Chờ thật lâu, thật lâu, cơn buồn ngủ của Mộc Đại kéo đến, cô dựa vào sofa ngủ gật, trong lúc mơ màng dường như nghe thấy một tiếng xoẹt, là tiếng xé giấy.
Hình như còn nghe được La Nhận hỏi: “Sao thế?”
Một Vạn Ba đáp: “Vẽ hỏng rồi.”
Đương lúc gà gật, cô vẫn không quên nhủ một câu mỉa mai Một Vạn Ba trong lòng: Còn đòi vẽ trong bóng tối nữa, làm như giỏi lắm vậy.
Sau đó, bỗng nhiên quanh người sáng trưng trắng xóa như tuyết.
Mộc Đại đùng phát ngồi bật dậy, trong đầu ông ông, ngơ ngơ ngác ngác như thể không biết đây là đâu mình là ai, Tào Nghiêm Hoa ngồi chếch phía đối diện cũng mờ mịt ngẩng đầu, mắt bị ánh sáng làm chói đến không mở ra được.
Mộc Đại thầm xấu hổ, gác đêm cái gì chứ, thực đúng là ném hết thể diện sư môn đi rồi.
Cô lấy điện thoại ra xem giờ: Bốn giờ sáng.
Tiếng kéo giấy vang lên soạt một tiếng, Một Vạn Ba không biết từ lúc nào đã ngồi dậy, đang dựa vào sô pha xoa bóp cổ, La Nhận đứng cạnh hắn, trầm ngâm nhìn bản vẽ vừa được giật ra khỏi tập giấy.
Hử, vẽ xong rồi? Ký ức trước khi ngủ của Mộc Đại cuối cùng cũng quay lại, vội đi qua xem cùng.
***
Bức tranh Một Vạn Ba khổ cực nửa đêm lọ mọ vẽ, chỉ có thể dùng bốn chữ để hình dung…
Hệt như chó gặm.
Vẽ mất những bốn, năm tiếng mà chỉ ra được cái thứ hình thù này thôi á?
Một Vạn Ba ngáp một cái, giọng nói lành lạnh: “Cô chủ nhỏ, chỉ được thế thôi, chấp nhận đi, tắt hết đèn đi như vậy, tôi phải vẽ trong bóng tối đó, tôi cũng đâu phải bút thần của Mã Lương (*) đâu, cũng phải vẽ hỏng mất mấy tờ mới được như thế đấy.”
(*) Một câu chuyện cổ tích của Trung Quốc, kể về một cậu bé nghèo rất ham vẽ, được tiên ông ban cho một cây bút thần, vẽ cái gì thứ đó sẽ biến thành vật thật. Vì chuyện này mà Mã Lương đã gặp rất nhiều phiền toái với quan gia quý tộc, để che giấu bí mật này, em thường vẽ thiếu một vài bộ phận chi tiết của sự vật được vẽ, nhưng một lần nọ vốn định vẽ cò không mắt, em lại làm rơi một giọt mực vào đúng vị trí mắt cò khiến con cò biến thành thật. Chuyện truyền đến tai vua, hắn sai người bắt Mã Lương về kinh, bắt em vẽ cho hắn một cái cây hái ra tiền, em liền vẽ một cái cây hái ra tiền nằm ngoài đảo hoang cách xa bờ biển. Vua sai em vẽ thuyền để ra biển, em vẽ ngay thuyền cho vua lên. Thấy thuyền đã ra khơi, em liền huơ bút vẽ sóng to gió lớn khiến thuyền bị lật nhào. Xong xuôi, Mã Lương lại cầm bút trở về, tiếp tục vẽ cho người nghèo.
Ngầm ý là: Đừng đòi hỏi nữa.
La Nhận giải thích với cô: “Một Vạn Ba nói, qua một lúc ảnh nước mới lại hiện ra một lần, nói cách khác là cứ hiện đi hiện lại, vô số nét bút mới tạo thành một bức tranh.”
Một bức tranh, chính là cái bức trước mắt này sao? Bức này cũng thật là…
Mộc Đại không biết nên miêu tả thế nào, bên trên bức họa phác vài nét bút nhàn nhạt, người hay xem tranh phong cảnh đều biết, đó là nét vẽ dãy núi phía xa, mà đường vẽ vắt ngang phía bên dưới, cũng có thể nhìn ra được là vẽ một dòng sông lớn.
Khoảng tranh giữa núi và sông chia ra làm hai phần, bên trái là một con…
Mộc Đại nghi hoặc: “Đây là sói à?”
La Nhận liếc cô một cái: “Cũng có thể, ban đầu tôi còn tưởng là chó chứ.”
Đang nói chuyện, cái đầu to bự của Tào Nghiêm Hoa cũng ngó vào, nói một câu rất có tính tổng kết: “Là chó săn.”
Không quan trọng là chó hay là sói, biết là cùng giống đó là được.
Lại nhìn sang bên phải, là một quyển sách thẻ tre, giống như quyển trục mà các quan đại thần thường dâng lên hoàng đế vào thời cổ đại. Điểm kỳ lạ không nằm ở quyển sách đó, mà là ở chỗ, ba vị trí trên dưới và giữa cuốn thẻ tre, mỗi vị trí lại có một con chim.
Hai con chim đầu nhìn khá giống nhau, tuy Một Vạn Ba vẽ thảm đến không nỡ nhìn, nhưng miễn cưỡng vẫn có thể nhận ra được cả hai đều có đuôi rất dài, như khổng tước vậy, nhưng đầu lại không giống. Cuối cùng cả đám đều nhất trí, chắc là phượng hoàng.
Nhưng con ở dưới cùng lại trông giống gà.
La Nhận nhìn Mộc Đại và Tào Nghiêm Hoa: “Xem xong chưa? Có cảm nghĩ gì không? Nói thử ra xem nào.”
Mộc Đại nói: “Cái con không biết là chó hay sói này, ngồi bên sông, giống như đang định nhảy sông tự sát vậy. Còn hai con phượng hoàng và một con gà ngồi trên quyển thẻ tre thì không có ý định đó.”
Đây là cái mà cô gọi là cảm giác ấy hả? Gân xanh trên thái dương La Nhận bất giác giật một cái: “Cô đúng là…thẳng thắn thật.”
Lại quay sang Tào Nghiêm Hoa: “Anh thì sao?”
Tào Nghiêm Hoa là điển hình của loại người trong đầu không có chút học vấn nào, nhưng lại rất thích lấy lời hoa mỹ trét lên mồm, lúc này đang ra vẻ trầm ngâm: “Tôi cảm thấy, không thể chỉ nhìn mặt ngoài mà còn phải xem xét theo chiều sâu.”
“Có ý gì?”
“Anh xem cái con sói…chó này đi, tôi cảm thấy nó đại diện cho một thế lực hắc ám nào đó, thời cổ đại không phải đều chửi người khác là lòng lang dạ sói sao, hoặc còn chửi ‘Cái đồ chó má nhà ngươi’ nữa, vậy nên đây chính là một thế lực tà ác. Còn hai phượng một gà ở bên phải, vị trí của gà ở dưới cùng, mà đống thẻ tre này thì nhìn giống một cái giá gỗ, là đang nhắc đến một câu tục ngữ, phượng hoàng thất thế không bằng gà.”
Được rồi, người sau lại càng có tài hơn người trước đấy nhỉ, Tào Nghiêm Hoa đơn giản chỉ là đang dựa vào tranh mà đoán ý là có người bị thế lực tà ác hãm hại, cuối cùng phượng hoàng thất thế không bằng gà thôi chứ gì?
Một Vạn Ba không cho ý kiến, chỉ uể oải phất tay: “Đừng hỏi tôi, trước mắt tôi bây giờ vẫn còn đang xoẹt tới xoẹt lui mấy trăm ngàn nét bút đây, với tôi thì đó chỉ là nét vẽ thôi, chẳng có ý nghĩa gì khác hết.”
Ánh mắt chờ mong của Mộc Đại và Tào Nghiêm Hoa rơi xuống người La Nhận: Nếu mọi người đều đã đưa ra nhận xét, vậy anh thì thế nào? Nói thử chút coi?
La Nhận xòe hai bàn tay ra, còn thẳng thắn hơn cả Mộc Đại: “Tôi nhìn không hiểu, đợi muộn hơn chút nữa thì gọi cho Thần Côn hỏi xem.”
Trong lòng Mộc Đại sinh ra một cảm giác kiêu ngạo kỳ dị.
Dù sao thì lúc ban đầu, chính cô là người đã tiên phong tìm đến Thần Côn, bây giờ đúng là…rất quang vinh.
***
Chịu đựng chờ đợi từ bốn giờ đến năm giờ, rồi lại sáu giờ, Một Vạn Ba đã lăn ra ngủ say như chết, Tào Nghiêm Hoa thì đi quanh chậu nước, lúc lúc lại thò đầu vào nhìn.
Mộc Đại cười khẩy: “Còn dám nhìn nữa à! Để xem lúc nữa nó có nhảy ra bám lên mặt anh không!”
Tào Nghiêm Hoa sợ hãi rụt đầu lại, cổ cứ như biến mất.
Đến bảy giờ, bác Trịnh gọi điện thoại tới, nói là muốn về lấy chút đồ đạc cho Sính Đình nằm viện. La Nhận thuận tiện nhờ bác mua đồ ăn sáng về cho họ, có cháo, bánh nướng, bánh chẻo chiên dầu, trứng gà nấu lá trà, đầy ắp một bàn, cả đám lấy bát lấy đũa ra, thật lạ lùng, vậy mà cứ như người một nhà vậy.
Mộc Đại nép ở một bên, gọi trước một cú cho Thần Côn, muốn hẹn thời gian nói chuyện, lại sợ giờ này lão còn đang ngủ, gọi tới sẽ làm phiền lão. Không ngờ Thần Côn bắt máy rất nhanh, giọng điệu hồ hởi, tinh thần dồi dào, nói: “Tôi đang tập thể dục buổi sáng.”
Còn tập thể dục buổi sáng nữa à? Thật đúng là cuộc sống lành mạnh, có kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm việc, khỏe mạnh điều độ.
“Bạn tôi nói với tôi là, người hay vào nam ra bắc, nhất định phải giữ gìn sức khỏe, chú ý tập luyện hằng ngày.”
Hóa ra là vậy, Mộc Đại cảm khái từ tận đáy lòng: “Bạn chú đúng là rất quan tâm đến chú.”
Thực ra bạn Thần Côn vốn không nói thế, nguyên văn câu nói của người ta là: Ông đây giờ có nhà có cửa, không rảnh quản ông, ông tự đi rèn luyện thân thể đi, còn dám rảnh hơi rỗi việc quấy rầy tôi, có tin tôi giết ông không?
Nhưng vào tai Thần Côn thì lại thành một câu quan tâm thân thiết nghĩ một đằng nói một nẻo, giấu đầu hở đuôi, Mộc Đại nói vậy càng khiến lão thêm đắc ý: “Đương nhiên rồi, bạn tốt nhất của tôi đấy.”
Hàn huyên xong, Mộc Đại đi thẳng vào vấn đề. La Nhận đoán được cô đang gọi điện cho Thần Côn, bèn vừa bảo cô mở loa ngoài, vừa ra dấu bảo đám Tào Nghiêm Hoa giữ yên lặng.
Thế là ồn ào náo nhiệt buổi sáng sớm lập tức tĩnh lại, Tào Nghiêm Hoa điềm đạm lịch sự ăn bánh, mỗi động tác đều chậm lại hai nhịp.
“Sợ nước? Sợ nước không sợ lửa… Chưa từng nghe thấy…”
Lại một lần nữa chưa từng nghe thấy, Mộc Đại có chút thất vọng, cô lấy lại tinh thần, nhắc đến bức vẽ, dãy núi xa, dòng sông gần, bên sông có con chó săn, còn có cả cái “phượng hoàng thất thế không bằng gà” kia nữa…
Giọng Thần Côn đột nhiên cao vống lên một quãng tám, không nén được vẻ kinh ngạc và hưng phấn: “Đợi đã đợi đã, cô vừa nói là, hai phượng một gà, ba vị trí trên giữa dưới, thẻ tre?”
Tim Mộc Đại thình thịch đập loạn, lúc nhìn về phía bàn, thấy những người khác cũng đã ngừng lại mọi động tác, La Nhận gật đầu với cô, ý bảo tiếp tục.
“Quyển thẻ tre đó, đếm được bao nhiêu thanh?”
Mộc Đại mấy máy khẩu hình với La Nhận: “Bức vẽ đâu?”
La Nhận còn chưa kịp trả lời, Một Vạn Ba đã cướp lời: “Bảy thanh.”
Còn nói thêm: “Tôi vẽ nên tôi nhớ được lúc ấy nét bút dừng ở đâu, là bảy thanh.”
Thần Côn tựa hồ hít vào một hơi khí lạnh.
Mộc Đại không dám thúc giục, một lát sau, cô nghe thấy tiếng Thần Côn như đang cảm khái: “Bảy thanh… Hóa ra là có thật…”
Ý gì đây? Có thể nói ra như vậy, chứng tỏ lão cũng biết được ít nhiều phải không? Lòng Mộc Đại nhanh chóng trở nên khẩn trương: “Đó có ý nghĩa là gì vậy?”
Thần Côn cười ha hả: “Cái Túi Nhỏ, đầu cô đúng là cái túi rỗng mà, gà gì chứ, đó là Loan, Loan chính là loài chim ‘màu đỏ, vằn ngũ sắc, nhìn giống gà” ấy, cô từng nghe thấy bao giờ chưa?”
Lại còn nói đầu cô là túi rỗng nữa chứ! Chim Loan, lúc đi học giáo viên nào mà chẳng từng nói rồi, đều tại Một Vạn Ba, chẳng chịu tô màu gì cả, nếu như có tô màu, cô sao có thể nhầm đó là gà chứ?
Mộc Đại hung dữ liếc xéo Một Vạn Ba một cái, cứ làm như nếu có tô màu thì cô sẽ nhận ra được đó là Loan không bằng – kỳ thực cho dù có tô đúng “màu đỏ, vằn ngũ sắc” thì cô cũng sẽ bảo đó là một con gà trống ngũ sắc thôi.
“Hai con bên trên cũng không phải là phượng hoàng, đó là Phượng và Hoàng, chia ra trên giữa dưới, lần lượt là Phượng, Hoàng, Loan, đó là ba loài chim thần mang phước lành trong quan niệm Trung Quốc thời cổ đại. Cái cô thấy, dùng ba loài Phượng Hoàng Loan để phong ấn, là bảy thanh Hung Giản.”
Bảy thanh Hung Giản?
Vào đúng thời khắc mấu chốt, Thần Côn lại giở giọng dù bận vẫn nhàn, nói: “Để tôi mở bút ký ra xem, sắp xếp lại chút đã. Mấy người chờ một chút.”
***
Lão còn phải mở bút ký nữa à? Lòng Mộc Đại như bị mèo cào, chỉ hận không thể vươn tay vào điện thoại, níu lấy giọng nói của Thần Côn, kéo lão từ trong sóng âm vô hình ra đây.
La Nhận ngược lại bình tĩnh hơn cô nhiều: “Đã chờ lâu vậy rồi, có chờ thêm một hai giờ nữa cũng không sao.”
Giọng anh chứa một cảm giác kích động bị đè nén mạnh mẽ, Một Đại nhìn anh gật đầu, trong lòng thực sự cảm thấy mừng thay cho anh.
Đúng lúc đó, Một Vạn Ba đột nhiên lên tiếng.
“Cái gì mà Phượng Hoàng Loan với bảy thanh Hung Giản thế, hai vị, tôi vẽ cả đêm như vậy, hai người có thể kể sơ lược đầu đuôi chuyện này một chút không?”
Thế là cả đám vội vã kết thúc bữa ăn, chuyển vào phòng La Nhận, Tào Nghiêm Hoa phụ trách bưng chậu, dọc đường cứ nơm nớp lo sợ, hai tay vươn hết cỡ ra phía trước, chỉ hận khi sinh ra cha mẹ không cho gã một vóc người cao gầy chân tay dài hơn.
Mặt tường trong phòng La Nhận chính là bản tóm tắt rõ ràng nhất, ba câu chuyện, con rối dây câu, Tào Nghiêm Hoa nghe xong một lượt thì ngây ra như phỗng, Một Vạn Ba thì băn khoăn đầy bụng: “Vậy chuyện này với cái Hung Giản kia thì có quan hệ gì?”
Mộc Đại cắm sạc điện thoại để đảm bảo chút nữa có thể gọi điện được lâu dài: “Cái này phải hỏi Thần Côn.”
***
Mãi đến chiều, Thần Côn mới gọi điện thoại tới, mặt trời ngả về tây, ánh nắng chiều vàng rực hắt lên nửa mặt tường, khiến người ta sinh ra một cảm giác ngơ ngẩn không chân thực.
Cuối cùng thì mọi chuyện cũng thực sự được hé lộ, lúc này đây Mộc Đại cảm thấy, dù bắt cô phải trả tiền mới được nghe, cô cũng bằng lòng.
Đầu dây bên kia truyền đến tiếng lật giấy, hình như Vạn Phong Hỏa từng nói, Thần Côn ghi chép lại các sự việc đều bằng bút giấy, suốt hơn hai mươi năm, bút ký nhiều đến mức phải dùng bao tải để đựng, quyển sổ mà lão đang lật kia không biết là viết từ năm nào? Hẳn là rất lâu nhỉ?
“Chuyện này, đúng là tôi đã được nghe kể từ rất nhiều năm trước, chỉ một lần duy nhất ở một chỗ gần ải Hàm Cốc, là do một cụ già kể lại, đó là một truyền thuyết rất xưa.”
Ải Hàm Cốc.
Toàn bộ sự việc hợp lại thành một bức tranh lớn thiếu sót rất nhiều mảnh ghép, Mộc Đại thầm nhủ trong lòng: Đúng, đây chính là mảnh ghép lớn nhất.
“Phải bắt đầu nói từ đâu nhỉ, các cô các cậu có tin không, mọi việc trên đời, luôn luôn có một “người đầu tiên”, ví dụ như người đầu tiên ăn táo, người đầu tiên ăn cua, người đầu tiên biết bơi.”
Có chứ, đó là chuyện rất xưa rất xưa rồi, nhưng chắc chắn là có, giống như các nhà sử học suy đoán vậy, người nguyên thủy ban đầu ăn sống nuốt tươi, nhưng về sau xảy ra một trận cháy rừng, đám cháy thiêu chết các loài dã thú, mùi thịt dẫn dắt đám người đến, người dũng cảm nhất nói rằng: “Để tôi nếm thử xem.”
Và thế là mở ra thời kỳ ăn chín uống sôi.
“Theo truyền thuyết, vào thuở sơ khai, bảy tội án đầu tiên của loài người là được ghi lại trên văn tự, không có văn tự ghi chép thì không tính, ghi nhớ bằng cách thắt nút dây (*) cũng không tính, bởi vì hết nút này tới nút khác một đống nút như vậy, người khác xem sẽ không hiểu, không thể truyền được đầy đủ nội dung dữ liệu.
(*) Đây là cách ghi nhớ các sự kiện, lưu giữ số liệu của con ngườitrước khi có chữ viết.
“Thế nhưng khi bắt đầu có văn tự để ghi lại, lúc đó chắc là giáp cốt văn, bất kể là khắc lên mai rùa, xương thú hay cái gì khác, bảy tội án đầu tiên này luôn được cho là có khả năng mê hoặc lòng người, về sau phàm có người tiếp xúc đến, tâm tính đều sẽ đột nhiên thay đổi, sẽ gây ra những tội án tương ứng, vậy nên bị người thời đó coi là điềm xấu.”
La Nhận hỏi: “Tại sao lại là bảy?”
Thần Côn thở dài: “Tôi cũng không rõ, về sau tôi có đặc biệt nghiên cứu, số ‘bảy’ này mang một ý nghĩa đặc thù, theo Hán Thư, ‘bảy’ là khởi đầu của trời đất, bốn mùa và loài người, một tuần có bảy ngày, trong Phật giáo cũng có bảy món bảo bối, bảy nỗi khổ đau, sau khi người chết thì bảy ngày một lễ cúng, ví dụ như lễ thất đầu…
“Kể cả ở phương Tây, số ‘bảy’ cũng có ý nghĩa đặc biệt, trong ‘Kinh Thánh’, thượng đế sáng tạo ra thế giới bằng bảy ngày, còn nữa, trong giáo lý đạo Thiên Chúa cũng có ‘bảy mối tội đầu’.”
Mộc Đại không quan tâm đến chuyện số má, cô chỉ quan tâm đến vấn đề: “Tại sao người tiếp xúc tính tình lại đột ngột thay đổi, là bị…ma ám sao?”
Hỏi xong, tự mình liền nổi da gà khắp thân trước.
La Nhận thoáng trầm ngâm: “Hình như…trong Tự Linh của Nhật Bản cũng có cái này?”
“Tự Linh” là một câu chuyện ma quái của Nhật Bản, xuất phát từ truyện “Âm Dương Sư” của Baku Yumemakura (*), kể rằng thời Đại Đường ở Trung Quốc, có một hòa thượng đang sao chép kinh Phật thì bất chợt một ngày nọ, một cô gái xuất hiện trong phòng thiền của vị hòa thượng đó, lại luôn lấy tay áo che mặt, hòa thượng không nhịn được đã kéo tay áo của cô gái đó xuống, phát hiện ra trên mặt cô ta không có miệng. Sau khi cô gái đó biến mất, hòa thượng lại tiếp tục sao chép kinh Phật, nhưng rồi phát hiện ra chữ Như trong “Đại Nhật Như Lai” đã bị mình viết thiếu mất “Khẩu”, biến thành chữ Nữ (**).
(*) Baku Yumemakura, sinh năm 1951, là một tác giả tiểu thuyết viễn tưởng và phiêu lưu Nhật Bản, các tác phẩm của ông rất nổi tiếng ở Nhật Bản, được chuyển thể thành rất nhiều tác phẩm phim ảnh, truyện tranh.
(**) Miệng trong tiếng Trung là 口 (khẩu), chữ 如 (như) được ghép lại bởi chữ 女 (nữ) và chữ 口 (khẩu), vậy nên chữ 如 (như) nếu viết thiếu 口 (khẩu) thì sẽ biến thành chữ 女 (nữ).
Ngụ ý của câu chuyện là vạn vật đều có linh, con chữ kia biến thành một người phụ nữ không miệng là để đề tỉnh hòa thượng nọ. Thoạt nghe, đúng là có cùng một kiểu xử trí giống như bảy tội án ghi lại bằng giáp cốt văn.
Thần Côn suy nghĩ một chút rồi nói: “Cũng không giống lắm, ‘Tự Linh’ chỉ là một câu chuyện kể ma quái, nhưng cái tôi kể thì nhìn không thấy, sờ không được, nói chung chính là một thứ không rõ hình thù, giống như lời nguyền của Pharaon vậy, mang đến vận rủi cho con người từ cõi u minh.”
“Thời đó nó đã khiến con người cực kỳ kính sợ, hết tế bái trăm thần lại đến lập đàn cầu trời, người ta nói rằng kết quả bói được là, hậu thế sẽ sinh ra một bậc đại đức, chấm dứt thứ điềm xấu tà ác này.”
Nói đến đây, Thần Côn bỗng hưng phấn: “Người này xuất hiện vào cuối thời Xuân Thu, là một nhân vật có thật, vô cùng nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc, có thể nói là danh nhân văn hóa thế giới, các cô các cậu đoán thử xem là ai?”
Giọng Tào Nghiêm Hoa vang dội, nói một cách đầy khí phách: “Khổng Tử!”
La Nhận nhìn gã một cái: “Là Lão Tử.”
Thần Côn “í” một tiếng: “Cộng cho Củ Cải Nhỏ một điểm, người vừa cướp lời đáp là ai vậy?”
Tào Nghiêm Hoa trước đó đã được Mộc Đại dặn đi dặn lại là phải lễ độ cung kính với Thần Côn: “Thần tiên sinh, chào chú ạ, cháu họ Tào, chú có thể gọi cháu là Tào Mập.”
Tào Mập tất nhiên là chẳng lấy gì làm dễ nghe, nhưng ít ra cũng là bí danh của gã, gã không muốn lại có thêm một cái nữa. Củ Cải Nhỏ? Cha mẹ ơi chẳng hiểu sao La Nhận chịu nổi luôn.
Thần Côn lên giọng dạy bảo gã: “Tào Mập, Khổng Tử đương nhiên cũng là danh nhân văn hóa, nhưng cậu phải kết hợp với hoàn cảnh mà đoán chứ, trước đó tôi đã đề cập đến ải Hàm Cốc, Lão Tử và ải Hàm Cốc rất có liên quan đến nhau đó, hơn nữa, bản thân Lão Tử được tôn là Thái Thượng Lão Quân, ông tổ của Đạo giáo, so với Khổng Tử, ông ấy tạo cho người ta cảm giác thần bí hơn một chút.”
Lão quay lại vấn đề chính: “Chuyện về bảy thanh Hung Giản, chính là bắt đầu từ việc Lão Tử vượt ải Hàm Cốc.”
***
Theo truyền thuyết, khi nhà Chu suy vi, bậc đại đức Lão Tử quyết ý thoái ẩn, cưỡi trâu đen vượt ải Hàm Cốc.
Quan trấn ải Doãn Hỉ là một người tinh thông thiên tướng, lờ mờ trông thấy có mây tía từ phía đông bay tới, đoán được sắp có quý nhân qua ải, bèn vội vàng xuống ải chờ từ sáng sớm, quả nhiên gặp được Lão Tử đang định vượt ải, sau khi hết lời muốn giữ ông lại mà không được, bèn nói: “Tiên sinh học vấn uyên bác như vậy, không muốn để lại cho thế gian chút gì sao?”
Sử viết, Lão Tử dừng chân ba tháng, soạn ra bộ Đạo Đức Kinh dài năm ngàn chữ.
Nhưng phiên bản mà Thần Côn được nghe kể thì không chỉ có như vậy.
Trong phiên bản đó, Lão Tử quyết ý vì nhân gian trừ khử một mối hại lớn, dẫn bảy tội án khắc trên mai rùa xương thú vào bảy thanh thẻ tre, dùng Phượng, Hoàng, Loan và lồng giam đồng để phong ấn thẻ tre, dặn dò Doãn Hỉ rằng, ngũ hành tạo thế, cả thế gian này đều được cấu thành bởi năm nguyên tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, mỗi thứ trong đó đều có thể tạm khắc chế Hung Giản, nhưng rốt cuộc cũng không phải cách trị tận gốc.
Thẻ tre thuộc mộc, mộc từ thổ sinh, nhờ thủy mà trưởng thành, ngụ ý “mộc, thổ, thủy”, lồng giam đồng thuộc “kim”, “Phượng, Hoàng, Loan” là chim thần thời bấy giờ, có thuộc tính hỏa, đến đây ngũ hành đều đã đủ, lại dẫn thêm khí vận cát tường của chim thần, phong ấn bảy thanh Hung Giản.
Doãn Hỉ cung kính nhận lấy, hỏi Lão Tử, Tiên sinh vì sao không hủy luôn Hung Giản đi?
Lão Tử thở dài nói, dù là thứ hung tà ương bướng, nhưng vẫn đúng là những tội lỗi mà con người phạm phải, dù có cố che đậy hay tiêu hủy, cũng đều không thể gạt bỏ được sự tồn tại của nó, thứ này sớm đã là một phần của lịch sử.
Doãn Hỉ lại hỏi, Vậy nếu một ngày nọ, lồng Phượng Hoàng Loan bị mở ra, bảy thanh Hung Giản chẳng phải sẽ lại gây họa cho thế gian sao?
Lão Tử cười ha hả, bụi mù bốc lên, nhảy thẳng lên lưng trâu đen rời đi, nói, Yên tâm đi, trên đời này, sẽ không có bất kỳ người nào có thể mở được lồng Phượng Hoàng Loan.
Nói một chút về từ “tội án (罪案)”, trước đây người dịch đã dịch là “tội ác”, nhưng càng về sau càng cảm thấy không ổn. Đây là một từ mang nghĩa kép, bao hàm ý của “tội ác” và “vụ án”, hơn nữa, còn được dùng với nghĩa “tình tiết quá trình phạm tội”. Thứ được ghi lại bằng giáp cốt văn là bảy vụ án đầu tiên của loài người, khi được dẫn vào thẻ tre, tội án mang theo mình cả vụ án đã được ghi lại lẫn cả tội ác dẫn đến hành động phạm tội đó, bởi vậy nên khi bị ám, người mang Hung Giản sẽ bị nó sai khiến, gây ra vụ án như những gì từng được viết trên giáp cốt văn, và dựng lại cảnh tượng của quá trình phạm tội khi xưa. Về sau, sự kết hợp của các thanh Hung Giản với người mang Hung Giản sẽ càng phức tạp hơn và do đó cũng bộc lộ tội ác mà con người phạm phải. Bởi vậy, người dịch xin được giữ nguyên từ “tội án” này của tác giả.