Cao Thủ Hạ Sơn, Ta Là Tiên Nhân

Chương 1308



Chương 1308

“Trinh Quán hai mươi tư công thần,

Ai là ma ai là tiên.

Quả thục đế lạc hoa khai nhật.

Thanh ngưu bạch vân hàm cốc quan”.

Đây là bài kệ Vương Sùng Tiến để lại trước khi bế quan.

Đạo trưởng Kim Ba Mộc nói, Vương quan chủ bế tử quan, trừ phi có người giải mã được bài kệ này mới có thể xuất quan, bằng không sẽ bế quan cho đến khi chết già.

Về chuyện nhà họ Lý biến mất chỉ sau một đêm năm xưa, Lý Dục Thần đã có suy nghĩ đại khái trong đầu, nhưng việc này hư hư thực thực, thật giả lẫn lộn, anh vẫn không thấy rõ chân tướng.

Từ những manh mối có được hiện nay, có thể thấy Vương Sùng Tiên có liên quan đến chuyện này. Hơn nữa Bạch Vân Quan ở ngay thủ đô, Vương Sùng Tiên là quan chủ của đạo quan số một phương bắc, không thể có chuyện không quen biết thế gia số một thủ đô. Chắc chắn ông ta biết rất nhiều chuyện, chỉ cần ông ta xuất quan có lẽ có thể biết được chân tướng.

“Trinh Quán hai mươi tư công thần…”

Lâm Mộng Đình cau mày suy nghĩ một lát, rồi cô nhìn Lý Dục Thần, nói: “Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Vì thế đoạn này hẳn là ám chỉ nhà Lý thời Đường, hoặc ám chỉ nhà họ Lý”.

Hồi nhỏ Lý Dục Thần không đến trường lớp chính thức, sau đó ở Thiên Đô bị các sư tỷ ép học, phần lớn đều đọc thiên thư huyền môn, về phương diện lịch sử chỉ đọc sơ qua. Anh biết Đường Tống Nguyên Minh Thanh, biết Lý Thế Dân, nhưng không biết Trinh Quán là niên hiệu của Lý Thế Dân.

Nghe Lâm Mộng Đình nói vậy, anh đáp: “Thì ra là thế”.

Lâm Mộng Đình nói tiếp: “Trinh Quán hai mươi tư công thần, tức là chỉ hai mươi tư vị triều thần lập nên nhà Lý, sau khi Lý Thế Dân đăng cơ, nhằm tưởng nhớ công lao của hai mươi tư người này, để cho bọn họ được lưu truyền sử sách vĩnh viễn, ông ấy đã ra lệnh cho họa sĩ nổi danh đương thời là Diêm Lập Bản vẽ tranh chân dung của hai mươi tư người tại Lăng Yên các theo tỉ lệ 1:1, bởi thế bọn họ còn được gọi là hai mươi tư công thần Lăng Yên các. Đó đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, ví dụ như Ngụy Chinh, Trưởng Tôn Vô Kỵ, Tần Quỳnh, Uất Trì Cung…”

“Khoan đã”, Lý Dục Thần ngắt lời: “Em vừa nói cái gì các cơ?”

“Lăng Yên Các”, Lâm Mộng Đình đáp: “Nằm ở thành Trường An, đáng tiếc nó bị hủy hoại trong chiến tranh, bây giờ không còn thấy được nữa”.

Lý Dục Thần cau mày, trầm tư.

Lâm Mộng Đình thấy anh không nói gì, bèn tiếp tục phân tích thơ, cô nói: “Ai là ma ai là tiên, câu này về mặt chữ thì rất dễ hiểu, nhưng khi liên kết với câu trước thì lại khá khó hiểu. Hình như đang nói, trong hai mươi tư công thần của Lăng Yên Các có ma có tiên, có lẽ ám chỉ trong đó có gian thần…”

“Mẹ anh tên là Lăng Yên, Cung Lăng Yên”, đột nhiên Lý Dục Thần nói.

Lâm Mộng Đình sửng sốt, cô ngạc nhiên nhìn Lý Dục Thần, lẩm bẩm: “Lăng Yên… Nhà họ Lý… Ai là ma ai là tiên…”

Dường như Lâm Mộng Đình đã đoán ra được cái gì, cô không nói tiếp nữa.

Lý Dục Thần không giấu cô, anh nói thẳng: “Mẹ anh là thánh nữ Ma giáo, có lẽ hai câu thơ này ám chỉ việc này”.

Nhưng Lâm Mộng Đình lại lắc đầu: “Nếu mẹ anh là ma nữ thì có thể khẳng định, tại sao ông ấy lại dùng câu hỏi ở đây?”

Lý Dục Thần nói: “Sinh ra làm ma là điều không thể lựa chọn. Nhưng sau khi phải lòng bố anh, bà ấy quyết tâm vứt bỏ ma tâm Thánh Nữ, làm một người bình thường”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.