Biên Thành Lãng Tử

Chương 5: Phách Tán Hồn Phi



Phách Tán Hồn Phi

Vệt máu lai láng.

Vầng trăng nhạt sáng !

Ngàn ngựa hí vang, người đoạn tràng !

Giữa vòng trời đất, có âm thanh nào bi đát nhất ! Không phải tiếng vượn hú trên đỉnh non vu, không phải tiếng quỷ khóc ma rên tại vùng mộ địa.

Đó là tiếng ngàn ngựa hí thảm giữa vùng hoang vắng, trong bầu trời đêm lạnh lẽo, âm trầm !

Người ta không hình dung được âm thanh đó, bởi rất ít người có dịp nghe đến.

Cái gì đã xảy ra.

Ngàn vạn ngựa hí vang thê thảm đồng thời là một sự kiện hi hữu ! Mà lại hí thảm giữa đêm trường có trăng nhạt lạnh, có gió vi vu.

Ai nghe âm thanh đó mà chẳng mọc ốc, sửng lòng ? Hồn không bay, phách chẳng mất !

Nơi phía tây, có mấy dãy tàu ngựa, ngựa tại tàu thuộc loại quý, ngàn tuyển trăm, trăm lọc chục, chục chọn một. Mỗi con trị giá tiền thành.

Rồi bây giờ, loại ngựa đó vẫn đổ máu, máu từ trong tàu chảy ra, mùi tanh của máu xông nồng nặc.

Ai ai cũng nôn mửa, riêng Vạn Mã Đường chủ không nôn mửa.

Đứng cạnh giòng máu ngựa từ trong tàu chảy ra, y lặng người hồn chơi vơi, phách lạc tận phương trời xa !

Công Tôn Đoạn ôm thân cây trước tàu ngựa, ôm cứng như sợ cây bay đi, người của hắn run mạnh, cây run theo, lá vàng trên tàng cây đổ xuống, lá vàng đáp trên máu hồng !

Diệp Khai đến nơi, nhìn qua cảnh tượng, không cần hỏi, cũng biết việc gì đã xảy ra.

Mà chẳng đợi gì chàng mới hiểu được sự tình. Ai có con mắt, trông qua cục trường, cũng hiểu được như chàng.

Có con mắt, trông sự tình tất hiểu.

Có con tim, trông sự tình tất phải xúc động bồi hồi. Và không ai muốn nhìn lâu thảm trạng đó !

Không nở nhìn lâu, sao lại có người nhẫn tâm chặt lìa đầu ngựa ? Chặt đầu ngựa. Xem ra còn tàn ác hơn chặt đầu người ! Bởi ngựa không có kẻ thù, thì động cơ nào thúc đẩy phải xuống tay !

Diệp Khai thở dài, quay đầu lại, thấy Mộ Dung Minh Châu đứng ngoài xa, đang nôn mửa.

Phi Thiên Tri Thù biến sắc mặt như chết, mồ hôi lạnh đổ ướt đầu, ướt mặt.

Phó Hồng Tuyết đứng trong bóng tối, cách xa xa, tay vẫn đặt nơi chuôi đao, vỏ đao rung, chớp chớp.

Công Tôn Đoạn bất thình lình buông thân cây, vọt mình lối trước mặt Phó Hồng Tuyết, hét:

- Tuốt đao của các hạ ra khỏi vỏ !

Phó Hồng Tuyết điềm nhiên:

- Hiện tại đâu phải lúc tuốt đao ?

Công Tôn Đoạn cao giọng:

- Hiện tại đúng là lúc bạt đao ! Tại hạ muốn xem thanh đao có vấy máu hay không !

Phó Hồng Tuyết lắc đầu:

- Đao này không phải để cho thiên hạ xem !

Công Tôn Đoạn hừ một tiếng:

- Phải như thế nào các hạ mới chịu rút nó ra khỏi vỏ ?

Phó Hồng Tuyết lạnh lùng:

- Chỉ có một lý do khiến tại hạ bạt đao mà thôi !

Công Tôn Đoạn trầm giọng:

- Lý do gì ? Sát nhân ?

Phó Hồng Tuyết đáp:

- Cần phải xem con người bị giết là ai, nếu không đúng là người tạ hạ muốn giết, thì chẳng bao giờ tại hạ rút đao. Bình sanh tại hạ chỉ giết ba hạng người, nếu cần giết !

Công Tôn Đoạn quát:

- Ba hạng nào !

Phó Hồng Tuyết đáp luôn:

- Cừu nhân, tiểu nhân, và ...

Công Tôn Đoạn lại quát: - Và hạng thứ ba là hạng nào ?

Phó Hồng Tuyết lạnh lùng nhìn hắn. Đoạn, lạnh lùng tiếp: - Và hạng người như các hạ, cứ bức bách tại hạ phải bạt đao ! Công Tôn Đoạn ngửa mặt lên không, bật cười ròn. Cười cuồng dại một lúc, hắn

thốt:

- Hay ! Hay ghê ! Chính tại hạ đang chờ các hạ nói ra câu đó ! ...

Hắn vốn đặt tay nơi chuôi bạc thanh loan đao. Đang cười, hắn nắm chặt chuôi đao rồi.

Phó Hồng Tuyết sáng mắt lên tợ hồ y mong ước từ lâu cái cử động đó của đối tượng.

Đột nhiên, từ xa xa, tiếng ca vang vọng đến: Trời mênh mang !

Đất thênh thang !

Đất ngập máu, mảnh trăng mờ.

Đêm trăng mờ, gió lộng giết người.

Vạn ngựa hí thảm, người đoạn trường ! Công Tôn Đoạn biến sắc mặt, bỗng nhiên đưa cao tay, vừa vẫy vừa gọi:

- Theo gấp !

Hắn vừa bay mình đi, từ trong bóng tối, mấy mươi bó đuốc vụt cháy sáng. Đuốc cháy rẽ bốn bề, tám phía, bao quanh một khoảng rộng.

Vân Tại Thiên chớp đôi cánh tay, sử dụng ngay bộ pháp Bát Bộ Sấm Thiên Tung Vân, chỉ qua vài cái nhảy, gã đã cách xa cục trường trên hai mươi trượng !

Diệp Khai thở dài lẩm nhẩm:

- Quả không hổ với cái hiệu Vân Trung Phi Hạc ! Thuật khinh công cao diệu không tưởng nỗi !

Chàng mường tượng tự thốt với mình mà cũng mường tượng thốt với Phó Hồng Tuyết !

Song, khi chàng quay đầu lại, thì phát hiện ra Phó Hồng Tuyết đã mất dạng, chẳng rõ y ly khai từ lúc nào.

Máu bắt đầu hoảnh lại, dần dần biến sang màu đen. Máu không còn lưu động

Ánh lửa xa dần, xa dần.

Còn lại một mình Diệp Khai tại dãy tàu ngựa.

Vạn Mã Đường chủ, Hoa Mãn Thiên, Mộ Dung Minh Châu, ..., những người đó biến mất trong đêm tối.

Nụ cười từ từ nở nơi khoé miệng, Diệp Khai lẩm nhẩm:

- Thú vị thật ! Thú quá chừng ! Không người nào chẳng gây cái thú cao độ nơi

nữa.

ta !

Sao trời bắt đầu thưa dần, trên đồng cỏ, ánh lửa lập lòe, như đèn ngư thuyền giữa biển di động, chập chờn.

Ngọn thiên đăng trước Vạn Mã Đường vẫn còn cháy sáng.

Diệp Khai chấp tay sau lưng, từ từ bước đi, hướng về ngọn thiên đăng, vượt qua cột cờ, đi luôn ra cánh đồng hoang, ung dung, nhàn tản.

Bỗng tiếng vó ngựa cùng tiếng lục lạc vang lên, rồi một con ngựa từ trong màn đêm xuất hiện trước mặt chàng cách xa xa.

Ngựa phi nhanh, thoáng mắt đã đến gần.

Ngựa, là yên chi mã, kỵ sĩ là nữ lang mà chàng đã gặp một lần vào buổi sáng hôm qua.

Thuật kỵ mã của nàng tuyệt diệu. Ngựa đến nơi, nữ lang hét một tiếng, ngựa dừng hai vó trước, nhấc bỗng hai vó sau, đồng thời gian nữ lang đứng lên, khi ngựa trụ bộ vững vàng, nàng ngồi xuống, vững vàng.

Nhận ra người cũ rồi, Diệp Khai mỉm cười, hỏi:

- Bà cô ơi ! Bà cô còn sống đấy à ! Thật khó mà gặp lại bà như thế nào ! Hân hạnh cho tại hạ quá chừng !

Mã Phương Linh trừng mắt nhìn chàng, cười lạnh, hỏi:

- Ngươi chưa chết sao ? Hay đã chết thành quỷ hiện về, trêu cợt ta ?

Rồi nàng gắt:

- Thiên hạ đã đi hết rồi, sao ngươi chưa đi theo họ ?

Diệp Khai vẫn cười.

- Chưa thấy lại phương dung của Mã tiểu thơ, tại hạ lòng nào đành bỏ mà đi ?

Mã Phương Linh mắng:

- Đồ lẽo mép ! Ta đập chết cho xem ! Ăn nói lưu manh quá !

Ngọn roi dài vút lên, rồi hoành vòng tròn xuống, quét ngang hông Diệp Khai. Diệp Khai mỉm cười đáp:

- Lưu manh thường thường khó chết lắm tiểu thư ơi ! Có đánh cũng vô ích thôi !

Với thân pháp cực kỳ linh diệu, chàng lách mình, khi ngọn roi quét qua chỗ chàng đứng, thì chàng đã bay lên lưng ngựa, ngồi sát phía sau Mã Phương Linh.

Mã Phương Linh vừa mắng vừa thúc cánh chỏ, nhưng cánh chỏ chưa chạm Diệp Khai, cánh tay nàng bị chàng nắm cứng.

Rồi chàng thốt:

- Đêm sâu trăng mờ tại hạ lạc đường, nhờ cô nương đưa về chỗ cũ. Có được không ?

Mã Phương Linh nghiến răng, căm hận.

- Đưa ngươi về cõi chết thì có !

Còn cánh chỏ kia, nàng thúc ngược luôn.

Như lần trước, cánh tay nàng cũng bị nắm cứng. Hai cánh tay bị nắm cứng, toàn thân cũng cứng luôn, nàng hoàn toàn bị chế ngự.

Rồi hợi thở nhẹ phều phào nơi gáy của nàng, hơi thở vòng qua gáy mơn man đôi má ửng hồng của nàng.

Lần đầu tiên nàng ngửi cái hơi hướm của nam nhân. Lần đầu tiên, nàng nghe rợn người lạ, một thứ rợn gáy khoái trá.

Càng khoái trá hơn, nàng nghe nhột nhột ở cổ, ở má, hơi thở của Diệp Khai làm mấy sợi tóc của nàng phất phơ, phất phơ, phơi lên làn da mịn.

Bình sanh nàng mới có cái cảm giác lạ này !

Trong khi đó con yên chi mã cứ bước đều, từ từ tiến tới.

Lửa phía trước, cách xa xa, vẫn chao chao, di động gió thu lạnh thỉnh thoảng lướt qua, vi vu bên tai.

Nhưng Mã Phương Linh không nghe lạnh.

Nàng cắn môi rồi rít lên:

- Buông tay ra không tên lưu manh ?

Diệp Khai đáp:

- Lưu manh không buông.

Mã Phương Linh mắng, đòi la lên. Diệp Khai không ngán, trái lại còn thách thức.

Lạ thay, Mã Phương Linh vẫn mắng, nhưng giọng mắng dịu dàng quá, êm ái quá.

Một lối mắng yêu ! Tại sao nàng dùng cái lối mắng yêu ?

Diệp Khai thốt:

- Cô nương không kêu la đâu, tại hạ biết mà. Dù cô nương có kêu la cũng chẳng ma nào nghe lọt.

Mã Phương Linh gắt:

- Ngươi tưởng làm gì ta ?

Diệp Khai cười nhẹ:

- Tại hạ không tưởng làm gì cả ! Chàng tiếp:

- Cô nương xem kìa, trăng treo mờ lạnh, đêm hoang giữa đồng cỏ bao la, gió thu vờn, cỏ uốn mình đợi sóng, tại hạ là một lãng tử lê gót khắp bốn phương trời, rất ít có dịp kề cận mỹ nhân trong khung cảnh nên thơ như thế này ! Tại hạ còn tưởng làm gì hơn là hưởng thụ !

Mã Phương Linh toan mắng, nhưng lại dằn lòng, vì dằn lòng nên tim đập rộn hơn nhịp thường !

Diệp Khai tặt lưỡi:

- Tim cô nương đập đó !

Mã Phương Linh gắt:

- Tim không đập thì sống sao được ?

Diệp Khai điềm nhiên:

- Nhưng nó đập mạnh quá, cô nương !

Mã Phương Linh quát:

- Ta ...

Diệp Khai chận lời:

- Thực ra thì cô nương khỏi phải nói, bởi tại hạ đã biết ý trí của con tim cô nương ! Tại hạ biết tại sao nó đập gấp, nó muốn nói gì.

Mã Phương Linh hừ một tiếng:

- Ạ ?

Diệp Khai tiếp:

- Tại hạ biết, cô nương rất ưa thích tại hạ, dù mỗi lần gặp nhau là mỗi lần mắng đậm. Cô nương càng mắng đậm, là chứng tỏ không ghét bỏ gì tại hạ.

Dừng lại một chút, chàng tiếp:

- Giờ đây cô nương dừng ngựa ! Dừng ngựa cho tại hạ lên lưng ngựa, tại hạ lên lưng ngựa rồi, cô nương lại không kềm nó, cứ để cho nó bước đi !

Mã Phương Linh trầm giọng:

- Chứ ngươi bảo ta phải làm sao ?

Diệp Khai đáp:

- Cô nương nạt một tiếng, con ngựa té hất nhào tại hạ !

Mã Phương Linh mỉm cười:

- Đa tạ người đề tỉnh ta.

Nàng nạt một tiếng lớn.

Con ngựa chồm hai vó trước, đứng thẳng hai chân sau.

Diệp Khai, tuột theo lưng ngựa, rơi xuống đất, nằm ngửa.

Mã Phương Linh cũng rơi theo, rớt ngay lòng chàng.

Rồi con ngựa hạ vó trước xuống, phóng chạy liền.

Diệp Khai thở dài, lẩm nhẩm:

- Tại hạ quên đề tỉnh cô nương một điều, là tại hạ rơi xuống, cô nương cũng rơi theo. Đáng tiếc ! Đáng tiếc !

Mã Phương Linh căm hận:

- Ngươi đúng là một gã lưu manh, một tên cùng lưu hèn mạt ! Một tên đại vô

lại ...

Diệp Khai điềm nhiên:

- Nhưng là một tên vô lại đáng yêu, phải không cô nương !

Mã Phương Linh hừ một tiếng:

- Ngươi còn là một tên mặt dày, mày dạng, một tên trơ trẽn vô duyên !

Bỗng nàng bật cười sằng sặc. Mặt nàng ửng hồng lên.

Khung cảnh trời thu, cái lạnh không ngăn chận xuân tình bốc mạnh.

Xuân tình bốc, cùng với tràng cười. Cười như thế là hết giận. Nằm trong lòng một nam nhân, thiếu nữ không giận, cái đó có nghĩa như thế nào ?

Nàng nhận thấy, Diệp Khai không còn đáng ghét nữa.

Nàng nhẹ buông tiếng thở dài, rồi thốt:

- Mẫu người như ngươi, ta chưa từng thấy !

Diệp Khai đáp:

- Bởi rất ít người thuộc mẫu của tại hạ.

Mã Phương Linh hỏi:

- Với các nữ nhân khác ngươi có đối xử như với ta vậy không ?

Diệp Khai mỉm cười:

- Nếu với mỗi nữ nhân, tại hạ đều đối xử như vậy, thì cái đầu của tại hạ hẳn đã bị đánh niễng qua một bên từ lâu rồi. Dù không chết cũng mang tật niễng đầu suốt đời.

Mã Phương Linh cắn mạnh môi, hừ một tiếng hỏi:

- Ngươi cho rằng ta không thể đánh ngươi niễng đầu ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Chắc chắn là không !

Mã Phương Linh lại hừ một tiếng:

- Thì ngươi hãy buông ta đi ! Xem ta có thể đánh ngươi hay không ! Diệp Khai buông tay.

Lập tức, nàng xoay người, đưa tay cao lên, trong cái dáng tát mạnh. Nhưng bàn tay đưa lên xem nặng lắm, lúc hạ xuống, lại nhẹ nhàng. Một tiếng chách vang khẽ, tợ hồ nàng đập con muỗi đang đậu nơi má chàng. Diệp Khai mở to mắt, nhìn nàng. Trong bóng đêm, mắt nàng lóe sáng hơn hai vì

sao !

Nàng từ từ cúi đầu, thấp giọng thốt:

- Ta ... ta tên là .. Mã Phương Linh !

Diệp Khai thản nhiên:

- Tại hạ biết rồi !

Mã Phương Linh trố mắt:

- Ngươi biết ?

Diệp Khai gật đầu:

- Tiêu đại thúc có nói với tại hạ.

Mã Phương Linh thoáng đỏ mặt, cười một tiếng, tiếp:

- Còn ngươi, ta biết tên ngươi là Diệp Khai.

Diệp Khai gật đầu:

- Tại hạ biết, thế nào cô nương cũng tra cứu tên tại hạ !

Mã Phương Linh cúi đầu thấp hơn một chút.

Qua một lúc lâu, nàng lại đứng lên, nhìn mảnh trăng chếch sâu về Tây, nhẹ giọng nói:

- Ta ... ta phải trở về !

Diệp Khai bất động bất ngôn. Nàng muốn về, cứ về, muốn ở, cứ ở. Chàng không ngăn cản, không đuổi xô.

Mã Phương Linh quay mình định bước đi, song chưa bước. Rồi nàng hỏi:

- Ngươi chuẩn bị lúc nào ra đi ?

Diệp Khai còn nằm ngửa tại chỗ, lâu lắm mới đáp:

- Tại hạ không đi ! Tại hạ chờ cô nương.

Mã Phương Linh cau mày:

- Chờ ta ?

Diệp Khai tiếp:

- Vô luận tại hạ ở bao lâu, Tiêu đại thúc của cô nương cũng không đuổi xô tại hạ.

Mã Phương Linh quay đầu nhìn chàng, điểm một nụ cười rồi tung mình bước đi như con én liệng.

Diệp Khai vẫn còn nằm tại chỗ, chờ thái dương lên.

Đêm dần dần tàn, rồi thái dương lên, lúc đó chàng mới đứng dậy, nhắm hướng ngọn cờ mà đi.

Cổ chàng khô như cháy, vừa đi chàng vừa hé miệng hớp sương gió lạnh cho dịu sức nóng nơi mình.

Chàng về đến cổng.

Nơi cổng có hai người mường tượng chờ chàng về.

Trong hai người đó chàng nhận ra Vân Tại Thiên liền, còn người kia, chàng chưa kịp nhìn đến, là quay mình chạy vào Vạn Mã Đường.

Diệp Khai điểm một nụ cười, vẫy tay chào.

- Sớm ghê !

Vân Tại Thiên trầm gương mặt, nhạt giọng đáp:

- Sớm lắm !

Diệp Khai lại hỏi:

- Tam Lão Bản ! Còn ngủ chứ ?

Vân Tại Thiên lắc đầu:

- Đang ở tại khách sảnh chờ các hạ. Mọi người đều có mặt tại đó.

Vào khách sảnh, Diệp Khai đảo mắt nhìn quanh, thấy ai ai cũng khoác bộ mặt trầm trầm.

Trước mặt họ có thức điểm tâm, song chưa ai cầm đến đũa, muổng.

Lạc Lạc Sơn ngoẻo đầu xuống mép bàn, chừng như còn say.

Diệp Khai cười nhẹ, vẫy tay chào tập thể:

- Các vị thức sớm quá.

Không ai đáp. Nhưng ai ai cũng nhìn chàng, ánh mắt vừa lạnh, vừa kỳ quái !

Phó Hồng Tuyết vẫn như lúc nào, cúi đầu, nhìn bàn tay đặt nơi chuôi đao.

Tại bàn có chiếc ghế bỏ trống, trước ghế, có sẵn chén đũa muổng.

Diệp Khai ngồi xuống ghế đó.

Chàng múc cháo, thản nhiên ăn, ăn một chén, bốc vỏ một hột gà, ăn xong một quả trứng, lại múc cháo.

Chàng ăn một hơi ba chén cháo, ba quả trứng.

Khi chàng buông đũa, uổng, Vạn Mã Đường chủ từ từ thốt:

- Bây giờ thì không còn sớm nữa đó !

Diệp Khai gật đầu:

- Hết sớm rồi.

Vạn Mã Đường chủ bắt đầu hỏi cung:

- Đêm qua, sau canh tư, ai ai cũng có mặt tại phòng. Còn các hạ ?

Diệp Khai đáp:

- Tại hạ không có mặt tại phòng !

Vạn Mã Đường chủ hỏi:

- Các hạ ở đâu ?

Diệp Khai mỉm cười:

- Tại hạ không ngủ được, nên rời phòng đi hoang, không ngờ đi mãi đến trời sáng !

Vạn Mã Đường chủ hỏi:

- Có ai chứng minh cho không ?

Diệp Khai cười nhẹ:

- Tại sao lại phải có người chứng minh ?

Vạn Mã Đường chủ quắc đôi măt sắc như đao, gằn từng tiếng:

- Tại vì có người muốn đòi lại mười ba sanh mạng !

Diệp Khai cau mày:

- Mười ba sanh mạng ?

Vạn Mã Đường chủ chầm chậm gật đầu:

- Mười ba nhát đao, mười ba mạng người ! Đao cực sắc !

Diệp Khai hỏi:

- Chẳng lẽ, sau canh tư, có mười ba người chết vì đao ?

Vạn Mã Đường chủ căm hờn:

- Phải ! Mười ba người chết do một người giết ! Mười ba chiếc đầu, lìa khỏi xác !

Diệp Khai thở dài:

- Chó ngựa, vô cớ ! Người cũng vô cớ ! Kẻ nào đó hạ thủ cay độc thật !

Vạn Mã Đường chủ nhìn vào mặt chàng hỏi:

- Chẳng lẽ các hạ không hay biết việc đó ?

Diệp Khai đáp gọn:

- Không hề hay biết !

Vạn Mã Đường chủ đột nhiên vươn tay.

Diệp Khai trông thấy một thanh đao nơi tay y. Đao chớp sáng, sắc bén vô cùng.

Nhìn lưỡi đao, Vạn Mã Đường chủ hỏi:

- Các hạ thấy thanh đao này như thế nào ?

Diệp Khai đáp:

- Rất tốt !

Vạn Mã Đường chủ cười gằn:

- Nếu đao không tốt thì mười ba chiếc đầu làm gì rơi rụng ?

Chợt, y quắc mắt nhìn Diệp Khai, cao giọng hỏi:

- Thanh đao này, chẳng lẽ các hạ chưa hề thấy ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Chưa hề !

Vạn Mã Đường chủ hỏi:

- Các hạ có biết thanh đao này nằm tại đâu chăng ?

Diệp Khai lại lắc đầu:

- Không biết.

Vạn Mã Đường chủ buông mạnh:

- Dưới đất, ngay chỗ giết người !

Diệp Khai trố mắt:

- Dưới đất ?

Vạn Mã Đường chủ đáp:

- Hung thủ giết người xong, chôn đao dưới đất, rất tiếc hắn vội vàng không lấp kín hố, nên dễ bị phát hiện !

Diệp Khai cau mày:

- Thanh đao quý như vậy, sao lại đem chôn ?

Vạn Mã Đường chủ cười lạnh:

- Có lẽ vì hung thủ là người không bao giờ mang đao !

Diệp Khai hơi sửng sờ.

Bỗng, chàng phá lên cười, rồi lắc lắc chiếc đầu, rồi hỏi:

- Hay là đường chủ cho rằng thanh đao đó là vật của tại hạ ?

Vạn Mã Đường chủ lạnh lùng:

- Nếu các hạ là bổn đường chủ, các hạ sẽ nghĩ làm sao ?

Diệp Khai thốt:

- Nhưng tại hạ không phải là đường chủ !

Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Đêm qua, sau canh tư, Lạc Lạc tiên sinh, Mộ Dung công tử, Phó công tử, và vị nhân huynh Phi Thiên, ai ai cũng trở về phòng. Việc đó có bằng chứng cụ thể !

Diệp Khai thốt:

- Sở dĩ thế, vụ án giết người, không phải là do họ gây nên !

Vạn Mã Đường chủ chớp mắt sáng ngời, cao giọng tiếp:

- Còn các hạ ? Đêm qua, sau canh tư, các hạ ở đâu ? Có ai chứng minh sự hiện diện của các hạ ?

Diệp Khai thở ra:

- Nào có ai đâu !

Vạn Mã Đường chủ không hỏi tiếp nữa, sát khí bắt đầu bừng hiện lại nơi gương

mặt.

Có tiếng chân người vang lên, nặng nề.

Hoa Mãn Thiên và Vân Tại Thiên bước đến sau lưng Diệp Khai.

Vân Tại Thiên lạnh lùng cất tiếng:

- Xin mời Diệp huynh !

Diệp Khai hỏi:

- Mời làm cái chi ?

Vân Tại Thiên buông gọn:

- Mời đi ra !

Diệp Khai thở dài, lẩm nhẩm:

- Ngồi lại đây, sung sướng quá, lại không cho ngồi, mời ra ngoài làm chi chứ !

Chàng chậm chậm đứng lên.

Vân Tại Thiên rút chiếc ghế của chàng, dẹp qua một bên.

Vạn Mã Đường chủ bỗng thốt:

- Thanh đao này là vật của các hạ, các hạ hãy cầm lấy ! Hãy tiếp nhận !

Y vung tay, thanh đao bay đi xoắn vòng tròn, thành nhiều khu ốc, vút đến trước mặt Diệp Khai.

Diệp Khai không đưa tay đón bắt.

Thanh đao quét ngang, trúng tay áo chàng, một tiếng soạt vang lên, tay áo tét, tiếp theo một tiếng bốp, đao cắm xuống mặt bàn, sáu bảy tấc.

Diệp Khai lại thở dài, lẩm nhẩm:

- Quả thật là một thanh đao tốt ! Rất tiếc không phải vật của tại hạ !

Sau cùng, Diệp Khai cũng phải rời khỏi đại sảnh.

Hoa Mãn Thiên, Vân Tại Thiên, như hai cái bóng, bám dính phía sau.

Ai ai cũng nghĩ, ra đi lần này, Diệp Khai không còn trở vào nữa !

Và trên đường đời, họ sẽ chẳng còn gặp lại chàng ở bất cứ nơi đâu, trừ trong mộng !

Ra khỏi khách sảnh là chàng làm một cuộc vĩnh du !

Ai ai cũng luyến tiếc chàng, bi thương cho chàng, song không ai đứng lên, nói một lời gì, hoặc cầu tình nơi đường chủ, hoặc tiễn biệc chàng khi vĩnh quyết.

Cả Phó Hồng Tuyết cũng im lặng.

Thần sắc của y cực kỳ lãnh đạm, gần như y có vẻ khinh miệt, biếm nhẻ. Y khinh miệt, biếm nhẻ, lãnh đạm ai ? Vạn Mã Đường hay Diệp Khai ? Có lẽ cả hai !

Vạn Mã Đường chủ đảo mắt quanh một vòng, rồi trầm giọng hỏi: - Có vị nào có điều chi cần nói về sự việc này chăng ? Phó Hồng Tuyết chợt cất tiếng:

- Chỉ có mỗi một câu này !

Vạn Mã Đường chủ thốt: - Xin cho nghe !

Phó Hồng Tuyết hỏi: - Nếu như Đường chủ giết lầm người ?

Vạn Mã Đường chủ lạnh lùng đáp: - Giết lầm ! Thì còn giết nữa ! Giết mãi, chứ sao ! Phó Hồng Tuyết từ từ gật đầu, buông gọn: - Tại hạ hiểu rồi !

Vạn Mã Đường chủ lại hỏi: - Các hạ còn muốn nói chi nữa chăng ?

Phó Hồng Tuyết lắc đầu:

- Hết rồi !

Vạn Mã Đường chủ từ từ cầm đũa, thốt: - Xin mời ! Cháo sắp nguội rồi đó !

Dương quang sáng lạn, chiếu rực lá cờ.

Đi dưới dương quang, Diệp Khai ngửa mặt lên, hớp không khí trong lành, cười nhẹ, thốt:

- Hôm nay trời tốt quá !

Vân Tại Thiên lạnh lùng:

- Phải ! Một ngày tốt trời !

Diệp Khai tiếp:

- Trong một ngày tốt trời như thế, chỉ sợ chẳng có ai tưởng đến cái chết !

Vân Tại Thiên tặt lưỡi:

- Rất tiếc vô luận ngày tốt trời hay xấu trời, mỗi ngày đều có người chết !

Diệp Khai thở ra:

- Phải ! Đích xác rất tiếc !

Hoa Mãn Thiên bỗng chen lời: - Đêm qua, sau canh tư, các hạ thực sự ở tại đâu ? Diệp Khai điềm nhiên: - Ở tại một nơi không có bóng người !

Hoa Mãn Thiên thở dài:

- Đáng tiếc ! Đáng tiếc ! Đích xác đáng tiếc ! Diệp Khai chớp mắt:

- Cái gì đáng tiếc ?

Hoa Mãn Thiên đáp:

- Các hạ còn nhỏ tuổi, mà phải chết như thế này, chẳng đáng tiếc lắm sao ?

Diệp Khai mỉm cười:

- Ai nói tại hạ muốn chết ? Tại hạ không hề tưởng chết một điểm nhỏ kia mà !

Hoa Mãn Thiên trầm gương mặt:

- Chính tại hạ cũng không tưởng các hạ chết. Nhưng rất tiếc có một cái gì không đáp ứng thì sao !

Diệp Khai hỏi:

- Cái chi ?

Hoa Mãn Thiên hạ tay xuống, vỗ vỗ vào chiếc bao da rộng bằng bàn tay, đeo nơi hông.

Một tiếng soảng trong trẻo vang lên.

Hắn rút ra một thanh nhuyển kiếm. Hắn vung tay, một tiếng rẹt vang theo, thanh nhuyển kiếm vươn dài thẳng cứng.

Diệp Khai buột miệng, tán:

- Báu kiếm !

Hoa Mãn Thiên hỏi:

- So với thanh đao này, như thế nào ?

Diệp Khai đáp:

- Cần phải xem bàn tay cầm đao, mới nhận xét đúng !

Hoa Mãn Thiên hỏi:

- Nếu ở tay các hạ ?

Diệp Khai mỉm cười:

- Bàn tay tại hạ chưa từng cầm đao, thì làm gì biết sử dụng đao ?

Hoa Mãn Thiên trầm giọng:

- Không biết sử dụng ?

Diệp Khai cười nhẹ:

- Tại hạ giết người, chỉ thích dùng hai tay không. Bởi lẽ, tại hạ thích nghe tiếng xương sọ người vỡ vụn dưới sức ép của hai bàn tay !

Hoa Mãn Thiên biến sắc, hỏi:

- Các hạ có khi nào nghe tiếng mũi kiếm đâm vào thịt người chưa ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Chưa !

Hoa Mãn Thiên lạnh lùng:

- Thanh âm đó, nghe rất êm tai !

Diệp Khai cười hỏi:

- Lúc nào thì các hạ cho tại hạ nghe thử một lần ?

Hoa Mãn Thiên đáp:

- Trong phút giây, các hạ sẽ có dịp nghe ! Không lâu lắm đâu !

Hắn chong ngọn kiếm lên, thép kiếm chớp dưới dương quang, mũi kiếm xoáy vòng tròn theo đà xoay tay của hắn.

Lúc đó, hắn tiến lên, vượt qua Diệp Khai, đứng trước mặt chàng.

Vân Tại Thiên lập tức vòng ra phía hậu của Diệp Khai.

Cả hai có cái dáng chận trước chận sau.

Bỗng, một giọng hài nhi đâu đó vang lên:

- Dì ba ơi ! Lại đây mà xem ! Họ muốn giết người tại đây này ! Chúng ta ra đấy xem đi !

Một âm thanh ấm dịu đáp lại:

- Giết người thì vui gì đó mà xem !

Thiếu nhi cãi lại:

- Vui lắm chứ, dì ba ! Ít nhất cũng đáng xem hơn một cuộc giết heo !

Hoa Mãn Thiên cau đôi mày, xuôi tay kiếm xuống.

Diệp Khai động tính hiếu kỳ, quay đầu lại, thấy một phụ nhân vận áo trắng, và một thiếu nhi mặc y phục đỏ, từ nhà hậu bước ra.

Phụ nhân có mớ tóc đen huyền, mặt tròn, dung nhan không đẹp lắm, song phong cách rất khả ái. Ai trông thấy bà tất phải sanh lòng kính mến ngay.

Thiếu nhi áo đỏ gióc tóc bính ngăn dựng đứng trên đỉnh đầu, tác vóc ốm nhỏ, đôi mắt sáng long lanh, tỏ rõ cái tánh hoạt bát, lanh lợi.

Diệp Khai điểm một nụ cười.

Một nụ cười khả ái, thân thiết, dễ thu phục cảm tình.

Thiếu nhi trông thấy chàng, bỗng giật mình, rồi nhảy dựng lên cười reo:

- Tôi nhận ra người này ! Dì ba ơi !

Phụ nhân cau mày, gắt:

- Đừng nói nhảm ! Hãy đi vào ! Nhanh lên !

Bà nắm tay đứa bé, định lôi đi, nhưng nó vùng khỏi tay bà, chạy đến trước mặt Diệp Khai, khuấy khuấy ngón tay trước mặt, cười thốt:

- Lêu lêu ! Xấu ! Xấu ơi là xấu ! Ôm chị của người ta bảo buông không buông ! Xấu ghê ! Xấu ghê !

Hoa Mãn Thiên trầm gương mặt, hét khẽ:

- Tiểu Hổ Tử ! Nói nhảm cái chi, hả ?

Thiếu nhi trợn tròn đôi mắt, đáp:

- Tôi có nói nhảm đâu ! Tôi nói đúng sự thật mà. Rõ ràng là trong đêm qua, tôi thấy y và thơ thơ tôi ôm nhau một đống kia mà ! Thơ thơ tôi bảo buông tay, y không chịu buông !

Hoa Mãn Thiên giật mình:

- Đêm qua ? Lúc nào ?

Thiếu nhi đáp:

- Lúc trời gần sáng.

Hoa Mãn Thiên biến sắc !

Vân Tại Thiên cao giọng hỏi:

- Ngươi chính mắt trông thấy ? Đừng có nói nhảm đó nhé !

Thiếu niên hừ một tiếng:

- Nhảm sao được chứ ! Tôi thấy rõ mà !

Vân Tại Thiên trầm giọng:

- Làm sao ngươi thấy được ?

Thiếu nhi giải thích:

- Như thế này nhé ! Đêm qua, nghe tiếng kiễng đổ, thơ thơ tôi chuẩn bị đi một vòng, xem cho biết việc gì đã xảy ra, tôi đòi đi theo, thơ thơ không cho, tôi lén ôm bụng ngựa.

Vân Tại Thiên hỏi dồn:

- Rồi sao nữa ?

Thiếu nhi tiếp:

- Thơ thơ thôi không hay biết gì cả. Ngựa chạy đi một lúc, tôi thấy người này vơ vẩn một mình. Rồi sau đó, hai người mới ...

Nó nói chưa hết chuyện, bị phụ nhân lôi đi.

Nó còn gân cổ thốt to:

- Tôi nói đúng sự thật đấy ! Chính mắt tôi trông thấy mà ! Tại sao không cho tôi

nói ?

Hoa Mãn Thiên và Vân Tại Thiên thừ người nhìn nhau, cả hai cùng biến sắc mặt như màu đất.

Chẳng ai nói được tiếng nào !

Diệp Khai biểu hiện thần sắc kỳ quái, chẳng rõ chàng đang nghĩ gì.

Bỗng, một người đang trầm giọng gọi:

- Các hạ theo tại hạ !

Người gọi, chính là Vạn Mã Đường chủ. Có lẽ y đã ra đó từ lâu, và nghe hết những gì thiếu nhi tường thuật.

Và tiếng gọi của y, hướng về Diệp Khai.

Xa xa, ngoài cánh đồng, bản ca du mục nỗi lên:

Trời thanh thanh,

Cỏ xanh xa,

Gió đưa ngọn cỏ, cỏ rạp xuống, bò dê phô bày !

Không có dê bò, chỉ có ngựa, ngựa đàn, ngự lũ, chạy tới chạy lui, tạo nên cái sống giữa cảnh hoang lương như tử địa.

Vạn Mã Đường chủ ngồi trên lưng ngựa, thẳng mình, luôn luôn vút roi, giục ngựa phi nhanh.

Cũng may, ngựa của Diệp Khai thuộc loại tuấn mã, nên chàng không bị bỏ rơi sau

xa.

Họ nhắm dãy núi trước mặt, chạy đi, không lâu lắm, đến chân dãy núi đó.

Vạn Mã Đường chủ xuống ngựa, Diệp Khai xuống theo, cả hai đi chân lên đến một cái gò, ở tại lưng chừng triền.

Nơi gò này, có một khu phần mộ.

Mộ phần chỉ có vỏn vẹ một nấm rất to. Trước mộ có cái tấm bia, chính giữa có hàng chữ lớn: Liệt sĩ Thần Đao Đường chi mộ !

Hai bên có hai hàng chữ nhỏ hơn, một hàng là: Bạch Thiên Vũ phu thê chi mộ, hàng kế là: Bạch Thiên Dũng phu thê chi mộ ! Dưới ba hàng chữ xuôi xuống, có một hàng chữ ngang: hiệp táng tại đây !

Vạn Mã Đường chủ quỳ trước mộ, lâu lắm, y mới đứng lên, quay mình lại.

Những nếp nhăn trên mặt y, chừng như sâu hơn trước đó mấy phút.

Diệp Khai đứng cách xa xa, im lặng.

Nắng sớm chưa sưởi ấm không khí quanh vùng, chàng cảm thấy lành lạnh.

Thực ra, tâm hồn lạnh, chứ không phải thể xác lạnh.

Vạn Mã Đường chủ nhìn chàng, một lúc lâu, hỏi:

- Các hạ thấy chứ ?

Diệp Khai gật đầu:

- Một mộ phần !

Vạn Mã Đường chủ hỏi:

- Biết ai chứ ?

Diệp Khai lại gật:

- Bạch Thiên Vũ, Bạch Thiên Dũng ...

Vạn Mã Đường chủ hỏi tiếp:

- Quen không ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Toàn là những tên lạ !

Vạn Mã Đường chủ u buồn tiếp:

- Họ là những huynh trưởng của tại hạ, thân tình hơn cốt nhục !

Diệp Khai gật đầu, bây giờ mới biết tại sao y có cái hiệu Tam Lão Bản.

Vạn Mã Đường chủ lại hỏi:

- Các hạ có hiểu tại sao tại hạ chôn chung họ một chỗ chăng ?

Diệp Khai lắc đầu.

Vạn Mã Đường chủ nghiến răng, nắm chặt hai tay, tiếp:

- Khi tại hạ tìm được xác họ, thì những chiếc xác đều bị lang sói gặm nhẳn thịt, còn trơ lại bốn đống xương tàn. Bất cứ ai cũng không nhận ra được bộ xương nào của người nào !

Diệp Khai rùng mình, nắm cứng hai tay. Lòng bàn tay ướt mồ hôi lạnh.

Vạn Mã Đường chủ ngẩng mặt, nhìn phương trời xa thẳm, ánh mắt mơ màng ...

Một lúc sau, y hỏi:

- Các hạ hiện tại thấy được cái gì ?

Diệp Khai đáp:

- Đồng cỏ bao la, đất rộng mênh mang !

Vạn Mã Đường chủ chỉ tay về một hướng:

- Có thấy địa phương đó chăng ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Xa quá, không thấy rõ !

Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Khung trời không biên giới đó là của tại hạ đấy !

Niềm xúc động bốc lên, y cao giọng tiếp:

- Sanh mạng người, vật, cỏ cây, nhà cửa gồm trong khung trời đó, là tài sản của tại hạ. Tất cả thuộc quyền sử dụng của tại hạ ! Sanh trưởng tại đó, lập căn cứ tại đó !

Diệp Khai nghe, chỉ có nghe chứ nói tiếng gì thích hợp ?

Chàng không hiểu đối tượng. Không hiểu những gì ẩn chứa trong mấy câu tâm sự

đó.

Một lúc lâu, Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Vô luận là ai, muốn bảo vệ một cơ nghiệp như thế, tất không phải dễ dàng !

Diệp Khai thở dài:

- Đích xác là khó khăn lắm !

Vạn Mã Đường chủ nói:

- Các hạ có biết, làm sao tại hạ tạo dựng nỗi một cơ đồ như thế chăng ?

Diệp Khai lắc đầu:

- Chịu chơi !

Vạn Mã Đường chủ vụt cởi khuy áo bày bộ ngực với vô số vết đao, kiếm không đếm nổi.

Diệp Khai chưa từng thấy một bộ ngực mang nhiều vết sẹo như vậy !

Vạn Mã Đường chủ cao giọng tiếp:

- Bao nhiêu vết sẹo này, là cuộc đánh đổi với cơ nghiệp đó ! Cái giá rất đắc, song món hàng đánh đổi kể cũng đáng giá lắm chứ ! Ngoài ra, còn tâm trí, máu, mồ hôi, ngần ấy thứ góp công, tạo thành. Không kể vô số huynh đệ của tại hạ hiến sanh mạng cho cái kết quả của ngày nay !

Diệp Khai thở dài:

- Tại hạ hiểu !

Vạn Mã Đường chủ gằn từng tiếng:

- Cho nên vô luận là ai, đừng hòng cướp tài sản đó nơi tay tại hạ. Vô luận là ai, cũng không hy vọng mãn nguyện !

Diệp Khai gật đầu:

- Tại hạ hiểu !

Vạn Mã Đường chủ thở gấp, tâm tư kinh động mạnh, y có phần nào buông lời trầm tịnh.

Dù sao, thì y cũng cao tuổi rồi, khí lực đâu còn đầy đủ như hàng thanh thiếu ?

Có phải đó là điều bi ai nhất của các bậc anh hùng trở về già chăng ?

Khi lấy lại điều hòa khí huyết, y quay người lại, vỗ tay lên vai Diệp Khai, cất giọng ôn tồn thốt:

- Tại hạ biết, các hạ là một thiếu niên có chí khí cao, thà chết chứ không để hoen ố danh dự kẻ khác. Con người như các hạ, trần gian phỏng có mấy tay ?

Diệp Khai điềm nhiên:

- Tại hạ hành sự chỉ do tự tác, việc có nên làm hay không, có chi đâu đường chủ quá khen !

Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Các hạ làm như vậy rất đúng ! Tại hạ tưởng là phải kết giao bằng hữu với các hạ ! Thậm chí, tại hạ cũng có thể nhận các hạ là con rễ ...

Bỗng y trầm gương mặt, ánh mắt chớp sáng như thép đeo, y nhìn sửng Diệp Khai, gằn từng tiếng:

- Nhưng, tốt hơn, các hạ nên ly khai nơi này gấp !

Diệp Khai cau mày:

- Đi gấp ?

Vạn Mã Đường chủ gật đầu:

- Phải ! Đi ! Đi gấp. Càng đi gấp càng tốt !

Diệp Khai trố mắt:

- Tại sao ?

Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Tại vì nơi đây có nhiều phiền phức, vô luận là ai, ở đây rồi cũng ngửi phải mùi máu tanh !

Diệp Khai cười nhạt:

- Tại hạ không sợ phiền phức, không ngại ngửi máu tanh !

Vạn Mã Đường chủ cao giọng:

- Nhưng nơi đây, đáng lẽ các hạ không nên đến. Lỡ đến rồi, thì phải đi gấp !

Diệp Khai hỏi:

- Đi đâu ?

Vạn Mã Đường chủ tiếp:

- Về chốn quê hương ! Chính nơi đó mới là địa phương an thân lập mạng của các

hạ.

Diệp Khai từ từ quay mình, đối diện với đồng cỏ bao la, mơ màng hỏi:

- Đường chủ biết quê hương tại hạ ở đâu chăng ?

Vạn Mã Đường chủ lắc đầu:

- Vô luận gia hương của các hạ xa cách bao nhiêu, các hạ cũng phải trở về. Vô luận các hạ cần lộ phí bao nhiêu, tại hạ sẵn sàng cung cấp đủ !

Diệp Khai mỉm cười:

- Bất tất ! Gia hương của tại hạ không xa lắm !

Vạn Mã Đường chủ hỏi gấp:

- Không xa ? Thế ở đâu ?

Diệp Khai nhìn vầng mây bạc lơ lửng ở lưng trời, buông rõ ràng từng tiếng:

- Gia hương của tại hạ ở đó !

Đoạn, chàng quay mình, nhìn Vạn Mã Đường chủ.

Thần sắc biến đổi kỳ quái, chàng tiếp luôn:

- Tại hạ sanh ra nơi đó, lớn lên tại đó, các hạ còn bảo tại hạ nên đi về đâu nữa !

Lồng ngực của Vạn Mã Đường chủ phập phồng, phập phồng thấy rõ.

Y nắm chặt hai tay, cổ họng sôi trào, song chẳng một lời nào thoát ra.

Diệp Khai điềm nhiên tiếp:

- Tại hạ đã nói rồi, tại hạ chỉ làm những việc gì do tự giác bảo là nên làm. Bình sanh không hề ngại phiền phức, không hề sợ máu tanh !

Vạn Mã Đường chủ gằn giọng:

- Sở dĩ thế, các hạ định lưu lại đây ?

Diệp Khai chỉ có một tiếng để đáp lại;

- Phải !

Thêm, cũng là thừa, mà thiếu, cũng không được, bởi chỉ có mỗi một tiếng duy nhất.

Gió thu rít qua bạch dương, lá xạc xào, cây lay động.

Một vầng mây đen bay qua, che khuất thái dương, không gian u ám.

Vạn Mã Đường chủ nghe nặng ngực, như có bàn tay vô hình đè ép tại đó, y muốn nôn mửa cho bớy cái ứ động bên trong !

Y nghe cổ chua, lưỡi đắng.

Và Diệp Khai đã đi rồi !

Chàng đi, y hay biết, song không ngăn trở ! Thậm chí, y không quay đầu nhìn theo chàng !

Không ngăn trở, còn nhìn làm chi ?

Nếu là năm năm về trước, nhất định y không để cho thiếu niên đi như vậy.

Nếu là năm năm về trước, hẳn y chôn mạng sống của thiếu niên tại đây.

Từ bao giờ, không một ai cự tuyệt điều gì mà y đòi hỏi ! Bất cứ việc gì !

Lời nói của y chẳng một người nào dám phản kháng !

Nhưng bây giờ ! Đã có một người !

Và bây giờ, y vẫn có cơ hội đánh một quyền ! Quyền đó có thể làm tan nát thân xác con người dám vi kháng sự yêu cầu của y.

Y muốn người đó ly khai, người đó cương quyết ở lại !

Thế tại sao, có cơ hội, mà y không trừng trị kẻ vi kháng sự yêu cầu của y ?

Y thở dài !

Có cơ hội, song y không lợi dụng !

Bởi y cảm thấy mình già rồi ! Khí lực kém suy, chắc gì một quyền đủ làm cho y đắc ý !

Kết quả ngược lại thì sao !

Con người, trước hết phải hết mình !

Nếu là năm năm về trước !

Không ! Nếu là ba năm ! Chỉ ba năm thôi !

Mới có ba năm, y cảm thấy mình suy nhược trầm trọng. Cái suy nhược tai hại, bắt buộc y phải do dự, đắn đo, dè dặt thái quá, mất dần tự tin.

Con người mất tự tin, là cầm như khiếp trước đối phương rồi !

Còn bao nhiêu cái ba năm nữa.

Khí lực xuống dốc, vĩnh viễn đừng mong nó trở lại cái đỉnh hùng mãnh của thời thanh xuân !

Hiện tại, y nghe mệt mỏi vô cùng. Quá xúc động kích thích vừa rồi, y cảm thấy thể xác rả rời, biết rằng trời sắp đổ mưa to, y không buồn trở về, duỗi mình nằm trước phần mộ.

Không lâu lắm, y nghe tiếng chân người.

Người đó bước những bước thật dài, thật nặng, tiếng chân vang thình thịch, lớn dần, lớn dần ...

Y nhận ra, là Công Tôn Đoạn !

Con người mà y tín nhiệm nhất ! Chỉ có con người đó mới biết tại sao mười tám năm qua, y chưa làm một cái gì gọi là báo phục mối thù của Thần Đao Môn !

Chỉ có con người đó mới thấu đáo bí mật của sự tình mười tám năm trước, mười tám năm sau !

Không lâu lắm, Công Tôn Đoạn lên đến nơi.

Vừa dừng chân, y hỏi liền:

- Người đâu ?

Vạn Mã Đường chủ buông gọn:

- Đi rồi !

Công Tôn Đoạn trầm giọng: - Đường chủ buông tha dễ dàng như vậy à ?

Vạn Mã Đường chủ thở dài:

- Có lẽ ngươi trách đúng ! Nhưng ... ta già rồi ! Già là sợ việc !

Công Tôn Đoạn hừ một tiếng:

- Sợ việc ?

Vạn Mã Đường chủ cười khổ:

- Cái ý tứ của sự sợ việc, là không muốn gây thêm việc, gây thêm những việc mà ta cho rằng không cần thiết ! Ta không muốn chuốc lấy lụy phiền vô ích !

Công Tôn Đoạn hỏi:

- Đường chủ cho rằng không phải hắn ?

Vạn Mã Đường chủ đáp:

- Vô luận làm sao, sự việc trong đêm không do hắn gây ra, có người chứng minh điều đó cho hắn !

Công Tôn Đoạn cau mày:

- Thế tại sao hắn không nói ra ?

Vạn Mã Đường chủ chớp mắt:

- Có thể hắn còn trẻ ! Ngươi biết, khí phái của bọn thiếu niên chứ ! Hắn còn quá trẻ mà ! ...

Nói đến hai tiếng thanh xuân, lão nghe cổ họng chua, lưỡi đắng.

Công Tôn Đoạn cúi đầu, nhìn tấm bia đá, đôi tay từ từ nắm lại, thần sắc biến đổi kỳ quái.

Y phẩn uất ? Bi thương ? Khiếp hãi ?

Hay hận cừu ?

Lâu lắm y mới hỏi:

- Đường chủ có dám xác định là Bạch lão đại có một đứa con trai ?

Vạn Mã Đường chủ đáp:

- Có !

Công Tôn Đoạn trầm giọng:

- Tại sao đường chủ biết được là lần này, con trai của Bạch lão đại đến đây phục

cừu ?

Vạn Mã Đường chủ nhắm đôi mắt lại, buông từng tiếng:

- Loại cừu hận đó quyết không thể không báo phục !

Công Tôn Đoạn bóp mạnh tay hơn, giọng nặng hơn:

- Nhưng việc làm của chúng ta cực kỳ bí mật, trừ kẻ chết ra, còn ai biết được !

Vạn Mã Đường chủ thở dài:

- Vô luận việc bí mật nào, sớm muộn rồi cũng bị phát giác. Nếu không muốn người ta biết, thì đừng làm gì cả là hơn. Cái câu đó, ngươi không thể không tin !

Công Tôn Đoạn nhìn mấy hàng chữ trên mộ bia, niềm sợ hãi ngời rõ nơi ánh mắt.

Y nghiến răng, rồi thốt:

- Cái đứa con côi của Bạch lão đại, nếu còn sống đến ngày nay, thì niên kỷ suýt soát với Diệp Khai !

Vạn Mã Đường chủ thở dài lượt nữa:

- Phó Hồng Tuyết cũng ở trong lứa tuổi đó !

Công Tôn Đoạn chợt quay mình, cúi đầu nhìn lão còn nằm tại chỗ, hỏi:

- Đường chủ nghi ngờ ai nhiều nhất ?

Vạn Mã Đường chủ trầm ngâm một lúc:

- Cứ theo tình hình hiện tại, thì Phó Hồng Tuyết đáng bị nghi ngờ hơn !

Công Tôn Đoạn hỏi:

- Tại sao ?

Vạn Mã Đường chủ giải thích:

- Thiếu niên đó có vẻ lạnh lùng trầm tịnh, đức tánh nhẫn nại lại quá cao. Thực ra, hắn là con người dễ bị khích động nhất.

Công Tôn Đoạn cười lạnh:

- Nhưng hắn thà chịu chui qua lỗ chó, chứ không dám giết một người.

Vạn Mã Đường chủ lắc đầu:

- Bởi vì người đó không đáng cho hắn giết ! Người đó không phải là kẻ hắn muốn giết, hắn định giết !

Công Tôn Đoạn biến sắc mặt.

Vạn Mã Đường chủ tiếp luôn:

- Một con người trời sanh với tánh cương liệt, khích động, đột nhiên biến thành uyển chuyển, câu toàn, hẳn phải có nguyên nhân ! Chỉ có một nguyên nhân !

Công Tôn Đoạn hỏi:

- Nguyên nhân như thế nào ?

Vạn Mã Đường chủ buông mạnh:

- Cừu hận ?

Công Tôn Đoạn run người:

- Cừu hận ?

Vạn Mã Đường chủ gật đầu:

- Nếu hắn quả có một mối hận cừu không thể không báo, thì hắn phải cố gắng khắc chế con tim, hắn phải ủy khúc cầu sanh, hắn nhận mọi cái nhục, cái nhơ để thanh toán huyết hải thâm cừu !

Lão mở mắt ra, ánh mắt ẩn ước niềm sợ hãi. Rồi lão trầm giọng tiếp:

- Hẳn ngươi có nghe câu chuyện cũ, Việt Câu Tiễn phục thù ? Người ta còn dám nuốt phân, huống chi hắn chỉ chui lỗ chó mà thôi ! Phải nhẫn chịu, mới có thể báo thù ! Bạo táo như ngươi, mong gì mãn nguyện ?

Công Tôn Đoạn bóp tay mãi, suýt gãy mấy ngón.

Y hỏi:

- Nếu thế, sao đường chủ không để thuộc hạ giết hắn ?

Vạn Mã Đường chủ mơ màng nhìn ra xa thẳm.

Từng phút từng phút trôi qua, lão chưa nói gì.

Công Tôn Đoạn cao giọng:

- Hiện tại chúng ta có mười ba mạng hy sinh rồi ! Chẳng lẽ đường chủ còn sợ giết lầm ?

Vạn Mã Đường chủ buông nhẹ:


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.