Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 568: Mệnh Vận Chi Thủ



Canh hai, Yến Phi và Hướng Vũ Điền dẫn đội đột kích đến thẳng hậu phương của địch nhân, đi đến khu núi non trùng trùng ở Vụ Hương. Vì không muốn đả thảo kinh xà khiến cho xôi hỏng bỏng không nên Hướng Vũ Điền và Yến Phi để quân đội ẩn mình nghỉ ngơi trong những nơi kín đáo ở các vách núi quanh Vụ Hương, còn họ đi dò đường.

Vụ Hương là một bồn địa* nhỏ trong Thái Hành sơn. Nơi đó nguyên là một chốn đào nguyên xa rời thế tục, vốn chỉ có thợ săn vùng Thái Hành sơn cư ngụ và sinh sống. Nhưng hiện giờ rốt cuộc những người dân ở đó khó mà tránh khỏi kiếp nạn do ngọn lửa của chiến tranh đã lan tới. Bằng vào tác phong của người Yên thì chắc là họ lành ít dữ nhiều.

Bốn bề của Vụ Hương núi non trập trùng, chỉ có một lối ra duy nhất ở phía tây. Lối ra này đã ngày càng được mở rộng bởi người Yên thành một sơn đạo thẳng đến Bắc Khâu.

Gần trăm ngôi nhà đã được xây lên trên cao nguyên, phân bố đều đặn trải dài đến một dặm, rõ ràng là đã phá đi những ngôi nhà đơn sơ của thổ dân và xây lên những căn nhà mới. Ngoài ra còn có hàng trăm doanh trướng.

Có tiếng thác chảy truyền lại từ phía đông bắc, một dòng suối nhỏ uyển chuyển chảy qua Vụ Hương về phía tây nam. Đây quả nhiên là một vùng đất lý tưởng cho cả công lẫn thủ.

Nếu không phải do Thôi Hoành nghĩ ra kế hoạch đột kích phía sau Vụ Hương, chỉ cần quân đoàn Long Thành quay về bồn địa thì có thể thủ vững tựa Thái Sơn, kiên cố như thành đồng.

Về mặt chiến lược, kế đó của Mộ Dung Thùy thật sự không thể hóa giải, như chắc chắn không thể thua vậy. Nhưng tiếc rằng cho dù hắn có suy đi tính lại trăm ngàn lần cũng không ngờ nữ tử mà hắn yêu thương nhất lại là điểm yếu duy nhất của hắn trong trận này.

Hướng Vũ Điền hỏi: "Huynh có nghe thấy gì không?"

Lúc này trong thung lũng đèn đuốc lờ mờ, đại bộ phận đều đang say giấc nồng trong nhà hoặc doanh trướng, chỉ còn vài đội lính gác đêm ở những vị trí quan trọng.

Từ vị trí cao gần năm mươi trượng nhìn xuống, nhà cửa như những chiếc hộp lớn cùng với những doanh trướng hình tròn như tạo thành một đồ hình kì lạ và bất quy tắc, chỗ tụ lại chỗ thưa thớt, trong màn đêm thanh vắng yên bình khiến người ta không ngửi được chút mùi vị nào của chiến tranh.

Vụ Hương quả nhiên đúng với cái tên của nó, trong không khí tràn đầy hơi nước, tạo thành một lớp sương mù mong mỏng bao trùm toàn bộ thung lũng, gây nên cảm giác kì dị, có chút gì đó như thực như mơ, mờ mờ ảo ảo.

Yến Phi gật đầu đáp: "Là tiếng chó sủa. Nếu chúng ta cố gắng đi tiếp xuống thung lũng, khẳng định là không qua được linh giác của lũ chó."

Hướng Vũ Điền lý luận: "Long Thành quân đoàn thân kinh bách chiến, chỉ cần có một chút thời gian thì chúng cũng có thể mạnh mẽ phản kích, khi đó thiệt hại sẽ là chúng ta."

Yến Phi nói: "Nếu như Thôi Hoành nói đúng, thì hơi nước sẽ tích tụ nhiều vào ban đêm, đặc biệt là vào tiết xuân ẩm ướt thế này, đến sáng sớm thì sương mù sẽ tích tụ trong thung lũng và không tan, có thể giảm đi sự cảnh giác của lũ chó. Chỉ cần chúng ta nhanh chân nhanh tay, cộng thêm với hỏa khí có độc lợi hại của Cơ đại thiếu gia, chắc là có thể hoàn thành nhiệm vụ."

Hướng Vũ Điền nói: "Nếu ta là Mộ Dung Long, ta sẽ đặt những thiết bị cảnh báo ở bốn phía quanh khu đồi núi. Nếu có ngoại địch xâm nhập thì sẽ động đến hệ thống cảnh báo đó và sẽ có thời gian để ứng phó. Huynh nghĩ Mộ Dung Long có cẩn thận tỉ mỉ như ta không?"

Yến Phi nhìn thấy phía dưới cỏ mọc um tùm và rất nhiều nơi vì sơn cước lạnh lẽo nên tuyết vẫn chưa tan hết. Chàng nói một cách buồn phiền: "Trong đêm sương mù như thế này, muốn tìm ra thiết bị cảnh báo mà địch nhân bày bố ở nơi vách núi dựng đứng khó đi, tựa hồ vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng nếu hành động vào ban ngày lại sợ bị địch nhân phát hiện. Huynh có biện pháp gì không?"

Hướng Vũ Điền nhận định: "Chúng ta còn phải chống đối với kẻ địch, tốt nhất là nên hành động vào tối mai. Còn không thì mọi ngày địch nhân đều kiểm tra cạm bẫy, nếu bị phát hiện thì hành động đột tập của chúng ta coi như đổ xuống sông xuống biển hết."

Yến Phi ngạc nhiên thốt: "Xem ra huynh rất bình tĩnh và tự tin, nhưng ta thật sự không nghĩ ra còn cách nào khác?"

Hướng Vũ Điền nói: "Nếu muốn bài trừ hết toàn bộ cạm bẫy bằng cảm giác của mình thì e rằng thần tiên cũng không làm được. Nhưng nếu muốn mở một đường để đi xuống thung lũng thì ta chẳng thiếu gì cách. Bí nhân chúng ta lăn lộn trong sa mạc đã nhiều năm, đối với nguy hiểm đã hình thành một xúc cảm kỳ dị. Ngày đó, khi chúng ta quyết chiến thì Minh Dao tiếp cận, nàng thực sự ẩn náu rất kĩ, chỉ là không qua nổi cảm ứng đặc biệt mẫn tiệp về nguy hiểm của ta thôi."

Sau đó y thay đổi chủ đề hỏi: "Nói cho ta nghe, ngươi có tin vận mệnh tồn tại hay không?"

Từ ngày đầu tiên quen Hướng Vũ Điền, Yến Phi đã hiểu phong cách nói chuyện của y. Y cứ thoăn thoắt thay đổi chủ đề đến mức không có quan hệ gì với chủ đề vừa nói xong. Trong đầu y toàn những thứ người thường không thể tưởng tượng ra, một số quan niệm kì lạ, những thứ mà người ta không lưu tâm thì y lại cảm thấy rất hứng thú và muốn khám phá.

Mỗi lần nói chuyện với y, Yến Phi đều như được khai sáng.

Yến Phi yên lặng một hồi rồi than thở: "Về chuyện vận mệnh thì từ xưa đến nay ta cũng không để ý nhiều, vì ta biết suy nghĩ nát óc cũng không thể hiểu thấu. Bất quá ngày đó tại góc phố ở Trường An, thấy Minh Dao vén rèm lộ xuất khuôn mặt như hoa như ngọc, rồi lại nở một nụ cười câu hồn nhiếp phách vô cùng phong tình với ta, sau này nghĩ lại mới thấy sự trùng hợp này rất kì lạ. Tựa hồ như trong bóng đêm có sự sắp đặt của đôi tay vận mệnh, nếu không thì giải thích như thế nào đây?"

Hướng Vũ Điền thốt: "Nói hay lắm! Nếu không phải vì Minh Dao lúc ấy cố ý làm ta giận thì tuyệt đối không mỉm cười với một gã trai khác ngoài đường. Mà Yến huynh nếu không phải vì muốn giết Mộ Dung Văn thì lúc đó cũng chẳng đến góc phố ở Trường An. Xem ra chỉ là một sự trùng hợp đơn giản nhưng lại cần rất nhiều chữ "nếu" để hỗ trợ đấy. Nếu không phải vậy thì chuyện đó sẽ không xảy ra đâu."

Yến Phi hỏi: "Huynh thật ra muốn nói cái đạo lí gì vậy?"

Hướng Vũ Điền đáp: "Ta nghĩ đến vận số của thiên hạ, nghĩ đến vấn đề ai hưng ai suy. Ta và huynh hôm nay ở đây chung vai chiến đấu, đó chính là sự an bài của vận mệnh. Nếu ở tình huống khác thì người huynh đệ của huynh không phải là đối thủ của Mộ Dung Thùy, thực lực của hai bên không tương xứng với nhau rồi. Kỳ lạ nhất là đã biết đó là sự an bài của vận mệnh nhưng chúng ta vẫn không thể thay đổi vận mệnh, bởi vì căn bản chúng ta không được lựa chọn, chỉ có thể đi theo vận mênh. Không lẽ chúng ta có thể bỏ cuộc giữa chừng ngồi đó nhìn Mộ Dung Thùy hủy diệt Thác Bạt Khuê còn Kỷ Thiên Thiên mãi mãi là con chim lộng lẫy trong lồng sao?"

Yến Phi hỏi: "Tại sao đột nhiên huynh lại có cách nghĩ kì quái như vậy?"

Hướng Vũ Điền nhẹ giọng đáp: "Ta và huynh cùng hiểu rằng nhân gian trước mắt chỉ là một không gian và một vùng nhỏ nhoi của sự tồn tại thôi. Người bình thường chìm đắm vào cái không gian này mà không tự biết. Nhưng cá nhân chúng ta cũng như vậy, hăm hở đi yêu đi hận, không ngừng bền bỉ đấu tranh và truy cầu các mục đích khác nhau. Thứ đang khống chế thế gian này là một lực lượng vô ảnh vô hình và bao quát tất cả, nó nằm ngoài tư tưởng của chúng ta, không thể thấy được và không thể nắm bắt được. Nhưng chúng ta lại có thể từ tình huống của bản thân mình, tỷ như là sự gặp gỡ của huynh và Minh Dao, lờ mờ nhận ra sự tồn tại của nó. Chúng ta tịnh không hiểu nó, cũng vĩnh viễn không hiểu rốt cuộc nó là cái gì, nên chỉ có thể gọi nó là vận mệnh. Nhưng chúng ta cũng có thể quên đi sự tồn tại của nó một cách dễ dàng, vì nó đã vượt qua năng lực nhận biết của chúng ta. Chớp mắt chúng ta lại ném nó ra khỏi đầu, quên đi sát na vừa ngộ ra nó. Nếu coi như một giấc mơ thì vừa tỉnh dậy rồi lại tiếp tục một trường Xuân Thu đại mộng của chúng ta."

Yến Phi sinh ra một cảm giác không lạnh mà run, tất cả những sự vật tồn tại trước mắt rốt cuộc là vì sao lại lắm phiền muộn như thế!

Hướng Vũ Điền tiếp: "Đây là lí do vì sao ta bỏ Minh Dao và chuyên chí đi tu luyện đại pháp, vì chỉ có nhìn xuyên bí mật của nhân gian mới có thể chân chính khiến ta hứng thú! Hãy nghĩ xem! Chỉ cần không thỏa mãn một điều kiện, thì sự gặp gỡ của huynh và Minh Dao tại Trường An đã không xảy ra. Vận mệnh kì diệu nhường nào và cũng đáng sợ biết bao. Nhưng chúng ta càng cần phải biết để tự an ủi mình, xác định rằng đó chỉ là ngẫu nhiên và không có liên quan gì đến vận mệnh. Thật ra từ khi huynh ở bên sa mạc gặp sư phụ, thì vận mệnh đã an bài con đường tương lai của huynh, cũng đã quyết định vận mệnh của ta. Định mệnh đó bao quát cả vận mệnh của những người như Mộ Dung Thùy và Thác Bạt Khuê."

Yến Phi cảm thấy toàn thân lạnh toát, những chuyện Hướng Vũ Điền nói xem ra thật nhảm nhí nhưng không có cách nào để phản bác các lý luận của y. Nếu không gặp Minh Dao thì chàng không đến Biên Hoang tập, nếu không có Cao Ngạn khăng khăng muốn gặp Kỷ Thiên Thiên thì chàng với Kỷ Thiên Thiên cũng vô duyên vô phận. Nếu không vì Tạ An rời khỏi Kiến Khang thì Kỷ Thiên Thiên cũng chẳng đến Biên Hoang. Tình huống trước mắt quả nhiên do vô số chữ "nếu" tạo thành.

Hướng Vũ Điền lại tiếp lời: "Nếu chúng ta phá không mà đi thì có thể thoát khỏi sự khống chế của vận mệnh không? Hay là Động thiên phúc địa gì đó cũng là một bộ phận của vận mệnh?"

Yến Phi nhăn nhó cười: "Chuyện đó chúng ta tốt nhất đừng suy nghĩ nhiều, nghĩ tiếp thì chỉ tự làm khổ mình thôi. Ta cũng bị huynh nói làm cho hồ đồ rồi."

Hướng Vũ Điền cười hỏi: "Cách nhìn của huynh ý là bảo người ta hãy không lý đến vận mệnh nữa, bởi vì quên nó đi, thì người ta mới có hứng thú để sinh tồn, có ai muốn chịu khổ đâu?"

Yến Phi gật đầu đáp: "Đúng là vậy! Hiện giờ chúng ta có nên rời khỏi đây và tìm chỗ để ngủ một giấc thật đã và quên đi tất cả mộng đẹp không?"

Hướng Vũ Điền đáp: "Chính hợp ý ta. Đi thôi!"

Lưu Dụ thức dậy vào sáng sớm, Lưu Mục Chi đến cầu kiến, Lưu Dụ liền mời lão cùng ăn sáng.

Hai người vừa ăn vừa nói chuyện. Lưu Dụ hỏi: "Đã làm khổ tiên sinh rồi, xem hai mắt tiên sinh đỏ lừ, cũng hiểu được đêm qua tiên sinh không hề ngủ."

Lưu Mục Chi nói: "Cảm ơn đại nhân quan tâm. Đêm qua sau khi thuộc hạ ngủ được một canh giờ thì chợt thức dậy, càng nghĩ đến tình huống hiện nay thì càng cảm thấy tứ bề nguy hiểm. Nhưng may mắn đã nghĩ ra cách hóa giải, không những thế còn là kế nhất tiễn xạ song điêu."

Lưu Dụ vui mừng thốt: "Mời tiên sinh chỉ điểm."

Lưu Mục Chi nói: "Chúng ta lập tức nhanh chóng tiến hành việc thổ đoạn."

Lưu Dụ ngạc nhiên: "Hôm qua chúng ta mới nói đến thổ đoạn, đến giờ ta vẫn không biết được đó là cái gì, chỉ biết nó có ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của thế gia cường hào, và cũng là một lí do mà tại sao bọn họ sợ ta. Trong thời thế hiện nay tiến hành cuộc đại cải cách này, có phải là quá gấp rút không?"

Lưu Mục Chi vuốt râu mỉm cười: "Xin để thuộc hạ giải thích nội dung của thổ đoạn cho đại nhân trước nhé. Từ khi Tấn Thất lập quốc ở Giang Tả thì đã từng thực hiện nhiều lần thổ đoạn, nổi tiếng nhất là thổ đoạn ở thời Hàm Hòa, Hàm Khang**, thổ đoạn của Hoàn Ôn và thổ đoạn của An công. Cái gọi là thổ đoạn có nghĩa là phương pháp thu thuế, và nó cũng có quan hệ mật thiết với biên chế hộ tịch."

Lưu Dụ gật đầu nói: "Ta hiểu rồi, nếu muốn thu thuế một cách công bằng thì nên làm rõ hộ khẩu, có hộ khẩu rõ ràng mới có thể tiến hành thu thuế hiệu quả."

Lưu Mục Chi vui vẻ nói tiếp: "Chính vì như vậy, năm năm đầu thời Hàm Hòa, điền tô dựa vào số đinh trong một hộ mà thu giống như chế độ thời tiền Tấn, mỗi đinh nộp bốn đấu ngũ cốc***. Nhưng chế độ thu tô như vậy rất không công bằng, vì không phân biệt giàu nghèo, đại địa chủ đương nhiên có lợi nhất, nhưng đối với dân nghèo ít hay không có đất thì bất lợi. Cho nên năm thứ năm thời Hàm Hòa, triều đình đã ra lệnh thay đổi không dựa vào số đinh để thu thuế nữa mà dựa vào ruộng đất để thu thuế gạo, ruộng nhiều đóng nhiều, ruộng ít đóng ít. Chế độ này dùng cho đến khi An công lên nắm quyền."

Lưu Dụ không hiểu hỏi: "Hoàn Ôn đã làm cái gì vậy?"

Lưu Mục Chi đáp: "Cải cách của Hoàn Ôn chủ yếu là xem và biên soạn lại hộ tịch. Giai đoạn hơn hai mươi năm từ Hàm Khang thổ đoạn đến Hoàn Ôn thổ đoạn, dân từ phương Bắc liên tục di cư xuống phương Nam. Đặc biệt là lúc Thạch Hổ tàn bạo thống trị phương Bắc thì người di cư xuống Nam càng nhiều, triều đình phải lập ra những "kiều quận" để an trí dân lưu vong. Thêm vào đó nhiều đại tộc cường hào phá sản đào vong, nên những hộ khẩu biên soạn từ trước không sát với thực tế nữa. Cải cách của Hoàn Ôn là kiểm tra và biên soạn lại đăng ký hộ tịch, đem cả dân lưu vong vào hộ tịch, như thế có thể tăng nhiều thuế thu cho triều đình."

Lưu Dụ gật đầu nói: "Ta bắt đầu hiểu rồi, chính sách thổ địa hộ tịch chính là cơ sở để thống trị. Nếu mặt này làm không tốt thì thu nhập của triều đình sẽ có vấn đề. Sau Hoàn Ôn là An công, tại sao vẫn cần đến thổ đoạn nữa? Sự thay đổi của hộ tịch lý ra không lớn lắm."

Lưu Mục Chi đáp: "Bất kỳ cải cách nào đều là nhu cầu cần thiết của thời đại. Hoàn Ôn tiến hành thổ đoạn là sau hai lần Bắc phạt, nhân mạng và tài lực tổn thất nghiêm trọng, nên phải gia tăng thu nhập. Thổ đoạn của An công là vì Phù Kiên thống nhất phương Bắc và có thể xâm chiếm phương Nam bất cứ lúc nào, mà quân lực của Nam phương tập trung tại thượng du của Đại Giang do Hoàn Xung lãnh đạo. Thêm vào đó binh lực tại vùng Kiến Khang non yếu, nên cần phải thành lập thêm một lực lượng quân sự khác. Đó chính là Bắc Phủ binh mà đại nhân hiện đang lãnh đạo."

Lưu Dụ than thở: "Sau khi nghe tiên sinh giải thích thì ta càng hiểu rõ hơn sự nhìn xa trông rộng của An công. Nếu không có ông thì sẽ không có thắng lợi ở Phì Thủy."

Lưu Mục Chi nói: "Thổ đoạn của An công khác với lúc trước là không phải tính theo đinh để đóng thuế, cũng không tính ruộng để đóng thuế gạo, mà là theo số khẩu để thu thuế gạo, mỗi khẩu hai đấu gạo."

Lưu Dụ trở nên mơ hồ, không hiểu hỏi: "Tiên sinh không phải mới nói là chế độ điền thuế thu gạo là cách làm khá công bằng sao An công lại sửa đổi?"

Lưu Mục Chi đáp: "Điều này thể hiện An công là một chính trị gia thực dụng. Mục tiêu chính trị của ông là gia tăng thuế thu được để kiến lập một binh đoàn mới, cho nên nhằm vào đúng thời điểm để thực hiện cải cách."

Lưu Mục Chi nghỉ một chút rồi nói tiếp: "Chế độ điền thuế thu gạo vốn là một phương pháp thu thuế công bằng nhất, nhưng lí tưởng và hiện thực có một cự li rất lớn. Dưới chế độ chuyên chính của môn phiệt, thu thuế gạo theo ruộng không thể thi hành. Vả lại chế độ này thủ tục phức tạp, trốn thuế dễ dàng, còn thu thuế gạo theo khẩu thì thủ tục đơn giản và cũng dễ thực hiện."

Lưu Dụ đã hiểu, giai cấp thống trị là do cao môn đại tộc lũng đoạn, sao họ lại làm những cải cách thu thuế không có lợi cho bọn họ. Đương nhiên khi Hoàn Ôn tại thế, trấn nhiếp Nam phương, ai dám không theo thì họ sẽ bị đem đi tế cờ thị chúng, như thế vô cùng hiệu quả.

Nhưng sau khi Hoàn Ôn mất đi, họ không còn sợ ai nữa, khẩu phục mà tâm không phục, khiến cho chính sách thu thuế hiệu quả chỉ còn có hư danh. Đến lúc Tạ An lên nắm quyền, những thứ tốt đẹp đều biến thành xấu xa, đã tổn thương nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, nên lúc đó thì Tạ An chỉ còn cách là dựa vào tình huống cụ thể mà tìm một cách thu thuế khác hiệu quả hơn.

Đồng thời gã nhận được một nguồn cảm hứng rất lớn, hiểu được tính trọng yếu của thực tế. Chỉ lo lí tưởng mà quên đi thực tế thì sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. Như gã luôn luôn không thích cao môn Kiến Khang túy sinh mộng tử, phương thức sinh hoạt thanh đàm và dùng đan dược, càng bất mãn với sự đàn áp và bóc lột của cao môn đối với hàn môn, nhưng nếu như gã muốn cải cách tình huống này tại tình cảnh bây giờ là hoàn toàn không hợp lí.

Lí tưởng đương nhiên là quan trọng, nhưng cũng cần nghĩ đến những kết quả thực tế, vậy mới là tác phong thực dụng mà gã phải học tập theo An công.

Lưu Mục Chi lại nói: "An công có một quyết định sáng suốt khác là chỉ có những người đang đi lính được miễn thuế, ngoài ra tất cả mọi người ngay cả diện có quyền miễn thuế như vương công đại thần cũng phải nộp thuế, tất cả đều bình đẳng."

Lưu Dụ hỏi: "Tình huống hiện nay thì sao?"

Lưu Mục Chi đáp: "Từ khi An công thoái vị, Tư Mã Đạo Tử lên nắm quyền, tất cả trở về trạng thái cũ, vương công đại thần được hưởng đặc quyền miễn thuế. Thêm vào đó Thiên Sư quân làm loạn khiến nguồn thu từ thuế của triều đình giảm mạnh."

Lưu Dụ lại hỏi: "Vậy chúng ta nên cải cách như thế nào?"

Lưu Mục Chi đáp: "Việc này dục tốc bất đạt, chúng ta chỉ cần chấp hành chính xác chính sách thổ đoạn của An công, tạm thời thế là đủ."

Lưu Dụ băn khoăn: "Ta không hiểu, cái này với khủng hoảng hiện nay có liên quan gì đâu?"

Lưu Mục Chi đáp: "Đại nhân tiếp tục thi hành chính sách của An công, chứng tỏ đại nhân là người kế thừa của An công và Huyền soái, đưa ra quan điểm của mình. Những người trong cao môn ủng hộ An công ngày xưa sẽ chuyển sang ủng hộ đại nhân như là An công vậy. Điều đó càng biểu hiện rõ ràng đại nhân là người có năng lực trị quốc."

Lưu Dụ gật đầu nói: "Ta bắt đầu hiểu dần dần rồi! Đúng! Như vậy còn rõ ràng hơn bất cứ lời nói nào để chứng tỏ ta tán thành chính sách cải cách của An công và Huyền soái."

Lưu Mục Chi tiếp lời: "Mặt khác, đại nhân cũng tỏ rõ cho cao môn của Nam phương biết là ngài không hủy diệt họ, mà ngài là một An công khác, tất cả chỉ vì lợi ích của mọi người." Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Lưu Dụ thắc mắc: "Nhưng sẽ có người phản đối ta đưa lại chính sách của An công, như là những người phản đối An công năm xưavậy."

Lưu Mục Chi mỉm cười: "Thuộc hạ thực sự hy vọng có người đứng ra phản đối đại nhân."

Lưu Dụ ngạc nhiên: "Ta lại không hiểu rồi."

Lưu Mục Chi hỏi: "Đại nhân có nghĩ qua là hiện nay đại nhân và An công năm xưa có gì khác biệt không?"

Lưu Dụ nhăn mày suy nghĩ.

Lưu Mục Chi nói: "Sự khác biệt lớn nhất chính là khi đại nhân tự tay giết chết Hoàn Huyền, binh quyền phương Nam sẽ lọt hết vào tay đại nhân. Ai dám phản đối ngài, đại nhân sẽ hạ thủ không lưu tình, đây là biện pháp duy nhất để vỗ yên phương Nam. Theo lịch sử, khi thi hành bất cứ chính sách nào, tất phải có một thực lực mạnh mẽ để chống lưng. Thuộc hạ không phải là muốn đại nhân làm những chuyện thuận thì sống, chống thì chết. Ai không hợp tác thì có thể cách chức của người đó, chỉ có những người phản đối dám phạm thượng và tạo phản thì mới chấp hành pháp luật. Để chế ngự thời kì không ổn định này, đại nhân tuyệt không thể lùi bước, chỉ có lấy bàn tay sắt mà trị quốc thì mới là hành động sáng suốt."

Lưu Dụ sáng mắt ra nói: "Hiểu rồi!"

Lại cười lớn rồi nói: "Những lời của tiên sinh làm ta học hỏi được rất nhiều. Về vấn đề thổ đoạn thì để tiên sinh đưa ra chủ ý giùm ta, ta sẽ toàn lực ủng hộ tiên sinh, tiên sinh muốn ta làm sao thì ta sẽ làm vậy."

Lưu Mục Chi vui vẻ nhận lệnh.

Lưu Dụ nói: "Cái ta hy vọng nhất hiện nay là mọi người được hưởng những ngày tháng hòa bình ấm no, về phần của ta thì thế nào cũng không quan trọng."

Chú thích

* Trong Địa lý học, một vùng trũng như lòng chảo gọi là bồn địa.

** Hàm Hòa (326-334), Hàm Khang (335-342) tức thời Tấn Thành Đế Tư Mã Diên. Tháng 6 năm 342, Tấn Khang Đế lên ngôi, đổi ra niên hiệu Kiến Nguyên.

*** Điền tô: Thuế ruộng hay tiền thuê ruộng của triều đình. Đinh: Chỉ người lao động trong một hộ. Ví dụ quy định trai tuổi từ 18 đến 60 được được coi là đinh thì một gia đình có hai bố con tầm tuổi đó tính là hai đinh, phải nộp 8 đấu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.