Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 36: Bệnh viện



Hôm đó, tôi không phải thức dậy vì dọn hàng hay học sớm, mà vì cơn đau đầu bất ngờ ập đến dồn dập từng đợt. Đau khủng khiếp, như ai lấy búa nện xuống từng cái từng cái 'thùng thình' chậm rãi, đầu ê ê nhức nhối, rồi dây thần kinh thỉnh thoảng lại giựt nhói lên.

Cố ngủ lại cũng không được nên tôi ngồi dậy, định xem giờ xong sẽ uống thuốc giảm đau. Cuối cùng vừa ngồi dậy thì choáng váng, cổ họng nhợn lên, tôi cố bỏ qua cảm giác đầu óc ong ong mà vội vã đi mở cửa phòng, nhưng không kịp tới nhà vệ sinh đã ói mửa ra sàn rồi. Thật thảm hại!

Tôi đợi cơ thể đỡ choáng váng hơn một chút rồi đi ra nhà tắm lấy đồ lau dọn. Thầm nghĩ, may mắn là Tuấn Anh không nhìn thấy tình trạng mất mặt của tôi, cậu ấy mà thấy chắc sẽ bị cảnh bẩn này doạ sợ chạy mất dép. Không còn muốn chơi với tôi nữa.

Vừa lau dọn xong thì bụng lại cuộn lên khó chịu nên tôi cứ đứng ở nhà vệ sinh ói mãi. Cả ngày chỉ ăn được chén súp của Tuấn Anh và ít cháo buổi tối vậy mà cho ra bằng sạch, tới khi miệng lưỡi đắng nghét vẫn còn chưa dứt cơn.

Mãi sau mới vịn tường đứng dậy được thì những cơn đau mới lại ập tới, rõ ràng nghe đập 'uỳnh uỳnh' vào thẳng trong đầu nhưng vùng trán lại ê ẩm nhức nhối, dây thần kinh hai bên mí mắt giật liên hồi. Tôi bước ra ngoài hành lang nhưng chân mềm nhũn, không khí xung quanh cứ như loãng dần ra khiến hơi thở của tôi liên tục đứt quãng, nhịp tim đập nhanh đến chóng vánh, mệt mỏi không hô hấp được ổn định. Tôi không chống đỡ nổi nữa, cả người trượt xuống, càng ngày càng hoa mắt, tay chân run rẩy ra mồ hôi lạnh toát.

Tôi biết mình không ổn rồi nên muốn gọi mẹ nhưng ngay cả việc gắng sức lấy hơi cũng cực kì khó khăn, mồ hôi lấm tấm ướt đẫm lưng áo sơ mi trắng khiến cơ thể yếu ớt này càng thêm ớn lạnh. Tôi đẩy cây lau nhà cho nó rớt mạnh xuống sàn, mong rằng ánh đèn sáng trưng và tiếng động mạnh sẽ giúp mẹ biết tôi nằm ở đây. Tôi không đi nổi nữa rồi...

Hy vọng tôi sẽ tỉnh giấc trên giường của mình và một ngày mới tươi đẹp lại bắt đầu để còn gặp mặt Tuấn Anh. Chúng tôi đã hứa sẽ gặp nhau rồi. Hôm nay là thứ sáu, nếu còn nghỉ học nữa thì tận thứ hai tuần sau mới được nhìn thấy người ấy, nghe giọng người ấy.

Mẹ ơi... Con đau quá... Thở cũng đau... Tuấn Anh ơi... An đau lắm...

Đúng như tôi tuyệt vọng suy đoán, quả nhiên tôi tỉnh dậy trong bệnh viện.

Nhưng điều tôi tuyệt nhiên không nghĩ tới được, thế mà tôi lại hôn mê tận hai ngày, hôm nay đã là thứ bảy rồi. Tỉnh đi tỉnh lại mấy lần thăm khám, cuối cùng tôi cũng được cho về phòng nằm dưỡng sức. Tôi muốn về nhà luôn nhưng bác sĩ nói nằm lại thêm một ngày ổn định rồi mới được xuất viện. Tôi nghe mà thở phào nhẹ nhõm, chứ lúc mới tỉnh còn đang mơ màng, nghe cái gì mà phẫu thuật thì cứ sợ phải cạo đầu mổ não, may mà do tôi nghe câu được câu mất, đó không đúng ý bác sĩ truyền đạt cho mẹ.

Mẹ cũng phải nghỉ bán hàng chứ chẳng trông mong gì được vào hai cha con kia.

Em trai thì học nửa ngày còn nửa ngày chạy ra đồng, vừa nghịch ngợm, vừa là gặp gì hay ho sẽ đem ra chợ phiên bán. Tôi nói: "Mẹ mở cửa để ba bán tạp hoá linh tinh, kiếm chút tiền lẻ mua rau mua cá cũng được mà."

"Ôi chao! Ổng không lấy bia của nhà đem đi nhậu là may rồi. Không có mẹ thì bán cái gì, mở ra rồi bỏ đó đi đánh bài thì người ta cũng lấy hết đồ."

Mẹ ngăn tôi ngồi dậy: "Đừng ngồi, cứ nằm đấy đã, bác sĩ dặn đừng cử động mạnh."

Ngồi dậy cũng đâu có tính là cử động mạnh, nhưng tôi vẫn nghe lời mẹ. Qua lời kể của mẹ, tôi mới biết mình tới bác sĩ tư rồi lại chuyển lên viện huyện sau đó huyện hỗ trợ xe chuyển tuyến lên thị xã chụp CT cắt lớp. Tôi bị chấn thương não thể nhẹ nhưng có tụ máu mao mạch nên mới nôn mửa mất ý thức.

Mẹ tôi trách: "Sao đêm trước nôn ói mệt mỏi mà không gọi mẹ? Chuyện gì cũng tự chịu rồi để mẹ không hay biết gì hết."

"Vâng. Con sai rồi. Lần sau đau con sẽ gọi liền." Thực ra là có gọi nhưng thở không ra hơi nên gọi cũng chẳng thành tiếng.

"Anh đấy! Chỉ được cái nói miệng thôi. Lúc nào cũng vâng dạ nhưng có chuyện gì là im bặt. An à, tuy con là anh cả nhưng con là đứa bé đầu tiên mẹ được ông trời ban tặng. Bệnh tật không phải lỗi của con mà do mẹ lúc mang thai thiếu thốn không có điều kiện ăn no. Nên con đừng ôm lỗi lầm về bản thân mãi như thế. Mẹ đau lòng lắm biết không?" Mẹ xoa đầu tôi.

Tôi dựa đầu lên vai mẹ, ôm cánh tay lay nhẹ: "Vâng. Con hứa không suy nghĩ như vậy từ nhỏ rồi mà. Mẹ đừng lo lắng. Tại con lúc đó cậy mạnh, nghĩ rằng chóng mặt nhẹ rồi sẽ qua thôi."

"Cái thằng này hay thật! Không nghe bác sĩ dặn dò nếu có chóng mặt mắc ói thì phải đi viện sao?"

"Vâng con sai rồi mà."

Mẹ định kí đầu tôi nhưng dừng lại kịp thời: "Con thì biết sai cái gì! Thà con cứ như em con đi, cãi mẹ nhem nhẻm mẹ còn đỡ tức. Đằng này..."

Mẹ thở dài: "Cũng là tại mẹ, lần đầu có con nên dạy sai cách, đánh nhiều quá, con mới thành ra như vậy. Nhìn em con kìa, trầy miếng da cũng phải la toáng lên cho cả xóm biết."

Tôi cười: "Không phải đâu. Mẹ đánh cũng là muốn tốt cho con. Do tính từng đứa chứ như em mẹ có đánh vậy đánh nữa nó cũng quậy."

Mẹ vỗ tay tôi: "Con ngoan ngoãn cũng tốt nhưng mẹ vẫn rầu. Nhiều khi mẹ nghĩ hai đứa san bù chia sớt cho nhau có phải tốt không. Đứa thì ngoan quá mức,đứa thì phá muốn banh nóc nhà."

Tôi bật cười, nói: "Con cũng nghịch mà."

"Nghịch như thế nào?" Mẹ hỏi.

"Nghịch ngầm." Tôi cười nói nhẹ nhàng.

Mẹ cũng bật cười, gật gù: "Ừ cũng tốt. Nhưng đừng để cho mẹ biết. Mẹ mà biết rồi sợ sẽ sốc quá mà nổi điên lên lại đánh con mất."

Tôi vui vẻ, đáp ứng: "Vâng. Con sẽ che giấu thật kỹ."

Mẹ con tôi cùng cười mãi, mấy bác bên cạnh cũng dễ chịu, nói rằng mẹ và cậu tôi hai ngày nay rất lo lắng. Mẹ tôi tiện miệng cứ khoe thành tích học của tôi, phải lén lút nhéo tay mãi mẹ mới ngừng lại. Tôi thì có gì mà khoe chứ, phải cỡ như Tuấn Anh mới đỉnh kìa.

Nghe mọi người nói chuyện tôi càng thấy mình ngu ngốc. Tự mình đập mình thế mà đập đến bất tỉnh nhân sự nhập viện chuyển tuyến cho được. Đúng là hậu đậu đến kì tích!

Càng áy náy khi mẹ cứ kể với các bác là do sàn nhà mới lau trơn nên té đập vào cạnh bàn. Mẹ mà biết do tôi nghịch côn chắc phải hai tay hai chổi quất mới đã cái nư. Tôi nghe mà chán nản, theo thói quen kéo chăn phủ lên mặt.

Nhưng lại bị một lực bất ngờ giật mạnh ra.

Tôi nằm mơ rồi.

Chắc tôi lại vừa hôn mê nên mới mơ thấy người trong lòng. Vì là giấc mơ nên tôi thoải mái cười thật tươi mà chẳng ngại ngùng còn mẹ ở đây, cuối cùng cũng gặp được gương mặt điển trai như khắc này rồi.

Người ấy mang vẻ mặt sốt sắng, lo lắng sờ lên trán tôi, giọng nói run run gấp gáp: "An còn đau không? Đã khoẻ hơn chút nào chưa? Bây giờ trong người cảm thấy thế nào? Đừng phủ thứ này lên mặt!"

Tôi chớp chớp mắt.

Giấc mơ này hơi lạ à nha! Mọi khi mộng đẹp tới không phải là luôn vui vẻ ôm ôm tôi, hôn hôn tôi ư? Vì sao hôm nay lại phong trần, mệt mỏi thế kia? Hay là do mình bệnh nên dây thần kinh cũng tự động mơ ước có người đó vạn dặm đến thăm?

Tôi đang định chu mỏ ra để tiếp đón nụ hôn nồng say thì nghe tiếng mẹ phá tan lãng mạn.

"Tuấn Anh nói đúng đó! Sao con lại trùm cái này lên mặt? Có biết là chỉ người chết rồi người ta mới làm vậy hay không?" Mẹ tôi giũ tấm chăn mỏng trắng toát 'phạch' một cái rồi đắp lại bên hông tôi.

"..."

Tôi rùng mình. Do quen thói dùng chăn ở nhà hay trùm kín người rồi nên tôi không để ý. Nhưng đó không phải là trọng điểm.

Tôi hỏi mẹ: "Mẹ vừa bảo ai nói đúng cơ?"

"Tuấn Anh chứ ai." Mẹ tôi trả lời.

Tôi ngạc nhiên chỉ tay vào Tuấn Anh hỏi: "Mẹ nhìn thấy người này à?"

Mẹ tôi liếc xéo: "Tao có bị đui đâu mà không thấy!"

Tôi bàng hoàng tròn mắt nhìn qua nhìn lại giữa hai người.

Đây là giấc mơ trong giấc mơ mà trên báo Trí Thức Việt hay nói sao?

Tuấn Anh nhíu mày mấp máy môi nói gì đó nhưng tôi bận hoang mang, không nghe được. Sau đó cậu ấy lại quay sang giao tiếp bằng cơ miệng với mẹ tôi, đầu tôi ong ong không để ý rõ cậu ấy nói gì.

Không phải tôi lại phát bệnh mà do đang cố suy nghĩ, tôi có một ý nghĩ cực kì lớn mật. Có thể... có thể nào là Tuấn Anh đến đây thật hay không? Nhưng nơi này xa thật xa chứ đâu phải viện huyện. Cậu ấy làm sao mà tìm ra tôi ở chỗ nào được? Phi lý!

Tôi đảo mắt nhìn mọi người xung quanh phòng, không khí vẫn rất chân thực như lúc trước khi hình ảnh Tuấn Anh xuất hiện. Tôi hé răng cắn đầu lưỡi, nhưng cậu ấy vẫn đang thao thao bất tuyệt hỏi han mẹ tôi mà không tan biến. Dường như chưa cảm nhận rõ độ đau, tôi tự vươn tay tát lên mặt 'BỐP' một cái.

"AN!!!" Tuấn Anh cúi xuống, một tay giữ chặt tay tôi, một tay xoa lên bên má đau điếng kia.

"An ơi! Con sao vậy?" Mẹ tôi hốt hoảng ôm lấy mặt tôi.

"Gọi bác sĩ đi." Có người nói.

"Hay là chấn thương sọ não nên bị khùng luôn rồi." Một bác gái nói.

Tôi: "..."

Hình như mình xác nhận sai cách?

Thấy mẹ gọi tên cậu hối đi tìm bác sĩ, tôi vội vàng nắm chặt lấy cánh tay mẹ giữ lại, nói: "Con không sao. Con rất bình thường, hoàn toàn tỉnh táo."

"Bình thường sao lại tự đánh mình?" Mẹ tôi hỏi.

Tôi chưa kịp trả lời thì bác gái ban nãy lại nói: "Mấy người trong trại thương điên cũng đâu có nhận thức được mình bị điên."

Tôi: "..."

Giọng Tuấn Anh khó chịu, quay sang nói: "Bác vô duyên nhỉ! Bạn cháu bị té đau đầu chứ có bị thần kinh đâu mà bác đem người điên ra so sánh!"

"Cái thằng này! Ai vô duyên? Chứ không dưng đang yên đang lành tự nhiên tát vào mặt mình như dở người thế kia à?"

Tuấn Anh bước tới gần giường bác ấy, gằn giọng nói: "Bạn cháu ngạc nhiên khi cháu tới thăm, vì nhà tụi cháu ở rất xa, do nghĩ là tưởng tượng nên mới tự làm đau mình để xác nhận. Bác không hiểu mấy hành động cá tính của giới trẻ thì câm mồm lại đi!"

"Mẹ cái thằng này! Hỗn láo! Con cái nhà ai không biết dạy à?"

Tuấn Anh khoanh tay nhìn xuống, bình tĩnh nói: "Con của bố mẹ cháu đấy! Gia đình cháu được dạy bảo chỉ cần đối xử văn minh với người tử tế thôi!"

Bác đó đứng dậy ngước cổ nhưng vẫn chỉ đứng đến vai cậu ấy, la làng: "Mày dám nói tao không tử tế à?"

Tuấn Anh gật đầu: "Đúng vậy! Bác sống mấy chục năm chưa có ai dạy nên không biết văn hoá là gì à?"

Bác đó đỏ mặt tức giận, thở không ra hơi, "Thằng ranh con láo toét! Mày... mày nói ai không có văn hoá hả?"

Mẹ tôi mới đầu còn cản cậu ấy, sau đó thấy hấp dẫn quá nên cùng mọi người im lặng dỏng tai lắng nghe.

Tôi thì cố nhịn cười. Dữ dằn như thế kia thì chính xác là Tuấn Anh bằng xương bằng thịt thật rồi.

Tuấn Anh lại nói tiếp: "Bác lớn tuổi rồi thì ăn nói làm sao cho con cháu nó phục. Gì mà mở mồm ra là điên, khùng, dở người? Bộ đó giờ bác không được học văn hoá ngôn ngữ Tiếng Việt nên vốn liếng câu từ hạn hẹp đến mức nói chuyện câu nào câu nấy thúi quắc như vậy à? Nói những lời xúc phạm đó với một đứa trẻ mà nghe được sao? Người ta bị gì thì bác sĩ tự kết luận được. Không đợi bác vào rủa đâu."

Bác đó nghiến răng xông tới thì bị một chú cao lớn đứng gần đó giữ lại, ấn ngồi xuống giường. Bác giãy giụa hỏi: "Mày là bố nó đấy à? Không biết dạy con à?"

Chú ấy nghiêm nghị nói: "Bà tốt nhất nên im lặng đi thôi. Gia đình cậu ấy có thể dễ dàng khởi kiện bà tội làm nhục cậu ấy theo luật Hình sự."

Tuấn Anh cười: "Bác đừng tức giận mà ảnh hưởng sức khoẻ. Nhà bác ở đâu vậy?"

Bác đó gằn lên: "Mày hỏi làm gì?" Nghĩ sao lại thở hắt ra, nói: "Bố mẹ mày có tới nhà xin lỗi thì tao cũng không nhận nổi đâu."

Tuấn Anh bật cười: "Bác nghĩ nhiều rồi. Bố mẹ cháu bận lắm, rỗi hơi đâu mà đến xem trò hề. Cháu hỏi địa chỉ để gửi cho bác bộ sách 'Ngôn ngữ Việt Nam giàu đẹp' đấy. Tranh thủ lúc rảnh nhớ học thêm chứ không sau này ra đường nói chuyện bị người ta đục vào mỏ lại không biết tại sao."

Tôi lỡ miệng cười thành tiếng. Cả phòng nghe tiếng cười mồi thì cũng chính thức hết nhịn nổi, đều cười lên rồi xì xào bàn tán.

Bác ấy bị nói cho tái mét mặt mày, khuôn mặt bức bối đến đỏ ửng, giãy cũng không xong bèn hét toáng lên. Nhân viên y tế đến nơi thì chú cao cao đang giữ bác đó nói bệnh nhân tự nhiên nổi khùng, gây rối, chửi bới người xung quanh.

Tuấn Anh nói mẹ tôi chuyển phòng cho tôi đi, mẹ tôi lắc đầu: "Sợ là không được đâu. Họ xếp phòng nào phải ở phòng đó. Quen biết bác sĩ mới xin chuyển được."

Tuấn Anh cười nói "Được" sau đó lại gần chú cao to kia nói gì đó rồi chú ấy đưa cậu tôi đi mất. Lúc Tuấn Anh trở về bên cạnh, tôi hỏi ra mới biết chú là tài xế của bố cậu ấy, tên Duy, là quân nhân giải ngũ.

Lúc nhân viên bệnh viện đi hết, bác kia lại lên tiếng: "Nhà mày ở đâu?"

Tuấn Anh hỏi: "Sao vậy? Bác muốn tự mình đến tận nơi nhận sách giáo dục văn hoá à?"

Tôi kéo tay cậu ấy cản lại.

Mẹ tôi nói nhỏ: "Thôi, bỏ qua đi Tuấn Anh. Chín bỏ làm mười."

Tuấn Anh cười, nói: "Vậy à? Xưa giờ chín cháu toàn tính lên thành mười một, mười hai không à."

Tôi với mẹ đều buồn cười.

Bác kia nói: "Cho địa chỉ đi, khi nào tao xuất viện, tao kêu con trai tao đến tìm mày. Nói cho bố mẹ mày biết mày mất dạy thế nào."

"Ồ~ Ghê vậy sao?" Tuấn Anh cười cười kéo dài giọng, lại nói tiếp: "Lần đầu tiên thấy một bà mẹ chủ động đem lại rắc rối cho con trai mình đó. Bác đợi chút đi. Bây giờ sợ nói ra bác sẽ quên. Đợi chú cháu quay lại, cháu sẽ lấy giấy bút ghi rõ ràng cho bác."

"À, nhớ đến sớm sớm nhé! Tháng 7 là không tìm được nữa đâu." Cậu ấy nói thêm.

"Mày đi đâu?" Bác ấy liếc sang.

Tuấn Anh mỉm cười nhìn thẳng bác ấy: "Cháu đi tránh cô hồn đấy. Tháng 7 mà."

"Mày nói ai là cô hồn!" Bác ấy tức hằm hằm muốn nhảy sang nhưng bị mọi người bên dãy đó cản lại: "Thôi đi! Bà sai trước còn gì! Về thì lo mà dưỡng sức rồi làm ăn. Định kéo con mình đi gây chuyện hay gì? Vớ vẩn thật đấy!"

Bác đó nói: "Tôi là muốn nói cho bố mẹ nó biết."

Tuấn Anh móc túi quần lấy điện thoại di động bấm bấm một chút sau đó đứng dậy đưa điện thoại cho bác ấy, nói: "Đây là số bố cháu, còn đây là số mẹ cháu. Bác muốn gọi cho ai trước thì bấm tay vào nút này. Bác cứ gọi đi. Thích nói gì thì nói. Xem bố mẹ cháu có được một bữa cười giải trí cuối tuần hay không?"

"Mày... mày... mày hỗn láo!"

Tuấn Anh bật cười: "Bác là người muốn mách bố mẹ cháu mà. Đây. Cứ nói thoải mái đi chứ."

Bác đó thở hắt ra rồi đi ra ngoài lan can đứng.

Mẹ tôi nói thầm: "Tuấn Anh nó nói chuyện y như bố nó. Mẹ mà không quen biết chắc cũng sợ vãi đái ra quần."

Tôi buồn cười, đúng là cậu ấy dữ thật nhưng làm gì đến mức ấy. Tôi bênh chằm chặp: "Con thấy Tuấn Anh nói chuyện bình thường mà."

"Ừ. Nhưng mà cái khí thế ấy! Hay là nhà truyền thống quân đội nên sinh ra con cái cũng uy nghiêm vậy nhỉ? Ông nó cũng thế! Hồi xưa mẹ nhìn qua tivi thôi mà còn thấy oai nữa."

Tôi nhìn theo bóng lưng kiên định thẳng tắp của Tuấn Anh, âm thầm đồng ý với mẹ. Cậu ấy cũng đi ra ngoài, chân dài vai rộng, tác phong đĩnh đạc, hai bước thành một, đi nhanh nổi bật hơn người xung quanh nhưng vẫn tạo ra được cảm giác thoải mái, không o ép.

Rất lâu rồi không còn phải nhìn lén Tuấn Anh từ xa, bây giờ mới nhận thức cậu ấy lại trưởng thành rồi. Chân dài hơn nhưng luôn đứng lại chờ tôi, vai rộng hơn nhưng luôn muốn ôm tôi vào lòng.

Tôi nói: "Ai kêu bác kia cứ đòi tìm về nhà méc làm chi. Bây giờ cậu ấy đưa điện thoại cho méc liền thì lại không chịu nói."

"Nhìn nó dữ thế kia thì bố ai dám nói!" Mẹ tôi xuýt xoa.

Rõ ràng là Tuấn Anh luôn cười, thậm chí còn mang khuôn mặt trẻ măng, thế mà vô hình chung vẫn tạo ra được cảm giác áp bách cho người đối diện. Khí chất của cậu ấy là thứ tôi không có, người khác không có, cũng không thể bắt chước được.

Lúc chuyển phòng cứ tưởng là tự mình phải cầm hết đồ đạc rồi tôi đứng lên đi bộ. Ai ngờ đâu có cả nhân viên tới dọn cùng, còn tôi thì họ đưa xe băng ca tới.

"..."

???

Sao giống di chuyển người bị bại liệt quá vậy?

Tôi ngồi dậy muốn tự mình đi nhưng Tuấn Anh ấn nằm xuống lại. Y tá cũng nói tôi cứ nằm yên đi, họ sẽ tự chuyển qua băng ca bên kia. Nhìn cái giường có nệm da màu nâu sang trọng bên cạnh đúng thật là xịn xò hơn hẳn.

Nhưng quan trọng là tôi muốn tự mình đi sang phòng mới, chứ không phải tự mình bước lên băng ca mới đâu!!!

Tôi gào thét trong lòng nhưng không ai nghe thấy cả.

À không! Hình như Tuấn Anh nghe thấy.

Cậu ấy ghé xuống tai tôi, thì thầm: "Bác sĩ muốn bảo đảm đầu An không bị chấn động mạnh thôi. Tất cả chi phí chăm sóc này đều tính vào tiền Tuấn Anh đã trả hết rồi nên An cứ nằm yên đi. Nhắm mắt lại, không việc gì phải ngại. Trong viện ai cũng di chuyển như vậy hết. Không sao đâu. Đừng lo lắng, Tuấn Anh sẽ đi bên cạnh An."

Tôi mở một con mắt, nói: "Lừa đảo! Người ta di chuyển bằng xe lăn!"

Tuấn Anh đứng thẳng người dậy, đậy con mắt đó của tôi lại, nói: "Xe lăn không êm ái bằng giường đâu."

Mẹ tôi hỏi: "Sao cháu biết có thể chuyển phòng vậy?"

"Dạ. Cháu có kinh nghiệm nằm viện." Tuấn Anh đáp.

Mẹ tôi kinh hãi: "Nằm viện? Cháu làm sao mà phải nằm viện."

Tuấn Anh cười toe toét, nói: "Dạ. Cháu đánh nhau."

Mẹ tôi cười to, vỗ lưng cậu ấy: "Thằng bé này hài hước ghê luôn! Cháu mà đánh nhau thì chắc An nhà cô là trùm băng đảng."

Tuấn Anh: "..."

Tôi: "..."

Mẹ tôi nói tiếp: "Nổi tiếng ngoan ngoãn, học giỏi nhất huyện mà."

Tuấn Anh giả đò hít hít mũi, hỏi: "Danh tiếng của cháu vẫn tốt thế à?"

"Sao lại vẫn tốt?" Mẹ tôi chậc lưỡi: "Đó giờ luôn luôn tốt! Cháu là niềm tự hào của cả huyện mình đấy! À, đâu có đúng nhỉ? Phải là của cả tỉnh. Thi cái gì cũng toàn nhất tỉnh hết. Cô cũng mát mặt lây."

"Vậy cô có thích cháu không?"

"Đương nhiên là thích! Ai mà không thích cháu chứ!"

Tuấn Anh cười tươi rói, hỏi: "Thế cô thích cháu làm con cô không?"

"Được vậy thì còn gì bằng!" Mẹ tôi phấn khởi cười hí hí hí.

Tuấn Anh cũng cười, nói: "Sau này được gọi cô là mẹ thì sướng quá!"

Tôi nghiêng người qua ho sặc sụa. Cuộc nói chuyện này bắt đầu rẽ sang hướng kì quái rồi đấy!

Mẹ tôi giữ tôi nằm thẳng lại, cười hỏi: "Thằng này sao vậy? Sợ Tuấn Anh ăn hết phần cơm của con à? Mẹ nuôi thêm một thằng nữa vẫn được mà."

Tôi trừng lên Tuấn Anh, còn cậu ấy thì nhướng mày ghẹo xuống. Tên ngứa đòn này! Rõ ràng cậu ấy có ý khác! Mẹ không hiểu đâu!

Qua phòng mới, cả mẹ và cậu tôi đều há mồm tròn mắt, còn tôi vừa nghe Tuấn Anh nói là đã đoán được hết. Cậu ấy thuê phòng dịch vụ, là loại phòng VIP phải trả tiền nhiều như người nhà giàu trong phim mới được nằm ấy. Phòng đầy đủ tiện nghi, có cả nhà vệ sinh bên trong, bên ngoài có ban công riêng treo cây kiểng xanh mát rất đẹp mắt.

Đợi y tá, điều dưỡng đi rồi tôi mới bước xuống đứng vịn cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời rộng lớn. Từ đây nhìn ra có thể thấy được khu đô thị mới với dòng sông uốn lượn quanh co trải dài, ngăn cách với cánh đồng lúa mạ non xanh mơn mởn bát ngát nằm ngay bên cạnh.

Tuấn Anh kéo ghế mềm tới, nhắc tôi ngồi xuống.

Mẹ tôi không rành nên Tuấn Anh nói gì cũng gật đầu nghe đó, tưởng là phòng mới xây, cũng cho chung nhiều người nằm như dưới kia, nhưng tạm thời chưa có ai vào nên tôi ở một mình.

Tôi cạn lời. Phòng cho nhiều người mà có mỗi hai cái giường thì mấy người đến sau nằm ở ghế sofa kia à?

Chỉ đăng tải duy nhất tại wattpad Công Suất Tiêu Thụ. Tất cả các nền tảng khác reup đều là chưa xin phép.

Đợi mẹ đi rồi tôi mới nói cậu ấy ở phòng chung cũng được, thuê cái phòng to đùng có tivi, máy lạnh thế kia thì tốn không biết bao nhiêu tiền. Máy lạnh cũng là tôi được nhìn thấy trong phim và ở nhà ông Tuấn Anh nên mới biết. Quê tôi mất nửa năm lạnh lẽo, một mùa mát mẻ chỉ có mùa hè hơi oi ả chút xíu nhưng buổi sáng và tối đi ngủ bao giờ cũng phải đắp chăn nên rất ít nhà nào đầu tư máy lạnh. Kể cả nhà ông nội hay Diệu Hiền cũng không mua để trang trí nhà làm gì.

Cậu ấy nói: "Tuấn Anh đâu có thuê cho An. Tối Tuấn Anh ngủ lại nên không ngủ chung dưới kia được. Ồn ào chết!"

Tôi biết Tuấn Anh cố tình muốn tôi nằm nghỉ được thoải mái hơn chứ tính cậu ấy không khó chịu như vậy.

Khoan đã!

Á à!

Tôi bắt được trọng điểm rồi!

Tôi vui mừng đứng bật dậy, hỏi: "Thật không? Tuấn Anh ở đây đến sáng mai luôn à? Có thật không vậy? Nhanh nói cho An biết đi!"

Tuấn Anh cười, ấn tôi ngồi xuống lại rồi bóp vai cho tôi, đáp: "Không phải sáng mà tối mai Tuấn Anh mới về để sáng thứ hai đi học."

"Á... nhẹ thôi." Tôi hơi nhăn nhó.

"Xin lỗi... Tuấn Anh dùng lực nhẹ lắm rồi đó. Người An mềm mỏng thiệt." Cậu ấy giải thích.

"Do tay Tuấn Anh cứng như đá chứ không phải do An." Tôi chỉnh lại lời cậu ấy.

"À được. Đúng vậy! Tại Tuấn Anh hết. Về nhà phải mượn kem của mẹ dưỡng da cho da mềm như An mới được." Cậu ấy cười.

Sao vòng vèo một hồi vẫn là tôi mềm vậy?

Tôi nhéo mu bàn tay cậu ấy, hỏi: "Sao Tuấn Anh lên được tận đây vậy?"

"Thì chú Duy chở lên."

Cậu ấy dùng lực nắn xuống hai bắp tay, hơi đau một chút nhưng cũng rất thoải mái.

Tôi hỏi rõ hơn: "Sao biết An ở chỗ này?"

"Dễ mà. Tới nhà An hỏi thăm thì ba An nói trên viện huyện. Tuấn Anh lên viện hỏi thì họ nói chuyển tuyến thị xã. An nằm viện tư thì còn hơi khó tìm một chút chứ viện công thì có mỗi bệnh viện này thôi."

Tôi nghe cậu ấy nói thấy đơn giản nhưng nếu tưởng tượng mình là người đi tìm chắc không thể nào ra được dễ thế đâu.

Cậu ấy sờ nhẹ lên má tôi một chút, giải thích: "Sáng nay ông Tuấn Anh có đãi tiệc, bắt buộc phải ở lại nên giờ mới tới đây được."

Tôi vui vẻ gật đầu. Đến bây giờ mới là tốt nhất. Thời gian vừa đẹp.

Mẹ tôi lên đến phòng, nói: "Hồi nãy nghe Tuấn Anh kể lại mà cô bực bội trong lòng. Con cái nằm trên này, cô đã nhờ mợ nó báo từ đêm hôm thứ năm rồi đấy. Dặn trông coi nhà cửa thì còn kéo bè kéo lũ tới nhậu. Lúc Tuấn Anh lên là đang đánh bài hả?"

"Dạ vâng. Đang đánh bài, ngồi nhậu đông lắm."

Tôi rụt tay lại nhưng Tuấn Anh vẫn giữ chặt, kéo tay tôi đặt thẳng ra ghế rồi rất tự nhiên mà nắn bóp. Cậu ấy nói: "Nằm nhiều xương cốt uể oải, bóp giãn cơ mới thoải mái."

Tuấn Anh không tránh né mẹ tôi như năm ngoái, thậm chí bây giờ mẹ tôi đứng trước mặt mà vẫn hành động thân thiết được. Tôi nhìn sang, thấy mẹ vẫn đang cằn nhằn ba mà chẳng để ý gì bên này. Có lẽ là do tôi nghĩ nhiều thật rồi.

"Hồi nãy quên chưa lấy đồ của thằng An. Ôi chao! Phơi dưới kia chen chúc nhau không khô gì cả." Mẹ tôi mở cái làn đỏ lấy quần áo của tôi ra ngoài, sau đó cầm cái quần lót của tôi căng ra, giũ "phạch" một cái ngay trước mắt Tuấn Anh.

"MẸ!!!" Tôi hét lên trong tuyệt vọng.

Mẹ tôi cười ha ha, nói: "Con trai với nhau, có gì đâu mà phải ngại."

Tôi nhắm mắt, dùng cả hai tay ôm chặt lấy mặt. Cảm thấy cuộc đời này đi được đến đây là đủ dài rồi.

Hồi nãy tôi còn mừng thầm vì Tuấn Anh đến lúc tôi đã tỉnh, khi đã được hộ lý rút dây ống dẫn tiểu, lúc đã được mặc quần chứ không phải tròng cái áo rộng thùng thình như váy nữa, tôi sợ cậu ấy nhìn thấy, sẽ mất mặt. Vậy mà bây giở bao nhiêu mặt mũi của tôi mẹ cứ thế đem đi giũ hết sạch sành sanh.

Còn mở cửa sổ nhờ Tuấn Anh: "Cháu cao cháu máng cái quần này lên trên đó cho cô với."

"..."

Trời ơi! Ngoài kia phong cảnh nên thơ như vậy mà mẹ nỡ lòng nào treo thêm cái quần xì bay phấp pha phấp phới coi được sao?

Thế mà Tuấn Anh còn cười cười, "Dạ" một tiếng ngoan ngoãn cho được.

Tôi đứng bật dậy, nhanh tay giựt lấy quần lót của mình đi vào nhà vệ sinh phơi tạm trong đó.

"Ơ hay cái thằng! Phơi ngoài này thoáng gió mới nhanh khô chứ!" Mẹ tôi nói với theo.

"Ôi chao! Bạn học cả mà, sao cứ e thẹn xấu hổ như con gái thế nhỉ?"

"Để trong đó ẩm mốc coi chừng thúi chim bây giờ!"

"..."

Tôi đau khổ đứng úp mặt vào tường mà lắng nghe tiếng cười vô lại của Tuấn Anh.

Ngày hôm nay mất mặt thế là quá đủ rồi!

Lúc tôi đi ra thì mặc kệ hai người kia cứ đứng cười, còn mình chui lên giường nằm bịt tai nhắm mắt lại cho xong.

Cậu tôi với chú Duy mang lên một đống đồ ăn ngon, nóng hổi, thơm phức. Tôi nghe mọi người nói chuyện hình như còn có cả gà sốt chua ngọt, dẻ sườn nướng cay, khui đồ ăn sột soạt mà thèm chảy hết cả nước miếng. Vậy là hôm nay sướng, không phải ăn cơm bệnh viện nữa rồi.

Tôi thèm chảy cả dãi nhưng vẫn dỗi, đợi người tới gọi ăn mới xuống cơ!

Nhưng nghe thấy mọi người bắt đầu nhồm nhoàm nhai rồi mà chẳng ai thèm đoái hoài gì tới mình cả thì càng hờn mạnh.

Tôi hậm hực.

Đang tính ho một cái để nhắc nhở thì Tuấn Anh bưng một khay đồ ăn to đùng lên trên này. Sau đó mở lục cà lục cục bên hông giường bệnh, kéo cái bàn ra.

"Thật là xịn xò!" Tôi nói: "Còn ăn được cả trên giường?"

Tôi ngồi dậy thì thấy Tuấn Anh tấn gối nằm phía sau rồi lại lụi cụi loay hoay làm gì đó điều chỉnh cái đầu giường từ từ nâng cao y như cái ghế mềm khổng lồ rồi ấn lưng tôi, nói: "An dựa vào cho thoải mái."

"Wowww! An tuyên bố từ giờ trở đi sẽ không xuống giường nữa!" Tôi đã quên hết sạch chuyện xấu hổ ban chiều.

Mọi người đều cười vui vẻ.

Tuấn Anh cũng cười, ngồi xuống đối diện nhéo nhẹ cổ chân tôi rồi cầm đũa gắp thức ăn vào chén của tôi.

Ngon quá đi! Lâu lắm rồi mới được ăn ngon như vậy! Chắc là do vừa ăn vừa được ngắm mỹ cảnh nhân gian trước mắt.

Ăn xong, chú Duy đi ra khách sạn gần đó ngủ, chỉ có Tuấn Anh ở lại. Lúc mẹ với tôi thay phiên nhau tắm thì Tuấn Anh nói chuyện với cậu tôi. Hai người dường như rất hợp cạ, cậu ấy gợi chuyện khiến cậu tôi hứng khởi nói tới nước miếng tung bay. Tôi nghe lén thấy chẳng có gì thú vị, toàn là tin tức chính trị rồi tranh chấp bầu cử ở mãi tận đâu đâu mà sao cậu tôi khoái thế không biết. Lạ hơn nữa là thế mà Tuấn Anh cũng nói mớm lời được, nói xong cậu tôi còn gật gù vỗ tay đèn đẹt khen lấy khen để. Tôi nằm sấp trên giường bĩu môi mãi.

Tuấn Anh lại gần búng lên cuốn truyện tranh của tôi 'tét' một cái, nói: "Cầm ngược rồi kìa."

"..."

Tôi giật cả mình, gân cổ cãi chống quê: "An có đọc chữ đâu. An là đang xem hình để vẽ theo."

Cậu ấy cười cười, hỏi: "Xem hình ngược cũng vẽ được à?"

Tôi gật đầu: "được chứ sao không được. Muốn vẽ tranh đẹp thì phải xem tranh từ nhiều góc độ. Kể cả người vẽ tranh giỏi cũng không nhất thiết cứ phải để giấy thẳng đứng xuôi chiều mới vẽ được. Có thể xoay ngang xoay ngửa, xoay trái xoay phải, thích thế nào thì vẽ thế đó."

Tuấn Anh bật cười, nói: "Thôi ngừng chém đi! Mẹ tắm xong rồi kìa. Vô đây!"

"Chém đâu mà chém!" Tôi phụng phịu bước theo cậu ấy.

Đến khi bước theo cậu ấy vào nhà tắm rồi tôi mới giật mình lùi ra ngoài, hỏi: "Tuấn Anh vào đây làm gì?"

Mẹ tôi ăn trái cây, nói thay: "Vào chỉnh nước nóng chứ làm gì. Nãy nó cũng chỉnh cho mẹ mà. À, hay hai thằng tắm chung đi, đỡ tốn nước." Nói xong thì cười ha hả với cậu tôi.

Tuấn Anh ló đầu ra bật một ngón cái: "Ý hay đó cô!"

Tôi đấm cậu ấy một cú rồi bước vào.

Tuấn Anh nói: "Bệnh viện này không tốt lắm nên máy nước nóng cũng cũ, muốn hỏng luôn rồi."

"Tuấn Anh xả nước ra thùng trước rồi An xối tạm đi. Tắm bằng vòi lỡ nước nóng hổi bất ngờ là phỏng."

Tôi gật đầu, nói: "Biết rồi. Ở nhà An cũng xả nước ra xô mới tắm chứ làm gì có vòi xịn thế này."

Cậu ấy chấm chút nước lên đầu mũi tôi, nháy mắt chọc ghẹo: "Về sau buổi tối ghé nhà Tuấn Anh tắm chung đi. Có vòi xịn hơn cho An nữa."

Mặt Tuấn Anh cười vô cùng gian xảo, rõ ràng vòi của cậu ấy không phải vòi như tôi nói.

Tôi nóng hết cả mặt, đuổi người: "Xong chưa? Đi ra nhanh đi."

Tuấn Anh bật cười ghé xuống tai tôi, thì thầm: "Quần lót của An nhỏ bằng một nửa của Tuấn Anh."

"..."

Sau đó tiện miệng hôn lên vành tai tôi một cái.

Tôi đẩy cậu ấy bay ra ngoài rồi đóng sập cửa lại. Ngẩng đầu lên mới thấy cái quần trắng tinh như phát sáng chói loá trong đêm tối thì càng xấu hổ. Phải xả nước lạnh hắt lên mặt mãi cho nguội rồi mới lấy nước ấm tắm được. Tắm xong rồi thì chần chừ không dám ra ngoài, để mẹ phải gọi mãi vì sợ tôi trúng nước.

Nhưng ra rồi mới biết, người kia không có trong phòng.

Tôi sợ cậu ấy đi ra khách sạn ngủ nên vội vàng hỏi mẹ.

Mẹ nói là tối tôi nằm giường bệnh, Tuấn Anh nằm giường nhỏ bên kia còn mẹ với cậu trải chiếu dưới sàn nằm cũng được. Hôm qua cũng nằm như thế. Ở viện ai cũng vậy mà, không sao đâu. Huống chi phòng này còn thơm tho, sạch sẽ hơn hẳn.

Nhưng Tuấn Anh không đồng ý. Cậu ấy nói mẹ tôi nằm giường nhỏ, cậu ấy nằm trên ghế sofa, rồi chạy xuống lầu đi mua ghế xếp cho cậu tôi rồi.

Cậu tôi nói: "Thằng này tính nó chu đáo mà quyết định chuyện nào chuyện nấy như người lớn ấy nhỉ? Thấy nói chuyện với chú nó mà cứ như ông chủ với nhân viên. Mà nó sinh viên năm mấy nhỉ?"

Mẹ đập đùi cậu tôi 'tét' một cái: "Ô! Cậu này hay nhỉ! Hỏi chiều giờ hai lần rồi đấy! Đã nói chung lớp thằng An mà cứ sinh viên năm mấy!"

"Ôi! Già rồi. Dạo này em nhanh quên lắm. Căn bản là nhìn nó chững chạc cứ nghĩ lớn hơn thằng An không à."

Mẹ tôi gật đầu: "Ừ. Người ngoài nhìn vào không ai đoán được là học chung lớp."

Lúc đầu tôi ngại Tuấn Anh nhưng giờ không thấy mặt cậu ấy lại cảm thấy trống vắng trong lòng, vậy là ra hành lang đứng đợi. Ra rồi mới thấy sợ.

Bên khu này bên ngoài không có lan can nhìn xuống sân bệnh viện mà là phòng đối phòng thành một dãy dài sâu hun hút. Cửa nào cũng đóng lại cực kì yên tĩnh y như trong phim ma. Tôi lấy can đảm đi tìm cầu thang, đi được một đoạn thì nghe 'đinhhh' một tiếng kéo dài. Tôi giật mình, quay lại thì thấy là Tuấn Anh đang xách một cái giường xếp lên.

Tôi vui mừng chạy tới, gọi: "Tuấn Anh!"

Cậu ấy cười rạng rỡ, cũng chạy tới dang một cánh tay đón tôi, hỏi: "Sao lại ra ngoài này?"

"Ra đón Tuấn Anh đó."

Cậu ấy bóp nhẹ vai tôi một cái, nói: "Cảm động quá vậy ta!"

"Ở ngoài này sợ ghê! Lạnh lẽo mà im ắng, không giống bệnh viện chút nào." Tôi nhận xét.

Tuấn Anh mở cửa phòng, đáp: "Ừ. Khu này yên tĩnh hơn. Sợ thì vào phòng nghỉ ngơi đi. Đừng đi ra ngoài. Đợi xíu bác sĩ lên khám rồi ngủ sớm cho khoẻ."

Nói xong thì trải giường ra nói cậu tôi lên nằm nghỉ. Cậu tôi thấy đây không phải ghế mà là giường to thoải mái thì ngại ngùng gãi đầu gãi tai, nói: "Cháu nằm giường đi cho thẳng chân. Để cậu nằm ghế cũng được."

Tuấn Anh tới đẩy cậu tôi ngồi xuống giường xếp, nói: "Cậu nằm đây cho thoải mái. Mấy nay thức đêm thức hôm lo cho An cũng mệt. Cháu áy náy lắm!"

Cậu tôi cười ha ha nhìn mẹ tôi: "Chị xem thằng này nó nói chuyện cứ như nó mới là người nhà của An còn em là khách ấy nhỉ?"

Mẹ tôi cười, cũng lên giường nằm: "Tụi nhỏ có ăn có học giờ nói chuyện hay lắm. Ít chữ như tụi mình theo không kịp đâu. Thôi ngủ đây. Chạy đi chạy lại cả ngày mệt lắm rồi."

Cậu tôi hỏi: "Cái này bao nhiêu tiền để cậu trả?"

Tuấn Anh cười, lắc đầu: "Cháu mua cho cháu mà. Cậu cứ nằm đi, khi nào về thì để ở nhà An rồi cháu lên lấy sau."

"Ừ. Vậy cậu cảm ơn." Nói rồi cũng nằm xuống: "Ai da! Nằm giường sướng cái lưng hẳn."

Tuấn Anh thật tốt bụng. Dùng lễ nghĩa đối đãi với gia đình tôi vô cùng tử tế. Nào còn dáng vẻ ngông cuồng như lúc ban chiều nữa.

Cho tui xin miếng thời gian nhé. Chương trước, đọc cmt của các cô mà tui vừa buồn cười vừa áy náy, ko bít phải làm sao 😂 Sợ nói ra thì lộ hết tình tiết, mà ko nói thì cứ có cảm giác như mình làm việc gì có lỗi á huhu. Tui nói ngày mai ko gặp thì đúng là chỉ ngày mai ko gặp nhau được thui, nhưng mà sao ai cũng hiểu là Tuấn Anh khăn gói phắn luôn vậy🥲 Các cô nghĩ nhiều rồi. Oan cho thằng nhỏ qtqd. Tui đảm bảo với các cô là Tuấn Anh phải chữa lành cho An xong, chừng nào em bé An chuẩn bị cả tinh thần, thể chất lẫn tâm lý sẵn sàng mới yên tâm rời đi được.❤️

Hàng hoá của tui gặp chút trục trặc hải quan nên bây giờ mới về tới nhà được nè. Soát chính tả vội vàng nên nếu còn sót lỗi thì chỉ cho tui với nhé❤️ Up chương trễ, xin lũiiii nhìuuu😭 Gudnite các tình iu của tui😘

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.