Cậu Bạn Thích Tôi Mười Chín Năm Kết Hôn Rồi

Chương 2: Tiếu Tùng đánh nhau



Cho đến năm 2011 khi xem bộ phim "Lật Ngược - Flipped", khi nhìn thấy cô bé Juli tóc vàng mắt xanh xinh đẹp như trong truyện tranh lần đầu tiên nắm tay chàng trai mình thích, sống mũi tôi đột nhiên cay cay.


Tôi cứ ninh đinh Tiếu Tùng cũng không nhớ như tôi, bởi vì vào "lần đầu gặp gỡ", hai đứa tôi còn nhỏ hơn hai nhân vật nam nữ chính trong phim kia.


Tôi và Tiếu Tùng ở hai nhà đối diện cửa nhau. Thường là khi tôi về, lên lầu, tra chìa khóa vào ổ, vặn khóa, còn chưa mở cửa thì cửa nhà đối diện sẽ vang lên âm thanh mở cửa rề rề, sau đó Tiếu Tùng chân xỏ dép lê, trên người mặc thun quần short, lười biếng dựa vào cửa, nheo nheo đôi mắt híp nửa mê nửa tỉnh lèo nhèo với tôi:


"Mình hơi đói rồi nè."


Sau đó đợi tôi mở cửa xong, tôi nói "qua đây đi" thì vội vàng nhảy một bước từ ngưỡng cửa bên đó qua cửa bên này.


Bởi vì Tiếu Tùng, tôi từ chỗ chỉ biết nấu mì tôm đã có thể thông thạo nấu một đĩa sườn xào chua ngọt ngon tuyệt vời.


Nhưng Tiếu Tùng trước sau vẫn khăng khăng rằng mẹ tôi nấu ăn ngon hơn tôi. Về điểm này tôi cho rằng cậu ấy chắc chắn là đang tâng bốc mẹ tôi.


Tôi không biết bao nhiêu lần dụ cậu ấy nói thật nhưng cậu ấy vẫn khăng khăng không nhận.


Thói quen ăn chực này của Tiếu Tùng là do căn nhà quanh năm trống trải của cậu ấy, có lẽ đó cũng không thể gọi là nhà nữa. Bố mẹ cậy ấy thường ở bên ngoài làm kinh doanh, rất ít khi ở nhà, từ nhỏ đã gửi cậu ấy cho bà nội hơn năm mươi tuổi. Lúc nhỏ còn đỡ, bà nội còn cố gắng trông nom cậu.


Nhưng khi Tiếu Tùng lớn một chút, khi cậu có thể chạy nhảy và tự ăn cơm thì bà nội cậu bắt đầu ngày ngày cùng mấy người bạn già chiến đấu trên bàn mạt chược, quả là tuổi cao chí càng cao.


Bởi vậy mỗi lần đến giờ cơm, mẹ tôi đều réo tôi đang ngồi dính mắt vào tivi đi gọi Tiếu Tùng qua ăn cơm.


Mẹ thường dặn tôi: "Hảo Hảo à, còn chăm sóc Tiếu Tùng nhiều hơn nhé, cậu ấy bé hơn con, là em trai của con đó."


Tôi nói: "Mẹ nhìn mà coi, cậu ấy nhỏ hơn con một tuổi mà cao hơn con bao nhiêu, tất cả là nhờ mẹ đó, sao mẹ không nuôi con gái mẹ được chu đáo như vậy?"


Bố tôi nói: "Con gái gầy một chút mới đẹp."


Từ nhỏ đến lớn, tôi và Tiếu Tùng hình như chưa từng rời nhau, chúng tôi cùng học một trường tiểu học, cùng học cấp hai, thậm chí đến cấp ba cũng học cùng trường.


Hồi tiểu học, chuông tan lớp vừa kêu là cậu ấy đã lập tức đứng ở cửa lớp của tôi chờ sẵn cùng tôi về nhà.


Có một buổi sáng đi học, hai má của tôi bỗng sưng vù như hai cái bánh bao. Sáng sớm vừa vào lớp, cô chủ nhiệm gọi tôi đến, nhìn ngó mặt tôi nửa ngày sau đó nói với tôi: "Hà Hảo, hôm nay con về nhà trước đi, con bị quai bị rồi, sẽ lây cho các bạn, khi nào con khỏe rồi lại đi học nhé!"


Sau đó tôi được cô chủ nhiệm đưa về nhà dưới cái nhìn kinh hoàng của mấy đứa bạn chung lớp.


Chiều tối hôm đó, đến giờ tan học mà Tiếu Tùng vẫn chưa về, bà nội Tiếu Tùng lo lắng đến nỗi không chơi mạt chược nổi nữa, đi qua đi lại dưới lầu ngóng cậu. Chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy xa xa Tiếu Tùng đang chậm rãi đi về. Bà nội Tiếu Tùng chạy lại tính mắng cho cậu một trận thì nhìn thấy trên mặt thằng cháu sưng bầm từng cục xanh xanh tím tím. Bà nội vừa kinh ngạc vừa tội nghiệp hỏi cậu ấy có phải mới đánh nhau ở bên ngoài không.


Gương mặt nhỏ của Tiếu Tùng lúc đó còn đang vô cùng phẫn nộ, cương quyết nói: "Không sao, con đánh nhau với một thằng ở lớp của Hà Hảo."


Bà Tiếu lại hỏi: "Con thật là, đánh nhau với bạn học của Hà Hảo làm gì? Người ta đều lớn hơn con một hai tuổi, sao con đánh lại được mà đánh?"


Cậu ấy vênh mặt đáp: "Đánh được, con đánh cho nó khóc rồi! Ai bảo nó nói Hà Hảo sắp chết?"


Giọng nói đang vô cùng giận dữ của Tiếu Tùng khi ấy bỗng òa ra và khóe mắt bỗng đỏ lựng lên, cậu hỏi: "Bà nội, Hà Hảo có thật là sắp chết rồi không?"


Buổi tối hôm đó, tôi còn nhớ rất rõ.


Không phải chỉ vì tôi bị quai bị đau đến mức chỉ có thể uống sữa bằng bình mà còn bởi vì, khi tôi đang ôm bình sữa nằm ngửa trên sô pha xem ti vi, bà nội Tiếu đích thân dẫn Tiếu Tùng vào nhà để chứng thực rằng có phải tôi sắp chết hay không.


Sau này cho dù là bà nội Tiếu hay mẹ tôi, mỗi lần muốn kể chuyện cười đều lại nhắc đến hình tượng anh hùng dũng cảm vô đối Tiếu Tùng vì tôi bị quai bị mà rơi nước mắt, mà mỗi lần hai người họ nhắc đến chuyện này, Tiếu Tùng đều lạnh mặt lặng lẽ lẩn đi chỗ khác.


Lần đầu tiên Tiếu Tùng đánh nhau với người khác, lại còn đánh con người ta đến khóc luôn.


Đến khi tôi khỏe hơn và có thể đi học lại, tôi mới biết người bị đánh ở lớp tôi là thằng Mập. Kể ra thì cũng tội nghiệp nó, nó cứ nghĩ bị bệnh truyền nhiễm thì chắc chắn là bệnh nan y, chắc sau trận đòn đó nó không bao giờ dám nghĩ như vậy nữa.


Sau đó Tiếu Tùng ở lớp tôi có thể nói là đánh một trận để lại tên tuổi, gọi là "Em trai tốt của Hà Hảo".


Có vài nữ sinh trong lớp bắt đầu hâm mộ cậu ấy, nói em trai tôi đối xử với tôi thật tốt, ngày ngày đợi tôi tan học về, có khi còn đeo cặp sách giúp tôi, vì tôi đánh nhau với thằng Mập. Thằng Mập lợi hại ra sao, cao ra sao, thịt nhiều thế nào, có mấy người đánh lại được đâu.


Tôi nói: "Các cậu đừng có mà ngưỡng mộ. Cậu ấy đeo cặp sách cho mình vì hai đứa mình chơi kéo búa bao cậu ấy thua nên phải chịu thôi."


Một bạn nữ nói: "Thiệt tốt, mình cũng muốn có em trai cùng chơi kéo búa bao giống cậu."


Tôi nói: "Không được, em trai mình chỉ có thể chơi kéo búa bao với mình thôi."


Sau đó không biết vì sao, Tiếu Tùng cùng thằng Mập lớp tôi bắt tay làm hòa, cho đến khi tốt nghiệp tiểu học, Tiếu Tùng chơi với bạn cùng lớp tôi còn thân hơn tôi, còn xưng anh xưng em với đám con trai lớp tôi. Thậm chí đầu hè, bàn phía sau tôi chia nhau dưa hấu ăn còn đưa cho tôi một miếng mang về cho Tiếu Tùng, sau đó vì tiện thể nên cũng cho tôi một miếng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.