Sau khi trở lại trong cung, Tuyên đế liền cầm giấy bút, tính họa một bức chân dung Lục Kiều, rồi sai người tìm kiếm trong ngoài kinh thành, sớm chút đưa nàng vào cung. Tuy rằng đời này chưa chắc có được duyên phận bên nhau, nhưng dựa vào ân tình kiếp trước, hắn vẫn muốn cứu nàng ra khỏi hố lửa, tránh cho nàng bị Nam Cương vương sử dụng, trải qua ngày tháng thân bất do kỷ.
Cầm bút vẽ vài nét, Tuyên đế mới kinh hãi phát hiện, hắn thế nhưng nhớ không rõ bộ dáng của Lục Kiều. Cho dù hắn nỗ lực hồi tưởng, cũng chỉ có thể nhớ đến chiếc mũi tú mỹ cùng đường cong nhu hòa của nửa khuôn mặt mà bản thân nhìn thấy lúc ở quán trà. Đôi mắt trên gương mặt kia sáng ngời ra sao, lông mày lá liễu hay là cánh sen, tất cả đều là một mảng mơ hồ. Ngẫu nhiên trong đầu thoáng qua một tia ấn tượng, cuối cùng cũng không rõ ràng, cố gắng vẽ ra nhưng vẫn cảm thấy không giống.
Chỉ mới hai năm ngắn ngủn không thấy, giữa chừng cũng không xảy ra chuyện kinh thiên động địa gì, sao hắn lại có thể đem ái phi mà bản thân từng ngàn kiều vạn sủng quên mất? Trong lòng Tuyên đế có chút áy náy, lại có chút hoảng loạn, dứt khoát nương theo giấy bút sẵn có, đem hậu cung giai lệ kiếp trước từng người một đều vẽ ra.
Mà kết quả hiển nhiên là cái hắn không muốn thấy nhất ― dưới ngòi bút của hắn, những nữ tử đó thế nhưng đều lớn lên không sai biệt lắm. Thời điểm hắn cố gắng nhớ lại trong đầu, những người này đều phảng phất như bị che đậy bởi một tầng sương khói mông lung, cuối cùng chỉ còn lại bóng dáng cực kì đạm bạc, được hình dung bằng những từ ngữ cực kì hư ảo như ‘ôn nhu’ ‘đoan trang’ ‘kiều mị’ ‘đáng yêu’.
Tuyên đế rốt cuộc dừng bút, cảm thấy hổ thẹn với chính mình, với những mỹ nhân không biết đã đi đâu về đâu kia, hắn thật sự là một tên bạc tình.
Ấy vậy mà Vương Nghĩa đứng bên cạnh lại khen tặng: “Bệ hạ vẽ thật tốt, những mỹ nhân này tuy quần áo trang điểm không giống nhau, nhưng xem bộ dáng cùng thần khí kia, vẫn có thể nhìn ra là cùng một người. Tiểu nhân vừa nhìn liền nghĩ, bệ hạ từ nơi nào thấy được mỹ nhân mà lại có thể vẽ đến chân thật như thế?”
Đều giống nhau sao? Rõ ràng những người hắn vẽ là Từ hoàng hậu, Thạch quý phi, Trần thục phi, Giản phương nghi, Lục Kiều, Thanh Tuyết…… Mỗi một bức họa đều không phải cùng một người a! Hắn còn đặc biệt chú ý đem quần áo cùng tư thế mỗi người đều vẽ đến không trùng nhau……
Xem ra hắn chỉ biết vẽ một khuôn mặt, về sau cũng đừng học người ta lấy vẽ tranh để ký thác tương tư làm gì nữa.
Tuyên đế ngượng ngùng đem mấy bức họa cuốn lên, thuận tay giao cho Vương Nghĩa, thương cảm mà phân phó: “Đều đốt đi, loại đồ vật này giữ lại cũng vô dụng.”
Vương Nghĩa trân trọng mà cầm tranh vẽ, liên tục khuyên nhủ: “Bệ hạ vẽ đẹp như thế sao phải đốt đi? Lại nói, nếu bệ hạ thật thích nữ tử này, cho người lặng lẽ điều tra nghe ngóng, rồi đem vào cung là được. Nếu thân phận của nàng thấp, phong thành thải nữ cũng không vấn đề.”
Tuyên đế còn đang suy xét có nên truy nã Lục Kiều hay không, nhưng nghĩ đến bản thân hiện tại vốn không nhận biết nàng, lập tức phủ định: “Bức vẽ này vốn cũng không giống, huống chi nàng hiện giờ nữ giả nam trang, càng không dễ tìm.”
Chờ một thời gian nữa, Nam Cương vương tự nhiên sẽ sai nàng vào cung hành thích, thay vì rút dây động rừng, không bằng ở trong cung ôm cây đợi thỏ. Đời trước lúc tấn công Nam Cương, Lục Kiều vì hắn hiến kế, lập qua vài lần công lớn. Đời này tuy rằng hắn đã nắm rõ Nam Cương như lòng bàn tay, nhưng vẫn muốn an bài tốt cho cuộc sống của nàng, không phụ công lao cùng tình yêu mà đời trước nàng dành cho hắn.
Tuyên đế nghĩ ngợi một hồi liền có chút phát ngốc, mỹ nhân trong đầu thực nhanh biến thành mấy vị thần tử dây dưa không rõ kia, trên người cũng liền có phản ứng, sắc mặt lúc đỏ lúc trắng. Vương Nghĩa luôn hiểu thánh ý, thấy hắn lại đi vào cõi tiên, liền lặng lẽ rời khỏi, cầm bức họa âm thầm suy nghĩ: “Lại là nữ giả nam trang, xem ra bệ hạ chính là thích kiểu người như vậy. Nếu không tìm được người nọ, không bằng đem Tạ thái thú triệu hồi về kinh……”
Ngày đó qua đi, Tuyên đế cũng không nhắc tới việc họa tranh mỹ nhân nữa. Sớm tối trừ bỏ thượng triều thì chính là tự mình dạy dỗ Lương Vương, ngày qua ngày đều bình đạm kham khổ đến khiến Vương Nghĩa lo lắng không thôi. Ngày xưa Chu Huyên thường hay cùng Tuyên đế ra ngoài du ngoạn, Thuần Vu Gia ngẫu nhiên cũng sẽ tiến cung, sau lại có thêm Phượng Huyền, tuy nói thời gian vào cung của y không nhiều lắm, nhưng lại được sủng ái vô cùng, quan chức thăng tiến liên tục mấy cấp ai ai cũng đều thấy rõ trước mắt.
Chẳng lẽ hiện tại bệ hạ thật sự động chân tình, trừ bỏ vị mỹ nhân kia, người khác đều không muốn?
Thân là đại nội tổng quản, Vương Nghĩa tuyệt không thể nhìn Tuyên đế chịu ủy khuất. Vì thế Vương Nghĩa thừa dịp Phượng Huyền ở trước điện trực ban, ôm bức mỹ nhân đồ đi qua tìm y, đem người kéo đến một bên lặng lẽ hỏi: “Không biết ngày ấy Phượng đại nhân hộ tống thánh thượng du ngoạn, trên đường có thấy được người nào không? Bệ hạ sau khi hồi cung liền nhớ mãi không quên người ấy, ngự bút vẽ rất nhiều tranh……”
Nói xong liền đem những bức họa đó lấy ra đưa cho Phượng Huyền xem.
Phượng Huyền có chút nghi hoặc mà nhận lấy, nhìn kỹ hai lần, thế nhưng ẩn ẩn cảm thấy người này có chút quen thuộc. Y bất động thanh sắc mà đồng ý việc tìm người, hướng Vương Nghĩa lấy đi một bức, về đến nhà lại nhìn kỹ cả nửa đêm, ngẫm nghĩ xem từ khi nào Tuyên đế lại coi trọng tân sủng.
Ngày đó ở trên núi, Tuyên đế cùng Chu Huyên rõ ràng đã định ra quan hệ chung thân, còn làm trò trước mặt Chu Huyên, cùng y phân rõ giới tuyến, từ khi nào thì gặp gỡ nữ nhân khác?
Một đêm này Phượng Huyền ngủ không ngon giấc. Nửa mộng nửa tỉnh, trong đầu biến hóa vô số tình cảnh, lung tung hỗn loạn, sau đó trong lòng bỗng chốc run lên, mạnh mẽ bừng tỉnh từ trong mộng.
Mồ hôi lạnh trên trán Phượng Huyền chảy ròng ròng, trong đầu lại chợt lóe linh quang, rốt cuộc nghĩ ra mỹ nhân trong bức họa giống ai ― đôi mắt kia rõ ràng chính là của mình!
Phượng Huyền lấy tay áo xoa xoa mồ hôi trên trán, duỗi tay đem chăn gấm vứt qua một bên, xoay người xuống giường, vọt tới bên cạnh bàn đốt nến lên. Nếu thật là… nếu thật là giống y, vậy chẳng phải xác minh, kỳ thật người Tuyên đế yêu vẫn luôn là y? Chẳng qua vì Đại tướng quân tới trước một bước, bệ hạ không đành lòng bỏ cũ lấy mới, nên đành phải trái lương tâm……
Ánh lửa trong tối tăm vô tận đột nhiên bừng sáng, Phượng Huyền đã gấp đến không thể chờ nổi mà đốt lên tất cả nến trên giá, thắp sáng cả gian phòng, mở ra bức hoạ nhìn kỹ một lần nữa.
― xác thật là giống y! Những chỗ khác thì thường thường, riêng đôi mắt kia lại có thần vận linh động, càng xem càng thấy giống y!
Bí mật này sợ là ngay cả Vương tổng quản cũng nhìn không thấu, người khác (ý chỉ Chu Huyên) càng là nằm mơ cũng nghĩ không ra, nhưng suy cho cùng, nếu bệ hạ không chịu nhận, liền có chút khó xử. Một nụ cười như có như không tràn ra từ khóe miệng Phượng Huyền, y cầm bức họa trên tay, trong mắt lộ ra ánh sáng kiên định, ngồi lặng im một chỗ cho đến tận khi tiếng trống canh ba vang lên bên ngoài, mới cẩn thận mà cuộn lại bức họa, cất vào Đa Bảo Các nằm bí mật bên trong tường của phòng ngủ.
Qua mấy ngày, Vương Nghĩa lại lén gặp Phượng Huyền, hỏi y đã tìm được nữ tử trong bức họa chưa. Phượng Huyền như đã nắm chắc trong tay, khí định thần nhàn mà đáp: “Người trong bức họa Phượng Huyền đã gặp qua, thỉnh Vương tổng quản an tâm chờ đợi, ta sẽ tìm cơ hội nói rõ việc này với bệ hạ.”
Vương Nghĩa thở phào nhẹ nhõm, an tâm mà cười cười: “Ta nói Phượng đại nhân ngài vừa giỏi nắm bắt tâm ý, làm việc lại chu đáo, nhất định có thể tìm được ý trung nhân của bệ hạ. Việc này nếu thành, bệ hạ nhất định không tiếc ban thưởng, đến lúc đó còn phải thỉnh đại nhân nói thêm vài lời cho ta.”
Có Vương Nghĩa góp gió nổi bão, Phượng Huyền đối với tính toán của mình càng thêm tin tưởng, chỉ đợi thời cơ tới, liền cùng Tuyên đế giáp mặt nói rõ.
Cơ hội này rất nhanh đã đến. Không lâu sau ngày Phượng Huyền gặp Vương Nghĩa, trong triều liền thu được tin tức, báo rằng Nam Cương muốn phái sứ giả vào kinh, cùng Đại Hạ kết giao hữu hảo. Ngày đó trong lúc dạy học, Tuyên đế âm thầm nhắc tới đại sự này, sau đó đem một mình Phượng Huyền lưu lại để nghị sự. Phượng Huyền từng chính tai nghe qua Tuyên đế có ý diệt Nam Cương, nhưng y không lập tức thuận theo ý tứ Tuyên đế khuyên hắn xuất binh, mà lại chậm rãi nói về đạo lý trên kinh thư trước.
“Lão Tử viết: Trị đại quốc, nhược phanh tiểu tiên*. Là bởi vì mệnh lệnh của quốc quân đối với thiên hạ ảnh hưởng cực kì to lớn, muốn thiên hạ yên ổn, quốc quân phải tiến hành mọi việc một cách từ tốn, không thể nôn nóng. Bệ hạ mặc dù đăng cơ chưa đến hai năm, lại đã hai lần chinh phạt Tây Nhung, hao phí vô số tiền của sức lực, Tuyên Phủ gần như đổ nát, bá tánh biên thành phần lớn lưu vong, lấy ăn xin làm kế sinh nhai. Lúc này bệ hạ mới cho phép thống trị vài tỉnh biên quan, sợ là không kịp, nếu lại dụng binh Nam Cương, chỉ e quốc khố trống rỗng, dựa vào một mình sức dân cũng không phải kế lâu dài.”
[*Lão Tử – Đạo Đức Kinh, chương 60: Cư vị. Nguyên văn:治大國,若烹小鮮. Dịch: Cai trị một nước lớn giống như nấu con cá nhỏ.]
Tuyên đế lẳng lặng nghe, cũng không tỏ ý không vui, đợi y nói xong, còn chủ động nhận sai: “Trẫm xác thật đã quên chuyện lưu dân, hiện giờ chiến sự đã định, vừa lúc để cho Tuyên Phủ lấy đất đai phương bắc phân chia thành điền thổ, cổ vũ bá tánh khai hoang. Việc này ngày mai thượng triều trẫm sẽ có tính toán, Phượng khanh tiếp tục nói đi.”
Phượng Huyền hơi mỉm cười, từ trên ngự án cầm lấy bút vẽ xuống. Tuyên đế rũ mắt nhìn bút pháp của y, thỉnh thoảng than nhẹ một tiếng.
Vương Nghĩa ở một bên bưng trà rót nước, lén nhìn một chút, tựa hồ là bản địa đồ, liền nghĩ tới chuyện Phượng Huyền đáp ứng tìm vị mỹ nhân kia. Vương Nghĩa cười thầm trong lòng, cùng Phượng Huyền liếc nhau một cái, lặng yên dẫn người rời khỏi điện.
Phượng Huyền thần sắc bất động, ngòi bút càng vẽ càng nhanh. Tuyên đế càng xem càng kinh ngạc, vòng đến bên cạnh y để nhìn cho kỹ. Tuy rằng chỉ là sơ lược vài nét định hình, nhưng lấy kiến thức của Tuyên đế, đã có thể phân biệt ra ― đây rõ ràng chính là bản đồ Nam Cương!
Không thể tưởng được Phượng Huyền mới có từng này tuổi mà đã có thể ghi nhớ bản đồ thành thạo như vậy, hắn còn nghĩ rằng Phượng Huyền kiếp trước sau khi bỏ văn lấy võ mới bắt đầu nghiên cứu cái này.
Tuyên đế tán thưởng một câu, liền nghe được Phượng Huyền ở bên cạnh nói: “Bệ hạ tuy rằng hùng tài đại lược, nhưng cũng không thể chinh phạt quá mức, không cho bá tánh cùng quân binh thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức. Huống chi đại quốc đánh chiếm thổ địa bất quá cũng chỉ vì giương cao uy thế, thu về tiền của, tiểu quốc bất quá cuối cùng vẫn phải thuần phục đại quốc. Đại Hạ ta chỉ cần tỏ rõ thiện ý, khiến Nam Cương toàn tâm dựa vào, so với việc hai nước tranh chấp càng tốt đẹp hơn.”
Nhưng Nam Cương vương kia cũng không có thiện ý a, hẳn là bên trong sứ đoàn được phái tới lần này sẽ có thêm một vị thích khách mỹ lệ. Nhưng đây là việc phát sinh ở kiếp trước, kiếp này còn chưa có xảy ra nên không thể nói tới, bởi vậy Tuyên đế chỉ gật đầu cho có lệ, tiếp tục cúi xuống xem bản đồ.
Phượng Huyền lại vẽ thêm vài nét, rồi đem bản đồ trải rộng trên ngự án, hướng Tuyên đế cười nói: “Bệ hạ ban cho thần một bức họa, thần hôm nay liền đem phúc đồ này hồi báo bệ hạ. Đây là tấm bản đồ được truyền lại trong gia tộc của thần, tuy không tính là thập toàn thập mỹ, nhưng trước mắt cũng coi như khó có được.”
Tuyên đế nhìn họa đồ tấm tắc khen thưởng, bỗng nhiên lấy lại tinh thần, kinh ngạc hỏi y: “Bức họa gì? Trẫm khi nào thì ban cho ngươi……”
Phượng Huyền liền nhấc bút vẽ lên giấy một gương mặt phi dương sáng lạng, hơi có chút thẹn thùng mà quay đầu nhìn Tuyên đế: “Bức họa kia của bệ hạ tuy vẽ mỹ nhân, nhưng thần há có thể không nhìn ra người được vẽ đến tột cùng là ai?”
Tuyên đế cúi đầu nhìn về phía gương mặt trên giấy kia, rồi lại ngước lên nhìn Phượng Huyền, sau đó không khỏi “Ai nha” một tiếng, trong lòng ngũ vị tạp trần. Phượng Huyền tinh tế quan sát thần sắc của hắn, thấy hắn đã nhớ ra, trong mắt liền chớp động tinh quang, ngượng ngùng lại kiên định mà đỡ lấy Tuyên đế: “Bệ hạ hôm nay đã là kêu thần tới dạy học, thần liền tiếp tục nói một chút về đạo làm vua. Lão Tử có nói: ‘Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn’*, này không chỉ là đạo trị quốc, cũng là đạo làm vua. Quân mà khiêm hạ trước thần thì có được thần, thần mà khiêm hạ trước quân thì có được quân……”
[*Lão Tử – Đạo Đức Kinh, chương 61: Khiêm đức. Nguyên văn: 大國者下流, 天下之交, 天下之牝.
Dịch: Một quốc gia rộng lớn giống như vùng hạ lưu của một con sông, mang tính chất âm nhu (nữ tính) của thiên hạ, và là nơi thiên hạ giao hội. Nhờ bản chất tĩnh mà nữ thường thắng nam (khiêm nhu thường thắng bạo cường).
Chú thích: chữ tẫn 牝 nghĩa là giống cái, phái nữ, những điều thiên về âm nhu.
Nói thêm về chữ hạ trong đoạn trên: nguyên văn của nó là “Lấy quân hạ thần tắc đắc thần, lấy thần hạ quân tắc đắc quân”. Chữ ‘hạ’ trong này có nghĩa là khiêm hạ, tức là hạ mình xuống trước kẻ khác.]
Y vừa nói vừa cúi người về phía trước, ôm lấy Tuyên đế đè xuống trên ngự án, gần như nỉ non ở giữa môi hắn mà nói: “Nếu hiện tại quân không chịu hạ mình xuống trước thần, thần đành phải tới hạ mình xuống trước quân vậy. Thần chỉ cần một vị trí nhỏ nhoi bên cạnh bệ hạ, từ nay về sau dù có tan xương nát thịt cũng không chối từ…… Bệ hạ có thể hứa hẹn cùng Đại tướng quân, sao không thể hứa hẹn cùng thần?”
(Đậu mè, Phượng Huyền đây là cướp lời của Thuần Vu Gia nhaaaaa)
Thân thể hai người thân mật mà dán sát thành một, lúc nói chuyện cánh môi hơi khép mở liền ma sát với nhau, phản ứng trên người dành cho nhau cũng vô pháp dấu diếm. Tuyên đế nhắm chặt hai mắt, nghiêng đầu, gian nan đáp: “Trẫm vẫn luôn xem nặng tài hoa của ngươi, đối đãi ngươi như trủng tể*, sao có thể để tư tình làm bẩn thanh danh ngươi, khiến con đường làm quan về sau của ngươi phải gian khổ……”
[*một chức quan thời Chu, là vị quan đứng đầu tất cả quan lại trong triều, tương tự như tể tướng.]
Phượng Huyền nhỏ nhẹ than thở, cười khổ thành tiếng: “Ta sớm đã không có thanh danh…… Sau khi ta vào cung hầu bệnh, liền trở về cùng đường huynh thẳng thắn hết thảy, Phượng gia bên kia sợ đã muốn mở từ đường trục xuất ta ra khỏi tông tộc. Nếu thật sự có một ngày như vậy, bệ hạ lại quan tâm yêu thương ta, thần…… thần nhất định phải cô phụ mong đợi của bệ hạ.”
Tuyên đế trong lòng khiếp sợ không thôi, đồng tử bỗng nhiên thu nhỏ, nhất thời nói không ra lời. Phượng Huyền khẽ hôn lên má hắn vài cái, thỏa mãn mà nói: “Mạnh Tử viết: ‘quân coi thần như thủ túc, thần coi quân như tâm can’, bệ hạ đối với thần tình sâu nghĩa nặng, thần nguyện lấy thân này để báo đáp. Lúc trước là thần nghĩ sai rồi, bệ hạ yên tâm, sau này thần nhất định sẽ không vì người khác cũng ái mộ bệ hạ mà dậm chân tại chỗ, cô phụ thâm tình của bệ hạ.”