Cả Giới Giải Trí Đều Mong Tôi Im Miệng

Chương 74: 74: Đưa Tui Loại Nhang Này Thì Làm Việc Hơi Khó Nha




Mạnh Thiểu Du cho mấy lão quỷ ở thủ đô ăn, mượn sức đám cô hồn dã quỷ trước một bước.

Hơn nữa, hương khói chất lượng cao của Hạ Dương cũng có danh tiếng không tồi trong giới ma quỷ dưới âm phủ.

Vì Hạ Dương se nhang rất ngon nên còn kích thích sự thèm ăn của một bộ phận quỷ quái.
Trên thực tế, không chỉ mình Mạnh Thiểu Du cho dã quỷ ăn, dạo gần đây chùa miểu lớn nhỏ ở thủ đô cũng bắt đầu tổ chức pháp hội, tuy quy mô không giống nhau, nhưng phần lớn đều là để siêu độ và bón ăn, chính xác là tập hợp đám dã quỷ ở thủ đô lại để tránh bị người có tâm lợi dụng.
Tuy Hạ Dương luôn than thở rằng hương khói hết mau quá, nhưng ngày nào cậu nhóc cũng cần mẫn se nhang, một thân một mình mở căn tin ở miếu Đông Nhạc.
Suy cho cùng, có thể nói tổ chức đứng sau đồ án thần bí kia là không thể coi thường, bọn họ gây chuyện ở khắp mọi nơi, mà trong đó bọn chúng luôn lợi dụng quỷ quái để quấy rối.
Vả lại cũng sắp đến giữa tháng bảy, đây là một thời điểm quan trọng, họ chưa biết đối phương sẽ sử dụng thủ đoạn gì, tình hình ở thủ đô lại rất hỗn loạn, vậy nên họ phải chuẩn bị cho thật sớm.
- -
Các lão quỷ nhận được hương khói thì cũng để bụng hơn với lời nhắc nhở của Mạnh Thiểu Du.

Vì lẽ đó, dù rằng tên gầy đã xóa Weibo xin lỗi, nhưng thỉnh thoảng vẫn có lão quỷ ghé qua đặng trông chừng hắn.
Tên gầy khổ sở đến mức không nói nổi nên lời: "Cụ à, cháu đã xóa Weibo và xin lỗi rồi, cụ còn làm gì nữa vậy?"
Lão quỷ hừ một tiếng rồi nói: "Mi tưởng xóa Weibo là xong việc à? Bọn ta còn phải theo dõi định kì nhé!"
Tên gầy: "..."
Vì việc này, bây giờ hai người béo gầy cũng không dám tùy tiện liên lạc với người khác.

Hai tên này cùng lắm chỉ có vẻ bề ngoài, không có bản lĩnh gì cả, ngay cả quỷ mà cũng chẳng nhìn ra, nếu nói lỡ cái gì là xong phim ngay.
Ở một diễn biến khác.
Sau khi Huyền Vi giải thích rằng Dư Giang Hòa có mang long phách trong người, hai người Mạnh Thiểu Du cũng rất chịu khó đến miếu Đông Nhạc.
Chưa nói đến cái khác, dù gì thì vẫn phải có người dạy anh cách khống chế đôi tay phép thuật kia chứ?
Nhưng Mạnh Thiểu Du chăm chỉ đến như vậy, Huyền Vi lại có chút không vui.
"Con ở đây cả ngày thì làm sao ta có thời gian chơi cờ với người khác?" Huyền Vi không có chút từ ái nào đối với đồ đệ, Mạnh Thiểu Du đã quen với tính cách này của ông, cậu bèn nói: "Không phải người nói trong cơ thể thầy Dư có long phách sao? Sao người không chỉ bảo con gì cả vậy?"
"Ta? Ta chỉ bảo cái gì!"
"Không phải vẫn chưa khống chế được ư..."
Huyền Vi nghe vậy thì mặt không đổi sắc, ông liếc nhìn Mạnh Thiểu Du rồi vung tay nói: "Người yêu con thì con tự dạy đi, tìm ta làm gì?"
"Nếu con không dạy được thì đừng nhận là đồ đệ của ta!"
Mạnh Thiểu Du: "..."
Huyền Vi vừa lắc đầu vừa chào hỏi bạn bè trong miếu Đông Nhạc: "Lại đây mau, tôi mới nhận được một bàn cờ." Ông nói xong thì lôi kéo người ta đi đến dưới tàng cây trong sân, trên bàn đá đang bày bàn cờ làm bằng bạch ngọc mà Dư Giang Hòa tặng mấy hôm trước.
Mạnh Thiểu Du nhìn một lúc, nhoắng cái sư phụ cậu đã bắt đầu chơi cờ, không thèm để ý gì nữa sất.
Được rồi...
Xem ra chỉ có thể tự mình dạy thôi.
Mạnh Thiểu Du thở dài, cậu đang định đi lật sách cổ trong miếu Đông Nhạc, nhưng còn chưa xoay người thì đã nghe sư phụ nói: "Tiện thì dạy nó một ít đạo thuật luôn, lo trước khỏi họa."

"..."
Lời nói của Huyền Vi cũng không phải không có lý, Mạnh Thiểu Du lại lặng lẽ thêm vào trong kế hoạch soạn giáo án.
Cơ thể Dư Giang Hòa có mang long phách, chỉ là trước đây nó luôn bị ngăn chặn.

Tựa như một miệng suối phun bị tảng đá cản lại, khi tảng đá còn nguyên vẹn thì nước suối không có vấn đề gì, nhưng nếu tảng đá kia hé ra một khe hở thì nước suối sẽ thừa dịp mà tuôn ra ào ạt.
Lúc trước, chỉ riêng long khí trong cột rồng đã hấp dẫn được rất nhiều cá bơi đến, giờ đây long phách này lại càng khỏi phải nói...
Ban đầu Mạnh Thiểu Du muốn nhờ sư phụ cậu chỉ dẫn, sau đó cậu sao chép cách làm là được...!Nào ngờ, Huyền Vi không hề nể tình chút nào, ông dứt khoát bảo cậu tự tìm tòi đi.
Tương tự như chùa Bạch Vân, miếu Đông Nhạc ở thủ đô là một đạo quan rất nổi tiếng.

Hơn nữa, vì kế tục hai chữ Đông Nhạc mà nơi này cũng nức tiếng dưới âm phủ.
Suy cho cùng, âm phủ của Trung Hoa có hai tập đoàn lớn, không phải một trong số đó là Âm ty Đông Nhạc của Đông Hoa Đại Đế ư.
Bên trong miếu Đông Nhạc có không ít sách cổ, nhờ vào mối quan hệ của sư phụ mà Mạnh Thiểu Du có thể tra tư liệu ở đây.
"Về phương diện này vẫn còn không ít sách lẻ, ngoài sách đạo giáo thì còn có bút kí từ mấy trăm năm trước của tổ tiên." Đạo trưởng dẫn Mạnh Thiểu Du đến giới thiệu, anh còn nói về cách phân loại hồ sơ rồi mới để Mạnh Thiểu Du tự mình khám phá.
Đạo trưởng nọ không hề khoác lác, văn thư lưu trữ về phương diện này vô cùng phong phú, thế nhưng về việc dạy người khác khống chế long khí thì lại không nhiều.
Dù sao thì chuyện con người sinh ra với long phách cũng không phổ biến...
Cuối cùng Mạnh Thiểu Du chỉ tìm được một quyển bút ký tương tự với những loại ở trên.

Cậu nhìn thoáng qua, tác giả là một đạo sĩ lang thang, bản bút ký này gồm những kiến thức được tích góp từ nhiều năm ngao du của y.

Khi quay về thủ đô, y gặp vị chủ quán lúc bấy giờ nên đưa luôn bút ký cho chủ quán bảo quản.
Trong lúc vân du*, vị đạo sĩ lang thang này đã từng gặp được một đứa trẻ sinh ra với long phách trong mình.

Nghe nói vừa sinh ra hắn đã có thể cười, tuổi càng lớn, trí khôn mà đứa trẻ này phô bày ra càng khác hẳn với người bình thường.
(Vân du: Ngao du đây đó như áng mây trên trời.)
Đạo sĩ gặp được đứa bé này khi đối phương chỉ mới có ba bốn tuổi, ấy vậy mà suy nghĩ đã sáng suốt hệt như người trưởng thành, cho xem sách cổ của đạo gia thì chỉ xem qua là nhớ.

Chẳng mấy chốc, hắn đã nhuần nhuyễn những đạo pháp mà người bình thường phải tu hành và luyện tập hơn mười năm trời.
Thế nhưng đứa bé vẫn còn nhỏ, cách kiểm soát sức mạnh còn chưa chính xác, đạo sĩ bèn nán lại rồi cùng đứa bé nghiên cứu cách khống chế long khí trong cơ thể.
"...Cảm nhận thiên nhiên, để mặc tâm tính trong làn hơi thở..."
Bản bút ký này chỉ viết về những cảm nghĩ khi nghiên cứu cách khống chế long khí.

Sau này khi đạo sĩ rời đi, từ đó về sau cũng không còn ghi chép về đứa bé này nữa.
Mạnh Thiểu Du lục lọi một lúc, cậu âm thầm ghi nhớ phương pháp mà bút ký ghi lại, sau đó lại chọn thêm mấy bản ghi chép đạo pháp nhập môn đơn giản và dễ hiểu.
Kế đó là cho thầy Dư lên lớp!

Vốn là thời gian hai người Mạnh Thiểu Du ở chung đã nhiều, trừ lúc đóng phim, khoảng thời gian còn lại có nói là như hình với bóng cũng không ngoa.

Vì lẽ đó, thời gian dạy học này cũng được đảm bảo đầy đủ.
Bản thân Dư Giang Hòa cũng không bài xích chuyện này, thế giới quan của anh đã được cải tạo lại từ lâu, bây giờ chỉ là chuyển từ quan sát sang hành động thực tế mà thôi, cũng không phải chuyện gì quá trớn.
Nói trắng ra, việc này cũng có thể coi như là chồng tung vợ hứng...
Suy cho cùng, Mạnh Thiểu Du cũng từng làm đại sư huynh nên cách chỉ dạy không hề có vấn đề, huống chi Dư Giang Hòa còn là một học trò xuất sắc, đầu óc nhạy bén, thậm chí có thể suy một ra ba.
"Như này có đúng không?" Nghe xong, Dư Giang Hòa chiếu theo ý kiến của Mạnh Thiểu Du mà điều chỉnh cách hít thở của mình.

Anh nhìn về phía Mạnh Thiểu Du đang nghiêm túc đọc bút ký, đột nhiên gọi một câu: "Tiểu sư huynh?"
Lúc này hai người đang sóng vai ngồi ở bàn học trong phòng, Mạnh Thiểu Du đang tập trung lật xem bút ký một mình, Dư Giang Hòa sáp lại gọi một tiếng như vậy, hơi thở khe khẽ và tiếng nói trầm thấp cách lỗ tai của cậu rất gần.

Vành tai Mạnh Thiểu Du lập tức phiếm hồng, cậu ngẩng đầu nhìn sang.
Mạnh Thiểu Du: "..."
Bị người yêu gọi là sư huynh gì gì đó...
Mạnh Thiểu Du khựng lại, cậu lặng lẽ che đi đôi tai phớt hồng, thấy Dư Giang Hòa đang mỉm cười nhìn mình, cậu lại trở nên thẹn thùng.
Dù sao thì đạo trưởng Tiểu Mạnh cũng đã làm đại sư huynh rất lâu, nên định nghĩa của cậu về sư huynh rất đứng đắn.

Dư Giang Hòa gọi một tiếng như vậy khiến Mạnh Thiểu Du hoảng hốt, bỗng dưng lại có lỗi giác rằng mình vừa vi phạm lòng chính trực của một sư huynh, lén lút cấu kết với sư đệ mới nhập môn.
Thật là tội lỗi!
Song, cũng không phải là Dư Giang Hòa không thể gọi như vậy, dù sao thì anh cũng có thể được coi là một nửa người của đạo quán, những thứ Mạnh Thiểu Du dạy anh cũng là kĩ năng của Huyền Vi, vậy nên theo lẽ thì anh gọi cậu một tiếng sư huynh cũng là bình thường.
Cũng may mà Dư Giang Hòa chỉ ngẫu hứng gọi một câu như vậy, sau đó thì không kéo dài đề tài này nữa.

Mạnh Thiểu Du thoáng chốc thở phào, hai người lại tiếp tục học hành.
Đương nhiên, nếu biết về sau xưng hô này sẽ được gọi trong một trường hợp khác, có nói thế nào thì Mạnh Thiểu Du cũng phải ngăn cản một phen...
- -
"Cậu làm gì đó?! Ai cho cậu đụng vào chim tước của ta!"
"M-mong ngài thành kính..."
"Thành kính? Muốn ta thành kính mà cậu còn thả chim của ta đi? Cậu có biết ta phải tốn bao nhiêu công sức mới nuôi được con linh tước kia không hả?!"
Bọn Mạnh Thiểu Du đang định rời đi thì nghe có tiếng tranh cãi gần đó, họ nhìn qua thì thấy có hai người đang cự nự trước cổng miếu Đông Nhạc.
Một người là ông cụ đang xách lồng chim, người còn lại là một thanh niên mặc đạo bào màu xanh đen.

Cánh cửa lồng chim của ông lão mở toang, trong lồng sắt rỗng tuếch, không biết chú chim bên trong đã bay đi đâu mất.

"Có chuyện gì vậy ạ?" Mạnh Thiểu Du khó hiểu hỏi.
Người cậu níu lại là một tiểu đạo sĩ trong miếu Đông Nhạc.

Mạnh Thiểu Du có thể được coi là một gương mặt quen thuộc ở nơi này, nên đạo sĩ kia thấy cậu thì hít một hơi rồi cười khổ nói: "Chuyện này khá dài dòng..."
Đây có thể được coi là một cảnh tượng thường thấy ở miếu Đông Nhạc.

Trước đây, mỗi khi đến dịp hội chùa ngày Tết, bên phía miếu Đông Nhạc sẽ có người trợ thiện*để làm "hội phóng sinh".
(Người trợ thiện: Người giúp đỡ người khác làm việc thiện.)
Trên thực tế, hội phóng sinh dùng để chỉ việc người trợ thiện nhìn thấy du khách bên ngoài cầm theo lồng chim, họ bước đến nói một câu "mong ngài thành kính", sau đó không cần giải thích mà mở lồng chim của người kia ra, thả cho chim chóc bay đi.
Những người này không nhất thiết phải là đạo sĩ của miếu Đông Nhạc, cũng có một số tín đồ hoặc người tu tại gia tự mình làm lấy.

Những năm gần đây, ở thủ đô cũng rộ lên phong trào nuôi chim cảnh, do đó việc phóng sinh cũng khá mạo hiểm, miếu Đông Nhạc đã từng kêu gọi vài lần, nhưng kết quả vẫn là đàn gảy tai trâu.
Hơn nữa không nhất thiết là ở hội chùa, mà vào ngày thường cũng có người trợ thiện xuất hiện.
Tiểu đạo sĩ của miếu Đông Nhạc đau khổ trong lòng: "Người mặc đạo bào là một tín đồ của chúng ta, không phải chúng ta nên bước đến khuyên nhủ sao!"
Việc nuôi chim ở thủ đô đã trở thành một dạng văn hóa, thậm chí còn có một mạng lưới của riêng mình.

Nuôi dưỡng linh tước vừa tốn thời gian vừa tốn công sức, thông thường, những ông cụ nuôi chim đều bỏ ra rất nhiều tâm huyết, tự dưng bị một người thả ra mà không lời giải thích, bạn nói xem có tức hay không?
Cũng không phải ở miếu Đông Nhạc chưa từng xảy ra chuyện kiện cáo vì phóng sinh...
Ông cụ này cũng xui xẻo, ông chỉ mới vừa bắt đầu nuôi chim, những người nuôi chim ở thủ đô đều biết rằng nếu không có việc gì thì không nên đi tản bộ ở miếu Đông Nhạc, thế nhưng không ai chỉ dẫn cho ông cả.
Bây giờ thì hay rồi, ông vừa mới dạy xong chú linh tước này, còn chưa kịp khoe khoang thì đã bị phóng sinh!
Ông cụ càng nghĩ càng tức, ông nhìn lồng chim mà cơn giận lại bốc lên trong lòng, chỉ tiếc là không thể đuổi theo cậu thanh niên này để cho một trận!
Đạo sĩ của miếu Đông Nhạc vội vàng bước lại nói: "Ông ơi ông, xin ông bớt giận ạ, thân thể quan trọng hơn..."
Sau đó, anh ta lại nói với cậu thanh niên kia: "Anh bạn này, đầu năm nay không thể tùy tiện phóng sinh được đâu, nhỡ đâu không cẩn thận là sẽ tạo ra tranh chấp giống loài đó!"
Ông cụ hừ một tiếng rồi nói: "Nguôi giận ư, làm sao ta nguôi giận được? Trừ khi gọi được chim của ta về!"
Cậu thanh niên kia cũng ngơ ngác, lúc bấy giờ khi được chỉ bảo, đầu óc quay mòng mòng của cậu ta mới hiểu được hành động của mình là không đúng, bèn cáo lỗi với ông cụ: "Ông ơi, cháu thật sự xin lỗi ông ạ, ban nãy là do cháu hồ đồ...!Chim của ông bao nhiêu tiền vậy ạ? Cháu bồi thường cho ông được không?"
"Bồi thường? Ta nuôi lâu như vậy, vất vả lắm mới dạy dỗ được! Bồi thường như thế nào đây?"
Ông cụ vẫn muốn lấy lại chú chim của mình.
Thế nhưng chim chóc đã bay đi rồi, làm sao mà kêu về được nữa?
Ông cụ liếc nhìn bọn họ rồi hừ một tiếng, sau lại thở dài nói: "Con chim này đã bầu bạn với ông lão về hưu như ta rất lâu rồi..."
Nếu không phải vì cuộc sống về hưu quá nhàm chán, con cái cũng không rảnh kèm cặp ông, thì sao ông lại phải làm khổ mình với một con chim lâu đến vậy? Nói trắng ra, hầu hết người già nuôi chim chóc hay linh tước đều là vì muốn nuôi một người bạn để giết thời gian thôi.
Hơn nữa thời gian đã lâu, người ta cũng đã quen với con chim này, nếu mua một con mới thì lại phải làm quen lần nữa.
Đạo sĩ của miếu Đông Nhạc liếc qua Mạnh Thiểu Du, chỉ có thể lắc đầu rồi thở dài.
Chim bay đã khó tìm, con chim này lại còn sổ lồng, làm sao có thể quay lại được nữa?
Đúng lúc này, Dư Giang Hòa lại mở miệng hỏi: "Ông ơi, chim của ông trông như thế nào ạ?"
Ông cụ nhìn anh rồi hỏi: "Cháu có thể tìm nó về à? Nếu không tìm được thì cháu hỏi làm gì?" Tuy nói vậy, nhưng cụ ông vẫn đưa ảnh chụp chú chim của mình cho Dư Giang Hòa xem, đó là một con hoàng tước màu cam, lông chim xõa tung rực rỡ, thoạt nhìn cũng khá đáng yêu.
Dư Giang Hòa nhìn ảnh rồi gật đầu nói: "Được, cháu biết rồi ạ."
Kế đó, mọi người lại thấy Dư Giang Hòa hướng về tàng cây xung quanh miếu Đông Nhạc, anh lấy tay che miệng, một tiếng huýt sáo sống động phát ra từ miệng anh, nghe như tiếng chim hót.
Điều khiến người khác kinh ngạc hơn cả là, sau khi tiếng huýt sáo vang lên, trên cây bất chợt phát ra âm thanh chim chóc đáp lại, cứ như đang trả lời Dư Giang Hòa.

Chỉ chốc lát sau, từ ngọn cây phía đông, một con hoàng tước bỗng giương cánh bay ra, nó kêu chiêm chiếp rồi lượn đến trước mặt mọi người.

Chú hoàng tước cam rực liệng một vòng trước mắt mọi người, sau đó lại kêu líu lo rồi bay vào lồng chim.
Cảnh tượng này khiến ông cụ phải sợ ngây người!
Ông nhìn thoáng qua con hoàng tước trong lồng, chú chim tròn ủm cũng nghiêng đầu nhìn ông, sau đó lại kêu lên tiếng chiêm chiếp.
Ông cụ lại bảo chú chim hát, hoàng tước nhanh chóng dõng dạc hót ra tiếng — Đây đúng là con hoàng tước mà ông cụ nuôi!
"Việc này thần kì quá!" Cụ ông hãi hùng kêu lên, ông nhìn Dư Giang Hòa với ánh mắt đầy kính nể.
Ông cụ không xem TV nên không biết Dư Giang Hòa, nhưng lúc bấy giờ trong mắt ông thì anh chính là đại ca!
Dư Giang Hòa vẫn bình tĩnh, anh chỉ nói: "Về là tốt rồi, ông trông chừng cẩn thận nhé."
"Được được được."
Ông cụ gật đầu lia lịa, ông nhìn chú chim hoàng tước vừa tìm lại được mà mừng rỡ không thôi.

Cậu thanh niên kia cũng giật mình, mãi đến khi cậu ta nhìn thấy người ta nói "công chúa đang lẩn trốn" gì đó trên mạng thì mới hoảng hốt nghĩ —
Danh hiệu này đúng là không hề giả trân!
Có khi cư dân mạng ngày nay đều là những nhà tiên tri vĩ đại.
Tạm biệt miếu Đông Nhạc, trên đường về, Mạnh Thiểu Du cũng không khỏi kinh ngạc mà thắc mắc: "Thầy Dư, anh còn làm được như thế nữa ạ?"
Có lẽ nào lúc trước thầy Dư cũng nuôi chim mỗi khi rảnh rỗi?
Dư Giang Hòa nói: "Anh chưa nuôi chim bao giờ."
"Vậy thì?" Mạnh Thiểu Du hơi khó hiểu.
"Anh chỉ nghĩ là thử một lần xem sao, nên cứ thế mà thử nghiệm." Dư Giang Hòa đáp.

Khi ấy anh có trực giác rằng mình có thể thử một lần, không ngờ lại thật sự thành công.
Anh nghĩ nghĩ rồi nói: "Có lẽ đây chính là long khí."
Dù sao thì rồng cũng là loài đứng đầu Tứ Linh*, vẫn có thể gọi được một con hoàng tước nho nhỏ về.
(Tứ Linh: Còn được gọi là "Tứ Thuỵ", ý chỉ bốn loài linh thú đem đến điềm lành trong dân gian, gồm Long – rồng, Lân – kì lân, Quy – rùa và Phượng – phượng hoàng.)
Mạnh Thiểu Du cũng đồng ý với cách nói này.

Hôm nay thầy Dư chỉ thử một lát, anh chỉ gọi một con hoàng tước về, nhưng nếu điều kiện cho phép thì sao?
Khó trách những người đó lại muốn tìm ra rồng...
- -
"Đây là ổ quỷ mà bọn cậu nói à?"
"Đây là nơi nhiều quỷ nhất mà tôi biết, bọn họ đều thích nán lại ở đây."
Hai người vừa nói chuyện vừa đi vào một con ngõ nhỏ hẹp, ở một góc, có vài ba con quỷ đang bu lại đánh bài.

Người nọ thấy vậy thì lấy một nắm nhang ra rồi nói: "Mọi người, xin hãy giúp tôi một chuyện."
Mấy con quỷ kia ngẩng đầu rồi liếc mắt nhìn bọn họ, bọn chúng lại nhìn thoáng qua chỗ hương nến trên tay họ, trên mặt trưng ra một thoáng ghét bỏ.
"...Với chất lượng nhang như của anh đây, ta muốn làm việc cho anh cũng khó lắm!"
"???"

Hết chương 74..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.