Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng.
Trong gia đình Oblonxki, mọi việc đều rối bét. Bà vợ khám phá ra việc chồng tằng tịu với cô nữ gia sư người Pháp dạy trẻ trước đây và nói thẳng với chồng là mình không thể sống chung với ông nữa. Sự tình kéo dài từ hai hôm nay khiến cho cả vợ chồng, con cái và kẻ ăn người làm trong nhà đều cảm thấy khổ tâm. Tất cả đều thấy hai người chẳng còn lý do gì để ăn ở cùng nhau nữa và mối dây ràng buộc họ bây giờ còn lỏng lẻo hơn cả cái quan hệ giữa những người tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Bà vợ không buồn bước ra khỏi phòng; ông chồng vắng nhà đã hai hôm; con cái tha thẩn khắp nhà như bị bỏ rơi; chị vú nuôi người Anh cãi nhau với bà quản gia, đã viết thư nhờ một cô bạn thân tìm cho chỗ làm khác; anh đầu bếp ra đi vào bữa ăn tối qua; cô phụ bếp và anh xà ích thì đòi tính tiền công xá.
Ba hôm sau cuộc cãi lộn, công tước Xtepan Arcaditr Oblonxki tức Xtiva 5 - như người ta thường gọi trong giới thượng lưu - thức giấc vào giờ thường lệ, nghĩa là tám giờ sáng, không phải trong phòng ngủ của vợ, mà trên chiếc đi văng bọc da ở phòng làm việc của mình. Ông trở nghiêng cái thân hình nặng nề và phì nộn trên lò xo đi văng như muốn ngủ lại, vòng hai tay ôm lấy gối và áp má vào; rồi bỗng nhiên ông nhỏm lên, ngồi dậy và mở choàng mắt.
"ừ... ừ... thế nào nhỉ? Ông ta nghĩ ngợi, cố nhớ lại giấc mơ vừa qua.
Thế nào nhỉ? à, Alabin thết tiệc ở Darmoxtat; không, không phải Darmoxtat 6 mà là cái quái gì My Mỹ kia. Đúng rồi: Darmoxtat ở Mỹ.
Alabin thết tiệc trên bàn thuỷ tinh và... những bàn đó hát bài Kho vàng của tôi 7 và một khúc ca khác du dương hơn. Có cả những bình pha lê nhỏ mà lại là đàn bà".
Cặp mắt Xtepan Arcaditr bỗng ánh lên vui thích, và ông say sưa mơ mộng, môi nở một nụ cười. "ồ, khoái thật, khoái ghê. Trong giấc mơ ấy, còn ối chuyện tuyệt thú, mà chẳng thể diễn đạt bằng lời cũng như bằng ý; và khi đã thức dậy là không còn biết xác định nó ra sao nữa". Rồi, bỗng thấy tia sáng chiếu xiên qua từ sau tấm màn cửa bằng dạ, ông vội đặt chân xuống đất, quờ tìm đôi dép da cừu thêu kim tuyến, món quà vợ mừng nhân dịp sinh nhật ông năm ngoái; sau đó, theo cái thói quen từ chín năm nay, ông cứ nằm nguyên, với tay về phía vẫn treo chiếc áo ngủ. Lúc dó ông mới sực nhớ ra tại sao và thế nào mà mình lại không nằm trong phòng vợ; nụ cười vụt biến khỏi môi và ông cau mày.
Ông nhớ lại mọi việc đã xảy ra, miệng lẩm bẩm: "à! Chậc! Chậc!..." Và trong trí tưởng tượng của ông, lại diễn ra tất cả các chi tiết xung đột với vợ, cái thế bí không lối thoát và lỗi lầm của chính ông, nó giày vò dữ dội hơn mọi điều khác.
Ông nghĩ bụng: "Không, Doli sẽ chẳng tha thứ cho mình đâu, Doli không thể tha thứ cho mình được. Và điều ghê gớm hơn hết là chính mình gây ra tất cả; tất cả đều do mình, vậy mà thực không phải lỗi tại mình. Tất cả tấn bi kịch là ở đó". Ông vừa than vãn tuyệt vọng "ối chao", vừa nhớ lại những chi tiết khổ tâm nhất về cuộc cãi lộn.
Chính cái phút đầu tiên là phút khó chịu nhất: vừa đi xem hát về, dáng vui vẻ và hể hả, tay cầm một trái lê to làm quà cho vợ, ông không thấy vợ ở phòng khách; ông ngạc nhiên vì sang phòng làm việc cũng không thấy; sau cùng, ông gặp vợ ở phòng ngủ, tay cầm lá thư đốn mạt đã làm vỡ lở hết mọi chuyện.
Cô nàng Doli 7 suốt đời ưu tư và bận rộn, mà ông vẫn cho chẳng có gì là sắc sảo, lúc đó đang ngồi yên không nhúc nhích với lá thư trong tay và nhìn ông vừa kinh tởm, tuyệt vọng, vừa giận dữ.
- Cái này là cái gì? Cái gì? - bà chìa mảnh giấy hỏi chồng.
Điều làm Xtepan Arcaditr khổ tâm hơn cả mỗi khi nhớ lại cảnh đó - mà ông cứ nhớ lại luôn mới tệ chứ - không phải bản thân câu chuyện mà chính là cái cung cách ông trả lời vợ. Lúc đó ông lâm vào cái tình thế vẫn thường xảy đến với những người bỗng dưng vướng vào một chuyện xấu xa. Ông không biết đường sửa soạn một bộ mặt hợp với hoàn cảnh sau khi tội lỗi đã bị lộ. Đáng lẽ phải làm ra bộ tức giận, chối phắt, hay thanh minh, xin lỗi, cùng nữa là cứ dửng dưng (cách nào cũng vẫn tốt hơn) thì ông lại tươi cười, thản nhiên dễ dãi và lúc ấy vẻ mặt ông thật ngây ngô. Sắc diện đó là vô tình, hoàn toàn vô tình thôi (Xtepan Arcaditr vốn thích sinh lý học nên cho đó là "phản xạ não").
Ông không thể tha thứ cho mình về cái cười đần độn ấy. Vừa thoáng thấy nụ cười đó, Doli giật bắn người như bị một cơn đau giày vò thể xác. Không nén nổi cơn giận, bà tuôn ra những lời gay gắt và bỏ chạy khỏi phòng. Từ đó, bà nhất định không nhìn mặt chồng nữa.
"Chính cái cười ngây ngô là nguyên nhân của mọi chuyện - Xtepan Arcaditr nghĩ bụng - Nhưng biết làm thế nào? Làm thế nào đây?", ông nhắc đi nhắc lại một cách tuyệt vọng. Và vẫn không tìm ra câu trả lời.
--- ------ ------ ------ -------
1 Về tiểu sử của tác giả, xin xem lời giới thiệu cuốn Chiến tranh và Hòa bình. Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1961.
2 V.I Lenin: Bàn về văn học nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.124.
3 V.I. Levin: Bàn về văn học nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 127.
4 V.I Lenin: Bàn về văn học nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 124, 129, 135.
5 Xtiva là Xtepan gọi theo tiếng Anh. Thời đó, giới thượng lưu thường gọi nhau bằng tên đã Anh hóa hoặc Pháp hóa và coi đó là mỹ tục. (Tất cả những chú thích ở dưới trang đều của người dịch).
6 Một tỉnh ở Đức. Vĩ ngữ "stad" có nghĩa là tỉnh.
7 II mio Tesoro (tiếng ý trong nguyên bản). Những chữ in nghiêng đều bằng tiếng nước ngoài trong nguyên bản.