Kể từ hôm đó Dĩ Thành liền cố tình dẫn Thiên Việt về thăm nhà thường xuyên hơn, thỉnh thoảng lại chủ động bảo Thiên Việt biếu gia đình ít quà. Song bản thân anh vẫn lo ngay ngáy, âm thầm bám theo, mỗi lần rời nhà Thiên Việt đều giả vờ không biết, để đến nơi vắng người thì bất thình lình xoay người lại, nhìn Dĩ Thành giật mình điếng hồn, mới nghiến răng cố nặn ra nụ cười.
Có một hôm, trùng hợp làm sao khi chị Dĩ Thành đi giao một lô hàng ở gần nhà anh, chợt nảy sinh một ý định trong đầu, muốn đến thăm thú nhà thằng em một phen. Lúc này cũng đã sát giờ ăn tối rồi. Thế nên chị mua luôn vài món ăn mang tới.
Người ra mở cửa là Thiên Việt, cậu lễ phép mời chị vào nhà. Thấy Dĩ Thành đang bận làm cơm, chị chào hỏi đôi câu rồi tự mình đi tham quan khắp nhà.
Căn nhà được dọn dẹp thật ngăn nắp, tinh tươm, đến khi trông thấy cây đàn dương cầm trong phòng khách, chị mới sực nhớ ra, Thẩm Thiên Việt biết chơi piano, hồi đó lúc Dĩ Thành mua cây đàn này chị cứ thắc mắc hoài, Dĩ Thành đâu có biết đánh đàn, phải chăng là chuẩn bị riêng cho Thẩm Thiên Việt? Chẳng lẽ ngay từ khi đó đã tính tới chuyện sau này hai người sẽ sống chung một nhà?
Chị dời gót sang phòng tắm, bất kì món đồ nào cũng có đôi có cặp hết, hai người cùng sống mà, như vậy cũng là bình thường, chỉ là, tất cả những thứ này đều báo hiệu một điều gì đó hơi bất thường, mà khi sự bất bình thường này lọt vào trong mắt của người biết suy nghĩ, liền sẽ trở thành một cái gì đó rất kì lạ, bản thân chị cũng không thể giải thích được rốt cục là lạ ở chỗ nào. Lú đầu ra quan sát thử đôi trẻ, một đứa đang trong bếp, đứa còn lại ở phòng khách, đứa này nhờ đứa kia đưa cho cái gì đó, mang tới tận tay rồi thì đứa nhận được cười tươi roi rói. Mà đứa được nhờ kia cũng cười tươi không kém.
Chị nghĩ, cũng giống với những sinh hoạt thường nhật ở nhà chị mà. Suy nghĩ này vừa xuất hiện, chị chợt giật thót mình. Rồi chị lại nghĩ, chắc là không có gì đâu, tại mình đa nghi quá thôi. Lúc bé bọn chúng cũng thân nhau như vậy còn gì. Dĩ Thành lại là một đứa nhỏ luôn đối xử chân thành với người khác mà. Không sao đâu nhỉ?
Ít nhiều gì chị cũng đã bắt đầu lưu tâm hơn. Thi thoảng lại kiếm cớ ghé qua một chuyến, gửi ít đồ ăn hay đồ dùng gì đó. Trước đó chị ấy chưa từng năng đến thăm như vậy. Dĩ Thành và Thiên Việt, một người thì quá mít đặc nên chẳng hề nghĩ ngợi gì, một người thì vẫn còn bị nỗi sợ hãi ám ảnh từ tận xương tủy nên chẳng dám nghĩ ngợi quá nhiều, cả hai người cứ thế mà chẳng chút bận tâm tới điều này.
Ra Tết, Thiên Việt đột xuất nổi hứng đòi học chạy xe máy, sau khi Dĩ Thành đi làm về, sẽ dắt xe ra chỗ cổng sau khu nhà, nơi đó có một khoảnh sân trống, người thưa, tương đối an toàn, bắt đầu dạy Thiên Việt.
Nhóc con Thiên Việt này, thoạt trông cũng lanh lợi sáng dạ đấy, nhưng thần kinh vận động thì lại hơi kém, tập mãi mà vẫn chưa biết cách giữ thăng bằng, mất hết cả buổi trời, mà cũng chỉ lảo đảo lái đi được có mấy mét, rồi ngã cái rầm.
Thiên Việt thở phì phò, lỡ ngã rồi nên ngồi ì ra đất luôn. Mặc cho Dĩ Thành có trêu thế nào hay kéo làm sao cũng không chịu đứng lên, sau đó thì dứt khoát lăn kềnh ra đất luôn.
Đất mẹ đầu xuân, vẫn giữ nguyên cái rét căm đến mức xơ cứng của mùa đông, vậy nhưng đã xuất hiện lít nhít những mầm cỏ non mới nhú, nhìn thì không thấy đâu, song, khi Thiên Việt nằm xuống, lòng bàn tay chậm rãi lùa qua, lại có thể cảm nhận được cái sự âm ẩm tê tê ấy rồi.
Dĩ Thành cố nín cười, ngồi xuống dỗ dành: “Việt Việt, mau đứng dậy đi, đến không khí còn lạnh như vậy, huống hồ là mặt đất. Học không xong cũng chẳng thành vấn đề, chẳng phải đã nói em đi đâu anh sẽ đèo sao?”
Thiên Việt vắt tay lên che mắt lại, đáp: “Quá là thất bại mà, em cũng mong sẽ có một ngày được chở anh đi đây đi đó, giờ lại học không được thì có mà chở bằng niềm tin à? Thiệt tình, anh nói xem có phải về mặt này thì em đặc biệt kém cỏi không?”
Dĩ Thành nói: “Em kém hồi nào chứ? Cứ từ từ, rồi sẽ có ngày em học được thôi. Em còn nhớ cái cảnh tập chạy xe đạp hồi bé chứ…”
Thiên Việt vùng dậy, siết lấy cổ Dĩ Thành, thò tay ra làm bộ như con dao, kề sát ngay giữa cần cổ Dĩ Thành, nhíu mày cười gằn: “Thị Dĩ Thành, anh có ngon thì nhắc lại thêm lần nữa cái chuyện tập đạp xe lúc nhỏ xem… Hừm hừm hừm!”
Dĩ Thành phá lên cười hềnh hệch.
Nhóc Thiên Việt, tập chạy xe đạp trên bãi cỏ xanh rờn, nhóc Dĩ Thành, vịn chặt khung xe, chạy lạch bạch theo sau. Được một hồi, nhóc ta buông tay ra, nhóc Thiên Việt tiếp tục đạp ngon ơ, tới chừng tình cờ bắt gặp nhóc Dĩ Thành đang đứng một bên, liền ré lên một tiếng, rồi ngã nhào khỏi xe, lăn lông lốc xuống con kênh gần đó, cả người dính đầy sình lầy.
Đã là chuyện của bao nhiêu năm về trước rồi? Sau khi trải qua muôn vàn gian nan trắc trở, sau cùng lại xảy đến thêm lần nữa.
Mặc cho hoàng hôn đang dần buông xuống, Dĩ Thành vẫn có thể nhìn thấy từng đường nét trên khuôn mặt Thiên Việt, hết sức rõ rệt, hốt nhiên nương theo tư thế cậu đang ôm lấy cổ mình mà vùi đầu vào hõm vai cậu.
Thiên Việt cụng trán mình vào trán anh, rồi lập tức dời ra, thỏ thẻ hỏi: “Thị Dĩ Thành, anh làm sao thế?”
Dĩ Thành ngước mặt lên, cười phớ lớ đáp: “Thật muốn nói ra hết, báo cho thật nhiều thật nhiều người. Cho toàn thế giới này đều biết luôn.”
“Báo cái gì cơ?”
Ý Dĩ Thành là, muốn nói với cả thiên hạ rằng, anh yêu em nhiều biết mấy, yêu biết bao nhiêu, yêu biết chừng nào.
Thế nhưng anh lại không nói ra.
Chẳng qua, cũng chẳng hề chi.
Vì Thiên Việt hiểu mà.
Thiên Việt gục đầu, mân mê mấy ngọn cỏ non mới mọc trên mặt đất, rề rà hỏi: “Người khác nghĩ thế nào cũng chẳng quan trọng. Có điều, anh nè, tụi mình, thật sự có thể bên nhau đến trọn đời không?”
Dĩ Thành trả lời: “Chẳng phải đã hứa với nhau rồi sao? Không chỉ có kiếp này, mà còn cả kiếp sau nữa.”
Thiên Việt cười: “Nếu có một ngày, em trở nên già nua, đầu bạc trắng, răng long hết ra, lụ khụ lẩm cẩm, thì đến lúc đó, liệu anh có còn yêu em không?”
Dĩ Thành ngắm nhìn gương mặt đang kề cận ngay trước mắt, đôi gò má mơn mởn, nước da căng mọng mịn màng, đến cả lỗ chân lông cũng không thấy, Dĩ Thành nói: “Còn phải hỏi sao. Khi đó anh còn già khú hơn em nữa, nói không chừng đi đường còn phải chống gậy, râu tóc bạc phơ bện lại thành từng búi từng búi ấy chứ. Khi ấy, chúng ta sẽ bầu bạn bên nhau, cùng ngồi sau quầy tính tiền trong tiệm sủi cảo của riêng tụi mình, rảnh rỗi lại móc tiền ra đếm cho đỡ nhàm, tha hồ mà sai bảo mấy đứa chạy bàn chạy tới chạy lui.”
Thiên Việt bật cười khúc khích, nói: “Vậy thì phải đếm cho thật kỹ nha, mắt mũi kèm nhèm rồi, nhầm cái là mệt à. Đến lúc đó, tiền bạc chính là con cái của chúng ta, phải trông cậy vào chúng để an hưởng tuổi già đấy.”
Thiên Việt đã không còn gầy xọp thấy thương như cách đây ít lâu nữa, gương mặt xinh xắn, giữa lúc trời nhá nhem tối, trông như tạc nên từ chất ngọc tinh thuần, đôi mắt nhung huyền rực lên ánh sáng hiền hòa.
Dĩ Thành dùng vai huých nhẹ vào người cậu, bảo: “Việt Việt, sang năm chúng mình cùng về miền Đông Bắc một chuyến đi. Đến Cát Lâm. Đi vào mùa đông ấy, để ngắm sương móc. Em chưa từng thấy qua cảnh đó đúng không?”
Thiên Việt nói: “Trong phim tài liệu có chiếu mà.”
Dĩ Thành nói: “Sao mà so sánh được. Đi với anh đi mà, nghen?”
“Dạ.”
“Quê anh nằm ở vùng ngoại ô cách thành phố Cát Lâm không xa lắm. Ngoại anh cũng mất được gần mười năm rồi, thế nhưng, có mấy người cậu vẫn còn sống ở đó. Cậu cả của anh, trồng bầu mát tay lắm. Đến đó đi, anh sẽ cho em thưởng thức món sủi cảo nhân bầu trộn trứng.”
Dĩ Thành cọ cọ mu bàn tay lên mặt Thiên Việt: “Xem, lạnh ngắt rồi nè. Mau đứng dậy, đi về thôi. Để bị cảm thì không hay đâu.”
Hai người dắt nhau lên nhà.
Lối đi ngoài hành lang vẫn tối đen như mực. Cũng chẳng biết Dĩ Thành lên cơn gì, tự nhiên lại nổi hứng nghịch ngợm, vung tay một cái kẹp ngay đầu Thiên Việt vào dưới nách mình, vừa định vò rối tóc cậu, Thiên Việt đã khéo léo lách ra khỏi cánh tay anh, Dĩ Thành nhanh tay chụp nhóc con Thiên Việt đang lẩn như chạch lại.
Góc cầu thang tù mù là thế, vậy mà hai người vẫn cứ nhìn nhau đắm đuối.
Thiên Việt hấp háy mắt hỏi: “Dòm no mắt chưa?”
Dĩ Thành đáp: “Chưa.”
Hai người không hẹn mà cùng bật cười rúc rích.
Chị của Dĩ Thành đứng ngay chân cầu thang tầng dưới, theo bản năng lánh vào một góc. Tim dộng bình bịch bình bịch, hoảng loạn như vừa mới ăn cắp tiền của người khác vậy. Một lúc lâu sau, nghe thấy tiếng hai người đã vào trong nhà rồi, chị mới choáng váng mặt mày, loạng choạng xoay người bước xuống cầu thang. Cho đến tận khi đã đi khỏi đó một đoạn khá xa rồi, mới nhớ tới bọc bánh trôi bị siết chặt trong tay nãy giờ. Là đồ ở nhà tự làm, vốn tính mang qua cho hai đứa nhỏ nếm thử.
Chị nghĩ nghĩ một hồi, liền quay gót về nhà mẹ đẻ.
May sao gặp lúc bố đã đi ra ngoài đánh cờ rồi, mẹ thấy con gái đột xuất về thăm nhà, mà bộ dạng bần thần như người mất hồn, mới vội hỏi coi đã xảy ra chuyện gì.
Chị kéo tay mẹ vào buồng trong, lòng bàn tay chị vã đầy mồ hôi, run lẩy bẩy.
Mẹ hỏi: “Con làm sao vậy? Gia Kỳ (ông xã của chị) xảy ra chuyện gì sao?”
Chị cố nuốt nước bọt, mà cổ họng cứ nghèn nghẹn, ngập ngừng mãi mới đáp: “Mẹ, Dĩ Thành ấy, phải mau mau tìm cách kiếm người yêu cho nó thôi.”
Mẹ bảo: “Sao tự nhiên lại nhắc tới chuyện này, cũng đâu phải chưa từng làm mai cho nó đâu, con bé lần trước đó, kêu nó đi gặp người ta nó còn chẳng chịu. Cứ thư thả đi, bao giờ có đối tượng thích hợp rồi hẵng tính tiếp. Hay là con biết được mối nào tốt rồi?”
Chị trả lời: “Không phải như vậy đâu. Hây dà…” – Chị châu đầu vào sát tai mẹ, rủ rỉ điều gì đó.
Mẹ chị lắc đầu như không dám tin: “Làm sao mà có chuyện đó được. Dĩ Thành từ nhỏ tới lớn vốn rất tử tế với mọi người. Lại chơi với nhau từ tấm bé, có thân thiết hơn bình thường một tí, quan tâm nhau hơn bình thường một tí, cũng là chuyện thường tình.”
Chị cãi: “Không phải đâu, mẹ à. Con cũng không biết nói sao nữa, nhưng cái cảm giác khi hai đứa nó ở bên nhau ấy, mẹ chịu khó để ý kỹ là sẽ nhận ra ngay. Không phải thân mật bình thường thôi đâu. Cũng không phải tại con đa nghi gì đâu, mẹ nè, bộ mẹ không nhớ à? Thằng con nhà bà dì họ của Gia Kỳ đó, năm ấy chẳng phải nó cũng cặp kè với một gã đàn ông hay sao, lúc sau bị người nhà bên kia quậy một trận long trời lở đất, cuối cùng thằng nhỏ phát bệnh thần kinh luôn. Tới giờ vẫn còn khùng khùng điên điên kia kìa. Mà cũng chả có ai thèm lo cho nó, mặc thằng nhỏ tối ngày mình trần như nhộng lang thang đầu đường xó chợ, đúng là nghiệp chướng mà!”
Mặt mẹ tái xanh tái xám, “Vậy phải làm sao, làm sao bây giờ?”
Chị thở dài não nề, đáp: “Ây, con cũng chưa biết tính sao nữa. Chi bằng, kêu Dĩ Thành về đây đi, rồi tìm cách nhẹ nhàng hỏi khéo nó xem sao?”
Mẹ nói: “Được rồi. Con đợi đó, mẹ đi đánh điện thoại cho nó.”
Chị giữ mẹ lại, khuyên: “Bây giờ chưa phải lúc. Mẹ con mình hãy nghĩ xem nên hỏi thế nào cái đã.”
Ngày hôm sau, vừa tan tầm, Dĩ Thành đã nhận được một cuộc gọi từ mẹ. Bảo là trong nhà có chút chuyện, kêu anh về một chuyến.