Còn chưa được một tuần mà Trần Hải Thiên đã cảm thấy dường như Trang Tuyết đã luôn luôn ở đây từ trước tới giờ.
Ngoại trừ việc trong phòng có thêm Trang Tuyết và Ngày Mưa rất hậm hực vì chuyện này ra, gần như cuộc sống của anh không có bất kỳ thay đổi gì. Hơn nữa, xét một cách chính xác, họ mới yêu nhau chưa đầy 24 giờ. Bắt đầu từ nụ hôn trong buổi chiều Chủ Nhật hôm đó, đến khi ăn xong bữa sáng kiêm bữa trưa vào buổi trưa ngày hôm sau, lúc rửa bát xong họ đã tiến luôn vào giai đoạn “bên nhau”, bắt đầu mua vé bổ sung cho cuộc sống.
Họ đều biết, yêu đương chỉ là một trạng thái tình cảm ngắn ngủi nhất thời, mà quá trình mua vé bổ sung lại rề rà chậm chạp như quá khứ, bởi vậy làm thế nào để sống yên bình ổn định mới thực sự là vấn đề họ cần phải đối mặt.
Song từ lúc đó, thời gian chảy trôi cũng trở nên hết sức lạ kỳ, không còn tiếp tục tiến về phía trước, cũng không dừng chân đứng im, mà nhẹ nhàng mềm mại lan tràn, y hệt những con sóng không ngừng lan rộng ra xa, còn hơi thở của Trang Tuyết cũng vương vấn đọng lại mãi trên làn môi anh.
Giờ đây, họ có rất nhiều thời gian bên nhau. Họ cùng nhau ăn cơm, cùng nhau ngủ thiếp đi, cùng tay nắm tay xuống lầu mở quán, không cần phải nói lời tạm biệt lúc 9 giờ tối, cũng chẳng còn phải vội vã bắt xe đêm về thành phố của mình.
Họ thường ôm nhau tha thiết, nhẹ nhàng ve vuốt nhau, khắc sâu đường cong dáng người đối phương vào trong lòng, nếm trải cảm giác khi áp lên cơ thể đối phương. Họ giống như sữa và cà phê, bắp cải muối và đậu phụ thối, quện vào nhau thành một thể thống nhất hoàn mỹ, trở thành một phần của đối phương. Từ đây trở đi, dù họ có đi đâu đi nữa cũng đều chảy trong máu thịt nhau.
Không đến lâm viên, sao biết cảnh xuân động lòng nhường nào.[1]
Trần Hải Thiên rất thích cuộn mình rúc vào bên người Trang Tuyết như Ngày Mưa, để Trang Tuyết chơi đùa những ngón tay mình, rủ rỉ kể Trang Tuyết nghe các chuyện vụn vặt, nói với y anh chỉ muốn sống tới năm 27 tuổi, nói ông ngoại dán giấy cực kỳ tinh xảo mỹ lệ, nói về cuộc sống thời đại học của anh.
Anh thích chạm lên mái tóc xoăn của Trang Tuyết, để chân tóc vờn trên mặt, nghe Trang Tuyết kể về chuyện thú vị thuở thơ ấu và lúc bên nước ngoài, và cả những truyền thuyết dân gian học được khi làm đậu phụ thối, bắp cải muối hồi lớp ba.
Họ sẽ kể nhau nghe về quá khứ của mình, nhưng chưa bao giờ giở lại những chuyện trên Mộng Cầu Vồng. Họ chưa từng nói rõ ràng về thời đấy, song trong lòng đều tường tỏ thấu suốt, nói ra cũng chỉ thừa thãi.
Họ lập ra hiệp ước ở chung “ba không được một không có” cho trạng thái tình cảm mới của mình.
Không được tặng quà vô ích, ví dụ như hoa, nếu tặng thì sẽ tặng hoa lơ (súp lơ), ít ra còn có thể ăn.
Không được tham gia vào những ngày lễ vớ vẩn, như lễ Tình nhân, mà chỉ nên dành thời gian vào các ngày lễ như lễ Phật Đản, ít nhất còn được ban phúc.
Không được nấu món gì kỳ quái, hạng mục này đích xác là nhắm vào Trần Hải Thiên.
Không có điều giấu giếm.
Không có điều giấu giếm không có nghĩa họ phải phơi bày kể rõ về quá khứ gia đình mình cho đối phương, mà tức là ở bên nhau phải thành thật chân thành. Muốn ở một mình, cảm thấy đối phương nấu ăn quá tệ, đi trên đường nhìn thấy trai đẹp tim đập nhanh, tất cả đều có thể thẳng thắn nói nhau hay. Bởi thứ Trần Hải Thiên muốn không phải là tình cảm mãnh liệt, mà chỉ là một cuộc sống an bình yên ổn, gắn bó thiết tha.
Trang Tuyết còn thực tế hơn khi đề xuất phân chia gánh vác những khoản phí sinh hoạt. Bởi từ mọi thứ bé xíu như mắm muối tương dầu giấm trà đến tiền mạng tiền điện, gì cũng là tiền, mà tiền là một việc rất thực tế. Nếu họ đã muốn ở bên nhau cả đời, thì tốt nhất là phải sống thật thực tế rạch ròi.
Thậm chí Trang Tuyết còn kiên quyết muốn sau này sẽ trả tiền khi uống đồ trong quán, bởi Trần Hải Thiên đang kinh doanh, phải lo tới chuyện chi phí. Lúc là bạn thì có thể họ không cần tính toán chi li, song khi ở bên nhau thì ngược lại, hết thảy phải sòng phẳng. Cuối cùng họ quyết định sẽ trích một khoản trong tiền sinh hoạt để mua hạt cà phê và lá trà, tách biệt rõ tiền cá nhân và tiền buôn bán.
Trần Hải Thiên cảm thấy Trang Tuyết suy xét mọi chuyện chu đáo kỹ càng như thế rất lãng mạn.
Người sinh ra ở thời đại này đều có thái độ lệch lạc trong tình cảm. Nếu như muốn ở bên nhau lâu dài, thì phải vai kề vai, dùng cùng một góc độ lệch lạc để ngắm nhìn mọi thứ. Chỉ cần họ có được hạnh phúc mà người khác không thể hiểu được, thì không cần bận tâm người ta đánh giá nhìn nhận trạng thái lệch lạc của họ ra sao.
Bước vào tháng 9, mọi chuyện đều chậm rãi tiến triển.
Cuộc sống của Trần Hải Thiên cũng không thay đổi là mấy, cứ 2 giờ chiều mỗi ngày anh mở quán, rang hạt cà phê, bán hạt cà phê, pha cà phê, làm đồ uống, nghe nhạc. Tới 6 rưỡi ăn cơm tối, xuống bếp làm đồ Tây hoặc Trang Tuyết làm đồ Trung, có lúc thì gọi đồ ăn bên ngoài về, 10 rưỡi tối đóng cửa ngừng bán.
Cửa hàng chưa bao giờ đông khách cả, khách đến đây không là khách quen thì cũng là khách ruột, thỉnh thoảng có vài người qua đường lạc bước vào. Song khách mới cũng từ từ tăng lên, khách thì viết tiểu thuyết, khách thì chơi nhạc, khách thì viết chương trình… Có những người coi nơi đây là chốn dừng chân bí mật của mình, họ nói năng nhẹ nhàng, hiền lành thân thiện, không chụp ảnh trong quán rồi lên mạng đánh giá bằng thái độ của chuyên gia ẩm thực tự cho mình là biết tuốt.
Anh càng ngày càng hiểu ra, quán cà phê này chính là Hẻm Xéo. Nó có phong cách của chính mình, chỉ lựa chọn đối tượng khách mà nó muốn, vì vậy anh âm thầm mở cửa bán hàng và cũng âm thầm trông giữ.
Cuộc sống của Trang Tuyết cũng rất cố định, học hành, dịch sách, đóng gói hạt cà phê, thỉnh thoảng đi học ở phía Nam thành phố thì tiện thể đưa hàng cho các cửa hàng đối tác, cùng Trần Hải Thiên mua vé bổ sung cho cuộc đời.
Họ dành phần lớn thời gian sinh hoạt tại tầng một và tầng hai, còn phòng khách ở tầng ba biến thành phòng sách của Trang Tuyết. Bởi cho dù họ có thân thiết mặn nồng tới đâu đi chăng nữa, họ cũng vẫn cần không gian và thời gian cho riêng bản thân.
Võ Đại Lang chỉ xuất hiện đúng một lần vào đầu tháng, khuôn mặt chan chứa hạnh phúc mua hạt cà phê: “Tôi không biết Tiểu Thành thích loại hạt nào, có thể bán cho tôi mỗi loại một ít không? Cuối tuần tôi phải nấu cà ri gà cho em ấy ăn, tiện thể pha cà phê cho em ấy uống.”
Thế là tiếp đó, Trần Hải Thiên vừa nghe Võ Đại Lang kể lể về chuyện gặp mặt Tiểu Thành vào đợt đi Bắc Kinh công tác tuần trước vừa đóng gói túi 1/8 cân đặc biệt.
“Tổng cộng có 18 loại hạt cà phê, còn có 5 loại hạt hỗn hợp tôi tự chế ra nữa”, Trần Hải Thiên đưa hết gói hạt cà phê bằng giấy cho Võ Đại Lang: “Xem Tiểu Thành thích loại nào, sau này có thể bảo Trang Tuyết đưa qua cho, đi cũng gần.” Dù Võ Đại Lang cũng khá hợp mắt anh, song lại thuộc loại hợp mắt nhưng chẳng có gì để nói với nhau, do đó nếu nhờ được Trang Tuyết cầm hạt cà phê, anh sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Sau khi Võ Đại Lang đi rồi, anh giở lịch tháng ra, kiểm chứng suy đoán của mình. Theo ngày giờ mà Võ Đại Lang nói thì hai người họ gặp nhau ở Bắc Kinh đúng vào lễ Vu Lan, ngày Xá tội vong nhân, là ngày hoàng đạo.
Chắc Võ Đại Lang đã lấy mình làm tế phẩm nên ngày hôm sau mới nhận được câu trả lời như ý. Trần Hải Thiên thầm nghĩ, sau đó lại lặng lẽ mặc niệm cho Võ Đại Lang ba giây.
Mua thu lặng lẽ len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, cuối cùng cũng đến Tết bánh trứng nướng mà Trang Tuyết chờ mong nhất. Đêm trước Trung thu, mẹ anh mang mấy lọ tương về Đài Bắc cho Trần Hải Thiên như lời anh dặn. Trong quán cà phê, anh chính thức giới thiệu Trang Tuyết với mẹ. Trang Tuyết quả đúng là sát thủ phụ huynh, ba người luôn chìm trong tiếng cười vui vẻ rộn rã. Sau bữa cơm, mẹ anh nói với Trang Tuyết: “Lần sau đến Tokyo chơi với Hải Thiên nhé.”
Trang Tuyết qua cửa mẹ anh một cách suôn sẻ dễ dàng, giờ đây còn mỗi Ngày Mưa là không vừa mắt y.
Ngày Trung thu, anh và mẹ anh đến Trung Lịch, sau đó cầm bánh trứng nướng ông ngoại làm về. Bên ngoài quán cà phê anh muốn đưa Trang Tuyết đến xem vẫn xanh mướt dây leo như xưa, tuy nhiên ở phòng trong, bài thơ trên bức tường không còn nữa. Anh hơi tiếc nuối, song giờ đây anh đã có trận tuyết của riêng mình, thế nên cũng không nuối tiếc quá.
Lúc về Đài Bắc, khi anh và mẹ nói chuyện trên tàu hỏa, mẹ anh hỏi: “Con biết vì sao mẹ nói người trước không hợp chưa?”
“Người ấy quá cảm tính.” Trần Hải Thiên cầm túi to bánh trứng nướng, nhìn ra phong cảnh bên ngoài cửa sổ: “Dù người ấy không yêu người khác thì bọn con cũng không bên nhau được lâu, bởi rồi cũng có ngày người ta không chịu nổi con.”
Lương Mĩ Lị từng nói vấn đề của anh là bị lý trí khống chế, đó là biển nước cuồn cuộn có thể cuốn anh đi cũng có thể nhấn chìm anh. Trong mắt người quá cảm tính, sự quyết tuyệt không chừa đường lui của anh sẽ khiến lòng người lạnh giá. Chỉ có người giống anh mới cảm nhận được tính người từ anh, thứ mà anh chưa bao giờ nói ra thành lời.
Anh và Trang Tuyết rất giống nhau, nhưng cũng hoàn toàn tương phản. Anh là người suy nghĩ lý tính, hành động cảm tính, còn Trang Tuyết thì lại suy nghĩ cảm tính song hành động lý tính. Họ giống như xoáy màu trong bánh bao chay hai màu[2], lớp này chồng lên lớp kia. Bởi vậy, khi họ ở chung mới tạo ra sự đồng điệu hòa nhịp, có lúc sẽ miên man dịu dàng như jazz blues, có lúc lại tươi sáng sôi nổi như khúc hát dân ca.
“Giờ con đã hiểu sao mẹ lại ly hôn với cha chưa?” Mẹ anh thở dài.
Trần Hải Thiên bất lực đảo mắt lên trời: “Sao ngay từ đầu mẹ không nói với con?”
“Nói con cũng không nghe.”
Nghe mẹ anh nói thế, Trần Hải Thiên chỉ biết câm lặng đồng ý. Rất nhiều chuyện chỉ khi bản thân tự trải qua mới có thể thấu hiểu. Trải qua rồi, thấu hiểu rồi, sẽ không cần nhắc lại nữa. Do thế mà anh và Trang Tuyết luôn nói với nhau tất cả mọi chuyện, song chưa từng nói về chuyện tình yêu trong quá khứ, vì quá khứ hoàn toàn không có lý tính, vì ký ức luôn có sức tồn tại mãnh liệt hơn người sống.
Còn theo cách nói của Lương Mĩ Lị, thì có thể diễn giải là “lòng vương người cũ, mắt nhìn người sau.”
Tuy vậy, bản thân anh thì cho rằng, có lẽ khi mua vé bổ sung đến một cấp độ nào đó, một số chuyện sẽ tự khắc giãi bài được với nhau. Ngày tháng còn dài, anh không vội.
Đến tháng 10, Ngũ A Ca lấy lý do tình cảm vợ chồng rạn nứt, từ Trung Quốc về ly hôn với Lương Mĩ Lị. Chắc quản lý thấy áy náy nên đã điều Ngũ A Ca đến bộ phận kinh doanh ở Thượng Hải phồn hoa nửa năm, điều này khiến Ngũ A Ca và A Minh rất vui mừng. Bên nhà A Minh đang định mở chi nhánh, tấn công sang Thượng Thải, thế là cứ cách một hai tuần A Minh sẽ đến Thượng Hải khảo sát thị trường, hai người lại quấn quýt không rời.
“Dân dị tính dễ bị lừa quá, hèn chi thế giới suýt bị bọn họ làm cho diệt vong.” Đó là kết luận của cả ba người bạn cây khế của anh.
Cuối năm, cuộc đời của Lương Mĩ Lị có sự thay đổi chóng mặt, hơn nữa theo cách nói của Lương Mĩ Lị thì quá trình này chính là phiên bản phim Shomuni của Nhật[3].
“Trong phim có một cô gái cực kỳ thông minh biết nói tiếng Ả-rập, lúc đi thang máy đã giúp người khác phiên dịch nên được Đại vương dầu mỏ yêu thích…” Lương Mĩ Lị vừa khua khoắng chân tay vừa biển diễn, kể lại bộ phim. “Vì thế, ngày mai tôi bắt đầu đổi việc, trường kỳ chiến đấu trên thương trường, phải bay tới bay lui giữa Mỹ và Nga, dù còn phải thử việc, nhưng bà đây không sợ.”
Tóm lại, lúc Lương Mĩ Lị ngồi thang máy đến câu lạc bộ thần bí làm việc thì gặp một thương nhân người Mỹ và người Nga cùng một người Đài Loan với người phiên dịch đang ông nói gà bà nói vịt. Thế là Lương Mĩ Lị không chịu nổi nữa phải xen vào, nói tiếng Trung – Anh – Nga lưu loát làm cả thang máy khiếp sợ. Thương nhân Đài Loan giữ phương thức liên lạc với Lương Mĩ Lị, sau đó gọi điện nói chuyện với Lương Mĩ Lị một lúc, tỏ ý rất thích cá tính và năng lực của cô, muốn mời Lương Mĩ Lị làm phiên dịch riêng kiêm trợ lý, ba tháng sau nếu qua thử việc thì chính thức ký hợp đồng lâu dài.
“Bà không sợ ông ta muốn quấy rối bà à?”
“Trần Tiểu Vạn,” Lương Mĩ Lị híp mắt nhìn anh, nở nụ cười lấp lửng: “Tôi chỉ nói đối phương là thương nhân Đài Loan, chứ không nói đối phương là nam nhé. Ông định kiến giới như thế chẳng khác nào đám quảng cáo ti vi dốt nát, tôi không biết yêu vào còn làm đầu óc ông ngu đi nữa đấy!”
“Tôi sai rồi, tôi sẽ tự kiểm điểm.” Anh vội đáp, Lương Mĩ Lị ghét nhất tư tưởng định kiến giới, anh luôn cố gắng tránh hết sức có thể, “Thế còn phiên dịch kia thì sao?”
“Ai quan tâm, trình độ tiếng Nga năm ba đại học mà cũng dám làm phiên dịch, ra ngoài đời thể nào cũng bị trả về nơi sản xuất.” Lương Mĩ Lị khinh thường hậm hừ, rồi cố tình ra vẻ đau xót thở dài: “Hầy, dù sao thì tình cảm giữa ông với Tiểu Tuyết cũng ổn định rồi, sau này tôi chỉ làm chân le ve tôm tép thôi, chi bằng biết thân biết phận phắn sớm.”
Tiểu Tuyết. Trần Hải Thiên không kìm được day huyệt thái dương. Từ lúc Lương Mĩ Lị vừa gặp đã thân biết anh và Trang Tuyết bên nhau, cô cứ tự nhiên dùng cái tên mắc ói này gọi Trang Tuyết, mà Trang Tuyết cũng thoải mái đón nhận.
Cả thế giới này, chỉ còn mỗi mình anh không biết nên gọi Trang Tuyết là gì.
Mới đầu chỉ đơn giản là không thể quyết định, sau khi ở bên nhau, anh càng băn khoăn hơn. Vì Âm Dương sư nói, tên là thần chú cấp thấp nhất, bởi thế anh muốn đặt cho Trang Tuyết một cái tên, để khi Trang Tuyết nghe thấy anh gọi sẽ bị chú định, linh hồn bị hút vào trong cái tên, luôn tìm kiếm nơi phát ra âm thanh, nhớ nhung mãi người đã gọi ra cái tên ấy. Khi anh có được cái tên đó, đồng nghĩa với việc anh sẽ sở hữu được Trang Tuyết.
Do thế mà anh rối như tơ vò, mãi vẫn không quyết được
“Lại giống như ‘thiếu nữ’ tâm trạng rối bời, mãi không quyết được rồi.” Lương Mĩ Lị cẩn thận nhấn mạnh.