Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 125: Thiên túc



Sự sụp đổ và tan biến của Linh đài xảy ra chớp nhoáng như chỉ trong một đêm. Nó đến đi chóng vánh đến mức không ai kịp phản ứng. Chẳng khác nào thái dương khuất bóng sau chân trời, trải qua một đêm tĩnh lặng rồi tiếp tục ló dạng như mọi ngày.

Nhưng đối với Ô Hành Tuyết, trải nghiệm tuyệt nhiên không được như vậy.

Ấy không phải chuyện một sớm một chiều, và dĩ nhiên không chớp nhoáng trong nháy mắt, mà kéo dài đằng đẵng không thấy điểm kết.

Năm xưa, chàng từ tiên đoạ ma, ngồi giữa biển lửa ngất trời khắp Lạc Hoa Đài, bị lửa dữ thiêu thân, bị xé toạc linh phách, bị triệt tiêu tiên nguyên… quá nhiều cơn đau thể xác bủa vây dồn dập, thế mà vẫn không thể sánh nổi lần này.

Bởi lần này, chàng phải trải qua sự tĩnh lặng chết chóc mà mình kháng cự nhất.

Lần này không giống với đợt tĩnh toạ ba năm hồi trước. Ít ra, trong lần tĩnh toạ ba năm đó, chàng còn biết khí kình mình đang lưu chuyển trong cơ thể và linh phách vẫn đang tĩnh dưỡng.

Còn hiện tại, hoàn toàn không có gì.

Cứ như thể… thật ra chàng đã chết rồi, chẳng qua chưa tự phát giác ra mà thôi.

***

Trên thực thế, đúng là Ô Hành Tuyết đã chết vào thời điểm Thiên đạo sụp đổ triệt để. Lúc đó, điều chàng từng nhắc đến khi thẩm vấn Linh đài đã được minh chứng rõ rệt…

Nó quả thực có “sinh tử”, và quả thực có “thiện ác”.

Vì vậy vào thời điểm tiêu vong, nó đã phát sinh một chuyện không nên có, chuyện được phàm nhân gọi bằng cái tên không cam lòng, còn người trong tiên môn đặt là nỗi “oán hận” lúc lâm chung.

Những oán hận của phàm nhân quấn siết quanh thân thể người đã sát hại họ, còn khi Linh đài tiêu vong, những “oán hận” đó lồ ng lộng như rồng như mây rồi bám rịt vào hai người đã đẩy nó vào bước tận cùng huỷ diệt.

Không một ai có khả năng gánh chịu nỗi oán hận nặng nề như thế khi đã sức cùng lực kiệt.

Chính vì vậy, ngay khoảnh khắc Linh đài bị triệt hạ và tiêu vong, thực chất cả Tiêu Phục Huyên lẫn Ô Hành Tuyết đều đã chết.

Nhưng trên thế gian còn tồn tại một câu thành ngữ thường xuất hiện trong miệng người đời song không ai có thể xác minh, ấy là câu “Gieo nhân nào gặt quả nấy”.

Không xác minh được là vì đây không phải sự cân bằng được ấn định rạch ròi, cũng không phải một lẽ tất yếu. Không một ai dám khẳng định quả báo có đến hay không, và đến khi nào. Đấy là thứ không bao giờ nói trước được.

Nó có tồn tại vốn dĩ là bởi một khi con người ta đã sống trong trời đất thì đi đến đâu rồi cũng sẽ lưu lại dấu vết, dù đó là ác hay thiện. Mà hễ có người còn nhớ rõ cũng tức có thể sẽ có người báo đền.

Thật ra, từ rất lâu về trước, đã từng có một người đánh cược sinh mệnh mình trong âm rền lôi kiếp bên dưới gốc thần mộc. Ngay bản thân người đó còn không nhớ rõ, nhưng khi bên bờ vực của cái chết, người đó đã tìm đến được đoạn nối tiếp của câu chuyện xưa…

Thời điểm nỗi “oán hận” của Thiên đạo ập xuống đầu Tiêu Phục Huyên, ánh sáng sức mạnh của thần mộc đã soi toả muôn nơi và cân bằng hết thảy.

Nhờ đó, khoảnh khắc tử vong cũng trở thành tân sinh, linh phách bị tan vỡ vì nhận lôi kiếp đã vẹn nguyên trở lại.

Cách trở mấy trăm năm, những thiện ý và phù hộ rồi đã đến hồi kết, mỗi nhân gieo đều kết quả.

Xưa kia, trong nhân gian có một truyền thuyết, kể rằng trên bệ đá cao nhất Lạc Hoa Đài có một gốc thần mộc thân cao rợp trời, lọng tựa vòm mây. Cây ấy có linh mang lòng bi mẫn, khắc ghi những điều tử sinh.

Dẫu là bậc quý hiển hay kẻ đầu đường, dẫu được người ghi nhớ hay chẳng một ai hỏi thăm, thì gốc cây thần ấy vẫn mãi trổ hoa đón sinh, lìa cành lúc tử, tán cây lộng lẫy như ráng đỏ chiều hôm.

Gốc thần mộc rợp trời trong truyền thuyết ấy chỉ hiện hình trước mắt phàm nhân trong hai trường hợp. Một là khi con người vừa cất tiếng khóc chào đời, lần còn lại là lúc người ta từ trần.

Về sau thế sự đổi dời, cảnh còn người mất, ngay đến truyền thuyết kia cũng mai một đi mất, rồi từ đó trên thế gian không một ai nhìn thấy được nữa.

Nhưng vào lúc này đây, Tiêu Phục Huyên đã “nhìn thấy”.

Ngay bên bờ vực của cái chết, trong khoảnh không đen ngòm lặng lẽ, bất giác y trông thấy một vách đá cao, trên vách đá có bóng dáng một thân cây êm ả.

Mãi đến lúc phát giác mình đang giắt kiếm trên người và vất vả cất bước tiến về đỉnh vách núi kia, y mới sực nhận ra những gì trước mắt không phải điều y “nhìn thấy”, mà ấy là nhớ về.

Vào thời khắc chấm dứt đời này, sau chót y đã nhớ ra chuyện xảy đến vào cuối đời trước của mình…

Y băng xuyên qua màn khói báo động chốn sa trường và sự tĩnh lặng vô tận, bước l3n đỉnh vách đá cao, chống kiếm giữ vững người dưới gốc thần mộc rồi ngẩng đầu lên.

Y đâu hề trông thấy tán hoa mãn khai rực rỡ như ráng hoàng hôn thường nghe trong truyền thuyết. Lờ mờ lọt vào đôi mắt đỏ quạch vì nhuốm máu của y là một bóng trắng tinh khôi đang ngồi tựa lưng vào chạc cây, tưởng chừng như ánh nắng rạng ngời đang len lỏi toả xuống qua từng kẽ lá đan xen.

Biết mình đã hoa mắt rồi, nhưng đó thật chính là tia nắng ấm sau cùng y được nhìn thấy.

Đó chính là Ô Hành Tuyết.

***

Tiêu Phục Huyên đã nhớ lại hết những chuyện từng xảy đến vào thời khắc qua đời, nhớ lại khởi nguồn của tất cả mọi sự vương víu xảy đến sau này. Từ giây phút này về sau, chuyện của hai người được trọn vẹn như thuở đầu, sẽ không còn chỉ một người ghi nhớ nữa.

Vào khoảnh khắc Tiêu Phục Huyên chết đi rồi sống lại ấy, bức tượng bạch ngọc trong túi gấm đeo bên hông y rung lên cành cạch. Vô số sợi tơ ánh vàng toả ra từ bạch ngọc, chiếu xuyên qua túi gấm, bao bọc kín kẽ người đã tạc nên nó.

Ấy chính là ái tình son sắc được lưu giữ trong bức tượng từ ba trăm năm trước, là từng đường từng nét kiếm để khắc nên chú thuật vào thời điểm y tĩnh toạ ngoài cực bắc. Chú thuật này có hiệu lực nối liền sinh tử giữa y và Ô Hành Tuyết.

Hễ Tiêu Phục Huyên còn sống, thì Ô Hành Tuyết sẽ sống.

Bọn họ từng có quá nhiều những liên kết và hệ luỵ nhân quả, trong đó mối vương víu sâu nặng nhất chính là Thiên đạo và thần mộc. Mà giờ đây Thiên đạo tiêu vong, thần mộc báo đền. Từ đó triệt tiêu cả đôi đường.

Bọn họ chết đi, rồi sống lại. Từ rày về sau, những ràng buộc sâu đậm nhất giữa hai người chỉ còn thuộc về lẫn nhau, không còn phải mang gánh nặng nhân quả trên vai.

***

“Linh Vương” dòng rối loạn đã bị tận diệt triệt để, theo đó tất cả mọi sự tương quan với hiện thế đều không tồn tại.

Còn thần mộc, trong lúc chống đỡ “oán hận” của Thiên đạo, nó không chỉ báo đáp việc Tiêu Phục Huyên thay mình nhận lấy lôi kiếp năm xưa, mà còn đáp ứng vô vàn những lời khấn nguyện nó từng nghe được và trả lại cho chúng sinh một thế gian trong sạch…

“Linh Vương” không tồn tại, dòng rối loạn “không tồn tại”, vì vậy hết thảy những việc đã xảy ra từ hệ quả của thiện ác cân bằng do Thiên đạo áp đặt cũng không còn tồn tại.

Cõi thế gian hoàn thiện chỉ hiện hữu tự thân mình, trải trên đoạn thời gian thanh bình nhất, rồi từ đó chầm chậm trôi về phía trước…

Đối với Ô Hành Tuyết và Tiêu Phục Huyên, bao nhiêu chuyện xảy đến kia chính là một quãng đường dài đấu tranh cùng sinh tử, con đường mà họ dốc bước ba trăm năm mới nhìn thấy điểm cuối. 

Nhưng đối với nhân gian ở hiện thế, hết thảy chỉ là một giấc mơ hãi hùng. Người ta đánh một giấc say sưa, nằm mơ về một vùng trời tối tăm u ám và xác người la liệt nơi nơi. Rồi đến khi rạng đông ló dạng đón ánh bình minh, người ta nheo mắt tỉnh giấc và trông thấy cánh yến loé qua mái hiên. Tất cả tiếng khóc tang thương và khung cảnh kinh hãi chừng như sương khói trên mặt sông buổi sớm, bỗng chốc đều dạt về nơi xa.

Tất cả thế gian đều ngưng đọng dưới ánh nắng ấm áp, sau chút bần thần giây lát, chẳng còn mấy ai nhớ đến cơn ác mộng ấy nữa.

Rồi về sau, nó cũng chỉ thi thoảng xuất hiện trong những mẩu chuyện kể dân gian mà thôi.

Truyện dân gian kể rằng, trên đời từng có một gốc cây thần, và cũng từng hiện hữu một toà Tiên Đô, nhưng về sau cả hai đều biến mất. Chúng biến mất đúng dịp tháng ba. Nghe đâu khi đó ánh mặt trời bao phủ vạn vật, nhờ vậy mà toàn bộ hạnh mai đều mãn khai rợp cành chỉ sau một đêm, vào ngày mồng ba, và nở rực rỡ nhất vào ngày mồng bảy.

Hoa thắm lay động phố núi.

Nhân gian ngập tràn sắc xuân, ngoại trừ trên đỉnh vách núi cao nhất Lạc Hoa Đài, nơi có một gốc đại thụ xác xơ khô héo. Thân cây ấy to lớn, sừng sững chọc trời, nhưng cành cây không một chiếc lá, và cũng chẳng có lấy một đoá hoa.

Có người nói rằng đây là dấu tích còn lại của thần mộc, nó xác xơ khô héo là bởi lẽ tất cả nhành hạnh mai trên thế gian đã thay nó trổ hoa rợp cành vào thời điểm tiết trời vừa đẹp.

Còn có người nói rằng thần mộc không nở những loài hoa của nhân gian. Nếu bạn nhìn thấy một thân cây héo tàn không hoa không lá xuất hiện đồng thời với mây tía ùn ùn kéo đến kín trời hòng tôn lên sự khô cằn của chạc cây… cũng tức là bạn có duyên nhìn thấy nó.

Chuyện dân gian thường kể rằng trên đời từng có tiên, nhưng không ai trả lời được danh tính những vị tiên đó, họ thành tiên như thế nào, và sau này họ đã ra sao.

Thành thử, đời sau cũng hiếm có ai biết được rằng…

Trên đời từng có một vị tiên xưng hiệu “Thiên Túc”.

Ngày mà y chết đi rồi sống lại, Linh đài tiêu vong, thần mộc tự triệt hạ, giúp cho nhân gian tỏ rạng ánh mặt trời, người người bừng tỉnh khỏi giấc mộng đồ sộ. Tất cả những khổ đau, gian truân, cùng khung trời u ám đều hoá hư không. Ấy chính ứng với tên hiệu của y.

Tên hiệu y là Miễn.

Miễn giả, tức “xá”, giải trừ trăm tội thế gian.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.