Anh Sẽ Mãi Yêu Em Như Vậy!

Chương 44: Hành trình



Edit: Tiểu Lăng

“Mộc Tinh, tôi thấy cô sẽ trở thành một quản lí chuyên ngành giỏi.” Lý Dung nói: “Nói chuyện với cô rất thoải mái, đã rất lâu rồi tôi không cảm nhận được sự thân thiết và hòa hợp từ những người đồng hương. Thật sự rất thích cô đó.”

“Vậy làm bạn đi, dù sao tôi cũng không có mấy tri kỷ ở Thâm Quyến.”

“Được chứ? Ok, tôi có thể thiết kế quần áo cho cô.”

Thẩm Mộc Tinh bị lời nói chất phác của Lý Dung đả động: “Ôi, thụ sủng nhược kinh quá, xem ra sau này tôi nhất định sẽ đi đầu phong cách thời trang rồi.”

“Thật ra tôi cũng ít tri kỷ lắm, có thể quen cô, tôi rất vui, nhất là khi chúng ta còn là đồng hương.” Lý Dung nói.

“So với cô, tôi chỉ là một con ếch ngồi đáy giếng thôi.” Thẩm Mộc Tinh cười cười.

Bữa cơm với Lý Dung khá hòa hợp, cô ấy không có những tật xấu mà Thẩm Mộc Tinh từng thấy ở những nhà thiết kế khác. Đó là một người phụ nữ rất khiêm tốn và hiền hòa, dù không hề khoe khoang, nhưng người ta cũng nhìn ra được, cô ấy thật sự rất từng trải.

Thẩm Mộc Tinh ăn một miếng bít tết nhỏ, cười hỏi: “Sao lại muốn gả cho người nước ngoài?”

Lý Dung cười một tiếng đầy quyến rũ, đáp: “Đàn ông Trung Quốc hơi thấp giá, không cao như người nước ngoài, cũng không lãng mạn bằng người nước ngoài, đã thế hơn nửa trong số đó vẫn còn ôm cái tư tưởng thời phong kiến. Điểm duy nhất hơn người nước ngoài chỉ có mỗi cái trái tim mãi không thay đổi thôi.”

Lại nói thêm: “Tôi cũng nản lắm rồi, cả một tỷ ba dân, lại không có nổi một trái tim thuộc về tôi, đành dứt khoát ra nước ngoài tìm một túi da thôi.”

Thẩm Mộc Tinh bị lý do thoái thác hài hước của Lý Dung chọc cười: “Còn không phản bác được ấy chứ!”

Lý Dung cười liếc cô: “Cô thì không lo, yêu xa với Nghiêm Hi Quang lâu thế cũng gần tu thành chính quả rồi còn gì.”

Thẩm Mộc Tinh hơi giật mình, thu lại nụ cười.

Thì ra tất cả mọi người, tất cả những người bên cạnh Nghiêm Hi Quang, đều cảm thấy anh và cô chưa từng chia tay.

Thẩm Mộc Tinh cười khổ, cúi đầu, dùng thìa quấy café, nói: “Ai biết có qua được chớp mắt không.”

“Đúng vậy, thời gian trôi qua nhanh thật, ngỡ hôm qua tôi vẫn chỉ là một nữ công nhân chừng hai mươi, vừa mới theo đầu rắn xuất ngoại.”

Thẩm Mộc Tinh không nói gì, cũng chẳng biết lòng cô đang nghĩ chi, nghĩ về anh thuở hai mươi, nghĩ tới câu chuyện anh vẫn chưa kể xong hôm trước.

Lý Dung cũng chìm vào trong hồi ức, cô ấy nheo lại đôi mắt hơi xếch, chậm rãi nói:

“Tôi còn nhớ rõ hôm đầu tiên, Nghiêm Hi Quang nhà cô mặc quần áo gì cơ.”

“Thật sao?”

“Đúng vậy, tôi cũng nhớ cả tôi đã mặc gì.” Mặt Lý Dung đầy vẻ đắng chát, hoàn toàn không phấn chấn như vừa rồi, cô ấy nói: “Bởi vì lúc ấy, nhóm chúng tôi đi toàn những người trẻ tuổi, tất cả đều rất hưng phấn, nhiều người vẫn còn là lần đầu tiên được đi máy bay. Thế nên trước một đám người ăn vận rõ đẹp, mình Nghiêm Hi Quang nhà cô mặc quần áo thường đương nhiên là nổi bật rồi, vậy tôi mới nhìn thêm vài lượt. Khi đó chúng tôi đều cho là tất cả sẽ giống như đầu rắn nói, ngủ một giấc là máy bay hạ cánh, và đến nước ngoài.”

“Rồi sao? Xảy ra bất trắc gì?”

Ánh mắt Lý Dung nhìn ra xa, xa mãi ngoài cửa sổ…

Đó là thu sáu năm trước.

Một Lý Dung vừa tròn hai mươi lần đầu tiên đi máy bay.

Trong ấn tượng của cô ấy, thế giới dường như chỉ bằng cái trấn Thủy Đầu. Nhưng ngay khi máy bay vừa cất cánh lên bầu trời, cô ấy bỗng thấy mình như một con ếch nhỏ, mọc được cánh, bay ra khỏi giếng cạn.

Cha nói, tốt xấu gì sang đấy về cũng phát tài, chứ ở trong nước thì chỉ có làm công nhân cả đời thôi.

Lý Dung nghĩ, cả đời cha dành được mấy chục nghìn đồng, đều đổ hết vào người cô, cô nhất định phải kiếm được bên nước ngoài.

Cùng đi có mười bốn người nữa, tám nam sáu nữ, trước khi lên máy bay, đầu rắn dẫn đội còn săn sóc mua cho mỗi người một chai nước khoáng, những người trẻ tuổi chưa rành sự đời đều ôm một lòng chờ mong mãnh liệt.

Đầu rắn nói, đáng lẽ phải dẫn họ đi Bắc Kinh làm hộ chiếu trước, bởi họ vẫn còn trẻ, dễ làm, có thể dùng thân phận lưu học sinh để đi; nhưng hộ chiếu cần những 20 ngày mới có, để phòng có người đổi ý muốn về nhà, tất cả giấy tờ chứng nhận của họ đều phải giao cho hắn ta giữ tạm thời, ngay cả điện thoại cũng phải nộp.

Đầu rắn là một tên đàn ông tầm bốn mươi, khá ân cần, dỗ một lũ thò lò mũi xanh họ rất ngoan.

20 ngày ở quán trọ nhỏ tại Bắc Kinh, Lý Dung, Nghiêm Hi Quang và mấy người nữa cùng đi buồng điện thoại công cộng gọi cho người nhà.

“Tôi nhớ, lúc đó Nghiêm Hi Quang không gọi cho người nhà, chỉ gọi cho cô.” Lý Dung nói.

Thẩm Mộc Tinh gật đầu: “Đúng, lúc đó tôi vẫn đang giận, nhõng nhẽo không muốn để anh ấy đi, lúc anh ấy gọi từ Bắc Kinh về, chỉ toàn dỗ dành tôi.”

Lý Dung cười cười, cô hồi đó cũng chẳng khác gì Thẩm Mộc Tinh, cũng là một cô bé chưa hiểu chuyện.

Vốn cho rằng lấy được hộ chiếu là đi được Italy rồi, ai ngờ đầu rắn bảo phải đi Triều Tiên thử trước đã, xem có thông hành được không.

Đầu rắn dẫn người vượt biên đều là mấy tay già đời, Lý Dung cũng chẳng  hiểu “có thông hành được không” trong miệng họ là gì, chỉ biết đi theo đầu rắn.

Đến Triều Tiên, nghỉ một tuần, đầu rắn nói lại phải về Bắc Kinh một lượt nữa, làm hộ chiếu đi Nga. Đoàn người lại theo đầu rắn về Bắc Kinh, chưa từng nghĩ tới việc không làm được hộ chiếu, họ chỉ có thể đi Đan Mạch trước, rồi từ Đan Mạch lại bay tới Nga.

Chặng đường quanh cao này khiến những tâm hồn tuổi trẻ bắt đầu mệt mỏi và nóng nảy, tất cả bắt đầu hoài nghi rằng họ có thể đến được Italy hay không.

Đầu rắn già vô cùng kiên nhẫn giảng giải cho họ: “Những người trẻ tuổi à, có tý khó khăn thế thôi mà đã không chịu được rồi, thì sao mà sang nước ngoài phát tài được. Đầu rắn, đầu rắn, tại sao đầu rắn bọn tôi phải gọi là đầu rắn? Cả hành trình vượt biên vốn đã là một chặng đường quanh co hình rắn, trốn trốn né né, hành tung bất định, thế mới gọi là rắn. Lén vượt biên là như vậy, nếu mấy đứa đã có một người cha giàu có, thì cần gì phải chịu khổ thế, nhưng mấy đứa nào có đâu? Italy không mở cửa cho những người bình dân như họ.”

Đầu rắn trấn an, khiến những người trẻ tuổi như được uống một viên thuốc an thần.

Đúng, vì tương lai tốt đẹp, chịu khổ môt tý thì đã sao. Người xưa nói rất đúng, muốn lên được đỉnh cao, chớ sợ đường đi khó.

Nên tám nam sáu nữ bọn họ lại trọ ở một khách sạn rất nhỏ tại Nga. Họ là đồng hương, là đồng hành, là đồng lứa; lại thêm người Ôn Châu trước giờ vẫn luôn đoàn kết, tất cả đều “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nên trên đường đã kết tình nghĩa nồng hậu. Để giảm bớt chi tiêu, đầu rắn chỉ thuê một phòng, mười bốn người trẻ tuổi cùng ngủ chung, giường và sofa để nữ ngủ hết, còn nam đành chịu ngủ dưới đất. Ban ngày họ cười cười nói nói, đêm đến lại đánh bài. Lúc đó, không ai cảm thấy khổ.

Chuyện xảy ra ở ngày cuối trước khi rời Nga, cậu thợ may trong đội nhất định đòi đầu rắn điện thoại…

Khi Nghiêm Hi Quang đi tìm đầu rắn đòi lại điện thoại của mình, họ mới phát hiện, thì ra đầu rắn kêu “giữ tạm thời” điện thoại họ đã không xuất hiện những hai ngày rồi.

“Trả điện thoại lại cho tôi.” Nghiêm Hi Quang đứng trước cửa khách sạn, giằng co với người đàn ông ba mươi tuổi dẫn đội.

Anh cực kỳ cố chấp, nhất định phải lấy lại được điện thoại của mình.

Người đàn ông dẫn đội tên Đại Minh, là một người Đông Bắc, lông mày bị lẹm một phần, có một cái sẹo, trông cực hung dữ. Anh ta cười ha hả giải thích với Nghiêm Hi Quang: “Cậu trai à, cậu lấy lại điện thoại cũng không gọi được từ Nga đâu, số cậu không phải số quốc tế!”

Nghiêm Hi Quang không có văn hóa, anh không hiểu quốc tế gì đó, chỉ cố chấp suy nghĩ, đã nửa tháng anh không được liên lạc với bên ngoài rồi.

“Trả điện thoại lại cho tôi!”

Anh không thèm để lời Đại Minh vào trong tai, trên mặt là vẻ không cho giải thích.

Lý Dung ở bên cạnh, thấy Đại Minh biến sắc, bị giọng điệu cứng rắn của Nghiêm Hi Quang chọc giận, vội khuyên: “Thợ may, Đại Minh nói đúng rồi đấy, cậu có lấy được điện thoại cũng không gọi được đâu, đây đang là ở Nga mà.”

Nghiêm Hi Quang im lặng, rồi lại nói với Đại Minh: “Vậy điện thoại của anh có gọi được về nước không?”

Đại Minh lạnh lùng nói: “Được thì sao?”

Giọng Nghiêm Hi Quang mềm hơn một chút, nói: “Anh có thể cho tôi mượn gọi được không?”

“Không – cho! Mặc kệ cậu!” Đại Minh đóng sầm cửa lại.

Nghiêm Hi Quang bỗng trở nên nóng nảy, anh đi mở cửa, lại phát hiện cửa bị khóa trong.

Một đồng hương nói: “Thợ may, cậu đừng đi ra nữa, đầu rắn cũng nói rồi, chỉ được hoạt động trong khách sạn này thôi, không được ra ngoài, nhỡ ra ngoài bị bọn Tây bắt được thì chúng ta chỉ có nước bị tống cổ về nước, cả đời không ra được nước ngoài đâu.”

Nghiêm Hi Quang không nói gì thêm, trở về trong góc ngồi.

Ròng rã hơn hai tháng ở Nga, cuối cùng họ cũng khởi hành đến Tiệp Khắc (Czech). Lúc tới biên giới cần qua sông, mấy cô gái đều sợ quá mà khóc, nhưng đầu rắn mới lại cực kỳ dữ, là một người Sơn Đông còn cao hơn cả Đại Minh một cái đầu. Gã ta dọa mọi người, nếu ai không qua sông thì đánh chết người đó, ném xác xuống cho sông cuốn đi.

Gian nan trắc trở qua được sông, vào đến đất Áo, đầu rắn lại bị đổi.

Lúc Lý Dung qua sông, cô lại đến “ngày”.

Sau Nghiêm Hi Quang lại ầm ĩ một lần nữa vì điện thoại, bị đầu rắn mới đánh cho.

Chúng có ba người, không nói gì mà đè Nghiêm Hi Quang xuống đất, dùng quần áo trùm lên đầu và chân anh, bảo vệ mặt, chỉ đạp lên mấy chỗ có quần áo che không nhìn thấy. Tất cả bị dọa sợ, không ai dám lên tiếng.

Lý Dung nghe thấy Nghiêm Hi Quang khàn khàn kêu, mãi đến khi anh không kêu nổi nữa, đầu rắn mới cho người dừng tay.

Đầu rắn nói, nếu Nghiêm Hi Quang còn dám ầm ĩ, sẽ đánh chết anh trên đường.

Ai chẳng sợ chết?

Nghiêm Hi Quang không lộn xộn nữa, anh chỉ thường ngồi ngẩn người trong góc, đôi khi Lý Dung sẽ chủ động nói đôi câu với anh.

“Này, thợ may, cậu có bạn gái không?”

“Thợ may, uống nước đi, nếm thử bánh mì ở đây.”

Nghiêm Hi Quang không nói lời nào, cứ như một người câm.

Lần đầu tiên qua sông ở biên giới Tiệp KHắc, một người bị nước cuốn trôi, chết. Đầu rắn không thể dẫn họ về theo đường cũ.

Cứ trì hoãn như thế, lại bốn tháng trôi qua, chỉ chớp mắt, họ đã đi được hơn nửa năm rồi.

Tất cả gần như đã quên, tại sao họ lại đi.

Quãng thời gian ở biên giới Tiệp Khắc ấy là những ngày tháng đen tối nhất trong đời Lý Dung.

Lại một đêm đi thông, họ chen lấn trên một chiếc xe tải, bị vận chuyển về một nhà trọ ở biên giới. Xe tạm dừng ở một trạm xăng, trời rất tối, đầu rắn mang tới một người đàn ông Tiệp Khắc từ trong cửa hàng tiện lợi cạnh trạm xăng, sau đó gọi một cô gái trên xe xuống.

Lúc cô gái trở về là mười phút sau.

Tóc cô ấy hơi rối, hai chiếc cúc trên áo sơ mi ca rô bị mở ra, tất cả đều rõ là chuyện gì. Song cô ấy lại không nói gì cả, trở lại chỗ của mình ngồi.

Tất cả nhìn cô gái ấy, trên mặt những chàng trai bắt đầu hiện sắc phẫn nộ.

Tất cả đều không nói gì. Lúc này, một giọng nam đột ngột vang lên trong thùng xe chật hẹp, Lý Dung nhìn Nghiêm Hi Quang.

Nghiêm Hi Quang đứng lên trong thùng xe chật hẹp, hỏi cô gái ấy:

“Chúng làm gì với cô?”

Tất cả ngừng thở.

Gương mặt cô gái chìm trong bóng đêm, cô không mặn không nhạt nói: “Không làm gì cả.”

Không khí lại chìm trong im lặng.

Lý Dung thấy rõ Nghiêm Hi Quang cắn răng.

Một lát sau, trong xe bắt đầu vang tiếng xôn xao, cũng có người chửi bậy.

Nghiêm Hi Quang đứng lên, nói với các chàng trai trong xe:

“Tất cả nghe, nếu đầu rắn lại tìm các cô gái của chúng ta, chúng ta liều mạng với chúng!”

Các chàng trai trên xe như thức tỉnh: “Đúng! Tất cả đều là đồng hương!”

“Làm thịt bọn chúng!”

“Đúng! Chúng ta có tám thằng đàn ông! Sao lại không bảo vệ được mấy cô gái?”

“Liều mạng!”

Tám chàng trai, năm cô gái, ban đầu có sáu, lúc qua biên giới bị nước sông cuốn đi.

Nghe những tiếng phẫn nộ của họ, mắt Lý Dung ươn ướt.

Cô và những cô gái khác trên xe ôm chặt lấy nhau, có an ủi lẫn nhau, cũng có sợ quá mà khóc.

Ngoài xe là bóng đêm vô tận…

Mười dặm xung quanh chỉ có mình trạm xăng lóe ánh đèn.

Đầu rắn lại đi từ trong trạm xăng ra, mở cửa xe, quét một vòng các cô gái trong xe, ánh mắt bỗng rơi xuống người Lý Dung…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.