Anh còn sống là tốt rồi. Em rất khỏe, cũng vẫn sống.
Mau đi ăn cơm đi.
Noãn Noãn ở Bắc Kinh.
Tôi đi rửa mặt, rồi xuống nhà kiếm cái ăn.
Cảnh phố phường quen thuộc, giọng mọi người nói chuyện cũng quen thuộc, quả nhiên tôi đã về đến nhà rồi.
Ở Bắc Kinh 8 ngày liên tục phải nghe quá nhiều âm uốn lưỡi, cứ nghĩ rằng âm thanh trong không trung sẽ chẳng còn truyền theo đường thẳng nữa, mà biến thành từng vòng, từng vòng như xoắn ốc khoan vào trong tai.
Tai tôi sắp thành cái xoáy nước rồi.
Bất giác sờ lên tai, nói: Lúc trước đã để mày chịu khổ rồi.
Ăn no xong, lại xem lại file ảnh Từ Trì gửi một lượt.
Mắt vẫn dừng lại trước ảnh Noãn Noãn rất lâu.
Xem xong, mắt tôi hơi cay cay, dụi dụi mấy cái chẳng hiểu vì mắt cay, hay vì buồn mà có chút rơm rớm nơi khóe mắt.
Tôi tắt máy tính, nằm soài trên giường.
Mở mắt ra lần nữa, thì trời cũng đã tối.
Bất kể ban ngày hay ban đêm, tôi lại lặp lại quá trình đi kiếm cái ăn, bật máy tính, xem ảnh, thẫn thờ, nằm xuống.
Cảm thấy ba hồn bảy vía đã thiếu mất một hồn hai vía rồi, người cũng trở nên hơi thơ thẩn.
Cứ vậy mà sống qua ngày đầu tiên hoàn toàn không được thấy Noãn Noãn.
Hai ngày tiếp theo, tôi vẫn không sao thoát khỏi trạng thái nhớ Bắc Kinh, trong đầu hỗn loạn.
Khi thấy mình thực sự không sao bình tĩnh nổi, tôi bèn viết e-mail cho Noãn Noãn.
Trong hai ngày viết bảy bức e-mail, Noãn Noãn cũng gửi cho tôi bảy bức.
Nội dung trong thư đều là những sự vật cụ thể, chứ không phải cảm xúc gì trừu tượng.
Tôi không thể viết: Gió Đài Loan, trong đêm tối không em, vẫn cứ vô tình thổi.
Noãn Noãn cũng không thể viết: Mất đi hình bóng anh, ánh mặt trời Bắc Kinh chẳng cách nào sưởi ấm lòng em.
Chúng tôi đều chỉ có thể nói với nhau: Vẫn đang nỗ lực sống, làm những việc nên làm.
Thỉnh thoảng tôi cũng có ý định gọi điện thoại cho Noãn Noãn.
Bây giờ di động rất phổ biến, có thể tìm thấy ai đó bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu; nhưng cũng vì bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu, nên đối phương đang ở đâu, làm gì, bạn hoàn toàn chẳng thể biết.
Ví dụ như, ngày thứ ba tôi ở Bắc Kinh, có nhận một cuộc gọi từ một người bạn đại học.
“Giờ cậu có rảnh không?” cậu ta nói.
“Rảnh,” tôi nói.
“Ra ngoài xem phim đi.”
“Nhưng tớ đang ở Bắc Kinh cơ.”
“…”
Vì vậy tôi luôn cố kiềm chế ý muốn gọi điện cho Noãn Noãn.
Một mặt vì phí điện thoại có thể sẽ rất đắt, mặt khác là vì cảm thấy chưa có việc gì kỳ quái đặc biệt đến mức phải gọi điện thoại.
Nếu như đi trên đường tôi nhặt được rất nhiều tiền, hoặc đột nhiên trúng loto, vậy thì đều có thể thỏa mãn cả hai điều kiện trên; vừa có tiền lại vừa là chuyện cực kỳ hiếm gặp.
Nhưng tôi mãi vẫn chẳng nhặt được tiền, loto cũng chẳng mua.
Ngày thứ tư tỉnh dậy đã khá hơn nhiều, ít nhất cũng nhớ ra mình vẫn còn phải kiếm việc làm, gửi CV.
Tôi mở máy tính ra, nhận được một e-mail lạ, của Nhạc Phong gửi tới.
Tôi không chơi cùng Nhạc Phong nhiều, không thể coi là quen thân, trước khi về Đài Loan, cô ấy cũng không xin e-mail của tôi.
Sao giờ lại viết thư cho tôi chứ?
Đọc tiêu đề bức thư: Muốn nhờ anh một việc. Nhờ tôi một việc? Làm bạn trai cô ấy ư?
Chỉ trách tôi có thế nào cũng vẫn phong độ ngời ngời, Nhạc Phong mê tôi âu cũng có thể hiểu được.
Ài, tôi đúng là gây tội rồi.
Mở bức thư, trong thư viết:
Em biết e-mail của anh qua Noãn Noãn, xin cho em biết e-mail của bạn trai học dưới khóa anh, Vương Khắc cần.
Nhạc Phong.
Ps. Tiện thể chào anh.
Có lầm không đấy?
Là thư gửi cho tôi mà lại chỉ chào tôi ở phần ps, lại còn “tiện thể” nữa chứ.
Đến reply tôi cũng chẳng buồn làm, trực tiếp gửi thẳng thư cho cậu em kia.
Sau đó tôi chỉnh đốn lại tâm tư vừa bị cái cô Nhạc Phong kia đùa cợt, bắt đầu chỉnh sửa bản CV.
Ngoài phần trình bày quá trình học tập và chuyên ngành đã chuẩn bị từ trước, tôi còn viết thêm một bức thư xin việc đơn giản.
Thư xin việc viết bằng tay, trên giấy viết thư mua từ trường Bắc Đại.
Ở thời đại máy tính phát triển này, cũng coi như một điểm đặc biệt. Có khi nhờ đó mà thu hút ánh mắt của nhà tuyển dụng.
Tổng cộng tôi tìm được năm công ty, đơn xin việc cũng viết năm cái.
Viết xong, kẹp với CV, lần lượt nhét vào năm chiếc phong bì thư của Bắc Đại, tôi xuống nhà gửi thư.
Ba ngày sau tôi nhận được điện thoại hẹn phỏng vấn.
Ngày hôm sau, tôi đóng bộ ngồi tàu hỏa lên phía Bắc đi phỏng vấn.
Quả nhiên vừa gặp người ta đã hỏi tôi: “Vì sao anh dùng giấy và phong bì thư của Bắc Đại?”
“Tôi là bạn trường Bắc Đại,” tôi nói. “Một người bạn của trường Đại học Bắc Kinh, tôi đã ở đó nửa ngày.”
Người phỏng vấn tôi sững người giây lát, rồi nói:
“Hồi học thạc sĩ tôi có làm một bài nghiên cứu: người thích kể mấy chuyện cười nhạt, khi làm việc thường rất chăm chỉ. Vì những người này có tính khí lạ lùng, giao thiệp cũng không tốt, công việc trở thành nơi gửi gắm duy nhất của họ.”
Tôi không rõ điều này là tốt hay xấu? Trong lòng thấp thỏm không yên.
“Khi nào anh có thể tới làm việc?” một lúc sau, người đó nói.
“Càng sớm càng tốt ạ” tôi nói.
“Vậy thì bắt đầu từ tuần sau đi.”
“Không vấn đề gì ạ.”
Tôi tìm được việc rồi, chẳng hề có cảm giác hào hứng gì đặc biệt, chỉ như vừa hoàn thành một việc nên làm.
Sau đó lại tiếp tục nhận được hai cuộc điện thoại nữa, tôi đều lấy lý do đã tìm được việc rồi mà từ chối.
Dù gì đối với người mới như tôi trong xã hội chuyên nghiệp này, tính chất công việc đều giống nhau cả.
Tôi tìm được một căn hộ mới, chuẩn bị Bắc tiến.
Thu xếp mọi thứ xong xuôi, cái nào đóng gói thì đóng gói, cái nào xếp vào va li thì xếp vào va li, cái nào để lại thì để lại.
Ống cắm bút Noãn Noãn tặng nằm yên ổn trong ba lô tùy thân.
Hôm qua đã hẹn với công ty chuyển nhà, một tiếng nữa người của họ sẽ đến.
Máy tính đóng gói cuối cùng, vì tôi còn định viết một bức e-mail cho Noãn Noãn.
Trong thư tôi viết:
Noãn Noãn.
Anh tìm được việc rồi
Anh phải chuyển nhà, chuyển đến Tân Trúc. (Đài Loan chỉ có Tân Trúc, không có Cựu Trúc)
Ổn định xong xuôi, rồi anh sẽ thông báo địa chỉ mới cho em.