Bà nội Trương Gia Vũ qua đời không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước.
Sáng hôm đó, Trương Phong đi trực đêm vẫn chưa về, bà Ngô vẫn như thường lệ, chưa đến 5 giờ đã thức dậy rời giường đi chuẩn bị bữa sáng cho hai đứa cháu nôi. Trong bếp không có củi nên bà đi ra sân sau lấy củi đốt, trời mưa nên đường ướt trơn trượt, bà Ngô sơ ý ngã xuống đất, đập đầu vào bậc thềm xi măng, hôn mê bất tỉnh.
Anh em Trương Gia Vũ Trương Gia Như ngủ say hoàn toàn không hay biết, đến lúc phát hiện thì đã quá muộn.
Bác sĩ nói người bà bệnh nặng bệnh nhẹ đếm mười ngón tay không đủ, có thể kiên trì đến tuổi này đã là kỳ tích trong y học.
Trương Phong kinh ngạc không nói nên lời, mẹ mình ngày thường luôn vui vẻ bận trước bận sau, không hề rảnh rỗi một giây một phút, thằng con trai như ông lại vô tâm đ ến mức này, cứ nghĩ mẹ mình khỏe mạnh là điều đương nhiên, không ngờ vì để tiết kiệm tiền cho con trai mà bà cắn răng chịu đựng. Một người đàn ông cao lớn như ông ngồi trong hành lang bệnh viện khóc đến nước mắt nước mũi giàn giụa.
Trương Gia Vũ rơi vào việc tự trách bản thân vô hạn. Cậu cảm thấy cái chết của bà nội liên quan rất lớn đến mình, nếu không phải vì nấu bữa sáng cho mình và em gái thì bà nội không cần dậy sớm như thế, vậy thì sẽ không ngã, cũng sẽ không vì thế mà đột ngột rời xa họ. Thậm chí, cậu cũng không thể nói lời tạm biệt đàng hoàng với bà, nghĩ đến khoảnh khắc cuối đời của bà nội nằm một mình lạnh băng nơi sân sau chịu đựng bao đau đớn.
Đám tang bà Ngô trở thành một sự kiện lớn trong thôn lúc đó, vì bà tuổi tác đã cao nên xem như là một đám tang mừng (hỉ tang). Hàng xóm láng giềng xung quanh đều tự tụ tập nhau lại giúp đỡ công việc trong nhà. Phụ nữ thì đeo tạp dề ở sau bếp phụ rửa rau, nấu nướng, chuẩn bị cơm nước; đàn ông thì một số ở trong sân chơi mạt chược, đấu địa chủ, một số ở chỗ đào mộ giúp làm những công việc chuẩn bị cuối cùng; bên ngoài nhà dựng sân khấu mời mấy nghệ sĩ Tần xoang đến ca diễn trong ba đêm liên tục, tất cả bài hát đều là những bài mà khi sinh thời bà Ngô thích nghe.
Trương Phong và mấy anh chị em mặc áo tang quỳ gối trong linh đường, túc trực bên linh cửu hóa vàng cho mẹ, Trương Gia Vũ và em gái cùng những anh chị em họ cầm gậy dán giấy trắng quỳ gối sau lưng người lớn.
Ngày đưa tang, mấy cô của Trương Gia Vũ khóc thảm thiết, gần như được người khác dìu đi suốt cả quãng đường, một người cô khóc đến ngất xỉu, nhấn nhân trung rất lâu mới tỉnh lại.
Cô khóc rống lên: “Mẹ ơi, sao mẹ ra đi vội vàng như vậy, còn chưa được hưởng phúc ngày nào, con may quần áo mới mà mẹ còn chưa mặc mà…”
Trương Gia Vũ nghe những lời này thì không kiềm được nữa, nước mắt cậu không ngừng rơi xuống.
Ban nhạc tang lễ tấu những bản nhạc tang thương đến xé lòng, quan tài bà Ngô được người ta khiêng ra từ từ, giữa tiếng chiêng trống rung trời cùng những vòng hoa làm bạn, bà Ngô hoàn thành chuyến hành trình cuối cùng của cuộc đời mình.
Trương Phong dẫn con quỳ suốt đường đi, ông khóc cả quãng đường, ôm di ảnh người mẹ già, ông thẫn thờ ngây ngẩn hoàn thành toàn bộ lễ tang.
Bà Hoàng, bà Lưu, bà Chu, bà Ngưu cùng với mẹ tôi Vương Lị Lị đều đang bận rộn ở sau bếp, đám trẻ chúng tôi được người lớn sắp xếp ngồi chung một bàn nhưng không ai có tâm trạng ăn. Bà Ngô đối với chúng tôi tựa như bà nội ruột, nghĩ đến sau này không còn thấy được gương mặt tươi cười vui vẻ của bà, sẽ không bao giờ còn được ăn những bữa cơm bà nấu, nỗi buồn thương ập đến như nước lũ tràn bờ.
Không ai có thể chấp nhận được sự kiện bất ngờ ngoài ý muốn này, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc gần với cái chết như vậy. Tôi nhìn Trương Gia Vũ quỳ trước linh đường, dáng vẻ tiều tụy mà lòng cực kỳ khó chịu. Chỉ mấy ngày hôm trước, tôi còn vì việc cậu ấy cho mình leo cây mà canh cánh trong lòng, cảm thấy cậu ấy là người không giữ lời hứa, lại không biết ngày hôm đó với cậu ấy là ngày đau khổ và bất lực đến thế nào.
Tôi đi qua thử an ủi cậu ấy, lại phát hiện bất kỳ lời nói nào cũng trở nên nhạt nhẽo bất lực trước nỗi đau thương quá lớn.
Mắt Trương Gia Vũ sưng đỏ, người gầy đi rất nhiều, cậu ấy đã không ngủ giấc nào yên ổn trong suốt cả tuần lễ.
“Cậu muốn ăn chút gì trước không?”
Cậu ấy lắc đầu dứt khoát.
“Nếu bà nội biết cậu thành ra thế này sẽ rất buồn, bình thường bà thích nhìn cậu ăn uống ngấu nghiến.”
Trương Gia Vũ ngẩng lên nhìn di ảnh bà nội, trong bức ảnh đen trắng bà đang mỉm cười hiền từ, tựa như có thể nghe tiếng bà cằn nhằn quen thuộc: “Tiểu Vũ, mau ăn cơm đi, người là sắt cơm là thép, ăn nhiều mới có thể cao lớn lên!”
“Bà nội vất vả cả đời. Vốn dĩ bà có thể ở nhà bác cả an hưởng tuổi già, vì muốn chăm sóc bọn mình nên mới kiên quyết chuyển về đây, bà còn chưa được hưởng phúc một ngày, không thể chờ đến khi mình tốt nghiệp, chờ sau này mình… không còn cơ hội trả hiếu cho bà.” Nước mắt Trương Gia Vũ rơi xuống, bờ vai run rẩy, mặt hốc hác.
Tôi đưa tay nhẹ nhàng vỗ vai cậu, muốn dùng phương thức này an ủi cậu ấy chút ít.
Trương Gia Vũ càng khóc càng thê lương, nước mắt chảy xuống hòa nước mũi, cổ họng phát ra tiếng nghẹn ngào.
Tôi vô cùng đau lòng, vô cùng khổ sở, vỗ vỗ vai mình, bảo Trương Gia Vũ dựa vào: “Bà nội lên trời hưởng phúc, ngày thường cậu đã rất hiếu thảo rồi, bà cũng nhìn ra được mà.”
Trương Gia Vũ hít mũi, nước mắt rơi xuống vai tôi lành lạnh ẩm ướt.
“Thái Anh à! Bà đâu rồi? Mau lại xem áo len tôi đan thế nào này?” Bà nội tôi đột nhiên xuất hiện, tay cầm chiếc áo len đan dở, ngơ ngác nhìn mọi người đang ăn tiệc. Bà hoàn toàn không hay biết chuyện người bạn già mình đã mất, thậm chí còn không hiểu tình hình hiện giờ.
“Mấy đám trẻ này, không lo làm việc đàng hoàng mà tụ tập đây xem náo nhiệt cái gì?”
Nhìn thấy người nhà họ Trương mặc áo tang, bà nội lặng lẽ hỏi người bên cạnh: “Ai chết vậy?”
Mẹ tôi đang đeo tạp dề bận rộn sau bếp vội lao ra, nắm tay bà nội dẫn ra cửa: “Mẹ, sao mẹ lại ra ngoài một mình vậy?”
“Mẹ tìm Thái Anh hỏi xem áo len này đan đúng chưa, bà ấy đâu rồi?”
Mẹ tôi nói dối: “Dì đi về bên nhà bác cả con của dì rồi, một thời gian nữa mới về, mẹ về nhà ở yên đó đợi nhé, đừng đi lung tung ra ngoài, bên ngoài nhiều người xấu nguy hiểm lắm.”
Bà nội trí óc không minh mẫn dễ dàng tin lời mẹ nói, ôm áo len kia ngoan ngoãn về nhà, miệng còn trách móc: “Cái bà Thái Anh này, về cũng không nói với ta một tiếng.”
Lúc này tôi chợt thấy may mắn, may mà bà nội có thể sống trong thế giới nhỏ bé không có đau buồn đó của bà, không phải nếm trả nỗi buồn người chị em tốt của mình đột nhiên qua đời.
Trong đám tang còn xuất hiện một người, Viên Phương. Cô ấy bận rộn trước sau, luôn giúp đỡ trông nom việc lớn việc nhỏ trong nhà, còn để tang cho bà Ngô.
Viên Phương là người phụ nữ đảm đang, sau khi bà Ngô qua đời bà đã gánh vác một nửa trách nhiệm của bà chủ gia đình. Mỗi ngày bà đạp xe đến chuẩn bị bữa ăn cho ba cha con Trương Phong, quét tước sạch sẽ trong ngoài, làm xong thì đạp xe về ký túc xá. Cứ thế mặc gió mặc mưa, kéo dài hơn hai tháng, hàng xóm láng giềng đều bị bà làm cảm động, đùa giỡn trêu Trương Phong khi nào thì cưới người ta vào cửa, đỡ phải vất vả tới lui.
Từ lâu Trương Phong đã muốn cưới Viên Phương về nhưng mẹ già mới qua đời, hai đứa nhỏ lại không tỏ thái độ rõ ràng, ông không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Một đêm nọ, sau khi tan sở, Trương Phong gọi hai đứa con lại, thấp thỏm dò hỏi ý kiến bọn trẻ, nếu con không đồng ý thì ông tuyệt đối không tính đến chuyện hôn nhân.
Ban đầu Trương Gia Như rất bài xích người phụ nữ xa lạ này. Mỗi lần bà ấy đến nhà nấu cơm, Trương Gia Như đều tỏ thái độ hờ hững, không gọi cả một tiếng dì. Nhưng Viên Phương là một người rất kiên nhẫn, bà biết mình không dễ dàng được chấp nhận, cũng không ép buộc, chỉ dùng hết sức mình, chân thành đối đãi. Thời gian qua dần, Trương Gia Như bị hành động Viên Phương cảm hóa, không còn quá mức bài xích người phụ nữ này, thậm chí còn sẵn lòng chia sẻ vài bí mật nhỏ giữa phụ nữ với nhau.
Viên Phương tinh ý biết Trương Gia Như đang dậy thì nên đưa cô bé đến cửa hàng đồ lót chọn quần áo, dẫn cô bé đi dạo phố, dạy những vấn đề thường thức mà con gái cần chú ý, những chuyện đó người làm cha như Trương Phong không chú ý, thậm chí chưa từng nghĩ đến.
“Tiểu Vũ, Tiểu Như, ba không muốn nói quanh co lòng vòng với các con, hai con cảm thấy dì Viên thế nào?”
Trương Gia Như nhìn anh trai, phát hiện anh vẫn vẻ mặt bình tĩnh không liên quan đến mình, hơi sốt ruột: “Ba, ba thật tình thích dì Viên sao?”
Trương Phong không ngờ con gái thẳng thắn hơn cả mình, tuy xấu hổ phải thừa nhận trước mặt con nhưng sự thật là vậy, ông thích sự tấm lòng lương thiện, năng lực của Viên Phương, đặc biệt là bà xem hai đứa nhỏ như con mình mà chăm sóc, còn chu đáo hơn cả người làm cha như ông.
“Ừ.” Trương Phong gật đầu.
Trương Gia Như dựa vào lưng ghế, mỉm cười: “Vậy thì con không có ý kiến, dù sao thì người sống cùng dì Viên là ba, sau này con với anh đều ra ngoài kiếm sống.”
Trương Phong cảm kích nhìn con gái, rồi lại hỏi con trai: “Tiểu Vũ thì sao? Con nghĩ thế nào?”
Trương Gia Vũ: “Con rất thích dì Viên, cũng tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của ba.”
Trương Phong mừng muốn khóc, cảm động và biết ơn nhìn hai đứa con hiểu chuyện của mình, tự thề sẽ nỗ lực làm việc, tạo điều kiện sống tốt hơn cho các con.
“Vậy ba định khi nào thì cưới dì Viên?” Trương Gia Như lém lỉnh trêu ba.
Trương Phong ngượng ngùng cười cười: “Chờ qua Tết đi, mùa xuân sang năm đưa dì Viên về sống cùng chúng ta.”
“Chà! Lâu vậy à, bây giờ mỗi ngày dì Viên chạy tới chạy lui rất bất tiện, ba dứt khoát cưới ngay đi, đừng kéo dài sang năm, lỡ bị người khác cướp mất thì sao?”
Người ta nói con gái là áo bông nhỏ tri kỷ của cha, Trương Gia Như, chiếc áo bông nhỏ này lo lắng cho việc của đời của cha mình, lôi cuốn lịch vạn niên ra xem ngày tốt giúp ba, ngay cả phòng cưới nên sắp xếp thế nào, đám cưới cần mời ai, ngày cưới ba nên mặc gì, để tóc thế nào đều cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhưng Viên Phương là người cực kỳ tiết kiệm, hơn nữa hai người đều kết hôn lần hai, dứt khoát lược bỏ những nghi thức cưới xin rườm rà. Bà không quan tâm v ật chất, không bận tâm điều kiện bên ngoài, chỉ quan tâm người sẽ cùng bà đi hết quãng đời còn lại, hai người ở bên nhau chân thành, sống ổn định bên nhau là tốt nhất.
Vào một ngày tuyết rơi, Trương Phong thuê một chiếc ô tô, dẫn con trai con gái đến chỗ ở của Viên Phương, đưa đồ đạc bà về nhà. Mấy người tề tựu bên nhau ăn một bữa cơm đoàn viên, thế là xem như người một nhà.