Ba Đường Luân Hồi

Quyển 1 - Chương 20



Đinh Thích còn tưởng đã đến nơi, nhìn bốn bề toàn nước, hắn cảm thấy tình hình không khả quan, sống lưng bất giác lạnh toát. Dịch Táp mở khóa cái túi, lấy xẻng công binh ra rồi đưa cho Đinh Thích.

Tuy nhiên đi mãi mà chẳng thấy có gì khác lạ, Ô Quỷ như thể bị vây khốn, lại cũng giống như gặp phải quỷ dựng tường, cứ nóng nảy di chuyển vòng vòng loạn xạ quanh một chỗ, cánh đập đập tạo nên những tiếng nước lộn xộn trên mặt hồ.

Đinh Thích cau mày: “Đây là chim địa phương à, không phải đồ vô tích sự chứ?”

Dịch Táp nói: “Địa phương thế nào được, gửi từ trong nước qua đấy.”

“Trong nước?”

Đinh Thích nhớ là gia cầm sống đều không thể qua cửa hải quan, mỗi nước đều có suy xét riêng, e sợ dẫn mầm bệnh của nước khác vào nước mình, lại sợ cho vào sẽ phá hủy sự cân bằng của hệ sinh thái động thực vật trong nước nên thông thường đều sẽ bị giữ lại ở bộ phận kiểm dịch để tiêu hủy.

Dịch Táp “ừ” một tiếng, lòng bàn tay nắm chặt chuôi gậy bóng chày: “Vượt biên.”

Khi đó quê nhà bên kia gọi điện thoại cho cô bảo rằng nhờ người mang cho cô ít đồ, cô còn tưởng là đồ ăn, vật dụng hay quần áo, hờ hững đi lấy, kết quả, vén tấm vải phủ trên lồng sắt lên, là một con ô quỷ nhỏ mới tròn sáu mươi ngày.

Nghe bảo phải nộp hai phần tiền, trước đi qua Miến Điện, sau đó tới Lào, cuối cùng vòng sang Campuchia, tính ra hơn cả vượt biên lão luyện.

Có điều tình hình trước mắt này quả thực có gì đó sai sai, Dịch Táp định tới gần để xem thử thì đúng lúc ấy, Ô Quỷ bỗng như thông suốt trở lại, nghển cổ bơi về phía gần bờ.

Dịch Táp thở phào, chuyển hướng theo sau.

Bờ hồ đen thui mỗi lúc một gần, bên bờ có một rừng cây bao quanh, những khu vực không người ven hồ Tonle Sap thi thoảng sẽ có kiểu quang cảnh này, còn gọi là rừng rậm đầm lầy than bùn – do thổ nhưỡng ngâm trong nước suốt một thời gian dài, cành lá khô úa cũng ngày đêm ngâm nước, chẳng cách nào phân hủy, cuối cùng hình thành nên than bùn, cũng sẽ giải phóng vào không khí, cho nên nơi này ngoài mênh mông đầm lầy ra thì còn cực kỳ dễ cháy.

Thấy khoảng cách đã suýt soát, Dịch Táp tắt động cơ, để thuyền trôi nổi theo dòng nước, đồng thời bật đèn pin, chùm ánh sáng chần chừ trên bờ một hồi rồi đột nhiên dừng lại.

Trong luồng sáng nhợt nhạt, chiếu rõ một người phụ nữ.

Cô ta nằm sấp trong chỗ nước nông bên bờ mọc đầy tảo xanh nhỏ xíu, mặc áo ngực màu trắng, phía dưới là váy xà rông màu sắc sặc sỡ, làn da trần trụi dưới ánh đèn hiện lên sắc trắng xanh xao, mái tóc rối tung lềnh phềnh trong nước, dập dềnh theo dòng chảy.

Dịch Táp chống cây gậy bóng chày vào nước, giữ vững thân thuyền ở khoảng cách an toàn.

Hai người ngồi trên thuyền một lát, nhìn Ô Quỷ ngả nghiêng lên bờ, lượn một vòng quanh người phụ nữ kia, cái mỏ liên tục đủn đủn quanh người cô ta.

Cô ta chẳng hề nhúc nhích.

Đinh Thích thấp giọng hỏi: “Chết chưa?”

Dịch Táp chú ý nhìn phản ứng của Ô Quỷ, sau đó gật đầu: “Chết rồi!”

Trong một số chuyện, phản ứng của động vật chuẩn xác hơn so với con người.

Đinh Thích đứng dậy, cầm xẻng công binh bước xuống. Nước chỉ tới dưới đầu gối, càng đi ra ngoài càng nông, mới đi được hai bước, Dịch Táp đã gọi hắn lại: “Chờ chút.”

Cô lấy một hộp hương trong túi ra, rút ba que, trừ hổ khẩu ra thì giữa các ngón tay trên bàn tay trái đều kẹp lên một que, đánh bật lửa châm từng que, đợi đầu hương bắt lửa, vẩy trái vẩy phải để khói hương tản ra, sau đó đưa cho Đinh Thích.

Hắn duỗi tay trái ra nhận lấy với tư thế tay y hệt.

Nghề này của họ xưa nay vẫn luôn tôn trọng người chết, cho rằng “không gì quan trọng ngoài sống chết”, bắt gặp thi thể vô danh trên bờ sông hoặc người chết dưới nước, thông thường đều phải châm ba que hương, vái trước đây, bây giờ và sau này của người đó.

Chết rồi thì ân oán cũng tiêu tan, dẫu là thi thể kẻ thù cũng sẽ không giày xéo.

Trước giải phóng thì còn giúp người ta mồ yên mả đẹp, giờ thì không được, bởi lẽ thi thể kiểu này hơn nửa là liên quan đến các vụ án giết người, xã hội hiện đại có một trình tự điều tra và xử lý hoàn chỉnh, tùy tiện can thiệp phá hoại hiện trường trái lại sẽ không tốt.

Đinh Thích lội nước đi tới, cắm ba que hương vào trong bùn cách đỉnh đầu của người phụ nữ kia chừng một tấc, sau đó ngồi xổm xuống xem xét.

Dịch Táp dùng gậy bóng chày làm sào đẩy, để thuyền tiếp tục trôi vào gần hơn: “Là cô ta à?”

Không cần trả lời, cô cũng nhìn thấy rõ: Trên bờ vai trần của người phụ nữ có rất nhiều vết đâm, da thịt ở miệng vết thương không có tia máu, lộ rõ màu trắng bợt bởi ngâm nước quá lâu.

Dịch Táp lấy một đôi găng tay cao su trong túi ra ném qua, Đinh Thích nhận lấy đeo vào rồi thì đưa tay nhặt vải áo ngực của người phụ nữ kia lên, nhưng nhặt lên gần như toàn dịch lỏng.

Hắn quay đầu nhìn Dịch Táp: “Vải cũng sắp mủn hết ra rồi.”

Thông thường, có thể ngâm quần áo thành ra thế này, không phải một năm thì cũng nửa năm, nhưng quần áo mặc trên thân người, người ngâm lâu từng bấy, trong môi trường và nhiệt độ như vậy, hẳn đã sớm thành xương rồi mới phải.

Đinh Thích vẩy vẩy tay, nhìn chung quanh một lượt, lông mày sắp nhíu lại thành nút thắt: Phương diện nào cũng giải thích không thông, càng khỏi phải nói một hai tiếng trước, người phụ nữ này còn cố gắng giết hắn.

Dịch Táp cũng chẳng ngờ đuổi theo đến cuối cùng lại là tình huống kỳ quái này. Người chết không biết nói chuyện, xung quanh cũng chẳng có manh mối nào khác, cô nghĩ không chắc chắn chi bằng khỏi làm: “Về trước đã.”

Trước hết cứ duy trì nguyên dạng nơi này, thi thể kỳ dị quá mức, không tiện mai táng.

Đinh Thích không cam lòng: “Chờ một chút, tôi xem mặt cô ấy xem.”

Dịch Táp tiếp tục soi đèn cho hắn, nhưng nghiêng đầu sang một bên: Đối với những hình ảnh tất có trở ngại này, xưa nay tránh được cô đều sẽ tránh, đỡ phải sinh lòng ghê tởm, mấy ngày liền cứ ăn cơm là buồn nôn.

Đinh Thích lại cứ gọi cô: “Dịch Táp, cô nhìn thử xem, lạ lắm.”

Dịch Táp đành xoay đầu.

Rõ ràng là khuôn mặt của một cô gái trẻ đẹp, trừ trắng bệch ra thì sinh động như vẫn còn hơi thở.

Điều này lại không đúng rồi, mặt của một người chết đã lâu thế nào cũng không nên như vậy, nhưng đích thực là đã chết, vì khắp người đều bốc lên mùi hôi thối ngai ngái.

Hơn nữa, khuôn mặt này trông quen quen.

Dịch Táp khép mi, cố gắng nhớ lại, tầm mắt như rắn trườn, cấp tốc đảo qua đảo lại giữa những hình ảnh đan xen hỗn loạn đã thấy trong mấy ngày nay. Đinh Thích lên thuyền, biết điều không quấy rầy cô, lúc nhét cái xẻng công binh vào túi, chợt trông thấy bên trong có một tờ giấy vốn được cuộn lại nhưng lúc này lại bung ra.

Hắn tiện tay lấy xem.

Gần như cùng lúc, tầm mắt trong ký ức của Dịch Táp bỗng khựng lại, sau đó, một bức tranh trải ra trước mắt.

Đó là ông già họ Mã, trên mặt mang theo nụ cười rụt rè và lấy lòng, đang run run mở tờ thông báo tìm người cho cô xem…

Tôi tới tìm người, tìm con gái tôi. Nếu cô có ấn tượng thì để ý hộ chút nhé.

***

Sáng sớm, Trần Hói đã ra ngoài đặt hàng.

Địa bàn khác, người cũng khác, chạy chọt lên xuống, đặt hàng một chuyến đặt tới tận lúc mặt trời xuống núi.

Lúc trở về, từ xa đã trông thấy Dịch Táp.

Trên sân phơi tầng một của nhà thuyền kê một cái bàn gấp dáng tròn, cô đang ngồi ăn cơm, túi lớn túi nhỏ chất dưới chân.

Trần Hói tưởng cô sắp đi, lúc đậu thuyền, Lê Chân Hương tới nói chuyện với gã, gã mới biết mình nghĩ lệch rồi.

Bèn hắng giọng oang oang với Dịch Táp: “Cô có ý gì đây? Đưa một người đến ở vẫn chưa đủ à mà còn tự vác xác đến ở nữa?”

Gã biết mình quá nửa là không đuổi được cô, song cáu giận thì vẫn có thể.

Quả nhiên, Dịch Táp thở dài: “Cũng chẳng phải tôi muốn đến ở đâu. Tôi là chủ nhà, người ta tới thăm tôi, xảy ra chuyện ở đây, tôi không tiện ăn nói, sợ có chuyện ngoài ý muốn nữa nên đến đây ở hai ngày, đề phòng chẳng may.”

Trần Hói nguýt cô một cái, ngồi xuống chiếc ghế khác, dẩu môi về phía đống hành lý của cô: “Sao không xách vào?”

Dịch Táp đáp: “Đây chẳng phải là muốn nhận được sự đồng ý của anh đã à? Chủ nhà chưa lên tiếng, sao tôi có thể không biết ngượng mà xách vào chứ.”

Trần Hói cười ruồi hai tiếng, cảm thấy cô giả bộ cũng chẳng giống ai.

Gã quay đầu nhìn phòng kho: “Anh bạn kia của cô…”

Ban đầu tính hỏi đi đâu rồi, hỏi đến nửa chừng thì ngậm miệng, thấy rồi, đang nằm trên giường nghỉ ngơi, đoán chừng tối qua lăn qua lộn lại, mệt đến ngất ngư.

Trần Hói đã ăn ở bên ngoài, nhưng ngồi nhìn người khác ăn cũng cảm thấy buồn mồm, bèn gọi Lê Chân Hương mang hai bình rượu tới, đồng thời thấp giọng: “Rốt cuộc là ai muốn chơi hắn thế? Sáng nay A Hương còn giục tôi tìm người xuống nước xem thử, không phải bảo là người ở dưới nhà thuyền à.”

Vừa nói gã vừa liếc xuống nước: Nếu thật sự có người chết bên dưới “trấn trạch” thì cũng khiếp vía đấy.

Dịch Táp phì cười: “Không có đâu, chị Hương nghĩ nhiều đấy thôi. Này, tôi hỏi anh nhé, Mã Du từng ở đây, có ai trông thấy bao giờ chưa?”

Trần Hói ngớ ra nửa ngày mới sực hiểu Mã Du là ai.

Gã lắc đầu.

Dịch Táp không bỏ cuộc: “Không một ai ấy hả?”

Trần Hói chỉ chỉ xóm nổi: “Nếu mò mẫm đến, ở lì trong nhà không ra ngoài đi lại, hoặc có đi lại cũng chọn lúc không có người thì bố ai mà trông thấy được? Nói đâu xa, chính cô đây này, cô về đã mấy hôm rồi, ban ngày ban mặt thì lúc ẩn lúc hiện, khối người đã biết gì đâu.”

Cũng phải.

Dịch Táp hơi nản lòng, người nào có tài biết trước, nếu dự đoán được sự việc sẽ liên quan đến Mã Du thì hôm đó lúc ông già họ Mã nhét tờ thông báo tìm người cho cô, cô sẽ kéo ông ta lại hỏi triệt để thấu đáo.

Cũng chẳng biết giờ này ông già họ Mã đang ở đâu.

***

Kỳ thực ông ta đang cách cô rất gần.

Chỉ cần ngẩng đầu lên, đưa mắt về phía Tây Nam là có thể trông thấy mái của căn nhà ấy.

Lúc này, ông già họ Mã đang mím môi, trong lồng ngực tim đập như trống dồn, cơ hồ muốn đập ra tiếng sấm.

Ông ta nhìn Đản Tử đứng ở cửa, nhìn tên béo, rồi lại nhìn Tông Hàng hệt đống tro tàn trong góc phòng, sau đó cúi thấp đầu, thấp đến độ rụt vào giữa hai bả vai gầy gò, hy vọng cảnh tượng hành hạ này sẽ mau chóng trôi qua.

“Đi đi chứ,” Thấy Tông Hàng không nhúc nhích, Đản Tử mất kiên nhẫn, “Chẳng phải nói với anh rồi sao, làm rõ rồi sẽ thả người bị bắt nhầm ra, giờ đưa anh về đây.”

Tông Hàng co ro đứng dậy, thật sự là phải đến thời khắc cuối cùng mới biết được thế nào là sống nhục còn hơn chết vinh, dốc hết bản lĩnh ra, chỉ mong có thể kéo dài được giây nào hay giây nấy: “Cũng sắp tối rồi, không tiện lái xe… Hay để mai đi?”

Đản Tử như cười như không cười: “Anh giai à, lúc bọn này trói anh đến đã không thấy ánh sáng, chẳng lẽ đưa anh về lại giữa thanh thiên bạch nhật à? Đương nhiên phải chọn lúc tối trời rồi… Đi mau lên!”

Gã không chịu nổi kẻ lề mề.

Tông Hàng bị gã quát, cả người run rẩy, vẫn phải nở nụ cười, luôn mồm vâng dạ.

Hắn chầm chậm đi ra ngoài, cũng không dám thẳng lưng, trong sự khúm núm mang theo chút bi tráng nhỏ nhoi chỉ mình mình biết.

Hắn đã nghĩ kỹ rồi: Thật sự không thể tránh khỏi, sắp chết đến nơi, phải vì mình mà bật lại một phát, nếu đúng là dìm hắn xuống giữa hồ, hắn sẽ căn thời cơ, liều mạng cũng phải kéo một đứa theo.

Như vậy, về sau sự tình truyền đến tai Tông Tất Thắng, ba hắn sẽ nói, Thằng bé này lúc sắp chết còn chứng tỏ được bản lĩnh đàn ông một lần, Đồng Hồng cũng sẽ lau nước mắt bảo, Hàng Hàng nhà chúng ta đến cùng vẫn là người có chí.

Cho nên bây giờ hắn phải phối hợp, phải khiến bọn Đản Tử cảm thấy hắn vô dụng, như thế chúng mới buông lỏng cảnh giác.

***

Vẫn đi bằng con thuyền đánh cá lúc tới, vẫn là mấy tên đó, trên sân phơi có người phụ nữ đang rửa chén bát, nghe thấy tiếng động bèn ngẩng đầu lên nhìn hắn một cái.

Ánh mắt như thể tiễn đưa linh cữu.

Những đám mây sà thấp xuống hồ lớn, chốc nữa chỉ e sắp đổ mưa. Tiếng động cơ nhanh chóng vang lên, Tông Hàng co ro trong một góc khoang thuyền, ánh mắt dừng lại một hai giây trên cục xi măng đằng sau.

Một số thuyền cá sẽ mang theo cục đá hoặc khối xi măng làm neo, nhưng hắn nhớ, lúc tới trên thuyền rõ ràng không có món đồ này.

Thuyền cá xuyên qua xóm nổi, nhà cửa hai bên đã có vài hộ lên đèn, ánh đèn trong sắc trời hãy còn sáng lờ mờ tỏa ra sắc nghệ già thê lương. Tông Hàng gắng gượng xốc lại tinh thần, lịch sự bắt chuyện với Đản Tử: “Cảm ơn các anh nhé, làm phiền anh quá, trở về tôi sẽ bảo ba tôi mời các anh ăn cơm, các anh muốn ăn gì cũng được.”

Đản Tử nhìn hắn với ánh mắt nhìn kẻ tâm thần, gã cười cợt nhả, còn đưa tay ra vỗ đầu hắn: “Ba nào thế?”

Tông Hàng không chút khí phách cười theo: “Ba thật.”

Đản Tử cười to, quay đầu sang dùng tiếng Thái nói với hai tên kia mấy câu gì đó, thế là cả lũ phá ra cười lăn lộn, phỏng chừng đều cảm thấy Tông Hàng ngu đến mức khó hiểu, cùng coi khinh hắn, lòng cảnh giác tiêu biến mất hơn nửa, thậm chí cũng lười lấy thứ gì đấy che hắn lại tránh tai mắt kẻ khác.

Tông Hàng cười mà lòng xót xa, vô tình ngẩng lên, đột nhiên trong đầu nổ oành một tiếng.

Vậy mà lại nhìn thấy Dịch Táp.

Đúng thật không sai, đó là một căn nhà thuyền cách thuyền cá không xa, cô đang ngồi xổm bưng một cái bát gốm cho một con chim nước to lớn uống nước, một gã đàn ông trung niên đầu hói ngồi bên cạnh, để phanh ngực, trên tay cầm bình rượu.

Ngoài ra, nhà thuyền còn có hai cánh cửa dán câu đối đỏ, dưới khung cửa treo một cái hồ lô, là loại treo trên quải trượng của Thiết Quải Lý (*) hồi nhỏ xem trong tranh liên hoàn (**).

(*) Một trong Bát Tiên.

(**) Nguyên văn: 连环画, là một hình thức nghệ thuật cổ xưa của Trung Quốc, xuất hiện vào thời Tống khi kỹ thuật in ấn trở nên phổ biến, dùng tranh vẽ để kể chuyện, nội dung đa dạng, nôm na cũng giống như truyện tranh của bây giờ.

Máu trong người đột ngột vọt lên não.

Nhà này là người Trung Quốc!

Tông Hàng vụt đứng dậy gào toáng lên: “Dịch Táp! Tôi biết cô! Là tôi!”

Cùng lúc đó, hắn không chút do dự, dốc hết sức lực nhảy ùm vào xuống nước.

Thế giới phút chốc mất đi sự cân bằng, nước ào ào tràn vào trong tai, trong khoang mũi, trước mắt bập bềnh chao đảo, Tông Hàng ra sức khua nước.

Hắn không biết bơi, nhưng hắn nhất định phải quẫy.

Trong tối tăm, hắn nghĩ căn nhà ấy, và cả Dịch Táp, chính là cơ hội sống sót của mình.

Đằng sau truyền tới tiếng động cơ thuyền cá ngay gần, một chân Đản Tử vắt qua mép thuyền, không ngừng chửi bới, nhưng cũng không xuống nước: nước trong khu vực các hộ gia đình rất bẩn, thường toàn là cứt đái rác thải, chưa tới mức bất đắc dĩ, gã sẽ không xuống nước.

Hơn nữa, gã nhìn ra Tông Hàng là một con vịt cạn, chẳng thể trốn thoát.

Trên nhà thuyền, Dịch Táp bưng bát đứng dậy, nhìn bọt nước bắn tung tóe trước mắt, chỉ cảm thấy chẳng hiểu ra sao.

Trần Hói cũng ngơ ngác: “Hắn gọi tên cô kìa, cô biết hắn à?”

Dịch Táp nhìn tên đang giãy dụa trong nước, lại nhìn mặt mũi mấy tên trên thuyền, lắc đầu.

Người phá vỡ cục diện bế tắc này là Lê Chân Hương.

Chỉ thấy chị vẻ mặt hoảng loạn, cuống cuồng lấy cây sào dựng chỗ vách tường nhà thuyền tới, gắng sức ném vào nước: “Sắp chết rồi, cậu ấy không biết bơi, cứu người thôi!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.