Chai Thời Gian

Chương 35



Không thèm nghe tôi nói thêm lời nào nữa, sáng hôm sau mẹ kéo tôi đến đăng ký ngành Luật ở một trường đại học tư thục.

“Học hành chả có gì to tát cả. Cứ học đi, để mày có cái gì chứng tỏ cho công sức bỏ ra,” cuối cùng mẹ cũng lên tiếng khi nhìn thấy vẻ mặt của tôi. “Nếu như tao sẵn sàng trả đống học phí khổng lồ này, đó là vì tao mong mày sẽ được ở giữa những người tốt giúp mở đường cho mày sau này. Mày biết đấy, bây giờ người ta chả làm được gì nếu không có quan hệ.”

“Mẹ, mẹ biết là con không thích luật mà.”

“Thế mày nghĩ tao thích ngồi bán đồ ăn à? Chả có ai lúc nào cũng được thứ mình muốn, mày biết đấy, nên tốt nhất là cứ làm cái gì mình có khả năng trước đã. Thích thú hay không lại là một vấn đề khác.”

“Ngay cả nếu con tốt nghiệp, con cũng không biết mình có thể làm được nghề gì.” Tôi đưa tay cáu kỉnh vò đầu bứt tóc.

“Hừ, thì mày hẵng cứ tốt nghiệp đã, và nếu không tìm được việc thì mày có thể thay tao trông coi nhà hàng cho tao nghỉ ngơi một chút. Tao cũng đã đủ mệt mỏi vì hai đứa mày lắm rồi.”

Mỗi lần chúng tôi tranh cãi, con át chủ bài của mẹ luôn là khiến hai anh em tôi cảm thấy như thể bà đang phải gánh chịu mọi nỗi khổ nhọc trên đời vì chúng tôi, và điều đó luôn hiệu nghiệm vì nó lập tức khiến chúng tôi cứng họng. Thế nhưng bà không nhận ra rằng, ngoài việc làm cho lòng thương mẹ trong chúng tôi dâng lên và nhắc nhở về món nợ với bà, điều ấy cũng khiến tôi tự ghét bản thân vì là gánh nặng cho mẹ. Nhiều lúc tôi còn nghĩ giá không phải gánh theo hai chúng tôi, có lẽ mẹ đã hạnh phúc hơn rất nhiều.

“Tao nghĩ ta sẽ mua trả góp một cái xe máy cho mày đi học,” mẹ nói để an ủi tôi khi thấy vẻ mặt tôi vẫn còn u ám.

“Không cần đâu mẹ ạ. Con làm mẹ khổ lắm rồi.”

“Tính ra mỗi tháng cũng chả đáng là bao.” Mẹ vươn tay ra xoa đầu tôi. “Xem mày cao đến mức nào rồi này. Chắc tao sắp phải đứng lên ghế mới có thể nói chuyện với mày mất.”

Hai mẹ con đi dọc theo những lối nhỏ yên tĩnh của trường rồi rẽ về phía đường chính đông nghịt xe cộ. Nó nhắc tôi nhớ đến ngày đầu tiên đi học, mẹ nắm tay tôi dắt tới trường. Tôi vẫn còn nhớ hơi ấm của bàn tay mẹ, nắm bàn tay nhỏ xíu của tôi với sự quan tâm dịu dàng. Thế giới bên ngoài thật to lớn đối với đứa trẻ là tôi ngày ấy, nhưng tôi không run sợ khi có mẹ ở bên tôi.

“Nat, dạo này mày có gặp bố mày không?” mẹ bỗng dưng hỏi.

“Không ạ.” Tôi nhìn những tia nước phun ra từ vòi tưới ở giữa một bãi cỏ. Mặt trời ban trưa đã vẽ một đường cầu vồng lấp lánh lên đó.

“Lúc nào có thời gian thì hãy đến thăm ông ấy,” mẹ khẽ nói.

Tôi im lặng thay vì trả lời có hoặc không.

Tôi còn đến thăm Porm hai hay ba lần sau đó. Nó trông khá hơn rất nhiều so với lần đầu tiên, nhưng cái hành hạ nó hơn cả cơn nhức đầu là cái cằm gãy giờ đã nhiễm trùng và mưng mủ. Má nó sưng vù, lệch đi, và khi nói, môi nó mấp máy khó khăn. Mùi hôi của mủ quấn chặt hơi thở của nó, mỗi câu từ mà nó thốt ra.

“Sao cậu không để người ta đưa đi khám?” tôi hỏi, không thể kiềm chế bản thân được nữa.

“Cái gì chứ. Mình không muốn kẻ nào ban ơn huệ cho mình hết.”

“Thôi đi, đây không phải lúc cho mấy lời chửi rủa rỗng tuếch ấy nữa rồi. Sức khỏe của cậu quan trọng hơn hết.”

“Mình thích bị đau đấy.” Porm nổi đóa. “Nó giúp mình nhớ đến nỗi đau của những kẻ thua thiệt trong xã hội.”

“Quên hết thói ác dâm, khổ dâm và mấy thứ vớ vẩn đó đi! Lúc nào thì cậu mới tỉnh ra hả?”

“Mình không say,” nó nói oang oang. “Cậu mới là kẻ say, say với tất cả những sự vô nghĩa và giả dối mà những người như cậu đang bị lừa.”

“Hai cộng hai bằng mấy?”

“Đừng có đùa với mình!” Porm hét lên khiến tay cảnh sát đang đứng gác cạnh phòng giam phải ngoảnh lại xem có chuyện gì.

“Cậu biết mình muốn tốt cho cậu mà.” Tôi nhìn thẳng vào mắt nó. “Hãy tự cứu giúp bản thân trước khi cứu giúp người khác. Những người hùng đã chết đâu có lãnh đạo được đội quân đánh trận tiếp theo đâu.”

“Nghe mới thông thái làm sao!” Porm không chịu chấp nhận nhưng ánh mắt nó đã nói một điều khác.

“Mình đi đây.” Tôi nắm tay nó qua song sắt và lén tuồn vào lòng bàn tay nó một vỉ thuốc giảm đau.

“Cậu sẽ đến thăm mình nữa chứ?” Porm cúi đầu xuống thì thầm.

“Dĩ nhiên,” tôi hứa và chậm rãi rút tay ra. “Đừng quên nói với họ về răng cậu.”

“Ừm.” Nó gật đầu đứng yên, nhìn tôi đi ra ngoài.

Tôi ngồi ủ rũ ở bến xe buýt, nhìn trại giam và hào nước ngăn cách trại với đường chính. Trên mặt nước, những bông hoa súng hồng tươi nở rộ, tắm trong ánh nắng mặt trời.

“Diệu kỳ thay dải vịnh xa xa

Chói ngời trong ánh ngọc tỏa chan hòa

Bát ngát xanh sắc chàm pha lục xám

Tươi thắm như tranh, ôi muôn sắc trời cao

Kìa mặt nước mê hoặc đến cầu vồng cũng thua xa

Quyến rũ hơn muôn châu báu ngọc ngà

Những con sóng nỉ non câu thần chú

Khúc thiên đường trải bát ngát hoan ca.”

“Tung ca sự huy hoàng của Bangkok” của Angkharn mà Porm say mê thầm thì vọng lên từ một góc nào đó trong quá khứ. Tôi hít một hơi thật sâu và quay mặt đi khỏi tòa nhà sừng sững đang giam giữ Porm mà tôi vẫn có thể trông thấy đằng xa.

Bố đang cặm cụi làm việc khi tôi đẩy cửa vào văn phòng ông.

“Nào nào, Nat, bấy lâu nay con trốn đi đâu vậy? Bố định gọi con nhưng dạo này bận túi bụi...” Bố đẩy một tập tài liệu và sắp xếp lại đống giấy tờ trên bàn ý chừng rằng ông đang thực sự ngập đầu ngập cổ.

“Bổ có khỏe không ạ?” tôi vừa hỏi vừa kéo ghế ngồi.

“Khỏe như voi ấy.” Bố ưỡn ngực. “Xem dạo này bố mập ra nhiều không này? Mấy tháng rồi bố không uống giọt rượu nào vào người.”

“Waeo thế nào ạ?” Tôi lơ đãng lật qua, một trong những tập tài liệu của bố.

“Khỏe,” bố đáp. “Bố con mình cùng đi ăn trưa chứ?”

“Vâng.” Tôi nhặt một tờ báo tiếng Anh nằm trên cùng đống báo dưới sàn đọc lướt qua trong lúc bố tiệp tục làm việc. Tôi thích nhìn ông làm việc. Lưng thẳng đĩnh đạc, bố lướt qua tài liệu trước mặt như một người đã thuộc lòng nó và biết cách khiến nó thu lại hay nhảy lên theo lệnh của mình. Cả hai bàn tay ông đều đặt thoải mái trên mặt bàn và đôi lúc, chìm trong suy tư, ông gõ gõ ngón tay rồi cầm cây bút chì được gọt sắc khỏi giá cắm bút mà thêm bớt vào văn bản với vẻ tự tin.

Tôi ngồi đấy đã khá lâu nhưng có vẻ bố vẫn chưa xong được công việc rất quan trọng của mình.

“Sắp xong rồi, Nat,” bố nói như thể vừa chợt nhớ ra tôi vẫn còn ngồi trong phòng, không ngẩng lên, dù chỉ để liếc qua. “Đợi bố xem nhanh qua đống này nhé.”

Đến lúc bố xong việc, đồng hồ trên giường chỉ 1 giờ 15 phút chiều.

“Chắc con sắp chết đói rồi.” Bố cau mày lùi ghế đứng dậy. “Đi thôi, chúng ta tìm xem có cái gì ngon để ăn không.”

Tôi theo bố đi ra. Lúc này, phần lớn nhân viên đã quay lại làm việc.

Chúng tôi chọn một tiệm ăn Tàu trên đường. Bố gọi món như thể là khách quen ở đây.

“Bố con mình ăn há cảo nhé,” ông nói. “Mấy cái bánh hấp đó được không, hay con thích ăn mứt trước?”

“Tùy bố thôi ạ.” Tôi đưa tay lấy ấm trà rót cho bố trong lúc ông gọi đồ.

“Dạo này Ning sao rồi?” bố hỏi khi chuyền giỏ bánh hấp đến trước mặt tôi. “Con ăn đi. Nếu không đủ, mình sẽ gọi thêm.”

Bố nhìn tôi chăm chú trong lúc động đũa và nhai phần của mình.

“Con đã quyết định học Luật,” tôi nói sau hồi lâu im lặng.

“Tốt... chẳng mấy mà con sẽ thành luật sư hay thẩm phán.”

“Nhưng con không hề thích.”

“Hả, tại sao? Đôi đũa bố đang cần khựng lại giữa chừng.

“Con không biết... Con nghĩ ngành đó buồn tẻ và con ghét học cày.”

“Con điên rồi.”

Tôi cười khẽ.

“Con nói như thể con chỉ muốn học mấy cái loại tiểu thuyết ba xu ấy!”

“Con trượt Sinlaparkorn rồi.” Tôi cúi mặt.

Bố không nói gì một hồi lâu. “Bố sẽ nói chuyện với mẹ con.”

“Không, đừng!” Tôi vội ngăn bố. “Mẹ đã đưa con đi đăng ký rồi.”

“Sao bà ấy có thể làm vậy được chứ?” Mặt bố sầm lại. “Bà ấy lúc nào cũng khăng khăng làm theo ý mình. Bà ấy quá ích kỷ, chẳng bao giờ nghe lời ai. Là tính rồi, dù có chuyện gì thì cũng chẳng mong bà ấy thay đổi đâu.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.