Bộ Thiên Ca

Chương 14: Ung vương



Tinh mơ, cửa cung đã có người của cung Đan Xuyến đứng đợi, vừa thấy xe ngựa của Tố Lan đến liền nói với người của Tịch cấm ty: “Trung cung dẫn ngoại mệnh phụ quận chúa Đức Xương vào cung.” sau đó lĩnh giấy dẫn vào, làm một động tác mời với Tố Lan.

Tố Lan vào cung bái kiến đã quen từ lâu, duy chỉ có những lời này nghe mấy lần đều cảm thấy không lọt vào tai. Gả vào phủ tướng cũng đủ vinh quang, đáng tiếc Vân Thùy không ôm chí lớn, cha y nói gì nghe nấy. Ngày đầu tiên Cư Hàm Huyền làm lễ phong tể tướng đã tuyên bố: Thế hệ con cháu trong nhà không được làm quan. Tố Lan cũng hiểu được ít nhiều suy nghĩ của hắn: Hắn thân làm tể tướng, tự có vô số người làm trâu làm chó, con cháu tham gia vào quan trường chẳng có ích lợi gì với hắn. Một khi chọc giận mặt rồng thì ngược lại cả nhà bị tai ương, liên lụy càng rộng.

Từ nhỏ Vân Thùy quả thật đã chặt đứt suy nghĩ ra làm quan, đến nay không có lấy một quan nửa chức chứ đừng nhắc tới vợ được ban tước hiệu con được nối nghiệp làm quan. Lúc Tố Lan muốn yết kiến không thể không dùng danh hiệu quận chúa Đức Xương ra – thứ mà lúc chưa xuất giá cha nhờ cô trong cung xin cho nàng ấy. Nhưng Đức Xương không phải là phong ấp đáng khoe gì, vì vậy nàng ấy luôn cảm thấy bực bội trong lòng khó dằn.

Tố Doanh lên làm hoàng hậu, chỉ tùy tiện nói mấy câu, chồng chị tư đã làm ngự sử hầu trong điện. Tố Lan nghĩ, ngày sau chỉ cần có cơ hội, nàng ấy cũng phải tính toán vì Vân Thùy một phen. Bằng không dẫu sắc phong của mình có tốt hơn thì nhắc tới chồng vẫn làm người ta lấy làm tiếc.

Nàng ấy vừa nghĩ vừa đi tới cung Đan Xuyến, thấy cung nữ của cung Lưu Tuyền đứng bên ngoài, biết cô mình là Khâm phi cũng ở bên trong. Khâm phi vẫn luôn rất lãnh đạm đối với Tố Lan, Tố Lan không phải người ngu dốt, nhìn ra được bà và mình không hợp nhau. Khâm phi tuy là cô cô, nhưng Tố Lan tự cao là con dâu phủ tướng, không có việc gì phải cầu cạnh bà, không có việc cần bà, tội gì phải xem sắc mặt bà. Thành thử mỗi lần Tố Lan ở gần Khâm phi đều cảm thấy buồn tẻ vô vị.

Tố Lan không muốn lạnh nhạt ở trước mặt hoàng hậu, chớp mắt đã nghĩ ra một hai đề tài mà tất cả mọi người có thể đàm luận, lại nghe trong cung truyền đến tiếng nói cười. Từ khi hoàng đế đau ốm, cung Đan Xuyến ít khi huyên nào như vậy, Tố Lan ngẩn ra, thấy ở cửa còn có hai mệnh phụ lạ mặt, nhìn trang phục không giống các bà trong kinh cho lắm.

Đợi trong cung truyền cho nàng ấy đi vào, Tố Lan mới thấy trong cung Đan Xuyến có một cậu nhóc nho nhỏ.

Đứa bé trai kia chỉ tám chín tuổi, bề ngoài trắng nõn thanh tú, vẻ mặt cũng hết sức đứng đắn, khuôn phép ngồi bên cạnh hoàng hậu Tố Doanh. Thấy Tố Lan tiến vào, cậu bé lập tức muốn đứng lên. Tố Doanh duỗi tay giữ cậu bé, cười nói: “Thế tử có thể không cần đa lễ với vị này.” Rồi nàng nói với em: “Đây là thế tử của Ung vương.”

Tố Lan bước lên phía trước chậm rãi hành lễ, bấy giờ mới biết vị Ung vương ít ngày trước xin về kinh hôm nay đã vào cung rồi. Thế tử tuy nhỏ tuổi song thái độ rất trang nghiêm, được người lớn tuổi hơn hành lễ đã không ngượng ngùng tránh né, cũng chẳng cố làm ra vẻ. Điều này khiến Tố Lan nhìn với cặp mắt khác, khen từ đáy lòng: “Không hổ là dòng máu hoàng gia, thật khác với trẻ con bình thường.”

Khâm phi có lòng đùa đứa bé này, hỏi: “Vị phu nhân này có đẹp không? Mọi người đều nói nàng ấy là người đẹp nhất kinh thành, thế tử thấy mắt nhìn của người kinh thành bọn ta thế nào?”

Cậu thiếu niên nhỏ liếc nhìn Tố Lan, nhỏ giọng nói: “Không dám trả lời câu hỏi của nương nương. Người còn nhỏ không nên tùy tiện đánh giá người nhiều tuổi hơn. Nếu người kinh thành đã nói như vậy, chắc tự có đạo lý của bọn họ.” Giọng nói của cậu bé chưa hết non nớt nhưng nói ra đạo lý như thế, người chung quanh đều khen ngợi không ngớt.

Tố Doanh lại hỏi cậu bé mấy câu, cậu đều có thể trả lời một cách nhanh nhẹn đúng mực hết tất cả, Tố Doanh đánh giá rất cao, thuận tay cầm hoa quả và điểm tâm cho cậu. Thế tử nhận ở trong tay không ăn, nói: “Ăn uống ở trước mặt hoàng hậu, bất nhã bất kính.” Tố Doanh nghe xong càng thêm thích, sai người gói lại cho cậu, bảo cậu mang ra ngoài ăn. Duy chỉ có Khâm phi ở bên bỗng nhiên thương cảm: “Nếu như bát hoàng tử vẫn còn thì cũng sắp đến cái tuổi này rồi…”

Tố Lan nghe bà nhắc tới đứa con mất sớm, không muốn để bà làm mất hứng của mọi người, vừa định ngắt lời đã có người thông báo rằng Ung vương từ cung Ngọc Tiết qua đây bái kiến. Tố Doanh kéo tay thế tử cười bảo: “Ta đang muốn nhìn xem người cha thế nào mà nuôi dạy được một cậu con trai tốt như vậy đây.”

Khâm phi và Tố Lan không tiện gặp, lần lượt tránh ở phía sau bình phong. Tố Lan mới đi đến cạnh bình phong, Ung vương đã vào rồi. Nàng ấy đột nhiên nảy sinh một suy nghĩ trong đầu, muốn biết em trai hoàng đế là hạng người gì. Vừa có ý đó, nàng ấy đã dừng một bước, quay đầu liếc nhìn thật nhanh, Ung vương vừa lúc đối mặt với nàng ấy, liếc mắt thấy nàng ấy lại giả bộ như không nhìn thấy, hành lễ với hoàng hậu.

Khâm Phi phát hiện hành động của Tố Lan, kéo nàng ấy ra phía sau bình phong, nghiêm nghị nhìn chằm chằm. Tố Lan cũng xấu hổ đỏ bừng khuôn mặt, nàng ấy vốn không phải kẻ lỗ mãng, lần này ngay cả bản thân cũng không ngờ lại có thể càn rỡ đến thế. Một lần ngoảnh lại vội vã đã khiến nàng ấy mở rộng tầm mắt: Ung Vương tuyệt nhiên khác hẳn với hoàng đế hờ hững thâm trầm và tể tướng giảo hoạt sắc bén, mà lại là chàng trai đẹp khí chất dịu dàng. Thần thái tướng mạo ấy làm người ta nhìn thấy như tắm gió đồng xuân, cả người khoan khoái.

Tố Doanh cũng nhìn thấy Ung vương lần đầu tiên. Nàng sớm biết em út của hoàng đế sẽ không thua kém nhưng mà tận mắt thấy vị thân vương này không thanh tú bằng Tố Táp, không anh tài sáng sủa bằng Tạ Chấn, không tuấn dật bằng Đông cung, cũng chẳng thuần thục vững vàng bằng hoàng đế, nàng vẫn chưa cảm thấy gã quá xuất chúng. Chỉ là thần thái Ung vương hòa nhã, ăn nói cũng ôn tồn lễ độ khiến người ta rất dễ dàng yên lòng, Tố Doanh dần thêm vài phần thiện cảm. Hàn huyên xong, Tố Doanh liền hỏi tới nguyên do Ung vương về kinh.

Ung vương như là đã đoán sẽ không tránh được câu hỏi như vậy, chậm rãi đáp: “Thần vốn tưởng rằng thánh thượng có nhiều phúc, nhất định có thể gặp dữ hóa lành. Không lâu về trước lại nghe nói thánh thượng trằn trọc trên giường bệnh, thật là làm thần ăn ngủ không yên. Trong phiên của thần trồng được nhiều thảo dược, cố ý chọn mua hàng tốt nhất vào dâng ngự.” Nói đến đây gã khom người nói với Tố Doanh: “Biết được nương nương hầu khăn lược bên cạnh từ đầu đến cuối, mấy ngày trước thánh thượng đã có thể tự mình lục tù, chứng tỏ nhân đức của hai vị bệ hạ cảm động trời đất. Một hai ngày nữa là thánh thượng có thể lên triều nghe việc chính, quả thật là phúc của trăm họ.”

Tố Doanh đã nghe qua những lời nói khách sáo lặp đi lặp lại này nhiều lần từ miệng của kẻ khác, cười khách sáo ứng phó đôi câu. Nàng lại thuận miệng hỏi sinh hoạt hàng ngày của Ung vương ở trong phiên. Ung vương lại đáp rất cẩn thận: “Nhờ phúc của thánh thượng, những năm gần đây không có chuyện quá buồn phiền. Thường ngày hay ở trong phiên thưởng phong cảnh bốn mùa, thỉnh thoảng săn bắn hoặc là cùng người nhà dã ngoại uống rượu. Năm trước nhận được đội nhạc mà thánh thượng khâm thưởng, thỉnh thoảng cũng ca nhạc ầm ĩ.”

Tố Doanh nói với vẻ thích thú và ngưỡng mộ: “Ngày tháng thật phóng khoáng… Người không tiêu sái như bọn ta so ra kém rất nhiều.”

Ung vương lại mỉm cười thành khẩn nói: “Thần có thể có ngày tháng phóng khoáng chính là bởi vì có người không được tiêu sái như thánh thượng và hoàng hậu nương nương ở đây. Người trong thiên hạ có thể không câu nệ không ràng buộc chính là nhờ hai vị bệ hạ hi sinh ước thúc bản thân, vì muôn dân giữ lòng kiềm chế dục vọng, không để cho phóng túng, không dễ dàng mê muội. Này mới là điều may mắn của thiên hạ!”

Tố Doanh cảm thấy trong lời của gã có hàm ý khác, hình như là ám chỉ nàng không nên lấy tư bỏ công. Nhưng lời này dù không lý giải sâu đã đủ khiến nàng khổ đau. Nàng cố gắng thay đổi đề tài câu chuyện: “Tuổi tác thế tử tuy nhỏ nhưng rất hiểu đạo lý. Thường ngày nuôi dạy như thế nào thế?”

Ung vương khiêm tốn đáp: “Thường ngày cũng không để tâm dạy dỗ, để nó học mấy thứ đều là để không làm nhục vương gia. May mà nó không ngu dốt.” Tố Doanh lại hỏi ngoại trừ đọc sách ra có dạy cưỡi ngựa bắn cung không. Ung vương cười nói: “Lần này lên kinh, nó cưỡi ngựa cả đường. Sau khi vào kinh, vật cưỡi nhiễm bệnh, không dám mang súc sinh bị bệnh vào kinh thành nên mới đổi thành ngồi xe.”

Nhắc tới ngựa nhiễm bệnh, thế tử hơi có vẻ không vui, Tố Doanh nắm tay cậu dịu dàng cười nói: “Hai năm trước con ngựa Đạp Tuyết của ta ở phủ Bình vương sinh ngựa con. Bình vương vẫn luôn hết lòng chăm sóc con ngựa ấy, nghe nói dáng dấp tương đối khá, hiện giờ chắc đã có thể sai khiến rồi. Nếu thế tử vừa lúc thiếu một vật cưỡi thì ta sẽ làm chủ tặng nó cho thế tử.”

Thế tử vội vã quỳ xuống đất tạ ơn. Tố Doanh nói tiếp: “Ngoại ô kinh thành có khu vực săn bắn mà thánh thượng ban cho Bình vương, nếu thế tử muốn thử thớt ngựa thì cứ việc đến đó.”

Ung vương thấy hoàng hậu đãi con mình như thế thì vội vã cùng nhau tạ ơn, lại bảo: “Lần này thần vẫn chưa dự định ở kinh thành lâu, trong vòng bốn năm ngày sẽ quay về. Ý tốt của nương nương chỉ có thể xin lĩnh trong lòng.”

“Vội gì chứ?” Tố Doanh làm bộ vô cùng kinh ngạc, nói, “Hiếm lắm mới về kinh một chuyến cũng nên thăm viếng bạn bè người thân nhiều năm không gặp một bận, ngại gì không ở lại thêm mấy ngày?” Nàng thầm hiếu kỳ vị phiên vương này có kết giao trong kinh thành hay không, có ý quan sát mấy ngày. Nhưng Ung vương lại tỉnh bơ, uyển chuyển nhận lời mấy câu, dẫn thế tử cáo lui.

Đôi cha con này trầm mặc cả đường mà ra khỏi cửa cung, lúc ngồi lên xe ngựa Ung vương mới trỏ vào bọc giấy trong tay con trai hỏi: “Cái gì đấy?” Thế tử nâng lên cho cha xem, miệng đáp: “Là bánh và hoa quả mà hoàng hậu ban cho. Phụ vương từng nói, không thể tùy tiện ăn đồ trong cung.” Ung vương vuốt đầu của cậu mà cười, đợi xe ngựa xoay tới một góc tối không người, gã ném thẳng luôn gói điểm tâm kia ra ngoài.

Hai cha con trở lại phủ Ung vương trong kinh, trong phủ đã thu dọn ổn thỏa từ sớm. Ung vương và thế tử bước vào sân trước, thấy quy mô tiểu viện vẫn được nhưng còn lâu mới bằng phủ tể tướng vừa rồi đi ngang qua, thậm chí so với phủ Bình vương cũng kém xa. Hai dinh thự hiển quý không chỉ có cổng và sân đường hoàng mà ngay cả sắc mây giữa không trung dường như cũng phản chiếu sự rực rỡ của bọn họ, có khí thế không ai bì nổi. So ra chỗ phủ đệ của em trai hoàng đế ngược lại không chênh lệch với dinh thự của công khanh bình thường nhất là bao. Ung vương cũng không thèm để ý, cúi đầu nhìn phản ứng của con trai: Điều hiếm có là thế tử tuy nhỏ tuổi nhưng cũng không có lòng háo thắng tranh đua, không khen không chê cái dinh thự bình thường này.

“Dinh thự của cha không xa hoa.” Ung vương cười, nói với con trai, “Nhưng so với một nắm đất vàng như Tú vương vẫn tốt hơn trăm lần.”

Trong chính sảnh một người phụ nữ lớn tuổi ra đón, hành lễ với Ung vương và thế tử. Trước mặt người khác Ung vương không nói chuyện với bà ta, đi vào trong buồng mới nói: “Hôm nay đã gặp người phụ nữ ấy rồi. Đặt ở trong đám người không cảm thấy quá chói mắt. Đặt ở bên trong Tố thị lại có vẻ rất hiếm. Vậy mà An tần, Cảnh tần trong cung lại để cho một hoàng hậu như vậy ngồi vững vàng. Là bọn họ đổi tính hay là hoàng hậu giấu tài, ngay cả ta cũng bị lừa?”

“Người trong cung của Cảnh tần, An tần đã bị Tố thứ dân thu dọn, khiến vị hoàng hậu bây giờ được lợi. Huống chi vẫn luôn có tin nhảm rằng bọn họ không thoát được liên can đến cái chết của bát hoàng tử của Khâm phi làm Khâm phi nhìn chằm chằm họ cả ngày, chờ bọn họ mắc sai lầm đấy.” Khi người đàn bà kia chau mày cúi đầu đã có vẻ già nua, giọng nói cũng hơi kéo dài, “Lão nô cả gan hỏi điện hạ, cảm thấy hoàng hậu so với Tố thứ dân thì thế nào?”

Ung vương cười nói: “Tố Nhược Tinh là nhân vật nào? Đó là người có thể cùng hoàng đế mở bờ cõi xây dựng sự nghiệp. Vị hoàng hậu hiện tại quá thuần hậu nhưng có lẽ là lựa chọn tốt để chăm sóc trước lúc lâm chung. Hoàng huynh của ta luôn rất biết chọn người.”

“Mắt nhìn người của điện hạ cũng chuẩn như vậy. Có lẽ Tố Doanh vẫn như cũ. Vậy thì lão nô không biết nàng ta học được thủ đoạn gì mà mê hoặc lòng vua, có thể khiến cho thánh thượng mang bệnh phán tội cho anh của nàng, trong kinh cũng đang sôi nổi bàn tán việc này.”

Ung Vương cười lạnh bảo: “Bọn họ đều tính toán cả. Hoàng hậu không ngừng nhắc đến cha nàng, dường như muốn để tôi nhận tình của nhà mẹ nàng ta. Còn về người hoàng huynh kia của tôi… Ôi, có lẽ hắn không muốn nàng chăm sóc trước lúc lâm chung nữa, nếu không đã chẳng tự mình là một ông vua đã mang bệnh mà vẫn tự mình lục tù, khiến nàng trở thành hồng nhan họa thủy trong mắt mọi người.”

Thế tử ở bên lẳng lặng nghe hồi lâu, lúc này nói: “Phụ vương, lẽ nào long ân của thánh thượng cũng sẽ có dối gạt sao?”

Ung vương nhún nhún vai: “Vị anh cả này của cha ấy mà… lúc đối tốt với người khác mới nên đề phòng đấy! Hắn nhân từ với Tú vương, Tú vương chết. Hắn chân thành nặng tình với Tố Nhược Tinh, Tố Nhược Tinh cũng chết rồi. Cha thà rằng hắn cứ đối xử tệ với cha.” Gã thở dài, chợt nhớ tới điều gì lại bảo người phụ nữ, “Hôm nay không thấy em bà, không biết có phải là đã xảy ra chuyện gì không.”

Người đàn bà hạ khom người trả lời: “Đa tạ điện hạ quan tâm. Gần đây Lạc Hoa phụ trách dạy dỗ công chúa Chân Ninh, thường xuyên không ở cung Đan Xuyến.”

Ung vương nhíu mày: “Giữa các người vẫn rất nhạy. Sao bà không hỏi nàng ta xem gần đây hoàng hậu đang tính toán điều gì?”

Người đàn bà khiêm tốn nở nụ cười: “Cách thức làm việc của Thôi thị chúng tôi không giống hoàng gia. Có mấy lời chúng tôi nói với nhau, có mấy lời lại không nói.” Dứt lời bà xoay mặt nói với thế tử: “Thư phòng đã dọn dẹp sạch sẽ, mời thế tử nghỉ ngơi sau đó ôn bài.”

Ung vương thở dài: “Thầy Lạc Hà, Thôi thị chưa bao giờ để cho học sinh nghỉ ngơi sao?”

Thôi Lạc Hà nở nụ cười thản nhiên: “Học sinh của Lạc Hoa thường rảnh rỗi. Còn trong số học sinh của lão nô, chỉ có một mình Tố Nhược Tinh nghỉ ngơi thôi. Những người khác đều không dám nghỉ ngơi.”

Ngày hôm Ung vương yết kiến, Thôi Lạc Hoa không hề rảnh rỗi.

Sáng sớm, một cung nữ đã vào báo cáo: “Công chúa Chân Ninh thừa dịp hôm nay nhiều chuyện, không ai trông người nên đã lén chuồn khỏi tẩm cung.” Thôi Lạc Hoa cười, đứng dậy. Để hiểu rõ tại sao Chân Ninh liên tục rời khỏi cung, nàng ấy đã đợi mấy ngày rồi.

Công chúa Chân Ninh thay một bộ quần áo bình thường, cầm con dấu của cung nữ để ghi chép ở Tịch cấm ty, sau đó vui mừng ra cửa cung.

Đợi cô bé đi ra hơn mười bước, Thôi Lạc Hoa mới thản nhiên đến ghi tên ở Tịch cấm ty, thấy phía trên phần ghi chép của mình là “Cung nữ Phong Lệnh Nhu của cung Đan Xuyến được trung cung cho rời cung từ giờ Mão đến giờ Ngọ”, cột ra vào ghi “Giờ Mão canh ba ra”.

Cả đường Chân Ninh đi rất nhẹ nhàng, hiển nhiên sớm đã ngựa quen đường cũ. Hai mắt Thôi Lạc Hoa nhìn chằm chằm Chân Ninh, theo sát cô bé từ xa đi tới tường ngoài của một viện u tĩnh.

Chân Ninh không hề chậm trễ tìm được cửa hông, gõ một cái, cười hì hì chào hỏi với người coi việc đóng mở cửa rồi đi vào. Thôi Lạc Hoa chờ một chốc không thấy cô bé đi ra, dứt khoát lượn dọc theo tường vây đến mặt trước thăm dò.

Đi tới trước cổng lớn, nàng ấy ngửa đầu nhìn, trên cổng to lớn treo cao tấm biển, đề bốn chữ “thư viện Minh Đức”, nơi này là một ngôi trường do triều đình thành lập. Thôi Lạc Hoa nhíu mày thật chặt, không biết công chúa Chân Ninh đến trường học làm cái gì. Nàng ấy vòng quanh thư viện một vòng, đi về cửa ngách trong nghi hoặc, yên lặng chờ đợi ở phía sau một gốc cây dương già.

Đợi suốt gần hai canh giờ, cánh cửa ngách lại mở ra đánh “két” một tiếng, một người phụ nữ có chồng còn trẻ tiễn Chân Ninh đi ra. Thôi Lạc Hoa vội vàng núp phía sau cây, lén nhìn người phụ nữ ấy: Nàng ấy cùng lắm là mười tám mười chín, mặt mày lộ ra vẻ hiểu biết nhưng trang phục lại rất bình thường.

Chỉ nghe người phụ nữ rất ân cần hỏi Chân Ninh: “Hết lần này đến lần khác chạy đến đây, sớm muộn cũng bị người trong nhà cô biết. Bị mẹ kế của cô phát hiện sẽ không làm khó cô sao?”

Chân Ninh cười hì hì trả lời: “Không phải đã nói rồi ư? Trước đây nhà tôi có một chị gái ngang ngược, ai cũng kính trọng nhưng không thể gần gũi với chị. Giờ tôi chỉ cần làm ra vẻ giống chị ấy thì tất cả mọi người đều cho là tôi giống hệt chị lúc bé, thấy tôi thì chạy còn không kịp nữa là. Người mà mẹ kế không thích nhất chính là người chị ấy của tôi, giờ thấy tôi cũng như vậy, bình thường không muốn để ý nhiều đến tôi nên ngày tháng bây giờ của tôi rất yên tĩnh.” Cô bé dừng một lát rồi nói tiếp, “Với cả, để nghe thầy Hoài Anh dạy học, dù bị nàng ta mắng đôi câu thì đã làm sao?”

Thôi Lạc Hoa nghe giọng điệu của công chúa tràn ngập chờ mong, trong lòng càng thêm hiếu kỳ. Lại nghe công chúa nói tiếp: “Đến nay chỉ nghe tiếng, không thấy người đã làm tôi tin phục lắm rồi. Như một ngày kia có thể kề gối nói chuyện thì có chết cũng không tiếc!” Chân Ninh nói xong bỗng nhiên phát hiện ra lỡ lời, kéo tay của người phụ nữ cười nói: “Tiểu nữ không biết nông sâu, vậy mà lại bàn luận tôn phu như vậy trước mặt phu nhân, phu nhân chớ lấy làm phiền lòng.”

Phu nhân trẻ tuổi không mảy may giận dữ, chỉ căn dặn Chân Ninh trên đường về nhà thì cẩn thận. Chân Ninh nói cảm ơn, nhìn thời gian không còn sớm, vội vã lần theo đường cũ đi về.

Giới hạn thời gian của lệnh bài mà Thôi Lạc Hoa cầm còn sớm, có ý ở lại chỗ này thêm một lúc. Vừa hay thấy một người đàn ông còn trẻ đi tới bên cạnh người phụ nữ, đứng nghiêng người hỏi: “Đi rồi à?”

Giọng nói này êm dịu dễ nghe, Thôi Lạc Hoa không khỏi ló đầu ra nhìn thử, thấy bóng lưng y thẳng tắp, lại thấy dáng vẻ thân mật của người phụ nữ trẻ và y, ngẫm nghĩ đây chính là “thầy Hoài Anh” mà Chân Ninh nói. Chẳng ngờ kẻ khiến Chân Ninh tâm phục không không gì sánh được lại chính là một người vừa mới nhược quán[1] trẻ tuổi, thực sự là ngoài dự liệu của Thôi Lạc Hoa.

[1] chỉ chàng trai hai mươi tuổi, lúc này bắt đầu đội mũ, cơ thể còn chưa trổ mã hết nên dùng chữ “nhược”.

“Để cô bé nghe trộm giảng bài ở sân sau, có phải không ổn không?” Ngữ khí của y có vẻ không chắc chắn.

Vợ y cười nói: “Có gì không ổn đâu? Nếu như trước đây tôi không học trộm thì sao quen được chàng? Tôi thấy cô Thụy Nhi thông minh hiểu biết, khiêm tốn hiếu học lại có gia giáo, nếu có thể tìm được người xứng đôi ở trong thư viện của chúng ta thì cũng coi như một đoạn giai thoại.”

“Đây chính là lo lắng của tôi.” Thầy Hoài Anh thở dài, “Vị tiểu thư này quả thực phong thái bất phàm như nàng nói, nhất định là con cháu nhà tiếng tăm. Cách nhìn về dòng dõi của triều ta rất sâu, con em trong trường học bình thường sao có thể xứng đôi với nhà tiếng tăm? Cô bé hiếu học như thế, tôi không đành lòng chặn ngoài cửa, chỉ là… cô bé tuyệt đối không được cành mẹ đẻ cành non, làm loạn quy củ của thư viện.”

Đôi vợ chồng họ vừa nói một vừa khép cửa đi vào. Thôi Lạc Hoa nghe xong những lời này, đi ra từ chỗ núp cười lạnh một tiếng. Ai ngờ người phụ nữ có chồng kia vẫn chưa đi, nghe thấy động tĩnh lại mở cửa nhìn ra ngoài, liếc mắt một cái đã thấy Thôi Lạc Hoa. Thôi Lạc Hoa bị nàng ấy phát hiện, dứt khoát trang nhã gật đầu làm lễ.

Người phụ nữ trẻ nghi ngờ hỏi: “Xin hỏi vị phu nhân này có việc gì thế?” Thôi Lạc Hoa khiêm tốn cười: “Đến vì công tử nhỏ nhà tôi.” Người phụ nữ trẻ bảo: “Nếu như tìm người thì có thể đến cửa Tây thông báo tìm kiếm.” Thái độ nàng ấy ôn hòa, Thôi Lạc Hoa cũng tỏ biểu cảm dịu đi, lắc đầu nói: “Công tử nhỏ nhà tôi một lòng muốn vào thư viện đọc sách nên tôi thay phu nhân nhà tôi đến đây xem thực hư.”

Người phụ nữ trẻ quan sát Thôi Lạc Hoa tỉ mỉ, thấy khí chất của nàng ấy cao quý, trong lòng không sao đề phòng được, mở cửa ra nói: “Nếu bà không chê, mời vào cho phép ngu phụ dâng một chén trà xanh.” Lời này chính hợp ý của Thôi Lạc Hoa, hơi từ chối rồi theo nàng ấy đi vào.

Bên trong cửa nhỏ là sân sau của thư viện, nơi ấy vô cùng rộng rãi sạch sẽ, còn trồng nhiều hoa và cây cảnh, hương thơm trong không khí làm người ta vui vẻ thoải mái. Thôi Lạc Hoa thầm khen ngợi, sau khi cùng người phụ nữ trẻ vào nhà ngồi thì khen vài câu. Người phụ nữ trẻ vô cùng dễ chịu, nhanh chóng dâng trà thơm chân thành nói rằng: “Nhà tôi chính là thư viện tư thục, nếu bà có nghi hoặc, không ngại để chàng tới giải thích cho bà nhé.” Thôi Lạc Hoa đang có ý gặp Lý Hoài Anh một lần, vội nói cám ơn.

Ngăn cách giữa nam nữ ở nước phía Bắc vốn không nghiêm, nhưng sau khi vào phòng Lý Hoài Anh tỏ thái độ hết sức cẩn thận, con mắt không tùy tiện liếc bừa một khắc nào, nói năng cũng có chừng mực. Thôi Lạc Hoa thấy người trẻ tuổi này chẳng qua chừng hai mươi, tướng mạo chỉ có thể nói là đoan chính thanh tú, nhưng lại trầm ổn làm lòng người sinh tôn kính như thế, bởi vậy cũng không khó giải thích vì sao Chân Ninh lại thán phục y đến thế.

Lúc tùy tiện bắt chuyện, nàng ấy biết được Lý Hoài Anh vốn là người xuất sắc trong trường thái học (cấp học cao nhất thời phong kiến). Từ hơn trăm năm trước nước nhà đã cho phép tài tử các nơi vào trường thái học, kết quả đến đời tiên đế, thái học sinh đã đạt hơn hai nghìn, con em trường thái học cũng khó mà làm quan hết được. Lý Hoài Anh không có xuất thân cao quý, năm ngoái bèn rời trường thái học thành thân, không lâu sau lại đến thư viện Minh Đức dạy học.

Mặc dù chỉ nói chuyện phiếm trong khoảnh khắc, Thôi Lạc Hoa đã lấy được manh mối nguy hiểm từ trong miệng Lý Hoài Anh. Nàng ấy đặt chén trà xuống, mặt lộ vẻ buồn rầu: “Thực ra phủ chúng tôi đã mời thầy riêng cho công tử nhỏ. Đó là một người thầy trong gia đình có truyền thống bác học uyên thâm. Thế nhưng chẳng biết tại sao, công tử nhỏ không thích cặm cụi ở nhà, nhất định phải tới trường chung học. Thầy Lý cảm thấy trường chung hay gia đình có truyền thống học, cái nào tốt hơn, cái nào kém hơn?”

Lý Hoài Anh nghiêm túc trả lời: “Gia đình có tiếng học giỏi thường cần dựa vào sự nỗ lực của mấy đời thậm chí mười mấy đời người mới có thể làm nên trò trống. Riêng sự “kiên trì bền bỉ” này thôi đã khiến người ta khâm phục. Bất luận thời cuộc như thế nào, gia đình có tiếng học giỏi có thể thừa kế nghiệp cha, truyền tiếp học vấn. Đây là cống hiến đối với nước nhà, cũng làm người ta kính trọng. Văn nhân các nơi đều hướng tới danh sĩ phong lưu, đua nhau tìm đến cậy nhờ, học vấn có thể thúc đẩy giúp nhau. Đủ ba điều ấy có thể làm được công tích lớn.”

Thôi Lạc Hoa cũng xuất thân từ nhà nòi, nghe xong lời của y thì rất vừa lòng, gật đầu lia lịa.

Lý Hoài Anh lại thẳng thắn nói: “Nhưng trường chung cũng có chỗ hay khác. Mạch suy nghĩ bên trong gia đình có tiếng học giỏi hữu hạn, tôn ti rõ ràng, vì đó thường xem trọng lời xưa mà thiếu đi ý mới, không khỏi đơn điệu. Học sinh trường chung đến từ năm hồ bốn biển, tuấn tài tập hợp, tầm mắt và ý tưởng càng rộng rãi, thái độ xử sự cũng có sức sống hơn.”

Thôi Lạc Hoa vừa nghe vừa quan sát, trong lòng cười thầm suy cho cùng y vẫn trẻ tuổi ngây thơ, nhẹ nhàng nói: “Người trẻ tuổi có lòng tin thế là rất tốt. Nếu như nói tầm mắt gia đình có tiếng học giỏi không bằng được con em trong trường chung, vậy tại sao trên triều đình lại nhiều con em gia đình làm quan, ít con em trong trường chung thế?”

Lý Hoài Anh cười nói: “Trong triều đình ai nhiều ai ít, chỉ có thể nói triều đình dùng người có thiên vị, sao có thể chứng tỏ được sự cao thấp của học vấn đây?”

“Ý của thầy là con em nhà làm quan đều là cậy thế mà vào, ngồi không ăn bám, chỉ có học sinh trường công mới là nhận chức nhờ tài, tuy ít nhưng tinh?”

Lý Hoài Anh đổi sắc mặt, vợ y bước lên phía trước giảng hòa: “Đâu có nghiêm trọng như vậy đâu. Hoài Anh, không còn sớm nữa, có phải chàng nên ra đàng trước coi chừng không?”

Thôi Lạc Hoa không có nhiều lời muốn hỏi nữa, cũng vội vã nói lời cảm tạ rồi cáo từ, trong lòng lại bắt đầu cảnh giác đối với lần hội ngộ này.

Tố Doanh biết được công chúa Chân Ninh ra khỏi cung để đến trường chung, sau khi kinh ngạc thì lại không lo lắng giống như Thôi Lạc Hoa. Nàng hỏi như có điều băn khoăn: “Thầy riêng ấy, theo bà, có phải Chân Ninh đối với y…”

“Việc này thì không có.” Thôi Lạc Hoa vội vàng nói, “Dường như công chúa chỉ nghe y dạy học, ngay cả mặt mũi cũng chưa từng thấy. Đây chính là điều thần lo lắng nhất.”

Tố Doanh cầm trong tay một cây trâm cài tóc, gõ nhẹ không ngừng trên mu bàn tay mình, lòng thầm nghĩ: Chân Ninh chỉ đi nghe trộm, đã học được cách bàn luận đúng sai của tể tướng ở trước mặt thánh thượng… Vậy thì thường ngày học sinh trong trường đều học những gì? Phỉ báng triều chính sao?

Thôi Lạc Hoa cau mày, trầm giọng nói: “Con em trường chung mơ mộng làm lung lay nhà làm quan cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Chẳng qua bọn họ thế đơn lực bạc, chưa từng có được cơ hội như ý. Công chúa quý vì dòng máu hoàng gia, bị bọn họ xúi giục thì trước sau không phải là chuyện tốt…”

“Không có gì đáng lo. Thôi bỉnh nghi nghĩ xa như vậy thực sự là lo lắng hão rồi.” Tố Doanh khẽ đảo mắt qua trên mặt Thôi Lạc Hoa, cắm trâm vàng vào trong tóc, thong thả nói: “Vài tên học trò có thể có năng lực lớn đến đâu chứ?”

Thôi Lạc Hoa không tiện nhiều lời, cẩn thận hỏi: “Vậy, cung nữ tên Phong Lệnh Nhu nên xử trí thế nào ạ?”

Tố Doanh cười dịu dàng: “Tạm thời làm như chuyện hôm nay chưa từng xảy ra đi. Lần tiếp theo công chúa Chân Ninh xuất cung, nếu như vẫn đến thư viện thì thầy lập tức báo tôi biết.” Nàng dời bước đến trước hoa lựu, tỉ mỉ thưởng thức sau đó cắt mấy cành cánh hoa nguyên vẹn xuống, kết những có quả lựu to nhỏ, chăm chú buộc thành một bó sai người đưa đến cung Ngọc Tiết.

“Hôm nay tôi đã gặp được thế tử của Ung vương.” Nàng nói, “Có một đứa con khiến người ta ước ao như vậy, ắt hẳn dù Ung vương rời xa kinh thành phồn hoa cũng sẽ không cảm thấy lạnh lẽo.”

Thôi Lạc Hoa biết trong cung còn rất nhiều chuyện cần Tố Doanh quan tâm, không dám dùng chuyện của con em trường chung làm phiền nàng nữa.

“Nói về động tĩnh của Đông cung đi. Gần đây y sắp trở về rồi, người trong Đông cung đều đã chuẩn bị nghênh đón xong chưa?” Nàng quay người lại, bóng lưng nhuộm sắc thu.

Thôi Lạc Hoa vội vàng đi theo, thấp giọng nói: “Nương nương yên tâm.”

Nghe được câu này, trên mặt của Tố Doanh mới lộ ra nụ cười. “Chuyện có nặng nhẹ, việc trong Đông cung quan trọng hơn, tuyệt đối không được xảy ra chuyện bất trắc. Còn về Chân Ninh, đường đường là công chúa lại lén rời cung đình, dù sao cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Việc này còn cần Thôi bỉnh nghi để ý nữa.”

Trong lòng Thôi Lạc Hoa và Tố Doanh đều mơ hồ cảm thấy Chân Ninh gần gũi con em trường chung dường như là điềm báo nguy hiểm, nhưng họ chẳng tài nào ngờ được, trong một năm sắp tới, kẻ thư sinh mà họ khinh thường lại sắp làm đến thân vương, nhà hậu – dòng họ quý tộc quyền uy nhất – cũng không dám hành động thiếu suy nghĩ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.