Đoàn tàu lao đi trong đêm tháng Mười một. Ông liếc nhìn đồng hồ đeo tay: tàu tốc hành Roma Express vẫn muộn hai tiếng trên đất Ý như thường lệ. Ông thở dài: chẳng thể nào có mặt ở Paris trước hai mươi mốt giờ được…
Ông cố lựa tư thế ngồi thoải mái nhất, lấy ngón tay trỏ nới rộng cổ áo thầy tu cho đỡ bó sát lấy cổ. Cha Andrei không quen mặc trang phục này, ông chỉ khoác mỗi khi ra ngoài tu viện – điều rất hiếm hoi. Mà hình như những toa tàu này có từ thời Mussolini thì phải! Ghế ngồi bọc da giả cứng ngắc như ghế phòng khách trong tu viện, cửa sổ có thể hạ xuống tận chỗ tì tay vốn cũng rất thấp, điều hòa thì không có…
May thay, cuối cùng thì chỉ còn khoảng một tiếng nữa thôi. Ánh đèn trên sân ga Lamotte-Beuvron vừa vun vút lướt qua ngoài cửa sổ: bao giờ cũng thế, đoàn tàu luôn chạy tốc độ cao nhất trên đoạn đường thẳng băng ở Sologne.
Thấy cha Andrei ngọ nguậy, người khách có dáng dấp béo lùn ngồi đối diện ông ngước đôi mắt màu hạt dẻ khỏi tờ báo đang đọc và nặn ra một nụ cười, nhưng gương mặt với nước da nhợt nhạt của anh ta chẳng tươi tỉnh lên được chút nào.
“Anh ta chỉ cười bằng môi thôi, cha Andrei nghĩ. Mắt anh ta vẫn lạnh lẽo hệt như những hòn đá ven sông Loire…”
Hành khách của Roma Express thường là giới tu hành khiến đoàn tàu giống như một giáo đường phụ của Vatican. Nhưng trong khoang này, chỉ có cha Andrei và hai người đàn ông lặng lẽ khác: những chỗ ngồi còn lại đã đặt trước nhưng vẫn bỏ trống từ khi tàu xuất phát đến giờ. Ông đưa mắt nhìn người khách thứ hai, ngồi khuất trong góc sát hành lang: người này có vẻ nhiều tuổi hơn, dáng dấp sang trọng và có mái tóc vàng như lúa mạch chín. Có vẻ như anh ta đang ngủ - mắt nhắm, nhưng thỉnh thoảng anh ta lại gõ gõ mấy ngón tay phải lên đầu gối, còn tay trái thì đánh nhịp lên đùi. Từ khi tàu chạy, cả ba chỉ trao đổi vài lời lấy lệ bằng tiếng Ý, và cha Andrei nhận thấy anh ta có giọng ngoại quốc rất nặng, nhưng không xác định được là người nước nào. Đông u chăng? Mặt anh ta trông còn trẻ, mặc dù có một vết sẹo chạy dài từ tai trái rồi lẫn vào mái tóc vàng.
Thói quen quan sát đến từng chi tiết nhỏ nhất này hẳn là kết quả của cả một cuộc đời cúi mình trên những trang bản thảo cũ kỹ, mờ mịt nhất của ông.
Ông tựa đầu vào cửa kính, lơ đãng nhìn ra con đường chạy dọc theo đường sắt.
Lẽ ra ông đã phải gửi bản dịch và báo cáo phân tích bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ của Nag Hamadi về Roma từ cách đây hai tháng. Bản dịch thì ông đã hoàn thành lâu rồi. Nhưng còn báo cáo phân tích phải gửi kèm! Ông vẫn không thể viết được. Không thể nói hết mọi chuyện, lại càng không thể viết ra được.
Quá nguy hiểm.
Và thế là họ đã gọi cho ông. Trong văn phòng của Cơ quan truyền bá đức tin Thiên Chúa giáo – trước đây là Tòa án dị giáo – ông không thể thoát ra khỏi mớ câu hỏi mà những người tiếp chuyện ông đặt cho. Lẽ ra ông không nên nói với họ những giả thiết của mình, mà nên che đậy bằng những vấn đề thuần túy thuộc về kỹ thuật dịch. Tuy nhiên, Hồng y Giáo chủ, và nhất là viên thư lại [[2]] đáng gờm của ngài, đã không ngừng tấn công ông, buộc ông phải nói ra nhiều hơn những điều ông muốn nói. Sau đó họ còn hỏi han ông về phiến đá Germigny: mặt họ lại càng sa sầm xuống.
Cuối cùng, ông đã đến kho của Thư viện Vatican. Nơi đây, quá khứ đau thương của gia đình lại khiến ông phải đau đớn – có lẽ rốt cuộc đó chính là cái giá phải trả để được tận mắt nhìn thấy bằng chứng cụ thể của điều mà ông vẫn nghi ngờ bấy lâu này. Thế là ông phải vội vàng rời khỏi San Girolamo, bắt chuyến tàu trở về tu viện: ông đang trong vòng nguy hiểm. Ông muốn được yên ổn, chỉ cần được yên ổn thôi. Chỗ của ông không phải là ở giữa những mưu đồ này, Roma không phải là nhà của ông. Nhưng liệu ông có nơi nào để coi là nhà nữa không? Khi vào sống trong tu viện, ông đã phải thay đổi tổ quốc lần thứ hai, và nỗi cô độc đã vây hãm ông.
Bây giờ, bài toán đã được giải. Khi trở về, ông sẽ nói gì với cha Nil đây? Cha Nil là người rất kín đáo, và ông ấy cũng đã một mình đi được một phần đường… Ông sẽ đưa ông ấy vào cuộc. Điều mà ông khám phá ra sau cả một đời tìm kiếm, hẳn cha Nil cũng sẽ tự tìm ra được.
Và nếu như có chuyện gì xảy ra với ông… Cha Nil sẽ xứng đáng là người tiếp tục con đường.
Cha Andrei mở túi và lục tìm thứ gì đó trước ánh mắt thản nhiên của người hành khách ngồi đối diện. Dù sao thì ba người trong một khoang dành cho sáu hành khách cũng là điều dễ chịu. Ông có thể cởi bỏ chiếc áo vest của tu sĩ còn quá mới, đặt lên chiếc ghế trống bên phải để khỏi bị nhàu. Cuối cùng thì ông cũng tìm thấy thứ đang cần: một cái bút chì và một mảnh giấy vuông. Đặt nó trong lòng bàn tay, ông viết vội lên đó vài chữ rồi vô thức nắm chặt các ngón tay lại, ngả đầu ra sau.
Tiếng ồn của đoàn tàu và âm thanh dội lại từ rằng cây bên đường khiến ông thấy đờ đẫn. Ông có cảm giác mình sắp ngủ thiếp đi…
Mọi việc diễn ra quá nhanh. Người khách ngồi đối diện lặng lẽ đặt tờ báo xuống và đứng dậy. Cùng lúc đó, trong góc phía hành lang, gương mặt người khách có mái tóc vàng bỗng đanh lại. Anh ta đứng lên và tiến lại phía ông như muốn lấy thứ gì đó trong cái túi lưới phía trên đầu ông. Cha Andrei ngước mắt lên theo phản xạ: chiếc túi rỗng không.
Ông không có thời gian để suy nghĩ: mái tóc vàng hoe của người khách đã chúi về phía ông, và ông thấy cánh tay người đàn ông đó vươn về phía chiếc áo mà ông đặt trên ghế bên cạnh.
Đột nhiên, mọi thứ tối sầm lại: ai đó đã trùm chiếc áo lên đầu ông. Ông cảm thấy hai cánh tay cuồn cuộn cơ bắp ôm ngang lưng ông, thít chặt cái áo vào người ông, và nhấc ông lên khỏi mặt đất. Tiếng kêu kinh hoàng của ông bị lớp vải làm cho tắc nghẹn. Thoắt cái, ông đã cảm thấy mình đang ở phương nằm ngang với sàn tàu, nghe thấy tiếng rít của cánh cửa sổ đang hạ xuống, rồi hông ông bị ép sát vào chỗ tì tay bằng kim loại ở cửa sổ. Ông cố giãy giụa, nhưng toàn bộ thân trên của ông đã bị đẩy ra ngoài cửa sổ tàu cho gió quất, còn mặt ông vẫn bị thít chặt trong chiếc áo bởi một bàn tay cứng như thép.
Ông sửng sốt: “Chúng là ai? Lẽ ra sau ngần ấy chuyện xảy đến trong suốt hai nghìn năm qua, mình phải lường trước được chuyện này. Nhưng tại sao lại là lúc này? Tại sao lại ở đây?”
Tay trái của ông, bị ép chặt giữa chỗ tì tay và bụng ông, vẫn nắm chặt mẩu giấy hình vuông.