Chung Một Mái Nhà

Chương 3: Thổi bay



Có một thế giới nhỏ bé bình yên và tĩnh lặng, một khoảng trời xanh trong trẻo và trắng tinh. Trắng như trang giấy chưa bút mực nào vẽ lên, hay có thể trắng như tâm hồn của những đứa trẻ. Thảo luôn mơ ước được hòa mình cùng thế giới ấy, được ngắm nhìn đủ mọi gương mặt ngây ngô. Một thế giới chỉ có tiếng cười trẻ thơ, một thế giới mà cô đã từng quên lãng.

Không biết vì lí do nào đó mà mỗi khi đi qua trường mẫu giáo hay trại trẻ mồ côi, Thảo lại dừng chân ngắm nhìn tụi nhỏ nô đùa. Lúc ấy, cô tưởng chừng như không gian và thời gian lắng đọng lại. Cổng trường chính là bức tường cách biệt giữa hai thế giới. Một bên tràn ngập niềm vui thơ dại, một bên là những ràng buộc của cuộc sống quá bận rộn và khó khăn. Thảo đứng bên kia, chỉ có thể đi ngang qua, chỉ biết ở bên ngoài đứng nhìn, và, tự cảm thấy nỗi sầu trong lòng vơi đi chút ít. Đôi khi cô tự hỏi từ đâu mà tụi nhỏ lại có sức mạnh kì diệu như thế? Rồi từ đâu mà tụi nhỏ lại có thể đem đến cho người ta niềm tin và hi vọng? Chỉ vì chúng là trẻ con thôi sao?

Thảo buông vài câu hỏi mãi chẳng tồn tại đáp án hay sách báo nào giải thích, cô trở về nhà.

Mùa thu, bên đường những tán cây xào xạc, vài chiếc lá ngả vàng rủ nhau bay xuống đất. Một vòng luân hồi cứ đến rồi qua đi, xóa nhòa những kí ức đau thương trong quá khứ rồi lại thổi bay luôn niềm vui của hiện tại. Khi cánh cửa cũ khép lại tức là một cánh cửa khác mở ra hay tất cả đều là dấu chấm hết? Chẳng còn cơ hội nào cho một cô gái học hành hạng trung và nhan sắc tầm thường tới mức xấu xí. Thảo biết cô đang suy nghĩ quá bi quan về cuộc sống nhưng những gì trải qua làm cô không thể quên được. Hồ sơ xin việc của cô, tất thảy đều bị từ chối chỉ vì bảng thành tích kém đặc biệt và chiều cao khiêm tốn. Áp lực là chính gánh nặng cho gia đình, mỗi ngày đều nhìn thấy ba mẹ làm việc quần quật chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ bé, để chăm lo cho bữa ăn của cô là lòng cô lại trĩu nặng. Giờ đây, Thảo là một đứa thất nghiệp, một đứa vô dụng không hơn không kém…

Mái nhà ấm áp của Thảo đây rồi. Lang thang ngoài đường cả ngày rồi cũng phải trở về thôi. Về để thấy ánh mắt yêu thương và sự quan tâm mà bình thường cô không nhìn thấy được.

Góc sân nhà, một cậu bé đen nhẻm, bé xíu xiu như hạt đỗ đang ngồi nghịch đất. Thảo nhận ra nó chính là thằng Nhân - con trai dì Hòa. Nó quậy lắm, nghịch ngợm nữa, suốt ngày bị đòn roi mà không chừa. Kể cũng lạ, xong trận đòn thừa sống thiếu chết, nó lại lăn ra cười toe toét ngay được.

Rồi ba Thảo từ trong bếp nói vọng ra:

- Thảo, mày coi thằng quỷ con đó cho tao. Tao bận lát tao ra. Đừng để nó phá rồi tao xử cả hai đứa nghe chưa?

- Dạ!

Thảo dựng xe đạp sau nhà rồi chạy ù ra chơi với thằng Nhân. Nhân cười híp mắt, khoanh tay chào Thảo rất lễ phép rồi còn ôm cô tình cảm. Mới đầu, Thảo cứ nghĩ là nó đọc được suy nghĩ của mình, biết mình không vui mà nó an ủi, ai dè, nó lại bôi hết đất cát vừa vày dưới đất lên áo cô. Cái áo mới nguyên bị Nhân bôi bẩn khiến Thảo tức điên lên, cô toan tét mông Nhân vài cái nhưng lại nhìn nụ cười xin lỗi của nó mà không nỡ. Thảo xoa đầu thằng nhỏ cười xòa.

- Lần sau mày đừng hư như thế nghe chưa? Hư quá tao không cho mày kẹo bây giờ.

Thằng bé quýnh lên, túm áo Thảo mà đôi mắt ăn năn phát buồn cười. Nó lại khoanh tay trước ngực.

- Nhân xin lỗi. Nhân biết lỗi rồi, chị Thảo đừng giận Nhân nữa nghen!

- Thế có phải ngoan không!

Thảo vừa khen thằng Nhân được câu lại phát hiện thêm vài vết bẩn mới. Cô nhìn thằng bé, thằng bé cười ranh ma rồi chạy ra bờ ao.

- Chị Thảo lại thả thuyền giấy với Nhân đi! Chị qua xem Nhân gấp thuyền đẹp không nè!

Tuy tâm trạng Thảo bây giờ không được tốt. Cô chẳng muốn đi đâu cả, cô chỉ muốn yên tĩnh một mình. Nhưng rồi lại nghĩ đến Nhân, Thảo sợ thằng bé chơi gần ao nhỡ may té ra đấy thì khổ, rồi chẳng hiểu sao cô không thể nói lời từ chối với nó. Cô lại thong thả đến gần.

Nhìn chiếc thuyền giấy hình dạng méo mó mà còn hơi nhàu, rõ ràng là Nhân xếp thật, chắc là nó coi ai đó xếp đôi ba lần nên nhớ sơ sơ. Thảo cúi xuống chỉ thằng Nhân sửa lại đôi chỗ rồi hai đứa cùng nhau thả thuyền. Thảo vui vẻ, đẩy nước cho thuyền của Thảo bơi xa hơn, Nhân cũng chẳng kém, nó cầm đá ném ra sát chỗ thuyền cho sánh nước rồi thuyền Nhân lại vượt thuyền của Thảo một đoạn. Cứ thế, cứ thế, cuối cùng thuyền của hai đứa cùng đắm nước mà chìm. Thảo thở dài.

- Tiếc quá đi Nhân ơi!

- Chúng ta chơi trò khác nha chị Thảo.

Rồi Nhân lại kéo Thảo chơi “ú tim”. Thảo đi trốn, Nhân đi tìm, luân phiên như vậy, Thảo cũng quên mất nỗi buồn sâu thẳm trong lòng. Tiếng cười giòn tan của hai đứa không ngừng vang lên, tràn ngập không khí thanh bình của làng quê yên ả. Đang chơi rất vui vẻ, Nhân chạy vội rồi vấp đá mà ngã. Thảo nấp sau đống rơm vội vàng ra đỡ thằng bé dậy rồi bế lên hiên nhà.

Đầu gối Nhân bị sứt chảy máu, vậy mà nó chẳng khóc gì cả. Thảo nghĩ Nhân sợ Thảo lo lắng hoặc sợ bị Thảo mắng cho trận vì cái tội bợi chợi mà ngã nên nó không khóc, vậy mà không phải. Nhân nói với Thảo thế này.

- Nhân kể chị Thảo cái này hay cực! Mỗi khi chị ngã hay đau ở đâu ấy, chị cứ thổi phù phù vào vết thương, vậy là hết đau liền!

Thảo mỉm cười xoa đầu thằng nhỏ. Có lẽ ở một khoảnh khắc nào đó, cô chợt nhận ra ý nghĩa trong lời nói của Nhân. Tại sao cô không cho qua mọi thất vọng kia đi chứ, giữ lại chỉ thêm nặng lòng mà bản thân chẳng được lợi ích gì cả. Tại sao Thảo không thổi phù phù vào những vết thương lòng, dù da thịt không thể lành lặn như xưa thì ít nhất cũng còn đỡ hơn lúc này. Thảo không hề đơn độc. Bên cạnh cô vẫn luôn có gia đình. Chỉ cần mỗi ngày đều sống vui vẻ, ba mẹ cô nhất định sẽ rất vui lòng. Chẳng phải tất cả những việc cô làm chỉ vì họ thôi sao?

Giống như một đứa trẻ vậy, chúng nó lúc nào cũng có thể cười. Ba mẹ cho ăn đòn đau thật đấy mà chỉ vài phút sau, tụi nó lại quậy phá, xoảng nhau với đám nhóc hàng xóm được. Bởi vì trẻ con suy nghĩ bao giờ cũng lạc quan nên cuộc sống mới tràn ngập hạnh phúc. Bởi vì trẻ con luôn để cơn gió nhẹ thoảng qua, thổi bay đi vết thương và cả những giọt nước mắt…

"Cảm ơn Nhân nhé!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.