Ngày lại ngày, tôi càng thêm ghét trường lớp. Tôi không muốn học những thứ chó chết ấy nữa, không muốn mất thêm tí thời gian nào ở đó. Tôi đã có tất cả những gì có thể ở chốn đó. Chỉ nghĩ đến việc còn lại những hai năm nữa đã khiến tôi phát điên. Nghĩ đến những kỳ thi cuối cùng, rồi lại những bài kiểm tra về nghiệp vụ văn phòng, tốc ký, tư thế và dáng điệu, tin học khiến đầu tôi muốn vỡ tung. Nhìn ông thầy như con gà mái mẹ trên bục giảng, tôi tự hỏi ông ta đến đây làm gì… Tôi muốn vào đại học, tôi muốn vào đại học, tôi muốn ở một mình, tôi muốn ở một mình. Nếu cứ ở rịt tại cái trường này, thì cuộc đời còn gì cho tôi? Kiếm được việc làm, đi làm, thi đại học… Tôi sẽ chết vì kiệt sức. Những môn duy nhất tôi thích là ngôn ngữ và chính trị, nhưng thầy giáo lịch sử của tôi cũng phải dạy nhiếp ảnh cho năm thứ hai, vậy nên học kỳ hai của chúng tôi không có tiết lịch sử. Cuộc sống của tôi giờ giống như một quả đạn mất phương hướng, và tôi biết rằng sớm hay muộn nó sẽ đâm vỡ tan tành.
Tôi ghét trường nhưng lại thích lớp của tôi. Đúng ra là tôi thích cái không khí uể oải, lờ đờ, và có cái gì đó ngọt ngào ở đó, tôi thích một vài bạn cùng lớp và một vài thầy cô. Tôi rất biết ơn cô chủ nhiệm, cô Vương, vì đã làm nhiều điều dễ chịu cho tôi. Trong một môi trường khắc nghiệt, tôi được tương đối tự do là nhờ cô. Mặc dù chẳng còn được đi lại dễ dàng nữa, nhưng tôi vẫn cảm thấy cảm động, tôi nghĩ cô cũng hiểu tình cảm của tôi.
Vào lúc sắp tròn mười lăm tuổi của cuộc đời, một đôi khi, tôi đụng phải hiện thực đau đớn trong lúc theo đuổi những giấc mơ của mình. Tôi biết tôi có quá nhiều suy nghĩ, nhưng chúng không hề tăm tối. Tôi biết rõ mình muốn gì, và mình đang làm gì.
Điều giờ đây tôi cần là lo cho bản thân mình.
Tôi cần một căn phòng để làm những gì tôi muốn mà chẳng đụng chạm đến ai, để được tự do làm điều tôi thích.
Tôi biết một ban nhạc ở Khai Phong tự gọi mình là Tinh Nõan. Các thành viên của Tinh Nõan gửi cho tôi vài bức ảnh quảng cáo đen trắng, đều là ảnh chụp Giả Giai. Các bức ảnh được chụp ở một ngôi trường, trong những tòa nhà hoang, trên đường phố Khai Phong, và trước cửa nhà họ. Ban nhạc gồm có: Bạch Kiến Thu (bass), Ngô Thụy Tiên (guitar), Giả Giai (ca sĩ chính), Lý Chiêm Vũ (trống).
“Hãy đến Khai Phong đi,” họ nói. “Chúng tôi chờ bạn ở đây.” Tôi thực sự, thực sự yêu thích ban nhạc đó và mơ ước được đi dạo trên đường phố Khai Phong với họ. Tôi muốn đến đó, tôi muốn bỏ cái trường này, tôi muốn đến gặp họ ở Khai Phong, nơi chúng tôi sẽ có hàng tỉ chuyện để nói. Ý tôi đã quyết. Tôi sẽ đến đó.
Mẹ tôi tìm được cho tôi một người tư vấn tâm lý và muốn tôi đến gặp ông ta vào thứ bảy hoặc chủ nhật, nhưng tôi bất cần. Đầu óc tôi chẳng làm sao, việc gì tôi phải đi gặp bác sĩ tâm thần? Nhưng rồi tôi nghĩ, sao lại không nhỉ? Nếu nhà tâm lý có thể hiểu tôi, bạn biết đấy, ông ta có thể bảo mẹ tôi cho tôi được tự do hơn.
Chúng tôi mặc áo cộc tay và đội mũ vào cái ngày hè nóng nực khi đi gặp vị tư vấn tâm lý. Sau khi rời xe búyt số 375, chúng tôi phải đi bộ thật xa tới Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, nơi có văn phòng tư vấn. Một vài học sinh nội trú vẫn chưa rời trường, và chúng tôi được mục kích cảnh tượng đám trẻ sôi nổi vui vẻ chạy quanh. Chúng tôi lên văn phòng tâm lý ở tầng ba trong một tòa nhà nhỏ, một bà tóc dài ra chào. Sau khi chúng tôi rụt rè ngồi xuống chỗ mà người ta chỉ cho, bà này rót nước nóng cho chúng tôi. Chuyện trò một lúc rồi bà ta bảo chúng tôi chờ vì mình còn phải đi họp.
Mẹ và tôi ngồi ghế nhấm nháp cốc nước, trong khi tôi lướt qua chồng báo Tuổi trẻ Bắc Kinh. Những rặng liễu xanh uốn mình trong gió và quét qua cửa sổ, và tôi nghe thấy tiếng la hét cùng tiếng cười của đám sinh viên dưới tầng. Tôi có một cảm giác buồn cười: Tôi đã đánh mất sự ngây thơ trong trắng của tuổi học sinh từ khi nào vậy?
Khỏang một giờ sau bà giáo quay lại, mỉm cười bối rối, “Xin lỗi đã để các vị phải chờ.”
“Không sao.”
“Chúng ta hãy tới phòng này đi,” bà ta nói. Căn phòng mới ấm cúng hơn, đồ đạc đẹp hơn. “Hai người có muốn uống cà phê không?” bà ta hỏi.
“Thôi, xin cám ơn, nước cũng được rồi,” tôi nói. Tôi thấy thích bà ta liền ; bà ta có vẻ thân ái, chừng mực, khiến tôi cảm thấy tin cậy ngay lập tức. Tôi bảo với bà về chuyện muốn đi tới Khai Phong để gặp ban nhạc Tinh Noãn, và bà cho rằng đó là một ý tưởng không tồi. Tôi có thể chờ đến kỳ nghỉ hè được không? Tôi bảo tôi không muốn chờ thêm ngày nào nữa. Bà đứng về phía tôi nhưng bà cố gắng làm tôi phải nhượng bộ. Tôi biết rằng bà đúng, rằng bà đang tỏ ra thực tế, rằng chờ đến kỳ nghỉ hè là một điều phải lẽ. Mẹ tôi thậm chí còn xen vào với gợi ý rằng ban nhạc có thể đến Bắc Kinh trong kỳ nghỉ hè, chi phí do bố mẹ tôi đài thọ. Nhưng không ăn thua.
Bà giáo lưu ý rằng tôi sẽ phải buồn đến thế nào nếu Khai Phong và ban Tinh Noãn hóa ra chỉ là một sự thất vọng, không có gì giống như tôi trông đợi. Tôi nói tôi đã sẵn sàng cho chuyện đó.
Bà ấy mỉm cười với mẹ tôi và nhún vai.
Tôi ngập ngừng rời Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, với tôi nó gây ấn tượng là một ngôi trường tuyệt vời. To, đẹp, khuôn viên rộng lớn, nhiều học sinh họat bát, và thầy cô tử tế. Vừa đúng như những gì tôi hình dung về một ngôi trường trung học.