Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 76: Đảm bảo không có ai bắt nạt



Nhưng chính tôi cũng không ngờ được giới hạn nhẫn nhịn của bản thân lại đến nhanh như thế.

Một tuần trước khi nhập học, Bình đạp xe lên nhà văn hoá thở hồng hộc thông báo cho tôi biết tin dữ. Ba nhân lúc không có ai ở nhà đã đem toàn bộ thuốc bổ, dụng cụ y tế của tôi đi bán mất tiêu rồi.

Tay chân tôi run rẩy lẩy bẩy, vội vàng luống cuống xin thầy về sớm một buổi.

Chỗ thực phẩm chức năng đó không đơn giản là có giá trị về mặt vật chất, nó còn là món quà tinh thần vô giá mà Tuấn Anh ngày đêm bỏ tâm bỏ sức ra lo lắng cho tôi vẹn toàn.

Chân tôi cuồng lên, tai ù cả đi mà vẫn cố căng ra nghe An Bình đạp bên cạnh nói rõ ràng chi tiết.

"Em với mẹ vừa về thì thấy nhà trống huơ trống hoác, nhìn một hồi mới ngớ người ra là bao nhiêu thùng thuốc của anh đi đâu hết rồi."

"Mẹ hỏi thăm hàng xóm xung quanh mới biết là ông ấy đem xe công nông đến chất thùng lớn thùng nhỏ đem đi."

"Em với mẹ chia nhau đi đến mấy nơi ông ta thường lui tới đều không gặp. May sao bác Lệ bán thuốc tây nói ba có chở xuống đấy gạ bán nhưng bác không mua."

"Đoán chắc ông ta chở đi bán mất rồi. Bây giờ em với anh chia nhau ra đi mấy hiệu thuốc lớn hỏi thử xem."

"Mẹ nó chứ! Em cũng không ngờ luôn. Chưa bao giờ thấy ông ta mon men lại gần, bình thường cũng uống chung, ai có mà ngờ ông ta nung nấu ý định này từ bao giờ đâu. Nếu biết trước thì em đã khiêng vào phòng em cất hết cho rồi."

Tôi cắn đầu lưỡi lấy bình tĩnh, hỏi: "Đem đi hết sạch?"

Bình gật đầu: "Sạch sành sanh. Không còn cái gì ở nhà."

Tim tôi nhói lên, đầu óc rối nùi không suy nghĩ được gì. Tôi dừng xe lại bên đường cố bình tâm lại.

Chỗ đó rất nhiều, vô cùng nhiều, hiệu thuốc nhỏ sẽ không đủ tiền mua, hiệu thuốc lớn thì chưa chắc đã mua hàng không có nguồn gốc... Nhưng mà ba tôi không biết giá trị của chúng, chắc chắn giá nào cũng bán. Vậy giá nào cũng mua thì nơi nào sẽ liều mạng như thế đây?

Tôi nắm chặt cổ tay Bình, lắc đầu nói: "Không đâu Bình ơi... Cứ đổ dốc về dưới mình thôi. Ba không dám lên tận đây bán đâu. Chắc chắn sẽ tìm hiệu thuốc nhỏ nào đó rồi gạ gẫm, đầu óc cỡ ba chỉ làm được vậy thôi..." Không phải ông ấy còn hỏi cả hiệu thuốc gần nhà tôi đấy sao? "...sau đó nếu nơi nào cảm thấy đồ tốt lại lừa gạt được ba thì sẽ trả giá thấp. Bình ơi... Ba sợ bị bắt nên không dám mò lên tận trên trấn đâu, lỡ tiệm lớn đàng hoàng người ta tố cáo thì sao... Ba không dám đâu..." Tôi lắp bắp nói liên tiếp, thở đứt quãng vì sợ hãi. Đây cũng chỉ là suy đoán mong mỏi của tôi mà thôi, lỡ không thể tìm về nữa thì thì... tôi không dám nghĩ đến...

Tôi lẩm bẩm vài lời, hít sâu sống mũi đau nhức rồi đạp xe thục mạng chạy thẳng về hướng nhà mình, quả nhiên gặp được hai gã bạn nhậu của ba đang ngồi hút thuốc lào ở quán nước đầu ngõ nhỏ trên đỉnh dốc, bên kia ngõ là hiệu thuốc, chéo ngoài đường lớn vẫn còn công nông đang đậu.

Tôi tiến tới ghế lái, hỏi: "Chú đợi tiền công chở hàng đúng không? Đợi chở giúp cháu số thùng vừa nãy thêm một lượt về lại nhà. Cháu trả gấp ba."

Chú ấy còn chưa nghe dứt câu đã nhanh chóng lưu loát nhảy xuống khỏi xe, không phải theo sát tôi mà là chủ động dẫn đầu chạy vào trong ngõ. Không biết là muốn ngăn cản hay tò mò.

"Ê! Tôn Ngộ Không tới tìm ba kìa!" Một gã vỗ đùi đèn đẹt chỉ tay sang tôi rồi cùng với gã bợm còn lại cười lên ha hả.

Tôi bật gậy ba khúc dài ra rồi đánh bay điếu cày của gã, mỉm cười hỏi: "Muốn biết gậy Như Ý có thể làm được những gì không?"

Vừa dứt lời thì chú đi cùng tiến tới dộng đầu gã một cú thật mạnh xuống bàn.

Tôi sửng sốt, giật nảy cả người.

Chưa kịp phản ứng gì thì gã còn lại nhổ nước bọt xuống đất, bước tới chỉ vào mặt tôi, mắng: "Con cháu mất dạy!"

Chú tốt bụng trước mắt vươn tay còn lại ra nhưng không nhanh bằng em trai tôi.

An Bình đạp lên ngực gã, "Đéo ai làm con cháu nhà mày!"

Tôi thu gậy về, dặn An Bình: "Em ở đây đợi anh, đừng làm gì quá đáng!" Tôi sợ kinh động đến người xung quanh nhưng hai người ngồi bàn gần đó uống nước không có vẻ gì là hốt hoảng bỏ đi vì sợ phiền phức hết. Chỉ là thái độ hơi trái ngược, tôi liếc thoáng qua thấy một người trung niên khắc khổ lam lũ giật mình rõ ràng, người trẻ tuổi còn lại điềm tĩnh hơn hẳn, vừa uống nước trà vừa nhìn về phía này cười cười như xem được trò vui.

Đợi Bình gật đầu rồi tôi mới nhấc chân đi vào hiệu thuốc, chú lái xe kia theo sát phía sau.

Tôi dừng lại một chút, lên tiếng: "Người trong kia là cha ruột của cháu. Ông ấy lấy trộm thuốc của cháu đem đi bán lấy tiền nhậu với mấy người hồi nãy. Cháu bị bệnh phổi bệnh tim, phải cần có thuốc hỗ trợ. Chú xem, người làm cha mà hành xử như thế là đúng hay sai?"

Chú ấy im lặng.

Tôi vào hẳn bên trong, họ đã khép cửa chỉ để mở he hé, thùng quà của Tuấn Anh nằm la liệt trong sân.

Tôi bình tĩnh nói: "Cô khỏi cần kiểm nữa. Cháu đã báo công an rồi. Ngồi xuống uống nước đợi công an đến kiểm tra rồi truy xuất nguồn gốc giùm cô luôn."

Quả nhiên chủ tiệm nghe được thì run tay, đặt hộp bổ máu xuống mà đứng thẳng người dậy liếc về phía tôi.

"Mả cha mày!"

Ba tôi hùng hục xông tới giơ tay lên, tôi không nhịn cũng không trốn tránh nữa, đang định chặn lại cánh tay kia thì chú trẻ tuổi bên cạnh dùng lực hất ra, ba tôi loạng choạng văng lùi lại mấy mét.

Tôi liếc sang, chú ấy mỉm cười.

Tôi cũng cười lại, rồi quay sang nói với cô chủ tiệm: "Cô cũng ăn học đàng hoàng thì mới được mở hiệu thuốc, vậy mà lại coi thường Pháp luật đi thu mua lại đồ ăn cắp à?"

Cô ấy không lên tiếng.

"Bây giờ tự cháu đem hết đi cũng được vì đây đều là đồ của cháu, nhưng cháu vẫn nói một lời, xin phép cô hãy trả lại thuốc cho cháu. Còn nếu cô không đồng ý, cháu vẫn đem đi thôi. Nhưng nhắc cho cô biết, những hàng hoá không có hoá đơn rõ ràng sẽ không được phép kinh doanh tiêu thụ đâu. Cháu để lại cho cô một thùng cũng được, nhưng cô có dám đánh đổi bằng việc bị tước chứng chỉ hành nghề dược vĩnh viễn hay không?"

Cô ấy học y, đương nhiên là hiểu biết hơn ai hết, nghe đến đó thì hỏi tôi: "Đây là?"

"Đây là ba cháu." Tôi nói thẳng: "Ông ấy ăn cắp thuốc của cháu bán lấy tiền nhậu nhẹt. Cô xem sơ qua cũng biết hầu hết đều là bổ tim, bổ phổi mà đúng không? Chứng tờ hoá đơn đều đang ở chỗ cháu."

Cô ấy thở dài, "Ông ta nói nhà buôn bán thuốc phá sản nên bán lấy tiền trả nợ."

Tôi lắc đầu, "Bất kì lý do gì thì cô cũng không được đồng ý mua lại nếu không có giấy tờ nguồn gốc hợp lệ. Như vậy là phạm pháp."

Chúng tôi cũng không nhiều lời thêm bao nhiêu câu.

Ba tôi xấu hổ đùng đùng bỏ về trước.

Ra tới nơi, thấy đầu cổ hai gã bạn nhậu ướt sũng, hỏi ra mới biết là An Bình tưới bia vào vì dám mắng chửi tôi.

Tôi bật cười.

Nhưng suy nghĩ kỹ lại, An Bình nóng nảy nên hành động quá khích có thể hiểu được, nhưng còn hai gã kia tại sao lại ngồi im re chịu trận như thế? Cũng phải quậy phản kháng lại hoặc đứng dậy bỏ đi về chứ? Em Bình dù có lấc cấc cỡ nào thì hình hài vẫn còn là con nít, có thể đánh hai, ba thằng như tôi nhưng đàn ông trưởng thành to béo thô kệch thì sao có thể một lúc quậy hẳn hai người mà không xây xát gì?

Hỏi ra thì An Bình cười ha ha ha, chỉ sang người thanh niên điềm đạm ngồi bàn bên cạnh, nói: "Là anh đó trói tay trói chân hai ông này lại với nhau rồi, chỉ còn mỗi mồm là hoạt động được thôi." Bình ghé vào tai tôi, "Mà hồi nãy em hất nước là còn nhẹ, cái anh đó nghe xong thì thụi cho mỗi ông một cú nằm gục xuống bàn rên luôn mà. Đỉnh thật!"

Tôi sửng sốt. Lần này quan sát kỹ hơn thì vẫn không thấy khác gì lúc trước. Người đàn ông trung niên thậm chí còn bê ghế ra cột gỗ phía xa xa ngồi, không để ý gì đến bên này. Còn người trẻ tuổi thì nhìn thẳng vào tôi rồi nở nụ cười rất tự nhiên.

Tôi cũng cười lại, cúi đầu thấp một chút coi như lời cảm ơn. Sau đó giục Bình đi vào khiêng đồ cùng chú lái xe, còn tôi cởi trói cho hai gã bợm nhậu đi về.

Ba chạy hùng hục quay lại muốn táng vào đầu tôi từ phía sau nhưng bây giờ tôi đã học được tính cảnh giác cao, biết cách nghe ngóng đề phòng tiếng động xung quanh rồi, huống chi ông ấy còn chạy bước rầm rập nặng nề.

Tôi chặn lại cánh tay ông ấy rồi bẻ ngược ra sau, nghe theo lời Tuấn Anh chỉ dạy mà nhanh chóng áp dụng chiêu thức nhìn như tự vệ nhưng thực chất lại là đang ra đòn hiểm. Tôi dùng lực móng tay cái bất ngờ ấn mạnh nghiền ép lên huyệt hợp cốc trên mu bàn tay ông ấy.

Ba tôi gào rú ngã xuống ôm tay lăn lộn giữa bùn đất, miệng không ngừng lẩm bẩm: "Đồ bất hiếu!"

Lúc này mới để ý anh trai gần đó vừa ngồi lại xuống ghế nhưng ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm về bên này. Chắc là khi nãy thấy ba tôi xông tới nên định chạy tới giúp đỡ một phen?

Tôi nhìn xuống cha mình, thản nhiên nói: "Vâng, cảm ơn ba."

An Bình vừa lúc đi ra, hỏi han: "Ông ta có đánh anh không?"

Tôi lắc đầu.

An Bình thở phào, xốc thùng đồ lên một chút rồi nói oang oang: "Làm cha tệ bạc đến thế này mà cũng dám mở mồm ra mắng con mình bất hiếu cho được! Không biết xấu hổ! Sao mà hèn hạ đến mức này? Mấy con cave lại vòi tiền à?"

Tôi nhắc nhở, "Nói nhỏ thôi."

"Em chẳng ngại đâu! Ngữ như này phải bêu rếu cho bàn dân thiên hạ biết rõ mới vừa! Mẹ không chịu ly hôn đúng là buồn cười! Chắc phải đợi ông ta đem cả cái nhà này đi bán hết mới sáng mắt ra!"

Tôi đẩy lưng nó, "Thôi xếp đồ nhanh rồi về!" Chuyện của người lớn, chúng tôi không xen vào được. Bình van xin mẹ ly dị cũng không phải lần một lần hai gì cho cam.

Hai gã bạn nhậu của ba tôi đã chạy biến đi từ lúc nào rồi. Tôi kéo ba ngồi lên ghế rồi hỏi: "Bây giờ ba có theo xe về nhà không hay muốn đi bộ về?"

Ba tôi trừng cặp mắt đỏ ngầu, quát tháo: "Mẹ mày! Mày để cái xe đạp lại cho tao!"

Tôi lắc đầu, "Vậy hôm nay ba lội bộ về đi."

Tôi đi vào trong khiêng đồ, khi trở ra thì dừng trước mặt ba, nhấn mạnh: "Ba đang tỉnh táo thì hãy nhớ kỹ ngày hôm nay cho con. Sau thời khắc này, con sẽ không nhịn nữa đâu, ba đánh đập con vô cớ mười mấy năm nay là quá đủ rồi. Con là con người chứ không phải yêu quái, ba cảm thấy con xấu xí thì từ giờ trở đi đừng nhìn mặt con nữa là được. Ba nói con bất hiếu, sau này ăn no rồi sẽ vỗ cánh bay đi. Đây là lời duy nhất ba nói đúng đó. Con có mục tiêu để phấn đấu rồi. Ba biết là gì không?"

Tôi cúi xuống gần một chút, nhẹ nhàng mỉm cười, "Sau này con làm có tiền sẽ đón mẹ và em Bình đi. Cất nhà thật rộng cho mẹ và em ở, xây quán thật to cho mẹ buôn bán, mở cơ sở cho em Bình kinh doanh. Trong ngôi nhà tràn ngập hạnh phúc đó, sẽ không có tiếng chửi rủa..." Tôi gằn giọng một chút, "Trong ngôi nhà khang trang to thật là to đó, sẽ-không-có-ba."

Ba tôi mở mắt trừng trừng, nhất thời cứng họng, không phản ứng lại được gì.

Tôi mỉm cười, nhanh chóng quay đi.

Nhưng ngón tay bên dưới liên tục bấm vào thùng carton để ngăn run rẩy.

Tuấn Anh à, An làm được rồi... An làm được rồi...

Còn đang mải suy nghĩ thì chú lái xe tốt bụng kia khoan thai bước tới giành lấy thùng đồ nặng trịch từ tay tôi.

Tôi nhìn theo dáng lưng thẳng tắp phía trước mà cứ luôn có cảm giác chú ấy không hợp với chiếc xe này chút nào. Những người chạy xe công nông chỗ tôi ai cũng có làn da đen sạm cả đi, da dẻ nhiều nám và rỗ, vết chân chim hằn sâu trên khuôn mặt do ảnh hưởng của nắng gió khắc nghiệt. Còn da chú ấy chỉ hơi ngả màu mật một chút, vẫn còn mịn màng, giống dân có điều kiện hoặc ngồi bàn giấy làm việc hơn. Nhưng cánh tay lại toàn cơ là cơ, săn chắc thấy rõ, nhìn vào cũng thấy nếu là người ngồi làm việc nhàn hạ thì cũng không hợp lý. Chắc người ta đẹp tự nhiên thôi, chắc nắng gió chủ động né mấy người tướng tá sang trọng.

Khi về đến tận nhà chú ấy cũng nhiệt tình bê phụ vào trong, thậm chí nhất định đẩy tiền về, nói rằng chỉ tiện tay làm việc thiện thôi, không muốn tiếp tay cho người xấu. Ba mẹ con tôi cảm ơn rối rít. Mẹ tôi làm cho chú ấy bốn phần chè đậu đỏ mang về cho gia đình, chú vui vẻ nhận lấy nhưng cũng không về ngay mà ngồi trên xe gọi điện thoại di động. Càng nhìn lén, tôi càng thấy khung cảnh này không hợp nhau một tí tì ti nào. Đáng lẽ phải nên ngồi trong xe hơi mới đúng chứ. Chưa bao giờ tôi gặp qua ai chạy công nông mà có điện thoại cầm tay cả. Chú ấy cứ hướng chằm chằm vào nhà tôi rồi nói chuyện nên tôi không dám nhìn trộm nữa, nhanh chóng chạy tọt vào phòng Bình kiểm kê xem có mất mát gì không.

Cách khai giảng một ngày, khi mặt trời lẩn mình ẩn nấp kỹ càng sau núi rừng đại ngàn thì tôi mới lê lết tấm thân về đến nhà.

"Thưa ba, con mới về."

Ba đang ngồi xem tivi, nhìn thấy tôi thì không thét chói tai nữa mà chuyển sang tặc lưỡi liếc lên liếc xuống, liếc ngang liếc dọc một lượt rồi mới quay mặt đi, "Ăn mặc đéo giống ai."

Tôi mím môi lẳng lặng lướt qua, đúng là tôi ăn mặc không giống ai thật.

Nhưng cũng hết cách. Vì Tuấn Anh thích da trắng nên tôi phải che chắn da thịt mình kín mít khỏi ánh mặt trời. Hy vọng sau này làn da vừa khô vừa sạm này có thể hồi lại trắng trẻo, Tuấn Anh vừa nhìn thấy đã muốn cắn xuống một miếng thì càng tốt.

Tôi xuống thẳng dưới bếp, vui vẻ gọi: "Mẹ ơi—! Con đã về!"

"Ừ." Mẹ tôi cười rộ lên nhìn xinh chết đi được, "Hôm nay có chuyện gì mà vui thế? Đi học có bị bạn đánh không?"

Câu này từ ngày đi học võ về, trưa nào chiều nào mẹ cũng sẽ hỏi. Mẹ không cho là đối kháng hay rèn luyện, tập luyện mà chỉ nơm nớp sợ tôi bị người ta đánh đau.

"Dạ không. Con có một bất ngờ... à, con có thể cắt tóc ngắn được không?" Tôi cười tủm tỉm tháo khẩu trang ra.

Mẹ chùi tay ướt vào quần, bước lên thềm bếp, "Lâu nay con vẫn cắt tóc ngắn rồi còn gì, có để đuôi dài nữa đâu." Mẹ xua tay, "Úi xời! Thích cắt thế nào thì cắt. Cha bố anh! Mới năm rồi không xin phép mẹ đã tự ý xẻn tóc. Bây giờ bày đặt xin xỏ!"

Tôi cười cười đứng trước mặt mẹ rồi kéo nón áo khoác phùng phình xuống vai, "Vậy mẹ cho con cắt rồi đúng không?"

"Ừ." Mẹ gạt tôi sang một bên, giục: "Đi tắm nhanh còn vào ăn cơm!"

"Vâng." Tôi mím môi, chậm rãi bỏ mũ lưỡi trai xuống.

Quả nhiên... "Mả cha mày! Cái thằng trời đánh này!"

Tôi ôm mông nhảy lùi về phía sau xoa xoa lia lịa, "Mẹ mới nói là cho mà?"

"Mẹ mày!" Khuôn mặt mẹ đỏ bừng, đũa cả lại lần nữa tét xuống đùi tôi, quát lên: "Mày học ai cái thói cắt rồi mới xin đấy hả?"

"..."

Học Tuấn Anh.

"Làng nước ơi ra đây mà xem! Thằng con trai tôi nó cạo trọc đầu rồi!"

"..."

Mẹ tìm mông tôi nhưng bị tôi chạy vòng vòng tránh thoát.

Cách này cũng là học Tuấn Anh.

"Mày đứng lại cho tao!" Mẹ chỉ cái đũa sang.

Tôi xua tay chặn lại, "Mẹ nghe con nói đã! Đây không phải đầu trọc, đây là đầu đinh mà."

"Tao không biết! Mày đừng có mà nhờn với tao! Lâu rồi không cho ăn đòn là sinh chuyện hả! Nằm sấp xuống!"

"..."

Thế mà bảo lớn rồi sẽ không đánh đòn nữa.

An Bình vội vàng mặc cái quần ướt sũng từ dưới chuồng heo chạy tọt lên nhà, ôm tay mẹ can lại: "Thôi thôi, anh An lớn từng này rồi còn đánh làm gì nữa. Chỉ là cắt tóc thôi mà. Đầu đinh thì có sao đâu. Không phải con cũng cắt ngắn suốt đấy sao."

Mẹ tôi thở phì phò chỉ vào tôi: "Mày không biết sợ đâu! Lỡ ốm ra đấy thì ai lo hả?"

Tôi khoanh tay lại: "Con xin lỗi! Tại mấy lần cắt ngắn dần, ngắn dần thấy không sao nên nên... con..."

Mẹ tát một cái lên bắp tay tôi, "Mày cũng biết là ngắn dần cơ à? Đây có phải ngắn dần không? Đùng một phát mày cạo hết mẹ tóc đi rồi lỡ hành sốt thì sao? Hả? Mày tính lên chùa đi tu hay gì?"

"..."

Rõ ràng là tóc còn dài tận ba phân cơ mà. Hu hu.

Nhưng thôi... không dám cãi...

"Con xin lỗi!" Tôi lí nhí đáp.

Cũng tại tôi mơ ước được để kiểu tóc yêu thích của đại ca Tuấn Anh nên mới mù quáng nhất thời bộc phát làm chuyện điên rồ như vậy. Đến khi ra khỏi tiệm cắt tóc thì lại sợ hãi không dám về nhà, cứ chần chờ đứng bên bờ hồ tiếp thêm sức mạnh mãi.

An Bình cúi xuống chổng mông lên vắt nước ở ống quần vào cái thau, "Thôi đừng chửi nữa mà, nhức đầu quá nè, chóng mặt quá nè. Lâu nay anh đâu có vì cắt tóc mà phát bệnh nữa. Mấy cái tâm linh chỉ hồi nhỏ yếu bóng vía thì mới ứng nghiệm thôi. Bây giờ chúng ta trưởng thành rồi, phải sống theo chủ nghĩa xã hội khoa học văn minh tiên tiến."

Tôi bặm môi cố nhịn cười, học dốt mà sao hay nói văn hoa quá à.

Mẹ quay lại quất mông Bình một cái, quát lên: "Mẹ cái thằng này chứ! Tao mới hứng nước vào để ngâm hoa chuối mà mày vắt vào đấy à! Tổ cha nhà mày! Muốn tối nay cả nhà ăn cơm toàn mùi khắm à?"

Tôi với An Bình hết nhịn nổi, cùng cười phá lên.

Cuối cùng, tôi không bị nằm sấp chịu đòn nữa. Qua một đêm khoẻ mạnh tươi tắn thì mẹ cũng thở phào, nói tôi cắt tóc nhìn cũng đẹp nhưng lạ mắt quá, mẹ đẻ ra mà nhìn hoài còn chưa quen.

An Bình hỏi: "Mốt bây giờ là kiểu tóc dài lỉa xỉa giống anh ngày xưa đấy. Em thấy mấy anh trai ngoài đường toàn để tóc dài thôi. Anh cắt đầu đinh có khi lại nổi nhất trường."

Nghe vậy thì tôi sửng sốt. Vốn dĩ mục đích chỉ mong mình giống Tuấn Anh những năm trước, muốn tìm lại cảm giác gai gai tê tê mà lòng bàn tay mỗi khi sờ lên tóc là cảm nhận được. Hồi tiểu học, tôi thường chà bàn tay bé xíu của mình lên đầu cậu ấy rồi cười khúc khích vì nhột. Lên cấp hai thì không dám nữa, đến năm cuối cấp thì Tuấn Anh đã không còn để đầu đinh rồi. Cảm giác gai gai ráp ráp ngón tay chỉ còn sót lại mỗi khi cậu ấy quên cạo râu, nhưng cằm tôi chưa có một tí tì ti râu nào để bắt chước cả.

Tôi ám ảnh với việc đầu óc mình càng có tuổi sẽ càng đần đi, sợ hãi bản thân một lúc nào đó sẽ quên mất Tuấn Anh nên ngày nào cũng tưởng tượng rồi nhung nhớ dáng vẻ của cậu ấy.

Tuấn Anh từng dặn dò, sau khi cậu ấy đi thì tôi chỉ được phép khóc ba ngày. Nhưng tôi thất hứa rồi, tôi không làm được, cũng không mạnh mẽ thực hiện nổi.

Suốt hơn ba tháng trời, đêm nào tôi cũng rơi nước mắt. Có khi chỉ lặng lẽ chảy dài nhưng phần lớn là quằn quại cắn lấy cổ tay mà co ro cơ thể nghẹn ngào nức nở.

Tôi luôn tưởng tượng ra Tuấn Anh vẫn quẩn quanh trong phòng mình, sờ lên vị trí nệm bên cạnh mà muốn cảm nhận hơi ấm, chất giọng ngọt ngào của cậu ấy luôn dịu dàng nói cười bên tai.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Thỉnh thoảng vào lúc rảnh, tôi không dựa vào hình của Tuấn Anh mà cố nhắm mắt lại mường tượng sau đó mơ hồ phác hoạ lại mọi dáng vẻ của cậu ấy. Có lúc lại điên cuồng tập đi tập lại vẽ chỉ một chi tiết như đôi mắt, sống mũi, khuôn miệng, bàn tay... Tôi sợ mình quên mất nên cứ đâm đầu lặp đi lặp lại, vẽ miệt mài cho đến khi bản thân cảm thấy hài lòng. Nhưng tôi chưa từng hài lòng.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, tôi luôn thả hồn mình về lại quá khứ, rồi nhớ được chuyện gì lại viết xuống sổ tay chuyện đó. Tất cả giây phút chúng tôi bên nhau thân mật, chọc ghẹo, đối đáp từ nhỏ đến giờ đều được tôi cấp tốc ghi chép xuống từng trang giấy. Không thể đầy đủ, cũng không một lúc có thể ghi nhớ lại hết nên những mốc thời gian trong sổ đều không hoàn toàn chính xác, cứ sực nhớ đến gì thì viết điều đó lại. Nhưng tất cả những ân cần săn sóc cậu ấy từng dành cho tôi đều là sự thật không sai một li.

Sau mỗi lần gấp sổ lại, tôi đều cắt một mảnh giấy màu thành dáng nhỏ dài, viết lời hỏi thăm đến Tuấn Anh lên, sau đó gấp thành ngôi sao cất vào hộp đựng súp cua mà cậu ấy để lại.

Cứ thế ngày qua ngày ngôi sao dần đầy lên, nỗi tương tư gửi về nơi xa chưa từng vơi.

An Bình nói tôi nên tháo khuyên tai ra đi, "Bây giờ nhìn anh giống du côn thật rồi."

"..."

Tôi lắc đầu, "Anh không tháo được."

Bình vươn tay tới, "Vậy để em tháo giùm cho."

"..."

Tôi nghiêng đầu tránh sang một bên, "Không tháo được chứ không phải không tháo được. Hiểu chưa?"

Bình đập bàn 'RẦM' một tiếng, "Ông cố nội em đội mồ sống dậy cũng không hiểu!"

"..."

Không hiểu thì thôi... đừng động tay động chân mà.

Bình nói: "Anh không muốn cũng phải gỡ ra chứ. Trường làng khác trường huyện, lên thị trấn rồi sẽ bị cấm đó."

Tôi sửng sốt, lớn rồi mà chưa hề nghĩ đến trường hợp này, rất có thể lên trường cấp ba sẽ bị cấm đeo khuyên thật.

"Sao em biết?"

"Mấy thằng bạn em nói. Tụi nó đi học cấp ba đều phải tháo khuyên tai, nhuộm lại tóc đen. Bọn nó đeo có một bên, còn anh tận ba cái lủng lẳng thế kia. Chưa nói tới bị bọn xấu chú ý thì giám thị đã cắt tai anh trước rồi."

"..."

Sống lưng tôi chợt ớn lạnh, vô thức sờ lên vành tai.

Tôi chạy sang nhà thằng Kiên, hỏi ra mới biết trường bán công anh nó học cũng có luật cấm, vậy thì chắc chắn trường công lập sẽ không chấp nhận thật rồi.

Lòng tôi chùng xuống, xin lỗi Tuấn Anh... An phải tháo khuyên tai đôi xuống đây. Đồ đôi thì An giữ thật kỹ cũng là minh chứng cho việc chúng ta mãi mãi là một cặp mà, đúng không? Không đeo lên được thì Tuấn Anh cũng sẽ rộng lòng tha thứ mà, đúng không?

Tôi còn chẳng có thời gian mà ủ rũ chuyện tình cảm vì Kiên thông báo một tin động trời.

"Bố mẹ bắt tao nghỉ học đi làm công nhân mía đường."

Tôi nghe mà bàng hoàng.

Phải nói, lứa tụi tôi rất được phụ huynh đầu tư vào việc học hành, kể cả nhà không có điều kiện hoặc không ham học cũng được nhà trường hỗ trợ học phí, còn đến vận động tận nơi. Trong xóm, tôi chơi thân với ba thằng, hai thằng còn lại học bán công, còn thằng Kiên lâu nay tôi vẫn đinh ninh nó cũng học dưới đó chứ.

Kiên lắc đầu: "Tao học dốt, bố mẹ không cho theo. Xoá mù chữ chỉ có cấp một, cấp hai thôi. Cấp ba chẳng ai hỗ trợ học phí cho thằng ngu đâu."

"Vậy còn trung tâm giáo dục thường xuyên thì sao? Học ít tiết cũng có nhiều thời gian ở nhà phụ việc bố mẹ mà." Tôi ngồi xuống bên cạnh nó, dưới gốc cây trứng cá.

Chúng tôi cùng nhìn đàn kiến tha từng viên trứng nhỏ xíu về tổ.

Kiên hít mũi, "Căn bản là bố mẹ muốn tao kiếm tiền, không... không muốn tao đi học nữa. Học dốt... tốn cơm."

Tôi quay sang nhìn sườn mặt buồn bã của nó, chóp mũi đỏ ửng khiến tôi không khỏi chua xót. Nhưng tôi không thể can dự vào quyết định của phụ huynh nhà người ta được. Đối với họ, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, thân mình còn lo chưa xong ăn chưa tới thì lo cho ai?

Tôi thân với Kiên từ ngày bé xíu đến giờ nên hiểu nó hơn ai hết, mấy lời thừa thãi như "tại sao mày không cố gắng học hành?" tôi không thể nào nói ra miệng được vào lúc này. Chúng tôi đã từng nói về việc học vô số lần trong quá khứ, nhưng Kiên một phần cũng giống Diệu Hiền và An Bình, có học cũng không vào đầu nổi bao nhiêu.

Nhưng nếu Hiền giỏi ngoại ngữ thì Kiên lại có tài lẻ là vẽ tranh vô cùng đẹp. Từ lúc nhỏ xíu chúng tôi đã cùng nhau mê mải cầm que vẽ đầy trên đất rồi. Nhà Kiên hồi xưa khá hơn nhà tôi nhiều, nên màu và bút hầu như toàn là nó cho tôi dùng ké suốt thời ấu thơ.

Tôi nói: "Mày chưa đủ tuổi lao động, người ta sẽ không nhận mày vào làm đâu." Tôi cũng biết nhiều nơi vẫn nhận trẻ dưới vị thành niên nhưng công ty xí nghiệp lớn thì không.

Vốn dĩ tôi muốn hỏi, nhà mày có thiếu thốn gì đâu, sao lại bắt con cái nghỉ học ngang xương? Đến hai anh chị đi trước đều học kém cỏi cũng lo cho học bán công rồi đi Đại học được kia mà. Tôi cũng có rất nhiều câu hỏi muốn đặt ra nhưng đành giấu vào trong lòng.

"Không nhận thì làm chui, bố tao quen công nhân trong đó, chú ấy nói làm được nhưng trả lương bằng một phần tư người khác."

"Một phần tư là bao nhiêu?"

Nhận được câu trả lời, trong lòng tôi đánh thót, không ngờ lại thấp đến như thế.

"Có khi nào người ta thấy mình nhỏ tuổi nên chèn ép không? Chứ trả lương cỡ này thì tao nghĩ đi lên thị trấn bưng phở lương còn cao hơn."

Kiên lắc đầu, đang định nói gì đó thì hai thằng bạn chung xóm còn lại nhảy bổ tới ôm vai chúng tôi rồi lót dép ngồi bệt xuống đối diện.

Duy Dương hỏi: "Mày nói cho thằng An rồi à?"

Kiên gật đầu buồn bã.

Thì ra là lâu nay tôi đi sớm về khuya, bỏ rơi bạn bè, nên là người biết cuối cùng.

Khánh vỗ vai tôi, "Ê An, mày để quả đầu này nhìn được đấy. Mấy thằng có máu côn đồ sẽ không để ý đâu vì tưởng là đồng bọn."

Tôi lườm sang, "Cảm ơn vì đã khen tao đẹp trai!"

Cả bọn cùng cười lên. Tụi nó nói không học chung trường nữa cũng lo tôi bị bắt nạt sẽ không có người bênh, bây giờ thấy tôi như thế này thì yên tâm hơn. Tôi cảm động trong lòng.

Khánh xé cái bánh nướng chia làm bốn phần cho tụi tôi, "Mày nói đến đâu rồi? Thằng An có biết nhà mày sắp chuyển đi chưa?"

Tôi nghe mà xiểng niểng cả người, không thể tin được nên vội vội vàng vàng hỏi tới: "Chuyển đi? Mày chuyển đi đâu? Vậy làm mía đường chỗ nào? Không phải nhà máy dưới Vĩnh Hoà sao? Tại sao đùng một cái lại chuyển đi? Sao không cho tao biết sớm hơn? Khi nào mày đi vậy?"

Kiên cười cười, nhét hết bánh vào miệng, phồng má ú ớ đáp: "Cũng không chuyển đi xa, nhà tao bán gấp cho người quen rồi chuyển vào buôn trong kia thuê nhà nho nhỏ ở tạm."

Nó ghé sát vào tai tôi, nói thầm: "Tao kể cho mày chuyện này mày đừng kể cho ai, anh tao lên thành phố làm ăn bị xã hội đen lừa, bây giờ thiếu nợ cả hơn hai trăm triệu. Sắn thì bị đào non băm cả gốc, cá thì bỏ bả chết trắng ao, ngày nào tụi nó cũng tới nhà kiếm chuyện, báo công an thì không bắt được tận tay, không có chứng cứ cũng chẳng làm gì được. Nhà tao lấy đâu ra lắm tiền thế mà trả nên mới bán gấp với vay lãi thêm. Vì vậy nên mới không có tiền cho tao đi học nổi nữa. Nhưng đi làm nhà máy tao cũng hơi sờ sợ. Mẹ tao còn bảo tiếc quá, nhà thằng Tuấn Anh chuyển đi rồi thì không còn nhà nào cho vay lãi thấp nữa, toàn tính lãi cắt cổ thôi."

Nhà Tuấn Anh chuyên cho mọi người vay mượn tiền nóng thì ai cũng biết, đừng nói là tính lãi, nhiều nhà khó khăn kẹt quá thì cô chú ấy cũng cho mượn không không. Ví dụ điển hình như nhà tôi vào mùa Hạ trầy trật nọ, mẹ Tuấn Anh cũng ra tay nâng đỡ huỷ sạch sẽ tiền lãi của bác dâu rồi cho mẹ tôi từ từ làm ăn có dư mới cần trả lại. Cũng nhờ vậy mà năm đó nhà tôi đỡ chật vật phần nào.

Tôi đẩy đầu nó ra, "Thôi đi! Mày nói cho hai thằng kia trước rồi mới đến tao. Bày đặt dặn đừng kể cho ai!"

Kiên bĩu môi, "Sao hôm nay mày khôn lạ thường vậy?"

Tôi cãi lại, "Trong bốn thằng, tao mới là người khôn nhất!"

Khánh cười khằng khặc, "Mày ngố nhất thì có! Chỉ được mỗi cái là học giỏi thôi!"

Tôi đứng dậy phủi đít quần, Duy Dương hét lên: "Lại giận đấy à?"

"..."

Lại?

Tôi không thèm chấp tụi con nít, cũng không quay đầu mà nói: "Đợi tao một tí!" rồi chạy sang đường về lại nhà mình. Mặt tôi trong quá khứ thường hay lạnh nhạt, không có biểu cảm rõ ràng nên mọi người mới nghĩ là tôi giận hờn.

Tôi kể sơ qua chuyện thằng Kiên phải đi làm ở nhà máy, với mức lương như thế thì chẳng thà sang nhà mình làm cho mẹ.

Mẹ tôi cũng buồn, "Mẹ nghe đồn nhà nó bán rồi nhưng không biết tại sao. Không ngờ lại bắt cả thằng cu nghỉ học như thế!"

Tôi không kể cho mẹ biết lý do, chỉ năn nỉ thuyết phục mẹ, tôi sợ nó thân cô thế cô bé tí tẹo đi làm xa nhà rồi bị bắt nạt.

Mẹ nói, "Thế còn dì thì sao?"

Sao là sao? Hiện tại bây giờ trưa trật còn chưa thấy mặt nữa là. Làm việc thì õng ẹo, vướng chân anh em tôi thêm.

Tôi thở dài, "Mẹ cũng nói nhiều lần sẽ mướn người khác rồi mà."

"Đấy chỉ là doạ thôi."

"Mẹ làm thật đi! Đừng doạ nữa! Chuyện gì cũng sợ mất lòng rồi mình trả tiền để thêm việc vào người à?"

Nói qua nói lại, đến khi tôi chạy sang nhà thằng Kiên đã chẳng còn thấy một ai.

"..."

Bạn tốt ghê!

Nếu là Tuấn Anh thì cậu ấy sẽ đợi tôi bằng được mới thôi.

Vào ngày khai giảng, khi đạp đến ngã tư đường lớn, đứng phía xa xa nhìn vào ngôi trường đồ sộ cổ kính bị đám đông đen kìn kịt bu kín phía trước, tôi đã tưởng nơi mình theo học cũng vay lãi ngoài nên bị xã hội đen dí tới nhập học cũng không tha.

Tôi chống chân chần chờ mãi, không biết có nên xông pha một phen hay không? Lỡ hôm nay quay về nhà, bữa sau lên trường chỉ còn lại đống đổ nát thì sao? Tôi phải đi đâu học cấp ba cho bằng bạn bằng bè đây?

Thực ra, lúc tốt nghiệp cấp hai xong, tôi có thi đậu vào một trường chuyên ba môn tự nhiên phối hợp trên thị xã. Mẹ nói có thể lo cho tôi ăn học ở trọ tại môi trường tốt hơn trên đấy nhưng tôi không chịu học xa nhà. Khi đó tôi chỉ thi thử xem năng lực của mình đến đâu chứ không muốn học ở một nơi chưa từng có dấu chân Tuấn Anh bước qua. Huống hồ, ngôi trường trước mắt này nơi nào cũng có bóng hình chúng tôi quấn lấy nhau hôn môi. Tôi còn muốn ôn lại kỉ niệm.

Nghĩ đến đây, tôi liền có thêm vô vàn sức mạnh, thầm động viên mình rằng người trong giang hồ chắc chắn sẽ chừa học sinh ngoan ra thôi.

Nhưng đạp đến gần rồi tôi mới thấy càng ngày càng hơi sai sai.

Hàng trăm người mặc áo đen đứng nơi này nhìn có hơi quen quen.

Thực ra là tôi không nhớ được mặt ai hết, nhưng người đang cười rạng rỡ bước khoan thai sang đường đi về phía này thì sao tôi có thể nào quên được.

Anh Hùng vỗ vai tôi, "Ái chà! Cắt tóc mới nhìn đẹp trai hẳn!"

Cả người tôi run lên, mãi mới cứng đờ mà quay sang chào hỏi anh ấy được.

Bây giờ tôi đã biết tại sao Tuấn Anh lại muốn tôi phải gặp gỡ mọi người đến vậy rồi.

Tuy không đứng trong phạm vi trường ảnh hưởng người khác nhưng hàng trăm bóng dáng cao lớn mặc áo đen sì sì giơ cao băng rôn đỏ chói loá, hét tên tôi ầm ĩ, vỗ tay nhiệt liệt chào đón thế này thì muốn không nổi nhất trường cũng khó.

Cậu ấy sợ tôi bị bắt nạt đến nỗi tính luôn cả chuyện đưa tôi lên làm trùm Mafia luôn rồi. Thế mà còn bày đặt dặn đi dặn lại tôi phải kìm nén thái độ của mình? Theo tình hình hiện tại, tôi dám cá mình đi một bước chửi thề hai câu hay thậm chí gặp ai cũng vuốt má một cái yêu thương thì cũng chẳng có dân anh chị nào dám hó hé gì!

Băng nhóm đông rần rần toàn anh lớn thế này cơ mà!

Lớn trong lớn tuổi nhưng con nít học cấp ba sẽ sợ người lớn hơn mình là điều thuận theo lẽ tự nhiên rồi.

Tôi đọc đi đọc lại dòng chữ màu vàng choé nổi bật trên nền vải đỏ mà thấy ê răng vô cùng.

May mà mấy tháng hè này tôi đã luyện được kỹ năng sinh tồn cứng cỏi, không đỏ mặt xấu hổ muốn chui xuống đất hay cong đít lên đạp xe bỏ chạy mất dép nữa.

Mặt tôi không đổi sắc, chỉ mỉm cười hỏi anh Hùng: "Sao anh Hai lại đến đây?"

Sao các anh lại đến đây? Tại sao lại chào đón em bằng cách này? Hình như hơi phô trương rầm rộ quá rồi đó! Không nhất thiết phải cầm cờ Tổ quốc, đeo băng đô, căng khẩu hiệu như bạo động biểu tình thế này đâu!

Anh Hùng cười, "Thằng Tuấn Anh dặn đến đưa em vào trường."

Tôi học cấp ba rồi chứ đâu phải nhập học lớp 1 chứ...

Trong lòng tôi rung động nổi trống nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra như không có gì.

"Tuấn Anh bảo các anh làm... cái băng rôn đó chào đón em à?"

"Không." Anh ấy lắc đầu.

Quả nhiên... Tuấn Anh sẽ không làm tôi khó xử đến mức này đâu. Thế này cũng... chơi trội quá rồi.

Anh Hùng nói: "Nó dặn anh mua hoa hồng tặng em."

Tôi ngó nghiêng xung quanh, không nhịn được mà hỏi: "Vậy... hoa đâu ạ?"

"Anh đâu có mua." Giọng anh ấy bình thản.

"..."

Anh Hùng cười toe toét, dán một lá cờ Việt Nam bé tí xíu lên má tôi, giải thích: "Anh thấy đàn ông con trai mà tặng hoa cho nhau quá là củ chuối. Vậy nên tụi anh bàn bạc với nhau, làm mấy cái khẩu hiệu đấy cho em. Em đừng nhìn thấy đơn giản mà khinh thường. Bọn anh không đi in đâu mà tự mua về ngày đêm cùng nhau cắt dán đấy. Vừa đẹp vừa tiết kiệm, mai mốt em tốt nghiệp cấp ba còn có thể gỡ vài chữ ra dán thêm chữ mới vào, sửa một chút là lại mang ra cổng trường chúc mừng em được."

"..."

Còn lần nữa hả?

Anh chỉ sang bên đường, "Em thấy bảng gỗ mà cái thằng tóc vàng kia cầm một đầu không? Là tụi anh tự lấy gỗ ở xưởng khắc cho em đấy. Tí nữa nhớ chở về nhà."

Tôi nheo mắt sang nhìn tấm bảng chạm khắc cầu kì nhưng nổi bật nhất là dòng chữ "Bé Bình An Đệ Nhất Thiên Hạ" mà muốn đào hố chui thẳng xuống đường quốc lộ.

Hình như có sự nhầm lẫn nào đó... Các băng đảng giang hồ trong phim đâu có ai làm ra mấy hành động mất mặt vậy đâu.

Tụi anh như thế này Tuấn Anh có biết không?

Tôi dở khóc dở cười, nói: "Anh... có thể nào... kêu mọi người hạ mấy cái đó xuống được không?" Che kín lại thì càng tốt.

Tôi lập tức bổ sung thêm, "Không phải em chê hay khinh thường gì đâu. Em rất cảm kích, em cực kì cảm động... nhưng mà... em ngại."

"A, đúng rồi." Anh Hùng gật gù, "Tính em hay xấu hổ, anh quên mất."

"..."

Sao Tuấn Anh cứ nói linh tinh với người khác vậy?

Sau khi anh Hùng giơ cao bàn tay thì bên kia yên lặng hẳn. Cũng còn may vì không chạy qua bên này đường vây xung quanh tôi nên ai cũng tò mò nhìn vào nhưng không biết Bình An trong mấy dòng kì cục kia là ai.

Tôi hỏi câu mà mình muốn nói ngay từ lúc nhìn thấy anh Hùng: "Lâu nay... anh có liên lạc với Tuấn Anh không?"

Anh ấy lắc đầu ngay lập tức, "Không. Anh liên lạc với nó làm gì? Sao vậy?"

Vốn dĩ tôi định nói đại "không sao" cho qua, nhưng lại không nhịn được, "Vậy tại sao Tuấn Anh dặn anh đưa em vào trường được? Anh với cậu ấy thân nhau mà... vì sao lại không liên lạc?"

Khuôn mặt anh ấy nghiêm túc, vẫn hỏi ngược lại tôi: "Tại sao thân nhau thì phải liên lạc? Trước đây anh với nó sống cùng một huyện mà số lần gặp nhau trong hai năm cũng chưa chắc đếm đủ đầu ngón tay trong một bàn tay. Em nói xem, bây giờ nó chuyển đi tít ngoài Bắc, anh có việc gì để liên lạc với một thằng oắt con? Nó dặn anh từ tận cái hôm mở tiệc chia tay mà. Đến bạn anh chuyển đi mà anh còn không liên lạc qua lại nữa là nó. Không lẽ anh phải gọi điện hỏi nó hôm nay ăn mấy bát cơm, ngủ có đái dầm không à?"

"..."

Thì ra là thế. Ban đầu tôi thấy vô lý nhưng nghĩ lại, anh ấy liên lạc với Tuấn Anh để làm gì? Câu này tôi cũng không trả lời được. Sau khi nghe anh Hùng trình bày rõ ràng, tôi nhớ ngay đến mấy người bà con xa của mẹ cũng thoát ly đi nơi khác, chung dòng họ huyết thống mà cả chục năm cũng không cần thư từ qua lại thì anh ấy gọi cho Tuấn Anh đúng thật là không để làm gì.

"Em muốn nói chuyện với nó không? Để anh xin số điện thoại cho."

Tôi lắc đầu như trống bỏi, nói dối: "Không, em tiện miệng thì hỏi vậy thôi chứ em liên lạc với cậu ấy làm gì?" Số điện thoại di động của Tuấn Anh thì tôi cũng có, thậm chí là thuộc làu làu rồi.

Tôi đề nghị anh Hùng để tôi tự vào trong nhưng anh ấy từ chối: "Không được. Hôm nay anh ăn bận chải chuốt từ 5 giờ sáng chỉ để lượn vào trường cấp ba một vòng. Em xấu hổ không muốn đi cùng thì anh cũng phải quyết tâm bước qua cánh cổng kia một lần."

"Ý em không phải thế mà." Giải thích một hồi, cuối cùng tôi cũng chấp nhận để anh ấy dẫn vào. Nhưng với điều kiện khi tôi đi qua trường thì nhớ dặn cả trăm anh áo đen đừng giơ cao vẫy vùng mấy cái băng rôn kia nữa.

Nhìn mấy dòng chữ "Bình An là số 1, chúc mừng Bình An đạt điểm tuyệt đối, thủ khoa khối 10 chính là Bình An, Bình An học giỏi vô đối..." mà tôi muốn đấm cho người phát minh ra ý kiến này một cú.

Anh Hùng đồng ý.

Nhưng điều đó không làm tôi bớt nổi trội hơn chút nào. Gần trăm con người tay bắt mặt mừng cười tươi rói như mới trúng số độc đắc cùng chào hỏi "chúc mừng em, chúc mừng An..." thì muốn lẳng lặng chìm xuống cũng không được.

Cứ có cảm giác như thể tôi vừa đoạt giải Nobel mang lại lợi ích lớn cho nhân loại, làm rạng rỡ mặt mũi bà con giang hồ vậy.

Tôi ngẩng cao đầu bỏ qua ánh mắt hoặc tò mò hoặc phán xét của mọi người mà cũng cười rạng rỡ cúi đầu chào hỏi các anh ấy một lượt rồi nhanh chóng vào trong.

Hôm trước thầy hiệu phó đã trực tiếp gặp tôi một lần nên quen mặt, tôi còn chưa kịp gửi xe thì thầy đã bắt tay với anh Hùng, khen xã giao tấm tắc: "Con trai anh đúng là xuất chúng!"

Tôi: "..."

Anh Hùng hôm nay không cạo râu nên nhìn bụi bặm phong trần, trông có vẻ... già hơn hôm nọ. Nhưng thầy hiểu lầm là một chuyện, tại sao anh ấy cũng không giải thích mà còn bày ra vẻ mặt cha già đáng kính thế kia?

Anh Hùng bật cười: "Vâng, cảm ơn thầy. Đi đâu tôi cũng nở mày nở mặt vì thằng bé."

Tôi: "..."

Thầy: "Hôm nọ nghe An nói xin chuyển lớp sang học ban xã hội, chuyện này tôi đã trực tiếp trao đổi đến trò rồi nhưng vẫn chưa có lời xin lỗi chính thức đến gia đình. Hôm nay gặp mặt anh ở đây thì tôi xin phép thay mặt nhà trường xin lỗi vì đã tự ý thay đổi nguyện vọng của học sinh. Nhưng chúng tôi xem xét cả điểm thi lẫn học bạ của trò, cảm thấy nên học lớp chọn bên tự nhiên thì thích hợp hơn. Năm nay đi đầu cải cách, trường cũng đầu tư rất nhiều phương pháp dạy đổi mới lẫn trang thiết bị tiên tiến nhằm phục vụ học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Tất cả điều này đều sẽ cho lớp chọn được ưu tiên thử nghiệm trước nên tôi mới không muốn tài năng của em bị trì hoãn."

Giọng anh Hùng sang sảng: "Ha ha ha... Đều nghe thầy. Miễn con trai tôi được dạy bảo trong môi trường tốt là được. Đặc biệt không bị ai bắt nạt mới là điều kiện tiên quyết." Thậm chí còn khoa trương cố ý vung tay hướng ra cổng, xuống giọng mùi mẫn, "Thằng bé này vô cùng ngoan ngoãn nên ở nhà anh nó ra sức cưng chiều. Hôm nay ai cũng gác lại công việc để đến tận nơi đưa nó đến tận đây. Haizz~ Nếu mà hay tin nó ở trường bị ăn hiếp thì chắc ở nhà anh nó buồn lắm!"

Tôi: "..."

Thầy hiệu phó liếc ra ngoài một chút, mỉm cười, "Trường chúng ta đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia nên hoàn toàn nói không với bạo lực học đường. Phụ huynh cứ yên tâm."

Anh Hùng thảnh thơi sắn tay áo lên cao, điềm đạm nói: "Thú thực với thầy, An nhà tôi tính tình nhút nhát, trước giờ chỉ lao đầu vào học hành không ham chơi bời nên hay bị bọn lấc cấc kiếm chuyện ức hiếp. Đi học cấp ba còn sợ, nên tôi rất hy vọng thầy cô trong trường quản tốt các em còn lại, đừng nên quậy phá ảnh hưởng đến bạn học sẽ không tốt lắm đâu."

Thầy nhìn thấy hình xăm thì giật mình một cái, ánh mắt lại đảo ra tít ngoài đường rồi mới gật đầu chắc nịch: "Phụ huynh cứ yên tâm. Đảm bảo không có ai bắt nạt trò An hết."

Tôi: "..."

Aaaaaaaaa! Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.