Chào Buổi Sáng: Ông Xã Cool Ngầu

Chương 638: Lương - Chúc



Anh quay đầu liếc mắt ra hiệu cho trợ lý ở bên cạnh. Trợ lý lập tức cầm đàn của anh đến.

Những người biết Chu Tự Chương, đặc biệt là fan của anh đều biết đàn là vật bất ly thân của anh. Cho dù đi đến đâu anh cũng luôn mang theo cây đàn “Ngôi sao” mà anh yêu thích nhất, cầm vừa tay nhất. Nghe nói cây đàn này do bậc thầy chế tạo đàn violin số 1 thế giới Elbert Stoop làm riêng cho Chu Tự Chương. Sau khi Chu Tự Chương nhận được đàn, đã biểu diễn khúc nhạc “Bầu trời sao” ngay tại đó, khiến cho thính giả giống như đang ở trong vũ trụ mênh mông. Vì vậy cây đàn này cũng được mệnh danh là “Ngôi sao”.

Bất kỳ nhạc công nào đều sẽ không dễ dàng mang nhạc cụ yêu thích nhất của mình ra cho người khác mượn biểu diễn. Đối với họ, những nhạc cụ này giống như một đứa bé, bị người khác chạm vào một cái thôi cũng cảm thấy đau lòng. Chu Tự Chương đương nhiên cũng như vậy. Nhưng không ngờ anh lại bằng lòng đưa đàn của mình cho Cố Niệm mượn dùng. Ngay cả hai học trò trước của anh cũng chưa từng được dùng đàn của anh.

Khi mọi người nhìn thấy Chu Tự Chương tự tay đưa “Ngôi sao” cho Cố Niệm, ai nấy đền chấn động. Phóng viên ra sức chụp ảnh cây đàn, dù sao cũng không có nhiều cơ hội có thể tiếp xúc với “Ngôi sao” ở cự ly gần như vậy.

Khi Chu Tự Chương đưa cây đàn cho Cố Niệm, cả hội trường vang lên những tiếng bấm máy ảnh không dứt. Ai cũng chen lấn tranh nhau muốn ghi lại cảnh này.

Cố Niệm nhận lấy đàn, nhưng không kích động như những người bên ngoài. Bọn họ căn bản không biết, cây đàn này Bánh Gạo Nhỏ đã chạm vào từ lâu rồi. Lúc đó Bánh Gạo Nhỏ còn bé không hiểu chuyện, chơi ở nhà Chu Tự Chương, thấy cây đàn “Ngôi sao” ở trên giá đàn đã tò mò lấy ra chơi. Khi đó Chu Tự Chương còn nói, đợi Bánh Gạo Nhỏ lớn lên một chút nữa sẽ đích thân dạy cậu bé kéo đàn. Chỉ cần cậu bé có hứng thú, có thể coi đây là một sở thích ngoài lề dùng để hưởng thụ, khi căng thẳng có thể kéo đàn để thả lỏng bản thân. Nếu như để người khác biết được, nhất định sẽ vô cùng ghen tị với Bánh Gạo Nhỏ. Biết bao người muốn dốc lòng theo đuổi con đường này, muốn trở thành người diễn tấu violin chuyên nghiệp, mà đã bỏ ra biết bao tâm huyết, muốn giao lưu học hỏi với Chu Tự Chương còn không được. Nhưng Bánh Gạo Nhỏ cái gì cũng không hiểu, đã đạt được sự xem trọng và bảo đảm của anh rồi.

Cố Niệm cầm “Ngôi sao”, chậm rãi bước lên sân khấu.

Phóng viên ở dưới sân khấu lại cầm máy ảnh chụp “tạch tạch” lia lịa. Tiêu đề bọn họ đã nghĩ ra rồi.

“Sư môn truyền thừa! Học trò cưng của nhạc công violin nổi tiếng thế giới Chu Tự Chương lần đầu biểu diễn, nhận lấy ‘Ngôi sao’.”

Cố Niệm đặt đàn violin lên vai, bày tư thế một cách tự nhiên. Âm nhạc chậm rãi, du dương lại quen thuộc vang lên khắp cả hội trường. Đó là bản nhạc violin “Lương - Chúc” mà mọi người đều quen thuộc.

(1)Lương – Chúc: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.

Có mặt trong khán phòng, ngoài các sinh viên học chuyên ngành âm nhạc, những người đến xem biểu diễn đều là họ hàng và bạn bè thân thiết của họ. Những người này không chuyên nghiệp như những học sinh kia, những bản nhạc những học sinh kia biểu diễn lúc trước, đại đa số khán giả đều không biết họ đang biểu diễn cái gì, chỉ cảm thấy rất hay thôi. Nhưng bản nhạc “Lương – Chúc” mà Cố Niệm biểu diễn thì ai ai cũng biết. Điều này đã đủ để khiến cho mọi người cùng hưởng ứng, chuyên tâm lắng nghe. Ít nhất mọi người đều biết câu chuyện của bản nhạc này, bối cảnh của nó, nó nói lên đạo lý gì, càng có thể đem tâm tư tình cảm và nhận thức của mình vào bản nhạc.

Khi Cố Niệm biểu diễn, cô đã nghĩ đến Sở Chiêu Dương. Nghĩ đến việc hai người suýt nữa để vuột mất nhau, sự nuối tiếc và đau khổ tột cùng bất giác ập đến. Sống mũi Cố Niệm cay cay, trong lòng vô cùng khó chịu, không nhịn được dồn hết tâm tư tình cảm vào trong bản nhạc cô đang biểu diễn.

Giai điệu du dương uyển chuyển của bản nhạc “Lương – Chúc” bỗng trở nên sống động, tiếng nhạc man mác như một sợi dây vô hình, chậm rãi trôi nổi trong không khí rơi vào tai khán giả phía dưới, mềm mại uyển chuyển quấn lấy họ. Tiếng nhạc đau thương buồn bã uyển chuyển êm tai, giống như biến hóa huyền ảo thành bươm bướm, bay lượn trên bả vai và trước mắt khán giả.

Kỹ thuật của Cố Niệm có lẽ không thành thạo bằng những nhạc công có tiếng tăm, nhưng cô biểu diễn bằng cả trái tim, người nghe có thể cảm nhận được tình cảm trong tiếng nhạc của cô. Bài biểu diễn của Cố Niệm đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả cả hội trường. Bọn họ đều bị tình cảm trong tiếng đàn ảnh hưởng, cảm động. Mấy người trong ban giám khảo cũng gật đầu lia lịa.

Bản nhạc kết thúc, Cố Niệm cúi người chào khán giả: “Xin lỗi, tài nghệ non kém, ở đây múa rìu qua mắt thợ, làm mất mặt tiên sinh rồi.”

“Tuyệt đối không có!” Một vị trong ban giám khảo vỗ tay đầu tiên.

Lúc này những người khác mới bừng tỉnh từ trong tình cảm rung động đến tâm can, kích động ồ ạt vỗ tay. Cho dù khán giả không phải là chuyên gia âm nhạc, cho dù là những khán giả bình thường thậm chí không nghe loại nhạc diễn tấu này, đều bị lạc vào cảm xúc trong bản nhạc Cố Niệm biểu diễn. Cả hội trường vỗ tay rào rào.

Dương Thụy Tuyết đứng ở một bên đã sớm bị mọi người lãng quên. Cô ta không ngờ được, vốn muốn hãm hại Cố Niệm, nhưng không ngờ trái lại lại thành giúp đỡ cho cô, bắc thang để Cố Niệm trở thành tâm điểm ở đây.

Rõ ràng cô ta nghe thấy kỹ thuật diễn tấu của Cố Niệm rất bình thường, không bằng đa số sinh viên ở đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.