Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 19: Đều là người làm cha



Ở trường, bà cụ Hồ rất thích nghe mọi người trò chuyện. Bạn này nói về quá khứ trước kia, kể lại chuyện kiếm tiền nuôi gia đình; bạn kia thì tâm sự về con cái của mình… Những chuyện lặt vặt này, đối với những người khác nó khá tẻ nhạt nhưng bà cụ nghe một cách say sưa.

Tuy nhiên có một chuyện làm bà không được vui cho lắm là mọi người thay đổi nhanh quá. Hôm qua ai cũng muốn có đứa con “có tương lai”, hôm nay thoắt cái là “có tương lai” không còn quan trọng nữa, lúc trò chuyện với nhau, ai cũng muốn có đứa con hiếu thảo.

Bà cụ Hồ thở dài một hơi. Ba của bà còn chưa kịp khoe là mình có đứa con có tương lai thì mọi người đã bắt đầu so coi con ai hiếu thảo rồi.

Vậy rốt cuộc hiếu thảo là sao? Bà cụ không biết, bởi vì trước giờ không ai nói với bà là phải làm một đứa con hiếu thảo, cũng không ai nói với bà hiếu thảo là thế nào.

Buổi trưa, lúc ăn cơm, bà chậm rãi dùng muỗng trộn đều cơm, thức ăn và canh lại với nhau. Cơm canh tỏa ra mùi vị hấp dẫn thế nhưng hôm nay bà cụ Hồ – người trước giờ rất thích ăn – lại không tập trung vào nó.

Trong đầu bà lúc này chỉ toàn là “có tương lai là dám tiêm thuốc”, vậy “hiếu thảo” có khi nào là “tiêm rất nhiều lần” không? Nếu phải tiêm rất nhiều lần mới được xem là hiếu thảo thì đau quá.

Sau khi ăn nửa chén cơm, cuối cùng bà không nhịn được nữa mà quay sang hỏi các bạn: “Hiếu thảo là gì vậy?”

Những ông bà cụ khác đang chậm rãi bưng khay cơm đặt lên bàn, nghe câu hỏi của bà thì tất cả ngớ ra một lát.

Họ không biết tại sao bà lại hỏi câu này, có phải là vì con cái của bà không. Trong tưởng tượng của mọi người, con cháu bà chắc chắn rất hiếu thảo, nếu không sao mỗi ngày bà có thể vui vẻ đến vậy.

Trong mắt tất cả những ông bà cụ khác, bà cụ Hồ là vô cùng đặc biệt. Đều là không thể kiểm soát được tư duy của mình, những người như họ như bị cả thế giới vứt bỏ vậy, nhưng bà cụ Hồ thì khác, ba của bà có thể bắt cả thế giới phải phối hợp với bà, dỗ bà vui vẻ.

Mọi người cùng đưa ra một kết luận rằng nguyên nhân chủ yếu là bà còn có ba, nguyên nhân thứ yếu là ba bà có tiền. Cùng là bị bệnh, già nua nhưng bà cụ Hồ lại có thể ăn mặc tinh tươm sạch đẹp, mỗi ngày đều cười vô âu vô lo; cùng là đầu tóc bạc phơ nhưng chỉ có tóc của em Chúc Chúc là uốn xoăn phồng, toát ra vẻ tao nhã quý phái.

Một bà lão trong đó cẩn trọng hỏi: “Em Chúc Chúc, em có con cái không?”

Ông cụ Hồ nghe được câu hỏi này lập tức nhớ đến Hồ Đào. Tuy biết bạn già của còn nhớ được con trai nhưng thật lòng, ông vẫn luốn né tránh đề tài này.

Nhưng ông cụ chỉ kịp nói một tiếng “Chúc…” thì đã nghe thấy bà lão hưng phấn chia sẻ với các bạn về đứa con của mình: “Rất nhanh nữa thôi là em sẽ có con của mình. Ba em nói rồi, đợi khi nào cây táo sau vườn ra quả thì trong đó sẽ xuất hiện một đứa bé gọi em là mẹ.”

Lúc nói chuyện, mặt bà cụ Hồ trông rất hớn hở, bởi vì các bạn đều chia sẻ về con cái của mình nên bà cảm thấy mình cũng nên như vậy. Bà nghĩ, đợi khi nào có con, bà có thể đưa đứa bé cùng đến trường, vậy là mọi người có thể làm quen với nó.

Bà cũng không quên chuyện quan trọng nhất của mình. “Thế nào là một đứa con hiếu thảo vậy? Em muốn làm một đứa con hiếu thảo.”

Các ông bà lão nghe được câu này thì sống mũi cay cay. Dù bà cụ Hồ có khác với họ thế nào đi nữa thì tuổi tác vẫn xêm xêm nhau, điều đặc biệt nhất chính là bà cụ Hồ – người thần chí không tỉnh táo – vẫn còn có cơ hội làm một đứa con hiếu thảo, mà họ thì không.

Họ nhìn sang ông cụ Hồ. Ông cảm thấy chuyện này không vấn đề gì nên bèn gật đầu. Thế là mọi người đặt đũa xuống. Trong lòng mọi người đều có một tiêu chuẩn riêng, có rất nhiều lời muốn nói, thậm chí lúc còn là học sinh họ cũng không cố gắng trả lời câu hỏi như bây giờ.

“Hiếu thảo là đối xử tốt với cha mẹ.” Một cụ già trước kia là giáo viên nói: “Cha mẹ mình đã lớn tuổi rồi, làm gì cũng sẽ quên cái này cái kia, có khi một câu sẽ lặp lại rất nhiều lần nên phải kiên nhẫn với cha mẹ, không được cáu gắt với họ.”

Cụ già nói đến đây bèn òa khóc. Ông nhớ lại rất lâu trước kia, cha ông nấu cơm cho ông cứ quên bỏ muối, rồi lại không ngừng nhắc đến chuyện lúc ông còn nhỏ. Lúc đó ông không nên cáu gắt với cha mình, đến khi già rồi mới hiểu ra có nhiều chuyện không phải không muốn làm mà là lực bất tòng tâm. Dạo trước, ông nói với cháu nội chuyện chơi bóng rổ, nó bực bội nói ông đã kể lại 800 lần rồi đấy, đến nỗi con thuộc lòng luôn rồi nè. Lúc ấy ông mới hiểu thì ra bản thân cũng đang dần dần trở nên giống với cha mình.

Bà cụ Hồ gật gù ra vẻ đã hiểu, sau đó tiếp tục hỏi: “Em không có cáu gắt với ba em.”

Rồi bà nghi hoặc hỏi: “Sao anh lại khóc ạ?”

“Không sao, anh chỉ nghĩ đến chuyện trước kia thôi.” Ông cụ lau nước mắt, thở dài một hơi: “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn. Em Chúc Chúc, bây giờ em phải tốt với ba mình một chút.”

Bà cụ Hồ nghĩ ngợi rồi nói: “Như thế nào mới được xem là tốt với ba?”

Ông cụ Hồ nhìn những người kia vụng về hiến kế cho vợ mình. Đương lúc ông cũng định góp thêm ý kiến thì điện thoại reo lên. Ông mở tin nhắn ra xem thì thấy là Hồ Đào gửi đến:

“Ba, Tiểu Mãn xảy ra tai nạn giao thông, cho con mượn 100 ngàn được không.”

Ông cụ đọc đến đây thì giật thót cả mình, vội vàng trả lời: “Bây giờ các con đang ở đâu? Có nặng lắm không? Ba đến đó ngay.”

“Ba, sức khỏe của ba không tốt nên cứ nghỉ ngơi đi. Nó bị xe đụng trúng, bị gãy xương. Ba, cho con mượn tiền đi, có tiền là con trả ba ngay.”

Ông cụ Hồ thở dài một hơi, đành phải chuyển tiền sang.

Ông đột nhiên hiểu được nỗi chua xót của bà cụ bị con trai vòi tiền lúc trước. Đâu còn cách nào khác, ông không thể ngồi nhìn cháu gái xảy ra tai nạn mà không quan tâm, sau này để lại di chứng thì phải làm sao.

Ông cụ Hồ nhìn bạn già của mình bên cạnh. Bà không ăn cơm nữa, canh cũng bỏ lại luôn, chỉ tập trung tinh thần nghe mọi người nói chuyện, vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc. Mọi người nói một câu là bà gật đầu một cái, ghi nhớ ngay, còn nghiêm túc hơn cả khi lên lớp nữa.

Buổi chiều sau khi tan học, bà cụ Hồ nắm tay ba mình, trịnh trọng nói: “Ba ơi ba, từ nay con sẽ làm một đứa con gái hiếu thảo!”

Kim Sân mặc chiếc áo khoác dài bằng bông, phong độ ngời ngời. Đột nhiên nghe được câu này, anh suýt nữa bật cười thành tiếng. “Sao tự nhiên con lại muốn làm một đứa con gái hiếu thảo?”

Bà cụ Hồ thở dài một hơi, trông rất ra dáng. “Họ thay đổi nhanh thật đấy. Hôm qua còn nói có tương lai là tốt, hôm nay lại nói có tương lai không quan trọng, quan trọng là phải hiếu thảo.”

Kim Sân luôn hiểu được ý của con gái mình, bảo: “Con sợ người khác có con cái hiếu thảo mà ba không có, sẽ bị họ bắt nạt đúng không?”

Bà cụ Hồ gật đầu thật mạnh.

Kim Sân biết ngay là mình không đoán sai mà. Anh còn nhớ lúc con gái còn đi nhà trẻ, những ông bố khác đều kết bạn với nhau đi đón con, chỉ có anh là đi một mình, không bao giờ trò chuyện với người khác. Con gái anh bèn cảm thấy chắc chắn là vì ba của người khác đều là anh hùng mà anh không phải, họ không chơi với anh nên con bé muốn anh cũng trở thành anh hùng, còn làm áo choàng siêu nhân cho anh nữa.

Thời thơ ấu, con gái từng lang thang khắp nơi. Trong hai năm ấy, những bạn nhỏ khác không chơi với con bé, điều này đã để lại nỗi ám ảnh sâu trong ký ức của con. Vì thế đến bây giờ, con anh cũng không muốn anh thiệt thòi hơn những ông bố khác.

Kim Sân an ủi con gái: “Đừng lo, ba có rất nhiều bạn, mọi người đều rất hâm mộ ba.”

Bà cụ Hồ nhìn ba mình, rất tế nhị không vạch trần lời nói dối của anh. Các bạn đều nói ba mẹ tuổi đã cao, trở nên lẩm cẩm, mình phải yêu thương cha mẹ, không được để họ buồn lòng.

Kim Sân hoàn toàn không thể ngờ là buổi sáng đưa con gái đi học, anh vẫn là người cha lợi hại nhất, đến chiều đón con về thì mình đã trở thành một người cha tuổi tác đã cao, cần được kiên nhẫn lắng nghe.

Tối đó, Kim Sân ở trong phòng làm việc. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, anh vẫn đang nghiên cứu những luận văn khoa học bao năm nay của con gái con rể. Với anh mà nói, đọc hiểu những thứ này là chuyện rất tốn công sức. Nhìn bản báo cáo, mày anh cau chặt lại.

“Cốc cốc cốc…” Tiếng gõ cửa vang lên, Kim Sân nghe là biết con gái mình vì tiếng gõ có tiết tấu khá nhanh.

“Vào đi.” Kim Sân đóng bản báo cáo lại, mặt nở nụ cười, lên tiếng đáp.

“Ba ơi, ba mở cửa cho con đi.” Bên ngoài vang lên tiếng nói.

Cửa phòng làm việc không khóa, chỉ cần đẩy nhẹ là ra nhưng con gái đã gọi ra mở cửa thì Kim Sân  lập tức đứng dậy đi ngay, không chê phiền toái.

Lúc mở cửa ra, ánh đèn ấm áp hắt ra bên ngoài, chiếu lên hai con người đang đứng đó, và cả cái chậu trên tay họ nữa.

Con gái con rể anh lúc này đang khiêng một cái chậu bằng gỗ, bên trong có nước ấm bốc hơi. Dưới ánh đèn, làn hơi ấy trông như một làn sương mờ màu vàng nhạt.

Bà cụ Hồ nghiêm túc nói: “Ba ơi, ba mau tránh ra cho chúng con đi vào.”

Kim Sân ngớ người giây lát rồi tránh sang một bên. Anh vừa nhường đường, hai ông bà thở hồng hộc khiêng cái chậu nước đến chỗ chiếc ghế cạnh bàn làm việc. Bà cụ Hồ quay lại, mang theo vẻ thúc giục. “Ba ơi, ba đừng có đứng đó nữa, mau qua đây đi.”

Bà đi đến cạnh ba mình, kéo anh tới chỗ cái ghế, vỗ vào đó như muốn phủi sạch bụi bặm (vốn không tồn tại) trên đó xuống, sau đó nói: “Ba ngồi đi ạ.”

Kim Sân có chút luống cuống không biết làm sao, còn bà cụ Hồ thì tỏ ra người lớn, nói với ba mình rằng: “Bây giờ tuổi ba đã cao, người già phải ngâm chân trong nước ấm thì mới tốt cho sức khỏe. Tay ba lạnh thế này là do ba già rồi mà không chịu ngâm chân đó.”

Kim Sân: “…” Không, tay ba lạnh vì ba là tử thần.

Anh thầm nghĩ như vậy nhưng lại nhanh chóng cởi giày ra, cho chân vào trong nước ấm. Hơi ấm của làn nước lập tức lan truyền ra cả người.

Lần đầu tiên trong đời Kim Sân được ngâm chân trong nước ấm, cả người thoáng chốc như được thả lỏng, thế giới cũng trở nên ấm áp hơn nhiều. Anh không chút không quen cho lắm, ngước mắt lên thì thấy con gái đang cúi đầu, vừa nghiêm túc vừa mong đợi hỏi: “Ba ơi, ba có thấy thoải mái không?”

Kim Sân nở nụ cười, đáp: “Rất thoải mái.”

“Vậy sau này mỗi ngày ba phải ngâm chân nhé.” Bà cụ Hồ lập tức nói. Có thể thấy, bà rất nhọc lòng chăm lo cho sức khỏe của ba.

Từ những lời trò chuyện của các bạn, bà cụ Hồ loáng thoáng hiểu rằng ba mình tuổi tác đã rất cao nên phải chú ý đến sức khỏe, chú ý dưỡng sinh.

Trong mắt những ông bà cụ khác, có lẽ ba của bà cụ Hồ ít nhất cũng hơn chín mươi rồi, tuổi này lúc nào cũng phải chú ý sức khỏe. Bà cảm nhận được sự lo lắng từ những người khác, vì thế giờ đây luôn nhìn ba mình với ánh mắt cần được bảo vệ.

Ông cụ Hồ đứng bên cạnh nhìn hai cha con nhà này. Đều là người làm cha, nhìn con gái của người ta rồi nhìn lại con trai mình mà…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.