Tháng ba Dương Châu, hoa lê điểm trắng, cành liễu xanh non, cả thành trấn ngập tràn sắc xuân.
Bên đình Trác phủ, trong tòa lầu Minh Nguyệt, đối diện với vườn hoa lê trắng muốt. Nhìn xuyên qua ánh sáng từ ô cửa sổ, thấy một vị công tử tuấn dật trẻ tuổi mặc một bộ xiêm y trắng tuyết, đang đứng mở một cái bọc đồ đặt trên bàn.
Lớp vải thô màu lam vừa tháo ra, đập vào mắt hắn là một cây đàn cầm cổ.
Cây đàn ước chừng dài khoảng ba thước sáu tấc năm, rộng chừng sáu tấc, độ dày hai tấc. Đàn được chế tác theo khuôn mẫu chim phượng. Mặt đàn làm bằng gỗ cây Đồng, toàn thân đen sẫm, sáng bóng như gương, ẩn hiện bên trong lớp hoa văn tường vân (mây lành). Lưng đàn có khắc hai hàng chữ chìm bằng vàng theo lối chữ Lệ: “Hoa sơn chi đồng, chước kỳ hình hề, băng tuyết chi ti, tuyên kỳ thanh hề”* (Tạm dịch: Ngô đồng Hoa Sơn, bạt đi vẻ ngoài, dây tơ thanh khiết, vang tiếng đi xa). Cây đàn này, xét theo hình dáng mà nói, toàn thân đều ngập ý vị. Công tử áo trắng vừa nhìn thấy liền tán thưởng, tiện tay khảy nhẹ một cái, lắng nghe thử âm hưởng của dây đàn.
Sau khi khẽ khảy xong, bảy dây dàn rung rinh rung rinh, nhưng tuyệt nhiên không phát ra bất kỳ âm thanh nào. Công tử áo trắng ngẩn ra. Một lát sau, tựa hồ không tin vào thính lực của mình, hắn lại khảy thử dây đàn một lần nữa. Kết quả vẫn vậy, dây rung đàn câm. Bấy giờ hắn mới kinh ngạc.
“Trác công tử, đàn này trông rất tốt nhưng tại sao khi khảy lại không lên tiếng? Ngài nói xem chuyện này là như thế nào?”
Người nói là một người đàn ông đứng tuổi, dáng người tròn béo, vẻ mặt nghi ngờ khó hiểu.
Trác công tử không đáp mà hỏi ngược lại: “Không biết chưởng quỹ tìm được cây đàn cầm này ở đâu?”
“Đấy là di vật của một ông lão để ở trọ của khách điếm tiểu nhân. Ông ta là một người xa xứ, nay tuổi tác đã cao nên muốn tìm về quê cũ. Nào ngờ trên đường xuống Dương Châu, thì đột ngột ngã bệnh, cuối cùng phải chết tha hương trong khách điếm. Khi tiểu nhân kiểm tra bọc hành lý của ông ấy, không thấy có thứ gì đáng giá cả. Ngoại trừ hai bộ quần áo để thay đổi, cũng chỉ có mỗi cây đàn cầm này. Tiểu nhân định đem bán nó để giúp ông ta thu xếp hậu sự. Nào ngờ đàn này lại không khảy ra tiếng. Được biết Trác công tử là một người am hiểu rất sâu về cầm đạo trong thành Dương Châu này. Cho nên tiểu nhân mới mạo muội đến đây, mong Trác công tử giám định cây đàn cầm này, xem nó đáng giá mấy lượng bạc?”
“Cầm quý ở âm sắc, không có âm sắc xem như mất đi ý vị. Cây đàn cầm này không âm không vị. Nếu hỏi đáng giá bao nhiêu, quả thực còn kém hơn cả cành khô gỗ mục. Có điều…” Trác công tử lại khảy nhẹ dây đàn, do dự: “Bảy dây đàn đều hoàn hảo, nhưng lại không phát ra âm. Cây đàn cầm này..... Thật có chút kỳ lạ.”
Chu chưởng quỹ thất vọng: “Theo như lời nói của Trác công tử, cây cầm này không đáng một xu. Tiểu nhân còn tính dùng nó đổi mấy lượng bạc giúp ông lão kia làm một tang sự đàng hoàng. Xem ra chỉ đành có thể chôn cất qua loa mà thôi.”
“Chu chưởng quỹ, ông là người có tâm. Thôi thì mười lượng bạc này đưa cho ông, xem như ta mua lại cây cầm này. Dẫu sao người ta đã là lá rụng về cội, phải chết xa quê như thế cũng thật đáng buồn. Ông chuẩn bị giúp ông ấy một cỗ quan tài tốt một chút, đừng vội vàng an táng mà hãy tạm gửi đến nghĩa trang ở phía nam thành đi. Lỡ như có người nhà của ông ấy tìm đến, cũng dễ dàng vận chuyển linh cữu về quê.”
“Vâng vâng, Trác công tử quả thật tốt bụng. Tiểu nhân thay mặt ông ấy tạ ơn ngài.”
Chu chưởng quỹ cảm ơn rối rít rồi vội vàng rời đi. Trác công tử một mình quay lại nhìn cây đàn cầm trên bàn, vẻ mặt trầm tư.
Lúc này, có một gã sai vặt áo xanh gõ cửa nói vào: “Bẩm công tử, Ân công tử đã tới.”
Trác công tử nghe vậy liền vui mừng: “Mau mời người vào.”
Một người thanh niên cầm thanh trường kiếm, thân hình cao ngất bước hiên ngang vào nhà. Cả người đầy bụi bặm, có thể thấy là do đi bôn ba vạn dặm mới về. Nhưng đôi mắt vẫn sáng trong như cũ, không hề có một chút sắc thái mỏi mệt nào.
Trác công tử nghênh đón: “Nhược Dương, huynh nói đi quan ngoại một thời gian. Thế mà vừa đi là đi hơn nửa năm, cuối cùng cũng còn biết quay về Dương Châu sao?”
“Thiếu chút nữa là ta cũng không định trở lại rồi. Cát sa mạc ở đấy nhiều như biển, phong cảnh hùng vĩ tráng lệ. Khó trách từ xưa luôn có nhiều anh hùng hào kiệt sinh ra tại quan ngoại. Quả nhiên là đất mạnh tạo người hùng, đất nhất phẩm nuôi dưỡng những con người nhất phẩm. Không giống như Giang Nam ngói đen tường trắng, non xanh nước biếc, linh khí có thừa, hào khí lại thiếu hụt. Rất hiếm gặp một tráng sĩ dũng mãnh khẳng khái ở đây.”
Trác công tử tán thành: “Phong cảnh hai bên đều tuyệt đẹp diệu kỳ nhưng phong khí lại khác xa. Cho nên mới có người nói, Giang Nam nhiều tài tử, Tắc Bắc sinh thánh nhân.”
Gã sai vặt áo xanh đến dâng trà. Ân Nhược Dương cầm một ly uống một ngụm, ánh mắt thoáng nhìn sang chiếc đàn cầm trên bàn: “Ồ, Trác đại tài tử lại mua thêm một cây cầm mới à? Huynh đúng thật là kẻ yêu cầm như mạng, chỉ cần thấy đàn cầm tốt liền vội vã mua về. Trong tòa lầu Minh Nguyệt này, huynh đã tàng trữ bao nhiêu cây cầm rồi hả?”
“Nhược Dương, cây đàn này không phải đàn cầm tốt. Huynh nghe đi.” Trác công tử khảy nhẹ dây đàn.
“Tại sao......tại sao lại không phát ra tiếng nào?” Ân Nhược Dương kinh ngạc, hắn đặt ly trà xuống, bước đến khảy thử một cái. Hắn tập võ từ bé, từng ngón tay đều có lực nhất định. Khi hắn khẽ khảy, dây đàn run nhẹ như tơ nhện trước gió, nhưng vẫn lặng im không phát bất kỳ tiếng vang nào.
“Dật Phi, thế này là sao?” Ân Nhược Dương không am hiểu lắm về cầm, chỉ có thể hỏi vị bằng hữu rất thông thạo về cầm đang đứng ở bên cạnh mình.
Trác Dật Phi khẽ lắc đầu: “Ta cũng không rõ. Lần đầu tiên khi nhìn thấy cây đàn cầm câm này. Từ dây cung đến khung cầm đều được làm bằng nguyên liệu tốt. Thế nhưng dù ta dùng bất kỳ cách nào cũng đều không thể khảy ra thành tiếng.”
“Thế huynh đã mua nó ở đâu?”
Trác Dật Phi kể lại chân tướng sự việc cho bạn tốt nghe. Ân Nhược Dương nghe xong nhướng mày: “Một ông lão chết tha hương trong khách điếm lại giữ một cây đàn cầm kỳ lạ như vậy. Dật Phi, ta cảm thấy cây đàn cầm này lai lịch không rõ ràng. Hơn nữa trông rất cổ quái. Huynh đừng giữ lại nó.”
Trác Dật Phi không đồng ý, cười nói: “Chẳng qua chỉ là một cây cầm câm. Nhược Dương, huynh lo lắng thái quá rồi.”
Ân Nhược Dương muốn nói thêm nữa, bỗng nghe thấy cửa phòng có người gõ nhẹ, ngay sau đó cánh cửa đã mở ra. Người bên ngoài còn chưa bước đến đã ngửi thấy mùi hương lan nồng nàn lan tỏa trong không trung. Hắn bất giác quên mất những lời định nói bên miệng, nương theo mùi hương trông sang chỉ thấy có một thiếu nữ thanh xuân đang đứng tựa cánh cửa. Khuôn mặt nàng đẹp như tranh vẽ, vóc người thon thả, gọn gàng, trên người mang bộ trang sức trang nhã. Đôi mắt nàng khẽ đảo nhìn xung quanh, đồng tử đen láy lấp lánh tựa vì sao.
“Biểu ca! Ơ, Ân công tử cũng ở đây à?”
Thấy có khách lạ đứng trong phòng, thiếu nữ tựa hồ hơi thẹn thùng. Nàng khẽ lùi nửa bước, nghiêng người tựa cửa, cúi đầu xoắn tấm khăn tay. Hai gò má nàng ửng hồng.
“Xuân Nùng, muội vào đi! Muội cũng đã gặp Nhược Dương rồi, cứ gọi là Ân đại ca đi. Đừng cứ mãi công tử, công tử nữa.”
Xuân Nùng nghe lời sửa lại: “Ân đại ca.” Rồi cong người, hành lễ chào.
“Ân Nhược Dương, biểu muội ta cũng đã gọi huynh là đại ca rồi. Huynh vẫn gọi là Liễu tiểu thư làm gì. Cứ thoải mái gọi là Liễu tiểu muội là được rồi.”
Ân Nhược Dương vẫn không chịu sửa miệng, quay sang nói: “Dật Phi, khi ta về Dương Châu liền đến thăm nhà huynh trước tiên. Giờ ta phải trở về nhà mình rồi. Ngày khác ta lại đến bái phỏng.”
“Được rồi, huynh cứ về trước đi. Huynh đã đi hơn nửa năm, Ân bá mẫu cũng lo lắng lắm! Ta cũng không cố giữ huynh lại nữa.”
Sau khi Ân Nhược Dương rời đi, Trác Dật Phi bước đến bên cạnh Liễu Xuân Nùng, kéo xiêm y của nàng lên, nói: “Tuy rằng bây giờ đang tháng Ba, thế nhưng rét Xuân vẫn chưa hết. Tại sao muội lại giảm bớt xiêm y trên người? Nếu như lỡ nhiễm bệnh phong hàn lại phải tiếp tục uống thuốc của đại phu à?”
“Biểu ca nói phải, muội sẽ quay về phòng mặc thêm áo.”
———-
Chú thích:
(1) Tấc: đơn vị đo chiều dài, 10 phân là 1 tấc, 10 tấc là 1 thước TQ
(2) Lối chữ lệ: Loại chữ thông dụng thời Hán
(3) Quan ngoại: vùng đất phía đông Sơn Hải Quan hoặc vùng đất phía tây Gia Cốc Quan, Trung Quốc