gật đầu mỉm cười:

- Mỹ-Linh được Khai-Quốc vương nhận làm con nuôi phải không? Sau yến này, Mỹ-Linh phải gọi Thanh-Mai bằng mẹ đấy nhá. Như vậy tôi đang là anh Mỹ-Linh bỗng chốc thành bác. Oai gớm!

Mỹ-Linh nhận thấy các đệ tử Đông-a đều có tư thái giống nhau: Đa tài, đa năng, kiến thức quảng bác, tinh thần vị nghĩa cực cao. Nàng nghĩ đến Thanh-Mai thành mẹ mình, mà trong lòng khoan khoái. Nàng lắc đầu cười:

- Chú em đã định trước. Ai giữ vai người ấy. Như chú em với em cùng theo học với thầy Huệ-Sinh, mà phận chú cháu không đổi. Chúng em cùng kết hợp thành Thuận-Thiên cửu hùng, chị Thanh-Mai gọi chú em bằng anh. Em gọi chị ấy bằng sư tỷ. Sau này, không biết chú em định cho em gọi chị Thanh-Mai bằng gì?

Trường-Ninh hỏi Thông-Mai:

- Anh Thông-Mai à! Ông nội em đãi yến phái Đông-a, vậy anh có đi dự không?

- Đi chứ. Bố tôi truyền cho chúng tôi phải tề tựu ở trên con thuyền tại bến Ngự-long, rồi cùng lên đường vào cung. Thôi, tôi phải đi đây. Sau tiệc, chúng ta cùng đi Mê-linh tìm Vương-phi.

Thấp thoáng một cái, Thông-Mai đã vọt qua cửa sổ biến mất.

Mỹ-Linh bảo các em:

- Chị đến Long-thụy bồi yến với ông. Các em ở nhà nhớ hầu hạ phụ vương cho chu đáo.

Nàng sai cung nga thắng xe, rồi lên đường. Vì phủ Khai-Thiên ở ngoài Hoàng-thành, nên Mỹ-Linh phải vượt qua quãng đường khá xa để đến điện Long-thụy. Dọc đường, nàng để ý thấy tên phu xe hoàn toàn lạ mặt. Nàng hỏi:

- Này anh! Anh tên gì? Đến Vương phủ được bao lâu rồi?

Tên phu xe kính cẩn đáp:

- Khải tấu công chúa, hạ thần họ Trịnh tên Thư, mới nhập phủ hơn hai tháng nay. Vì Công-chúa vắng nhà, nên thần chưa được diện kiến.

Mỹ-Linh để ý thấy tên Thư có đôi mắt sáng lấp loáng, chứng tỏ nội công của y không tầm thường. Y đánh xe khác người thường. Người thường mỗi khi vung roi đánh ngựa, tay đưa về trước. Đây tay Thư bất động, y làm thế nào không biết, mà sợi dây da trên đầu roi vọt về trước, rồi tự động co lại. Rõ ràng y xử dụng nội công thượng thừa. Nàng nhủ thầm:

- Giữa Đại-Việt với Tống đang có cuộc chiến tranh tế tác. Tên này không chừng làm gian tế của Tống cũng nên. Ta cứ im lặng, đề phòng mới được.

Xe sắp vào đến cửa Phi-long, đáng lẽ chạy thẳng đến điện Long-thụy, lại rẽ sang cửa Tường-phù. Mỹ-Linh kinh ngạc. Nếu trước đây một năm nàng đã kinh hoàng la lớn lên. Nhưng bây giờ với võ công thâm hậu, nàng lại có chủ ý về tên Thư nên im lặng, không nói gì. Xe vượt qua điện Long-an, đến điện Giảng-võ ngừng lại.

Mỹ-Linh chợt để ý đến sợi dây đỏ trên nút áo cổ của tên Thư. Nàng thở phào yên tâm, vì y là người của Khu-mật viện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.