Bộ Thiên Ca

Chương 44: Thi vấn đáp[1]



[1] thể văn thi cử ngày xưa, thường hỏi về các vấn đề chính trị hoặc kinh tế để người ứng thí đối đáp. Ở đây không thi vấn đáp trực tiếp mà qua việc viết văn.

Từ đó về sau A Thọ và Tề Nhi ở cung Đan Xuyến. Tuổi Tề Nhi quá nhỏ, Tố Doanh đặc biệt điều bốn cung nữ chăm sóc cô bé, có thể nói là sắp xếp tỉ mỉ chu đáo. Lúc A Thọ mới tới như thể đã không còn nhớ cung Đan Xuyến, sau vài ngày lại quen thuộc, cả ngày đi đi lại lại trong cung, hoàn toàn không hề có cảm giác xa lạ.

Tất cả mọi người trong cung đều thích khiến A Thọ nói chuyện, đi lại. Lúc đứa bé này rời đi đã có thể nói được nhiều từ, không biết có phải không ai chịu khó dạy cậu bé hay không mà cho đến nay cậu vẫn biết nói rất ít. Tố Doanh dốc lòng dạy dỗ, chưa đầy mấy ngày, cậu bé đã vịn lấy long sàng gọi “Bệ hạ”.

Hoàng đế đang trầm tư suy nghĩ, bị cậu bé gọi thì không khỏi nở nụ cười với cậu: “Cái áo khoác nhỏ này rất vừa vặn. Nhìn hơi quen.” Hắn sờ áo khoác màu xanh da trời trên người A Thọ. Chỗ gần cổ áo có một chấm màu nâu lớn ở gần mũi kim, hình như là vết máu do vô ý đâm phải lúc thêu thùa may vá. Hắn thấy thì không nói gì nữa. Chuyện Tố Doanh muốn làm luôn có vẻ như bị gián đoạn, không có triển vọng. Cuối cùng hắn lại phát hiện, chuyện nàng muốn làm đều đã hoàn thành rồi.

Tố Doanh thông minh kéo A Thọ sang bên cạnh, nhỏ giọng nói với cậu bé: “Bệ hạ luôn có chuyện quan trọng, con không được quấy rầy.” Hoàng đế thấy nàng nói với một đứa bé trịnh trọng như thế thì lại cười nói: “Không phải chuyện gì quan trọng. Chỉ là ngày đó nghe thấy lời của Lý Hoài Anh, ta vẫn không bỏ được. Gần đây trong triều đình, người giống như y càng ngày càng ít. Liệu có phải vì ta và tể tướng đã già rồi nên cả triều đình đều mất đi sức sống không?”

Chân Ninh đi theo cùng Tố Doanh cười hì hì phát biểu ý kiến khác: “Tể tướng đã già là sự thật. Nhưng phụ hoàng thì không đâu. Triều đình mất đi sức sống nhất định là bởi vì hắn, có quan hệ gì với phụ hoàng chứ?”

Tố Doanh nghe hoàng đế nhắc tới khuyết điểm trong việc dùng người mà Lý Hoài Anh nói thì đã đoán được hắn muốn làm gì. Hắn không muốn sau khi chết có một tể tướng quá mạnh ở bên cạnh đứa cháu yếu ớt của hắn. Tố Doanh cười đề nghị: “Cá chép đầy ao quả thực không được trôi chảy lắm, thả mấy con cá chạch vào chưa chắc đã không phải là chuyện thú vị.”

“Hoàng hậu nương nương nói không sai.”

Chân Ninh đã đợi cơ hội này từ lâu, lúc bấy cười hì hì góp ý với cha: “Người xưa có thể ban bố lệnh cầu hiền, chiêu mộ anh tài thiên hạ, lẽ nào phụ hoàng lại không thể sao? Triều ta vẫn chưa từng có loại hành động tài đức sáng suốt này, phụ hoàng khơi dòng lại là một việc thiện đấy.”

Hoàng đế chỉ vào Chân Ninh cười nói với Tố Doanh: “Đứa nhỏ này quả thực có chút kiến thức đúng không?”

Trong khi cười nói, hắn liền quyết định ban bố lệnh cầu hiền với thiên hạ. Tố Doanh không rõ là đề nghị của nàng làm hắn cảm động hay là hắn đã thấy trước được hành động của nàng, chỉ chờ nàng đặt cái bàn đạp này.

Chưa được mấy bữa, tin tức này đã lén truyền đi khắp kinh thành làm lòng người rung động. Sau khi Tố Lan biết được thì đứng ngồi không yên, nhanh chóng vào cung đi gặp chị mình, vừa thấy liền hỏi chuyện cầu hiền.

Tố Doanh quan sát nàng ấy từ trên xuống dưới, cười bảo: “Chuyện này đã được quyết định rồi. Nhưng cô gấp gáp thế này là cớ làm sao?”

Tố Lan mỉm cười nói: “Trong nhà em có hiền tài không vào làm quan, tất nhiên là em sốt ruột thay y.”

Tố Doanh bật cười khanh khách: “Bản lĩnh cưỡi ngựa, uống rượu của Vân Thùy tuyệt vời. Nhưng nói đến văn chương thì…”

Tố Lan bèn vội vàng nói: “Chị không cần băn khoăn chuyện ấy, chỉ cần chờ xem thôi!”

Đến ngày lệnh cầu hiền được cáo thị trước thiên hạ, Tố Lan ngồi xe trâu đến xem. Rương đồng thau cao ba thước đặt trên đôn đá, miệng thú há to, đợi tài tử hiền sĩ gửi văn chương đến. Trước bảng cáo thị người đông tấp nập, quan trông coi cáo thị không ngừng lớn tiếng tuyên đọc với quần chúng.

Sau khi tận mắt thấy cảnh ấy, Tố Lan sai người làm đến am Liễu Chân xin quẻ.

Hôm ấy không phải ngày hội lớn nhưng hương khói bên trong am Liễu Chân rất thịnh. Tố Lan đến trước Tam Thanh ngồi xuống thờ cúng nhang đèn, lặng lẽ cầu khấn, sau đó xin một quẻ rồi đi tìm bán tiên trong lời đồn để đoán quẻ.

Kẻ đoán quẻ được gọi “Ngôn bán tiên” kia là một lão già, tướng mạo không tầm thường nhưng thiếu mất một lỗ tai. Nàng ấy vừa nhìn thấy thì hơi e dè, lão già lại cười khẽ với nàng ấy, vẻ mặt vô cùng ôn hòa nhân hậu. Tố Lan bỗng động lòng, lấy quẻ ra cho lão giải thích.

Lão già nhìn một lát, cười bảo: “Nữ thiện nhân cầu một thẻ nhưng lại hỏi về tương lai của hai người.”

Tố Lan ngẫm lại thấy lời ấy không sai, mỉm cười gật đầu đồng ý.

“‘Ngựa tiến lên từ tốn như có trình tự, trăng lặn biển tây mặt trời mọc ở phương đông. Vận tới không cần phí sức lực, gió quét sạch vạn dặm bốn phương.’ Quẻ này nói chuyện tốt thong thả tới chậm, bây giờ trăng lặn mai sau mặt trời lên thì bừng sáng, đường phía trước tiêu dao.”

Tố Lan nghe xong vui mừng quá đỗi, lập tức lấy ra một xâu tiền, cảm ơn luôn miệng. Lão già còn muốn nói gì nhưng thấy nàng ấy vui mừng như vậy thì nuốt những lời phía sau xuống, lại hỏi: “Nữ thiện nhân cần gì phải cầu một quẻ không vì mình?”

Tố Lan cười: “Phú quý không lo, áo cơm không sầu.”

Lão già gật đầu: “Tương lai nữ thiện nhân cũng ở trong quẻ.”

Tố Lan nói: “Không sai.” Dứt lời bèn đứng dậy định đi. Cuối cùng lão già kia vẫn không nhịn được, nói tiếp: “Xin nữ thiện nhân đợi đã. Còn có một lời giải quẻ chưa báo cho biết.” Tố Lan dừng chân lại, thấy lão đắn đo chốc lát rồi mới giảng giải: “Một câu ‘gió quét bốn phương’ lại là điềm chia lìa… Gió thổi trên nước có ý là tán loạn. Tiêu dao trong quẻ ám chỉ một người trong tên có bộ thủy ly tán. Nhật nguyệt chia lìa, mây nước xa nhau, phúc cũng đã tới[2].”

[2] Người trong tên có bộ thủy là Tố Lan. Chữ 澜 (Lan) có bộ ⺡(Thủy). Mây là Vân Thùy.

Tố Lan đổi sắc mặt, lúng túng ậm ờ hai câu, trong lòng có thêm tiếng sấm u ám. Nàng ấy vốn là người có ý chí kiên định, gì mà lời của đạo sĩ, lời sấm lưu truyền, tất cả trong lòng nàng ấy đều là mong muốn của mình. Nàng ấy hơi tin lời của bán tiên nhưng nàng ấy càng tin tường mình có cách hóa giải vận rủi hơn. Huống hồ gì quẻ cũng nói tương lai Vân Thùy xán lạn, nàng ấy nghĩ tới đây thì mặt mày hoan hỉ. Dọc đường nàng ấy đã nghĩ xong cái cớ, tự tin hoàn toàn nắm chắc có thể nói khiến Vân Thùy tham gia thi vấn đáp.

Ai ngờ kế hoạch hoàn mỹ của nàng ấy chỉ nói được một nửa, Vân Thùy đã không ngừng lắc đầu: “Tôi không giống những kẻ quen mưu tính hại nhau ấy. Bảo tôi lăn lộn chốn quan trường, sao tôi có thể ứng phó được?”

Tố Lan cười nói: “Có chị tôi và cha chàng, chàng phí sức gì chứ?”

Vân Thùy lại lắc đầu, khinh thường bảo: “Cậy thân cậy thế, xem sắc mặt người, còn phải dựa vào tên tuổi của cha và chị nàng… Tôi cứ như bây giờ không tốt sao? Cần gì phải đi tìm chuyện không thoải mái này?”

Tố Lan hơi nóng nảy, vô ý lên giọng: “Ở nhà ăn ngon mặc đẹp không phí sức. Chỉ nghe các nơi báo sổ sách lên là ăn mặc cả năm không phải lo. Cả ngày không cưỡi ngựa săn thú thì là ngâm thơ uống rượu. Lẽ nào chàng cứ tạm bợ như vậy cả đời sao? Là có thể “thoải mái” sao?”

Vân Thùy thấy nàng ấy nóng giận khó giải thích, trong lòng cũng chẳng thoải mái, trợn mắt nói với Tố Lan: “Nàng đột nhiên nổi điên đấy à?”

Tố Lan khuyên bảo hết nước hết cái: “Ngày tháng nhàn nhã của chàng là từ đâu ra? Chàng cho rằng ai cũng có thể buôn muối ư? Chàng có thể kiếm được ít bạc này, sống những ngày tháng tốt đẹp bởi vì cha chàng là tể tướng, người có quyền lựa chọn để cho con mình sống cuộc sống như thế nào. Không còn cha thì chàng còn có thể thong dong như thế? Một câu nói của triều đình là có thể giao việc buôn ‘muối’ này cho người khác. Có nhiều tiền hơn đi chăng nữa thì chỉ một câu của triều đình là có thể làm chúng ta trắng tay! Chàng muốn sống tiêu sái thì yếu tố đầu tiên phải là người có quyền lựa chọn cuộc sống!”

Vân Thùy chỉ vào Tố Lan, cả giận nói: “Chẳng qua nàng mê làm quan mà thôi! Làm quan thì có quyền lựa chọn cuộc sống của mình? Người ta thường bảo tình quan bạc như giấy. Nếu như cha sảy chân, dù tôi làm quan thì có thể gỡ tội mấy phần? Có thể lay động hoàng đế, lay động người cũ? Tố Lan, tôi đã lựa chọn cuộc sống của mình. Tôi chỉ nói với nàng một câu: Nếu như lúc nào nàng cũng nhìn chằm chặp vào triều đình thì dù tôi có làm được như cha, nàng cũng không sống yên được. Nàng không nhìn nữa không phải xong rồi sao?”

Tố Lan thấy dáng vẻ hung tợn của y, ấm ức nói: “Trong cuộc sống mà chàng lựa chọn, mỗi ngày tôi chỉ cần thu vén việc nhà, nuôi con dưỡng cái phải không? Theo ý của chàng, tôi là người đàn bà có con mắt thiển cận, không biết một chữ, thực ra chỉ là một ả đàn bà mà thôi… đúng không?”

Vân Thùy im một khắc, miệng vẫn không chịu thua, cười khẩy bảo: “Sao có thể giống nhau? Bản lĩnh của nàng lớn hơn bọn họ. Nếu như nàng thích thì tự mình đi tham gia thi vấn đáp chắc cũng không thành vấn đề đâu nhỉ?”

Tố Lan nghe ra giọng điệu móc mỉa của y thì vô cùng bực bội, lấy một xấp giấy từ trong tay áo ra, nói một cách lạnh lùng: “Vân Thùy, không phải là tôi không làm được. Nhưng trời sinh tôi là phụ nữ, cả đời này tôi chỉ có thể được thơm lây nhờ chồng thôi.”

Vân Thùy giật mình thấy văn chương dào dạt của nàng ấy, lại thấy trên đầu đề viết tên của mình. “Nàng đã viết thay tôi rồi?” Y không nhịn được mà kinh ngạc kêu: “Nàng muốn ép tôi lựa chọn một cuộc sống không hề hứng thú chút nào để mình có thể sống cuộc sống mình muốn?”

Tay Tố Lan đè lên một tờ trong bài văn, bình tĩnh nhìn chồng mình. Chỉ thấy y tiếc rẻ lắc đầu, không nhìn một trang giấy nào, xoay người rời đi. Nước mắt Tố Lan lập tức rơi xuống, cảm thấy y không chỉ đưa lưng về phía một trang giấy mà còn là toàn bộ sự chờ mong của mình. Nàng ấy nắm áng văn chương lên, muốn dùng sức xé đi nhưng thoáng chốc lại ngừng tay.

Bài văn hay như vậy… bị nước mắt làm ướt rồi.

Nàng ấy lại xem một lần, càng cảm thấy đau lòng, lau khô nước mắt rồi sao chép lại lần nữa, dường như giận dỗi mà viết xuống hai chữ “Tố Giản” ở chỗ ký tên. Thừa dịp cơn giận này còn chưa tan, nàng ấy định quay lại trước bảng vàng, gửi bài văn vào trong rương đồng.

Lý Hoài Anh đã dẫn Phùng thị dọn về thư viện Minh Đức, hôm nay cũng ở trong đám người, nghe quan trông coi cáo thị tuyên đọc việc tham gia thi vấn đáp. Một câu “chẳng phân biệt học trò bình dân, bất luận xuất thân” càng kích động lòng người, các học trò cùng y xem bảng cáo thị hết sức phấn chấn, rất nhanh toàn bộ thư viện Minh Đức chạy đi bảo nhau, đều tận mắt đi xem bảng vàng.

Từng anh học trò xắn tay áo lên, phát huy hết những điều học được cả đời một cách vô cùng nhuần nhuyễn, ngày nào bên trong cũng nhao nhao gửi bài văn trả lời nhà vua về sách lược trị nước. Lý Hoài Anh cũng dốc hết tâm huyết, làm một bài văn như vậy.

Trong vòng ba ngày rương đồng trong kinh thành đã đầy, rương rỗng được thay lại đầy vào chạng vạng ngày thứ năm. Sau khi Tố Doanh biết được thì liên tục chúc mừng hoàng đế: “Chỉ cần một câu nói của bệ hạ thì khắp gầm trời đều nguyện hiến kế hiến sách lược trị nước.” Hoàng đế trông Tố Doanh và A Thọ, cười thản nhiên hỏi: “Tể tướng quyền nghiêng triều đình, một người độc quyền. Thiên hạ biết rõ như vậy nhưng vẫn phấn khởi sẵn sàng góp sức. Nàng biết vì sao không?”

Tố Doanh giả bộ suy nghĩ, thấy bên cạnh toàn là người kín miệng như bưng, mới thong thả mà trả lời: “Tuy trong triều có tể tướng nhưng cũng có thể truyền tiếng nói của mình đến hoàng đế.”

Hoàng đế vừa mỉm cười trêu đùa A Thọ, vừa nói: “Thật không ngờ, phản ứng đầu tiên của hoàng hậu đối với triều đình lại chỉ có triều thần mà không có ta!” Tố Doanh cuống quýt nhận tội, nghe hắn ôn hòa nói: “Bọn họ đua nhau đến đây là bởi vì ta rất ít thiên vị trong triều chính, cũng rất ít can thiệp vào lời bàn của bọn họ. Tiếng nói của tể tướng tuy mạnh nhưng những tiếng nói khác cũng có không gian tồn tại. Ta cho bọn họ hy vọng. Ở trong triều đình của ta, họ luôn có dũng khí tranh chấp tiếp.”

Tố Doanh yên lặng nhớ kỹ, ngượng ngùng nói: “Bệ hạ nhìn xa trông rộng! Tầm mắt, trí tuệ của thiếp thua xa bệ hạ, thật là xấu hổ.”

Hoàng đế xoa trán của cháu mình, thở thật dài: “Sau này A Thọ cũng có thể hiểu được đạo lý này thì tốt rồi.”

Sau bảy ngày rương đồng phân phát ở các nơi được cất đi, vận chuyển trở lại kinh thành. Tố Lan nghe tể tướng nói, lần này thu được hơn tám trăm bảy mươi bài văn trả lời nhà vua về sách lược trị nước. Mặc dù Tố Lan tự tin nhưng không khỏi thầm nhủ trong lòng: Không biết trong hơn tám trăm bài văn, liệu có kiếm sắc giấu mình. Không biết trình độ của mình xếp hàng thứ mấy ở trong đó. Nàng ấy không nói cho bất cứ kẻ nào biết hành động ngông cuồng của mình, cũng không muốn bị người ta chỉ trích, nói nàng ấy thân làm đàn bà mà cả gan làm loạn, cũng lo sách lược của mình như đá chìm đáy biển khiến giễu cợt càng nhiều.

Đến hôm công bố bảng hiền, Tố Lan mượn cớ thăm chị vào cung Đan Xuyến từ sớm. Tố Doanh còn nói nàng ấy sốt ruột về tương lai của Vân Thùy, tiếc rẻ bảo: “Nửa canh giờ trước, bảy mươi bài văn của người hiền đã xé niêm phong. Tôi lén lút hỏi thánh thượng, trong đó không có Vân Thùy đâu…” Tố Lan hậm hực cười nói: “Nương nương bận lòng về y uổng công rồi! Y hoàn toàn không gửi bài văn về sách lược trị nước.”

Tố Doanh đã đoán được sự việc sẽ như thế từ lâu. Nàng biết em gái mong đợi vào em chồng rất cao, an ủi: “Với tính cách của Vân Thùy, để cho y vào làm quan chưa chắc đã là tốt. Vợ chồng các em ân ái, mỗi ngày nhàn nhã thong dong, dù cho làm hoàng hậu cũng không có được cuộc sống này!”

Tố Lan cúi đầu không nói, một lát sau mới hỏi: “Không biết người xuất sắc phương nào lên tiếng làm kinh ngạc?”

“Tôi cũng có biết đâu.” Tố Doanh nói xong thì chuyện phiếm với em gái một hồi, một quan hoạn tới cung Đan Xuyến truyền lời: “Thánh thượng vời nương nương đi một chuyến.”

Tố Doanh để Tố Lan ở lại, còn mình vội vàng đến các Chiêu Văn. Vừa đi vào, nàng đã nhìn thấy Chân Ninh và quan coi văn về sách lược trị nước đều ở đấy. Theo quy củ, công chúa không được vào các. Hơn nữa đại thần ở trong các, hoàng hậu cũng không nên tới. Nhưng Tố Doanh đoán được hôm nay liên quan đến tương lai của Lý Hoài Anh, Chân Ninh nhất định phải tùy hứng mà tận mắt xem. Về phần có chuyện lớn gì mà muốn phá lệ tìm nàng thì nàng lại không nghĩ ra.

Hoàng đế cầm lấy một xấp giấy từ trên án thư, nói: “Nàng xem cái này đi.”

Tố Doanh thấy giấy niêm phong hoa vàng nền đỏ, biết là bài văn trả lời vua về sách lược trị nước mới vừa mở niêm phong. Bài văn đã được người chuyên trách sao chép, chữ tròn trịa đẹp đẽ dường như cố che giấu thân phận của người viết. Tố Doanh không biết vì sao lại bảo mình xem, nhận vào tay liền nghe được hoàng đế nói: “Bài văn tuyệt diệu, sách lược thần kỳ. Nàng xem tên người ở đầu đề đi.”

Vừa thấy đầu đề, Tố Doanh cũng sửng sốt kêu “ôi” một tiếng: Mặt trên giấy viết năm chữ “Tố Giản phủ Bình vương”.

Chân Ninh ở bên chơi chữ châm biếm: “Phủ Bình vương thực đúng là nhân tài đông đúc! Có người con gái như hoàng hậu, có võ tướng như quận vương Lan Lăng, bây giờ lại có thêm một kẻ có tài hơn người… Nương nương, người này thật sự là người trong phủ Bình vương sao?”

Tố Doanh chớp mắt, thực sự không nghĩ ra người này là ai, khó xử nói với hoàng đế: “Trong phủ đều là họ Tố, trong chốc lát thiếp cũng không biết là người nào. Huống hồ lâu rồi thiếp chưa từng về nhà, môn khách, thân thích lại lui tới không ngừng, không biết rốt cuộc trong phủ có nhân vật số một này không.” Hoàng đế cười nói: “Bài văn này không hề tầm thường. Người không biết sự nông sâu của triều đình thì sao có thể viết ra khí phách như vậy? Chẳng lẽ không phải các anh em của hoàng hậu?”

Tố Doanh toát mồ hôi nói: “Tuổi tác của đám em trai thiếp còn nhỏ quá, huống hồ cũng không dùng tên gọi này.” Nàng lại liếc mắt nhìn hai chữ “Tố Giản”, đột nhiên thầm giật mình, đùn đẩy theo bản năng, nói: “Có lẽ là ai vui đùa, viết ba chữ ‘phủ Bình vương’ lên, hi vọng thuận lợi qua cửa mà thôi!”

“Đây chính là bài văn đứng đầu, sao lại cần mượn nhà hậu để nổi danh?” Hoàng đế suy nghĩ một lát rồi nói, “Nếu hoàng hậu không biết, vậy gọi Bình vương tới hỏi là biết thôi.”

Tố Doanh vội vàng bảo: “Không cần phiền vậy đâu ạ. Em gái thiếp đang ở trong cung. Từ nhỏ trí nhớ của nó đã siêu phàm, nhân vật, họ tên đã gặp qua là không quên được. Thiếp đi hỏi nó là biết ngay.” Nói xong không để ý tới nhiều lời khách sáo nữa, cuống quýt trở về cung Đan Xuyến.

Chân Ninh chờ Tố Doanh đi rồi, chất vấn quan coi văn về sách lược trị nước: “Chỗ này chính là toàn bộ văn của kẻ hiền sao?” Quan coi văn trả lời: “Vâng ạ. Trong tám trăm bảy mươi hai bài văn, toàn bộ bảy mươi bài tốt nhất đều ở chỗ này.” Chân mày của Chân Ninh càng nhíu chặt hơn, nói: “Sao không tìm thấy bài văn của một người tên là Lý Hoài Anh?”

Nếu không có thì chắc chắn không đủ hay. Nhưng cô bé có lòng quan tâm Lý Hoài Anh, quan coi văn cũng không tiện nói thẳng, dứt khoát không đáp. Chân Ninh lại càng bạo, nói với hoàng đế: “Phụ hoàng, người cũng biết học thức lời lẽ của thầy Lý mà. Chỉ là sách lược trị nước sao có thể làm khó y? Con thấy trong đó nhất định có điểm lạ. Chi bằng mang sách lược trị nước của y tới xem thử nhé?”

Hoàng đế đoán trước đây cô bé đề nghị thi vấn đáp chính là vì cất nhắc Lý Hoài Anh, lúc này không thấy bài văn của Lý Hoài Anh thì chắc chắn không chịu bỏ qua. Nhưng hắn không dung túng Chân Ninh, nghiêm mặt trách mắng: “Con còn nhỏ tuổi, sao dám vô lễ với đại thần triều đình? Mau ra ngoài!”

Chân Ninh cũng biết phụ hoàng không thể vì một người mà phá hỏng quy củ, huống hồ còn có tám trăm bài văn về sách lược trị nước thi trượt, phúc thẩm vì một mình Lý Hoài Anh thì phải đối đãi với những người còn lại thế nào đây? Cô bé bĩu môi đi ra, bước nhanh chạy đến điện Tập Hiền để bài văn về sách lược trị nước, nói với người ở bên trong: “Lập tức tìm bài văn của Lý Hoài Anh ngay.” Các học sĩ này nhìn nhau, không biết công chúa nhỏ đột nhiên chạy tới là vì cớ gì. Chân Ninh thấy bọn họ không nhúc nhích thì giận dữ nói: “Số giấy này đã vô dụng, hai ngày nữa sẽ bị thiêu hủy, sao hôm nay không thể cho ta? Lập tức tìm cho ta!”

Một gã học sĩ khom người nói: “Điện hạ, một khi bài văn về sách lược trị nước bị mở niêm phong, mặc dù vô dụng nhưng cũng không thể lấy ra khỏi đây. Bằng không…” Gã còn chưa nói hết, Chân Ninh đã tiến lên một bước đoạt lấy một xấp, nhảy ra ngoài điện, lật tung xấp giấy trong tay bảo: “Không phải đã lấy ra rồi sao?” Lật xong thấy trong đó không có Lý Hoài Anh, cô bé lại nói với học sĩ: “Mau tìm cho ta. Có người chỉ trích thì các ngươi cứ nói ta muốn xem. Cứ đẩy lên trên người ta, thích nói thế nào thì nói thế đó thôi!”

Vài học sĩ lớn tuổi tỏ ý bảo mọi người không cần để ý đến việc cô bé cố tình gây sự. Chân Ninh chơi xỏ không thành, giận tái mặt quyết tâm cho bọn họ biết tay. Trong đám học sĩ có một người từng thấy bài văn về sách lược trị nước của Lý Hoài Anh, quý trọng tài ba của y, thừa cơ rút tờ giấy kia ra nói: “Công chúa bớt giận, bài văn về sách lược trị nước ở chỗ này.”

Chân Ninh đoạt được giấy, mừng khấp khởi cầm đến trước mặt hoàng đế, nói: “Phụ hoàng, người xem bài này có hay không?” Hoàng đế đã biết trước cô bé sẽ không chịu buông tha, trách cứ hai câu liền đón lấy xem lướt qua. Hắn nhìn từ đầu tới cuối, tra hỏi quan coi văn về sách lược trị nước: “Khanh đã xem sách lược trị nước của Lý Hoài Anh chưa?”

Quan coi văn nói thẳng: “Thần từng tận mắt thấy.”

“Sách lược như vậy, vì sao lại chìm mất?”

Quan coi sách lược cũng là người ngay thẳng, thẳng thắn vô tư nói: “Bệ hạ, từ ngữ của người này tinh diệu nhưng mà bàn việc rất cực đoan. Hễ có chuyện không hợp ý y ở trên cõi đời thì bèn thêm mắm dặm muối, lời lẽ ngông cuồng tràn đầy giấy, muốn đập nát triều đình rồi dán lại.”

Hoàng đế cười nói: “Khanh có cho rằng thói xấu đương thời mà hắn tuyên bố là tình hình thực tế không?”

Quan coi sách lược không thể trả lời vấn đề của hắn, nói lảng tránh: “Thần cho rằng thứ bệ hạ tìm kiếm chính là người có ích với triều đình. Thần cho rằng người như vậy nên biết làm yên lòng người như thế nào, xóa bỏ thói xấu đương thời. Ví dụ như Tố Giản đứng đầu. Thần thấy bài văn về sách lược của hai người này, chỉ cảm thấy với tình cảm mà Tố Giản ôm ấp, nếu đi làm nghề y, gặp phải người mắc bệnh không thể chữa, người bệnh cực kỳ đau đớn, hắn có thể càng cố gắng hơn so với bình thường, phát huy tất cả khả năng ra để cứu. Còn tên ngông cuồng như Lý Hoài Anh lại muốn giết người để cứu người! Sách lược trị nước như vậy làm sao có thể xưng là văn của kẻ hiền?”

Hoàng đế khẽ cười nói: “Ái khanh, khanh cảm thấy nếu trong triều không có Lý Hoài Anh, chỉ dựa vào Tố Giản có thể nhìn ra bệnh nan y đang tồn tại sao? Lý Hoài Anh chính là người phát hiện ra chứng nan y kia đấy!” Hắn cảm thán từ đáy lòng: “Nếu có được hai người này, tình cảnh của triều đình nhất định không giống như xưa.” Quan coi sách lược còn muốn kháng nghị, lại bị hoàng đế cười ngăn lại: “Ái khanh dốc lòng, trẫm đã hay. Người này rất hiếm có, trẫm không đành lòng vứt bỏ. Có thể là người đứng đầu cùng Tố Giản.”

Quan coi thi sách lược buồn bã nói: “Thần lo lắng bệ hạ lấy lời bàn ấy là người đứng đầu sẽ dẫn tới làn gió công phá triều đình từ thiên hạ.”

Chân Ninh nghe được phụ hoàng liệt Lý Hoài Anh vào vị trí đầu, mừng rỡ trong lòng, không cho quan coi thi sách lược lại làm rối nữa, thế là chen miệng nói: “Đại nhân lấy đâu ra hai chữ ‘công phá’? Thiên hạ há có dân chúng căm hận triều đình? Người như thầy Lý chỉ là hy vọng lời bàn mạnh mẽ đánh thức người đời mà thôi.”

Hoàng đế nhẹ nhàng gật đầu: “Ta đã từng gặp Lý Hoài Anh. Thật chờ mong Tố Giản lộ mặt!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.