Chỉ Là Chuyện Thường Tình

Chương 13: Chuyện cũ thời niên thiếu



Lúc đó, cậu ta không tên Trác Thanh Liên, mà là Kiều Dật.

Kiều là họ mẹ, Dật là tên mẹ đặt cho cậu ta, nghĩa là "mất đi". Bởi cậu là đứa con không biết cha mình là ai.

Không chồng mà chửa, sinh ra đứa con lai lịch không rõ ràng, trong tư tưởng quan niệm cổ hủ ấy, chẳng khác gì kỹ nữ. Trong ngõ Tử Trúc, Kiều Dật và người mẹ "vô liêm sỉ" của anh đều là phận thấp kém, hèn mọn, bị người ta chỉ chỏ sau lưng: "Xem kìa, cái thứ nghiệp chủng không cha, cũng chả biết mẹ nó ngủ với ai đẻ ra nó nữa...". Thế nên, dù cho Kiều Dật có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú hơn người, cũng vẫn không được người lớn và trẻ con yêu quý. Trên đời này, ngoài mẹ và bà ngoại, không có ai từng thực sự yêu thương cậu cả.

Cậu sở dĩ có mặt được trên đời này, người đầu tiên cậu phải cảm ơn, đó chính là bà ngoại. Mẹ mười chín tuổi đã có mang Kiều Dật, vốn định bỏ đi, chính bà ngoại đã hết lời khuyên nhủ mẹ giữ cậu lại. Bà ngoại lương thiện can ngăn: "Hãy giữ lại nó, dẫu sao cũng là một sinh linh nhỏ bé tội nghiệp!". Thế là, mẹ nghiến răng, bất chấp ánh mắt khinh nghiệt của người đời, sinh ra cậu.

Mẹ của cậu vốn rất đẹp, thời trẻ từng mệnh danh "hoa khôi ngõ Tử Trúc". Thân hình mảnh mai, làn da trắng ngần và đôi mắt to long lanh khiến bao người rung động.

Kiều Dật được kế thừa vẻ đẹp thiên phú ấy từ mẹ, từ nhỏ đã rất tuấn tú. Một khuôn mặt khôi ngô sinh ra trong hoàn cảnh gia đình phức tạp thường sản sinh ra tính cách cực đoan. Lớn lên trong những lời châm chọc mỉa mai nơi hang cùng ngõ hẻm, sớm trải nghiệm bao thăng trầm nhân thế, từ đó nuôi dưỡng tính cách lầm lì cộc cằn, lạnh lùng và kiêu ngạo ở cậu. Trong tim cậu, chỉ có bà ngoại và mẹ là những người thân yêu nhất, vì họ, cậu có thể bất chấp tất cả.

Kiều Dật lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà ngoài, nên có tình cảm cực kỳ sâu sắc với bà. Năm câu mười tuổi, bà ngoại bị chứng mất trí do tuổi già, bệnh tình rất nghiêm trọng, mẹ cậu cũng không có tiền đưa bà đi bệnh viện. Bà cứ ra ngẩn vào ngơ, bất kể xuân hạ thu đông, ngày ngày quấn chặt chiếc áo bông cũ, đầu đội mũ len đen, ngồi như tượng sáp ngoài đầu ngõ, tay không ngừng đan áo len. Từ tinh mơ đến hoàng hôn, hết ngày sang đêm. Bà tay thì đan, miệng thì không ngớt lẩm bẩm: "Tiểu Dật à, bà ngoại đan áo cho con này, mùa đông đến sẽ không còn sợ lạnh nữa!"

Mẹ phải đi bán hàng, Kiều Dật thì phải lên lớp, không sao chăm sóc bà được. Có mấy ngày, mẹ quyết tâm, khóa cửa nhốt bà trong nhà trước khi ra ngoài. Bà ngoại trong nhà nước mắt ngắn dài, liên tục đập cửa sổ khẩn cầu: "Mau mở cửa ra, cho tôi ra ngoài đi!" chất giọng khàn đục, như những tiếng đàn run rẩy, vừa như rên rỉ van lơn, thê thiết mà tuyệt vọng. Cuối cùng, mẹ đành nuốt nước mắt mở cửa cho bà ra ngoài.

Kiều Dật mỗi chiều đi học về, đều trông thấy người trong ngõ Tử Trúc, nhằm hướng bà ngoại cậu mà chỉ trỏ, soi mói, những ánh mắt cười cợt ác ý ấy khiến cậu không sao chịu nổi. Nhưng điều khiến cậu bực nhất là lũ trẻ ranh trong sớm, ném đá, nhổ nước bọt vào bà cậu, láo toét xấc xược mà cười mà nói: "Bà già điên, ha ha, bà già điên!"

Nhìn vẻ mặt vô tội, ngây ngô của người bà bị nhục mạ giữa chốn đông người, Kiều Dật lòng đau như cắt từng khúc ruột. Cậu thét lên một tiếng, xông tới trước. Đường đường là một nam tử hán đại trượng phu, là người đàn ông duy nhất trong gia đình, nhất định phải bảo vệ người thân của mình, không để họ bị tổn thương! Cặp sách trong tay thành vũ khí, cậu nhằm hướng bọn chúng xông tới, với khí thế dũng mãnh không gì ngăn nổi, lần lượt hạ gục từng mục tiêu. Đợi đến lúc hoàn hồn lại, thì lũ trẻ kia đã khóc mẹ kêu cha, toán loạn chạy trốn rồi.

Không ngờ, lũ nhóc kia cũng không biết điều. Một hôm, chúng tập hợp vài tên côn đồ lớn trong ngõ Tử Trúc lại, mai phục trên đường cậu về nhà chờ thời cơ báo thù. Kiều Dật một thân một mình, thiểu số đánh không thắng nổi đa số, một lát đã bị đánh lăn ra đất.

Đại ca của lũ côn đồ là một tên chừng mười hai, mười ba tuổi, cậy thế lớn hơn, thường ngày vênh váo diễu võ dương oai khắp một vùng, tác oai tác quái đã thành thói quen, căn bản không coi cậu nhóc thấp hơn mình nửa cái đầu như Kiều Dật ra gì. Hắn quật cậu ngã xuống đất, một chân giẫm lên người cậu, giễu cợt: "Tiểu nghiệt chủng, cầu xin tha mạng đi, rồi "ông đây" tha cho!"

Giọng điệu khinh miệt của đối phương, phút chốc làm bừng lên ngọn lửa uất ức vì bị lăng nhục bấy lâu nay kìm nén trong lòng Kiều Dật.

Lẽ nào bởi vì anh là "tiểu nghiệt chủng", mà bất cứ ai cũng có quyền sỉ nhục, suốt đời không ngẩng mặt lên được sao? Kiều Dật thì không! Cậu thiếu niên khôi ngô trầm tĩnh có học ấy, bỗng vùng lên, hoàn toàn không quan tâm tới bản thân mình gầy guộc ra sao, đối phương to lớn thế nào, chỉ biết xông lên quyết chiến một phen...

Đây không phải là một trận đánh lộn bình thường, mà là trận chiến vì danh dự. Kiều Dật mồ hôi đầm đìa, trong mắt bừng lên ngọn lửa phẫn nộ, như một trận giao tranh giữa hai con mãnh thú, hoa chân múa tay, chiến đấu chống lại sự không công bằng của số mệnh, tuyên chiến với tất cả những kẻ từng miệt thị mình!

Đương nhiên, kết quả vẫn rất thảm. Kiều Dật bị tên côn đồ đó đánh ột trận te tua. Bại trận lần đầu tiên trong đời, trong lòng tràn ngập nỗi nhục nhã và căm hận, lê bước chân mệt mỏi rã rời, từng bước từng bước khó nhọc tiến vào ngõ Tử Trúc.

Ánh nắng rơi rớt cuối ngày vương trên khuôn mặt sưng húp như cái bánh bao của cậu, cánh tay bị thương, áo quần tả tơi, vết máu loang lổ, toàn thân như vừa bước ra từ đấu trường A Tu La[1], sắc mặt u ám hung dữ, duy chỉ có đôi mắt sáng rực, sáng đến phát sợ.

Về đến đầu ngõ, vốn định nhẹ nhàng lướt qua bà ngoại, chuồn về nhà rửa sạch vết máu và bùn đất dính trên người, rồi thay quần áo, chạy ra dắt bà về nhà.

Ai dè, lúc cậu bước ngang qua chỗ bà, trông thấy một cô bé lưng đeo cặp sách, bước đến bên bà, cúi xuống nhặt cuộn len đang rơi dưới đất lên, đặt vào trong tay bà.

Điều khiến cậu ngạc nhiên hơn nữa, là bà ngoại tưởng như vô tri vô thức, không có phản ứng trước bất kì sự vật nào lại đưa tay ra đón lấy, gương mặt còn ánh lên nụ cười hiền hậu mà lâu lắm rồi cậu không được thấy.

Còn đang ngơ ngác, Kiều Dật nghe tiếng cô bé nhẹ nhàng cất lên: "Bà à, bà ngồi đan áo suốt từ sáng đến giờ, chắc là cũng đói rồi. Cháu có mang quýt theo đây, cháu bóc cho bà ăn nhé, được không bà?"

Nghe tiếng bà ê a điều gì không rõ, âm thanh hòa lẫn vào nhau, đến Kiều Dật cũng nghe không hiểu. Cô bé dường như lại hiểu hết, lấy trong cặp ra một quả quýt, bóc vỏ, từng múi từng múi một đút vào miệng bà. Bà ngoại há miệng ăn, ăn một cách ngon lành.

Rất nhanh, múi quýt cuối cùng cũng được ăn hết, bà ngoại miệng vẫn còn tóp tép, như muốn ăn nữa. Cô bé nhẫn nại vỗ về: "Bà ơi, nếu bà thích ăn, mai cháu lại mang đến nữa mà".

Nói rồi, cô bé rút khăn tay ra, cẩn thận lau sạch nước miếng chảy ra trên khóe môi bà, cười tinh nghịch: "Dáng vẻ bà lúc ăn, giống hệt như ông nội cháu, toàn bị rớt nước miếng ra ngoài thôi!"

Cảnh tượng ấy diễn ra tự nhiên như đã quen thân từ lâu, dường như đã xảy ra rất nhiều lần rồi, như bức tranh đẹp đẽ ngát hương. Thậm chí nhiều năm sau này, cậu sớm đã rời xa ngõ Tử Trúc, vẫn không sao quên được cảnh tượng khi đó.

Tháng sáu Giang Nam, hương hoa chi tử ngào ngạt đất trời. Dưới ánh mặt trời chênh chếch phía Tây, một bà lão tóc bạc phơ, ngồi trên cái ghế đẩu thấp lè tè, một cô bé thanh tú mảnh mai, mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng giản dị, khuôn mặt nhỏ nhắn mộc mạc, phản chiếu dưới những tia nắng sặc sỡ, đẹp như cánh hoa chi tử, thuần khiết trong trẻo, trang nhã mà ngát hương.

Kiều Dật ngẩn ngơ đứng nguyên tại chỗ, chăm chú nhìn theo, cho tới khi cái bóng gầy gầy nhỏ nhắn của cô bé khuất dần sau màn sương chiều.

Ngay sau đó, cậu dò hỏi và biết được, tên của cô bé đó là Đỗ Tịch Nhan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.