Hôm nay bé Ánh Dương đến nhà tôi mua đồ ăn sáng. Như mọi lần, tôi đều ưu tiên làm cho em ấy một phần đầy thịt thơm ngon.
Ánh Dương dựa vào tủ cười hớn hở, nói nhỏ: "Anh cho nhiều thịt thế này thì em sẽ béo lăn quay như con heo mất thôi."
Tôi cười, nói: "Tuổi này ăn nhiều mới có sức khoẻ."
Bé vừa đứng vừa gặm bánh mì, hỏi tôi mấy lần: "Rồi chừng nào anh mới đi học."
"Tí nữa." Tôi bận bán hàng nên chỉ bé vô trong ngồi.
Ánh Dương lắc đầu: "Thôi, không ngồi. Anh cứ làm đi, em phụ bỏ bịch cho."
Tôi đang bận nên cũng không ra lấy ghế được, nhưng không muốn em Tuấn Anh phải mệt nên cứ giục: "Không cần. Đi ra ghế ngồi ăn nhanh còn đi học."
Tôi cứ làm được cái nào, bé lại tranh phần đưa cho khách cái đấy, nhất là mấy phụ huynh đậu xe ngoài xa, còn kiêm luôn nhiệm vụ chạy tới chạy lui thối tiền.
Mẹ tôi cười trêu ghẹo: "Ánh Dương tính về Bắc mở quán hay sao mà giờ đã giành làm trước lấy kinh nghiệm rồi."
"Dạ vâng ạ." Ánh Dương cười xinh xắn, lộ hẳn hai lúm đồng tiền sâu rõ hơn cả Tuấn Anh.
Có cô đang ăn bún nói xen vào: "Có khi muốn làm con dâu cũng nên."
Tôi vội vàng nói: "Em nó đang còn nhỏ, cô đừng đùa như vậy."
"Đúng thế. Con bé mới học lớp 8 thôi. Anh ruột nó học chung lớp với thằng An nên anh em thân nhau ấy mà." Mẹ tôi cũng bực trong lòng nhưng vẫn phải cười niềm nở với khách, âm thầm lắc đầu ra hiệu cho tôi đừng nói gì gay gắt.
Tôi quay sang phía Ánh Dương đang hằm hằm bặm môi, nói: "Em lên trường đi kẻo trễ. Không phải phụ anh đâu."
Ánh Dương vừa nhai bánh mì vừa bĩu môi, nói nhỏ: "Đấy là khách nhà anh chứ ở chỗ khác là em ụp tô bún lên đầu rồi."
Tôi bật cười.
"Em nói thật đấy. Anh Tí chưa bao giờ kể về em cho anh nghe à? Chán thế nhờ. Em thích danh tiếng của mình vang xa cơ."
"Danh tiếng cỡ nào?" Tôi hỏi.
Tuấn Anh cũng có kể nhưng tôi nghĩ cậu ấy nói quá. Anh trai thường hay chê em gái ruột mà.
Mắt Ánh Dương sáng lấp lánh, phồng má khoe: "Đánh nhau giỏi chứ sao! Em phải lập được chiến tích nhiều hơn anh Tí mới được. Sau này ra Bắc em phải thành chị đại."
Tôi dở khóc dở cười, nói: "Đó là tai tiếng! Con gái đừng nên đánh nhau. Sẽ bị thương. Nếu bị ở mặt sẽ xấu xí giống anh đó." Tôi chỉ lên cái bớt trên mặt mình.
Ánh Dương nhìn qua, nói: "Ê, anh An, cái bớt này giờ nó hồng nhàn nhạt không rõ như hồi xưa nhỉ? Em nhớ hồi xưa, em không biết phân biệt ai với ai nhưng chỉ nhận ra mỗi anh, vì có bông hoa trên mặt."
Ánh Dương chạy qua đưa bánh cho khách ngoài đường rồi quay lại nói: "Thì em bắt chước anh Tí mà, hồi nhỏ em đâu biết gọi là bớt. Nhớ hồi xưa buồn cười ghê, suốt ngày leo lên mái nhà người ta để nhìn trộm anh nấu cơm, chẻ củi với cho heo, cho gà vịt ăn. Nhà em không có mấy con đó nên nhìn anh làm thấy vui gì đâu."
Tôi bật cười. Mấy chuyện này Tuấn Anh từng kể cho tôi nghe hết rồi. Còn nói có bữa trời đổ mưa bất ngờ, nhìn tôi lủi thủi vội vàng cào thóc một mình từ xa thấy thương mà không biết phải làm sao. Lúc đó nhà tôi chưa cất lại, nhỏ lọt thỏm giữa mấy nhà cao lớn. Cậu ấy nói "Nhìn An bé con con mà kéo bạt che thóc xong còn phải ôm củi vào bếp, thu một đống quần áo che kín lên tận đầu, xếp xô ra hứng nước mưa, cả người ướt chèm nhẹp nhưng vẫn đi tìm từng bé gà con lạc mẹ đem vào chuồng. Cuối cùng chân tay đầy sình đất cũng lấy que cậy bùn dính trong dép ra vườn trước rồi mới xách dép lên sân giếng chà rửa."
Ngày nhỏ tôi làm tất cả mấy việc đó thấy cũng bình thường, con nhà nghèo không làm thì ai nhảy vào làm giùm cho. Nhà ai cũng thế chứ không phải riêng nhà tôi. Nhưng qua lời kể xót xa của Tuấn Anh, tôi nhìn lại cũng thấy mình lúc nhỏ thuộc dạng ngoan, so ra tôi còn kiêm cả việc chăm sóc em ăn uống tắm rửa, không đến nỗi bỏ bê nhà cửa cơm nước như mấy thằng bạn hàng xóm, chiều nào về cũng toàn văng vẳng tiếng cô bác mắng mỏ vì không chịu nấu cơm.
Tôi trách cậu ấy bắt tội em mình, Tuấn Anh nói "dẫn nó đi để trưởng thành."
Trời ơi, con nít tiểu thư đài các mới mấy tuổi đầu mà bắt người ta chiều chiều dầm mưa dãi nắng trên nóc nhà để trưởng thành?
Tuấn Anh kể "Khi đó mưa to tầm tã nhưng hai anh em vẫn lì trên nóc nhà phía xa xa đứng nhìn mãi, ban đầu có nhét bé Ánh Dương trú dưới mái tôn nhưng con nít không sợ mưa, nó thấy An làm việc thú vị thì muốn xem. Hồi xưa An lại không chơi với Tuấn Anh, còn đuổi tránh xa ra nên Tuấn Anh rất sợ, dù muốn cũng không chạy tới giúp An được. Chỉ sợ sẽ càng bị cạch mặt thêm."
Ánh Dương nói: "Cũng nhờ anh mà tụi em tốt lên."
Tôi bỏ bánh lá vào bịch bóng, hỏi: "Tốt như thế nào?"
"Em biết ăn xong tự rửa chén phần của mình chứ không để đó cho cô giúp việc nữa."
Tôi mỉm cười, khen: "Giỏi quá vậy ta!"
Tôi là khen thật. Không biết những nhà giàu hẳn như đám Tuấn Anh thì sẽ sống thế nào, nhưng tụi em họ tôi nhà bình dân mà đến lớn rồi ăn xong vẫn còn vứt bừa ra đấy cho mẹ dọn đây này. Năm xưa bé Ánh Dương còn nhỏ đã tự biết rửa chén là quá ngoan rồi.
Ánh Dương nói tiếp: "Nhưng anh Tí ăn xong thì bắt nạt em, bắt em rửa cả chén của anh ấy."
Tôi: "..."
Vừa rồi tôi không nghe thấy gì hết!
Tuấn Anh của tôi là hoàn hảo nhất!
Lại kể thêm: "Em còn biết lau và quét dọn. Nhưng em chỉ lau dọn phòng mình thôi. Cả cái nhà to lắm nên phải nhờ cô giúp việc làm." Bé kể xong còn có vẻ ngại ngùng gãi đầu cười hì hì.
Nhà Tuấn Anh cả gia đình đều tốt thật đó. Nói chuyện tinh tế lịch sự, ra dáng con nhà có ăn có học. Nhà em ấy trả tiền để thuê giúp việc làm việc nhà nhưng mà em vẫn biết ơn, coi đó như là việc của bản thân mà phải nhờ đến người khác giúp vô điều kiện vậy.
Tôi cười: "Giỏi quá trời rồi. Thế Tuấn Anh có ức hiếp bắt em dọn phòng anh ấy không?"
Ánh Dương vừa thối tiền cho khách vừa lắc đầu: "Không. Hồi nhỏ mới bắt em dọn thôi. Bây giờ anh ấy giấu vàng trong phòng rồi. Đố ai mà vô được."
Bé quay lại đứng bên cạnh tôi, cười rạng rỡ: "Bố em còn bảo, chắc Tuấn Anh giấu người yêu ở trỏng."
Giờ mới nhớ lại câu hôm trước Tuấn Anh nói, phòng ở nhà cậu ấy còn dán hình tôi nhiều hơn...
Tôi bất giác sờ lên má mình. Tự nhiên trời hôm nay nóng nóng vậy ta?
"Với hồi xưa phòng nhỏ còn đỡ, bây giờ phòng anh ấy to như như như..." Ánh Dương nhìn xung quanh nhà tôi, chắc đang tìm từ để miêu tả, sau đó nói: "Nói chung là nguyên cái tầng vậy đó. Em làm sao mà dọn nổi. Dọn phòng em đã đủ gãy tay rồi. Mẹ bảo cứ để cô giúp việc dọn cho không cái phòng thúi quắc ra nhưng anh Tí nổi quạu lên, không thích ai đụng vào đồ đạc của mình. Thôi thôi muốn tự dọn thì để tự dọn đi. Nhà em ai cũng sợ anh Tí."
"Vậy à? Anh tưởng Tuấn Anh sợ bố chứ? Thấy bị bố đánh miết mà."
Ánh Dương cười: "Đánh tượng trưng vậy thôi. Có mỗi thằng con trai mà, không lẽ lại giết nó."
Tôi nhăn mặt búng lên trán Ánh Dương một cái: "Em nói chuyện nghe bạo lực quá! Đừng học Tuấn Anh mấy từ bậy bạ."
"Ôi dào! Mấy cái này em biết từ bé tí! Yên nghe em nói tiếp đã." Ánh Dương đến tận giờ mới ăn xong, đi qua hàng bún của mẹ tôi vứt rác rồi quay lại tám tiếp.
"Mấy tin đồn linh tinh không có đúng đâu. Nhà em á hả, cưng anh Tí nhất! Đương nhiên cũng cưng em nhưng con gái thì thương kiểu khác, bảo bọc hơn, cũng không sợ em làm ra chuyện kinh thiên động địa gì. Nhưng anh Tí thì khác. Từ cụ em tới ông em thương ảnh, bây giờ bố em cũng thế. Nên là ai cũng sợ ảnh nổi điên đi biệt tích thì mới phải huy động người đi tìm."
"Tính anh Tí không hiền giống như trên lớp đâu. Khùng khùng điên điên, không ai quản nổi. Nhưng mà không quản thì cũng phải quản. Đâu thể để ảnh bê tha theo bọn xấu được. May mà ảnh cũng không xấu. Em muốn lớn lên thành người giống anh Tí." Ánh Dương cười tự hào nói.
Tôi thì bận tâm đến vấn đề khác. Tôi biết tính Tuấn Anh nóng lạnh thất thường, nhưng tại sao gia đình lại lo con mình nổi điên đi biệt tích? Đó là tư duy không bình thường chút nào. Trừ khi...
Tôi hỏi bé xem tại sao lại sợ Tuấn Anh bỏ đi.
Ánh Dương bĩu môi: "Thì ảnh có tiền án tiền sự rồi chứ sao!"
"Cái gì?" Tôi hốt hoảng hỏi.
"À~" Ánh Dương cười hì hì, giải thích: "Ý là từng bỏ đi rồi."
Tôi gấp gáp hỏi: "Khi nào?"
Ánh Dương đăm chiêu nhíu mày suy nghĩ, cuối cùng cười nói: "Lần đầu là năm ảnh đi học thực nghiệm cuối cấp một. Lúc đó là vì anh nè."
Tôi ngạc nhiên: "Sao lại vì anh?"
"Anh Tí không muốn đi xa. Lúc đó ông nội vẫn còn ở đây, ảnh gom hết đồ đạc chuyển sang bên đó sống, nói đi thì không ai bảo vệ anh."
Tôi xấu hổ muốn đội quần, bèn nhắc khéo: "Em nói nho nhỏ thôi." Thực ra nãy giờ tụi tôi đều nói không lớn tiếng, em ấy cũng nói nhỏ riêng với tôi rồi, là do tôi quá ngại nên cứ có cảm giác cả làng đều đang cùng nghe chung.
Ánh Dương che miệng cười rồi đứng sát vào tôi, kể tiếp: "Bố mẹ em nói không được, mắng không xong, đánh thì ông nội cản, cuối cùng mẹ phải hứa lên hứa xuống đảm bảo anh đi học không bị ai trêu chọc, bắt nạt thì anh Tí mới đồng ý. Hồi xưa, năm đó lúc ra chơi em cũng toàn chơi gần chỗ anh để xem có ai ngứa đòn không là lại múc nó liền. Tiếc là không có thằng nào chán sống."
Tôi buồn cười, cuối cùng vịn cả thành tủ đứng cười. Ánh Dương cũng cười hì hì, hỏi: "Thấy em ngầu không?"
Tôi gật gật đầu, bật một ngón tay cái: "Ngầu! Ngầu nhất xóm rồi."
Cười xong tôi lại hỏi: "Mà sao em nói lần đầu? Còn lần nào nữa à?"
Ánh Dương gật đầu lia lịa: "Đương nhiên là còn. Còn lần sau."
"Lần sau thế nào?"
Ánh Dương tắt hẳn nụ cười, mắt đảo sang chỗ khác nói: "Lần sau cũng thế thôi ấy mà. Không có gì đặc sắc đâu."
Tôi nhíu mày: "Sao lại cũng thế được? Làm gì còn lần nào đi học xa nhà nữa?"
"Thì cũng là bỏ nhà đi xong lại về thôi. Hihihihi."
Tôi thở dài, nói: "Em cười không có miếng cảm xúc nào luôn đó. Cứ kể cho anh biết đi."
Ánh Dương phụng phịu: "Tại anh với anh Tí chơi thân. Em sợ kể xong anh lại buồn."
Tôi lo lắng hỏi: "Sao vậy? Lần này tình cảnh nghiêm trọng hơn sao?"
Ánh Dương lắc đầu: "Lần này là ảnh bỏ nhà đi vì người khác."
"Vì ai?" Lòng tôi chùng xuống.
"Em không biết nữa. Ảnh có bạn gái hay sao đó."
Tay tôi run lên, tim nhói đau một cái rõ ràng nhưng vẫn mỉm cười, nói dối: "Có bạn gái thì sao anh lại buồn được. Anh phải mừng cho anh ấy chứ."
Ánh Dương ỉu xìu: "Em không biết nữa. Nhưng em nghĩ tới cảnh con bạn thân em mà có bồ rồi không có thời gian chơi với em nữa là em buồn muốn xé nó ra làm hai."
Tôi dở khóc dở cười, anh em nhà này bạo lực quá! Người con gái bình thường không phải là nên buồn muốn khóc sao?
Nhưng tôi vẫn muốn biết người mà Tuấn Anh quan tâm tới nỗi phải cãi cha cãi mẹ bỏ nhà đi là ai.
Tôi hỏi: "Em kể chi tiết lần đó cho anh biết đi."
Ánh Dương đảo mắt nhớ lại: "Hình như cũng mới đây thôi, năm ngoái hay sao đó, không có sự kiện gì lớn nên em không nhớ rõ mốc thời gian."
"Lúc đó cũng tối muộn, mẹ em có nhận được cuộc điện thoại tìm anh Tí, là giọng con gái."
"Không biết bên kia nói gì mà anh Tí nghe xong thì vội vội vàng vàng xin phép bố mẹ đi ra ngoài. Hỏi đi đâu thì nói là đi tìm bạn."
"Không phải bố mẹ em vô tâm mà thực sự lúc đó trễ lắm rồi. Bố em nói, tìm thì đã có gia đình người ta tìm rồi, đâu đến lượt thằng con nít phải lo."
"Nhưng anh Tí một hai không chịu, lời qua tiếng lại một hồi thì lấy chìa khoá xe máy bỏ đi."
"Bố em cũng nổi điên khoá cửa gara rồi nói từ con tùm lum."
"Anh Tí mở cửa không được thì quỳ xuống tuyên bố, hôm nay nhất định phải ra khỏi nhà. Hôm sau về cứ việc đánh chết ảnh đi, không đánh chết thì ảnh cũng không sống ở căn nhà này nữa."
"Ôi trời ơi anh không tưởng tượng được đâu! Mẹ với em can ngăn hai người không nổi luôn!"
"Ai cũng nóng, không ai chịu nhường ai. Chỉ một việc nhỏ mà làm tới cỡ đó."
"Bố em mà chịu nhường sớm là xong chuyện rồi. Đằng này cứ làm cho căng lên."
"Anh Tí mở không được thì đấm vào cửa cuốn rầm rầm làm nó móp một miếng luôn."
"Tới giờ bố em vẫn không thay cửa, nói là để đó mỗi lần nhìn tới sẽ nhắc nhở bản thân."
Tôi nói: "Bố em cũng không sai."
Ánh Dương gật đầu: "Đúng là lúc đầu không sai, chỉ là lo cho con cái. Nhưng về sau càng nóng càng sai. Anh Tí thì lúc đầu xin phép đàng hoàng, còn hứa sẽ đi an toàn, tìm xong sẽ về nhà liền. Cuối cùng thành ra cãi nhau, đòi đi bụi luôn."
"Rồi sao nữa? Tuấn Anh đấm cửa mở ra được à?" Tôi tò mò hỏi.
Ánh Dương phì cười: "Anh cứ làm như anh ấy là siêu nhân không bằng. Ảnh đấm cho hả dạ thôi. Sau đó nói sẽ chạy bộ đi tìm rồi tính trèo cổng đi luôn."
"Mẹ em hỏi ở tận đâu mà phải lấy xe. Ảnh nói ở thôn Thường Xuân."
Nãy giờ tôi đã lờ mờ đoán được, nghe tới đây thì càng thêm chắc chắn. Tôi biết lúc ấy Tuấn Anh đi tìm ai rồi. Người con gái gọi tới mà mẹ cậu ấy bắt máy là Diệu Hiền. Đó là thời gian sau khi ông nội tôi mất, tôi bị sốt mê sảng mộng du đi tới ngoài nghĩa địa nằm.
"Trong đó đường mòn rừng rậm tối hù, nhà thì cả cây số mới có một căn, lại còn không ở mặt đường, lỡ có chuyện gì cũng chẳng ai hay. Mẹ em mắng bố một trận, cuối cùng mở cửa, để yên cho anh Tí lấy xe."
Tôi biết sáng hôm sau Tuấn Anh mới rời đi, nhưng lúc ấy không biết cậu ấy vì mình mà nổi điên với gia đình như vậy thì có chịu trở về nhà hay không.
Tôi hỏi: "Rồi Tuấn Anh có về không?"
Ánh Dương lắc đầu: "Đêm đó không về."
Tôi hỏi lại cho chắc chắn: "Sáng có về nhà đúng không?"
Ánh Dương gật đầu.
"Đêm đó bố em chuẩn bị xích sắt, roi da hết rồi. Đợi anh Tí về thì tẩn cho một trận rồi xích tay chân lại cho khỏi đi đâu."
Tôi kinh hãi cắt dưa trúng ngón tay, bèn lấy dây thun quấn qua loa lại cho em bé tập trung kể chuyện. Đang đến đoạn gay cấn.
"Mẹ em chửi cho lên bờ xuống ruộng, nói con ông chắc nó chịu về để cho ông xích đấy, dạy con kiểu chẳng giống ai có ngày nó đi biệt tích thì kêu trời không thấu, kêu đất không hay."
"Bố em xưa giờ hướng anh Tí theo ngành nhưng mẹ thì muốn anh ấy tự do lựa chọn tương lai hơn. Bố em kiểu chấp niệm mấy đời làm trong quân đội, không muốn đến đời con thì mai một."
"Cũng chính vì cái nghề này vắng nhà suốt, ít gần con cái nên không hiểu anh Tí."
"Bố em thức trắng đêm còn em với mẹ vẫn ngủ ngon lành."
"So với bố thì mẹ con em hiểu anh ấy hơn. Anh Tí tuy là bị thần kinh nhưng vẫn có chừng mực. Sẽ không làm những việc thương thiên hại lý, suy đồi đạo đức hay vi phạm pháp luật."
"Không phải anh trai mà em khen đâu, em ghét anh ấy như chó vậy đó nhưng không thể vì vậy mà phủ nhận sự giỏi giang của anh ấy. Còn phụ giúp bố mẹ xử lý công việc lận mà. So với anh ấy thì em vẫn chưa bằng một góc."
"Anh Tí vẫn là hình tượng mà em muốn hướng đến. Em lẽo đẽo theo chân anh ấy từ khi còn đi lẫm đẫm. Sao mà không hiểu tính khí cho được. Anh Tí là người uốn nắn cho em từng chút một để sống cho ra hồn người. Tuy bọn em hay dùng nắm đấm thật nhưng là đánh đúng người đúng tội chứ chưa bao giờ vô cớ gây sự với ai hết."
"Đêm đó em với mẹ biết thừa anh Tí gây chuyện như vậy sẽ không về nhưng chắc chắn ngày mai sẽ về để chịu đòn. Còn sợ là chịu đòn xong sẽ bỏ sang nhà ông sống một mình thật. Dù sao ông bà cũng cho anh ấy ba căn nhà ở đây. Ảnh muốn sống ở đâu chả được."
"Bố em được mẹ chửi cho ra bã cuối cùng cũng nghĩ thông suốt. Anh Tí vừa về là chạy ra ôm khóc tu tu như con nít ấy. Còn năn nỉ anh ấy đừng bỏ đi. Nhìn vào không biết đâu là bố, đâu là con luôn."
Tôi mỉm cười. Nhà Tuấn Anh dạy con nền nếp gia giáo nên hai anh em đều chững chạc sớm. Nghe bé nói chuyện ai mà không biết chắc chắn không đoán được em ấy mới học lớp 8. Nhưng tôi và Ánh Dương nói chuyện rất nhỏ tiếng, không ai nghe được.
"Bố mẹ em buồn cười lắm. Lúc nào cũng kiểu vừa đấm vừa xoa. Lúc thì đánh, khi thì nịnh. Đợi ăn cơm xuôi xuôi rồi mới dò hỏi xem đêm qua đi tìm ai, đã tìm được người hay chưa."
"Rồi ảnh nói tìm ai?" Tôi cố ý hỏi.
"Ảnh nói, tìm một người vô cùng quan trọng. Nghe ghê chưa? Em với bố mẹ nghe mà sặc phun cả cơm ra ngoài."
Tôi gật đầu: "Ừm. Ghê thiệt. Rồi có tìm được chưa?"
Ánh Dương bĩu môi: "Đương nhiên là tìm được. Anh biết Anh Tí nói sao không? Ảnh nói, chưa tìm được người thì con chưa về, không tìm được người thì con không về."
Nhại lại giọng kiên định của Tuấn Anh xong thì Ánh Dương tặc lưỡi: "Không biết ai mà có phước thế không biết?"
"Anh đó." Tôi cười tủm tỉm.
Ánh Dương há mồm tròn mắt, hỏi lại: "Ai cơ?"
"Anh." Tôi mỉm cười, có hơi xấu hổ một chút.
"Ui chao! Anh cười kiểu này thấy đẹp trai quá trời quá đất!"
Nghe vậy, tôi hơi mất tự nhiên, hắng giọng lấy lại cơ mặt, nhưng nói thật nghe xong bé kể thì vui vẻ trong lòng không nhịn được cứ muốn cười.
"Mà lúc đó sao phải đi tìm anh tận trong Thường Xuân luôn vậy? Ngoài này không nghe tiếng gió gì hết. Anh Tí ngu quá! Nếu nói thẳng ra là tìm anh thì có khi bố mẹ em còn huy động cả người tìm phụ. Nhà em ai cũng quý anh. Bố em mắng anh Tí thì toàn lấy anh ra nói, nhìn con nhà người ta kìa đó."
Tôi hơi ngại nên nói: "Năm ngoái anh vào nhà ông chơi rồi bị lạc nên bạn học có gọi điện kể cho Tuấn Anh."
Ánh Dương gật gù: "Em cũng không ngạc nhiên mấy. Đúng! Nên là anh mới hợp lý! Anh Tí đó giờ có quan tâm ai đâu mà tự nhiên có bạn gái được. Nhỏ tới giờ chỉ cưng mỗi anh. Suốt ngày dắt em đi nhìn trộm anh làm việc rồi về bắt chước làm theo. Tới mẹ em còn nói hay là tới nhà anh xin ba mẹ anh cho nhận làm con nuôi. Ha ha ha ha."
Tôi cũng bật cười. Nói Ánh Dương đợi xíu để tôi lấy cặp rồi đi học chung luôn.
Ánh Dương lắc đầu: "Không, hôm nay em đi học trước đây."
Nói rồi chỉ tay sang bên kia đường: "Anh bị đau chân đúng không? An Tí đang chờ bên đó kìa."
Tôi nhìn theo thấy Tuấn Anh đang ngồi trên xe đạp nói chuyện với mấy người nữa. Giờ mới nhớ tới hôm qua cậu ấy dặn dò tôi chờ cậu ấy lên đón. Thì ra là đi xe đạp chở. Đừng nói là đợi từ lúc Ánh Dương lên tới giờ đó nha. Chân tôi hôm nay đi lại bình thường được rồi mà.
Tôi hỏi, bé gật đầu.
Tôi vội vàng chào hỏi mẹ, rồi nói: "Sao em không nói sớm. Để mất công ảnh đợi lâu."
Ánh Dương với tôi cùng sang đường, nói: "Anh Tí không cho, dặn em tới phụ chạy bàn cho anh. Khi nào đến giờ anh đi học mới được nói. Thôi em đi đây. Bye bye."
"Không." Ánh Dương lắc đầu: "Em không thích đi học chung với ảnh đâu. Anh đau chân mà, lên nhanh đi. Em đi đây."
Vì đang ở gần nhà nên tôi cũng không dây dưa, tự nhiên ngồi lên yên sau, hỏi: "Tuấn Anh đợi lâu chưa?"
Cậu ấy cười, đạp đi: "Lâu rồi. Đợi từ đêm qua tới giờ."
Tôi phì cười, nói: "Rõ ràng là mới đợi từ lúc Ánh Dương lên."
"Vậy sao còn hỏi."
"Thì hỏi xã giao mà."
"Đừng có xã giao, hỏi mấy câu thật lòng đi. Phải hỏi Tuấn Anh có nhớ An không? Sau đó Tuấn Anh trả lời là có. Tuấn Anh hỏi lại, An cũng trả lời rằng có, nhớ muốn điên lên được, trằn trọc suốt đêm, cồn cào đau thắt ruột gan chỉ trông cho trời mau sáng để được nhìn thấy Tuấn Anh để thoả nỗi mong nhớ."
Tôi ôm bụng cười sảng. Nói ít còn thấy ngượng, nói một hồi tôi thấy bình thường luôn. Tuấn Anh chỉ có nói xàm là giỏi.
Tôi mắng: "Đúng là mặt dày vô liêm sỉ!"
"Giờ mới biết à? Mặt Tuấn Anh mà dày số hai thì không ai ở cái huyện này dám nhận số một đâu." Cậu ấy nói với giọng điệu vô cùng tự hào.
"Chân An hết đau rồi." Tôi thông báo.
"Chưa đâu."
"Hết rồi."
"Chưa! An cứ cãi không à. Chân An chẳng lẽ Tuấn Anh không biết."
"..."
Nghe cứ lấn cấn chỗ nào!
Cậu ấy nói tiếp: "Nó đang lành thôi. Nếu vận động mạnh thì tối sẽ lại đau rồi ngày mai lại đi khập khiễng. Tuần này để Tuấn Anh đưa đón đi."
Cậu ấy hỏi: "Sáng giờ nói chuyện gì với con nhóc kia mà vui vẻ dữ vậy?"
"Nói xấu Tuấn Anh đó." Tôi nhớ lại lần Tuấn Anh lo lắng cho mình thì rung động trong lòng.
"Nói xấu mà vui dữ vậy à? Thế thì Tuấn Anh phải siêng năng làm việc xấu hơn mới được."
Tôi đấm nhẹ lưng Tuấn Anh rồi ngồi ở ghế đá đợi cậu ấy gửi xe.
Tôi đưa bánh lá cho cậu ấy, cậu ấy đưa súp thịt bằm không có hành cho tôi, nói là mẹ nấu.
Tôi ăn thử, nói: "Ngon vậy mà Ánh Dương còn đi ăn tiệm sao?"
"Nó ăn ở nhà rồi. Ăn hai ba lần cũng được. Ăn như heo ấy. Tí lên lớp lại ăn vặt được ngay."
Tôi cười, nói: "Thì đang tuổi ăn tuổi lớn mà."
Tuấn Anh cắn hai lần hết một cái bánh lá, nói: "An cũng vậy. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà lúc nào cũng ăn ít xịt như con mèo con. Mình là con trai phải ăn mạnh lên chứ."
Cậu ấy lấy cái khác cắn xuống: "Thấy Tuấn Anh ăn nhiều không? Ăn ở nhà rồi mà vẫn ăn phần An đưa được. Cái bánh này Tuấn An cắn phát một là hết còn An phải dùng muỗng xúc mười lần chưa xong."
"..."
Tôi xấu hổ tập trung ăn súp. Nhưng ăn được hai muỗng lại cảm thấy hơi khó chịu, sợ người ta hiểu lầm mình...
Tôi quay sang nói: "Không phải An làm bộ ăn điệu đà đâu. An..."
"Biết." Cậu ấy ngắt lời: "Tuấn Anh chưa nói câu nào là An ăn điệu cả. Hồi xưa học bán trú với nhau, nhìn An ăn từ nhỏ tới lớn, bộ Tuấn Anh không biết sức ăn An yếu sao? An lại suy nghĩ linh tinh rồi đấy. Không nhớ lời đại sư nói à?" Tuấn Anh vươn tay lau một chút nước sền sệt trắng đục dính trên môi tôi rồi thản nhiên đưa lên miệng liếm một cái.
Tôi trợn tròn mắt, má đã nóng hổi, nhanh chóng quay sang bên kia ăn hết phần của mình.
Tuấn Anh nói: "Ăn chậm thôi không sặc. Hôm nay có quà cho An nữa đấy."
"Quà gì vậy?"
"Tí lên lớp Tuấn Anh đưa cho. Ở đây không lấy ra được."
Nghe vậy tôi càng tò mò, cố lùa cho nhanh. Sau đó ho khù khụ.
Tuấn Anh vỗ lưng cho tôi: "Ăn từ từ thôi không Tuấn Anh không đưa đâu."
Tôi gật đầu, nói: "An biết chuyện nhà Tuấn Anh rồi. Hồi năm ngoái An mộng du rồi Tuấn Anh đi tìm đó."
Cậu ấy mỉm cười, gật đầu: "Biết rồi thì có cảm động không?"
"Tuấn Anh không nên cãi lời cha mẹ đâu."
"Tuấn Anh đã xin phép rồi."
"Nhưng nếu người lớn không đồng ý thì không tính."
Tuấn Anh lắc đầu: "Không tính cũng phải tính. An là ngoại lệ duy nhất của Tuấn Anh."
Thấy tôi im lặng, cậu ấy nói tiếp: "Bố, mẹ, bé Ánh Dương và An đều quan trọng. Tuấn Anh không thể bỏ mặc An được."
Tôi thở dài: "Tuấn Anh không sợ tội bất hiếu sao? An đã có gia đình đi tìm rồi."
"Tuấn Anh không phải gia đình của An sao? An cũng viết tên Tuấn Anh trong mục gia đình mà."
Giọng cậu ấy trầm xuống: "An à, cứ nghĩ tới đêm đó là Tuấn Anh không thở được. Tuấn Anh đi rồi sẽ về xin lỗi bố mẹ sau. Nhưng nhất định phải đi trước đã."
"Hôm đó Tuấn Anh không kiềm được cảm xúc nên nóng nảy là sai. Nhưng mà đó là An, người mất tích là An. An có hiểu không?"
Ánh mắt cậu ấy khẩn thiết nhìn xuống tôi: "An biết rõ cảm giác mất đi người mình yêu thương nhất nó đau đớn như thế nào mà."
Cậu ấy nói xong thì đi vứt rác rồi mở chai nước đưa cho tôi. Thấy tôi vẫn còn vì chấn động mà ngồi thừ ra đấy thì cười, hỏi: "Để Tuấn Anh uống nước xong rồi mớm xuống giống trong phim nhé?"
Tôi trừng cậu ấy, cầm lấy chai nước chậm rãi đưa lên môi, uống xong muốn lấy nắp đóng lại thì Tuấn Anh rất thản nhiên mà cầm lấy tu ừng ực.
Thấy tôi nhìn trân trối, cậu ấy cười ha ha, nói: "Nhìn gì? Tuấn Anh uống chai của mình mà."
Tôi xấu hổ bỏ đi lên lớp. Tuấn Anh đứng chặn lại, nói: "Lên Tuấn Anh cõng."
Tôi lắc đầu.
Thấy Tuấn Anh định khom lưng xuống tôi vội vàng tóm lấy tay cậu ấy giữ lại.
"Đi từ từ cũng được mà. Ban ngày đừng có cõng. An ngại lắm." Tôi lắc đầu.
"Có gì mà phải ngại chứ. Đau chân mới cõng mà. An nghĩ nhiều quá." Tuấn Anh giành lấy cặp sách từ vai tôi, đi chậm rãi bên cạnh, nói: "Ngày không được, vậy tối thì được đúng không?"
Tôi im lặng.
Cậu ấy nghiêng mặt xuống nhìn tôi, cười nói: "Không trả lời là Tuấn Anh bế như bế công chúa đó nha."