Đứa tiểu đồng ngã bệnh, sốt cao, suốt ba hôm nằm mê man không tỉnh. Thầy nó bèn xuống núi mua thuốc. Khi quay về, ông thấy thằng bé chạy ra đón từ
ngay dưới chân núi:
- Thấy ơi, con khỏi bệnh rồi!
Thầy gạt mồ hôi và nói:
- Con làm ta sợ quá đi thôi!
Thằng bé nói:
- Thấy đưa con ra chợ mua bánh trôi đi! Con muốn xem múa rối và khỉ làm trò nữa!
Thầy nói:
- Được thôi con!
Hai thầy trò dắt nhau ra chợ chơi cho đến khi mặt trời khuất sau rặng núi.
Vừa về đến chân núi, thầy ngoảnh đầu lại, thằng bé đã biến đi đâu mất.
Thầy í ới gọi khắp nơi mà vẫn không tìm thấy.
Thầy đành quay về
phòng thiền, chợt thấy tiểu đồng vẫn nằm trên sạp giường, gương mặt
trắng như tờ giấy. Thầy sờ thử vào người nó, người hãy ấm nhưng đã không còn thở.
Nó vừa mới tắt thở.
Ngày mùng tám tháng năm hôm ấy, gã nhà văn tới Thượng Thanh Quan ở ngoại ô Tây Kinh xin xâm.
Nơi này hãy còn ít người nghe tên nên hương khói không vượng. Gã cũng không biết, chẳng qua mấy hôm trước có người trong công ty tình cơ giới thiệu nơi này xin xâm rất linh, gã liền đi ngay.
Những nơi chùa chiền, miếu mạo hay đạo quán bề thế nguy nga, hương khói nghi ngút, du khách
chật cứng thường rất không đáng tin cậy, hơi người mạnh quá xua át cả
khí thần.
Bậc đá lên núi gồ ghề nhấp nhô, chốc chốc lại trơ ra
một túm cỏ dại. Đường lên núi rất đỗi an tịnh, ngoài gã ra chẳng còn
bóng dáng ai khác. Một trận gió cuốn tới từ đằng xa, luồn qua những
nhành cây rung lên âm thanh nghe xào xạc. Có lẽ đường xa quá nên gió
chưa kịp thổi tới mái tóc hắn thì đã tan biến ngay giữa chừng…
Thượng Thanh Cung nhỏ xíu, nằm chót vót trên tận đỉnh núi, hình như đó là một
căn tứ hợp viện. Chỉ có một gian điện duy nhất, cửa treo hoành phi trạm
ba chữ vàng “Tam Thanh Quan”, bên trong thờ ba vị thiên tôn Ngọc Thanh,
Thượng Thanh và Thái Thanh.
Leo được đến nơi, gã nhà văn thở phì
phò vì đuối sức. Gã bước vào Tam Thanh Quan, rút lấy nắm hương từ trong
án thắp lên rồi sì sụp khấn vái. Ngay lúc ấy, từ trong gian buồng nhỏ
tối mò có một người bước ra. Gã nhà văn quay lưng lại nhìn, thì ra đó là một đạo sĩ già nua, thân hình ốm o mình khoác đạo bào xanh lam, chòm
râu đã nhuốm màu hoa râm, mái tóc dài khoảng một xích vén lên thành búi cao cao trên đỉnh đầu, hai con mắt đục ngầu hõm xuống chẳng rõ có còn
trông thấy gì nữa không.
Đạo sĩ từ từ bước tới, ghé sát vào mặt gã nhà văn nhìn ngó một hồi rồi hỏi với giọng lẩy bẩy:
- Thí chủ đến xin quẻ à?
Gã nhà văn luống cuống:
- Thưa vân, kính xin thầy chỉ bảo cho!
Đạo sĩ già rờ rẫm hương án rồi lấy xuống một ống xâm, đột nhiên ông ta ghé
sát mũi vào quần áo gã nhà văn rồi hít khìn khịt từ trên xuống dưới.
- Thưa thấy, có chuyện gì thế? – Gã nhà văn đáp.
- Người anh ngửi y hệt như mùi chuột. – Đạo sĩ trả lời.
- Làm gì có chuyện đó? – Gã nhà văn lộ vẻ bối rối.
- Trên núi chuột nhiều như rươi, lúc đi ngủ, chúng nó còn suýt làm tổ
trong tóc lão, lão còn lạ gì với mùi của giống chuột ấy nữa. – Đạo sĩ
lải nhải.
Gã nhà văn buộc phải ngó lên nhìn mái tóc của đạo sĩ
già, đúng là bù xù như tổ chuột thật. Đã đến đây rồi, gã phải rút một
quẻ chứ không lần khần quanh chủ đề về chuột nữa. Gã đón lấy ống xâm và
xóc rào rào, một cây xâm rơi xuống, gã liền nhặt lên đưa cho đạo sĩ già.
Cây xâm lại là một cánh cửa bí ẩn. Gã muốn thỉnh cầu đạo sĩ già giải giúp xem đằng sau ấy ẩn chứa huyền cơ gì.
Đạo sĩ già nói:
- Một quẻ mười đồng.
Gã nhà văn cuống quýt đứa tiền nhưng trong ánh mắt đã vơi mất vài phần tin tưởng khi thấy tay đạo sĩ biết ra giá.
Đạo sĩ già cất tiền, vỗ bồm bộp vào túi rồi mới dí gần cây quẻ vào mà đọc:
“Dưới tùng vấn bệnh tiểu đồng,
Rằng thầy mua thuốc nay không có nhà,
Núi kia yểu mạng ắt là,
Quy về chốn cũ cũng đà muộn thay”
- Quẻ này giải ra làm sao?
- Thí chủ ơi, anh sắp đổ bệnh nặng đó, nặng đến độ không thuốc nào cứu nổi!
- Thầy… thầy tu ở đây được bao lâu rồi? – Gã nhà văn đột nhiên hỏi.
- Lão ư? Lão có tu bao giờ đâu.
- Tôi không hiểu.
- Thật ra lão chỉ là một kẻ ăn mày. Ở Tây Kinh, ngày nào lão cũng ngủ vất vưởng bên vỉa hè, dưới mái hiên, đến một manh nhựa che mưa cũng không
có. Một ngày nọ, lão phát hiện ra nơi này bèn tới ở luôn…
- Thế quần áo của thầy…
- Đây là quần áo của sư trụ trì đã khuất để lại.
- Thế còn tóc…
- Trên núi làm gì có tiệm hớt tóc. Ở lâu ngày râu tóc ta nó dài ra thế này đấy.
Gã nhà văn vượt bao xa xôi tới đây xin xâm, thế mà lại xin phải một lão ăn mày! Chắc hồi còn ở Tây Kinh, lão ăn mày này từng xin tiền gã, gã cũng
đã trông thấy lão nhưng lại ngoảnh mặt đi luôn.
Gã bật cười, giúi thêm mười đồng vào tay lão già. Lão nghiêm mặt mà rằng:
- Anh có đưa thêm tiền lão cũng không giúp nổi đâu.
- Không sao! – Gã đáp.
- Lão chỉ có thể nói với anh, trước khi cái chết ập đến, anh sợ hãi thì
hãy còn quá sớm. Sau khi cái chết đã vồ lấy anh, có sợ hãi thì cũng quá
muộn. – Lão già lại đáp.
Một lão ăn mày đang dạy đời một gã nhà văn đây mà. Gã phì cười và nói:
- Cảm ơn lời dạy của thầy, tôi còn phải xuống núi để lên lớp cho người khác nữa. Tạm biệt!
Thế rồi gã bước khỏi cánh cửa tòa Tam Thanh Quan.
Cánh cửa này làm ra vẻ huyền hoặc kỳ bí, hóa ra bên trong là buôn quẻ bán xâm.
Hôm ấy, vì leo núi mệt nhoài nên gã đi nằm sớm. Nhưng gã không tài nào chợp mắt nổi bèn gọi điện thoại cho Mễ Gia toan kể cho cô nghe câu chuyện
vừa gặp hôm nay.
Gã chỉ hỏi cô vỏn vẹn ba chữ:
- Đang làm à?
Câu trả lời gã nhận được cũng chỉ ít hơn một chữ:
- Đang làm.
Rồi cúp máy.
Gã nhà văn cũng buông điện thoại xuống và tiếp tục nghĩ về quẻ xâm kia.
Trời tang tảng sáng, chuông điện thoại vang lên. Những tưởng là Mễ Gia, gã
nhà văn bèn bắt máy. Sau tiếng “A lô?”, gã lặng ngắt, tay cứ giữ ống
nghe còn khuôn mặt tái nhợt dần, hệt như cái ngày mùng tám tháng ba khi
Mễ Gia nói với gã qua điện thoại rằng Cố Phán Phán đã bị trừ khử. Toàn
thân gã run lên như sốt rét…