Chó Ngao Độ Hồn

Chương 17: Hai



Trời cao có mắt, sơn thần khai ân, đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư như chết đuối vớ được cọc. Chiều hôm đó, trong lúc đi qua vách núi Voi Ma Mút, chúng bỗng phát hiện ra một ổ lợn rừng.

Ổ lợn rừng này được ẩn giấu vô cùng khéo léo, nằm trong một cái hang kín đáo dưới chân vách núi Voi Ma Mút, một phiến đá mỏng hình vảy cá làm thành cửa động tự nhiên che lấp bên trong, chỉ để chừa ra một khe đá hẹp bên mép tự động đủ để chui ra chui vào. Giữa khe đá mọc đầy cây ngải dại, tử đằng, cỏ lạc đà và táo gai. Mặc dù đang giữa mùa đông, lá cây đều đã khô héo, nhưng trên các cành cây phủ đầy tuyết trắng, làm thành một bức rèm tuyết dày che đi khe đá vốn đã rất kín đáo này. Nếu không nghe thấy tiếng lợn con kêu, cho dù đàn chó rừng có đi ngang qua rèm tuyết, cũng chưa chắc đã phát hiện ra được ổ lợn rừng bên trong.

Đàn chó rừng vốn dĩ đang hành quân trong rừng phong cách chỗ rèm tuyết rất xa, chẳng ai nghĩ đến việc đi dò tìm ở vách núi Voi Ma Mút trơ trọi làm gì. Bỗng thấy vang lên những tiếng lợn kêu eng éc giữa núi rừng hoang vắng.

Tiếng lợn kêu tuy vừa nhỏ vừa ngắn, như có như không, nhưng gần như con chó rừng nào cũng nghe thấy rõ ràng. Trong khoảnh khắc, đàn chó rừng con nào con nấy lông dựng ngược, ánh mắt đù đờ trở nên sáng quắc, cái đuôi đang thõng xuống dựng đứng lên, cả đội ngũ thất thểu rời rạc bỗng trở nên phấn chấn. Hoàn toàn chẳng cần Sách Đà phải lên tiếng, những con chó rừng tụt lại phía sau chẳng nói chẳng rằng đã nhanh chóng đuổi kịp cả đàn, rồi lấy Sách Đà làm trung tâm, cả đàn chó rừng chầm chậm đi thành vòng tròn. Đây là trận thế hình tròn để chờ đợi mệnh lệnh xuất kích.

Có tiếng lợn con kêu tức là có lợn rừng mẹ, lợn rừng mẹ ít nhất cũng đẻ từ ba đến năm con, đủ cho đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư được một bữa no nê.

Lợn con kêu thật đúng lúc, nếu kêu sớm hơn hay muộn hơn một chút, có lẽ đàn chó rừng sẽ mãi mãi không thể phát hiện ra ổ lợn này. Đối với đàn chó rừng mà nói, không nghi ngờ gì nữa, đây đúng là vận may tạo hóa ban cho. Còn đối với ổ lợn rừng kia, đây đúng là kiếp nạn. Sách Đà cũng chẳng cần phải đoán xem tại sao mấy con lợn con đen đủi kia lại cất tiếng kêu vào thời khắc có liên quan đến sự sống chết này. Có thể là vì lũ lợn con bẩm tính nghịch ngợm, thích hò hét lung tung; có thể là hai con lợn con đang đánh nhau trong động; có thể là trong lúc trở mình lợn rừng mẹ vô tình đè phải lợn con…

Đôi lông mày màu tím đang trĩu xuống trên trán Sách Đà bỗng chốc giãn ra, nó lắc đầu một cái, dẫn đầu đàn chó rừng chạy về phía vách núi Voi Ma Mút. Đàn chó rừng chia ra thành hình cánh quạt nhẹ nhàng đến gần Động Rèm Tuyết.

Phải đến khi áp suất khe đá kín đáo ấy, mới ngửi thấy mùi hôi của lợn rừng. Phiến đá trơn nhẳn như tấm bình phong chẳng những che khuất tầm nhìn mà còn che đi cả mùi vị. Đây quả là một hang đá tinh xảo tuyệt vời.

Đàn chó rừng vây chặt cửa động, đến con muỗi cũng không bay lọt qua được.

“U…” Sách Đà hướng vào trong động hú lên một tiếng thăm dò.

Bên trong Động Rèm Tuyết vẫn yên ắng, mãi mà chẳng thấy động tĩnh gì.

Đối với chó rừng, lợn rừng tuy là một món khoái khẩu, nhưng chúng cũng chẳng phải là loài dễ đụng vào. Lợn rừng là động vật ăn tạp, vừa ăn các loại thực vật như măng, quả và rễ cây, khoai sắn, lại ăn cả những loài động vật nhỏ như chim trĩ, sóc, nhím. Lợn rừng tính tình hung dữ, dựa vào cặp răng nanh có thể cày tung đất đá, chúng thậm chí dám đọ sức cả với loài báo.

Một con báo thảo nguyên bình thường rất khó có thể đánh lại một con lợn rừng trưởng thành. Trên thảo nguyên Ca Mã Nhĩ từng xảy ra chuyện một con báo cắn đứt cổ họng lợn rừng, lợn rừng cũng đâm thủng bụng báo, kết quả cả hai đều chết trong vũng máu. Nhất là những con lợn rừng đang nuôi con nhỏ, chúng có dũng khí chiến đấu với những kẻ thù nhòm ngó tới đàn con yêu quý của mình cho đến tận giọt máu cuối cùng. Lợn rừng hoàn toàn giống những loài động vật ăn cỏ khác, mới nghe đến đàn chó rừng đã sợ mất mật rồi cắm đầu bỏ chạy.

Sách Đà nhảy từ trên đống đá đến trước Động Rèm Tuyết, đưa đầu vào trong khe đá quan sát.

Trong khe đá đen như mực lấp lánh một đôi mắt vàng hung dữ. “Gừ gừ…” trong động bỗng vang lên một tràng tiếng kêu ồm ồm, đồng thời nổi lên tiếng một cơ thể nặng nề từ trong khe đá nhỏ hẹp xông ra. Mùi hôi xộc vào mũi, một cặp răng nhanh trắng nhờn hung hãn cắn xé về phía trước.

Trong Động Rèm Tuyết quả nhiên có một con lợn rừng mẹ vô cùng hung hãn Sách Đà vội vàng rút đầu lại rồi nhảy ra xa. Nó hú lên, hi vọng lợn rừng mẹ sẽ đuổi theo ra ngoài động. Nhưng con lợn rừng mẹ xảo quyệt không mắc lừa, chỉ thò mặt ra khỏi khe đá, rồi lại nhanh chóng rút vào trong hang.

“U….u…u…u…”

Đàn chó rừng đồng thanh hướng về phía Động Rèm Tuyết hú lên những tiếng khiến con mồi phải run sợ.

Lợn rừng mẹ ở trong động hục hặc thở dốc, cứ ở lì trong khe đá mà không chịu ra. Con lợn ôn dịch ấy đương nhiên biết rằng, một khi mất đi chỗ dựa là Động Rèm Tuyết, nó sẽ gặp phải sự tấn công của đàn chó rừng từ cả bốn phương tám hướng. Ở trong khe đá chật hẹp chỉ vừa đủ cho một con lợn rừng lách mình chui vào này, nó hoàn toàn không cần phải lo tới sự uy hiếp từ hai bên trái phải, chỉ cần tập trung sức lực đối phó với sự tấn công từ phía chính diện là có thể bảo vệ an toàn cho cả gia đình.

Đây quả là một nơi địa hình hiểm yếu, một người đủ sức chặn cả vạn người, hoàn toàn không có cách gì phát huy được ưu thế số đông của đàn chó rừng. Nếu cứ miễn cưỡng tấn công, mỗi lần chỉ có một con chó rừng có thể chui vào khe đá trổ tài cắn xé mà thôi. Mà một con chó rừng gầy bé chiến đấu với một con lợn rừng to lớn, rất khó có thể chiếm được ưu thế, mặc dù so với lợn rừng, chó rừng hung dữ hơn rất nhiều. Lợn rừng mẹ khỏe mạnh, lại nằm trong khe đá lấy sức nhàn chống đỡ, đàn chó rừng có giở chiến thuật đánh luân phiên cũng chẳng khiến nó sợ.

Lúc này, giữa đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư và lợn rừng mẹ đang cố thủ trong Động Rèm Tuyết hình thành quan hệ ăn thịt và bị ăn thịt, không có chuyện kêu gọi vận động, đánh đòn tâm lý để con lợn ôn dịch kia tự động đầu hàng. Trong rừng rậm, nơi mà kẻ mạnh đánh bại kẻ yếu, không có khái niệm tù binh hay đối xử tử tế với tù binh; dùng sức tranh giành, dùng móng vuốt cào cấu, dùng răng cắn xé để vật lộn giữa sự sống và cái chết chính là cách duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn.

Hoặc giả, có thể dùng trí thông minh của chó rừng để dẫn dụ con lợn rừng mẹ đang dựa vào địa thế hiểm yếu kia ra khỏi hang, Sách Đà nghĩ. Chẳng hạn như đàn chó rừng giả vờ hết kiên nhẫn mà bỏ qua cuộc săn mồi này, rút lui ra khỏi vách đá Voi Ma Mút để lợn rừng mẹ không trông thấy nữa, sau đó từ xa vây thành một vòng âm thầm mai phục ở sườn bên trái khuất gió của Động Rèm Tuyết, đợi khi lợn rừng mẹ ra khỏi động tìm kiếm thức ăn sẽ thừa cơ ra tay.

Hay là có thể để cho một con chó rừng con giả vờ chết đói ngoài cửa động, đàn chó rừng khóc lóc bỏ đi, khi tuyết rơi gần phủ kín toàn bộ con chó rừng giả chết, có thể lợn rừng mẹ sẽ hết nghi ngờ, chui ra khỏi động kéo cái xác vào làm bữa điểm tâm…

Không được, mấy cách này đều không hoàn hảo, đều có sơ hở, rủi ro rất lớn. Con lợn ôn dịch kia có thừa thời gian và sự kiên nhẫn, hoàn toàn có thể cứ ở trong động ấm áp, không phải chịu gió tuyết lạnh lẽo, hai ba ngày không ra khỏi động một bước cũng chẳng sao. Còn đàn chó rừng phơi gió phơi sương, đã ba ngày nay không có gì ăn, đừng nói đợi thêm hai ba ngày nữa, e rằng ngay đêm nay thôi cũng có thể vì cái lạnh thấu xương và cơn đói cồn cào mà đánh giết lẫn nhau. Con chó con được dùng làm mồi nhử, sợ rằng không kịp đợi đến khi lợn rừng mẹ bị lừa ra khỏi động, tự nó đã đóng băng mà chết rồi.

Sách Đà quyết không thể làm ăn kiểu lỗ vốn như thế được. Nó cứ đi qua đi lại trước cửa Động Rèm Tuyết, muốn tìm một cách toàn vẹn để dẫn dụ lợn rừng mẹ ra khỏi động. Bỗng nhiên, nó dừng bước, nghiêng đầu, hướng về phía bầu trời phủ sương lúc hoàng hôn phát ra tiếng hú khàn khàn bi tráng.

Chẳng còn cách nào khác, xem ra, chỉ có thể chọn từ trong đàn tìm ra một con chó rừng cảm tử mà thôi.

Ba

Chó rừng cảm tử có một vai trò đặc biệt trong cộng đồng chó rừng, cũng giống như các chiến sĩ ôm bom của các đội quân cảm tử trong xã hội loài người. Đến giờ phút quan trọng đòi hỏi buộc phải hi sinh một người mới có thể bảo toàn được cộng đồng, chó rừng cảm tử phải xả thân xông lên chấp nhận hi sinh bản thân mình.

Chó rừng cảm tử không phải là một vai trò mang tính cha truyền con nối, cũng không do chó đầu đàn quyết định, không dựa vào vận may qua việc bốc thăm, không dựa theo địa vị xã hội hoặc đẳng cấp để xếp lượt, mà dựa vào một tiêu chuẩn vô cùng đơn giản để chọn lựa. Đó chính là tuổi tác và độ già yếu. Thường thì những con chó rừng cảm tử đều đã bước vào tuổi xế chiều. Khi nguy hiểm cận kề, ánh mắt của chó đầu đàn quét một lượt quanh cả đàn, cuối cùng dừng lại trước một con chó rừng lớn tuổi nhất, hình dáng gầy gò, râu đã chuyển sang màu vàng, răng đã bắt đầu lung lay. Ánh mắt của tất cả chó rừng trong đàn thuận theo ánh mắt của chó đầu đàn mà nhìn về phía con chó đó, coi như là chó đầu đàn đề nghị cả đàn biểu quyết thông qua. Thế rồi, con chó rừng già đen đủi bị chọn làm chó cảm tử ấy không còn cách nào khác phải bước ra khỏi đội ngũ dưới ánh mắt thúc giục nghiêm nghị của cả đàn, thần thái có thể bi tráng, ảm đạm hoặc đau thương, nó dùng tấm thân tàn và dòng máu còn chưa nguội lạnh của mình để giằng co với tử thần hung ác.

Ngược lại, trong những ngày bình thường không cần đến chó cảm tử, chó già trong đàn Ai Đế Tư được hưởng sự tôn trọng và chăm sóc. Chẳng hạn như khi săn được con mồi, những con chó rừng nhỏ còn thiếu kĩ năng săn mồi và những con chó rừng già khả năng giảm sút đều nhận được một phần rất công bằng. Hoặc như khi nghỉ chân trong động, chó già cũng sẽ giống như chó con, được sắp xếp vào phía sâu trong động nơi tuyết khó có thể bay tới, gió rét khó có thể thổi vào để nghỉ ngơi, còn những con chó rừng đực cường tráng sẽ phải gác ngoài cửa động. Nhưng vào thời khắc sinh tử, đàn chó rừng lại ruồng rẫy chó rừng già một cách vô lương tâm.

Để cho con chó già yếu nhất trong đàn làm chó cảm tử là tập tính được tổ tiên truyền lại của đàn chó rừng đỏ An Đế Tư.

Cách lí giải của chó rừng là, sinh mạng của một con chó rừng già cũng như đèn đã cạn dầu, so với việc để nó chết già một cách hoàn toàn vô giá trị, thì chẳng thà để nó cống hiến sinh mạng cho cuộc sống tốt đẹp của cả đàn còn hơn. Vào lúc nguy cấp, buộc phải có một con chó rừng đứng ra chịu chết, nếu chọn chó con sẽ gây tổn hại cho tương lai của cả đàn, chọn chó đực trưởng thành hoặc chó cái sẽ ảnh hưởng đến hiện tại, còn chọn lựa chó già chỉ làm tổn hại cho quá khứ. Mà quá khứ thì không quan trọng. Đối với đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, việc mất đi một con chó già sức tàn lực kiệt, đương nhiên chỉ là một tổn thất nhỏ so với việc mất đi một con chó con vẫn còn đang tràn trề sức sống.

Đối với loài động vật bản tính hoàn toàn hoang dã, chuyên dựa vào việc giết chóc để kiếm ăn này, chỉ có quan hệ giữa lợi và hại, không có tiêu chuẩn đạo đức, hành vi có lợi cho sự sinh tồn của quần thể chính là pháp luật.

Trong hơn hai năm Sách Đà nắm giữ cương vị đầu đàn, tổng cộng đã có hai lần rơi vào tình huống khẩn cấp cần đến chó cảm tử. Lần thứ nhất là vào mùa xuân hai năm trước, khi đàn chó rừng đi qua Quỷ Cốc, trông thấy một con hổ con lớn chừng bằng con nghé, bên cạnh không có hổ mẹ canh chừng. Đàn chó rừng liền “tiện tay dắt dê”, xé xác hổ con ra mà ăn tươi nuốt sống.

Ai dè đến khi đàn chó rừng vừa ăn thịt hổ con xong thì hổ mẹ từ trong rừng kiếm thức ăn trở về, thấy vậy gầm lên chấn động cả núi rừng. Đàn chó rừng tuy hung hăng, nhưng không phải là đối thủ của hổ, tốc độ chạy cũng kém hơn một chút. Quỷ Cốc là một hẻm núi vừa hẹp vừa dài, hai bên đều là vách núi cheo leo nhọn hoắt, đàn chó rừng chẳng thể nào chia nhỏ đội hình. Nếu để mặc cho con hổ cái đang trong cơn bi phẫn kia tùy ý đuổi giết, không biết sẽ có bao nhiêu con chó rừng bị vuốt hổ bẻ gãy sống lưng, bị nanh hổ cắn đứt cổ họng. Không còn cách nào khác, chỉ đành để chó rừng đực già Đuôi Đen Nhọn đứng ra làm chó cảm tử. Đuôi Đen Nhọn quay người xông về phía con hổ mẹ đang nghiến răng nghiến lợi, vật lộn với hổ mẹ để kéo dài thời gian. Khi Đuôi Đen Nhọn phát ra tiếng kêu bi thảm cuối cùng, bị hổ mẹ xé thành hai mảnh, đàn chó rừng đã thoát ra khỏi Quỷ Cốc mà chui vào những lùm cây rậm rạp.

Lần thứ hai là sau một trận tuyết lớn chưa từng thấy vào mùa đông năm ngoái, đàn chó rừng đói quá hóa liều, quyết định tấn công một đội địa chất đang cắm trại trên thảo nguyên Ca Mã Nhĩ. Bên cạnh lều trại màu cỏ xanh của đội địa chất là một cái chuồng bò được làm từ những cành cây dẻ xù xì, bên trong nuôi một con bò sữa đốm mập mạp béo tốt khiến đàn chó rừng trông mà thèm nhỏ dãi. Cả đàn nhẹ nhàng áp sát lều trại của đội địa chất, thấy bốn con chó lai sói lớn đang tuần hành dưới tuyết quanh chuồng bò. Chó lai sói là con lai giữa chó và sói, vừa có vóc dáng và tính hoang dã của sói, vừa có tính cảnh giác và trung thành của chó, là loài rất khó đối phó. Chỉ có dẫn dụ bốn con chó lai sói to lớn ra chỗ khác mới có thể ăn thịt được con bò sữa đốm đang ở trong chuồng kia.

Ban đầu Sách Đà đã chọn chó rừng mẹ Hoàng San làm chó cảm tử, nhưng sau đó đã xảy ra một sự thay đổi đầy kịch tính, một con chó rừng già tên là Tang Cáp tự nguyện thay Hoàng San làm chó cảm tử, một mình xuất hiện trước mặt bốn con chó lai sói, tru lên mấy tiếng rồi chạy như bay. Bốn con chó lai sói thấy vậy liền hứng trí đuổi theo không chịu buông tha.

Đợi đến khi bóng chó rừng đỏ và chó lai sói vàng đều chỉ còn là những chấm đen nhỏ như hạt vừng trên nền tuyết trắng xóa, đàn chó rừng liều ùa vào chuồng bò như một cơn gió lốc, trong thời gian ngắn ngủi, con bò sữa đốm đã chỉ còn trơ lại bộ xương trắng. Đội địa chất sợ hãi cuống cuồng, trốn cả trong lều trại kiên cố không dám thò mặt ra. Khi bốn con chó lai sói tha cái xác đã lạnh của Tang Cáp về đến chỗ cắm trại của đội địa chất, đàn chó rừng đã trở lại sườn núi Khúc Ca với cái bụng no nê.

Một khi đã bị chọn làm chó cảm tử, cũng giống như bị tuyên án tử hình, hi vọng sống sót là rất mong manh.

Tâm trạng của chó cảm tử vô cùng phức tạp, vừa có nỗi sợ hãi trước đại nạn sắp giáng xuống, vừa có nỗi phẫn uất khi bị lũ con cháu chẳng ra gì ruồng rẫy, lại có nỗi bi tráng khi vì sự sinh tồn của dòng giống mà nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng.

Sách Đà quả thực vạn bất đắc dĩ mới phải quyết định dùng chó cảm tử để chế ngự con lợn rừng mẹ đang trốn trong khe núi.

Con chó bị chọn làm chó cảm tử mặc dù đã già yếu, nhưng lại rất giàu kinh nghiệm giằng co vật lộn với các con mồi cỡ lớn. Trong tâm thế quyết tử, chó cảm tử sẽ dồn hết sức mạnh còn lại vào hàm răng và móng vuốt của mình, chui vào trong Động Rèm Tuyết như một ánh chớp đỏ, đưa phần bả vai vốn không phải là một điểm chí mạng vào thẳng giữa cặp nanh sắc nhọn của lợn rừng mẹ; lợn rừng mẹ chỉ có một cái mồm, tất sẽ lo chỗ này thì không lo được chỗ kia; chó cảm tử liền dùng hai móng trước cào liên tục vào bộ mặt xấu xí của nó phải bê bết máu. Lợn rừng mẹ sẽ đau quá mà rú lên eng éc, chó cảm tử liền thừa cơ ngoạm một miếng vào tai, má hay mũi nó, bốn chân nhảy lên vách đá gồng hết sức lôi nó ra khỏi động. Lợn rừng mẹ bị thương càng trở nên hung tợn, cắn một phát đứt luôn chân sau của chó rừng, có khi còn cắn thủng cả da bụng con chó cảm tử, khiến ruột gan nó lòi thòi ra trên mặt đất.

Chó cảm tử sớm đã hạ quyết tâm, chỉ cần còn một hơi thở là vẫn sẽ cào liên tục vào mặt lợn rừng. Lợn rừng mẹ ngu xuẩn nhất định sẽ bị chó cảm tử làm cho hoa mắt chóng mặt, chỉ hận không thể cắn chết con chó ấy ngay tại chỗ. Lợn rừng mẹ trong cơn cuồng nộ sẽ vô tình tiến ra phía mà con chó cảm tử lôi nó đi, dùng hết sức mình cắn vào điểm chí mạng là cái cổ của chó rừng. Thế là, chó rừng và lợn rừng mẹ trong cuộc vật lộn sẽ dần dần tiến ra khỏi khe đá nhỏ hẹp. Chỉ cần lợn rừng mẹ ra khỏi Động Rèm Tuyết, đàn chó rừng đang sốt ruột chờ đợi sẵn ngoài cửa động sẽ lập tức hò hét xông lên ngay. Đợi đến khi lợn rừng mẹ tỉnh ngộ, phát hiện ra mình bị lừa, muốn quay trở lại trong động thì đã quá muộn, khe đá đã bị bảy tám con chó rừng đực trẻ khỏe canh giữ nghiêm ngặt, trên mình lợn rừng mẹ cũng xúm đầy những con chó rừng đang bị mùi máu tanh kích thích làm cho phấn khích dị thường.

Đã nghĩ xong cái kết, giờ là dùng ánh mắt độc địa để tuyển chọn chó cảm tử.

[/b]

Bốn

Sách Đà tung mình nhảy lên một mỏm đá hình con cóc trên cao, đứng từ trên dùng ánh mắt dò xét quét qua cả đàn chó rừng một lượt. Thực ra, dù ở trên mặt đất thì nó cũng có thể nhìn từng con chó rừng đang đứng nghiêm trang trước mặt một cách rõ ràng. Động tác nhảy lên mỏm đá con cóc tuyệt đối không phải vì vấn đề thị lực, mà là một điệu bộ vương giả. Đứng trên cao có thể thể hiện quyền uy, thể hiện sự tôn nghiêm, đối với vấn đề có liên quan đến sự sống chết như việc chọn lựa chó cảm tử này, quyền uy và sự tôn nghiêm là điều không thể thiếu ở chó đầu đàn.

Ánh mắt Sách Đà cứ nhìn qua nhìn lại chừng mười con chó già trong đàn. Đây là một quá trình chọn lựa và đào thải nghiêm ngặt, nhất định phải đảm bảo sao cho kẻ được chọn là con chó rừng già nhất, vô dụng nhất, sức khỏe xuống dốc nhất của cả đàn.

Công bằng là điều kiện tiên quyết để cá thể vì cả đàn mà cam tâm tình nguyện hi sinh.

Mé bên trái mỏm đá con cóc có một cây xoan, một con chó rừng già đang ngồi xổm dưới gốc cây. Khi Sách Đà nhìn đến con chó này, ánh mắt nó dừng lại lâu hơn một chút.

Con chó rừng cái già ngồi dưới gốc cây xoan trông rất tiều tụy, xương bả vai nhô ra, da dưới gáy nhẽo xuống, mí mắt

đầy nếp nhăn, lông lá trên người bị nhựa cây cỏ dính thành từng đám, màu lông đỏ thẫm không còn mượt mà, hai bầu vú không còn độ đàn hồi, lép kẹp như hai cái hột đào. Tuy nó còn sống, nhưng cách tử thần cũng không xa nữa. Dùng tiêu chuẩn truyền thống của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư để đánh giá, nó chính là sự lựa chọn thích hợp nhất để làm chó cảm tử. Nhưng ánh mắt của Sách Đà chỉ dừng lại trên người con chó già ấy một lát rồi lập tức bỏ qua.

Con chó rừng già ấy tên là Hà Thổ, là mẹ đẻ của Sách Đà.

Dẫu lòng dạ của Sách Đà có cứng hơn cả đá hoa cương hay độc hơn cả mật khổng tước, thì nó cũng không thể nhẫn tâm để mẹ mình đi làm chó cảm tử được. Ánh mắt Sách Đà rời khỏi người Hà Thổ, nhìn về phía mấy con chó rừng già khác trong đàn. Độ già yếu của mấy con này rõ ràng đều không bằng chó mẹ Hà Thổ. Mặc kệ chứ, Sách Đà nghĩ, cứ chọn đại một con, chỉ cần giúp chó rừng mẹ thoát được lần này là xong.

Nó đã ngắm được chó rừng đực già Đạt Man Hồng đang nằm trên tuyết gục đầu ngủ gật. Con chó già này tuy có trẻ hơn chó rừng mẹ một chút, nhưng cũng đã già đến mức rụng hết cả lông trên sống lưng, chân trước lại còn khập khiễng. Mặc dù nó vẫn có thể dùng ba chân để bắt thỏ trên thảo nguyên, nhưng dẫu sao cũng là một kẻ tàn tật, vừa già vừa tàn tật, đã sắp trở thành đồ bỏ đi trong đàn chó rừng rồi.

Nhưng chẳng đợi ánh mắt của Sách Đà dừng hẳn lại trên người Đạt Man Hồng, mấy con chó rừng đực trưởng thành ngồi dưới mỏm đá con cóc đều thay đổi tư thế, bốn chân đứng thẳng, đuôi dựng ngược lên như cán cờ, dùng móng vuốt cào vào lớp tuyết trên mặt đất, làm thành từng đám bụi tuyết như làn khói nhẹ. Đây là một dạng ngôn ngữ cơ thể đặc trưng của loài chó rừng, thể hiện sự bất mãn và kích động trong lòng.

Trong xã hội loài chó rừng, dẫu có là chó đầu đàn thoái vị, là vợ của chó đầu đàn ngày xưa, là anh chị hay bố mẹ của chó đầu đàn, cũng không được hưởng đặc quyền xá miễn không phải làm chó cảm tử. Tiêu chuẩn duy nhất để chọn chó cảm tử chính là tuổi tác và độ già yếu. Giả như có kẻ nào dám làm trái với tiêu chuẩn trên sẽ phải chịu hình phạt bằng máu.

Sách Đà sững người, nhưng rất nhanh chóng lấy lại vẻ điềm tĩnh. Mặc dù hơi chột dạ, nhưng nó vẫn cố chấp đưa ánh mắt nhìn về phía chó rừng đực già Đạt Man Hồng, nó phải tranh thủ chọn cho xong chó cảm tử trước khi đàn chó rừng kịp hiểu ra. Nó nghĩ, cho dù một con chó rừng đực nào đó có thể nhìn ngay ra ý đồ riêng của nó, thì có lẽ cũng sẽ thông cảm cho nỗi khổ tâm mà nó phải chịu, hoặc sẽ vì sợ hãi uy quyền chó đầu đàn của nó mà thừa nhận sự lựa chọn không được công bằng cho lắm của nó lần này. Nó trợn tròn mắt, ánh mắt như ngọn đuốc, nhìn thẳng một cách rõ ràng vào chó rừng đực già Đạt Man Hồng.

Nó hồi hộp chờ đợi ánh mắt của đàn chó rừng thuận theo ý chí của mình, thuận theo ánh mắt của mình mà nhìn về phía chó rừng đực già Đạt Man Hồng.

Nhưng phán đoán của nó về tình thế đã hoàn toàn sai lầm. Lòng người như một cái cân, lòng dạ chó rừng cũng như một cái cân; lòng người không thể coi thường, lòng dạ chó rừng cũng không thể coi thường. Chẳng có một con chó rừng nào nhìn về phía Đạt Man Hồng như mong muốn của nó. Hoàn toàn ngược lại, có đến vài con chó rừng đực lớn đứng dưới mỏm đá con cóc dùng ánh mắt lạnh lùng đầy sát khí nhìn về phía Sách Đà. Tất cả chó rừng bên ngoài Động Rèm Tuyết đều ngừng đi lại, giữ cho tiếng thở thật khẽ, cả vùng tuyết trở nên im lặng như tờ. Sách Đà hiểu rõ, đây là một kiểu chống đối không thành tiếng, một kiểu uy hiếp vô hình.

Sách Đà không khỏi rùng mình, toàn thân khẽ run lên. Nó nhớ đến cảnh ngộ của chó đầu đàn đời trước là Vương Nãi Mạc.

Đó là vào cuối mùa thu năm kia, đàn chó rừng đói khát chợt phát hiện ra một con dê non trong thung lũng. Dê non nằm trên một đám cành cây khô, không ngừng kêu be be thảm thiết.

Đối với chó rừng mà nói, thịt dê non là một món ăn ngon. Nhưng đàn chó rừng vây lấy con dê, dừng bước quan sát, thèm đến mức dãi chảy lòng thòng mà chẳng con nào dám tiến lên. Giữa chốn hoang vu tự nhiên xuất hiện một con dê non đơn độc quả thực là chuyện quá kì lạ. Con dê thấy đàn chó rừng thì sợ đến mức vừa kêu be be vừa vùng vẫy muốn chạy thoát thân, nhưng cứ vừa đứng lên lại ngã xuống. Có hai khả năng, hoặc là dê non bị thương ở chân, hoặc là nó bị dây thừng hoặc xích sắt xích nó lại ở đó. Đám cành cây khô che khuất tầm mắt của chó rừng, mặc dù chúng không ngửi thấy mùi gì khác lạ, cũng không trong thấy sơ hở nào, nhưng không thể loại trừ khả năng trong đó có giấu bẫy.

Đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư đã từng được nếm mùi lợi hại của bẫy kẹp, chó rừng mẹ Hoa Bột Nhi chính vì dẫm phải bẫy của thợ săn, bị bẫy sắt kẹp mà chết. Chẳng con chó rừng nào có thể xóa đi cảnh tượng đáng sợ đó trong kí ức: Giữa cánh rừng chim hót líu lo đột nhiên vang lên tiếng chan chát của kim loại đập vào nhau, cọc sắt nặng nề hình chữ U dưới sự dẫn động của lò xo, nhanh như chớp đập vào sau gáy Hoa Bột Nhi. Con chó rừng đáng thương óc bắn tung tóe, chẳng kịp kêu lên một tiếng đã về nơi chín suối.

Cảnh tượng ấy ai nghĩ lại cũng phải giật mình. Nhưng đàn chó rừng lại không nỡ rời bỏ con dê non, đối với chó rừng, mùi thịt dê thơm ngon, miếng thịt dê béo ngậy có sức mê hoặc không thể chối từ. Bỏ qua bữa tối ngon lành này, ngộ nhỡ dưới chân dê non hoàn toàn chẳng có bẫy kẹp nào, chẳng phải sẽ là chuyện quá sức nực cười, là sai lầm quá lớn ư? Tình cảnh tiến thoái lưỡng nan ấy dẫn đến sự hình thành hết sức tự nhiên của một cục thế, đó là cần một con chó cảm tử tiến lên thăm dò thực hư.

Khi đó con chó rừng nhiều tuổi nhất, già yếu nhất trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư phải kể đến chó rừng mẹ Nhã Sảnh. Nhã Sảnh là vợ của chó đầu đàn Vương Nãi Mạc, bên nhau đã được hơn mười năm. Chó đầu đàn Nãi Mạc có lẽ xuất phát từ tình cảm thương sót đối với vợ, có lẽ cho rằng bản thân mình làm chó đầu đàn bảy tám năm nay đã xây dựng được uy quyền muốn gì được nấy, nên đã dám rời ánh mắt lựa chọn từ trên người Nhã Sảnh sang một con chó rừng đực già khác tên là Thốc Thốc. Mặc dù mắt Thốc Thốc đã toét nhoèn những dử vàng, giữa mũi và mồm cũng đầy nếp nhăn, nhưng nó rõ ràng vẫn trẻ hơn so với Nhã Sảnh.

Đến giờ Sách Đà vẫn còn nhớ rõ, khi ánh mắt nghiêm nghị của chó đầu đàn Nãi Mạc nhìn chằm chằm vào Thốc Thốc, đồng thời trên miệng phát ra tiếng hú “U...u...u” mang đầy tính bức bách, cả đàn chó rừng im lặng như một ngọn núi băng. Nãi Mạc một mình một ý, đi đến bên cạnh Thốc Thốc dùng đuôi xua, rồi dùng móng vuốt đánh đuổi, muốn ép Thốc Thốc tuân theo mệnh lệnh. Thốc Thốc thì đứng ì một chỗ phát ra những tiếng kêu nghẹn ngào oan ức.

Sách Đà khi đó vốn đã bất mãn, bởi Nãi Mạc già như vậy mà còn cứ chiếm mãi vị trí chó đầu đàn không chịu nhường ngôi, nó sớm đã muốn thay thế Nãi Mạc, chỉ khổ nỗi không tìm được cơ hội thích hợp. Một phần vì bất bình trước sự lựa chọn không công bằng, một phần vì muốn ngấm ngầm tranh giành địa vị, nó bèn hú lên một tràng “U...u...u”, dẫn đầu những tiếng kêu bất mãn khác. Gần như tất cả chó rừng đực trưởng thành đều học theo Sách Đà, hướng về phía chó đầu đàn Nãi Mạc phát tiết tâm trạng bất mãn dữ dội trong lòng.

Nãi Mạc không chịu tỉnh ngộ, nghiến răng nghiến lợi xông về phía Sách Đà, định dùng vũ lực để dẹp yên cảnh hỗn loạn này. Đàn chó rừng đều cảm thấy căm phẫn, dưới sự lãnh đạo của Sách Đà nhất tề xông lên, khiến cho chó đầu đàn Nãi Mạc phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Chuyện này đã trở thành thời cơ chuyển ngôi trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, Sách Đà bỗng chốc trở thành chó đầu đàn mới.

Dẫu có thế nào thì Sách Đà cũng không thể trở thành Nãi Mạc thứ hai được.

Nhìn con chó rừng La La Đuôi Ngắn đang tràn đầy dã tâm kia mà xem, trên môi nó nở một nụ cười mỉa mai và giễu cợt, vui mừng chờ đợi Sách Đà phạm phải sai lầm giống như chó đầu đàn Nãi Mạc. Những con chó rừng đực trưởng thành lòng dạ khó lường, muốn tranh đoạt ngôi vị đầu đàn không phải là ít.

Trong lòng Sách Đà chợt thấy hoảng sợ, vội vã rời mắt khỏi chó rừng đực già Đạt Man Hồng.

Năm

Sách Đà đành đưa ánh mắt nhìn về phía Hà Thổ một lần nữa. Hà Thổ co mình đằng sau cây xoan, đứng từ sau thân cây nâu khẳng khiu với cặp mắt lộ vẻ vừa hoang mang kinh hãi vừa phẫn uất thê lương. Ánh mắt của Sách Đà và Hà Thổ chạm vào nhau trong không khí, khiến Sách Đà phải hoa mày chóng mặt, tựa như linh hồn trượt chân rơi xuống từ trên vách đá cao trăm trượng, gây ra một cảm giác không trọng lượng đáng sợ. Ánh mắt nó trở nên mơ hồ và yếu đuối, không chịu nổi cái nhìn nặng trĩu vẻ ngóng trông của chó rừng mẹ, chỉ đành rời mắt qua chỗ khác.

Nó hiểu chó rừng mẹ Hà Thổ nuôi nó khôn lớn thực chẳng dễ dàng gì.

Chó rừng mẹ sinh ra ba con chó con, một con mới ra đời chưa được bao lâu đã bị ngã xuống hồ chết đuối, còn một con khác nuôi được nửa năm thì bị đại bàng từ trên trời sà xuống quắp đi. Chó rừng mẹ chỉ còn lại một mình nó là đứa con vàng ngọc, nó được hưởng trọn tình thương yêu của mẹ.

Trời lạnh, mưa rơi, chó rừng mẹ giữ nó trong lòng, dùng thân mình làm thành bức tường chắn gió, chiếc ô che mưa cho nó. Để nó được ăn uống đầy đủ, chó rừng mẹ cùng cả đàn săn được con mồi xong, chẳng thèm để ý đến thự tứ chia phần theo địa vị cấp bậc, cứ chen thẳng lên phía trước cướp đoạt phần thịt bụng trơn mềm bổ béo nhất về cho nó.

Hành động của chó rừng mẹ đương nhiên khiến lũ chó đực, chó cái có địa vị cao hơn phải tức giận, chó rừng mẹ phải chịu sự trừng phạt cũng là điều dễ hiểu; trên mông chó rừng mẹ có hai vết sẹo hình lưỡi liềm, chính là dấu vết lưu lại từ những lần tranh giành thức ăn.

Còn nhớ vào mùa đông đầu tiên sau khi Sách Đà chào đời, đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư gần năm ngày trời không tìm được thức ăn, bầu sữa của chó rừng mẹ chẳng chảy ra được một giọt sữa nào. Sách Đà còn nhỏ, không chịu được cơn đói đến mức ấy, suýt thì mất mạng. Chó rừng mẹ phải cọ mình trong tuyết, gù lưng như hình cung, đưa cái miệng sắc nhọn qua giữa hai chân sau, xé rách da thịt trên ngực mình, dùng từng giọt máu tươi mớm cho nó, Sách Đà mới không chết đói như những con chó rừng non khác trong đàn.

Làm sao Sách Đà có thể nhẫn tâm chọn chó rừng mẹ luôn yêu thương nó, chịu bao khổ sở nuôi nó khôn lớn đi làm chó cảm tử, đẩy chó rừng mẹ vào nơi nước sôi lửa bỏng, phó mặc cho tử thần được?

Ánh mắt nó cứ nhìn qua nhìn lại giữa chó rừng mẹ Hà Thổ và một con chó rừng đực già khác. Nó ngồi trên mép đá con cóc nghiêng đầu trầm tư suy nghĩ, tựa như đang nghiêm túc gánh vác trách nhiệm, vì việc tuyển chọn chó cảm tử mà hao tổn tâm trí, mượn điều đó để che giấu mâu thuẫn lớn lao ở trong lòng.

Đàn chó rừng vẫn im lặng, đó là một sự chờ đợi trong bất mãn, một sự cảnh cáo mang tính kiên nhẫn.

Sách Đà cũng biết, nó không thể cứ đưa mắt nhìn qua nhìn lại mãi như thế. Phẩm chất quan trọng nhất của chó đầu đàn là tính kiên nghị và quyết đoán, nếu không sẽ dần mất đi sự tín nhiệm của thuộc hạ, từ đó dẫn đến sự lung lay niềm tin đối với địa vị thống trị của mình, cuối cùng là nguy cơ bị lật đổ.

Nó không thể do dự thêm nữa, Sách Đà nghĩ, nhất định phải nhanh chóng đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nhưng rốt cục nên chọn con nào làm chó cảm tử? Chọn Đạt Man Hồng, có nghĩa là không công bằng, nó sẽ bị kết tội, rồi bị đuổi khỏi địa vị chó đầu đàn; chọn chó rừng mẹ Hà Thổ, tuy là công bằng thật, nhưng bản thân lại không thể chịu nổi sự tra khảo của lương tâm. Phải làm sao đây? Phải làm sao đây?

Tuyết lông ngỗng lặng lẽ rơi, màn trời một màu u ám.

“Khụt khịt...” lợn rừng mẹ trong Động Rèm Tuyết thấy mãi mà đàn chó rừng không có động tĩnh gì, có lẽ cho rằng chúng chẳng làm gì nổi mình, liền phát ra những tiếng kêu đầy vẻ kiêu ngạo và dương dương tự đắc.

La La Đuôi Ngắn khịt mũi một cái, đứng thẳng người lên, hai chân trước bám vào mỏm đá con cóc, đây là một tư thế đòi thay quyền, một hành vi thăm dò đầy dã tâm.

Thôi đành vậy, Sách Đà nghĩ, nó không thể vì giữ ngôi chó đầu đàn mà làm trái lương tâm, tước đi sinh mạng của chó rừng mẹ được. Cứ để La La Đuôi Ngắn cầm đầu mấy con chó rừng đực không chịu an phận kia xông lên cắn nó tơi tả, buộc nó phải cắm đầu bỏ chạy, trở thành con chó hoang địa vị thấp hèn đi, nó cứ nhất quyết đưa mắt nhìn về phía Đạt Man Hồng đấy!

Ánh mắt của Sách Đà vẽ nên một đường cong trong không khí, còn chưa kịp dừng lại trước mục tiêu, trong đầu nó lại hiện ra kết cục bi thảm của chó đầu đàn Vương Nãi Mạc vì thiên vị cho chó vợ Nhã Sảnh hơn hai năm về trước.

Khi đó Sách Đà dẫn đầu mấy con chó rừng đực đuổi Nãi Mạc ra khỏi đàn một cách vô tình. Giữa những tiếng hú chói tai chào mừng của đàn chó rừng, nó trở thành chó đầu đàn kế vị.

Tiếp sau đó, chúng vẫn chọn Nhã Sảnh làm chó cảm tử, mấy con chó rừng đực vừa cắn vừa cào trên lưng Nhã Sảnh như những kẻ bị bệnh thích ngược đãi người khác, buộc con chó rừng cái già xấu hổ ấy phải tiến về phía con dê non đang nằm kêu be be trên đám cành khô. Dưới chân dê non quả nhiên có bẫy của thợ săn, Nhã Sảnh bị kẹp đứt đoạn luôn cái cổ.

Lịch sử sẽ lặp lại, bi kịch sẽ tái diễn.

Cho dù Sách Đà có từ bỏ ngôi vị, cũng không thể xoay chuyển càn khôn, giúp cho Hà Thổ khỏi phải làm chó cảm tử. Nó không cứu nổi chó rừng mẹ. Giờ phút này, chó rừng mẹ phải vào vai chó cảm tử, đó là số phận, là ý trời. Nó tội gì phải ngốc đến nỗi đem ngôi vị và tiền đồ xán lạn của mình ra làm đồ tuẫn táng?

Sách Đà đứng trên mỏm đá con cóc, đưa cái mõm nhọn vào sâu trong lớp tuyết, tuyết bị hơi ấm từ trong miệng nó làm cho tan chảy, một luồng hơi lạnh thấu xương lan tỏa khắp người. Nó cần phải vùi lương tâm của mình trong tuyết. Sau đó, nó lại ngẩng lên, lắc mạnh đầu một cái, rũ hết những tình cảm yếu mềm còn vương vấn trong lòng vốn là thứ tương khắc như nước với lửa với bản tính của chó rừng. Ánh mắt lựa chọn của nó hướng về phía chó rừng mẹ Hà Thổ một cách bình tĩnh và kiên định.

Mẹ chính là chó cảm tử! Mẹ buộc phải hi sinh bản thân mình vì lợi ích của cả đàn.

Mấy chục cặp mắt tàn nhẫn trong đàn đều tập trung nhìn về phía Hà Thổ. “U...u...” những tiếng hú tán thành vang lên.

Chó rừng mẹ Hà Thổ vốn đang nép mình sau gốc cây xoan, lúc này bỗng giật nảy người, quay đầu định bỏ chạy vào trong khe núi. Nhưng muộn rồi, đàn chó rừng sớm đã có phòng bị, chớp mắt liền đứng thành hình chữ “L” trước vách núi, những con chó rừng đực trừng mắt canh giữ những lối thoát quan trọng, chỉ chừa ra một lối duy nhất – đi về phía Động Rèm Tuyết đáng sợ kia.

Hà Thổ vùi đầu vào giữa hai chân trước, nằm vật trên nền tuyết mà tru lên thảm thiết.

Mặc dù mỗi con chó rừng trưởng thành trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư đều hiểu chế độ lựa chọn chó cảm tử là có lợi cho sự sinh tồn của cả đàn, nhưng một khi sự việc xảy đến với mình thì rất ít chó rừng già có tinh thần hiểu rõ đại nghĩa, khảng khái đối diện với khó khăn. Đến con kiến còn ham được sống, chó rừng là loài động vật có vú, đương nhiên càng trân trọng sinh mạng của mình. Động vật hoang dã rất hiếm khi tự sát, đứng trước vấn đề sống chết, chúng đại đa số đều tuân theo quy luật sinh tồn, dẫu sao được sống vẫn hơn.

Sau khi chọn được chó cảm tử, kẻ được chọn thường sẽ giở các loại thủ đoạn hòng trốn tránh số phận. Có con sủi bọt mép lăn ra đất giả vờ chết, con thì xông lên cào cấu lung tung như thể phát điên, con thì lớn tiếng la lối nguyền rủa, con thì tìm thời cơ bỏ chạy...

Chó cảm tử là một chế độ phục vụ cả đàn đã tồn tại từ lâu trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư đương nhiên cũng có những biện pháp cưỡng chế đi kèm để bảo đảm cho chế độ này được chấp hành nghiêm túc. Đó chính là chó đầu đàn đến bên cạnh chó cảm tử, dùng lưỡi liếm – an ủi, khuyên giải và cổ vũ; tiếp đến dùng đuôi xua – đốc thúc, uy hiếp và dọa nạt; cuối cùng dùng răng và móng vuốt tấn công – ép buộc, bức bách và xua đuổi. Nếu chó cảm tử vẫn không chịu tuân theo mệnh lệnh, một loạt chó rừng đực trưởng thành sẽ vây lấy nó, đồng loạt tấn công khiến cho nó phải trầy da tróc thịt. Từng có một con chó rừng đực già tên là Áo Áo, vì không chịu tuân lệnh đi làm chó cảm tử mà bị đàn chó rừng phẫn nộ xé thành từng mảnh.

Thủ đoạn tàn nhẫn này là để cho mỗi con chó rừng già bị chọn làm chó cảm tử biết rằng, ngẩng cao đầu xông vào chỗ nguy nan tuy rằng sẽ chết, nhưng là cái chết oanh liệt, vinh quang, nặng như núi tuyết Nhật Khúc Ca; khom lưng rụt rè không chịu tiến lên rồi cũng vẫn phải chết, hơn nữa là cái chết hèn nhát, hồ đồ, nhẹ như lông chim sẻ.

Hai cách chết ấy, tùy chó cảm tử lựa chọn.

Nhìn biểu hiện của chó rừng mẹ Hà Thổ, giờ là lúc để Sách Đà tiến lên dùng vũ lực khuyên răn.

Đàn chó rừng hồi hộp nhìn nó, mấy chục cặp mắt đan xen giữa nỗi lo sinh tồn và cơn khát máu.

Sách Đà nhảy từ trên mỏm đá con cóc xuống mặt đất.

Sáu

Nó đứng cách chó rừng mẹ chừng hai mươi mét, nếu là lúc bình thường, chỉ cần tung mình một cái, chớp mắt có thể chạy đến ngay, nhưng giờ đây, nó lại thấy bước trên mặt đầm vừa mới đóng băng này vừa nặng nề vừa khó cất chân. Nó đi rất chậm, từng bước từng bước một, hi vọng đoạn đường này mãi mãi đi không hết, mãi mãi không đến điểm dừng.

Khoảng cách hai mươi bước, dẫu có đi chậm đến đâu rồi cũng tới nơi. Nó liếm lên trán chó rừng mẹ, ngửi mùi hương êm dịu mà nó đã vô cùng quen thuộc.

Chó rừng mẹ ngẩng đầu lên, dùng ánh mắt lạnh lùng xa lạ nhìn nó một cái, rồi lại vùi đầu trong đống tuyết. Sách Đà run rẩy dựa sát vào, vẫy đuôi, xua một hai cái gọi là tượng trưng lên người chó rừng mẹ. Nó không dám dùng sức. Nó hi vọng chó rừng mẹ có thể hiểu nỗi khổ bất đắc dĩ của nó.

Sách Đà nhận thấy cái đuôi của nó chỉ khẽ chạm vào người chó rừng mẹ như chuồn chuồn đạp nước, nhiều nhất thì cũng chỉ phủi đi tí bụi mà thôi, nhưng phản ứng của chó rừng mẹ lại mãnh liệt dị thường, như bị điện giật co rúm lại, lông trên người dựng đứng, tru lên một tiếng thảm thiết.

Sách Đà hiểu, tâm hồn chó rừng mẹ đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù nó chỉ dùng đuôi nhè nhẹ xua một cái, nhưng hàm nghĩa sẵn có của hành vi ấy vẫn không thể nào che giấu hay thay đổi được, chính là đang đuổi chó rừng mẹ tiến về phía Động Rèm Tuyết, về phía có cặp răng nanh chết chóc của lợn rừng mẹ. Cái đuôi vẫy mạnh hay khẽ, chậm hay nhanh cũng chẳng thay đổi được chút nào tính chất của hành vi.

Một cảm giác tội lỗi dấy lên trong lòng Sách Đà.

Nó chợt nghĩ, giả như bây giờ nó và chó rừng mẹ đổi vị trí cho nhau, liệu chó rừng mẹ có dùng đuôi xua đuổi dồn ép nó hay không?

Thực ra đáp án đã có từ năm năm trước rồi.

Đó là khi nó vừa tròn một tuổi, cả đàn đang hành quân trong rừng, bỗng từ đâu bay đến một con chim quyên đầu phượng cánh đỏ. Không hiểu con chim lông vũ bảy màu tuyệt đẹp này bị thương ở cánh hay là mệt quá, bay lúc cao lúc thấp, xiêu xiêu vẹo vẹo. Sách Đà cảm thấy hết sức thú vị, liền hăng máu đuổi theo, con chim quyên lúc bay lúc đậu cành khiến nó hào hứng vô cùng. Nó vô tình tách ra khỏi con đường an toàn mà những con chó rừng đực lớn giàu kinh nghiệm sống trong rừng rậm đã tìm ra.

Cuối cùng thì con chim quyên cũng mệt không bay nổi nữa, đậu lại trên một cành cây mây cách mặt đất chừng một mét. Nó còn nhỏ tuổi, thiếu tính cẩn thận, không dò xét xem bốn phía có dấu vết gì khả nghi không, liền xông ngay về phía chim quyên đang đậu trên cành. Tuy đã bắt được con chim, nhưng khoảng rừng yên tĩnh bỗng nổi lên những tiếng động của cây trúc bị uốn công bật thẳng trở lại. Nó còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, một tấm lưới ni lon lớn đã rơi từ trên trời xuống, úp chặt lên mình nó. Nó dẫm phải lưới săn chim của thợ săn.

Thợ săn trên núi Nhật Khúc Ca thường có bốn cách săn chim, một là thả đại bàng đuổi bắt, hai là dùng mồi dụ, ba là dùng móc đi chụp chim non, bốn là dùng lưới nỉ non úp chim lớn. Đây là một tấm lưới lớn chuyên dùng để bắt các loại chim cỡ lớn như chim cắt, diều hâu, chim trĩ, được tết từ những sợi ni lon to bằng thân cỏ, vô cùng chắc chắn.

Sách Đà ở trong lưới dùng móng xé, dùng răng cắn, dùng chân đạp, chẳng những không thoát được khỏi lưới, trái lại càng bị những sợi ni lon mềm mại siết chặt hơn. Nó hết hơi hết sức kêu gào, mãi mới cắn đứt được một mắt lưới.

Đúng lúc này, từ xa vọng lại tiếng sủa của đàn chó và tiếng hét ồm ồm của thợ săn, còn có mấy mũi tên tẩm độc chết người từ xa bắn lại. “Pằng, pằng,...”, tiếng súng đinh tai nhức óc vang lên.

Chó đầu đàn Vương Nãi Mạc nhận thấy chỉ vì một con chó con mà khiến cả đàn phải lộ diện trước mũi súng, cung tên và móng vuốt của chó săn thực chẳng đáng, bèn hú lên một tiếng dẫn cả đàn chó rừng đi sâu vào trong rừng rậm.

Chỉ có chó rừng mẹ không đi theo đàn. Chó rừng mẹ dường như không nghe thấy tiếng sủa của chó săn, tiếng nổ của súng đạn và tiếng vun vút phát ra từ dây cung gân bò, nó nằm mai phục bên tấm lưới ni lon, tập trung hết sức cắn xé. Một viên đạn sượt qua tai phải của chó rừng mẹ, vành tai nhọn của nó bị gọt mất một nửa, máu từ trên trán không ngừng chảy xuống. Chó rừng mẹ dường như đã quên cả cảm giác đau đớn, thậm chí chẳng chớp mắt lấy một cái. Cuối cùng cũng cắn đứt thêm một mắt lưới nữa, sợi ni lon vừa dai vừa sắt khiến mồm miệng và lưỡi của chó rừng mẹ đều bị cào rách, bên mép bật máu tươi.

Để Sách Đà có thể chui được đầu ra khỏi lưới, ít nhất cần phải cắn đứt được ba mắt lưới. Chó rừng mẹ vẫn tiếp tục những cố gắng cuối cùng. Tiếng chân thợ săn mỗi lúc một gần, đạn bay như châu chấu trên đầu, những mũi tên như những con rắn độc xuyên qua không khí. Chó rừng mẹ vẫn nằm rạp như mọc rễ bên cạnh tấm lưới, hai hàm răng ra sức cắn xé. Một con chó đen giận dữ chạy đến phía sau chó rừng mẹ, điên cuồng sủa loạn lên rồi nhảy xổ vào. Luồng hơi thoát ra từ miệng con chó đen mạnh đến nỗi làm rung cả đám lông màu đỏ trên lưng chó rừng mẹ. Chó rừng mẹ không kịp quay lại nhìn. Con chó đen liền bạo gan xông tới cắn vào chân sau của nó, nhưng nó vẫn không chịu ngừng cắn lưới ni lon, chỉ có thể dùng chân sau đạp một cái thật mạnh, khiến con chó đen sợ hãi mà nhảy ra xa.

Lúc này, cái mắt lưới thứ ba có can hệ đến tính mạng đã bị chó rừng mẹ cắn đứt. Sách Đà vội vàng vùng vẫy chui từ trong tấm lưới ni lon đang quấn thành từng bó ra, rồi được chó rừng mẹ đi chặn hậu, chui vào trong rừng, thoát khỏi kiếp nạn.

Đừng nói chó rừng mẹ bỏ đi theo đàn, chỉ cần trong lúc cắn lưới, quyết tâm của nó có chút nào dao động, hay nảy sinh do dự bàng hoàng trong phút chốc dưới làn tên mũi đạn và trước móng vuốt của con chó đen thì Sách Đà sớm đã trở thành oan hồn dưới họng súng của thợ săn, tấm da chó rừng mềm mượt sớm đã bị lột ra làm chăn đệm của con người rồi.

Nếu không nhờ tình máu mủ, không nhờ thiên tính của người mẹ vì con đến chết không từ, thì chó rừng mẹ chẳng thể nào cứu nó thoát ra khỏi lưới trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc như thế.

Vậy mà nó, lúc này đây lại đang dùng đuôi xua chó rừng mẹ đứng ra làm chó cảm tử một cách vô tình. Có lẽ nó là con chó rừng không có lương tâm, tàn nhẫn nhất dưới gầm trời này, nó nghĩ thế. Không, không, nó nhất định phải nghĩ ra cách giải cứu cho chó rừng mẹ.

Bảy

Xuất phát từ bản năng ham sống sợ chết của động vật, chó rừng mẹ cứ lùi dần từng bước về phía sau, hết sức tránh xa khỏi Động Rèm Tuyết phủ đầy không khí chết chóc kia, xa một chút, xa thêm một chút.

Sách Đà dùng chân trước đẩy nhẹ vào lưng chó rừng mẹ một cái – lại một động tác thúc ép mang tính tượng trưng. Chó rừng mẹ nghẹn ngào, tiến lên phía trước một bước nhỏ.

Cũng không phải hoàn toàn không có khả năng thay đổi số phận làm chó cảm tử của chó rừng mẹ, Sách Đà nghĩ. Nếu lúc này có một con chó rừng đực già tự nguyện đứng ra thay thế chó rừng mẹ, kết cục hoàn hảo vừa quét sạch được ổ lợn vừa bảo toàn được tính mạng cho chó rừng mẹ sẽ có thể thực hiện được.

Trong đàn từng xảy ra chuyện vui mừng trong nước mắt như thế.

Lần đó, đàn chó rừng bí quá hóa liều tấn công chuồng bò của đội địa chất, chó rừng đực Tang Cáp đã thay chó rừng cái Hoàng San làm chó cảm tử. Khi ấy cần một con chó cảm tử dẫn dụ bốn con chó lai sói to lớn ra chỗ khác. Sách Đà đưa ánh mắt lựa chọn nhìn về phía Hoàng San, con chó rừng cái tuổi cao sức yếu nhất trong cả đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư. Lông đỏ trên người Hoàng San đều đã bạc màu, trở thành một thứ màu nâu đất xấu xí, con chó rừng đực già mang tên Tang Cáp trong đàn liền chui ra, thay thế Hoàng San nhận lệnh. Từ lúc còn trẻ, Tang Cáp và Hoàng San đã như hình với bóng, cùng nhau sinh con đẻ cái, trải qua mười mấy năm, tuổi tác của Tang Cáp có phần trẻ hơn Hoàng San một chút. Lúc này Tang Cáp và Hoàng San dụi đầu vào nhau, trong mắt Hoàng San rưng rưng hai hàng lệ, nó thè lưỡi hôn lên má Tang Cáp. Tiếp đó, Tang Cáp hú lên một tiếng rồi xông về phía bốn con chó lai sói...

Chó rừng đực thay chó rừng cái nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng, quả là một thứ tình cảm cao đẹp. Điều đó hoàn toàn khác với hành vi gian lận, lựa chọn không công bằng của chó đầu đàn. Đàn chó rừng sẽ chấp thuận hành động thế thân mang tính tự nguyện này.

Ôi, giá mà chó rừng bố Hắc Xà còn sống thì tốt biết bao, Sách Đà nghĩ.

Bố của Sách Đà là một con chó rừng to cao khỏe mạnh, giữa đám lông màu đỏ trên lưng có một đường vằn đen cong cong, giống như một con rắn nhỏ màu đen uốn lượn giữa cánh đồng hoa anh túc đỏ. Chó rừng bố một lòng chung thủy với chó rừng mẹ. Sách Đà còn nhớ rất rõ, ngày nó còn bú sữa, chó rừng mẹ ở bên nó không rời nửa bước, chó rừng bố chạy đông chạy tây tìm kiếm thức ăn, sau khi tranh giành được thức ăn thường không nỡ ăn mà đem về cho chó rừng mẹ đang trong thời kì nuôi con nhỏ.

Tiếc thay, khi Sách Đà chưa đầy một tuổi, trong một lần vây bắt trâu rừng, chó rừng bố dũng mãnh nhảy lên lưng trâu đầu tiên, dùng móng trước sắc nhọn chọc vào hậu môn con trâu, lôi bộ lòng vẫn còn nóng hổi của nó ra. Không biết con trâu đáng chết ấy vì đau quá hay vì hoảng sợ lồng lên chạy rồi vấp phải mô đất, đột nhiên “binh” một cái ngã ngửa ra, lại còn lăn một vòng, đè chó rừng bố bên dưới. Chó rừng bố bị đè trọng thương, khó khăn lắm mới bò ra được, thì lại bị con trâu rừng đang giãy chết ấy dùng cặp sừng sắc nhọn hung hăng đâm thẳng vào bụng.

Nếu chó rừng bố Hắc Xà còn sống, Sách Đà tin rằng, trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư sẽ lại diễn ra một cảnh vừa vui mừng vừa thương tâm khiến chó rừng phải rơi lệ giống như lần trước Tang Cáp thay thế Hoàng San đi làm chó cảm tử. Đáng tiếc là, người đã chết không thể hồi sinh, chó rừng đã chết chẳng thể nào sống lại.

Thế nhưng sau khi chó rừng bố gặp nạn qua đời, trong đàn cũng có rất nhiều chó rừng đực khác tỏ ra quan tâm tới chó rừng mẹ đấy chứ! Bọn chúng đâu cả rồi? Bọn chúng đâu cả rồi? Chân của Sách Đà đạp nhẹ trên người chó rừng mẹ, nhưng ánh mắt lại đang tìm kiếm trong khắp cả đàn. Chó rừng đực già có một đám lông vằn trắng trên mông, tên gọi là Phân Trắng, đang ngồi trong một cái hố tuyết nông cách chó rừng mẹ chừng vài bước. Tay này lúc còn trẻ có tình ý với chó rừng mẹ, cứ quanh quẩn bên chó rừng mẹ như hình với bóng, khi chó rừng mẹ khát, muốn ra hồ uống nước, nó liền chạy về phía trước thay chó rừng mẹ mở đường, đuổi hết những con đỉa đáng ghét và những con rắn độc đang trốn trong lùm cỏ; chó rừng mẹ trông thấy một con ếch xanh đang kêu uôm oạp trên lá sen, nó liền nhảy tùm xuống hồ, chẳng thèm để ý đến việc nước hồ sẽ làm ướt bộ lông.

Ồ, còn cả tay chó rừng đực tên là Đực Già nữa, lúc còn trẻ nó cũng rất thích liếm đuôi chó rừng mẹ, toàn rình lúc nửa đêm chó rừng mẹ đang ngủ say, rón rén bò đến bên cạnh chó rừng mẹ, thè cái lưỡi ươn ướt của mình ra liếm láp cái đuôi trơn mượt như nhung của chó rừng mẹ, như thể cái đuôi ấy làm từ mật không bằng. Có lúc chó rừng mẹ bị Đực Già làm tỉnh giấc, liền tức giận đạp nó ngã chổng vó. Bất kể chó rừng mẹ đánh mạnh đến đâu, Đực Già cũng chưa từng trở mặt hay đánh lại, mà cứ rạp xuống mặt chó rừng mẹ như một đống bùn, ngẩng đầu cao giọng phát ra những tiếng hú rất buồn cười, mặt đầy vẻ đau khổ, như thể sắp ngất đi ngay được. Lúc này tuy Đực Già đứng cách chó rừng mẹ khá xa, ở giữa còn có mỏm đá con cóc ngăn cách, nhưng hoàn toàn không thể không thấy tình cảnh khổ sở của chó rừng mẹ.

Còn nhớ có một lần, chó rừng mẹ bắt được một con chuột trong đám cỏ mọc đầy cây Điểu Bất Túc (một loài cây có gai), chẳng may bị gai độc đâm vào hông, vết thương sưng tấy lên. Khi gặp phải vết thương như vậy, chó rừng sẽ không ngừng liếm vết thương, bởi nước bọt của chúng có tác dụng giảm đau và tiêm viêm. Nhưng chỗ bị thương lại gần phía sau sống lưng, chó rừng mẹ chẳng thể nào tự mình liếm được đến nơi, cần một con chó rừng khác giúp. Phân Trắng và Đực Già đều tranh nhau phục vụ chó rừng mẹ. Phân Trắng vừa mới trèo lên lưng chó rừng mẹ liếm được vài cái vào chỗ mưng mủ, Đực Già liền ngoạm lấy đuôi lôi nó xuống, rồi hí hửng thay thế nó liếm vết thương cho chó rừng mẹ. Phân Trắng hậm hực kêu lên, cắn một phát vào đùi Đực Già, khiến Đực Già ngã ra một bên. Hai con chó rừng đực vì tranh giành quyền liếm vết thương cho chó rừng mẹ mà đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, cứ như thể vết thương mưng mủ của chó rừng mẹ là sơn hào hải vị không bằng.

Lúc này, bất luận là Phân Trắng hay Đực Già, chỉ cần chúng chịu lấy ra một nửa sự nhiệt tình hồi ấy, cũng đủ dũng khí để đứng ra thay chó rừng mẹ đảm nhận vai trò chó cảm tử.

Sách Đà cố gắng dùng ánh mắt nhắc nhở Phân Trắng, ông cũng già đến mức con thỏ cũng chẳng bắt nổi nữa rồi. Ông đã từng một mực yêu thương chó rừng mẹ, lẽ nào không thể đứng ra hi sinh sao? Phân Trắng giương mắt nhìn, lạnh lùng nhìn chó rừng mẹ đang tiến dần về phía Động Rèm Tuyết, trên mặt đến một chút vẻ thương hại cũng chẳng có.

Đực Già, móng vuốt trên chân ông đã cùn rồi, cùng lắm chỉ sống được nửa năm đến một năm nữa mà thôi. Ông đã từng say mê chó rừng mẹ là thế, sao còn keo kiệt cái mạng tàn chẳng được bao lâu kia nữa.

Sách Đà nghiêng đầu phát ra một tràng tiếng kêu cầu khẩn đối với Đực Già. Chẳng phải ông rất thích liếm đuôi chó rừng mẹ sao, chỉ cần ông chịu dũng cảm đứng ra, chó rừng mẹ nhất định sẽ nhấc đuôi lên cho ông liếm thỏa thích. Không, không, chó rừng mẹ sẽ còn thè lưỡi hôn lên mặt và sống lưng ông, tặng cho ông sự cảm kích, tán dương, tôn kính và tình yêu vô bờ nữa.

Biểu hiện của Đực Già càng tệ hơn, đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào chó rừng mẹ kia lộ rõ vẻ hung tàn, hai chân sau không ngừng cào lên mặt tuyết, khiến cho bầu trời vốn đã u ám càng thêm phần thê lương. Lão già này lại còn dẫn đầu cất tiếng hú thúc giục Sách Đà, trách Sách Đà xua đuổi chậm quá, làm chưa đủ mạnh. Nó chỉ mong chó rừng mẹ nhanh nhanh đi vào chỗ chết, để nhanh chóng đổi lấy món thịt lợn rừng thơm ngon lèn cho chặt dạ.

Đúng là đồ chó đẻ!

Chó rừng mẹ dường như rất biết thân biết phận, mặc dù một mực vùng vẫy, nhưng nó không hề đưa ánh mắt cầu cứu nhìn những con chó rừng đực từng dây dưa tình cảm với mình lấy một lần.

Chó rừng mẹ đã già rồi. Giống cái của bất kì loài động vật nào cũng vậy, lúc còn trẻ là một đóa hoa, đến khi già chỉ còn là bã đậu.

Chó rừng mẹ lúc còn trẻ xinh đẹp biết bao, cái eo thon gọn, cặp mông tròn trịa, lông dày mượt mà, bộ ngực đầy đặn, đôi tai nhọn hoắt, đôi mắt thông mình, lông đỏ lấp lánh như thể dùng hào quang dệt thành, đôi môi màu đen nhạt có sức quyến rũ trời sinh hút hồn lũ chó rừng đực. Nếu bây giờ chó rừng mẹ vẫn còn trẻ, có lẽ Phân Trắng và Đực Già sẽ vì một nụ cười hay ánh mắt mê hồn của nó mà chịu đứng ra nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng. Nhưng giờ đây, vật đổi sao dời, tình cảm nồng cháy sớm đã theo tuổi tác của chó rừng mẹ mà dần dần phai nhạt, cuối cùng đã tan theo mây khói.

Thời gian không thể nào chảy ngược, tình cảm cũng chẳng thể nào quay trở lại.

Có lẽ thứ dễ thay đổi nhất, không đáng tin nhất trên đời chính là tình cảm khác giới.

Xem ra, Tang Cáp và Hoàng San là ngoại lệ duy nhất.

Sách Đà rầu rĩ từ bỏ hi vọng sẽ có một con chó rừng đực già nào đó từng có quan hệ đặc biệt với chó rừng mẹ chịu đứng ra gánh vác thay trách nhiệm làm chó cảm tử.

Tám

Dưới sự bức bách của Sách Đà, chó rừng mẹ đã bước mười mấy bước về phía Động Rèm Tuyết. Khe đá đã gần trong gang tấc, từ trong hang từng trận mùi hôi tanh của lợn rừng bốc ra. Trong khe đá vang lên tiếng động ầm ĩ, chắc hẳn lợn rừng mẹ có dự cảm rằng đàn chó rừng sắp tiến hành một đợt tập kích dữ dội, nên nó đang mài răng giũa móng, chuẩn bị cho cuộc vật lộn sinh tử.

Chó rừng mẹ ngồi xổm trước khe đá, đưa cặp mắt u buồn nhìn lên bầu trời xám xịt, phát ra những tiếng hú “u...u...u” không rõ là đang kêu thương hay đang nguyền rủa.

“U...” đàn chó rừng đồng thanh hú lên.

Sách Đà hiểu, đàn chó rừng đang tiến hành thúc giục, bức bách tập thể. Trời sắp tối, gió Bắc lạnh thấu xương sắp làm cho bốn chân chúng đông cứng lại, cái đói khiến mấy con chó rừng nhỏ yếu đến mức không đứng nổi nữa, chúng đã đợi đến sốt cả ruột lên rồi.

Nó lao về phía chó rừng mẹ, há miệng cắn một miếng vào khoeo chân chó rừng mẹ. Đây là một sự cảnh cáo, một sự trừng phạt. Thân là chó đầu đàn, nó buộc phải làm như vậy. Sự nhẫn nại của đàn chó rừng chỉ có giới hạn, nếu nó cứ dùng dằng không quyết, rất khó có thể tưởng tượng nỗi lũ chó rừng đã đói xanh cả mắt này có thể làm ra những chuyện gì. Đương nhiên, nó không cắn thật đau như bình thường đối phó với những con chó cảm tử mặt dạn mày dày khác mà vẫn nể nang, há miệng rõ to như thể đang cắn một đòn chí mạng, nhưng thực ra là hư trương thanh thế, nó chỉ cắn xước tí da của chó rừng mẹ mà thôi.

Nó trông thấy một giọt nước mắt chảy dài trên khóe mắt chó rừng mẹ.

Tim nó lại quặn lên một hồi. Nó quả thực đã hết cách, không nghĩ ra cách gì có thể cứu được chó rừng mẹ nữa. Hãy đối mặt với hiện thực, chấp nhận số phận đi.

Chó rừng mẹ bất thình lình chồm lên, cắn vào tai Sách Đà. Sách Đà có phần bị bất ngờ, nhưng nhanh chóng hiểu ra đây là hành vi phản bội cực kì hiếm gặp trong xã hội chó rừng của chó cảm tử. Chó rừng mẹ tức nó, hận nó, giận nó, oán nó, nên muốn trả thù nó. Nó hoàn toàn có thể nhanh nhẹn cúi đầu tránh được cú đớp của chó rừng mẹ; mặc dù thế tấn công của chó rừng mẹ rất dũng mãnh, nhưng động tác lại chậm chạp; nó còn có thể thừa cơ cắn vào cổ họng chó rừng mẹ. Nhưng nó đã từ bỏ cơ hội tránh đòn và đánh trả, đứng yên cho chó rừng mẹ ngoạm trọn lấy tai trái của mình.

Bản thân bị mất đi một bên tai, có lẽ sẽ giảm bớt được nỗi oán hận của chó rừng mẹ, Sách Đà nghĩ, tình mẫu tử không thể chia cắt có lẽ sẽ dễ dàng chia cắt hơn. Nó chờ đợi, đợi cái tiếng lắc cắc khi xương tai mềm bị hàm răng chó cắn đứt, đợi cái đau thấu vào tim và cảm giác tê dại liền kề, đợi dòng máu mằn mặn trào ra từ vết thương chảy vào trong miệng. Máu có thể làm vơi đi tình thương và sự đồng tình của nó với chó rừng mẹ, thứ tình thương và đồng tình vốn tương khắc như nước với lửa với thân phận chó đầu đàn của nó. Máu cũng có thể khiến chó rừng mẹ tỉnh ngộ, từ bỏ cuộc chiến vô nghĩa với số phận.

Chẳng thà nó mất đi một bên tai để giảm nhẹ phần nào cảm giác tội lỗi nặng nề của việc bắt mẹ đẻ mình đi làm chó cảm tử.

Nó không vùng vẫy, không động đậy, cứ yên lặng chờ đợi.

Chó rừng mẹ từng vì cứu nó mà bị tên đạn của thợ săn bắn mất một nửa bên tai, giờ nó để chó rừng mẹ dễ dàng cắn đứt tai trái của mình, coi như là trả hết cả gốc lẫn lãi cho món nợ tình cảm ấy.

Lấy một đổi một, coi như trút được gánh nặng.

Kì lạ thay, qua một lúc lâu, vẫn không thấy tiếng xương tai gãy lắc cắc và cái đau thấu tim gan, chỉ thấy mang tai có phần hơi rát. Răng chó rừng mẹ vẫn chưa rụng, vẫn chưa già đến nỗi một cái tai cũng không cắn đứt nổi. Chó rừng mẹ, mẹ còn do dự gì nữa, cắn thì cứ cắn đi, mẹ có quyền dùng máu để trút hết sự bất mãn với đứa con bất hiếu này.

Bỗng nhiên chó rừng mẹ há miệng ra, lùi về phía sau một bước. Tai trái của Sách Đà được nhả ra từ cái miệng ấm áp của chó rừng mẹ. Vành tai vẫn còn nguyên vẹn, chỉ dính đầy nước bọt của chó rừng mẹ mà thôi.

Chó rừng mẹ hú dài một tiếng vô vọng.

Tâm hồn Sách Đà lại một phen chấn động. Mặc dù tức nó, hận nó, giận nó, oán nó, nhưng chó rừng mẹ vẫn không nỡ cắn đứt tai nó, không nỡ khiến nó trở thành con chó rừng cụt tai xấu xí.

Thực ra, nếu tính tuổi tác một cách chính xác, chó rừng mẹ không phải là già nhất trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư. Chó rừng đực già khập khiễng Đạt Man Hồng sinh sớm hơn chó rừng mẹ hai tháng. Nhưng nhìn bề ngoài, chó rừng mẹ trông già hơn nhiều so với Đạt Man Hồng. Trong lòng Sách Đà hiểu rất rõ, chó rừng mẹ vì muốn cho nó được ngồi vững trên chiếc ghế đầu đàn, nên mới nhanh chóng từ chỗ trẻ trung xinh đẹp trượt dốc xuống tuổi xế chiều mắt mờ chân chậm.

Không lâu sau khi chó đầu đàn Vương Nãi Mạc bị mất quyền, Sách Đà vẫn chưa đứng vững ở cương vị chó đầu đàn, liền bị chó rừng đực La La thách đấu.

La La lớn hơn nó nửa tuổi, nanh vuốt sắc nhọn như nó, thân thể cao to như nó, trước khi nó lên làm chó đầu đàn mới, địa vị của La La và nó ở trong đàn là ngang nhau, đều là những trụ cột săn mồi cừ khôi. Nếu nghiêm túc so sánh xem tài nghệ săn mồi của nó và La La ai mạnh hơn ai, công bằng mà nói, mỗi con đều có những tuyệt chiêu riêng. Khi đi săn những động vật ăn cỏ cỡ lớn, Sách Đà có thể bất thình lình nhảy lên trên lưng con mồi đang bỏ chạy, rồi cứ thế bám chặt như đỉa, mặc cho con mồi nhảy nhót giãy giụa thế nào cũng đừng hòng hất được nó xuống. La La bật cao rất giỏi, có thể nhảy lên cao hơn hai mét ngoạm con lười đang ngủ gật từ trên cành cây xuống.

Trong các loài động vật có ý thức cộng đồng, trật tự đẳng cấp của hai cá thể càng gần nhau, độ căng thẳng giữa chúng sẽ càng cao. La La đương nhiên không phục khi thấy Sách Đà dễ dàng trở thành chó đầu đàn, nó coi đó là một sự sắp đặt không cân bằng của số phận. Mâu thuẫn không thể tránh khỏi liền nảy sinh. Khi bắt được con mồi, La La trắng trợn tranh trước phần nội tạng bổ béo nhất. Thứ tự chia phần chính là trật tự đẳng cấp, đây rõ ràng là một sự cố ý khiêu khích. Buổi tối ngủ trong động thạch nhũ, La La cũng ngang nhiên chiếm lấy vị trí trung tâm đáng lẽ phải thuộc về chó đầu đàn. Có một lần trong lúc chạy nhanh, Sách Đà vô tình giẫm phải đuôi của La La, La La lại dám gào lên trước mặt nó...

Quãng thời gian đó, đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư chìm trong không khí bức bối đáng sợ, trong lòng mỗi con chó rừng đều hiểu, một trận quyết đấu tranh giành ngôi vị đầu đàn giữa Sách Đà và La La sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Trong lòng Sách Đà lo lắng không yên, nó cân nhắc đi cân nhắc lại về tình hình, quả thực không nắm chắc có thể thắng được La La. Nanh vuốt vô tình, rất có khả năng cả hai sẽ cùng thương vong, vậy thì, những kẻ muốn tranh giành địa vị tiếp theo sẽ dễ dàng lôi nó xuống khỏi vũ đài.

Nó nuốt nhịn làm lành, hết sức tránh xảy ra xung đột chính diện với La La. La La muốn ăn nội tạng của con mồi thì cứ ăn đi, La La muốn ngủ giữa động thì cứ ngủ đi, hòa bình mới là điều quan trọng, nó phải gắng hết sức kéo dài thời gian trước khi xảy ra cuộc đấu tranh giành ngôi vị đầu đàn đẫm máu và bất lợi cho nó này.

Nhưng La La lại được voi đòi tiên. Lần đó đàn chó rừng ra khỏi thung lũng Cổ Giáp Nạp, nó muốn đến bãi Loa Ti cỏ cây tươi tốt, vừa ra lệnh cho cả đàn, La La đột nhiên níu ba bốn con chó rừng đực và mười mấy con chó rừng cái, chó rừng còn lại, quay đầu đi về hướng ngược lại đến thung lũng suối nước nóng.

Phương hướng đi săn, con đường hành quân, khu vực săn mồi xưa nay đều do chó đầu đàn quyết định, đây chẳng những là một nghĩa vụ và trách nhiệm, mà còn là biểu tượng của quyền lực. Nếu nghe theo ý La La, bảo cả đàn đến thung lũng suối nước nóng, chẳng khác nào đem uy quyền của chó đầu đàn nhường cho La La. Đây đã không còn là sự khiêu khích ngông cuồng, mà là hành vi làm phản thật rồi. Xem ra, đổ máu là điều không tránh khỏi. Nó nghiến răng nghiến lợi tru lên một tiếng giận dữ đối với La La, La La sớm đã có chuẩn bị, liền gập chân, cong người, dùng ánh mắt căm thù nhìn nó. Kẻ làm phản như tên đã lên cung, như đao đã tuốt ra khỏi vỏ.

Đây sẽ là một trận đấu ác liệt, không chết cũng phải bị thương.

Chính vào lúc này, chó mẹ chẳng nói chẳng rằng xông từ trong hàng ngũ xung quanh ra lao thẳng về phía La La đang nghênh ngang tự đắc. Tất cả tinh thần và sức lực của La La đều tập trung về phía đối thủ là Sách Đà, nó hoàn toàn không hề phòng bị, hành động tấn công nhanh như chớp ấy khiến nó phải sững người. Chó rừng mẹ ngoạm vào đuôi La La rồi nhất quyết không chịu buông ra. La La rú lên đau đớn, quay người đưa cả bốn chân lên người chó rừng mẹ, cào xé rách cả một mảng da thịt lớn trên đùi chó rừng mẹ. Máu chó rừng mẹ nhảy ra như xối, vết thương lộ cả xương trắng. Nhưng chó rừng mẹ vẫn ngoạm chặt lấy cái đuôi đỏ thắm tuyệt đẹp của La La không chịu buông ra. Rắc một tiếng, đuôi La La bị cắn gãy hơn một nửa, chó rừng mẹ cũng ngất đi trong vũng máu...

La La bị mất hơn nửa cái đuôi, uy phong giảm đi hơn nửa, dã tâm cũng thu lại hơn nửa, không còn dám công khai khiêu khích Sách Đà nữa.

Chó rừng mẹ mất máu quá nhiều, nằm trên cỏ ba ngày trời mới đứng lên được, mặc dù may mắn không trở thành tàn phế, nhưng nó gầy rộc hẳn đi, lông trên trán và gáy rụng nhiều, dử mắt nhiều hơn, răng cũng lung lay, lộ vẻ già yếu không sao che giấu được.

Nó hiểu, chó rừng mẹ đã dùng cái giá rất đắt của việc sớm trở nên già yếu để thay nó dẹp bỏ chướng ngại trên đường đời, xua đi đám mây đen bao phủ trên đỉnh đầu nó.

Chín

Chột Mắt, Đầu Trắng, Đa Đa Miệng Thỏ, La La Đuôi Ngắn vây lấy chó rừng mẹ với ý đồ chẳng tử tế gì. Bộ râu trắng bên mép chúng chứa đầy sát khí, đồng tử màu hạt dẻ ánh lên sự tàn nhẫn. Chúng đứng thành vòng cung từ từ ép sát về phía chó rừng mẹ đang chần chừ trước cửa Động Rèm Tuyết, không hú, không tru cũng không gào rú, đối với loài chó rừng mà nói, im lặng là tín hiệu nguy hiểm nhất.

Sách Đà biết mấy con chó rừng đực ngang ngược này muốn làm gì. Chúng muốn trừng phạt con chó cảm tử đã dám to gan làm phản, chúng sẽ xé xác chó rừng mẹ một cách tàn bạo.

Sách Đà vốn đang đứng cạnh chó rừng mẹ, nó chẳng kịp nghĩ sâu hơn, lắc mình một cái đứng chặn giữa bốn con chó rừng đực và chó rừng mẹ, lưng dựa vào chó rừng mẹ, đối mặt với lũ chó rừng đực khí thế hung hăng, phát ra tiếng kêu ngắn mang tính can ngăn. Nó quyết không thể nhìn cảnh chó rừng mẹ bị xé xác một cách tàn bạo.

Bốn con chó rừng đực dừng bước, con nọ nhìn con kia, dường như đang trao đổi suy nghĩ, thống nhất ý kiến. Bỗng nhiên, Chột Mắt, Đầu Trắng, Đa Đa Miệng Thỏ lấy La La Đuôi Ngắn làm trung tâm, mấy cái miệng ghé sát vào nhau cùng hú lên, tiếng hú lúc dài lúc ngắn, hết đợt này đến đợt khác, du dương trầm bỗng, lạnh lùng thê lương, kéo dài trong gần một phút.

Sách Đà là chó đầu đàn, nó đương nhiên hiểu mấy con chó rừng đực áp mặt ghé sát miệng vào nhau như thế có ý nghĩa gì. Đây là nghi thức kết thành đồng minh độc đáo của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, một cuộc hội họp nhằm thông đồng cấu kết, kéo bè kéo cánh với nhau, một lời tuyên thệ sẽ giúp đỡ lẫn nhau chống lại kẻ thù chung. Không nghi ngờ gì nữa, chúng liên kết với nhau chính là để chống lại Sách Đà.

Không để Sách Đà kịp nghĩ ra cách ứng phó, cả đàn chó rừng sau lưng cũng nhốn nháo cả lên, những con chó rừng đang nằm, ngồi hoặc ngồi xổm đều đứng hết cả lên, tập trung về phía Sách Đà, chậm rãi áp sát vào. Một mảng màu đỏ nhích dần từng bước trên nền tuyết trắng xóa, trông như đám lửa dần dần cháy lan ra. Đây quả là một màn khủng bố đỏ khiến người ta nhìn mà khiếp sợ.

Lúc này Sách Đà mới nhận thấy mình đã chọc giận số đông. Dù nói thế nào chăng nữa thì bốn con chó rừng đực xông lên bao vây chó rừng mẹ cũng là dưới ngọn cờ bảo vệ chế độ chó cảm tử vốn là truyền thống của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư. Nhìn từ góc độ sinh tồn, cho dù chó rừng mẹ có bị xé thành từng mảnh chăng nữa thì cũng là tự chuốc vạ vào thân, hình phạt đúng người đúng tội. Thân là chó đầu đàn, nó không có quyền can thiệp vào, cũng không có quyền ngăn trở bọn chúng. Sách Đà đã làm trái với quy định, quay người ngăn trở chúng, nên trong mắt đàn chó rừng, nó đã trở thành đồng đảng của kẻ phản bội, trở thành kẻ tội đồ phá hoại chế độ chó cảm tử, gây nguy hại cho sinh tồn của cả đàn.

Đây là lí do tốt nhất để đồng loạt tấn công, cũng là cái cớ hay nhất để phát động đảo chính.

Nguy hiểm đã cận kề. Giờ nó chỉ còn một cách giải thoát duy nhất, chính là lập tức quay đầu lại, làm kẻ đầu tiên xông vào chó rừng mẹ, không diễn kịch mà phải làm thật, không mang tính tượng trưng mà phải thực sự dùng móng nhọn cào da xé thịt chó rừng mẹ, dùng răng sắc rút gân róc xương chó rừng mẹ, dùng máu của chó rừng mẹ để rửa sạch những nghi ngờ rằng nó có ý định làm phản, dùng tính mạng của chó rừng mẹ để tự cứu bản thân thoát khỏi cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Nếu nó không làm như vậy, sẽ chỉ có một kết cục, đó là giống như chó rừng mẹ, bị đàn chó rừng đã mất hết lí trí kia ăn tươi nuốt sống. Dù lựa chọn con đường nào, nó cũng cần lập tức đưa ra quyết định.

Nếu Sách Đà là một con chó rừng giống như định nghĩa của con người, nó sẽ không hề do dự mà quay người lại dìm chó rừng mẹ trong vũng máu; chó rừng trong từ điển của con người gần như là từ đồng nghĩa với loài ma quỷ điên cuồng mất hết lương tâm. Nhưng Sách Đà là một con chó rừng thực sự bằng xương bằng thịt của sườn núi Nhật Khúc Ca, nó bỗng nhiên xoay người lại, nhảy lên thật cao, vượt qua đỉnh đầu chó rừng mẹ, vững vàng đáp xuống trước cửa Động Rèm Tuyết. Nó hướng vào trong khe đá tru lên một tiếng hùng hồn.

Nếu chó rừng mẹ không tự cắn vú mình, dùng máu để nuôi nó, sinh mạng nhỏ bé của nó sớm đã chẳng còn; nếu chó rừng mẹ không mạo hiểm với chính mạng sống của mình trước làn mưa tên đạn, nó đừng hòng trốn thoát khỏi tấm lưới ni lon săn chim chắc chắn; nếu chó rừng mẹ không cắn đứt hơn nữa cái đuôi của La La, nó sớm đã trở thành một con chó rừng hoang địa vị thấp hèn... Tất cả những chữ “nếu” ấy cộng lại, chẳng lẽ còn không đủ để nó vì chó rừng mẹ mà hi sinh một lần ư?

Cánh đồng tuyết lặng như tờ, im ắng một vẻ chết chóc. Đàn chó rừng bị hành động của Sách Đà làm cho kinh ngạc. Một chó đầu đàn trẻ tuổi tràn trề sức sống vì một con chó rừng cái thân già sức yếu mà đứng ra làm chó cảm tử, đây là chuyện kì lạ xưa nay chưa từng có trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, hoàn toàn không phù hợp với quy luật đào thải của sự sinh tồn. Thế nhưng, tình cảm sâu nặng và tình thương vượt qua cả sự sống chết mà hành vi hiếm gặp này thể hiện ra thì không chê trách vào đâu được.

Bốn con chó rừng đực ngừng áp sát vào chó rừng mẹ. La La Đuôi Ngắn xấu hổ vùi đầu trong tuyết. Mấy con chó rừng cái trẻ kêu lên thảm thiết.

Đàn chó rừng, vĩnh biệt!

Trong lòng Sách Đà hiểu rõ, dù cho nó có là chó đầu đàn sức lực dồi dào, săn mồi thuần thục, nhưng trực tiếp vật lộn với lợn rừng mẹ hung dữ trong khe đá chật hẹp thế này, cơ hội sống sót cũng vô cùng mong manh. Nó hít một hơi thật sâu. Nó cần phải bình tĩnh lại, để ý chí và sức lực đều tập trung vào móng vuốt trên bốn chân và hàm răng sắc nhọn. Nó đã tự nguyện thay chó rừng mẹ đi làm chó cảm tử thì không thể để mất phong độ và sự gan dạ của một chó đầu đàn. Nó không thể lãng phí sinh mạng quý giá của mình một cách vô ích. Trước khi bị cặp nanh lợn rừng cắn gãy cổ, nó nhất định phải lôi được con lợn ôn dịch ấy ra khỏi động!

Lợn rừng mẹ ở trong động rên lên căng thẳng. Sách Đà vươn vai, thu bụng, dồn trọng tâm của toàn thân về phía sau lưng, chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng trong đời.

Đúng vào khoảnh khắc lúc Sách Đà ngắm chuẩn khe đá, cong chân sau chuẩn bị dùng sức bật vào trong, đột nhiên, vai phải của nó bị xô mạnh một cái, toàn thân nghiêng về bên trái, nó đứng không vững ngã lăn ra, lộn hai vòng, lăn xa mấy bước ra khỏi cửa động.

Nó giận dữ trừng mắt nhìn quanh, trời, hóa ra là chó rừng mẹ xô ngã nó! Chó rừng mẹ đã thay nó đứng trước cửa Động Rèm Tuyết. Trông chó rừng mẹ hiên ngang, bộ lông rối bời dựng đứng lên một cách kì lạ, màu lông nhàn nhạt cũng đột nhiên trở nên lấp lánh, sinh mạng như được tử thần lau cho sáng bóng. Dưới nền tuyết trắng phau, chó rừng mẹ giống như một mảnh vỡ của mặt trời, một luồng hào quang từ trên cao rọi xuống.

“U...” chó rừng mẹ phát ra tiếng hú đau lòng xé ruột.

Không để Sách Đà kịp bò dậy, chó rừng mẹ liền chui vào trong khe đá như một ngọn lửa.

Con lợn rừng trong khe đá kêu gào ầm ĩ như bị lửa thiêu, tiếp đó từ bên trong phát ra những tiếng cắn xé kịch liệt, tiếng hú của chó rừng mẹ, tiếng rên của lợn rừng và tiếng hét hoảng sợ của lũ lợn rừng con hòa thành một bản giao hưởng có một không hai. Trong khe đá quá chật hẹp, Sách Đà chẳng thể chui vào giúp chó rừng mẹ một tay. Khe đá tối đen như mực, chẳng thể nhìn thấy gì, chỉ thấy thân sau của chó rừng mẹ xoay qua xoay lại trước cửa động. Chó rừng mẹ từng bước lùi ra ngoài, một dòng máu tanh từ trong khe thấm ra, nhuộm đỏ cả mảng tuyết lớn trước cửa động.

Cuối cùng, chó rừng mẹ cũng lôi được nửa thân trước của lợn rừng ra khỏi khe đá.

Trên mặt chó rừng mẹ bê bết máu, nửa tấm da đầu bị lợn rừng xé toạc, lộ ra xương sọ màu trắng xám. Một chân trước của chó rừng mẹ chọc vào mắt trái lợn rừng, con mắt lồi như quả cầu thủy tinh đung đưa trên không. Hai chân sau của chó rừng mẹ hết sức ghì chặt ra sau. Trên mặt lợn rừng máu me be bét, đưa một chân trước quặp lấy eo chó rừng mẹ, dồn toàn sức đưa cái mồm nhọn hoắt ra phía trước. Đột nhiên, răng nanh lợn rừng đâm trúng bụng chó rừng mẹ, cái đầu lợn lắc sang hai bên, roạt một tiếng cắn da bụng chó rừng mẹ rách ra một khoảng lớn, ruột gan trôi đầy xuống đất. Chó rừng mẹ đã chẳng còn hơi mà kêu lên nữa.

Có lẽ gió Bắc lạnh thấu xương và tuyết bay đầy trời ở bên ngoài đã khiến cho đầu óc đang nóng bừng bừng của lợn rừng bình tĩnh trở lại, có lẽ đàn chó rừng đỏ quạch bên ngoài động đã khiến nó ý thức được tình cảnh nguy hiểm của bản thân, có lẽ chó rừng mẹ máu đã sắp cạn, sức đã sắp tàn nên lực kéo ra bên ngoài giảm xuống, lợn rừng bỗng ngừng tiến lên phía trước, quay đầu ra sức rụt về phía sau. Chó rừng mẹ không giữ nổi, lại còn bị kéo lại vào trong khe đá.

Nếu để cho lợn rừng lôi lại vào trong khe đá, bao công lao của cả đàn đều sẽ xuống sông xuống biển, máu của chó rừng mẹ cũng sẽ chảy một cách vô ích. “U...u...”, đàn chó rừng đồng thanh tru lên. Có lẽ đây là đội cổ vũ bi tráng nhất trên thế giới. Chó rừng mẹ liều nốt chút sức lực cuối cùng, bật ra ngoài cửa khe đá, đưa cổ mình dâng lên trước cái mõm hôi mù của lợn rừng. Lợn rừng bất giác dùng răng nanh xọc mạnh vào cổ chó rừng mẹ, tạm thời dừng động tác lui vào trong hang. Chó rừng mẹ thừa cơ dùng chân trước còn lại chọc vào mắt phải của nó.

Cơn đau dữ dội khiến lợn rừng mất hết lí trí, hai mắt bị mù khiến nó không thể nhận rõ được phương hướng, thân thể nó chui ra khỏi hang, xông về phía chó rừng mẹ ngoạm lung tung.

Vào khoảnh khắc lợn rừng mẹ chui ra khỏi khe đá, Sách Đà nhanh nhẹn nhảy lên lưng nó, trổ hết những tuyệt chiêu sở trường và lợi hại nhất của chó rừng, đưa một bàn chân móng vuốt sắc nhọn vào hậu môn lợn rừng, ngoáy lộn trong gan ruột nó.

Con lợn ôn dịch đã đau đến mức không còn biết gì nữa rồi.

Đàn chó rừng reo mừng chiến thắng, mang niềm vui cuối cùng cũng được giải thoát khỏi cái đói, nhất tề xông lên. Dưới bầu trời xám xịt diễn ra một trận đồ sát điên cuồng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.