Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 43: 43: Sương Sáo




Hôm nay con cháu sẽ về thế nên Lý thị thu xếp cơm sáng với tinh thần phấn chấn, Đào Tam gia cũng quét sân những ba lần.
Sau khi ăn cơm sáng Đào Tam gia không ra ngoài đi dạo nữa mà lấy đống sọt tre chưa đan xong ra tiếp tục đan.
Lý thị trực tiếp dọn một băng ghế ra ngồi dưới gốc cây lê để đóng đế giày.

Có phụ nhân đi qua bà sẽ chủ động nói chuyện với người ta vài câu.

Nội dung đương nhiên sẽ không có gì mới mẻ, toàn là khen con cháu nhà người khác tốt, nghe lời hiểu chuyện sau đó nhân tiện khen mấy đứa nhóc nghịch ngợm nhà mình.
Nhà lão nhị có thể trở về kịp bữa trưa thế nên Lý thị canh thời gian thấy cũng gần trưa thì đứng dậy vào bếp làm cơm trưa.
Cả nhà lão nhị vào đến thôn là Nhị Bảo và Tứ Bảo đã vội vàng chạy phía trước, Trường Quý và vợ thì đi phía sau.
Còn cách thật xa Nhị Bảo và Tứ Bảo đã gào về phía sân nhà mình: “Ông nội, bà nội, bọn cháu về rồi!”
Đào Tam gia như có thuận phong nhĩ, chỉ cần loáng thoáng nghe thấy giọng của cháu nhà mình là đã biết.

Ông vội buông sọt tre đứng dậy một lát mới lại ngồi xuống gọi với vào bếp.
Tay Lý thị vẫn còn dính bột đã cười tủm tỉm chạy ra, “Đã về rồi à?”
“Nhà lão nhị đã về rồi kìa! Bà ra xem sao!” Đào Tam gia giả bộ trấn tĩnh và tiếp tục đan sọt.
Lý thị vội vàng đi ra ngoài viện nhìn con đường nhỏ trong thôn quả nhiên thấy Nhị Bảo và Tứ Bảo đang nhảy nhót về hướng này như hai con khỉ con.
“Ai u, chạy chậm một chút, có khác gì con lừa hoang không cơ chứ!” Lý thị vội đi lên đón, vừa vười vừa mắng.
“Bà nội, bọn cháu về rồi!” Nhị Bảo nắm tay Lý thị vui vẻ ồn ào.
“Bà nội, cháu rất nhớ bà nhé!” Tứ Bảo ôm chân Lý thị làm nũng.
Lý thị rơi nước mắt lã chã, bà vội vén tạp dề lên lau nước mắt rồi vừa cười vừa xoa mặt hai đứa nhỏ, “Trở về là tốt rồi, giữa trưa bà nội làm món ngon cho hai đứa!”
Mặt Nhị Bảo và Tứ Bảo dính bột nhưng hai đứa vẫn vui vẻ hoan hô và chạy vào trong viện.


Lý thị đi phía sau nói, “Chạy chậm thôi! Hai thằng quỷ con!”
Trường Quý và Trương thị cũng theo vào sân đã thấy Nhị Bảo và Tứ Bảo đang dính lấy Đào Tam gia làm nũng, Lý thị thì đứng ở một bên lau nước mắt.
Đào Tam gia nói với Trường Quý và Trương thị: “Đi xa cũng mệt rồi, nghỉ ngơi một lát đi, để nương mấy đứa làm cơm trưa xong sẽ gọi!”
Trường Quý vâng một tiếng rồi hai vợ chồng trở về phòng thay quần áo.
“Lão bà tử, bà còn không đi làm cơm đi thì giữa trưa cả nhà ăn nước mắt của bà à?” Đào Tam gia cười nói.
Lý thị trợn trắng mắt, kỳ thật phải nói là lườm một cái mới đúng, sau đó bà mới xoay người đi vào bếp.
Trường Quý và Trương thị thay quần áo xong cũng đi ra, Trường Quý ngồi cạnh Đào tam gia nói chuyện còn Trương thị lập tức tới nhà bếp hỗ trợ nấu cơm.
“Nương, để con nhóm lửa!” Trương thị đứng trước bếp nói với Lý thị.
“Không phải đã bảo hai đứa nghỉ ngơi rồi sao?” Lý thị nói.
“Cũng có mệt gì đâu, có gì mà nghỉ!” Trương thị kéo Lý thị qua một bên còn mình đặt mông ngồi lên ghế nhỏ trước bếp và lấy củi lửa bỏ vào trong bếp.
Lý thị vỗ vỗ tro bụi và nói: “Vậy thì tốt, con canh lửa để ta xào rau!”
Giữa trưa có cơm gạo trắng với thịt khô và trứng gà.
Lý thị không ngừng gắp thịt khô cho Nhị Bảo và Tứ Bảo.

Nhị Bảo thấy thế lại gắp bỏ vào bát cho ông bà nội và nói, “Ông nội, bà nội cũng ăn đi, mấy ngày nay ở nhà ông bà ngoại tụi cháu cũng ăn thịt rồi!”
Tứ Bảo cũng gắp thịt trong bát của mình cho Đào Tam gia và Lý thị.
Ông bà gắp cho hai đứa, rồi hai đứa lại gắp cho ông bà, cứ thế qua lại có mấy miếng thịt rơi xuống bàn.
“Cha, nương, bọn nhỏ cũng muốn bày tỏ lòng hiếu thảo, các ngài ăn đi thôi, đừng gắp tới lui nữa rớt hết ra bàn rồi.” Trường Quý nói.
“Được, không gắp, không gắp.” Đào Tam gia vui vẻ bỏ thịt khô vào miệng.
Lý thị cũng không gắp thịt cho cháu nữa, người một nhà lại khôi phục tiết tấu ăn cơm ngày thường.

“Nương, ngài để cái gì trong sân đó, còn đậy cái sàng lên nữa!” Trương thị hỏi.
“Ta và cha mấy đứa mài chút khoai lang đỏ chờ mấy đứa về làm sương sáo.” Lý thị nói.
“Sao không đợi bọn con về lại mài, cha và nương mài nhiều như thế thì mệt chết!” Trương thị nói.
“Có chút khoai lang đỏ ấy thì mệt gì đâu, ta và cha bây cũng nhàn không có việc gì nên mài một chút để làm sương sáo cho cháu của ta ăn!” Lý thị vui vẻ nói.
Nhị Bảo và Tứ Bảo vừa nghe nói có sương sáo ăn thế là đôi mắt cười thành trăng non.
Trương thị đứng dậy thêm cơm cho Đào Tam gia và Lý thị.

Lúc này Lý thị nói: “Nhà mẹ đẻ của vợ lão đại xa nên bọn họ về cũng muộn hơn.

Buổi chiều chúng ta làm sương sáo, đợi bọn họ về là có ăn.”
Trương thị gật đầu.
Sau khi ăn xong Lý thị và Trương thị bắt đầu vội vàng chuyện làm sương sáo khoai lang đỏ.
Bỏ cái sàng ra thì thấy bột khoai lang trong thùng gỗ đã lắng xuống.

Lý thị và Trương thị đỡ thùng gỗ và cẩn thận gạn nước bên trên đi, phần màu trắng bên dưới chính là bột khoai lang đỏ.

Lý thị dùng thìa cạo nó lên bỏ trên sàng phơi khô.

Trương thị thì cầm một cái chậu bỏ chút bột khoai lang vào và ngâm với nước trong, đây là chuẩn bị để tối làm sương sáo.
Mẹ chồng nàng dâu phân công nhau làm việc, Lý thị ra vườn cắt hành, Trương thị ở nhà lột tỏi.


Sương sáo ăn ngon hay không quan trọng nhất là tỏi và sa tế.

Loại tỏi tép nhỏ này bóc khó, nhưng ăn rất thơm, sa tế trong nhà cũng không còn nhiều nên phải làm thêm một chút.
Lý thị rửa sạch hành hái được sau đó lại qua nhà Đại Tần thị hái chút hoa tiêu.

Ở vườn sau nhà Đại Tần thị có một cây hoa tiêu, mấy năm trước Đào Ngũ gia đào từ trong núi về trồng.

Hạt tiêu của cái cây này tuy nhỏ nhưng đủ cay.
Trương thị lột xong tỏi lại bỏ vào một cái lon sắt giã nhuyễn.

Chờ Lý thị hái hoa tiêu về nàng ta bắt đầu làm sa tế.

Dầu hạt cải chậm rãi nóng lên trong nồi, tạp chất trong dầu lắng xuống đáy nồi, bên trên nổi một tầng bọt.

Khi dầu nóng lên thì bọt cũng dần tản ra, chờ tới khi bọt tan hết là có thể múc ra bình đựng sa tế.
Trong bình đựng sa tế đã có sẵn bột ớt, hoa tiêu và tỏi nhuyễn cùng chút hạt vừng.

Vừa đổ dầu nóng vào đã có tiếng xèo xèo vang lên, dùng đũa chậm rãi quấy sẽ có mùi sa tế thơm nức bay ra.
Gia vị ăn sương sáo đều đã chuẩn bị xong, việc tiếp theo chính là làm sương sáo.

Trương thị vẫn phụ trách nhóm lửa vì nàng ta có kỹ thuật điều chỉnh lửa tốt.

Lý thị cho nước vào ngập nửa nồi sau đó quấy bột khoai lang trong chậu thành thứ nước màu trắng đục.


Chờ nước trong nồi sôi bà chậm rãi đổ nước khoai lang vào và dùng gậy cán bột quấy.
Hỗn hợp trong nồi dần sền sệt, cuối cùng biến thành một thứ như hồ nhão.

Lý thị nhấc gậy cán bột lên nhìn bột dính trên gậy thấy được rồi thế là nhanh chóng bảo Trương thị ngừng nhóm lửa sau đó xoay người mang thìa và âu tới múc bột ra.
Hai âu bột lớn nguội là thành sương sáo.

Món sương sáo khoai lang đỏ có màu hơi thâm, không giống màu trắng của sương sáo làm từ đậu Hà Lan nhưng vị mềm mại hơn.
Làm xong sương sáo Trương thị lại thu gom quần áo bẩn trong nhà mang ra bờ sông giặt.

Lý thị thì dọn băng ghế ra ngồi dưới cây lê trong viện đóng đế giày chờ nhà lão đại về.
Đào Tam gia thì tiếp tục đan sọt, Nhị Bảo và Tứ Bảo đã sớm chạy đến cửa thôn chờ.
Lý thị đánh giá quá cao sự khống chế của mình, vừa nghe tiếng Đại Bảo và Tam Bảo từ xa truyền tới là bà lại đỏ hốc mắt.

Chỉ thấy Đại Bảo chạy ở đằng trước, phía sau là ba thằng nhóc thối, đi sau cùng là Nữu Nữu cũng đang cố vung đôi chân ngắn ngủn mà chạy.
Lý thị quay về phía Đào Tam gia và gọi: “Lão nhân, nhà lão đại đã trở lại!”
Đào Tam gia lười nhác trả lời: “Nghe thấy rồi, bà gào cái gì!”
Lý thị buông đế giày và chạy ra đón cháu.
“Ai ui, ai ui, mấy con chó con của bà, bà nhớ tụi bây chết mất!” Lý thị ôm từng đứa một sau đó bế Nữu Nữu lên hôn lấy hôn để.
Bốn tên nhóc túm lấy quần áo bà nội cực kỳ thân mật cọ.

Lý thị cứ thế ôm Nữu Nữu và kéo theo một đàn khỉ con đi về nhà.

Trong lòng bà nghĩ lần sau để con dâu về lần lượt thôi, lần này để hai nhà cùng đi, mang hết cả cháu theo khiến nhà cửa trống vắng thật khó chịu..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.