Anna Karenina

Quyển 3 - Chương 23



Tiểu ban mồng 2 tháng 6 thường họp vào thứ hai. Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng họp, như thường lệ chào những uỷ viên và chủ tịch, rồi ngồi vào chỗ, đặt tay lên tập hồ sơ chuẩn bị sẵn sàng trước mặt. Trong hồ sơ có ghi những tình hình ông cần biết và tóm tắt bài tham luận ông định phát biểu. Vả lại, ông cũng không cần đến tài liệu tham khảo. Ông nhớ tất cả và xét thấy không cần nhẩm lại trong đầu những điều sẽ nói. Ông biết là đến lúc đó, khi đã thấy trước mắt bộ mặt kẻ địch đang cố gắng vô ích làm ra vẻ thờ ơ, thì bài diễn văn sẽ tự động tuôn ra còn hùng hồn hơn tất cả những điều chuẩn bị sẵn. Ông thấy nội dung bài tham luận của mình thâm thuý đến nỗi mỗi chữ đều có hiệu lực. Tuy nhiên, khi nghe bản báo cáo thường kỳ, ông có vẻ rất hồn nhiên và rất hiền lành. Nhìn đôi bàn tay trắng nổi gân xanh xoè những ngón dài nhẹ nhàng vuốt mép tờ giấy trắng đặt trước mặt và cái đầu mệt mỏi nghiêng nghiêng sang bên, hẳn không ai ngờ đôi môi ông sắp sửa thốt ra những lời phát biểu có thể dấy lên một cơn dông tố kinh khủng, buộc những uỷ viên của tiểu ban phải gào thét, tranh cướp lời nhau và vị chủ tịch phải yêu cầu mọi người giữ trật tự.

Nghe xong báo cáo, Alecxei Alecxandrovitr dịu dàng và nhỏ nhẻ tuyên bố ông muốn phát biểu với hội nghị một vài nhận xét về việc tổ chức các dị tộc. Mọi sự chú ý đều dồn về phía ông. Alecxei Alecxandrovitr khẽ hắng giọng và không ngước mắt nhìn địch thủ, mà lại làm như mỗi lần đọc diễn văn, tức là chăm chú nhìn vào khuôn mặt đầu tiên nào đó ở trước mặt (cụ thể là bộ mặt ông già bé nhỏ, vẻ hiền lành, không có vai vế gì trong tiểu ban), ông bắt đầu trình bày các quan điểm. Khi đề cập tới các luật lệ cơ bản về tổ chức, địch thủ của ông liền chồm lên và bắt đầu phản đối. Bản thân Xtremov cũng là uỷ viên của tiểu ban, bị chạm nọc, muốn thanh minh. Cuộc họp thật náo động. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr đã chiến thắng và đề án của ông được chấp thuận. Họ quyết định thành lập ba tiểu ban mới và ngày hôm sau, trong vài giới ở Pêtecbua, chỉ nghe bàn đến phiên họp đó. Thắng lợi của Alecxei Alecxandrovitr còn lớn hơn cả ý ông mong muốn.

Sáng hôm sau, thứ ba, khi tỉnh dậy, Alecxei Alecxandrovitr vui thích nhớ tới thắng lợi hôm trước và mặc dầu muốn tỏ ra thờ ơ, ông vẫn không thể không mỉm cười khi nghe viên chánh văn phòng phỉnh nịnh thuật lại những lời đồn đại vang tới tai hắn về những việc đã xảy ra ở tiểu ban.

Trong khi làm việc với chánh văn phòng, Alecxei Alecxandrovitr hoàn toàn quên bẵng hôm đó là thứ ba, ngày quy định cho Anna Arcadievna trở về, cho nên ông ngạc nhiên một cách khó chịu khi thấy một tên đầy tớ đến bảo nàng đã về.

Anna về tới Peterburg từ sáng sớm; nàng đã đánh điện nhắc cho xe ra đón, như vậy chồng không thể không biết nàng đã về. Nhưng khi nàng tới nơi, ông lại không ra đón. Gia nhân thưa là ông chưa ra khỏi nhà và đang bàn việc với chánh văn phòng. Nàng sai người báo cho chồng biết mình đã về, sang phòng giấy riêng và mải miết thu dọn đồ đạc, chờ ông đến gặp. Một giờ qua đi mà vẫn chưa thấy mặt ông. Nàng sang phòng ăn, mượn cớ sai bảo người làm và chủ tâm nói to, đánh tiếng cho chồng chú ý tới; nhưng ông ta vẫn không đến, mặc dầu nàng nghe thấy ông tiễn chánh văn phòng ra tận cửa buồng.

Nàng biết sau đó ông sẽ đến ngay Bộ và nàng muốn gặp ông trước để xác định quan hệ giữa hai người từ nay về sau.

Nàng đi qua phòng khách lớn và tới buồng chồng, bước chân quả quyết. Khi nàng bước vào buồng giấy, ông đã mặc triều phục, ngồi tì khuỷu tay xuống bàn con bên cạnh, rõ ràng sắp sửa đi và nhìn thẳng đằng trước, mặt buồn rầu. Nàng thấy ông trước khi ông thấy nàng và nàng đoán ông đang nghĩ tới mình.

Thấy nàng đi vào, ông toan đứng lên rồi lại lưỡng lự, đỏ mặt lên, một điều chưa bao giờ xảy ra, và cuối cùng hấp tấp đứng dậy, ra đón vợ, không nhìn vào mắt mà nhìn cao hơn, vào trán và tóc nàng. Ông bước lại, bắt tay và mời nàng ngồi.

- Tôi rất bằng lòng mình đã trở về, - ông nói và ngồi xuống cạnh, rõ ràng định nói thêm cái gì đó; - ông không nói tiếp được nữa. Nhiều lần, ông định nói rồi lại nín bặt. Mặc dầu đã chuẩn bị sẵn sàng trút hết khinh bỉ và đổ lỗi lên đầu ông, nàng vẫn không biết nên nói năng ra sao. Nàng thương hại ông ta. Im lặng kéo dài khá lâu.

- Xerioja khỏe chứ? - ông hỏi và không đợi trả lời ông nói thêm: - hôm nay tôi không ăn ở nhà; tôi phải đi ngay bây giờ.

- Tôi đã định đi Moxcva, - nàng nói.

- Không, mình trở về như thế là rất phải, - ông nói và lại nín lặng.

Thấy ông không đủ nghị lực nói ra, nàng bèn chủ động khơi chuyện.

- Alecxei Alecxandrovitr, - nàng nói, chăm chú nhìn ông và không hề cụp mắt xuống trước cái nhìn trân trân vào tóc nàng, - tôi là kẻ phạm tội, một người đàn bà xấu xa, nhưng trước sau tôi vẫn như thế, vẫn y nguyên là con người như hôm nọ tôi đã thú nhận và tôi đến nói cho ông biết tôi không thay đổi được.

- Tôi không hỏi cô việc đó, - ông nói, đột nhiên nhìn vào mắt nàng, vẻ hằn thù và kiên quyết, - thật đúng như tôi đã dự đoán. - Rõ ràng cơn giận đã khiến ông ta lấy lại được tự chủ hoàn toàn. - Tôi đã nói và viết thư cho cô, và tôi xin nhắc lại điều đó, - ông nói, giọng nhỏ nhẹ và sắc, - tôi không cần biết đó. Tôi muốn ngơ nó đi. Không phải người đàn bà nào cũng có nhã ý như cô sốt sắng báo cho chồng biết một cái tin thú vị đến thế (ông nhấn mạnh vào chữ "thú vị"). Tôi sẽ ngơ việc đó đi chừng nào mọi người còn chưa biết chuyện, chừng nào tên tuổi tôi còn chưa bị bôi nhọ. Cho nên, tôi báo trước cho cô biết là những quan hệ của chúng ta vẫn phải giữ nguyên như từ trước đến nay và chỉ trong trường hợp cô tự làm ô danh thì tôi mới dùng đến những biện pháp để bảo toàn danh dự của tôi.

- Nhưng quan hệ của chúng ta không thể giữ nguyên như xưa được, - Anna rụt rè nói và sợ hãi nhìn ông ta.

Khi thấy lại cử chỉ bình tĩnh đó, cái giọng the thé như trẻ con và nhạo báng đó, lòng thương hại liền tiêu tan trước nỗi ghê tởm nàng cảm thấy đối với ông. Nàng chỉ còn sợ hãi, nhưng muốn ra sao thì ra, nàng vẫn cần xác định rành rọt quan hệ của họ.

- Tôi không thể là vợ ông khi tôi... - nàng bắt đầu nói.

Ông cười lạnh lùng và hiểm độc.

- Rõ ràng lối sống cô lựa chọn đã phản ánh vào cách nhìn của cô.

Nhưng vì tôi quá kính trọng dĩ vãng của cô và quá coi khinh cái hiện tại, nên lời tôi nói không thể hiểu theo cái nghĩa cô gán cho nó.

Anna thở dài và cúi đầu.

- Vả lại, tôi thực không hiểu, - ông hăng lên nói tiếp, - tại sao một người đàn bà độc lập như cô, không ngần ngại báo cho chồng biết rõ mình bội bạc và không hề thấy đó là tội lỗi, lại áy náy về chuyện làm tròn bổn phận với chồng.

- Alecxei Alecxandrovitr! Ông muốn gì tôi kia chứ?

- Tôi muốn không bao giờ gặp gã đàn ông đó ở đây. Tôi muốn cô xử sự thế nào để cả ngoài xã hội lẫn bọn đầy tớ đều không thể dị nghị về cô... Tôi yêu cầu cô không được gặp hắn nữa. Tôi tưởng thế cũng không phải là đòi hỏi quá đáng. Để bù lại, cô có thể hưởng quyền lợi của một người vợ lương thiện mà không phải làm nghĩa vụ của mình. Điều tôi cần nói với cô tóm lại chỉ có thế thôi. Bây giờ đến lúc tôi phải đi rồi. Tôi không ăn ở nhà.

Ông đứng dậy và ra cửa. Anna cũng đứng dậy theo. Ông nghiêng mình không nói gì và nhường nàng ra trước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.