Trong cả xã hội quý phái ở Peterburg, chỉ có một khối trong đó mọi nhưng đều quen biết nhau, người nọ đến thăm người kia. Nhưng khối này lại chia thành nhiều nhóm nhỏ. Anna Arcadievna Carenin liên hệ chặt chẽ với ba môi trường khác nhau. Một là môi trường quan chức của chồng, gồm các bạn đồng liêu và những người dưới quyền ông, họ đoàn kết hoặc cách biệt nhau do những điều kiện xã hội khác nhau và bất thường nhất. Anna chỉ còn mang máng nhớ cái cảm giác kính trọng, gần như tôn sùng của nàng đối với những nhân vật đó trong thời gian đầu. Bây giờ nàng hiểu rõ tất cả những người đó rồi, như người ta quen biết nhau trong huyện lỵ; nàng biết những nhược điểm, thói tật của họ, biết họ dễ chạm nọc ở chỗ nào nhất: nàng biết rõ quan hệ giữa người nọ với người kia và giữa bọn họ với điểm trung tâm chủ yếu; biết họ cần dựa vào đâu và bằng cách nào; biết những gì liên kết hoặc chia rẽ họ; nhưng giới đàn ông này, chỉ tranh luận toàn việc quốc gia đại sự, đối với nàng không có gì thú vị, và mặc những lời khẩn khoản của nữ bá tước Lidia, nàng đã trốn tránh giới này.
Giới thứ hai nàng năng lui tới là giới đã giúp Alecxei Alecxandrovitr tiến bước trên đường công danh. Trung tâm của nó là nữ bá tước Lidia Ivanovna. Đây là xã hội của các bà già mộ đạo, xấu xí và đức hạnh, của các ông nhiều tham vọng, thông minh và học thức. Một người thông minh trong giới này đã đặt tên cho nó là "lương tâm của xã hội Puskin". Alecxei Alecxandrovitr rất thiết tha với nhóm này và Anna vốn rất khéo léo hòa mình với người chung quanh, đã có bạn thân trong số những người này vào thời gian đầu nàng ở Peterburg. Nhưng bây giờ, khi ở Moxcva về, nàng không chịu nổi nhóm này nữa. Nàng thấy hình như ở đó mọi người và trước hết là nàng, đều gò bó trong mọi cử chỉ và nàng buồn chán, khó chịu đến mức phải cố tìm cách bớt lui tới nữ bá tước Lidia Ivanovna càng thưa càng tốt.
Giới thứ ba mà Anna giao thiệp mới đúng là giới thượng lưu thật sự: cái giới của các cuộc khiêu vũ, tiệc tùng, trưng diện, cái giới một tay bấu víu vào hoàng cung để khỏi rớt xuống giới nửa thượng lưu, mà họ cho là đáng khinh tuy nó có những sở thích không phải chỉ tương tự mà giống hệt với sở thích của giới thượng lưu chính cống.
Nàng giao thiệp với giới này là do nữ bá tước Betxi, vợ người anh em họ của nàng, bà ta có mười hai vạn lợi tức và đặc biệt yêu mến Anna ngay khi nàng xuất hiện trong giới thượng lưu; bà vồ vập săn sóc, và lôi kéo nàng vào giới mình, bằng cách chế giễu nhóm của nữ bá tước Lidia Ivanovna.
- Khi nào già và xấu đi, tôi sẽ giống bà ta, - Betxi nói, - nhưng một người trẻ và đẹp như chị không nên giam mình vào cái nhà dưỡng lão ấy!
Hồi đầu, Anna hết sức tránh xa môi trường của quận chúa Tverxcaia, vì ở đó phải chi tiêu tốn kém quá khả năng của nàng, và trong thâm tâm, nàng ưa nhóm giao tế đầu tiên hơn. Nhưng sau chuyến đi Moxcva thì lại khác hẳn. Nàng bắt đầu lảng tránh các bạn bè đoan trang và đi lại với xã hội thượng lưu này. ở đây, nàng gặp Vronxki và cảm thấy vừa vui vừa bối rối. Nàng hay gặp Vronxki nhất ở nhà quận chúa Tverxcaia, cũng thuộc họ Vronxki, và là chị em con chú bác với Alecxei Alecxandrovitr. Bất cứ chỗ nào có thể gặp được Anna là Vronxki đều có mặt và mỗi lần có dịp, chàng lại thổ lộ tình yêu với nàng. Nàng không bao giờ tạo cho chàng có cơ hội như thế, nhưng mỗi lần gặp chàng, tâm hồn nàng lại bừng cháy cái cảm giác dạt dào đã xâm chiếm nàng khi gặp chàng lần đầu trên xe lửa. Nàng cảm thấy hễ thoáng thấy chàng là niềm vui đã bừng lên trong khoé mắt, buộc đôi môi nàng phải mỉm cười và nàng không thể giấu giếm niềm vui đó được.
Mới đầu, Anna thành thật tưởng mình không bằng lòng vì chàng cứ tự tiện theo đuổi; nhưng ít lâu sau khi ở Moxcva về, trong một dạ hội, mà nàng đoán sẽ gặp chàng nhưng chàng lại không đến, nàng thấy nỗi buồn tràn ngập trong lòng và nàng hiểu rằng mình đã tự dối lòng, rằng sự săn đón của Vronxki chẳng những không làm nàng khó chịu mà còn chứa đựng tất cả lẽ sống của nàng.
Một nữ danh ca nổi tiếng biểu diễn đêm thứ hai và tất cả xã hội thượng lưu ở Peterburg đều đến nhà hát. Thoáng thấy bà chị họ, Vronxki không đợi đến lúc nghỉ, bỏ chỗ ghế hàng đầu của mình để tới gặp chị trong ghế "lô".
- Thế nào, sao chú không đến ăn trưa? - bà hỏi. - Sự linh cảm minh mẫn của những người đang yêu thật kỳ diệu, - bà mỉm cười nói thêm, cốt để cho mình chàng nghe: - nàng cũng không đến nốt. Nhưng sau buổi biểu diễn chú đến nhé.
- à! Tôi còn nhớ những lời chế giễu của chú đấy! - quận chúa Betxi nói tiếp, bà đặc biệt thích thú theo dõi những tiến triển của mối tình say đắm này. - Đấy chú xem, nó đã dẫn chú tới đây! Chú bị sa lưới rồi, chú em thân mến ạ!
- Tôi chỉ mong có một điều là được sa lưới thôi, - Vronxki trả lời với nụ cười hiền lành điềm đạm. - Nói cho đúng, nếu tôi có phàn nàn điều gì, thì đó là chưa được sa lưới hoàn toàn thôi. Tôi bắt đầu thất vọng rồi.
- Chú còn hy vọng những gì? - Betxi nói, có vẻ như tức giận thay cho người bạn gái; - ta nên hiểu nhau 1, - nhưng đôi mắt bà sáng lên những ánh lửa nhỏ chứng tỏ bà hoàn toàn hiểu rõ như chàng, là chàng còn có thể hy vọng được những gì trong việc này.
- Không hy vọng gì nữa, - Vronxki cười nói, để lộ hàm răng đều đặn. - Xin lỗi, chàng nói thêm và cầm lấy ống nhòm trong tay bà chị họ, nhìn qua vai trần của bà ta tới hàng ghế "lô" trước mặt. - Tôi sợ trở thành lố bịch mất.
Chàng thừa biết trước mắt Betxi và mọi người trong giới thượng lưu, chàng không sợ bị coi là lố bịch. Chàng thừa biết trước mắt những người này, vai trò theo đuổi một cô thiếu nữ và nói chung một người đàn bà chưa chồng mà bị cự tuyệt thì có thể bị coi là lố bịch; nhưng vai trò đi tán tỉnh một thiếu phụ có chồng, làm đủ mọi cách để xiêu lòng người ấy, vai trò đó có cái gì đẹp đẽ, cao cả và không bao giờ bị chế giễu, cho nên chàng hạ ống nhòm xuống và nhìn bà chị họ với nụ cười hãnh diện và vui vẻ, thấp thoáng dưới hàng ria.
- Tại sao chú không đến ăn trưa? - bà chị nhìn chàng, vẻ thán phục và hỏi.
- Tôi phải kể cho chị nghe mới được. Tôi có việc bận, bận gì chị biết không? Tôi đánh cược một ăn một trăm, một nghìn đấy... chị không thể nào đoán nổi đâu. Tôi đã hòa giải cho một người chồng với kẻ xúc phạm đến vợ ông ta! Thật đấy, đúng như tôi đang nói với chị đây.
- Thế chú đã thành công à?
- Gần thành công.
- Chú phải kể lại cho tôi nghe chuyện đó nhé, bà đứng dậy và nói. - Lúc nghỉ sau, chú đến nhé.
- Tôi không đến được: tôi sang nhà hát Pháp đây.
- Sau khi nghe Ninxon hát mà còn sang đấy thì chịu sao được? - Betxi hoảng hốt hỏi, mặc dầu bà ta không bao giờ phân biệt được Ninxon với bất cứ ca sĩ nào.
- Biết làm thế nào được? Tôi đã hẹn ở đằng ấy để làm công việc hòa giải.
- Sung sướng thay những kẻ đi hòa giải, họ sẽ được Chúa cứu vớt! - Betxi nói, nhớ ra có người đã nói câu gì gần giống như thế: thôi, ngồi xuống đây và kể cho tôi nghe đi. Việc gì thế?