Bố Già (The Godfather)

Chương 26



Johnny Fontane đứng ban-công ngó ra phía sau lữ quán: cả một vùng thiên đường giả tạo, mấy cây gồi đồ sộ cũng mang từ đâu tới trồng, những đèn pha màu cam chiếu lấp loáng, hai cái hồ tắm vĩ đại ánh sao Las Vegas chiếu xuống long lanh một màu xanh đậm. Cả một đô thị đènnéon giữa một vùng sa mạc, nổi bật lên mấy ngọn núi đá. Chẳng hấp dẫn chút nào... Johnny vén tấm ri-đô xám thêu hoa sặc sỡ bước trở vô phòng.

Lúc bấy giờ cả một ê-kíp đặc biệt của sòng bạc được cử lên trải bàn để ông khách quý đánh riêng trong phòng đang bận rộn tíu tít. Một gã xếp bàn, một thằng làm bài, một thằng phòng hờ và một em gái hầu bàn hở hang. Thượng khách Nino Valenti đang nằm dài trên đi-văn phòng khách, ly huýt-ky sô-đa tổ bổ vẫn nằm trên tay. Cả ê-kíp bốn mạng lập một bàn già-dách riêng đợi ông Nino dậy là xáp vô đánh. Có một ông khách nhưng cũng đủ 6 chiếc ghế bành da thật êm vây quanh chiếc bàn hình móng ngựa "nghề nghiệp".

Giọng thằng Nino lè nhè nhưng chưa có vẻ gì say lắm. Hắn quơ tay lên: "Ê, Johnny... mày tới đây về phe tao đánh bỏ mẹ mấy thằng làm sòng này! Tao hên quá xá mà? Tụi mình chơi một phát cho chúng biết mặt..."

Johnny ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện đi-văn. Nó phản đối ngay: "Mày biết tao có cờ bạc bao giờ đâu? Mày hồi này sức khoẻ thế nào?" Nino cứ cười hề hề:

- Vậy hả, vậy lát nữa có gái. Tao có còm-măng trước rồi mà? Nửa đêm là có gái, sau đó ăn nhậu, sau đó lại kéo già-dách nữa. Mày nhớ là tao đớp của sòng này không dưới 50 ngàn đô-la, mới có một tuần lễ thôi đó!

- Đồng ý rồi. Hay lắm! Nhưng mày cứ điệu đó thì chết để ai ăn?

- Coi, mày vậy đó mà cũng mang tiếng mã thượng giang hồ hả? Mày là thằng chết nhát, không bằng thằng du khách hạng bét tới Las Vegas!

- Cũng không sao! Mày có bước ra bàn già-dách nổi không? Nếu không thì để tao đỡ?

Nino làm mặt bảnh, cố gượng ngồi dậy cho ngay ngắn, hai chân chống lên sàn đàng hoàng. Nó buông tay cho cái ly rớt rồi đứng phắt dậy, hùng hổ bước tới bàn. Thằng làm bài vào vị trí sẵn sàng, xếp bàn đứng phía sau ngó trong khi thằng phòng hờ ngồi tuốt ở một cái ghế đằng kia. Em hầu bàn hở hang cũng ngồi đó nhưng ngồi đúng tư thế để ông Nino đưa tay lên ra hiệu là thấy ngay. Nino dằn mấy ngón tay trên bàn cho kêu lách cách. "Cho mấyphỉnh coi?"

Gã xếp bàn mau mắn chạy lại, thò tay vào túi móc cuốn sổ tay đặt trước mặt Nino, có cây viết máy sẵn sàng. Hắn cung kính: "Thưa có ngay. Khởi sự 5 ngàn đô cái đã." Nino cầm cây viết quẹt bậy một phát vô sổ là hắn rút về bỏ túi, đưa mắt ra hiệu cho thằng làm bài.

Mấy ngón tay chuyên nghiệp, dẻo quẹo của nó nhón lẹ làng trong cả dãyphỉnh xếp từng chồng cao, loạiphỉnh một trăm đô-la hai màu vàng đen. Cỡ 5 giây sau là trước mặt Nino đã có sẵn 5 chồngphỉnh đều đặn, mỗi chồng đúng 10 miếng.

Trên mặt bàn xanh lá cây thẫm kê 6 cái ô màu trắng lớn hơn cây bài chút đỉnh cho 6 nhà con. Nhưng đêm nay một mình Nino chơi 3 cửa, mỗi cửa khởi sự đặt 1 phỉnh. Nhà cái rút bài trước và lật ngửa một cây lên conlục... nghĩa là cái bù chắc! Đến lượt Nino thì nó khỏi cần rút bài cả 3 cửa. Ăn chắc thì rút làm chi? Nó quơ 3 đồngphỉnh nhà cái vừa chung, quay ra cười hề hề với Johnny: "Coi tao chơi ngon không? Cú đầu hãy vô bây nhiêu đã!"

Johnny mỉm cười. Cỡ thằng Nino Valenti chơi mà còn phải ký sổ như lúc nãy là yếu. Thông thường chỉ nói một tiếng là đủ nhưng có lẽ chủ sòng sợ ông khách quý Nino say rượu quên tuốt luốt nên mới bắt ký một phát cho chắc ăn. Tụi nó đâu biết thằngnhà quê này? Sức mấy nó quên? Nino có quên bao giờ!

Ván thứ hai, ván thứ ba Nino vẫn quơ tiền đều. Nó nhìn em bé hầu bàn, giơ một ngón tay lên. Lập tức con nhỏ chạy lạibar rượu pha một ly huýt-ky tổ bố mang ra. Nino tay đón ly rượu, chuyển qua tay kia để ôm cứng eo con nhỏ: "Cưng ngồi với anh. Chơi vài cây lấy hên thử coi?"

Johnny liếc nhìn. Con nhỏ người ngợm rất hay, mặt mũi rất đẹp nhưng rõ ràng thứ gái cho mướn, chẳng phải thứ đặc biệt, dành riêng cho mấy ông khách đặc biệt chút nào. Nó cười tình với đàn anh Nino bằng miệng nhưng cái lưỡi chỉ sẵn sàng thè dài ra... liếm một đồng trong số mấy chồngphỉnh 100 đô kia. Đồng ý là nghề nghiệp của nó chỉ có bấy nhiêu song Johnny thực sự tiếc cho thằng bạnnhà quê, chi tiền nhiều mà không đáng đồng tiền chút nào!

Sau khi để cho em bé thay tay vài cây, Nino dúi cho em mộtphỉnh và cho luôn một phát vỗ đít để em đi chỗ khác chơi.

Johnny ngoắc tay kêu rượu để em bé có dịp biểu diễn một vở kịch mỹ miều, uốn éo. Được anh Johnny Fontane chiếu cố dĩ nhiên em phải trổ tài ưỡn ẹo, bao nhiêu duyên dáng phải cho ra bằng hết. Mắt em phải ngời sáng lên làm bộ thơ mộng, e ấp. Dáng đi phải đung đưa, lúc lắc khoe đùi khoe ngực và cặp môi xinh xinh của em phải chúm chím, hứa hẹn một cái cắn đích đáng ở đúng chỗ mà em mê nhất. Johnny còn lạ gì những mục quyến rũ máy móc này? Em cố tình lả lơi, em sẵn sàng mời mọc nên trông em chẳng giống một cái gì... ngoài một chị cái rượng đực! Lại đến em hầu bàn này... lại đến em giở trò mồi chài cổ điển, cũ kỹ để chào mời ân ái. Cái trò này phải những lúc say mèm thì anh mới mắc nhưng bữa bay anh Johnny đâu có say? Johnny ngước mắt nhìn, lẳng lơ cười với em một phát: "Cảm ơn cưng nhé." Chỉ vừa vặn một lời cám ơn mà môi em chúm chím, mắt em đong đưa, người ngợm em lại nhún nhảy. Coi kìa, thịt da em tự nhiên căng thẳng, làm như em vừa được thổi phồng lên và xiêm y thế kia thì dám rách tét đến nơi! Dĩ nhiên tất cả chỉ là điệu bộ, một sự hứng tình có điều khiển hẳn hoi, phản ứng tất nhiên phải có sau khi được anh Johnny Fontane "Cám ơn cưng nhé". Phải nhìn nhận là con nhỏ này làm hay kinh khủng, hay tuyệt vời. Không ngờ đấy. Nhưng với anh Johnny thì em có cừ đến mấy cũng vẫn là kịch, vẫn là đóng trò giả trá. Với anh Johnny thì sự giả trá càng cừ bao nhiêu càng chứng tỏ em là đệ nhất cao thủ trong nghề bấy nhiêu. Johnny dám đánh cá đấy!

Johnny ngó em ưỡn ẹo quay về chỗ cũ. Ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu nhỏ sướng hơn, thực sự chẳng muốn thấy em tái diễn một màn kịch nữa. Còn đâu là hứng đêm nay?

Cỡ một giờ sau thằng Nino trở chứng. Nó gục lên bàn rồi gượng ngồi dậy, lảo đảo. Ngồi lắc lư một hồi là nó xô ghế, cắm đầu té cái độp xuống sàn nhà. Nhưng nó không té cắm đầu nổi vì thằng xếp bàn và đàn em phòng hờ đã hờm sẵn. Ngay từ lúc thấy ông Nino lảo đảo chúng đã phòng bị để vừa té là đưa tay đỡ rồi. Mỗi thằng khiêng một đầu, vén ri-đô lên đưa ông Nino Valenti qua buồng ngủ, đặt nằm ngay ngắn trên giường.

Johnny đứng ngó em hầu bàn phụ giúp hai đồng nghiệp cởi quần áo ông Nino, nhét nó tuốt dưới đống chăn. Xong đâu đấy, xếp bàn tới đếm những đồngphỉnh của Nino, hý hoáy ghi vô sổ rồi sắp xếp lại cho gọn ghẽ. Lúc bấy giờ nó mới lên tiếng: "Ông bạn tôi cứ thế này... bao lâu rồi?" Xếp bàn cho hay:

- Ấy, hôm nay là sớm đấy. Mọi hôm thì còn khuya... Lần đầu tiên tụi tôi còn kêu bác-sĩ lên phòng săn sóc và in hình ông bác-sĩ có "giảng bài" một hồi. Sau đó Nino dặn tụi tôi chớ có gọi y-sĩ mất công. Chỉ thảy lên giường rồi sáng mai sẽ đâu vô đó hết. Nino dặn sao tụi tôi làm y lời. Có cái lạ là say sưa vậy đó mà chơi đêm nào cũng ăn bài mà... ăn lớn là khác. Như đêm nay có vậy mà cũng đớp của sòng cỡ 3 ngàn đô-la chớ đâu có ít? Không hiểu sao Nino lại hên kỳ cục vậy?

- Vậy hả? Vậy thì mấy người xuống kêu ngay y-sĩ lên đây. Kêu lên gấp và kêu bằng được nghe? Cứ việc réo tên Jules Segal ầm lên nghe...

Cỡ 15 phút sau Jules Segal lò mò lên phòng và cứ bề ngoài mà đánh giá thì chẳng có vẻ y-sĩ quái gì hết. Chân đi giày da mềm không dây không vớ, quần xà lỏn trắng bó sát và áo pô-lô đan xanh nước biển dán sát vào người. Đã vậy lại xách tòn ten cái túi da chuyên môn của thầy thuốc, đen xì và có dấu chữ thập đỏ nền trắng đàng hoàng.

Trong cung cách ăn mặc của thằng cha bác-sĩ này Johnny thấy ghét quá nên câu đầu tiên chào hỏi là: "Coi, mày xách cái túi đồ nghề này coi không được chút nào hết. Mày phải có cái túigolf... mà phải cắt miệng đi mới đẹp!"

Tưởng sao, bác-sĩ Jules Segal cười hề hề: "Đúng thế, cái thứ túi bác-sĩ này đen xì xì... bà con vừa thấy đã chết khiếp đi rồi. Phải đổi cái màu đen hãm tài này mới làm ăn được!"

Jules xách túi đi tới giường Nino. Nó vừa mở túi vừa nói với Johnny: "Cám ơn bạn có lòng gởi cho tấm xéc bữa trước. Có quái gì đâu mà bạn chi dữ vậy? Quá lố!" Johnny phải gạt đi: "Có bấy nhiêu đó là quá đủ rồi, cần gì phải làm hơn? Mà bỏ cái chuyện cũ mèm ấy đi. Bây giờ tình trạng Nino thế nào?"

Bệnh tình Nino thì Jules đang nghe ngóng. Nghe tim, bắt mạch, đo áp-suất... Nó lấy ra một ống thuốc có gắn kim sẵn, phóng bập vô bả vai Nino và bóp thuốc. Rõ ràng khuôn mặt thằng Nino đang nằm ngủ trắng nhợt nhạt như sáp bỗng nhiên hồng hào trở lại, từ cặp má trở đi. Làm như máu nó vừa bị thúc cho chạy nhanh hơn nhiều vậy. Jules cho biết ngay, giọng chắc nịch:

- Định bệnh thằng Nino này thì dễ ợt. Bữa nó ngất đi lần đầu tiên tao đã lên coi và đã làm mấy cáitest rồi. Giữa lúc nó còn lịm đi tao đã cho chở nó vô nhà thương rồi đấy chớ? Nó mắc bệnh ********* đường, cũng thường thôi... chịu khó thuốc thang, kiêng cữ là chẳng sợ gì hết. Phiền ở chỗ nó coi bịnh như pha và nhất định nhậu chết bỏ. Còn gì là gan, còn gì là óc! Ngay bây giờ nó đang bị một cú kích-ngất do chứng *********-đường mà ra đấy. Theo tao cách hay hơn hết là tống nó vô một y-viện đặc biệt... Nghe Jules nói vậy Johnny mừng lắm. Vậy là bịnh Nino không có gì đáng ngại... chỉ có kiêng cữ, giữ gìn một chút. Nhưng nó vẫn phải hỏi lại:

- Mày nói y-viện đặc biệt nào? Cho nó vô trung tâm chừa rượu hả?

Jules chưa trả lời vội. Nó tớibar tự pha cho mình một ly rượu... rồi mới thủng thỉnh bước tới:

- Đâu phải? Phải tống nó vô dưỡng-trí-viện... tức nhà thương điên kìa!

- Mày nói gì kỳ vậy? Bộ giỡn chơi hả?

- Tao đâu dám giỡn chơi? Tâm trí chẳng phải là nghề của tao thật nhưng tao bắt buộc phải hiểu phần nào để đối phó với những em bé thân chủ đặc biệt của tao. Về bệnh chứng thì thằng Nino có thể chữa dứt không khó, nếu lá gan của nó không tồi tệ quá. Đó là điều chẳng ai dám biết trừ phi làm giải phẫu giảo nghiệm. Nhưng căn bệnh thực, bệnh nặng của nó nằm ở đầu kìa. Vì nó có thèm nghĩ gì đến sự sống đâu, nó còn muốn chết là khác! Chưa dứt được cái nạn đó thì Nino kể như vô vọng. Do đó tao mới đề nghị tống nó vô một nhà thương điên!

Có tiếng gõ cửa. Johnny chạy ra mở, em bé Lucy Mancini nhào vô và ôm cứng lấy nó hôn âu yếm: "Anh... gặp anh ở đây tuyệt quá, Johnny."

Johnny ấp úng: "Lâu quá mình không gặp nhau nhỉ" rồi đứng sững sờ ngó. Coi, hồi này Lucy hách quá, hách không ngờ! Trông em thon nhỏ hơn nhiều, ăn mặc chững chạc văn minh và quần áo thì toàn thứ chiến,deluxe không! Ngay mái tóc cũng vô cùng hấp dẫn: phải cắt ngắn như thế này, để cái kiểu con trai như thế này mới là ngon! Coi Lucy trẻ hẳn và đẹp hơn nhiều, Johnny dã nghĩ ngay đến việc cặp-kè tay đôi với em du ngoạn Las Vegas cũng hay đáo để. Nhưng hay thì hay cũng chẳng thể làm gì được: em giờ là người của thằng cha Jules Segal thì còn mong gì! Tối đa cũng chỉ dám giễu một câu:

- Coi, giờ này mà em còn mò lên phòng thằng Nino làm chi? Lucy đấm vào vai nó thùm thụp:

- Bậy nào! Em nghe nói anh Nino đau và Jules lên đây coi bịnh cho ảnh nên em mới lên coi có giúp đỡ được cái gì không chớ bộ? Thế nào bịnh tình Nino sao?

- Yên chí... Nó không đến nỗi nào đâu!

Đang ngồi bật ngửa trên đi-văn, Jules hét ầm lên:

- ĐM... Ở đấy mà không đến nỗi nào! Tao đề nghị bây giờ tụi mình ngồi đây đợi... cho đến lúc nó tỉnh lại rồi mỗi người một tiếng thử nói vô coi nó có chịu vô bịnh viện điều trị không. Nếu nó mến em thì Lucy phải khuyên bảo nó thử. Còn Johnny, nếu mày là bạn nó thực tình thì mày cũng phải làm vậy, mày nhất định phải ép nó. Bằng không thì tao nói thực đó, gan thằng Nino sắp tiêu tùng đến nơi, sợ ngâm thuốc làm triển lãm Cơ-thể-học được!

Johnny bực cái giọng cầu cao của thằng cha này quá! Bộ nó tưởng nó thầy thuốc là ngon nhất chắc? Johnny đã định lên tiếng thì từ phía giường nó, giọng thằng Nino cất lên: "Ê, tụi bay. Cho tao ly huýt-ky coi?"

Nino đã nhỏm dậy từ hồi nào và đang ngồi sừng sững, ngồi thật thẳng giữa giường. Nhìn thấy Lucy nó cười hà hà: "Lucy đây hả? Lại đây với anh Nino... đi búp-bê!" Nó vừa nói vừa giang tay ra nhưng Lucy chỉ ngồi ghé một bên giường ôm hôn một phát thân thiện. Coi trông Nino bây giờ mạnh khoẻ hồng hào hẳn chớ đâu có vẻ bịnh tật yếu ớt chút nào?

Nó búng tay tách một phát gọi Johnny:

- Ê mày, cho tao một ly chớ? Đêm còn dài quá xá mà? Ủa, bàn già-dách của tao tụi nó liệng đâu rồi?

Jules uống một hơi rượu thật dài, đi tới phía Nino:

- Mày không uống được đâu nghe? Lệnh bác-sĩ đó!

Nino đóng kịch nửa tỉnh nửa say:

- Bác sĩ cái con củ... tao đây này! Ủa, mày đấy hả Jules? À, mày thì là bác-sĩ của tao thiệt... tao đâu dám nói mày? Còn Johnny sao mày không cho tao ly rượu? Để tao phải đứng dậy đi lấy chắc?

Johnny nhún vai đi tớibar nhưng Jules nói trống không:

- Tao biểu nó không uống rượu được nghe?

Thằng Jules dễ ghét chính vì lối nói này. Johnny để ý bao giờ và nói bất cứ vụ gì nó cũng cứ giở cái giọng lành lạnh, ngang ngang thế nào ấy. Lời nói của nó cấm, nhưng giọng Jules chẳng có vẻ cấm chút nào. Cái giọng không lên không xuống, không liên quan, bất cần... Chính cái giọng đó càng khiến Johnny bưng rượu lại mau cho Nino! Mà trước khi đưa còn quay lại móc lò: "Uống có bấy nhiêu chết thế quái nào được, phải không?"

"Đâu có chết được"... Nghe Jules thản nhiên nói, Lucy bỗng lo ngại. Nó định lên tiếng nhưng thôi, chẳng nói nữa, nó lặng im ngó anh Nino ực một hơi huýt-ky khoan khoái.

Johnny và Nino hai đứa nhìn nhau, ra điều cho thằng Jules này một vố. Nhưng bỗng nhiên Nino làm như nghẹt thở ngang, mặt nó tím bầm. Coi, không thở được nữa thật... nghĩa là thiếu không khí rõ. Thân hình Nino uốn cong như cầu vồng, mặt nó đỏ sọng những máu và mắt muốn lồi hẳn ra. Johnny và Lucy cuống quýt chạy lại đứng một bên giường, bên kia Jules ngó chăm băm.

Thế rồi Jules nắm cứng cổ Nino không cho cục cựa để phóng kim đẩy ngay một ống thuốc vào bắp thịt chả vai, chỗ gần cần cổ. Người Nino mềm nhũn ra, không vặn mình nghẹt thở nữa và một lát sau nằm phục xuống, nhắm mắt đánh một giấc khò khò.

Ba đứa đi trở ra ngoài phòng khách ngồi quanh sa-lông. Lucy nhanh nhảu nhấc phôn còm-măng nhà bếp mang cà-phê, săng-uých lên trong khi Johnny rót rượu uống một mình. Nó vặn hỏi Jules:

- Mày biết trước là nó nhậu vô sẽ có phản ứng vậy?

- Kể như biết chắc!

- Vậy sao mày không báo trước cho tao?

- Tao đã báo. Johnny bực bội, cằn nhằn:

- Nhưng mày báo cái lối khơi khơi... mày báo không phải cách! Mày bác-sĩ gì mà kỳ cục thấy mẹ! Mày bất kể, mày muốn nói là mày nói... như chọc giận người ta không bằng! Mày nói tống thằng Nino vào nhà thương điên. Sao mày không lựa lời nói cho đẹp một chút? Viện Tâm-trí, Viện Thần-kinh... thiếu gì danh từ?

Lucy không biết bênh ai bỏ ai đành cúi xuống. Vậy mà Jules vẫn mỉm cười ngó Johnny:

- Phải cách... hay không phải cách quái gì? Tao dư biết là mày nhứt định cho thằng Nino uống để ra cái điều đếch thèm nghe tao, đếch thèm tuân lệnh tao. Mày còn nhớ sau khi cổ họng mày lành, mày đề nghị tao về làm y-sĩ riêng cho mày mà tao từ chối phắt không? Vì tao biết rằng mình không thể hợp nhau? Một trong những sung sướng nhất đời của một thằng thầy thuốc là niềm kiêu hãnh nắm trong tay một thứ quyền lực: nó coi như nó là trời, nó là thánh! Nhưng mày khác! Tao đối với mày chỉ là mộtthằng thánh láo khoét. Như mấy cha bác-sĩ của tụi bay ở Hollywood vậy.

Mấy thằng hoặc là đếch hiểu một cái gì... hay là đếch thèm để ý, đếch thèm biết đến. Cái đó tao đếch biết nhưng căn bệnh của thằng Nino thì chúng nó bắt buộc phải biết. Chúng nó biết nhưng chúng nó vẫn cho đủ mọi thứ thuốc láo lếu, miễn sao cho khỏi chết. Chúng trưởng giả lắm và chúng lại bợ mày vì mày ông chủ hãng phim mà... nên mày cứ tưởng dâu chúng bác-sĩ đáng giá lắm chớ gì?

Mày có biết đâu tụi nó cũng bác-sĩ đấy... nhưng mày sống hay chết tụi nó có cần đếch gì! Còn tao đây này, cái nghề coi vớ vẩn vậy đó nhưng tao làm sống người, mày biết chưa? Tao cứ để cho mày cho thằng Nino uống để mày thấy tận mắt nhé! Mày biết không, thằng bồ bịch của mày kể như hỏng rồi. Nó chẳng hy vọng sống nổi, trừ phi điều trị, săn sóc thật kỹ, thật chặt chẽ. Áp suất cao, ********* đường, ăn nhậu truỵ lạc... ngần ấy thứ thừa sức quất thằng Nino bất cứ lúc nào. Một cơn xuất huyết não thì sống sao nổi? Óc nó sẽ bung ra cái một, mày rõ nhớ? Đồng ý, tao nói nhà thương điên đấy. Không nói thẳng thừng vậy sức mấy mày rục rịch? Mày chỉ có thể cứu được nó... nếu thằng Nino chịu chữa bịnh, trong một Dưỡng-trí-viện. Có vậy thôi. Bằng không thì nó chết chắc, chẳng có cách nào khác.

Tuy Jules không lên giọng, không cảm xúc nhưng lời lẽ nó nói thấy ghê quá nên Lucy phải tốp bớt: "Coi, Jules mình? Sao ăn nói không hoà dịu, từ tốn chút nào? Anh em nói chuyện với nhau có hơn không?"

Jules đứng dậy. Vẻ lạnh nhạt coi bộ hết rồi, Johnny thấy vậy là mừng vì cái giọng ngang ngang, bất cần của nó cũng đổi luôn nữa.

- Mày tưởng đây là lần đầu tiên tao phải nói với những thằng như mày trong trường hợp này hả? Lucy nói "Sao anh không nói từ tốn chút nào" nhưng thực ra nó biết quái gì đâu! Tao thường nhai nhải nói với bệnh nhân: "Đừng hút thuốc nhiều... chết đấy. Chớ nhậu nhiều, làm việc nhiều... chết đấy" Mà có đứa nào nghe đâu? Dễ hiểu quá. Vì tao không nói ngay boong: "Mai chết!" Bây giờ riêng thằng Nino thì tao có thể nói với mày như sau: "Nino có thể chết lắm lắm... ngay ngày mai." Vậy thì mày suy nghĩ đi. Có cho nó đi điều trị hay không?

Một lần nữa Jules lại pha thêm ly rượu, hỏi lại Johnny:

- Thế nào, mày nghĩ sao?

- Tao cũng chưa biết nghĩ sao nữa.

Làm cạn ly rượu, Jules tới rót thêm ly nữa nói tiếp:

- Có cái này thực là kỳ cục. Hút thuốc nhiều quá có thể chết. Nhậu nhiều, làm việc nhiều... cũng vậy. Đến ăn mà ăn nhiều, nhiều quá cũng dám chết cơ mà? Đúng vậy, có thể như vậy thực? Xét trên phương diện y học chỉ có một vụ không thể làm đến chết được, ấy là cái vụ đàn ông đàn bà yêu nhau. Yêu nhiều, quá nhiều chẳng thể chết người mà thiên hạ lại bày đặt biết bao nhiêu thứ chướng ngại vậy. Nó chỉ có hơi phiền đối với đàn bà. Tao có thiếu gì thân chủ bắt buộc không nên, không thể có con nữa. Đẻ lần nữa là nguy... là có thể "đi" luôn đấy. Dĩ nhiên hoảng thì có hoảng... nhưng cỡ tháng sau đã thấy mặt mò lại "Thưa bác-sĩ... hình như tôi có bầu." Còn hình như thế nào được... thử thỏ chỉ tổ chết thêm một con! Chừng tao trách "Thì tôi đã biểunguy hiểm lắm kia mà" mày có biết họ trả lời sao không? Họ cười mủm mỉm rằng: "Thưa vợ chồng tôi... người Công giáo. Dạ, phải tuân luật đạo!"

Có tiếng gõ cửa. Hai gã bồi đẩy vô chiếc xe 4 bánh nhỏ xíu đầy săng-uých nóng và bình cà-phê. Chúng rút tấm mặt bàn ở dưới xe ra hý hoáy bày thức ăn. Ba đứa xúm lại ăn săng-uých uống cà-phê. Johnny dựa lưng vào ghế đốt điếu thuốc hỏi móc Jules:

- Mày nói mày cứu người nhưng... hành nghề phá thai?

Jules chưa kịp trả lời thì Lucy ra miệng:

- Anh biết không... vì Jules thực sự muốn giúp mấy con nhỏ lỡ dại, để tụi nó khỏi điên đầu tự tử hoặc phá bừa bãi chỉ cốt tống được bào thai ra...

- âu phải giản dị có vậy! Sự thực tao đi vào ngành giải phẫu và tao lại khéo tay. Tao biết nhiều quá, biết hết nên đâm khổ vào thân. Tao mổ phanh bụng một thằng, tao coi rõ và tao biết chắc rằng chỗ ung thư hay ung nhọt của nó thế nào cũng làm độc trở lại và hết thuốc chữa. Vậy mà phải mỉm cười bảo nó cứ đi về đi, yên chí! Có những con bé đau khổ vì ung thư và tới tao, tao cắt một bên vú và sang năm cúp nốt bên còn lại. Năm sau nữa thì tao nạo sạch buồng trứng như hột dưa hấu vậy. Chết chắc chứ sống sao nổi? Nhưng mấy thằng chồng thì cứ phôn lại hỏi: "Bác sĩ thử nghiệm xong chưa ạ? Có gì lạ không ạ?"

Tao phải mướn một con nhỏ phụ tá chỉ để trả lời những cú phôn trên và làm nhưng việc vặt để chuyên tâm vào việc chẩn bệnh, trị bệnh sau khi đã có đủ hồ sơ. Tao chỉ để ra ít thời giờ tiếp bệnh, làm ăn bận rộn quá mà? Thông thường chỉ những ca hết thuốc chữa tao mới chịu tiếp xúc với thằng chồng, mà cũng chỉ để ra có hai phút điện thoại. Tao cho biết ngay tình trạng tuyệt vọng, dĩ nhiên chúng hiểu chớ... nhưng vẫn làm bộ chưa nghe rõ để hỏi dấm dớ những câu vớ vẩn. Tao bực những sự ngớ ngẩn đó và ghét phải nói sự thực.

Đó là lý do tao nhảy vào nghề phá thai. Dễ dàng mà lại sạch sẽ. Làm phúc làm đức, ai nấy cũng hể hả cả vì trút được một gánh nặng. Nó lại hạp với tính tao nữa chớ? Trên nguyên tắc, tao không coi một bào thai 2 tháng là một người, do đó không có vấn đề nhân mạng. Tao khoái làm vì nghề này vừa ra tiền lại vừa thực sự giúp đỡ được nhiều người, con gái lỡ dại cũng như đàn bà có chồng. Tao làm hăng lắm. Bữa tao bị chúng nó vồ, tao có cảm tưởng như một thằng đào ngũ bị Quân Cảnh vớ được vậy! Nhưng cũng may mà có người quen gỡ dùm cho cái án. Bệnh viện lớn không chịu mướn thì tao tà tà làm ở đây. Lại bắt đầu thấy những gì đáng nói, phải nói là nói liền. Rốt cuộc cũng chẳng ai nghe. Nghĩa là cái vòng lẩn quẩn lại bắt đầu.

Jules còn hứng chí nói nữa nếu Johnny không nhìn nhận ngay:

- Tao không nghe hồi nào? Tao còn đang suy nghĩ những lời mày vừa nói mà?

Lucy Mancini bèn đổi hướng câu chuyện sang một ngả khác:

- Thôi bây giờ mình nói chuyện khác đi. Anh Johnny, anh xuống Las Vegas làm chi vậy? Có việc hay du hí đó, ông chủ hãng phim?

- Đâu có! Anh xuống đây theo lời yêu cầu của thằng Michael. Nó có chuyện gì muốn bàn chắc? Khuya nay nó sẽ tới Las Vegas cùng Tom Hagen. Thế nào tụi nó cũng gặp em đó, Lucy. Nó nói vậy nên anh mới biết chứ? Mà em có biết chuyện gì không?

- Thì em chỉ biết qua loa. Đại khái tối mai sẽ có bữa cơm gia đình, có mấy đứa tụi mình và thằng Fred nữa. Chắc để nói về vụ quản trị lữ quán, nghe nói sòng bạc hồi này lỗ quá nên Michael được lệnh xuống coi.

Phải có lệnhÔng Trùm và phải là chuyện quan trọng lắm nên Michael mới phải từ Nữu-Ước mò xuống Las Vegas đích thân quan sát thình lình. Điều đó Johnny không lạ. Nhưng thằng Michael coi thế nào... mặt mũi nó giờ đây rao sao thì chưa nghe nói nên Johnny hỏi thầm:

- Hình như Michael mới sửa lại chỗ mặt bể, phải không?

- Đâu có? Em cứ tưởng con Kay phải bắt buộc nó sửa lúc hai đứa làm đám cưới... nhưng Michael vẫn để y nguyên. Trông dễ sợ mà nước mũi chảy ra dài dài! Đáng lẽ phải làm lại từ lâu. Mà không hiểu tại sao Jules chỉ được mời đến cho biết ý kiến rồi thôi, tịt luôn?

- Mặt nó thấy ghê... sao không làm phứt cho rồi?

Thấy Johnny thắc mắc mãi em Lucy cũng nói cho xong:

- Michael biểu thế nào cũng có chút chuyện cho Jules... Không biết có phải về vụ này không? Mà đằng nào tối mai lúc ăn cơm nó chẳng nói ra.

- Cái thằng Michael này lạ lắm! Nó cóc tin ai hết. Nó bắt tao cứ soát lại coi mấy thằng trước làm có đúng điệu không. Có một vụ giải phẫu hạng bét ai cũng làm được mà nó nhất định không chịu bỏ qua, vẫn buộc phải coi lại đàng hoàng.

Ba đứa đang nói chuyện tía lia, thì từ bên phòng ngủ của Nino chợt có tiếng người động đậy. In hình nó tỉnh rồi, nó đang cựa quậy. Ba đứa cùng chạy vô: Johnny ngồi xề xuống giường trong khi Lucy và Jules đứng bên giương mắt ngó:

- Ô hay, sao hồi này tao đâm kỳ cục vậy kìa? Đến phải sống ngoan ngoãn trở lại chắc? Mày còn nhớ cách đây 1 năm lúc hai đứa mình cặp 2 con Palm Springs không? Hồi đó tao hứng quá. Tao thề là tao không hề ghen với mày, mày có tin nổi không Johnny?

- Ủa, sao tao không tin kìa?

Johnny làm ra vẻ tin lắm lắm nhưng Jules và Lucy cứ ngó nhau: Có đời nào anh Johnny thèm làm cái việc tầm bậy là giựt đào của bồ Nino? Không bao giờ... Tuyệt dối. Mà tại sao cả năm nay Nino mới mang ra nói và bảo là không ghen? Phải có lý do chớ? Cả hai đứa cùng nghĩ ngay: hay giờ đây Nino Valenti đâm chán đời, cố tình nhậu nhẹt cho chết luôn chỉ vì ông bạn vàng vô cùng quý hoá Johnny Fontane đã cuỗm luôn em bé để anhnhà quê Nino đau lòng ôm mối hận tình?

Jules và Lucy đứng nhìn nhau, không hiểu sao Nino nói lạ vậy. Sau khi khám bệnh cho nó lần nữa, Jules nói:

- Phải có y tá trông nom cho mày đêm nay... Và sau đó mày còn phải ở biệt trong phòng ít ngày. Tao không nói đùa đâu...

- OK... Chịu liền. Với điều kiện em y tá của mày đừng có đẹp quá!

Gọi điện thoại kêu nữ y tá xong, hai đứa bỏ đi để một mình Johnny ở lại đợi. Nó ngồi thừ người ngó Nino nằm thiêm thiếp ngủ vô cùng mệt mỏi. Thằng Nino vừa nói nó không ghen vụ hai con nhỏ ở Palm Springs năm ngoái. Vậy là nó dám ghen, nó ghen với cả mình sao?

- o O o -

Cách đây hơn một năm Johnny Fontane một bước nhảy lên chủ hãng phim lớn và ngay cuốn phim đầu đã bắt bạc ào ào. Cuốn phim nó đóng vai chính và Nino cũng có một vai kha khá. Nhưng lạ quá, chưa bao giờ Johnny cảm thấy buồn bực như vậy. Đào kép, chuyên viên làm trọn nhiệm vụ, quỹ còn để dư ra một số tiền không xài hết! Cứ điệu này thì ông chủ cũng như tất cả anh em cộng tác sắp giàu lớn đến nơi. Nếu có một người đau khổ thì đó là Jack Woltz.

Cuốn phim số 1 vừa thành công lớn là Johnny quay luôn hai phim một lúc, lần này còn để cho Nino thủ vai chánh một phim. Thằng Nino chơi vai trò của nó rất xuất sắc, một công tử đẹp trai, duyên dáng dễ thương mà các bà các cô chịu nhất. Nino đóng ngon lành thì Johnny càng có dịp thâu bộn, đụng chỗ nào cũng nảy ra tiền.

Hãng phim có lời lớn thì nhà băng cũng có ăn chia vàBố-Già nghiễm nhiên có quyền vớ một mớ. Có dịp kiếm ra tiền choBố-Già. Johnny đã khoái mà nó còn vô cùng hoan hỷ ở chỗ chứng minh được là ổng đoán không sai. Vậy mà nó vẫn buồn. Nếu kể về uy thế thì chưa bao giờ Johnny lên đến thế. Sức mấy đệ nhất danh ca bằng nổi ông chủ hãng phim, sản xuất độc lập và phim đang hốt bạc? Các em xinh như mộng chạy theo nhiều quá, dù chỉ vì tiền. Muốn đi đâu có máy bay riêng, sống hách như vua chúa mà đóng thuế cũng được nhà nước ưu đãi nhiều khoản. Chủ hãng mà? Sung sướng đến vậy mà bên trong Johnny còn đau khổ.

Lý do thì Johnny biết quá. Sống mũi nhức, trán nhức, cổ họng đau rát. Muốn hết đau nhức chỉ có cách xử dụng giọng ca, hát lớn lên... nhưng nó đâu dám? Nó nhờ Jules Segal coi lại và Jules biểu được, muốn ca lúc nào cũng được nó mới đánh liều thử một lần. Vừa mới thử cất tiếng thì giọng ồ ồ nghe ghê quá mà sáng hôm sau chỗ cổ họng đau buốt kinh khủng. Không đau như hồi chưa cạo mụn cóc, lần này tưởng đâu cháy cổ họng. Đành không dám thử nữa, chỉ sợ giọng mất luôn, hư luôn hết gỡ.

Đời Johnny Fontane mà mất giọng ca thì tiền bạc thế lực mà làm gì? Cả một con zê-rô tổ bố! Vì đời nó dính liền với giọng ca, nó chỉ biết một nghề ca. Nó hơn người nhờ giọng ca. Nó biết giọng ca của nó tuyệt diệu. Bao nhiêu năm kinh nghiệm nó là một cây ca nhà nghề. Nó ca quá vững, chẳng phải hỏi ai nghe ai. Bảnh như vậy đó mà thình lình mất hết, mất đứt. Cả một sự phí phạm tai hại.

Hôm ấy là Thứ Sáu, Johnny muốn cuối tuần về nhà chơi với các con và Ginny. Bao giờ nó cũng phôn cho hay trước sắp về. Nó chỉ trông cho con vợ cũ từ chối một lần thôi... nhưng chẳng bao giờ Ginny nói "Không được" cả. Có bao giờ nàng từ chối không cho bố con chúng nó gặp nhau? Vậy là khá lắm, biết điều lắm rồi. Nhưng dù Virginia có là người đàn bà mà nó quan tâm đến hơn cả thì vấn đề hai đứa làm vợ chồng trở lại vẫn không thể nào được. Hoạ chăng mấy chục năm nữa kia! Lúc ấy hai đứa cùng cỡ 65, cùng đến tuổi về hưu, cùng vứt bỏ hết mọi chuyện đời thì hoạ may.

Về đến nhà Johnny đụng đầu cả một thực tế phũ phàng. Vợ thì nhăn nhó khó chịu rõ... còn con chẳng đứa nào ham bố về hết. Mấy hôm trước mẹ nó chẳng hứa chiều thứ Bảy cho hai đứa đi với chúng bạn về thăm một nông trại, có dịp cưỡi ngựa bằng thích sao?

Biết vậy nên Johnny hối mẹ con chúng đi liền, âu yếm hôn hai đứa con, cho phép chúng đi chơi. Ở cỡ tuổi chúng thì còn gì hấp dẫn bằng về nhà quê chơi trò cưỡi ngựa? Chẳng hơn phải ở nhà cùng một ông bố nhăn nhó, mỗi chút mỗi làm theo ý mình?

Johnny phải bảo: "Cô cứ đưa hai đứa đi chơi cho chúng khoái. Tôi uống xong vài ly rượu cũng biến liền". Gương mặt Ginny không dấu nổi vẻ thờ thẫn, rầu rầu. Lâu lâu cũng phải gặp một ngày như thế này chớ bộ sống thui thủi không chồng như Ginny có sung sướng gì?

Thấy nó làm một ly huýt-ky thật bự, Ginny la quá "Ô hay, anh việc gì mà phải nhậu dữ vậy? Tôi tưởng anh đang làm ăn đại phát tài chớ? Không dè anh lại kinh doanh hay đến thế đấy!"

Nghe giọng nó, Johnny làm gì không hiểu. Đàn bà là vậy, đàn bà đứa nào cũng có tật ưa ganh, thấy thằng chồng lên vù vù là mặt đã xị xuống rồi. Ra nó tưởng thằng chồng cũ đại phát tài nên vừa thấy mặt đã nhăn nhó. Làm như thằng chồng bốc khá là nó mất mát, thua thiệt một cái gì khó chịu vậy.

Muốn nó hết nhăn nhó có khó gì? Chỉ than khổ là đủ. Johnny cũng làm bộ nhăn nhó: "Đại phát tài cũng cóc có nghĩa gì! Giọng ca của tôi có còn đâu?" Lạ thật, Ginny hết rầu liền mà còn có ý thương hại:

- Coi, giọng ca có mất luôn cũng có làm sao? Anh bây giờ có phải con nít đâu mà tha thiết giọng ca quá vậy? Ngoài 35 tuổi rồi mà? Bộ làm chủ hãng phim nhiều tiền hơn... không khoái hơn đi ca hả?

Johnny ngạc nhiên ngó con vợ cũ:

- Tôi là ca sĩ. Tôi thích ca, tôi yêu nghề... chớ tuổi tác đâu có gì ăn nhậu gì mà cô nói vậy?

- Tôi lại không thích anh ca chút nào! Bây giờ anh quay phim cừ thì anh không hát được tôi còn mừng nữa.

- Không ngờ cô có ý nghĩ đểu vậy!

Johnny giận run người. Nó hét lớn lên. Không ngờ con vợ cũ có thể nuôi ý tưởng độc địa như vậy và nói hẳn ra miệng. Nó có thể oán hận tới cỡ đó sao? Ginny thấy nó nổi giận chỉ mỉm cười:

- Có gì đểu nào? Anh bắt tôi phải nghĩ gì khác khi thấy bọn con gái chạy theo anh ào ào... chỉ vì cái giọng ca đó? Nếu tôi ra đường mà bọn đàn ông đuổi theo tôi như vậy anh sẽ phản ứng thế nào? Tôi chỉ mong sao anh mất giọng luôn, anh ca không nổi nữa kìa. Nhưng dĩ nhiên đó là hồi trước khi mình ly dị.

- Cô không hiểu gì hết... hoàn toàn không hiểu gì hết!

Johnny vừa cằn nhằn vừa cạn sạch ly huýt-ky. Nó vô nhà bếp gọi điện thoại cho Nino, hẹn hò xuống Palm Springs chơi một cúweekend cho thoả thích. Nó cho Nino số phôn của một em rất hách mà nó vẫn mê xưa nay nhờ liên lạc dùm: "Thế nào mày cũng có một con bạn của nó, Nino. Tao sẽ đến nhà mày lối 1 giờ nữa".

Con vợ cũ từ biệt thật lạnh nhạt nhưng Johnny đâu cần? Ít khi nó bực bội cỡ này. Phải chơi cho nát nước mấy ngày cho hả giận, cho tiêu hết sự căm hận chất chứa lâu nay.

Chơi bời ở khu Palm Springs thì sung sướng quá rồi. Nơi đây Johnny Fontane có nhà riêng, mùa này còn có sẵn đầy tớ sai bảo là khác. Hai em còn trẻ nên tính nết rất chịu chơi và dĩ nhiên chẳng phải týp đi xin, năn-nỉ ái tình. Cả bọn bơi lội đã rồi phơi nắng tới sẩm tối. Nino kéo em bé lên phòng và yêu em lúc da còn rát nắng... nhưng Johnny chẳng thấy hứng chút nào. Nó biểu em Tina lên phòng tắm một mình. Có điều lạ mà Johnny nhận thấy từ lâu nay là nó chẳng bao giờ hứng nổi mỗi khi có chuyện gây gổ với Ginny!

Một mình Johnny mò lên phòng khách phía trước nhà bốn bề vách kiếng có cây dương cầm để sẵn. Hồi còn đi ca với ban nhạc, Johnny hay có lối đùa chơi với cây dương cầm để biểu diễn một bản tình ca ướt át dưới ánh trăng vàng của một cây đèn chiếu. Hôm nay nó cũng ngồi dương cầm gõ vài nốt và ư ử ca thử một vài đoạn. Em ca sĩ thon nhỏ tóc vàng Tina sau khi pha cho anh Johnny ly rượu cũng kín đáo ngồi sau lưng khe khẽ hát theo. Johnny để mặc cho em ca một mình, mò lên phòng tắm vừa xối nước vừa hát vài câu ngăn ngắn. Tắm xong đi xuống vẫn thấy Tina còn ngồi trước dương cầm một mình. Nino vẫn chưa thấy mặt, không hiểu nó ham gái hay say rượu nằm ngất ngư chỗ nào rồi?

Lúc Johnny trở lại cây dương cầm thì Tina đã lảng ra ngoài sân, đứng ngó ra phía hồ tắm. Nó thử cất tiếng hát một bản quen thuộc ngày xưa. Cổ họng không thấy đau gì hết! Giọng ca chưa cất bổng lên được nhưng ít nhất cũng đã phát ra tiếng. Johnny nghểnh cổ ngó: Tina vẫn đứng ngoài, cửa kính vẫn đóng kín. Nó có thể hát thử mà không sợ ai nghe thấy. Johnny lấy hơi thử ca thật chững chạc một bản tình ca "ruột" hồi đó. Giọng nó cất lên cao vút, thật khoẻ như những lần biểu diễn trước công chúng vậy. Chỉ chờ một phát nhói đau ở cổ họng là rồi! Nhưng không sao cả, không cảm thấy trở ngại gì hết. Nó lắng nghe lại chính giọng mình. Đồng ý nghe bây giờ lạ hẳn nhưng Johnny khoái vậy. Nghe trầm hơn. Một giọngnam rõ ràng chớ không phải...đồng nam. Nó trầm và phong phú. Johnny đi một hơi dứt bản và ngồi lặng yên suy nghĩ.

Nó bỗng giật bắn mình "Khá lắm... khá lắm lắm mày!" Quay lại thấy Nino đứng sững trước cửa. Một mình nó, Johnny tối kỵ đang hát một mình có người nghe lọt. Nhưng một mình thằng Nino thì được. Không sao hết! Nó lên tiếng:

- Nino... mày cho hai con nhỏ de đi dùm tao cái! Mày biểu tụi nó về đi...

- Mày nói đi. Sao lại tao nhỉ? Cả hai con cùng ngoan ngoãn quá mà... đuổi nó về sao được? Vả lại tao vừa yêu con nhỏ của tao tới hai lần bây giờ nỡ lòng nào để cho nó nhịn đói bò về nhà?

Thôi được, kệ cha chúng. Có hát dở như hạch mà có chúng nó nghe đã sao chưa nào? Johnny nhấc phôn kêu gấp một thằng nhạc trưởng ở Palm Beach, mượn đặc biệt cho Nino một câymandoline. Nó hét lớn: "Giờ này ở California có ma nào chơimandoline nữa bố?" Johnny phải la lớn hơn: "Cứ kiếm bằng được cho tao".

Thế là chỉ một lát sau nhà đầy nhóc những dụng cụ ghi âm. Hai con nhỏ được nhờ làm "điều chỉnh viên" để canh máy cúp máy. Ăn cơm tối xong Johnny nhờ Nino đệmmandoline để nó biểu diễn lại tất cả những bản "ruột" ngày nào. Nó hát thật tự nhiên, thật khoẻ, không cần giữ giọng. Mà cổ họng nó có sao đâu? Vậy là tha hồ hát, hát mãi. Trong khoảng thời gian mất giọng biết bao nhiêu lần Johnny đã suy nghĩ nhiều về cách thức trình bày từng lời ca câu ca, phải biểu diễn khác hẳn hồi trước. Nó đã hát trong đầu, đặc biệt nhấn mạnh chỗ nào, như thế nào cho thật văn minh. Bây giờ nó hát thật và chừng đó mới thấy nhiều chỗ trình bày trong tưởng tượng thì được lắm nhưng hát thật, hát lớn lên lại hỏng rõ. Nó không cần nghe nữa mà tập trung vào cách thức trình bày. Cũng trật nhịp, nhưng chỉ tại nghỉ hát quá lâu! Luyện lại là đâu vào đấy chắc. Bao nhiêu năm hành nghề, có cả một máy nhịp trong đầu... thì còn trật thế nào?

Lúc Johnny ca xong, em Tina mắt sáng lên chạy tới bá cổ hôn ngon lành. Em khen một câu rất vô duyên là "Bây giờ em mới hiểu tại sao má em hồi đó mê coi Johnny Fontane đến thế." Gặp trường hợp nào khác chắc chắn em sẽ lãnh phản ứng ê mặt song tối nay Johnny và Nino chỉ cười hề hề.

Johnny cho chơi lại cuốn băng để lắng nghe, phân tích kỹ giọng mình. Giọng ca thay đổi, thay đổi nhiều nữa nhưng rõ ràng vẫn là Johnny Fontane, chững chạc, phong phú! Có hồn, có tình cảm mà kỹ thuật trình diễn thì cao độ, phải nói là bực thầy. Mới gượng lại đã vậy thì rồi đây hẳn không chê được! Nó cười hỏi Nino:

- Giọng tao khá đấy chứ?

- Khá quá là khác... nhưng phải đợi ngày mai xem có còn khá không!

- Ít ra cũng khá hơn mày chắc. Tao đếch cần mai. Bây giờ ngon là đủ.

Thằng Nino tính nết vậy đó. Johnny bực mình lắm nhưng chẳng thể làm gì hơn. Nó nghỉ, không hát nữa. Hai đứa cặp hai con đi du hý một phát rồi đến khuya về Johnny du dương với em bé Tina. Phải công nhận là nó hát còn cừ thật... nhưng làm tình thì bết rõ. Johnny biết Tina cụt hứng nhưng chẳng thể làm sao hơn. Không lẽ trong một ngày... làm cái gì cũng bảnh?

Đêm hôm đó Johnny trằn trọc vì cơn ác mộng: nó nằm mơ thấy hát lại được. Chừng biết đó là sự thực lại chỉ lo mất giọng. Bèn mặc py-ja-ma mò xuống dưới nhà, vặn ra-đi-ô nghe một lát rồi lấy hơi hát theo. Nó chỉ cất tiếng khe khẽ trong cổ họng và hồi hộp quá. May quá, cổ họng nó không đau mà cũng không vướng víu gì hết. Lúc bây giờ Johnny mới dám cao giọng hát. Thanh âm phát ra dễ dàng quá, không cần phải cố gắng. Một làn hơi phong phú, trung thực. Yên chí rồi, cơn ác mộng hãi hùng đã qua hẳn.

Đối với Johnny đó là niềm vui lớn. Miễn là nó còn giọng, còn ca được ngon lành. Thất bại điện ảnh chẳng cần, em Tina mất hứng cũng chẳng sao mà con vợ cũ có hận nó vì giọng ca cũng thây kệ nó. Chỉ hơi tiếc một chỗ: phải chi nó tìm lại được giọng ca lúc ca cho hai đứa con nhỏ nghe thì khoái biết mấy!

Lúc bấy giờ con y-tá tà tà đẩy vô một chiếc xe nhỏ đầy những thuốc. Johnny đứng lên ngó thằng Nino: nó nằm thiêm thiếp, ngủ hay chết cũng chưa biết chừng. Nó biết thằng Nino ghen, chẳng phải vì nó tìm lại được giọng ca mà chỉ vì nó đã quá sung sướng khi hát lại được. Nghĩa là Johnny còn quá tha thiết đến giọng hát. Trong khi nó, nó không còn quan tâm đến bất cứ một sự gì. Nino đâu còn thiết đến một chuyện gì, kể cả mạng sống của chính nó?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.