Bản Thảo Bằng Đá

Chương 9



Sau khi đọc xong cuốn sách của Pedro de Osma, Rojas lại gần nhà ăn, nơi các bạn trong trường đã bắt đầu ăn. Họ ăn khẩn trương mà không biết thưởng thức, dường như ăn uống gây phiền toái khó chịu, khiến họ lãng quên việc học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, bàn ăn của các giáo viên có vẻ hào hứng hơn. Rojas đoán được là họ đang thảo luận về chuyến thăm Salamanca sắp tới của Thái tử và tác động của chuyến đi này đối với tương lai của thành phố.

- Anh đã ở đâu thế? - Cậu bạn Hilario, một trong những sinh viên giúp phục vụ bàn, nhanh nhảu hỏi Rojas - Vừa rồi, tôi đi qua phòng anh để thông báo là đã đến giờ ăn trưa.

- Rất tiếc, - Rojas xin lỗi. Tôi quá mải đọc nên không nghe thấy.

- Hãy nhớ rằng những người thông thái không chỉ sống bằng sách. Thỉnh thoảng anh cũng cần bồi dưỡng nếu không muốn cơ thể ốm yếu.

- Anh làm tôi nhớ mẹ mình quá, tôi không biết phải làm gì nếu thiếu những lời khuyên của anh. - Rojas đáp lại với giọng giễu cợt.

- Công việc của anh dạo này ra sao?

- Rất tốt. Tại sao anh lại hỏi thế?

- Tôi thấy anh có phần tách biệt và lơ đễnh.

- Có thể là do đọc nhiều và ít ngủ.

- Vậy, hãy để tôi phục vụ anh hai suất đậu xào với thịt lợn.

- Một suất cũng đủ rồi, anh biết là tôi không thích ăn quá no vì dễ đầy hơi và làm yếu tinh thần.

- Vậy tuỳ anh! - Cậu phục vụ nhượng bộ.

Sau bữa ăn, Rojas quyết định đi dạo dọc theo bờ sông Tormes. Đọc xong cuốn Quy ước xưng tội làm anh buồn và nghĩ ngợi. Anh không thấy trong cuốn sách ấy một chính kiến nào đi ngược với niềm tin Thiên Chúa giáo, ngoài mong muốn chính đáng là sửa chữa một số sai lầm hay những hành vi quá trớn liên quan đến một đề tài rất tê nhị như sự trừng phạt và xưng tội. Vào một thời điểm khác, không còn nghi ngờ gì, người ta phải tôn Pedro de Osma là thánh, nhưng ông lại không may mắn khi xuất bản sách của mình đúng vào lúc mà mọi sự thay đổi đều được xem như một tội lỗi chống lại niềm tin.

Khi ra khỏi trường Cao đẳng, Rojas nhìn thấy một phụ nữ đứng đợi ở gần cổng. Chị ta mặc áo bành tô và quấn khăn che gần kín mặt.

- Anh là Fernando de Rojas phải không? - Chị ta hỏi.

- Vâng, là tôi, chị muốn gì nhỉ?

Trước khi trả lời, người phụ nữ nhìn quanh vẻ e ngại.

- Tôi đến nhờ anh giúp đỡ, - Cuối cùng chị ta xuống giọng nói nhỏ - Cử nhân Alonso Juanes, bạn của chồng tôi đã nói về anh. Hình như cách đây không lâu các anh là bạn cùng học.

- Đúng thế. Tôi rất mừng được quen biết cậu ta. - Rojas chân thành bình luận.

- Bây giờ anh ta làm luật sư cho một số người cải đạo - Chị nói lẩm bẩm - Thực ra, tôi đến nhờ anh giúp vì chồng tôi vừa mới bị Toà Thánh bắt.

- Họ bắt vì tội gì?

- Khi bắt giữ chồng tôi, họ không nói gì hết. Đó là thói quen của những thành viên Toà án Công giáo. Hình như họ nghi chồng tôi liên quan đến cái chết của cha Tomas de Santo Domingo.

- Chị chắc chắn không? - Rojas hoài nghi hỏi lại.

- Chính Alonso Juanes đã nói với tôi và trước tính chất trầm trọng của cáo buộc đó, anh ấy cũng khuyên tôi đến nói chuyện với anh.

- Và tôi có thể làm gì?

- Anh hãy cố thuyết phục họ rằng chồng tôi vô tội. Đã từ lâu, sức khỏe của chồng tôi suy sụp và không thể chịu nổi cảnh tra tấn một lần nữa đâu. Cử nhân Juanes có kể với tôi rằng anh cũng là người cải đạo và có quan hệ tốt với Giám mục.

- Tôi nhận thấy đây không phải là lần đầu tiên họ bắt chồng chị.

- Chồng tôi là một trong những người cho vay lãi ở quảng trường San Martin. Từ lâu, thanh tra Toà Công giáo đã cho người theo dõi chồng tôi từng bước nhằm mục đích, mà theo tôi hiểu, là tịch thu tài sản của chúng tôi. Vì vậy, họ cứ bắt đại trong bất cứ dịp nào, dù nhỏ nhất, để có thể gán chồng tôi vào một tội gì đó. Nhưng chúng tôi là những người cải đạo tự nguyện từ mấy đời nay và thực hiện tốt đức tin Thiên Chúa giáo.

- Chị có biết vụ bắt bớ nào khác liên quan đến trường hợp này không?

- Alonso Juanes cũng nói với tôi về một số người cải đạo chuyên bị bắt khi có chuyện gì xảy ra. Anh cũng thừa biết là những người Thiên Chúa giáo mới luôn bị nghi ngờ, theo dõi.

- Chồng chị tên gì?

- Miguel Alvarez, ở quảng trường San Martin mọi người đều biết. Vì vậy, tôi rất mong - chị ta van xin - anh gắng sức cứu giúp chồng tôi thoát khỏi nhà tù trước khi họ bắt đầu tra tấn. Sức khỏe của chồng tôi yếu lắm, không thể chịu nổi sự hành hạ đó đâu.

- Chị hãy đợi tôi bên trong nhà thờ, gần cửa Azogue. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để anh nhà được ra sớm.

- Cầu Chúa phù hộ cho anh!

Đầu tiên, Rojas đắn đo giữa việc đi thẳng đến nhà giam hay nói chuyện trước với Giám mục. Để không mất thời gian, anh lựa chọn cách thứ nhất. Dù sao chăng nữa, nhà giam cũng ở bền cạnh lâu đài giáo hội nên trong trường hợp cần thiết, anh có thể nhanh chóng đến gặp Giám mục. Anh sải bước tiến đến nhà giam, sẵn sàng ngăn chặn hành vi bạo lực của thanh tra Toà Công giáo. Trong trạng thái phẫn nộ, anh vừa đi vừa lầm rầm nghiến răng, trông rất xa lạ đối với người qua đường. Với bất cứ lý do gì, anh không thể chấp nhận việc bắt giam ai đó có liên quan đến cái chết của cha Tomas, nhất là đối với một người cải đạo, trong khi công việc điều tra của anh chưa cho kết quả.

Khu nhà không có dấu hiệu gì cho thấy đấy là trụ sở của Ban Thánh lễ Salamanca, trực thuộc Toà án Valladolid. Chỉ có cửa là làm bằng gỗ rất dày, nẹp đủ các loại đai sắt chắc nịch. Bị ức chế nên mất cả kiên nhẫn, Rojas giật mạnh dây chuông vài lần như thể người gọi cửa là một quan chức chỉ huy. Một lúc sau, anh nghe thấy tiếng đẩy chốt khoá lỗ nhìn.

- Việc gì mà rung chuông inh ỏi lên thế? - Người gác cổng hỏi với giọng khệnh khạng. - Ngươi đến để tố cáo ai phải không?

- Tôi cần nói chuyện ngay với công tố viên.

- Vậy ông là ai?

- Tôi là Fernando de Rojas, đến từ chỗ Đức Giám mục Diego de Deza.

- Ngài công tố đang bận thẩm vấn tù nhân và ông không thấy sẽ làm phiền Ngài à?

- Thực ra là có một việc rất quan trọng tôi phải gặp ông ấy trước khi bắt đầu thẩm vấn. Tôi chịu trách nhiệm điều tra tìm hiểu về cái chết của cha Tomas de Santo Domingo.

- Sao tôi lại không biết ông nhỉ?

- Tôi vừa được bổ nhiệm là thành viên Đại gia đình Thánh giảo.

- Vậy là ông có chứng chỉ?

- Đúng vậy, - Rojas nói trong khi tay lục tìm trong túi áo bành tô. - Hãy cầm lấy! - anh trao chứng chỉ in nổi bằng da qua lỗ nhìn - Nhưng hãy khẩn trương lên vì điều mà tôi muốn nói với công tố viên có thể cứu sống một người vô tội.

- Ở trong này ai cũng có tội nếu không chứng minh được điều ngược lại. - Người gác cổng cảnh báo trong lúc liếc nhìn chứng chỉ.

- Ngay cả đối với thầy? - Rojas hỏi với điệu bộ đồng loã.

- Những người như chúng ta làm việc cho Ban Thánh lễ. - Người gác cổng đáp với giọng châm biếm - thoát khỏi mọi tội lỗi.

- Vậy hãy để tôi vào. Tôi là người cùng hội cùng thuyền mà.

- Được, ông có thể vào, người gác cổng vừa kêu lên vừa mở cửa. Hãy theo tôi vào phòng - ông ta nói tiếp - và tôi sẽ thông báo cho Ngài công tố.

Sau khi xuống tầng hầm qua chiếc cầu thang chật hẹp hình xoắn ốc, ông ta dẫn Rojas đi qua một hành lang tối tăm và hôi thối, chắc chắn được thiết kế để đe doạ những kẻ bị bắt trên con đường dẫn vào phòng thẩm vấn. Cuối hành lang, thỉnh thoảng họ nghe thấy tiếng kêu thét của một người đang bị tra tấn. Rojas lo ngại đó là người cho vay lãi và anh đi nhanh hơn.

- Ơ! Ông đi đâu đấy? - Người gác cổng sửng sốt hỏi.

- Là vấn đề giữa sự sống và cái chết mà. - Rojas cố đáp ngắn gọn.

Sau chỗ rẽ ngoặt cuối cùng, Rojas thấy một cánh cửa hiện ra ở cuối hành lang. Cánh cửa được khép hờ và qua khe cửa là một vết loang màu đỏ thẫm chảy ra. Có thể nghe thấy tiếng người rõ dần từ phía bên kia cánh cửa.

- Tôi không biết ông định cáo buộc điều gì và cũng không biết ông muốn gì ở tôi! - Tiếng nói lẫn trong tiếng khóc nức nở.

- Cho nó thêm một vòng nữa để xem nó có nhớ không! - Tiếng một người ra lệnh đanh thép.

- Thôi được, - người bị tra khảo chấp thuận - Xin ông hãy cho biết điều gì tôi phải khai báo. Ông hãy nói đi và tôi sẽ thú tội điều ông muốn, bất cứ điều gì ông cần…

- Dừng lại! - Rojas vừa kêu lên vừa đẩy cửa, không hề quan tâm đến điều gì có thể xảy ra - Tôi đến từ chỗ Đức Ngài Giám mục.

Trong phòng thẩm vấn, tất cả những người có mặt đều bất động trong một khoảnh khắc vì quá ngạc nhiên: người bị bắt há rộng miệng vì đau đớn; kẻ tra tấn cố làm tốt phận sự của mình; công chứng viên nói dở giữa chừng; công tố viên Toà Công giáo chỉ tay buộc tội về phía kẻ chưa biết tên. Sau khi nhìn từ đầu đến chân người mới đến, ông công tố mới lên tiếng hoạnh họe:

- Tại sao ngươi lại dám ngăn cản cuộc thẩm vấn của Ban Thánh lễ! Chẳng nhẽ ngươi là Chánh Công tố? Hay ngươi muốn thay thế kẻ bị tình nghi đang bị tra khảo? Nếu như thế, ta sẽ cho ngươi nếm mùi.

- Tôi là Fernando de Rojas - anh giới thiệu - và như các vị biết tôi là thành viên Đại gia đình Thánh giảo.

- Vậy ra đây là anh chàng Rojas nổi tiếng. Rất hân hạnh được làm quen. Ngài Giám mục đã nói nhiều với tôi về anh.

- Đức Ngài cũng nói với tôi về ông. - Rojas tỏ ra không hề biết sợ.

- Anh nên hiểu rằng tôi không theo phương pháp của anh. Tôi nhìn nhận rằng do tình hình nghiêm trọng nên chúng ta phải dùng mọi cách để có thể tìm ra kẻ đã giết cha Tomas. Nhưng, hãy nói đi, anh có gì mới cho tôi không?

- Tôi vừa được biết rằng ông đã bắt giam không bằng chứng một người cải đạo với tên gọi Miguel Alvarez. Ông có thể cho biết lý do được không?

- Tôi e rằng anh đến quá muộn, viên công tố đáp với vẻ khinh bỉ. Hắn đã chết sáng nay tại ngục trong khi chúng tôi tra khảo một tên cải đạo giả mạo khác. Thế nên, khi nghe tiếng gào thét của đứa khác, hắn đã chết vì quá khiếp sợ và điều này chứng tỏ rõ ràng là hắn có tội.

Những lời của viên công tố đã làm Rojas sững sờ, không nói được gì. Đó không chỉ vì thông tin về cái chết của Miguel Alvarez, điều có thể xảy ra một khi đã vào đây, mà còn là giọng nói của viên công tố khi thông báo tin ấy.

- Thế tại sao ông không thông báo cho gia đình anh ta? - Rojas hỏi lại.

- Chúng tôi sẽ thông báo khi kết thúc thẩm vấn những kẻ bị bắt khác. Chúng tôi còn cần xác nhận một số nhân chứng để có thể buộc tội hắn.

Tởm lợm ngay từ ấn tượng đầu tiên, Rojas cảm thấy cơn bực bội lan ra khắp cơ thể và rất có thể sẽ làm hỏng cuộc nói chuyện của anh.

- Chúng ta có thể nói chuyện riêng một lúc được không?

- Tại sao lại không. Nghỉ một lát cũng tốt. Anh không thể hình dung được sự cực nhọc của công việc này đâu. Xin anh hãy theo tôi vào phòng có xác chết. Như vậy, tự anh có thể thấy rõ được.

Trên đường tới ngục giam, phải đi qua một vài phòng, ở đó có thể nhìn thấy một số dụng cụ tra tấn và chỉ cần nhìn thấy những dụng cụ ấy đã khiến người bị bắt khiếp đảm. Rất am hiểu phương thức và thói quen của các quan toà Công giáo, Rojas biết rõ tất cả những thứ đó đều nhằm một mục đích duy nhất là buộc bị can phải nhận tội. Việc những người này có tội hay vô tội, biết hay không biết những tội trạng mà họ bị áp đặt, chỉ là chuyện nhỏ; điều quan trọng hơn là những người này có thú tội hay không. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng lời khai có giá trị nhất đối với Toà Thánh án không phải là lời khai tự phát, mà là lời khai được lấy qua sự tra khảo vì các quan toà Công giáo đã kiểm nghiệm để cho ra một kết luận rất lạ rằng bị can dưới tác động của đau đớn sẽ luôn khai sự thật. Nhưng thực tế là nhiều người đã khai mắc vào những tội lỗi tày đình mà ngay chính bản thân họ cũng không có khả năng nhận biết hoặc hình dung ra, trong khi một số khác lại bị chết trước khi tới bàn tra tấn. Tất cả, trong bất cứ trường hợp nào, đều nhằm mục đích thoát khỏi căn phòng địa ngục ấy.

- Anh hãy nhìn đây! - Viên công tố thông báo với Rojas trước một phòng giam đã mở cửa. - Anh có thể thấy là không một ai động đến dù một sợi tóc hay quần áo của hắn. Chính nỗi khiếp sợ phải thú nhận công khai tội lỗi đã giết chết hắn.

- Ông muốn nói gì vậy?

- Hắn là kẻ đã thuê sát thủ đi giết cha Tomas.

- Ông có bằng chứng không?

- Chỉ cần nhìn mặt hắn cũng đủ biết. Thế mà hắn còn cả gan hỏi tại sao bị bắt. Sau đó, chính hắn đã thú tội tất cả khi chúng tôi nhốt hắn tại phòng giam và đe doạ sẽ tra tấn.

- Và lời khai sau đó có được công chứng viên xác nhận không?

- Rất tiếc là không còn cơ hội để có thể tra khảo hắn. Nhưng chúng tôi đã bắt giữ một số tên đồng loã trong vụ bạo loạn này và bọn chúng sẽ phải khai hắn. Đấy là lý do mà chúng tôi chưa trao thi hài cho gia đình. Nếu như cuối cùng toà án xử và kết tội hắn, viên công tố chỉ rõ, thi xương cốt cũng bị thiêu mà. Đấy là luật định.

- Tôi nghĩ rằng trong trường hợp ấy, tất cả tài sản của hắn sẽ bị ông tịch thu, có đúng không?

- Anh không muốn mụ vợ goá của hắn có thể trả tiền cho bọn vô đạo để thanh toán chúng tôi, có phải không?

- Tôi thấy rằng ông không những chỉ đoán việc đã làm của một người, đơn giản chỉ thông qua nhìn mặt (hay nhìn mũi của người ấy ra sao?), mà còn tự tin vào khả năng phán đoán được những điều người ấy sẽ làm.

- Tôi không biết nguyên do nào mà anh dám xấc xược đến vậy.

- Tôi đang tố cáo ông, - Rojas khẳng định một cách chắc chắn - có ý đồ xử án không đúng đắn một người để chiếm đoạt tài sản của anh ta.

- Điều anh nói, - viên công tố phản đối - là một sự nhục mạ. Anh nên biết - viên công tố nói thêm - tài sản của hắn không bao giờ vào tay tôi.

- Dù sao chăng nữa, tôi đề nghị ông chí ít nên có một chút tình nghĩa, đó là để gia đình họ sớm được mang xác về.

- Anh là ai mà lại dạy tôi những điều nên và không nên làm?

- Ông nên nhớ tôi là người duy nhất có trách nhiệm điều tra vụ án này. Tình huống cho thấy tôi có một kẻ tình nghi mà không nghi ngờ gì ông có thể sớm bắt được hắn. Vì vậy, tôi yêu cầu ông hãy trả tự do cho những người cải đạo khác bị bắt.

- Anh nên biết rằng tôi có lệnh trên yêu cầu bắt tất cả những tên cải đạo được coi là nguy hiểm trong thời gian Thái tử Juan thăm Salamanca, nhằm tránh những vụ lộn xộn có thể xảy ra.

- Và lệnh đó cũng bao gồm cả việc tra tấn?

- Lệnh chỉ đề cập đến việc bắt giữ, nhưng lẽ dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng một khi chúng đã vào đây thì có thể tìm hiểu thêm về cái chết của cha Tomas. Theo những gì tôi biết, chắc chắn đó là do một kẻ cải đạo gây ra.

- Nếu như điều ông muốn là kết án cùng một lúc tất cả những người cải đạo thì ông nên đề nghị Đức vua ban hành một chỉ dụ mới trục xuất họ. Như thế ông sẽ thấy Castilla mất đi những người tài hoa, trung thực và quả cảm nhất. Tôi chắc điều ấy sẽ khiến cho ông rất ngạc nhiên. Nhưng nếu điều ông muốn không phải như thế thì ông nên đối xử với những người cải đạo như đối với bất kỳ con chiên Thiên Chúa giáo nào khác và chỉ nên bắt họ khi có những nghi vấn dựa trên cơ sở là họ đã phạm một tội lỗi nào đó chống lại niềm tin Thiên Chúa giáo hay chống lại một đại diện nào của Nhà thờ hoặc của Ban Thánh lễ.

- Tôi nhấn mạnh là đã nhận được lệnh bắt một số người cải đạo để tránh những vụ lộn xộn.

- Vậy điều gì chứng tỏ Miguel Alvarez là kẻ nguy hiểm? Theo tôi hiểu, anh ta là một người Thiên Chúa giáo ngoan đạo như ông và tôi, và chắc rằng còn tốt hơn. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu ông bắt anh ta.

- Trong hồ sơ lưu trữ của chúng tôi, đã sáu hay bảy năm nay người ta nhìn thấy hắn có mặt ở cửa hàng thịt của người Do Thái.

- Thế ông không nghĩ rằng anh ta là người cho vay và những chuyến thăm ấy có thể bàn về việc làm ăn buôn bán chứ?

- Nhưng chúng tôi cũng biết hắn không bao giờ ăn thịt lợn. Chúng tôi có lời khai của một con ở cho nhà hắn.

- Tôi nghĩ ông cũng không ăn thịt lợn vào các thứ Sáu ăn chay. Vậy, những ngày đó ông theo đạo Do Thái à?

- Hai việc đó không giống nhau! - viên công tố đáp lại.

- Rõ ràng là không giống nhau vì ông chỉ kiêng thịt lợn vài ngày trong khi có người phải kiêng cả năm vì lý do bệnh tật. Nếu ông hiểu một chút về y học thì thấy có những người không may mắn, nên mặc dù họ muốn, họ vẫn không thể ăn món đó. Chẳng lẽ chúng ta có quyền yêu cầu họ phải chết hoặc huỷ hoại sức khỏe để chứng tỏ họ không là người Do Thái? Những người nghèo cũng không ăn thịt lợn vì họ không đủ tiền mua. Vậy chúng ta cũng phải trừng phạt họ vì điều đó sao? Nếu muốn nghi ngờ, chúng ta buộc phải nghi ngờ những người ăn thịt lợn hầu như hằng ngày vì trên hết họ làm điều đó với mục đích phô trương.

- Tôi không biết anh muốn dừng ở đâu.

- Với tất cả điều này, tôi chỉ muốn chứng minh cho ông biết rằng những chứng cứ giả định ấy chỉ là những dấu hiệu tình huống và do vậy, cần được kiểm chứng lại.

- Tôi thấy anh rất thạo lý thuyết tư pháp, nhưng tội chống lại đức tin lại là chuyện khác. Ở đây, chúng ta không nói về sự việc cụ thể, mà về ý thức và chúng ta tuyệt đối không quan tâm đến sức lực của cơ bắp, mà chỉ về sự khỏe khoắn tinh thần.

- Này, - Rojas cắt ngang, - tôi biết ông và tôi không thể hiểu được nhau, nhưng tôi đề xuất một giao kèo có lợi cho ông. Tôi sẽ không nói với ai rằng ông chỉ mải truy lùng một số người cải đạo đặc biệt giàu có và ông sẽ không được tiếp tục tra tấn những người bị bắt trong những ngày này, cũng không được thực thi biện pháp nào chống lại gia đình Miguel Alvarez, và ngay chiều nay phải trao trả thi hài cho gia đình anh ta, không được chậm trễ.

Trong khi Rojas đang nói, viên công tố chăm chú nhìn anh. Chắc chắn rằng ông ta muốn kiểm tra một cách chính xác những từ ngữ đề xuất để xem liệu có lợi cho ông ta, hay ngược lại, chứa đựng cạm bẫy gì đó.

- Đối với cái chết của cha Tomas, - Rojas tiếp tục nói, - tôi sẽ chịu trách nhiệm mọi việc và để cho ông vinh hạnh được đi truy bắt.

Trong lúc ấy, Rojas cảm thấy mình như đang bước vào một cuộc chơi mà trong tình thế cấp bách anh đã đánh cuộc tất cả với một con bài. Nếu làm cho đối thủ tin tưởng đó là con bài tốt, anh sẽ giành phần thắng; nhược bằng không chỉ anh thua cuộc, mà còn có thể mất mạng, về những mặt khác, rõ ràng Rojas có lợi thế hơn công tố viên: anh có quan hệ tốt với Giám mục, dường như Đức Ngài không mấy tin tưởng vào viên công tố, bằng chứng là trong một trường hợp tế nhị như thế lại yêu cầu bổ nhiệm một người xa lạ đối với Toà án Công giáo, một điều chắc chắn đã gây khó chịu cho đại diện chính thức của Toà Công giáo trong thành phố. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu vị đại diện này là người duy nhất có thẩm quyền điều tra về những tội trạng chống lại niềm tin và chống lại những thành viên của Ban Thánh lễ ở Salamanca.

- Lần này, tôi sẽ làm như anh nói, - cuối cùng viên công tố nhượng bộ. - Nhưng anh đừng hành động đường đột, dù chỉ một sai lầm nhỏ nhất. Tôi sẽ biết cả thôi, chúng tôi có thân tín ở khắp mọi nơi.

- Tôi tin rằng ông là một trong số những người có chúng bạn ở cả địa ngục.

- Tôi à, anh đừng có giễu cợt những việc của đức tin.

- Tôi cũng rất cẩn thận chăm sóc phục vụ niềm tin nhằm kiếm lợi đây.

- Một ngày nào đó, anh sẽ phải trả giá đắt về thái độ xấc xược và khiêu khích này, rồi anh sẽ thấy! - Viên công tố đe doạ.

Trên đường đi ra cửa cùng với người gác cổng, trong giây lát Rojas thấy hai chân mình run bần bật, tới mức anh nghĩ mình có thể bị quỵ. Tuy vậy, anh cố gắng đi thẳng với vẻ ngoài trấn tĩnh. Cuối cùng, khi ra tới đường phố, anh cảm thấy chóng mặt kinh khủng, nhưng đã kìm được cơn ói mửa. Anh thừa biết rằng nếu bị phát hiện ra vào thời điểm ấy, chúng sẽ nghĩ đó là một biểu hiện yếu đuối. Vậy nên cần phải làm chủ mình và chỉnh tề như mọi khi. Thật không may, anh vẫn còn thiếu phần việc tệ hơn còn phải làm: thông báo cho bà goá sự việc đã xảy ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.