Sáng hôm sau, tôi đắn đo không biết có nên ghé qua phòng Meredith không, nhưng rồi nhát quá nên đành tự mình đến chỗ ăn sáng. May mà tôi cũng biết nhà ăn nằm ở đâu (Kỹ năng sống dành cho học sinh mới, buổi thứ hai). Tôi kiểm tra thẻ ăn rồi giương cao chiếc ô Hello Kitty. Trời đang mưa tí tách. Thời tiết cũng chẳng thương xót cho ngày đầu đến trường của tôi.
Tôi băng qua đường với một nhóm học sinh đang tán dóc. Bọn nó không để ý tôi, nhưng chúng tôi cùng nhau tránh những vũng nước mưa. Một chiếc xe con trông như đồ chơi của thằng em tôi chạy qua, bắn nước vào một đứa đeo kính. Nó chửi thề và bị lũ bạn hùa vào trêu chọc.
Tôi tụt lại phía sau.
Thành phố này mang màu xám trong. Bầu trời cao vời vợi và những tòa nhà bằng đá cùng toát ra sự thanh lịch lạnh lùng, phía trước tôi, điện Pathéon mờ ảo lung linh. Mái vòm khổng lồ và những cột trụ nguy nga của nó vươn lên bao trọn phần ngọn của những tòa nhà kế bên. Mỗi lần nhìn thấy nó, tôi đều không thể dứt ra. Cứ như thể nó được lấy cắp từ Rome cổ đại hay chí ít cũng từ đồi Capitol vậy. Những thứ tôi không thể chiêm ngưỡng từ cửa sổ lớp học.
Tôi không biết ngôi điện ấy để làm gì, nhưng chắc sẽ sớm có người nói cho tôi hay.
Nơi tôi ở kế bên khu Latin, hay còn gọi là khu vực hành chính thứ năm. Theo từ điển bỏ túi của tôi nó có nghĩa là quận và những tòa nhà trong quận tôi nằm san sát nhau, uốn cong quanh những khúc cua với vẻ lộng lẫy của những chiếc bánh cưới. Vỉa hè nêm chật học sinh và du khách, đường phố nhan nhản cùng một loại băng ghế, đèn đường, bụi cây trong hàng rào kim loại, nhà thờ kiến trúc Gothic, cửa hàng bánh kếp bé xíu, kệ bưu thiếp và những ban công sắt được chạm trổ duyên dáng.
Nếu đây là một kỳ nghỉ, tôi tin chắc mình sẽ bị hút hồn. Tôi sẽ mua móc khóa hình tháp Eiffel, chụp ảnh con đường lát đá và gọi một đĩa ốc sên. Nhưng tôi không đi nghỉ ở đây. Tôi sống ở đây và cảm thấy mình nhỏ bé.
Tòa nhà chính của trường Mỹ chỉ cách tòa nhà Lambert – ký túc xá học sinh hai năm cuối cấp – hai phút đi bộ. Để vào trường tôi phải đi qua một cánh cổng tò vò to khủng bố, nối ra sân sau với những tán cây được tỉa tót tỉ mỉ. Hoa phong lữ và dây thường xuân rủ xuống các ô cửa sổ mỗi tầng, đầu sư tử đá uy nghiêm được chạm khắc ở giữa những cánh cửa xanh sẫm cao gấp ba lần chiều cao của tôi. Mỗi bên cửa treo một lá cờ đỏ, trắng, xanh – một của Mỹ, một của Pháp.
Nơi này trông cứ như một phim trường. Nàng công chúa bé nhỏ[1] chẳng hạn, nếu bộ phim ấy được quay ở Paris. Làm sao một ngôi trường như thế này tồn tại được nhỉ? Và bằng cách nào tôi ghi danh vào học được? Bố tôi họa có điên mới tin tôi thuộc về chốn này. Tôi vất vả thu ô lại và đang kê mông đẩy cánh cửa gỗ nặng nề thì một cậu bạn chỉn chu với mái tóc lòa xòa quẹt qua, đâm vào chiếc ô của tôi. Cậu ta lập tức bắn ra ánh mắt đáng ghét như thể (1) đó là lỗi của tôi khiến sự kiên nhẫn của cậu ta chỉ ngang đứa bé chập chững và (2) cậu ta chưa đủ ướt sũng vậy.
[1] Tên phim nguyên gốc tiếng Anh: A Little Princess, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1995.
Hai điểm trừ cho Paris. Thây kệ ngươi, Anh chàng Chỉn chu.
Trần nhà tầng trệt cao đến khó tin, không khí thoang thoảng mùi nước tẩy hương cam và bút xóa. Tôi đi theo tiếng đế giày lộc cộc để đến nhà ăn. Dưới chân là nền nhà lát đá hoa cương với hoa văn hình chim sẻ lồng vào nhau, còn trên tường, phía cuối hành lang, là một chiếc đồng hồ mạ vàng túc tắc điểm giờ.
Ngôi trường này vừa đáng nể lại vừa đáng sợ. Nó nên dành cho những học sinh có vệ sĩ riêng và ngựa Shetland chứ không phải một đứa mua phần lớn quần áo từ trang Target như tôi.
Cho dù tôi đã nhìn thấy nhà ăn này trong chuyến tham quan trường thì nó vẫn làm tôi ngất ngư. Tôi đã quen ăn trưa trong phòng thể dục đa năng nồng nặc mùi hôi của đống quần jockstrap[2] ố màu. Ở đó chỉ toàn những dãy bàn dài với băng ghế gắn liền, ly giấy và nĩa nhựa. Những cô gái đeo mạng tóc điều hành quầy tính tiền phục vụ pizza đông lạnh, khoai tây chiên đông lạnh và cá chiên xù đông lạnh, còn máy nước ngọt và máy bán hàng tự động chu cấp phần còn lại trong chế độ dinh dưỡng của tôi.
[2] Quần jockstrap là một loại đồ lót được thiết kế để hỗ trợ và bảo vệ nam giới trong các hoạt động thể thao.
Còn chỗ này – chỗ này có thể là một nhà hàng.
Không giống vẻ quý phái cổ xưa của sảnh lớn, nhà ăn này thanh lịch và hiện đại, đầy kín những chiếc bàn tròn và cây cảnh treo trong chậu. Tường màu quýt và chanh, một ông người Pháp đội mũ đầu bếp trắng tinh đang nhanh nhẹn phục vụ nhiều loại thức ăn trông có vẻ xanh tươi ngon lành. Có nhiều lô nước đóng chai, nhưng không phải loại cola nhiều đường lắm chất kích thích mà toàn là nước hoa quả và khoảng một tá các loại nước khoáng thiên nhiên. Thậm chí còn có một bàn dành riêng cho cà phê. Cà phê. Tôi biết vài đứa học trò làm việc cho Starbucks ở Clairemont cực kỳ thèm được uống cà phê trong trường.
Ghế ngồi đều đã được lấp đầy, mọi người trò chuyện với bạn bè qua tiếng hét của các đầu bếp và tiếng bát đĩa lách cách (đĩa sứ xịn chứ không phải đồ nhựa đâu nhé). Tôi đứng như tượng ở lối vào. Từng đám học sinh lách qua tôi, túa ra mọi hướng. Ngực tôi thắt lại. Tôi nên tìm bàn ăn hay gọi bữa sáng trước? Và bằng cách nào tôi có thể gọi món khi mà cái thực đơn chỉ rặt một thứ tiếng Pháp khỉ gió thế kia?
Tôi giật nảy người khi nghe có ai đó gọi tên mình. Làm ơn, làm ơn, làm ơn đi…
Quét mắt qua đám đông, tôi thấy một bàn tay năm-chiếc-nhẫn đang vẫy gọi ở góc xa. Meredith chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh, tôi bèn len lỏi đến đó, cảm kích và thở phào nhẹ nhõm.
“Mình đã định gõ cửa phòng cậu để chúng mình đi chung, nhưng không biết cậu có phải tuýp ngủ nướng không.” Meredith cau mày lo lắng. “Xin lỗi nhé, đáng lẽ mình nên gõ cửa. Cậu trông bơ vơ quá chừng.”
“Cảm ơn đã để dành chỗ cho mình.” Tôi đặt đồ đạc xuống và ngồi vào chỗ. Còn hai người khác đang ở đó, họ cũng có mặt trong bức ảnh dán trên gương của Meredith. Tôi lại căng thẳng và chỉnh ba-lô dưới chân.
“Đây là Anna, người mà tôi vừa kể với hai người đó,” Meredith nói.
Một cậu bạn cao lêu nghêu với mái tóc ngắn ngủn và chiếc mũi dài chào đón tôi bằng ly cà phê. “Josh,” cậu ta nói. “Và Rashmi.” Cậu ta hất đầu về phía đứa con gái bên cạnh, lúc này hai người họ đang nắm tay bên trong túi áo khoác của Josh. Rashmi đeo kính gọng xanh, suối tóc đen dày buông xõa xuống lưng. Nó chỉ liếc qua tôi đúng một cái.
Được rồi. Chẳng phải việc gì to tát.
“Còn thiếu St. Clair nữa.” Meredith nghển cổ khắp căng-tin. “Cậu ấy thường đến muộn.”
“Luôn luôn,” Josh sửa lưng. “Luôn luôn đến muộn.”
Tôi hắng giọng. “Hình như tối qua mình gặp cậu ấy rồi. Ở hành lang.”
Josh cười điệu. “Mọi người đều cảm mến anh St. Clair.”
“Ôi, im cho tôi nhờ,” Meredith nói.
“Không có em trong đó đâu nhé.” Lần đầu tiên Rashmi nhìn tôi như muốn ước lượng xem liệu tôi có thể cảm mến bạn trai nó hay không.
Josh buông tay bạn gái và thở phào một cách cường điệu. “Ồ, anh thì có đấy. Anh đã mời anh ấy tham dự vũ hội cuối năm. Anh biết năm nay bọn anh sẽ thắng mà.”
“Trường này có vũ hội cuối năm hả?” Tôi hỏi.
“Chúa ơi, làm gì có,” Rashmi nói. “Đúng đấy Josh. Anh và St. Clair sẽ rất dễ thương trong hai bộ vest giống nhau.”
“Vest đuôi tôm.” Giọng nói Anh khiến tôi và Meredith giật thót. Cậu bạn hành lang. Cậu bạn xinh trai. Tóc cậu ta ướt đẫm vì mưa. “Anh muốn mặc vest đuôi tôm, nếu không anh sẽ đưa hoa cài áo của em cho Steve Carver đấy.”
“St. Clair!” Josh bật khỏi ghế và họ ôm chầm nhau, vỗ lưng hai cái theo cách cổ điển.
“Không hôn ư? Em buồn đấy, anh bạn.”
“Vợ em có thể giận đấy. Nó vẫn chưa biết chuyện đôi ta.”
“Nhảm thật,” Rashmi nói, nhưng vẫn mỉm cười. Trông nó đẹp hẳn ra. Nó nên thư giãn khóe miệng thường xuyên hơn.
Cậu bạn hành lang xinh trai (tôi nên gọi cậu ta là Étienne hay St. Clair nhỉ?) thả ba-lô và luồn vào ghế trống giữa Rashmi và tôi.
“Anna.” Cậu ta ngạc nhiên khi thấy tôi, và tôi cũng ngơ ngác. Người ta nhớ ra mình.
“Cái ô đẹp đấy. Đáng ra sáng nay nên dùng ô.” Cậu ta cào cào tóc và một giọt nước đáp xuống cánh tay tôi. Tôi nín lặng. Xui xẻo thay bao tử tôi đã thay chủ nó lên tiếng. Mắt cậu ta lóe sáng bởi tiếng bụng sôi ùng ục và tôi chợt nhận ra chúng to và nâu đến thế nào.
Josh đã đúng. Ắt hẳn tất cả tụi con gái ở trường đều cảm mến cậu ta.
“Nghe khiếp quá. Cậu nên ăn chút gì đi. Trừ phi…” Cậu ta giả vờ kiểm tra tôi rồi xích lại thì thầm. “Trừ phi cậu là loại con gái không bao giờ ăn uống. Thế thì không chấp nhận được. Phải cách ly vĩnh viễn cậu với cái bàn này.”
Tôi quyết định sẽ thành thật với cậu ta. “Mình không biết cách gọi món.”
“Dễ ợt,” Josh nói. “Xếp hàng. Nói cho họ biết thứ chị muốn. Nhận lấy những món ngon. Sau đó đưa họ thẻ ăn của chị và hai panh[3] máu.”
[3] Đơn vị đo lường. 1 panh xấp xỉ 0,473 lít.
“Em nghe nói năm nay họ nâng giá lên ba panh rồi,” Rashmi nói.
“Họ muốn tủy xương,” Cậu bạn hành lang điển trai nói. “Hoặc vành tai trái của cậu.”
“Cám ơn mọi người, nhưng mình đang nói cái thực đơn cơ mà.” Tôi chỉ vào tấm bảng phấn phía trên các đầu bếp. Nét chữ bay bướm được viết với ba màu hồng, vàng và trắng kia chính là thực đơn bữa sáng. “Nó không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.”
“Cậu không biết tiếng Pháp?” Meredith hỏi.
“Mình đã học tiếng Tây Ban Nha được ba năm. Mình chưa từng nghĩ sẽ chuyển đến Paris.”
“Không sao cả,” Meredith nhanh nhảu nói. “Nhiều người ở đây cũng không nói được tiếng Pháp mà.”
“Nhưng hầu hết đều nói được,” Josh bồi vào.
“Nhưng hầu hết đều không thạo lắm.” Rashmi lườm cậu ta.
“Vậy thì chị sẽ học ngôn ngữ thức ăn trước. Ngôn ngữ của tình yêu.” Josh xoa bụng như một Đức Phật gầy nhẳng. “Oeuf. Trứng. Pomme. Táo. Lapin. Thỏ.”
Tôi lại liếc tấm bảng phấn kia. Vẫn là thứ tiếng Pháp ngoằn ngoèo. “Vậy, ừm, mình phải làm gì?”
“Được rồi.” Cậu bạn hành lang điển trai đẩy ghế ra. “Đến đây nào. Mình cũng chưa ăn.” Tôi không thể không nhận ra có vài đứa con gái há hốc mồm khi chúng tôi len giữa đám đông. Một đứa tóc vàng mũi khoằm mặc áo lửng trẻ trung xuất hiện ngay khi chúng tôi đứng vào hàng. “Này, St. Clair. Mùa hè của cậu thế nào?”
“Chào Amanda. Cũng vui.”
“Cậu đã ở đây hay trở về London?” Amanda dựa vào một đứa cột tóc đuôi ngựa, tạo tư thế phơi bày thân thể ở mức tối đa.
“Mình đến San Francisco với mẹ. Kỳ nghỉ của bạn có vui không?” Cậu ta nhã nhặn hỏi, nhưng tôi vui vì nghe được sự dửng dưng trong giọng nói ấy.
Amanda hất tóc, bất thình lình nó biến thành Cherrie Milliken. Cherrie thích xõa tóc và xoắn xoắn từng lọn quanh ngón tay. Bridgette tin cuối tuần nào Cherrie cũng đứng trước quạt điện và giả vờ là một siêu mẫu, nhưng tôi thì nghĩ con bé quá bận rộn trong việc dưỡng tóc trong bùn trộn rong biển đu đủ để tìm kiếm sự huy hoàng tuyệt đối.
“Tuyệt vời lắm.” Lại hất tóc. “Mình đã ở Hy Lạp một tháng, rồi ở Manhattan suốt thời gian còn lại. Bố mình có một căn hộ đáng mơ ước có thể nhìn ra công viên Central.”
Câu nào của Amanda cũng có một từ được nhấn mạnh. Tôi khịt mũi nhịn cười và cậu bạn hành lang điển trai ho sặc sụa một cách kỳ quặc.
“Nhưng mình đã nhớ cậu. Cậu không nhận được email của mình sao?”
“Ờ… không có. Chắc nhầm địa chỉ rồi. Hê.” Cậu ta thúc tôi. “Sắp đến lượt chúng ta rồi kìa.” Rồi cậu ta quay lưng với Amanda, nó và bạn nhìn nhau cau có.
“Bài học tiếng Pháp đầu tiên của cậu đã đến. Bữa sáng ở đây đơn giản và chủ yếu có bánh mì – bánh sừng bò là nổi tiếng nhất. Đồng nghĩa với việc không xúc xích và không trứng tráng nhé.”
“Thế thịt xông khói?” Tôi khấp khởi hy vọng.
“Làm gì có.” Cậu ta bật cười. “Bài học thứ hai, những chữ trên bảng. Nghe kỹ và nhắc lại theo mình này. Granola[4].” Tôi nheo mắt khi cậu giương mắt giả vờ ngây thơ. “Tức là ‘granola’ đó. Còn cái này? Da-ua!”
[4] Một món điểm tâm thịnh hành ở Mỹ. Thành phần: bột lúa mạch, lúa mì, hạnh nhân, sữa chua…
“Mình không biết. Sữa chua á?”
“Hiển nhiên! Vậy mà cậu bảo chưa từng sống ở Pháp.”
“Haha. Chết tiệt.”
Cậu ta mỉm cười. “Ồ, biết rồi nhé. Quen mình chưa được một ngày mà đã trêu giọng nói của mình. Gì nữa nào? Có muốn bàn luận về tóc mình không? Hay chiều cao của mình? Quần dài của mình?”
Quần dài của cậu ấy. Tôi muốn lắm.
Ông bác người Pháp đứng sau quầy quát chúng tôi. Xin lỗi, bếp trưởng Pierre. Tôi bị phân tâm bởi Tuyệt Tác Trai Mỹ-Pháp-Anh này. Cậu bạn nhanh nhẹn yêu cầu, “Sữa chua với Granola và mật ong, trứng luộc sơ hay bánh xốp lê?”
Tôi chẳng biết bánh xốp lê trông thế nào. “Sữa chua,” tôi nói.
Cậu ta gọi đồ ăn cho chúng tôi bằng thứ tiếng Pháp sành sỏi. Chí ít với đôi tai non nớt của tôi thì nó thật hoàn mỹ và có thể xoa dịu được bếp trưởng Pierre. Ông thôi trừng mắt rồi khuấy granola và mật ong vào món sữa chua của tôi. Món ăn được rắc thêm vài trái việt quất trước khi hoàn tất.
“Merci, ông Boutin.”
Tôi đỡ lấy cái khay. “Không bánh Pop-Tarts[5]? Không Cocoa Puffs[6]? Mình cảm thấy hoàn toàn bị xúc phạm đấy.”
[5] Một loại bánh quy.
[6] Một loại ngũ cốc hương cacao.
“Pop-Tarts cho ngày thứ ba, bánh quế Eggo cho thứ tư, nhưng họ không bao giờ phục vụ Cocoa Puffs. Hãy chịu đựng đi, vì thứ sáu sẽ có Froot Loops[7].”
[7] Một loại ngũ cốc vị ngọt hương trái cây.
“Một anh chàng Anh Quốc như cậu mà cũng biết nhiều đồ ăn vặt của Mỹ quá nhỉ.”
“Nước cam? Nước nho? Hay nước mâm xôi?” Tôi chỉ nước cam và cậu ta lấy hai chai khỏi thùng. “Mình không phải người Anh mà là người Mỹ.”
Tôi mỉm cười. “Vậy hả?”
“Thật mà. Cậu phải là người Mỹ thì mới vào học TMOP được chứ, nhớ ra chưa?”
“TMOP?”
“Trường Mỹ ở Paris,” cậu ta giải thích. “TMOP.”
Hay quá. Đúng là bố gửi tôi đến đây để mở mang tầm mắt.
Lúc xếp hàng thanh toán, tôi ngạc nhiên trước hiệu quả làm việc của nơi này. Trường cũ của tôi chỉ toàn cảnh chen chúc và chọc tức các cô phục vụ, còn ở đây mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi. Tôi quay mặt lại đúng lúc bắt gặp mắt cậu bạn đang quét dọc cơ thể mình. Tôi nín thở. Cậu bạn đẹp trai này đang tăm tia tôi.
Cậu ta không biết đã bị tôi bắt quả tang. “Mẹ mình là người Mỹ,” cậu ta ôn tồn nói tiếp. “Bố mình là người Pháp. Mình sinh ra ở San Francisco và lớn lên ở London.”
Tôi tìm thấy giọng nói của mình như một phép màu. “Một đại biểu quốc tế thực sự.”
Cậu bạn bật cười. “Đúng đó. Mình không màu mè như lũ các cậu đâu.”
Tôi toan trêu chọc cậu ta thì chợt nhớ rằng người ta có bạn gái rồi. Thứ gì đó đen tối chọc vào các ngóc ngách trong não tôi, buộc tôi nhớ lại mẩu đối thoại với Meredith tối qua. Đã đến lúc thay đổi đề tài. “Tên thật của cậu là gì vậy? Tối qua cậu tự giới thiệu là…”
“Họ của mình là St. Clair. Étienne là tên.”
“Étienne St. Clair.” Tôi cố phát âm giống cậu ta, xa lạ và quý phái.
“Khủng khiếp nhỉ?”
Tôi cười lớn. “Étienne nghe hay mà. Sao mọi người không gọi cậu như thế?”
“Ồ, ‘Étienne nghe hay mà.’ Cậu mới tử tế làm sao.”
Một cậu da rám nắng, mặt mụn, tóc đen dày xếp hàng phía sau chúng tôi. Nó có vẻ rất phấn khích khi thấy St. Clair và St. Clair cũng cười đáp lễ.
“Này, Nikhil, kỳ nghỉ của em vui không?” Cùng câu hỏi với Amanda nhưng lần này giọng St. Clair rất thật lòng.
Cậu nhóc kia chỉ cần có thế để bắt đầu câu chuyện về chuyến đi đến Delhi, về các khu chợ, đền thờ và những đợt gió mùa. (Cậu ta đã tới tận Taj Mahal. Tôi thì chỉ loanh quanh ở bãi biển Panama City và phần còn lại của bang Georgia). Một cậu mảnh khảnh xanh xao với mái tóc bết dính bước đến. Nikhil quên bẵng chúng tôi và chào mừng bạn mình cùng với tràng diễn văn say sưa kia.
St. Clair – tôi quyết định gọi cậu ta như thế trước khi tôi tự làm mình xấu hổ - quay lại nhìn tôi. “Nikhil là em trai Rashmi. Nó là học sinh năm nhất. Rashmi còn một em gái, Sanjita, đang học năm hai, và một bà chị, Leela, đã tốt nghiệp hai năm trước.”
“Cậu có anh chị em không?”
“Không. Còn cậu?”
“Một thằng em ở nhà. Atlanta. Thuộc Georgia. Ở miền Nam.”
Cậu bạn nhướng mày. “Mình biết Atlanta ở đâu mà.”
“Ờ nhỉ.” Tôi đưa thẻ ăn cho anh nhân viên đứng sau quầy. Cũng giống ông Boutin, anh ta mặc đồng phục trắng và đội mũ được hồ cứng. Anh ta cũng để ria mép. Hơ. Tôi không biết người dân xứ này còn giữ phong cách đó. Bếp trưởng Ria Mép quẹt thẻ rồi đưa lại cho tôi với lời merci nhanh.
Cảm ơn. Lại thêm một từ tôi đã biết từ trước. Nản quá đi.
Trên đường quay về bàn, tôi thấy Amanda theo dõi St. Clair từ bàn ăn của Những Con Người Xinh Đẹp Chỉn Chu. Tôi không ngạc nhiên khi thấy cậu bạn tóc lòa xòa có ánh mắt đáng ghét cũng ngồi ở đó. St. Clair đang nói về chuyện trường lớp – ngày đầu tiên của tôi ra sao, giáo viên của tôi là ai – nhưng tôi không nghe được gì. Tôi chỉ còn biết nụ cười khoe răng và dáng đi đầy phóng khoáng tự tin của cậu.